Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Chúa nhật 11 thường niên




CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Mc 4, 26-34.

“Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.”

 

Bạn thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra một vấn nạn để cho chúng ta suy nghĩ: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây, lấy ví dụ nào mà hình dung được?” Rồi chính Ngài đã giải thích cho chúng ta biết Nước Thiên Chúa giống như hạt cải. Trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm thực tế sau đây.

 

1.      Thực hành đức ái.

Nếu trong tâm hồn chúng ta có tình yêu Thiên Chúa, thì đồng thời chúng ta cũng biết đem hạt giống ấy gieo vào tâm hồn người khác bằng cách đi làm việc thiện, bởi vì khi làm việc thiện là chúng ta gieo hạt giống Lời Chúa vào tâm hồn của tha nhân, khi thấy chúng ta làm việc thiện giúp đỡ người khác không tính toán, không đòi báo đáp, dù cho chúng ta không để ý theo dõi tình trạng kết quả, thì hạt giống ấy (việc thiện) vẫn cứ âm thầm nảy mầm và đến lúc nào đó, với ơn Chúa giúp thì họ sẽ trở thành người Ki-tô hữu, người con của Chúa như chúng ta.

Chúng ta nhận ơn của của Chúa cách nhưng không thì nên cho đi cách nhưng không, có nghĩa là những việc thiện mà chúng ta làm cần phải sáng rực tình yêu vô vị lợi, vì Thiên Chúa mà thực hành đức ái, có như thế tâm hồn những người mà chúng ta giúp đỡ sẽ đâm chồi nẩy lộc tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.

 

2.      Nước Trời ở trong chúng ta.

Nước Trời được gieo vào trong tâm hồn chúng ta ban đầu nhỏ như hạt cải, nó chính là đức tin, đức tin được lớn dần qua hoàn cảnh của cuộc sống, nhất là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, bởi vì đức tin được qua thử thách là đức tin trưởng thành và vững mạnh, có như thế mới trở thành chứng nhân cho Nước Trời ngay tại trần gian này.

Đức tin của chúng ta không phải tự nhiên mà có, nhưng được Thiên Chúa – qua Giáo Hội- gieo vào trong tâm hồn chúng ta, đức tin được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể và được củng cố bằng Lời Chúa thì nó sẽ ngày càng lớn mạnh, có thể bảo vệ linh hồn mình khỏi những cám dỗ của ma quỷ và thế gian, có thể bảo vệ Giáo Hội qua những cơn bách hại của những mưu mô ma quỷ.

 

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su ví Nước Trời giống như hạt cải, nghĩa là ảnh hưởng và sức mạnh của nó có thể làm nơi trú ẩn cho chim trời. Đức tin của chúng ta cũng thế, cần phải lớn mạnh để có thể trở thành những chứng nhân cho Nước Trời ngay trong cuộc sống của mình.

Nước Trời là một thực tại có thật được bắt đầu trong tâm hồn của mỗi người Ki-tô hữu ở đời này, và kết thúc viên mãn mai sau trên thiên đàng, đó chính là những việc lành thánh thiện mà chúng ta làm với ánh sáng đức tin soi dẫn, bởi vì Nước Trời không phải chỉ là thực tại mà thôi, nhưng còn là sống động nữa trong cuộc sống nơi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Lễ Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su




CHÚA NHẬT

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA GIÊ-SU

 

Tin Mừng: Mc 14, 12-16; 22-26.

“Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy.”

 

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng cử hành lễ Mính và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, là bí tích Yêu Thương mà Đức Chúa Giê-su đã để lại cho Giáo Hội ở trần gian, để làm lương thực nuôi sống Giáo Hội và là dấu chỉ hiệp nhất yêu thương của Giáo Hội Chúa ở trần gian này. Trong niềm xác tín bí tích Thánh Thể chính là Mình và Máu Thánh Đức Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm này:

 

1.      Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của Thiên Chúa.

Người cha nào cũng muốn để lại cho con mình một cái gì đó trước khi ông ta qua đời, chúng ta gọi là di chúc, và thông thường thì di chúc này thường để gia tài của ông lại cho con cái, chứ cha mẹ không để lại gì khác cho con cái họ ngoài gia tài vật chất. Người đời thường làm như thế.

Nhưng Đức Chúa Giê-su không để gia tài vật chất lại cho các tông đồ và Giáo Hội của Ngài, dù rằng Ngài có tất cả vũ trụ này, bởi vì vật chất không đem lại hạnh phúc và yêu thương thật; Đức Chúa Giê-su cũng không để lại tài năng biến hóa rất cần thiết cho các tông đồ và Giáo Hội, bởi vì tài năng biến hóa không làm cho Giáo Hội đoàn kết và khiêm tốn; Đức Chúa Giê-su cũng không để lại cho các tông đồ tài ăn nói lợi khẩu để giảng dạy, bởi vì tài lợi khẩu không làm cho các thành viên trong Giáo Hội biết vâng phục lẫn nhau...

Nhưng, Đức Chúa Giê-su đã để lại cho các tông đồ và Giáo Hội của Ngài chính thân thể trọn vẹn của mình, đó chính là Mình và Máu Thánh của Ngài, để làm lương thực nuôi sống Giáo Hội và các linh hồn các kẻ tin. Bởi vì bí tích Thánh Thể làm cho các tông đồ và Giáo Hội trở nên một, làm cho Giáo Hội trở thành một khối yêu thương hiệp nhất cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang.

 

2.      Từ bí tích Thánh Thể , phát sinh ra hoa quả của Đức Chúa Thánh Thần .

Thánh Phao-lô tông đồ nhấn mạnh đến việc sẽ mắc tội với Mình Thánh Chúa nếu khi chúng ta lên rước lễ mà đang còn trong tình trạng tội lỗi, do đó mà ngài khuyên bảo chúng ta hãy xét mình trước khi đi rước lễ (1 Cr 11, 28-32). Nhưng những ai đi rước Chúa với tâm hồn trong trắng không phạm tội, thì sẽ được nhiều ơn ích bởi lương thực thần thiêng này ban cho.

Thật vậy, bất kỳ ai thường đến bàn tiệc thánh thì người ấy sẽ được Đức Chúa Thánh Thần ban đầy đủ hoa quả thiêng liêng của Ngài, để họ sống và làm chứng cho đến khi Chúa lại đến (1 Cr 11, 26). Bởi vì không một thân xác nào được bồi bổ bởi những chất sinh tố tốt lành mà trở nên gầy mòn, bệnh tật, cũng thế, linh hồn nào được bồi bổ Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, thì cũng sẽ được kiên cường mạnh khỏe trong đức tin, hạnh phúc trong Đức Ái và hy vọng nơi niềm cậy trông, và tràn ngập hoa quả của Đức Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5, 22-23).

Bạn thân mến,

Ngày lễ Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su chính là ngày mà bạn và tôi cần phải hồi tâm suy niệm đến tình yêu của Ngài dành cho Giáo Hội mà Ngài đã lập, dành cho bạn và tôi và những ai tin vào Ngài.

Những suy nghĩ ấy chính là:

a/ Tôi có coi thường Mình Thánh Chúa khi không đi rước lễ ?

b/ Tôi có cầu nguyện và cảm tạ Chúa sau khi rước lễ không ?

c/ Tôi có siêng năng viếng Mình Thánh Chúa không ?

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của yêu thương, của đoàn kết hiệp nhất trong cộng đoàn, do đó mà chúng ta có thể xác tín rằng: ai đi rước Chúa mà có cuộc sống gây chia rẻ cộng đoàn, phá hoại sự hiệp nhất và luôn chỉ trích soi mói anh chị em, là người đang coi thường bí tích Thánh Thể và là phản ki-tô, bởi vì nơi họ không có Đức Ái của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

---------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info