Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Chúa nhật 28 thường niên



CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 17, 11-19
“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ? ”
Anh chị em thân mến,
Thời đại nào cũng có những người rất biết ơn người khác đã làm ơn cho mình, và cũng có những người không hề biết ơn người đã làm ơn cho mình. Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã nhẹ nhàng hỏi người Sa-ma-ri được chữa lành: “Còn chín người kia đâu, họ không được chữa lành sao ?” Câu hỏi nhẹ nhàng nhưng cũng là lời cảnh cáo chúng ta ngày hôm nay, sống đừng có vong ơn bội nghĩa không những với Thiên Chúa mà còn đối với tha nhân nữa.
1/ Chữa lành là ân huệ
Con người ta có nhiều nỗi khổ: khổ vì bệnh hoạn thân xác, khổ vì tinh thần không được thoải mái, khổ vì gia cảnh nghèo nàn, khổ vì cuộc sống có quá nhiều chua cay, do đó mà con người ta thường mơ ước chuyện bày chuyện nọ để thể xác và tinh thần thanh thản hơn trong cuộc sống của mình.
Ân huệ của Thiên Chúa thì luôn dạt dào đổ xuống trên chúng ta, nhưng lắm lúc chúng ta như người vô ơn cứ oán trách Thiên Chúa đã quên mất chúng ta, cứ để chúng ta hết chuyện xui này đến chuyện xui nọ. Chúng ta báo oán, trách móc, giận hờn Thiên Chúa chỉ vì Ngài không đáp ứng nhu cầu vật chất của chúng ta, đó là một bệnh hoạn, và có thể nói đó là bệnh phong hủi trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Thiên Chúa chữa lành chúng ta không phải bằng cách đáp ứng những lời yêu cầu của chúng ta, nhưng cách chữa lành của Ngài là làm cho chúng ta thấy được Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến: Ngài gởi đến cho chúng ta những thử thách, để trong những thử thách ấy chúng ta cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa vẫn luôn đoái nhìn đến chúng ta. Các thánh và những bậc hiền nhân đã cảm nghiệm được điều ấy khi còn sống ở trần gian, và đó chính là ân huệ chữa lành các khuyết điểm cũng như những hoài nghi của chúng ta đối với Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.
Thử thách là ân huệ của Thiên Chúa dành cho những ai biết yêu mến Ngài, thử thách cũng là những phương thuốc chữa lành bệnh tật tâm hồn cho chúng ta là những người cứ oán trách Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
1/Tạ ơn là biết ơn
Mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta đón nhận biết bao nhiêu lần ân huệ của Thiên Chúa ban cho, cho nên bổn phận trước tiên của chúng ta là phải biết cám ơn Thiên Chúa đã tạo dựng chăm sóc và gìn giữ chúng ta đến ngày hôm nay.
Như mười người phong cùi được chữa lành nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại cám ơn Thiên Chúa, còn chín người Do thái không thấy trở lại cám ơn Đức Chúa Giê-su. Người Sa-ma-ri mà người Do Thái ghét cay ghét đắng ấy đã biết trở lại cám ơn người đã chữa lành bệnh cho mình, bởi vì người Sa-ma-ri này đã có một tâm hồn biết ơn với người đã chữa lành và an ủi họ.
Tạ ơn là hành vi biết ơn của người Ki-tô hữu ở trần gian này, bởi vì chính họ đã nhận không biết bao nhiêu là ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong cuộc sống của mình.
Anh chị em thân mến,
Tâm tình biết ơn cùa người Sa-ma-ri là một bài học dạy cho chúng ta rằng: đừng tìm kiếm sự vĩ đại của Thiên Chúa trong phép lạ nhãn tiền, nhưng nên tìm kiếm tình yêu của Thiên Chúa với những việc nhỏ mà Ngài đã làm cho chúng ta trong cuộc sống.
Chúng ta đều là những người bị bệnh phong hủi trong tâm hồn –tức là những tội nhân- nhưng qua bí tích Hòa Giải, và bí tích Thánh Thể mà Thiên Chúa không những đã sẵn lòng chữa lành, mà lại còn ban thêm ơn cho chúng ta khi chúng ta cố gắng sống bác ái và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống của mình…
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


34. GIẢ VỜ THÌ GÂY RA TAI NẠN

        Ở phía đông thành có một gia đình hoàn cảnh rất nghèo nhưng vẫn cứ thích mặc áo quần đẹp đẽ hoa lệ, thức ăn thì phải làm thật cầu kỳ, lại còn khoe khoang gia đình rất là sung túc giàu có. Bọn ăn trộm cho rằng ông ta là một phú ông, bèn đến trộm tất cả các đồ vật trong rương của ông ta, thế là ông ta lâm vào cảnh nghèo nàn mà không thể tự thoát khỏi.

        Ở phía tây thành có người lâu nay nổi tiếng là rất giàu có, có một lần ông ta mang nhiều tiền bạc cùng ngồi thuyền với mọi người, ông ta hoá trang giả làm một người nghèo, thuyền đến trong vùng nước chảy thì gặp sóng lớn dữ dội, tên chủ thuyền cho rằng ông ta là một người nghèo nên không cứu ông ta.

        Ai dà, người giả mạo người giàu có thì làm cớ cho kẻ cướp, giả dạng người nghèo khổ thì gây ra tai nạn cho mình, tất cả đều là tự mình hại mình, cái nguy hại của ăn gian làm dối thật là quá lớn vậy.

                                                                (Luỵ Ngoã tập)

 

Suy tư 34:

        Người ta thường nói ở đời khôn cũng chết mà dại cũng chết, chỉ có biết mới sống ! Tôn tử nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” không ngoài ý ấy.

        Nhưng có những người biết rồi mà vẫn cứ chết mới đúng là kỳ cục, chẳng hạn như có người biết phạm tội là mất ơn nghĩa với Chúa nhưng vẫn cứ phạm tội; có người biết luật Chúa dạy chỉ có một vợ một chồng nhưng vẫn cứ làm ngơ kiếm thêm mụ vợ khác; có người biết vu oan giá hoạ cho người khác là một trọng tội, nhưng vẫn cứ ngậm máu phun người không biết tội lỗi là gì...

        Giàu cũng chết mà nghèo cũng chết, giả bộ làm người giàu cũng chết, giả bộ làm người nghèo cũng tiêu đời, nhưng chỉ có ai biết nhận ra ý Chúa trong cảnh giàu nghèo của mình mới sống, mà là sống đời đời với Thiên Chúa mới là đáng sống !

        Mà người nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc sống của mình không phải là những người Ki-tô hữu sao ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Lễ Mân Côi



 LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

(Ngày 7 tháng 10)
Tin Mừng: Lc 1, 26-38.
“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.”
Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, để kính nhớ cuộc chiến thắng của các chiến thuyền Ki-tô giáo tại vịnh Lepente ngày 7 tháng 10 năm 1571, nhờ sự trợ giúp đặc biệt của Đức Mẹ Ma-ri-a qua lời cầu nguyện bằng chuổi Mân Côi của các tín hữu.
Qua kinh Mân Côi, chúng ta thấy có hai yếu tố quan trọng mà Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích, đó chính là sự lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, và suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Chúa Giê-su, mà Mẹ có vai trò rất đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích những ai đọc kinh Kính Mừng, bởi vì chính thiên thần Ga-bri-en đã cất tiếng chào mừng khi truyền tin cho Mẹ: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà…” lời cầu chúc này đã nói lên sự cung kính của thiên thần đối với một tạo vật là Mẹ được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su.
Khi yêu nhau, đôi bạn nam nữ thường lặp đi lặp lại điệp khúc “anh yêu em” và “em yêu anh” mà không thấy chán, không thấy thừa thải hoặc không thấy mắc cở gượng gùng, bởi vì tình yêu được phát xuất từ tấm lòng chân thật, cho nên họ sẽ sung sướng đón nhận lời lẽ yêu thương ngắn ngọn mà bày tỏ hết cả tấm lòng yêu thương của bạn mình.
Đức Mẹ Ma-ri-a cũng rất yêu thích những ai thành tâm đọc kinh Mân Côi, bởi vì nơi kinh Mân Côi này chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả hai trăm lần kinh Kính Mừng như hai trăm đóa hoa hồng dâng kính Đức Mẹ. Hai trăm kinh Kính Mừng là hai mươi biến cố trong cuộc đời của Đức Chúa Giê-su khi Ngài sống ở trần gian, hai mươi biến cố này từ khi Đức Chúa Giê-su sinh ra cho đến khi Ngài lên trời và Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống và Thiên Chúa thưởng ân cho Đức Mẹ Ma-ri-a lên trời cả hồn lẫn xác.
(Hai mươi biến cố này được chia thành bốn nhóm hay là bốn “sự”: năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng, năm sự Sáng. Mỗi sự đều có liên hệ mật thiết với Đức Mẹ Ma-ri-a là Đấng đồng công cứu chuộc loài người.)
Đã có rất nhiều lần chúng ta lần chuỗi Mân Côi mà miệng đọc như cái máy phát thanh, không hề dừng lại để suy ngắm những gì mình đang đọc; có những lúc bạn và tôi đọc kinh Mân Côi mà như sợ người khác giành giựt, cho nên chúng ta vẫn chưa hiểu và chưa yêu mến Đức Chúa Giê-su cho đủ, do đó mà chúng ta trở thành những nghi vấn cho người khác nghi ngờ về đức tin của chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Đức thánh giáo hoàng Phao-lô VI khích lệ chúng ta như sau: “Bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Đức Chúa Giê-su được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gủi nhất với Chúa.” (Marialis Cultus, 47)
Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, bạn và tôi nên có một quyết tâm khi lần hạt Mân Côi, đó là luôn yêu mến và tin tưởng vào Đức Mẹ Ma-ri-a, để nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Đức Chúa Giê-su -là Đấng nhờ sự vâng phục của Đức Mẹ- để nhờ kinh Mân Côi mà chúng ta trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng và cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


33. THƠ TẶNG KẺ CẮP

        Ở Ngô Trung có một lão nho sinh tên là Trầm Văn Khanh, nhà rất bần hàn.

        Một hôm, ông ta chuyên tâm đọc sách đến nửa đêm thì bổng thoáng thấy tên trộm lẻn vào phòng ăn cắp đồ mà không lấy được thứ gì, ông ta bèn nuốt nước miếng chậm rải nói với nó:

-        “Được anh đến thăm, xin tặng anh một bài thơ, được chứ ?”

        Thế là ngâm thơ:

-        “Gió lạnh tối trăng đêm xa xôi, phụ anh chừ đến một lần gặp. Chỉ có tam thư tứ lược cổ, cũng có thể đi dạy nhi ấu nhi.”

Tên ăn trộm nghe xong liền cười lớn và bỏ đi.

                                                                (Lụy Ngoã tập)

 

Suy tư 33:

        Bình tĩnh là phương thế hay nhất để đối diện với nghịch cảnh, nó như một cái neo để làm cho con tàu không bị sóng lớn đẩy đi.

        Người bình tĩnh là người biết tự kềm chế mình, là người biết để cho phong ba qua đi mà không la lối thoá mạ, là người biết mĩm cười trước khó khăn mà không dao động tinh thần.

        Bình tĩnh để đối phó với nghịch cảnh cũng như cầu nguyện để chiến thắng với cơn cám dỗ, do đó mà người Ki-tô hữu không những bình tĩnh để đối diện với cám dỗ mà còn cầu nguyện để tăng gia sự bình tĩnh nơi họ, và như thế có thể nói: cầu nguyện để được bình tĩnh là thói quen của những người khôn ngoan luôn cậy trông vào ơn của Chúa giúp trong mọi hoàn cảnh đặc biệt của họ, đó là sự bình tĩnh của người Ki-tô hữu không ỷ lại sức mình, nhưng cậy nhờ ơn Chúa giúp.

Lão nho sinh rất bình tĩnh đối diện với tên ăn trộm khi làm thơ tặng cho nó bởi vì trong nhà chẳng có gì để cho tên trộm lấy, cũng vậy, người Ki-tô hữu luôn bình tĩnh khi cơn cám dỗ đến bởi vì họ biết rằng, họ còn có Thiên Chúa và ân sủng của Ngài để chiến thắng cám dỗ của ma quỷ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


32. BIẾT CHỮ RẤT KHỔ

        Mai Tuần đảm nhiệm hàn lâm học sĩ.

        Một hôm, vì chiếu thư quá nhiều nên ông ta suy nghĩ quá mệt, bèn ra khỏi phòng sách đi tản bộ trong sân, đột nhiên nhìn thấy một vệ binh già nằm ngủ dưới ánh nắng mặt trời dang tay dang chân rất là thoải mái.

        Mai Tuần nói thầm trong bụng: “Sung sướng thật”.

        Và đến hỏi ông ta:

-     “Ông biết chữ không ?”

        Trả lời:

-     “Không biết chữ”.

        Mai Tuần thở dài một tiếng, nói tiếp:

-     “Càng vui vẻ”.

                                                                (Luỵ Ngoã tập)

 

Suy tư 32 :

        Biết chữ mà khổ thì không biết chữ lại càng khổ hơn, bởi vì không biết chữ thì cũng giống như bị mù mắt vậy.

        Mắt bị mù thì không thấy được ánh sáng mặt trời, không thấy được cha mẹ bà con bạn bè; không biết chữ thì không thấy được tri thức của loài người. Như vậy mù mắt hay mù chữ cũng đều rất khổ, nhưng sẽ khổ hơn nếu chúng ta –những người Ki-tô hữu- mù mắt trước những tội lỗi của anh em, tức là nhắm mắt làm ngơ để anh em sống trong tội mà không nhắc nhở họ.

Cha mẹ sẽ khổ nhiều hơn khi con cái đua đòi sống mất nết, vì cha mẹ biết “chữ đạo” hơn con cái; cha sở sẽ khổ nhiều hơn khi có giáo dân của mình sống trong tội, vì cha sở biết hậu quả của tội hơn giáo dân; thầy cô giáo sẽ khổ nhiều hơn khi học trò biếng nhác học hành, vì thầy cô giáo biết “chữ tri” hơn học trò...

Đúng là biết nhiều cũng khổ thật !

Nhưng đây là cái khổ vinh quang của người hiểu chuyện biết khuyên bảo anh em chị em khi họ làm sai.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


. 31. GIẢ GIẢ THẬT THẬT

        Có một người nọ đào một cái ao để nuôi cá, và vì sợ chim bay đến ăn cá giống nên làm một hình nộm đầu đội cái nón, thân mang áo tơi và đem bỏ trong ao để doạ đuổi lũ chim.

        Lũ chim biết không phải là người thật, cho nên sau khi ăn cá giống thì bay lui bay tới trên đầu hình nộm, kêu lên:

-     “Giả giả giả”.

        Chủ nhân bèn đem cất hình nộm và tự mình đội nón mang áo tơi đứng trong ao, chim vẫn cứ tưởng là người giả nên lại bay đến ăn trộm cá giống, chủ nhân nhanh tay chụp chúng nó, cười to lên:

-        “Mày ngày nào cũng kêu là giả, nhưng hôm nay thì gặp thật rồi, ha ha ha !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 31:

        Ở đời người ta hay đánh giá nhau về hình thức bên ngoài cho nên có nhiều sự lầm lẫn đáng tiếc xảy ra.

        Ở đời giả thật khó mà phân biệt nên ai cũng coi dáng vẻ bên ngoài của người khác mà phán đoán mà phê bình.

        Mỗi người chúng ta chỉ là những hình nộm được Thiên Chúa trang điểm y phục lộng lẫy của bí tích Rửa Tội để trở nên con cái của ánh sáng, được Đức Chúa Giê-su đội cho mũ vinh quang phục sinh của Ngài để được đứng vào hàng ngũ con cái của Ngài, đó là một đặc ân và hồng ân cao quý nhất của chúng ta.

        Ma quỷ là những con chim quỷ quyệt ngày ngày bay quanh chúng ta cám dỗ chúng ta nói xấu anh em chị em mình: “Nó là đạo đức giả, nó là đạo đức giả...” để chúng ta không tín nhiệm hợp tác với anh chị em, để chúng ta phê bình đoán xét tha nhân bằng những tư tưởng hình nộm của cá nhân mình.

        Giả và thật trong xã hội ngày nay thì cũng giống như lúa và cỏ lùng trong ruộng, ai mà biết được, chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng dạ con người mới hiểu được.

Đừng nghe lời ma quỷ để phán đoán tha nhân, nhưng hãy cầu nguyện cho mình và cho tha nhân có sự thật trong lòng cũng như trong hành động.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


30. THỊT CHÌM DƯỚI BÁT

Có người nọ tính tình rất hà tiện mà lại rất dễ nổi nóng.

Một hômông ta mua về bốn lạng thịt, vợ nấu xong thì dầu mỡ nổi lên trên còn thịt thì chìm phía dưới, người ấy về nhà thấy như vậy thì cho rằng vợ đã ăn hết thịt, bèn chỉ vợ mà chửi:

-        “Tao với mày là oan gia kiếp trước, chỉ có phân ly mới được !”

Đợi đến khi lấy đũa vớt một cái thì thấy thịt đều nằm dưới bát, người ấy liền cười to lên, vuốt ve sau lưng vợ và nói:

-        “Tôi với bà là vợ chồng kết hợp năm trăm năm từ kiếp trước, thật là đẹp đôi !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 30:

        Ở đời không có gì thân thiết cho bằng tình cảm vợ chồng, bởi vì cả hai không còn là hai nữa nhưng là một, đây là một trong hai đặc tính cốt yếu của bí tích hôn phối trong đạo Công Giáo là bất khả phân ly và nhứt phu nhứt phụ. Cũng có nghĩa là của chồng là của vợ, chồng ăn thì cũng như vợ ăn, đó là vợ chồng thuận hoà, vì cả hai không còn là hai nữa, mà là một.

        Tuy không còn là hai nữa, nhưng có những ông chồng thích chửi vợ, đánh vợ, có nghĩa là thích tự mình đánh mình chữi mình, thật tội nghiệp cho ông chồng hay đánh chữi vợ ấy; tuy không còn là hai nữa nhưng cũng có những bà vợ thích đay nghiến chồng, chì chiết với chồng, mà vợ chồng chì chiết nhau, đánh nhau thì cũng giống như tự đánh chính mình rồi vậy, dại ơi là dại.

        Có những ông chồng coi trọng miếng ăn hơn sự khổ cực của vợ, cho nên đưa từng đồng cho vợ đi chợ, lại còn hạch sách vợ đủ điều. Họ không biết rằng tình yêu chung thuỷ không căn cứ trên tiền bạc, từng miếng ăn, nhưng căn cứ vào tình yêu chân thành của nhau, và tùy hoàn cảnh gian khổ, tối lữa tắt đèn có nhau mà thông cảm chia sẻ cho nhau những vui buồn, đó mới chính là tình yêu chung thủy thật sự bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa.

        Những ông chồng Ki-tô hữu thì khác hẳn với những ông chồng khác, bởi vì họ nhìn thấy tình yêu của người vợ dành cho mình lớn hơn những khuyết điểm của họ trong cuộc sống hằng ngày, như Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy những khuyết điểm của Hội Thánh mà yêu thương, tha thứ và ban ơn cho Hội Thánh vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)