Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Lễ Đức Mẹ Ma-ri-a - Mẹ Thiên Chúa

Ngày 1 tháng 1

LỄ ĐỨC MẸ MA-RI-A - MẸ THIÊN CHÚA
 
 

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.

Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

Anh chị em thân mến,
Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.

1.   Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.

Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mes-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ.

Đức Chúa Giê-su là Đấng mà thánh Gioan Tiền Hô đã nói:“Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi” (Ga 1, 30b), cũng có nghĩa là với bản tính loài người Đức Chúa Giê-su sinh sau thánh Gioan Tiền Hô, nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài đã có trước thánh Gioan Tiền Hô. Và như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết:“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1, 1) ngài đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời tức là Thiên Chúa.

Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.

2.   Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa

Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.

Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo:“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết:“Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)

3.   Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta

Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại:“Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ (thánh Gioan tông đồ):“Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.

Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc đồng công cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Lễ Thánh Gia Thất

LỄ THÁNH GIA THẤT
 
 


Tin mừng : Mt 2, 13-15. 19-23.

“Hãy đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai Cập”.

Anh chị em thân mến,
Lễ Thánh Gia Thất có một ý nghĩa đặc biệt, xét theo ngày tháng của năm phụng vụ thì nó được tiếp tục mừng theo sau lễ giáng sinh, để cho chúng ta, đang khi tâm hồn còn đang tràn ngập niềm vui lễ giáng sinh, thì cũng hiểu được ý nghĩa hạnh phúc gia đình.

Hang đá vẫn còn đó trước mặt chúng ta, nhìn vào hang đá chúng ta thấy Đc Chúa Giê-su, Đức Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se, thật đẹp với những ánh đèn nhấp nháy rực rỡ, nói lên tâm trạng vui mừng của nhân loại đang đón ngày hồng ân của Thiên Chúa.

Nhìn vào hang đá cũng như mọi năm, chúng ta học được điều gì ? Có người học được cách làm hang đá mỗi năm mỗi kiểu khác nhau; có người học được cách trang trí đèn màu cho phù hợp với khung cảnh của hang đá; có người học được cách thiết kế bố trí các nhân vật trong hang đá sao cho thực tế... 

Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi, nhìn vào hang đá chúng ta phải thấy và phải học cho bằng được cái cao hơn kỹ thuật làm hang đá, đó là đức khiêm tốn của những con người trong hang đá khó nghèo ấy: thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su Hài Đồng. Cả trời đất đang ở trong hang đá ấy, cả thiên đàng đang ở cả trong hang đá ấy, cả khung trời tình yêu đang ở trong hang đá ấy, khiêm tốn cùng cực để con người được hưởng ơn cứu độ.

Sự khiêm tốn của Thánh Gia Thất trong hang đá là nền tảng hạnh phúc của mọi gia đình trên thế gian, khi mà nền tảng gia đình trên thế giới ngày càng có nguy cơ tan vỡ, thì chính nơi hang đá này, ánh sáng tình yêu đã trở nên cần thiết cho mọi người, mọi gia đình, đó là tình yêu hỗ tương chân thật và phong phú cho mỗi người trong chúng ta.

Trong hang đá này chúng ta cũng nhìn thấy tất cả những gì là khó nghèo nhất của một người nghèo, nhưng sự khó nghèo ấy là cả một kho tàng quý giá mà tất cả tiền bạc của thế gian không thể mua được, đó là tình yêu gắn bó, nối kết giữa cha mẹ và con cái, và nó đã trở thành sự hạnh phúc cho gia đình.

Hạnh phúc không phải do bởi tiền bạc địa vị mang lại, nhưng do tình yêu chân thật của mỗi thành viên trong gia đình mang lại, nơi Thánh Gia Thất chúng ta có thể an tâm tìm được điều ấy, bởi chính Thiên Chúa là tình yêu đang sinh ra trong gia đình khó nghèo ấy...

Anh chị em thân mến,
Mỗi năm một lần chúng ta ta mừng lễ kính Thánh Gia Thất, nhưng mỗi ngày chúng ta đều có ít là một lần trở về với mái gia đình thân yêu của chúng ta, để tìm lại tình yêu thương đầm ấm sau một ngày ra đi làm việc, học hành, chúng ta cầu xin Ba Đấng trong gia đình thánh thiện kiểu mẫu này cầu bàu cho chúng ta -mỗi thành viên trong gia đình của mình- biết học theo gương sáng của thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su, để gia đình của chúng ta trở nên tổ ấm hạnh phúc cho con cái và gương sáng cho mọi người.

Lạy Thánh Gia Thất,

Gia đình thánh thiện và là kiểu mẫu của mọi gia đình trên thế giới, cách riêng là các gia đình Công Giáo, xin nghe lời chúng con cầu nguyện mà ban ơn cho chúng con những ơn như sau:

-Xin cho chúng con là những người cha, người chồng  trong gia đình, những cha sở của giáo xứ, những bề trên trong các cộng đoàn, được có tâm hồn yêu thương cách quảng đại như thánh cả Giu-se, để chúng con biết quản lý gia đình, chăm lo và dạy dỗ con cái như ý của Thiên Chúa.

-Xin cho chúng con là những người mẹ, người vợ trong gia đình biết noi gương Đức Mẹ Ma-ri-a, biết quý trọng sự sống của các thai nhi, biết dạy dỗ con cái nên người trong tình yêu dịu hiền của Đức Mẹ.
 
-Xin cho chúng con là những người con trong gia đình biết noi gương Đức Chúa Giê-su Hài Đồng: biết vâng lời cha mẹ, thầy cô, biết nổ lực trong học hành, biết sống can đảm, biết giúp đỡ lẫn nhau, cũng như biết yêu mến Thiên Chúa nơi tha nhân, để chúng con trở nên những hy vọng tương lai cho Giáo Hội và xã hội...Amen.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Một ngọn lá

MỘT NGỌN LÁ
 
 

Chó đốm con trồng một cây con, và để bảo vệ cây con nên nó dựng một tấm bảng bên cây con và viết như thế này: “Xin yêu quý cây nhỏ.”

Chó đốm con dựng tấm bảng xong thì về nhà ăn cơm, không lâu sau đó, có một con thỏ đi ngang qua đó, nó nhìn thấy những ngọn lá xanh mượt của cây con, thì vui vẻ dựng đứng hai lỗ tai dài nói: “Ô, những ngọn lá thật dễ thương quá, đúng là nên yêu quý cây con, nhưng mà mình chỉ cần một ngọn lá để ngăn trong sách mà thôi”, thế là nó hái một ngọn lá và cắm đầu chạy nhanh.

Gấu con nhìn thấy cây con thì cũng dừng chân lại, nó nhìn nhìn cây con, ngửi ngửi, rồi tự nói một mình: “Ô, những ngọn lá thật dễ thương quá, màu sắc rất đẹp, mùi vị dễ ngửi, mình phải hái một ngọn thử xem sao. Nhưng, vì để yêu quý cây con, mình sẽ không hái hai ngọn”, gấu con nhẹ nhàng cắn một lá chồi non, thỏa mãn gật gật đầu, sau đó lắc mông vẫy đuôi bỏ đi.

Trâu nghé đến bên cây con, nhìn thấy dáng cây con rất dễ thương thì rất thích thú, nó đi quanh quẩn bên cây con, chặp sau rờ rờ ngọn lá của cây con, sau đó lại rờ rờ thân cây con và không muốn bỏ đi, nó cũng hái một ngọn lá rồi mới mãn nguyện đi về nhà.

Tiếp theo là dê con, khỉ con.v.v...và rất nhiều con vật đi ngang qua đó ai cũng hái một ngọn lá rồi đi. Qua ngày thứ hai chó đốm đến tưới nước cho cây con, cây con nhẵn trụi, ngay cả một ngọn lá cũng không còn.

Không có lá để cây con tự dinh dưỡng mình, cây con làm sao có thể sống được chứ ? Chó đốm con chỉ biết trồng một cây con khác. Lần này, nó cũng dựng một tấm bảng bên cây con, trên bảng viết như thế này: “Xin yêu quý cây con, dù chỉ một ngọn lá cũng xin đừng hái.”

Gợi ý:

     Các em thân mến,
     Thiên nhiên rất đẹp là để cung cấp cho con người dưỡng khí tươi mát, tâm tình vui vẻ, nếu thiên nhiên bị phá hoại thì con người cũng sẽ gặp tai họa, cho nên người yêu mến thiên nhiên thì sẽ không ngại gì mà không bắt đầu từ việc yêu quý hoa lá cỏ cây.

     Thiên nhiên và trật tự của nó không phải tự nhiên mà có, nhưng chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên nó, như sách Sáng thế ký trong chương đầu tiên đã trình thuật cho chúng ta thấy[1], chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ theo thứ tự hài hòa từ căn bản cho đến hoàn thành trong sáu ngày, tức là trong sáu khoảng thời gian cần thiết cho việc phát triển và hình thành từng thời kỳ của nó, và Thiên Chúa đã chúc phúc cho những gì mà Ngài đã dựng nên.

     Chúng ta thử tưởng tượng xem sao, nếu một ngày nào đó trên mặt đất này không còn cây xanh, không còn hoa lá, không còn thực vật nữa thì con người sẽ như thế nào ? Chắc chắn sẽ nóng nãy bực bội, cau có, khó tính và ngộp thở...

     “Chúc tụng Chúa đi, này đồi xanh núi biếc,

     muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây,

muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn...”[2]

Các em thực hành:

-      Không phá hoại cây xanh, vườn hoa ở nhà thờ, trường học cũng như ở công viên.

-      Biết yêu quý và gìn giữ của chung.

-      Biết cám ơn Chúa trước và sau khi ăn cơm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư


[1] Stk 1, 1-31.
[2] Đn 3, 75-76.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Lễ Giáng Sinh (Lễ ban ngày)

LỄ GIÁNG SINH
(Lễ Ban Ngày)
 
 

 
Tin mừng : Ga 1, 1-18.

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta".

Anh chị em thân mến,
Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta, đó là lời rao giảng đầy xác tín của thánh Gioan tông đồ mà chúng ta vừa nghe trong bài tin mừng hôm nay.

Ngôi Lời ấy chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng mà tối hôm qua chúng ta long trọng, hân hoan và phấn khởi mừng kỷ niệm ngày Ngài giáng trần và ở giữa chúng ta, nhưng với đức tin Ki-tô giáo, chúng ta đi xa hơn nữa để nhìn thấy và chiêm ngắm Đấng vì Yêu mà trở thành xác phàm như chúng ta.

  1. Chiêm ngắm Ngôi Lời trong hang đá.
Không ai thấy được Thiên Chúa cũng như không ai được đưa tay đụng chạm đến Ngài, nhưng nhờ Ngôi Lời mà chúng ta biết được Thiên Chúa Cha là Đấng đã yêu thương nhân loại là dường nào.

Hôm nay chúng ta chiêm ngắm em bé Giê-su nhỏ xíu đang nằm trong hang đá, em bé Giê-su tội nghiệp ấy chính là hình ảnh của Thiên Chúa Cha là Đấng vô hình, và là hình ảnh tuyệt đẹp của con người hữu hình. Trẻ Giê-su đang nằm đó, chúng ta nhìn và suy nghĩ đến hang đá Bê-lem xưa kia, trời lạnh cực điểm mà không có mảnh chiếu che thân, chúng ta tội nghiệp cho Đức Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se là một gia đình nghèo đáng thương.

Đấng tạo dựng đất trời đang nằm trong hang đá đó chính là Đấng mà muôn dân trông đợi, Ngài đã đến nhưng người nhà không chấp nhận, xua đuổi Ngài ra nơi chuồng bò, và chỉ có những người vô danh tiểu tốt đến thờ lạy Ngài là vua vũ trụ...

  1. Chiêm ngắm Ngôi Lời nơi Thánh Thể.

Ngôi Lời là Thiên Chúa mà chúng ta đang ngắm nơi hang đá được trang hoàng lộng lẫy đẹp mắt ấy, chút xíu nữa đây trên bàn thờ, trong hình bánh rượu sẽ trở thành Bánh Thánh Máu Thánh nuôi sống linh hồn chúng ta.

Một Thiên Chúa làm người nằm trong hang đá Bê-lem cũng là Thiên Chúa đang ngự trên bàn thờ nơi bí tích Thánh Thể, đã trở thành tình yêu dâng hiến và chia sẻ: dâng hiến chức phận Thiên Chúa và chia sẻ thân phận làm người với nhân loại tội lỗi...

Chiêm ngắm Đức Chúa Giê-su Thánh Thể để nhìn thấy được tình yêu không bến bờ mà Ngài đã dành cho chúng ta, trong suốt cuộc sống của Ngài ở trần gian và sau khi về trời, chính tình yêu ấy đã làm cho gia đình hòa thuận yêu thương, chính tình yêu ấy đã làm cho xã hội phát triển trong hòa bình, chính tình yêu ấy là mẫu gương đại đồng nhân loại sống hợp tác và tương trợ lẫn nhau...

Đức Chúa Giê-su vẫn cứ khiêm tốn và nghèo mãi nơi hang đá Bê-lem và trong cuộc sống đời thường của chúng ta; không có hang đá Bê-lem nghèo nàn thì cũng không có đồi Can-vê trơ trọi thê lương, nhưng chính cái nghèo khó và thê lương ấy, đã trở nên nguồn sống cho những ai tin vào Ngài nơi bí tích Thánh Thể, đó chính là mầu nhiệm mà hôm nay chúng ta mừng kính: mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc...

3. Ngắm nhìn Đức Chúa Giê-su nơi tha nhân.

Mừng lễ Chúa Giê-su giáng sinh, là mừng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su, ngắm nhìn Hài Nhi trong hang đá chúng ta nhớ đến những em bé nghèo khó trên khắp thế giới sống trong cảnh khó nghèo; chúng ta cũng nhớ đến những người phải lìa xa quê hương ruột thịt để lánh nạn chiến tranh cường hào ác bá; chúng ta cũng suy nghĩ đến biết bao Giê-su đang bị bạc đãi trên khắp thế giới vì chính kiến, vì hận thù và vì đức tin...

Ngắm nhìn Đức Chúa Giê-su nơi tha nhân là cốt lõi của tình yêu và giáo huấn của Ngài để lại cho nhân loại -qua Giáo Hội- bởi vì chúng ta không thể sống mầu nhiệm tình yêu bằng cách thờ ơ với tha nhân, và chúng ta cũng không thể trở nên một chứng nhân cho tình yêu, nếu tâm hồn chúng ta vắng bóng Đức Chúa Giê-su Thánh Thể.

Anh chị em thân mến,
Lễ giáng sinh rồi cũng qua đi nhưng ơn cứu độ vẫn tồn tại cho đến tận thế; hang đá lộng lẫy rồi cũng được cất vào kho, nhưng những người nghèo khó bất hạnh vẫn còn đó, trước mắt chúng ta, đó là một thực tại không thể làm ngơ, là người Ki-tô hữu chúng ta phải làm gì để Đức Chúa Giê-su tiếp tục mỗi ngày sinh ra trong tâm hồn những con người bất hạnh ấy, đó chính là sứ điệp giáng sinh của mỗi người trong chúng ta.

Câu hỏi gợi ý :

- Bạn có thói quen tặng thiệp, quà Noel cho người nghèo không ?
- Mỗi lần Noel đến, bạn có nghĩ rằng bạn sống tốt hơn Noel năm ngoái không ?
- Mỗi lần tặng thiệp, tặng quà Noel cho bạn bè, bạn có nghĩ rằng mình là một thiên thần đem tin vui cho mọi người không ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lễ Giáng Sinh (lễ đêm)

LỄ GIÁNG SINH
(Lễ Đêm)
 
 

Tin mừng : Lc 2, 1-14.

“Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe thánh Lu-ca thuật lại cuộc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su, chúng ta hãy nhìn vào hang đá thì sẽ thấy được sự khó nghèo của Con Thiên Chúa giáng trần làm người: chỉ có một vài mục đồng đến viếng thăm, và một vài con lừa hà hơi sưởi ấm cho hài nhi Giê-su, tất cả chỉ có thế, nghèo nàn khổ cực hơn cả người cùng cực thế gian, nhưng đó chính là niềm vui của những tâm hồn thiện chí và đó  là sự cứu độ của toàn thể nhân loại.

Đêm nay, chúng ta hân hoan long trọng mừng Đấng Cứu Độ của chúng ta là Đức Chúa Giê-su đã giáng trần, đó là một tin vui trọng đại, tin vui cho muôn người, tin vui này được các thiên thần của Thiên Chúa loan báo cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”[1].

Đêm nay được gọi là “Đêm Thánh” vì Con Thiên Chúa là Đấng Thánh đã giáng trần cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi; đêm nay cũng được gọi là “Đêm Bình An”, vì chính sự giáng trần của Con Thiên Chúa là sự bình an cho mọi tâm hồn thiện chí biết xây dựng hòa bình cho anh em.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Lời ca khen hát mừng của các thiên thần trong ngày Đức Chúa Giê-su giáng sinh vẫn còn đó, vang lên trong mọi tâm hồn của người tín hữu, và biến thành lời ca vang chúc bình an trên môi miệng của chúng ta với ước mong rằng, tất cả mọi người đều làm sáng danh Thiên Chúa và đem bình an cho tha nhân trong cuộc sống của mình.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Lời ca chúc mừng này biến chúng ta trở thành những mục đồng đi đến thăm viếng Đức Chúa Giê-su khó nghèo nơi các trại mồ côi, an ủi những người bị tù ngục và những tâm hồn đau khổ vì bị bạc đãi trong xã hội này.

Đêm nay, ngoài đường vắng bóng người mặc áo quần lụa là, vì họ đang quây quần vui vẻ nâng ly rượu với bạn bè trong những nhà hàng sang trọng; nhưng đây đó dưới gầm cầu, bên góc xó hàng hiên của ngôi nhà to lớn bên đường, có những em bé Giê-su đang nằm co ro vì lạnh vì đói và không nhà để trở về vì không có hộ khẩu thường trú, vì căn nhà đã bị lũ lụt cuốn trôi mất rồi...

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã giáng trần cách đây hơn hai ngàn năm, và hôm nay, mỗi ngày Ngài đều giáng sinh trong tâm hồn của chúng ta, để qua chúng ta, Ngài được an ủi nơi những người bất hạnh, như sứ điệp hòa bình mà các thiên thần đã loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Sứ điệp này đang ở trước mặt anh chị em, trong hang đá lộng lẫy ánh đèn nhấp nháy sáng lóe tia hy vọng, như mời gọi chúng ta hãy tỏa sáng lên tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người, bởi vì Con Thiên Chúa giáng trần không phải như ánh sao xẹt ngang bầu trời rồi tắt ngúm, nhưng là “ánh sao sáng vĩnh cửu” đầy hy vọng, soi sáng tâm hồn người thất vọng, chiếu sáng người đang ở trong bóng đêm tội lỗi để họ thấy đường và quay về với sự thiện vốn có của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1] Lc 2, 10-11

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Ba anh em học nghề

BA ANH EM HỌC NGHỀ
 
 

Ngày xưa có một ông lão có ba người con, nhưng gia đình ông ta rất nghèo, ngoài căn nhà rách nát ra, thì không có thứ gì là đáng đồng tiền cả.

Một hôm, ông lão kêu ba đứa con đến trước mặt mình và nói: “Các con đi học một tay nghề, đứa nào bản lãnh nhất, thì căn nhà này là của nó”, ba anh em cùng đồng ý.

Ba anh em đều chọn cho mình một nghề để học: con lớn chọn nghề làm móng ngựa, con thứ nhì chọn làm nghề cắt tóc, đứa con út chọn nghề đấu kiếm, sau khi hẹn ngày trở về nhà, thì ai nấy lên đường. Thời gian qua rất nhanh, cả ba anh em đều tìm được thầy và học được bản lãnh, và trở về bên phụ thân như đã hẹn trước.

Khi phụ thân đang muốn hỏi bản lãnh của các con, thì đột nhiên có một con thỏ chạy qua. Đứa con thứ nhì nói: “A, đến vừa đúng lúc”, bèn đợi khi con thỏ chạy qua trước mặt thì cắt râu của con thỏ, không những không cắt da thịt nó, mà cũng không làm hư những mảng lông khác của nó, phụ thân thấy vậy thì khen: “Đúng là đao nhanh.”

Nói chưa xong thì một chiếc xe ngựa vùn vụt chạy tới, con cả nói: “Xem bản lãnh của ta đây”, nói xong, anh ta chạy theo xe ngựa, tháo bốn móng sắt cũ và đóng vào bốn cái móng sắt mới, lúc này ngựa vẫn chạy mà tốc độ thì không thay đổi, phụ thân nhìn thấy vội nói: “Đúng là thủ thuật tuyệt diệu.”

Đứa con út nói: “Phụ thân, con cũng thử xem sao”, vào lúc ấy thì trời đổ mưa lớn, anh ta rút kiếm ra múa trên đầu, không một giọt nước mưa nào rơi trên thân anh ta, mưa càng lúc càng lớn, kiếm của anh ta múa càng lúc càng nhanh, nước văng bốn phía, nhưng thân anh ta vẫn khô ráo. Phụ thân nhìn như xuất thần, thở hơi dài nói: “Ta thật mở rộng nhãn giới, căn nhà là thuộc về con đó”, hai người anh không có ý kiến, nhưng em út cười nói: “Ba anh em chúng ta là người một nhà thì phải nên chung sống với nhau.”

Từ đó về sau, ba anh em cùng nhau chung sống, cùng nhau tương thân tương ái, cuộc sống rất hòa thuận hạnh phúc, đồng thời dùng những tuyệt nghệ của mình mà kiếm được rất nhiều tiền.

Gợi ý:

     Các em thân mến,

     Người ta nói rằng, muốn có hạnh phúc thì phải trông nhờ vào đôi tay của mình tạo ra, chỉ cần nắm bắt tinh thông một nghề, thì không sợ phải thất nghiệp, và cuộc sống hạnh phúc đương nhiên là chẳng bao lâu mà thực hiện được. Nhưng đó chỉ là hạnh phúc của thế gian, hạnh phúc này nay còn mai mất theo nghề nghiệp và đồng tiền lương của mình...

     Hạnh phúc chân chính của người Ki-tô hữu chính là ở nơi Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì luôn thích cư ngụ trong tâm hồn của con người, nhất là tâm hồn của những người nên giống như trẻ em, bởi vì:

-      Trẻ em thì luôn đặt hết tin tưởng vào cha mẹ, em vui vẻ ngủ yên trong lòng mẹ. Người có tâm hồn trẻ thơ cũng như thế, luôn ngủ bằng an trong Chúa.

-      Trẻ em thì luôn đơn sơ hồn nhiên vui sống và luôn biết nghe lời dạy bảo của cha mẹ. Người có tâm hồn trẻ thơ cũng như thế, luôn sống hồn nhiên dưới sự che chở của Thiên Chúa.

Hạnh phúc chính là bằng lòng và chấp nhận hoàn cảnh hiện tại theo thánh ý của Thiên Chúa, mà thánh ý của Thiên Chúa chính là hạnh phúc vậy.

Các em thực hành:

-      Không làm cha mẹ buồn là đem lại hạnh phúc và niềm vui cho cha mẹ và gia đình.

-      Yêu thương và biết nghe lời anh chị trong nhà.

-      Luôn cầu nguyện cho cha mẹ và các anh chị em trong gia đình.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Chúa nhật 4 mùa vọng

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG
 
 

 

Tin mừng : Mt 1, 18-24

“Đức Giê-su sinh làm con bà Ma-ri-a. Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít”.

Anh chị em thân mến,
Mùa vọng sắp kết thúc, mùa giáng sinh sắp đến, mọi người đang hân hoan chờ đợi ngày đại lễ giáng trần của Con Thiên Chúa –Đức Chúa Giê-su Ki-tô- với tất cả tâm tình vui tươi và hy vọng. Trong niềm hân hoan ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em mấy điều này :

1.   Đừng ngại nhận Ma-ri-a làm vợ.

Được gọi là người công chính, tất nhiên là người có cuộc sống rất đạo đức thánh thiện, cho nên không lạ gì mà thánh Giu-se đã rất buồn khi thấy Mẹ Ma-ri-a mang thai ngoài ý muốn, cho nên thánh Giu-se rất buồn, cái buồn của người công chính.

Buồn, nhưng là người công chính nên thánh Giu-se âm thầm quyết định phải ra đi mà không muốn tố cáo Ma-ri-a, đó là hành động của người công chính, nhưng Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời và đúng lúc vì đó là việc của Ngài. Thiên thần nói: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về...”[1]. Người công chính thì dễ dàng nghe được thánh ý của Thiên Chúa qua hoàn cảnh, qua cuộc sống, qua nơi những người mà mình tiếp xúc, thánh Giu-se đã nghe và đã vui lòng đón nhận bà Ma-ri-a làm vợ mình...

Càng đau khổ thì niềm vui càng nhân lên gấp bội, đó là niềm vui của thánh Giu-se, trong đau khổ biết nghe được tiếng của Thiên Chúa và thực hành lời của Ngài, đó là người công chính; đau khổ của người công chính đã trở nên niềm vui vì đã biết để cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong nghịch cảnh của đời mình.

2.   Đừng ngại đối thoại với người mình không thích.

Dưới ánh sáng của Tin Mừng hôm nay và qua bài học phó thác trong tay Thiên Chúa của người công chính –thánh Giu-se- chúng ta nhận ra được niềm vui trong đau khổ của người công chính, đó là chấp nhận người anh em như là một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Có rất nhiều lúc chúng ta tự cho mình là người công chính mà khinh thường tha nhân khi họ phạm lỗi, từ thái độ khinh thường ấy chúng ta xa lánh người anh em chị em của mình, không thèm trò chuyện với họ, không muốn nghe lời góp ý và chia sẻ của họ, đó không phải là thái độ của người công chính nhưng là thái độ của người kiêu ngạo.

Đừng ngại đối thoại với những người mà mình cho là tội lỗi, nhưng học theo gương lành của thánh Giu-se, mau mắn chấp nhận và đón họ đồng hành với mình trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trên trần gian là để cùng đồng hành và chia sẻ với con người những vui buồn, hạnh phúc cũng như đau khổ...

Anh chị em thân mến,
Chỉ còn mấy ngày nữa là chúng ta hân hoan đón mừng ngày trọng đại “làm người của Con Thiên Chúa”, mọi trang hoàng nhà thờ, làm hang đá tráng lệ đẹp đẽ, hoạt cảnh thiên thần mục đồng cũng đã chuẩn bị xong và chỉ chờ ngày ấy đến, mọi người đều nô nức chờ đợi...

Nhưng quan trọng hơn đó là sứ điệp của thánh Giu-se trong những ngày cuối mùa vọng này: mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón Thiên Chúa đến, cũng có nghĩa là, chúng ta hãy làm cho tâm hồn của chúng ta trở thành hang đá để Giê-su Hài Nhi sinh ra, bằng cách chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa đón nhận tha nhân như đón nhận chính Con Thiên Chúa giáng trần.

Có những tâm hồn đau khổ đang chờ đợi chúng ta nói lời tha thứ, có những tâm hồn đang chờ đợi chúng ta đem niềm vui và hy vọng đến cho họ...

Cửa trời đã mở và mưa ân sủng đã đổ xuống trên trần gian, nhưng tin vui Con Thiên Chúa giáng trần đang bị chận lại không bay tới nơi các tâm hồn vì những kiêu căng và gương xấu của chúng ta...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1] Mt 1, 20.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Đối thoại ̣(1)

 
ĐỐI THOẠI (1)

Cha sở đi trên đường tình cờ gặp một giáo dân, cha chủ động chào trước:

-“Ông đi làm về chắc mệt lắm ?”

-“Dạ thưa cha có mệt chi mô, nhưng con thấy các cha mệt hơn con, vì phải lo phần linh hồn cho tất cả mọi người trong giáo xứ..."
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.