Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


4.      KHÔNG DÁM RỬA CHÂN

Thời nam bắc triều, tướng lĩnh Lương triều là Âm Tử Xuân thân mặc cái áo rất dơ bẩn, nhiều năm rồi không thấy rửa chân, nói:

-          “Rửa chân thì sẽ rửa mất tài vật làm bại hoại sự tình”.

Vợ rất hận cái thói xấu này của ông ta, nên đã nhiều lần khuyên ông ta rửa chân.

Một ngày nọ, Âm Tử Xuân định là sẽ đồng ý rửa chân một lần, nhưng không lâu sau đó, gặp lúc Lương châu bị bại, Âm Tử Xuân rất hận vợ, nói rằng vì rửa chân nên mới thua như thế, từ đó về sau, suốt đời không dám rửa chân nữa.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 4 :

        Mỗi ngày, con người ta đều phải rửa chân, ít nữa là một lần trước khi lên giường ngủ, nhưng nếu có người suốt đời không rửa chân thì lại là vấn đề nên xét lại cá tính của họ.

        Không dám rửa chân cho người khác thì có thể thông cảm, nhưng nói không dám rửa chân cho chính mình thì không thể chấp nhận được.

Người Ki-tô hữu có thói quen rửa chân cho người khác vì đó là mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.[1]

Rửa chân theo nghĩa đen là nghĩa của tư tưởng con người là cúi xuống rửa chân cho người khác, người khác đây chính là người bệnh hoạn, người đau khổ, người bất hạnh; rửa chân theo nghĩa bóng là nghĩa của tinh thần tu đức tức là phục vụ tha nhân, giúp đỡ mọi người khi có thể được và nếu cần thì hy sinh vì anh em.

Không dám rửa chân cho mình là người biếng nhác và lập dị cách kỳ quặc, những hạng người này không ai thích làm bạn vì sự dơ bẩn và tính kỳ quặc của họ.

Không dám phục vụ tha nhân thì không phải là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, những người này chỉ là hữu danh vô thực chỉ biết mình mà không biết người, nên họ không phải là tấm gương sáng cho người khác noi theo.

Hãy siêng năng rửa chân mình trước tức là sửa chữa những thói hư tật xấu của mình, sau đó mới đi rửa chân cho tha nhân, đó chính là tinh thần phục vụ cách đích thực của người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Ga 13, 14-16.

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


3.      LẤY ROI ĐÁNH THÁNH NHÂN

Các quận ở ven biển Quảng Đông đều không lập miếu thờ Khổng Tử.

Có một quan thích sứ mới đến không biết đây là phong tục tập tính của địa phương này, nên chuẩn bị mâm cơm rượu để tế điện Khổng Tử, bèn chuẩn bị chọn hai thư sử đóng vai Khổng Tử và Mạnh Tử để họ đứng ngoài cổng cúi lạy, hai ông thư sử này lại lạy không đúng theo nghi thức, thích sứ nổi giận và lập tức phán:

-          “Đem Văn Tuyên vương (Khổng tử) A Thánh (Mạnh tử) ra đánh mỗi đứa mười mấy phách”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 3 :

        Sẽ là phạm thượng khi xúc phạm đến các vị thánh huống chi là lấy roi đánh các ngài !

        Diễn kịch đóng vai các thánh thì phải nghiên cứu và đọc qua hạnh các thánh mới có thể diễn xuất như các ngài, bằng không thì sẽ bị khán giả tẩy chay và cho đó là xúc phạm đến các thánh.

Mỗi người Ki-tô hữu đều có một vị thánh để bắt chước, đó là thánh bổn mạng của mình; mỗi người Ki-tô hữu đều có thể trở nên những vị thánh thời danh nếu họ bắt chước diễn tả lại cuộc sống thánh thiện của thánh bổn mạng trong cuộc sống của mình. Giả làm thánh nhân nhưng giả không đúng thì không những tự mình xúc phạm đến các ngài, mà còn làm cho người khác nhạo báng các ngài qua cuộc sống của chúng ta.

“Phong tục tập tính” của người Ki-tô hữu là mừng kinh ngày lễ thánh bổn mạng của mình, đó là tập tính tốt đẹp nên làm.

Có người Ki-tô hữu âm thầm mừng lễ bổn mạng của mình thật sốt sắng, có người thì mừng lễ thật trọng thể và đem tiền giúp đỡ tha nhân thay vì mời bạn bè ăn uống, có người trong ngày lễ bổn mạng của mình thì ăn chay và làm nhiều việc hy sinh... tất cả đều là gương lành gương sáng.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những tiêu cực phát sinh trong ngày lễ bổn mạng: nhậu nhẹt quên trời quên đất làm cho ngày lễ bổn mạng của mình mất hết ý nghĩa, và đó không phải là “tập tính” tốt của chúng ta –người Ki-tô hữu., bởi vì khi làm như thế thì chẳng khác gì chúng ta đang đánh thánh nhân vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


2.      GIẬN ĐÁNH HOA QUỲNH

Ở Dương châu có một cây hoa quỳnh, trong thiên hạ có một không hai.

Đế vương Tuỳ Dạng sau khi nghe được thì đặc biệt phái người đi dời nó đến trồng ở Kim Lăng, nhưng không lâu sau đó thì cành lá khô héo. Đế vương Tùy Dạng thấy như vậy lòng không vui, nên giận dữ ra lệnh lấy roi đánh hoa quỳnh tám mươi roi rồi lại trở về Dương châu.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 2 :

Đánh hoa quỳnh tám mươi roi thì quả là...tàn nhẫn và độc ác, chứng tỏ là ông hoàng Tuỳ Dạng không biết chơi hoa và thưởng thức hoa, chẳng qua là ông ta học đòi bắt chước cho lấy le với người mà thôi...

Trồng hoa quỳnh rất công phu, chăm sóc nó lại càng công phu hơn. Đi khuyên bảo người ta trở lại đạo đã khó, nhưng giúp cho người ta sống đạo ngay trong cuộc sống thì khó hơn, do đó mà người Ki-tô hữu phải quan tâm tới họ những người tân tòng hơn nữa sau khi họ trở thành người Ki-tô hữu....

        Linh hồn con người ta còn quý gấp trăm vạn lần hoa quỳnh, nhưng vẫn còn có những người Ki-tô hữu sau khi khuyên bảo người anh em chị em trở về với Thiên Chúa, thì đánh họ “tám mươi roi” bằng những gương mù gương xấu của mình, bằng những điều rất khác với những gì mà họ đã nói khi khuyên bảo người anh em chị em trở về với Thiên Chúa, Đức Chúa Giê-su đã khiển trách các kinh sư và biệt phái như sau : “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Parisiêu giả hình ! Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo ; nhưng khi họ theo rồi, các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các ngươi”.[1]

        Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta có một tâm hồn nhiệt thành tích cực làm gương tốt cả ngay sau khi khuyên bảo người anh em chị em trở về với Ngài.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Mt 23, 15.

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 10)

 


1.      THƠ NHÀ XÍ

Có người nọ thích làm thơ, một lần kia đi nhà xí ngẫu hứng làm xong một bài thơ, “thơ nhà xí” như sau:

-          “Bên ván nước tiểu chảy gấp, nơi vũng sâu phân rơi chậm”.

Và tự cho đó là hình tượng sống động, tuỵêt tác.

Có người sau khi nghe được bài thơ này thì ôm bụng cười mãi không thôi.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 1 :

        Người thích hát thì lúc nào cũng hát được, ngay cả khi anh em chị em trong cộng đoàn ngủ trưa, nghỉ ngơi, thì cũng trương cổ hát lên một câu không ăn nhập gì tới thánh ca thánh nhạc, làm cho mọi người lấy làm khó chịu.

        Con người ta ai cũng có một năng khiếu nào đó để giúp vui giúp ích cho đời, vì đó là ý Thiên Chúa muốn, chỉ có điều là chúng ta có thấy được năng khiếu của mình hay không mà thôi.

        Nhưng cái năng khiếu dễ thương nhất của người Ki-tô hữu chính là sự vui tươi, vui tươi làm cho người khác cảm thấy bằng an khi tiếp xúc với mình, vui tươi làm cho hoàn cảnh chung quanh mình rộn tiếng cười vui, vui tươi là biểu lộ một tâm hồn bình an thánh thiện của con cái Thiên Chúa.

Vui tươi và sống động nhất chính là phục vụ tha nhân mà không câu nệ, giúp đỡ anh em chị em mà không cau có, chia sẻ với tha nhân mà không thấy mình bị thua thiệt...

Thích làm thơ là một năng khiếu trời ban, bởi vì không phải ai cũng thích làm thơ, nhưng có năng khiếu mà không học hỏi trau dồi thêm thì sẽ tụt hậu. Nụ cười tươi luôn nở trên môi là năng khiếu của người Ki-tô hữu, cho nên cần phải đem nó tặng cho người, đó mới đúng là bức tranh truyền giáo sống động của mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


100.      CẢM NGHĨ TRƯỚC KHI LÀM THƠ

Vào thời Đường Triết Tôn, có một người là con cháu của hoàng tộc thích làm thơ, nhưng làm thơ thì lại thô kệch.

Một hôm, người ấy lại làm một cảm nghĩ trước khi thi vận:

-      “Ngày ấm nhìn ba chức, gió cao đấu hai nhà ngang, mọt trèo ra trắng khoát, ruồi chết tăng màu tím, bát thính gió tỳ bà, vứt bánh tiếp Kiến Trang. Trở về ngồi trong phòng, đánh giết lại cản trở sao ?”

Người ta đọc rất lâu mà cũng không hiểu được ý nghĩa của toàn bài thơ, bèn hỏi ông ta:

-      “Bài thơ này nói gì ?”

Người con cháu của hoàng tộc ấy nói:

-      “Vừa rồi tôi thấy trên nhà có ba cài màng nhện, lại thấy hai con chim sẻ vui đùa đấu đá nhau bên hành lang nhà ngang, có một con bị chết mọt, cái bụng trắng hướng lên trời thành chữ “xuất”; con ruồi chết trên dĩa giống chữ “chi”; ăn miếng cơm nghe hàng xóm hát bài “phượng lầu ngô”; ăn bánh bao chưa xong, đột nhiên có tin báo tú tài Kiến An Trang xin tương kiến; sau khi chia tay trở về nhà thì thấy trên cổng có dán một bức “Chung Quỳ đánh ác quỷ”, cho nên tập họp chúng lại thành một bài thơ !”

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 100 :

Thích làm thơ và biết làm thơ thì là không giống nhau, bởi vì có người thích làm thơ nhưng lại không biết cách gieo vận, người biết làm thơ nhưng lại không thích làm thơ…

Có người Ki-tô hữu rất thích cầu nguyện nhưng không biết phải cầu nguyện như thế nào, cho nên khi cầu nguyện thì họ chỉ biết xin với cầu chứ chưa biết ca ngợi tán dương Thiên Chúa, cũng như cảm tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong cuộc sống, cho nên lời cầu nguyện của họ chưa được hoàn hảo cho lắm; lại có người khi cầu nguyện thì cảm thấy không được cầm lòng cầm trí cho lắm nên thường không muốn cầu nguyện…

Cầu nguyện cũng như làm thơ cần phải có tâm hồn yêu mến và nhiệt tình, yêu mến và nhiệt tình là cái căn bản của cầu nguyện, bởi vì không ai cầu xin với lời lẽ hời hợt, cũng như không ai cầu nguyện với tâm hồn không yêu mến.

Thiên Chúa là nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân nghệ sĩ, Ngài cũng là Đấng khai mở tâm hồn và trí tuệ của các nghệ sĩ thi nhân, để họ cảm nghiệm được vẽ đẹp chân thiện mỹ thánh của Ngài mà viết lên những vần thơ tuyệt đẹp.

Thiên Chúa cũng là nguồn cảm hứng và là Đấng để chúng ta trò chuyện khi cầu nguyện, trong những lúc vui cũng như khi buồn, khi hạnh phúc cũng như khi gian khó…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


99.      THÍCH SÚC VẬT

Lô Đình Nhượng thích thơ, nhưng cả đời đi thi hai mươi lăm lần mới lấy được cái tiến sĩ, lúc đỗ đạt thì đã già lắm rồi.

Sau khi đỗ đạt, khi Lỗ Đình Nhượng lục lọi và giở ra xem các cuộn thơ, thì thấy lời của Trương Tuấn ca tụng:

-      “Quan Hồ Trung qua đường, chó chạm mở cửa tiệm”.

lời khen của Thành Nột thì lý thú: “Trộm mèo ghé nhà chuột, trói chó liếm cá gỗ”.

Nhưng câu làm cho Vương Kiến rất thích là: “Run rẩy đốt cháy tấm thảm rách, mèo nhảy chạm lật nồi”.

Đọc xong, Lô Đình Nhượng nói với mọi người:

-      “Thường ngày tôi kính trong họ, nhưng không ngờ họ lại được việc như cáo, chó, mèo, chuột”.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 99 :

Con người ta hay nhìn vẻ dáng bên ngoài để khoe khoang, để tâng bốc, để thỏa mãn và để bằng lòng, nhưng chữ “ngờ” to bự chảng trước mặt mà không thấy…

Không ai ngờ được có người khúm núm thưa ông lạy bà với cấp trên nhưng trong lòng thì chửi tổ mẹ ông bà nó; không ai ngờ được có người cùng ăn cùng ở với nhau như anh em ruột thịt lại đi bán anh em bạn hữu của mình; không ai ngờ được có những người gặp nhau thì tay bắt mặt mừng cười cười nói nói nhưng lại tìm cách để hãm hại anh em; và cũng không ai ngờ có những khuôn mặt thiên thần nhưng tâm hồn thì là quỷ, cũng như ngoài thì mặt người nhưng lòng dạ thì lang sói.v.v… và còn rất nhiều cái không ai ngờ đã xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.

Thế gian là thế gian chứ không phải là thiên đàng cho nên tất cả mọi việc xấu xa không ngờ đều có thể xảy ra.

Người có tâm hồn bình an thì đối với họ những việc xấu xa không ngờ xảy ra chỉ là chuyện nhỏ, bởi vì họ đã luôn nhờ Lời Chúa soi sáng mà biết được thế gian chỉ là phù vân, và tình cảm con người chỉ là tạm bợ và dối trá nay yêu mai ghét…

Mọi sự trên đời đều có thể xảy ra, nhưng người Ki-tô hữu nhờ được ơn thông hiểu của Đức Chúa Thánh Thần ban cho, nên biết nhìn thấy thánh ý của Thiên Chúa trong cái không ngờ đang xảy đến cho họ.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)