Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Chúa nhật 23 thường niên


CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 18, 15-20.
“Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”.

Anh chị em thân mến,
Sống ở đời ai cũng muốn có nhiều bạn hơn kẻ thù, ai cũng muốn người khác có đời sống tốt đẹp hơn, ai cũng cũng mong muốn mọi người sống hòa thuận và biết giúp đỡ nhau hơn, đó là ứơc muốn của những người có lương tâm chân chính.

1.   Phê phán trách móc người khác thì dễ hơn là tự kiểm điểm mình.
Chúng ta thường phê phán và trách móc người này không tham dự những sinh hoạt của cộng đoàn, chúng ta có thái độ gay gắt với những người không nghe lời khuyên bảo của mình để trở về sinh hoạt trong giáo xứ, nhưng có lần nào chúng ta tự kiểm điểm lại thái độ của mình khi khuyên bảo người anh em chị em chưa ?

Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi lúc việc làm của chúng ta không như lòng chúng ta mong muốn: chúng ta muốn anh chị em sửa đổi tính nết, nhưng thay vì nhẹ nhàng khuyên bảo thì chúng ta la mắng và có khi thóa mạ họ; chúng ta muốn người khác sống tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta lại hay trách móc phê bình họ, làm cho họ vì tự ái mà xa dần cộng đoàn, xa dần giáo xứ và dần dần như người xa lạ với những công việc của cộng đoàn, của giáo xứ.

Chúng ta khuyên bảo với thái độ kiêu căng, chúng ta khuyên bảo với lời nói nặng nề, chúng ta nhắc nhở anh chị em với thái độ ta đây tốt lành thánh thiện hơn họ, thì thử hỏi họ có nghe lời chúng ta không ? Biết đâu rằng trong số những người có cuộc sống –mà theo chúng ta- không giống như người Ki-tô hữu ấy- có những người mà vô tình hay cố ý chúng ta làm tổn thương họ bằng lời nói của chúng ta, hoặc bằng những thái độ không mấy thân thiện khiêm tốn của chúng ta !

2.   Nói lời khuyên bảo thì dễ hơn là tự răn đe mình.
Có những người thích đi khuyên bảo người khác làm điều lành lánh điều dữ, nhưng lời khuyên bảo của họ không có ai nghe, vì họ khuyên người khác làm điều tốt, nhưng chính họ thì lại làm những điều ngược lại lời họ khuyên bảo người khác; có người được Thiên Chúa ban cho cái giọng nói ngọt ngào với người khác, ai nghe lời họ nói cũng thấy mát lòng mát dạ, nhưng sau đó họ lấy làm khó chịu vì đó chỉ là lời ngọt ngào trên môi miệng chứ không phát xuất  từ trong tâm hồn mà ra.

Đức Chúa Giê-su chỉ ra cho chúng ta phương pháp để dẫn dắt và sửa đổi anh em chị em trở lại với cộng đoàn khi họ làm điều không đúng[1], tức là Ngài đặt chúng ta trong tư thế một người có bản lãnh, nghĩa là một người luôn tự vấn lương tâm mình trước khi khuyên bảo người anh em, và đồng thời Ngài cũng gián tiếp cho chúng ta hay: đừng phê bình trách móc người anh em chị em khi bản thân mình cũng nhiều khuyết điểm như họ…

Anh chị em thân mến,
Cuộc sống thật có ý nghĩa và đời sống mỗi người Ki-tô hữu là một mầu nhiệm gắn liền với Đức Chúa Giê-su qua bí tích Rửa Tội, do đó mà chúng ta luôn mong muốn mình được hoàn hảo, và cũng mong ước người khác cũng được hoàn hảo như mình, nên chúng ta -có những lúc- tỏ vẻ khó chịu khi người khác sống không như chúng ta muốn, cho nên chúng ta thường để mất người anh em chị em hơn là được lại họ...

Xin được rửa chân cho anh chị em chứ không muốn làm người sửa lưng anh chị em.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 15, 15-17.

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Sợ gì nhất


SỢ GÌ NHẤT ?
Trong buổi sinh hoạt giới trẻ thành phố, một thanh niên hỏi vị linh mục:
-         “Thưa cha, cha sợ gì nhất, có phải sợ chết không ?”
Vị linh mục trả lời:

-         “Chết thì ai cũng sợ, nhưng điều mình sợ nhất là không làm tròn bổn phận mục tử và thiên chức linh mục của mình.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Không dám ló đầu


KHÔNG DÁM LÓ ĐẦU
Phú ông Đặng Sinh rất thích khoe mẻ.
Một hôm, có người bạn là Lý An Nghĩa đến thăm nhưng ông ta từ chối không tiế, Lý An Nghĩa rất tức giận, bèn viết chữ “trâu” trên cửa nhà của ông ta.
Có người hỏi lý do sao viết như thế, Lý An Nghĩa nói:
-      “Trâu” tức là không dám ló đầu “trâu” ấy mà !”
                                     (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Không có gì sỉ nhục cho bằng khi chúng ta đến thăm bạn bè mà họ không ra tiếp, như thế cũng có nghĩa là người ta chà đạp danh dự của mình, là xé tan tình bạn hữu của nhau...
     Không có gì buồn cho bằng khi chúng ta đến nhà thăm bạn bè, mà họ tiếp đãi chúng ta cách lạnh nhạt, miễn cưỡng.
     Đức Chúa Giê-su cũng rất bị sỉ nhục khi Ngài đến thăm mà chúng ta không chịu mở cửa tâm hồn đón tiếp Ngài, Ngài cũng rất buồn khi chúng ta rước Ngài vào tâm hồn cách miễn cưỡng, không thật lòng tin tưởng và mến yêu. Tâm hồn của chúng ta là đền thờ, là cung điện, là nhà của Ngài, nhưng đến khi Ngài đến ở thì chúng ta lại làm cho nó hoen ố bởi những tội lỗi của mình.
     Bạn bè càng thân thì sự sỉ nhục càng cao, sự buồn phiền càng lớn, cũng vậy, Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tâm hồn của chúng ta không xứng đáng để cho Ngài đến ở, nhưng vì yêu thương mà Ngài đã trở nên người bị sỉ nhục -khi chúng ta từ chối Ngài- khi muốn đến cư ngụ trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta được trở nên bạn hữu của Ngài.

“Lạy Đức Chúa Giê-su, người đời chúng con có một câu nói để nói lên sự bao dung của tình yêu: “thương cho trót, vót cho nhọn”, nhưng người đời như chúng con thì chưa làm được cách đúng nghĩa của nói, bởi vì chúng con chưa thương cho trót, mà chỉ thương theo kiểu “biểu diễn” mà thôi, cho nên chưa ai thấy được trong chúng con có tình yêu của Chúa; bởi vì chúng con chưa “vót cho nhọn”, nên chúng con trở thành cái gai cản đường cản lối anh em đến với Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con có một tình yêu thương bạn hữu như Chúa, nghĩa là một tình yêu biết hy sinh và bao dung, để chúng con “thương cho trót, vót cho nhọn” khi thực hành đức ái đối với mọi người. Amen”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Quách Nhiếp nhạo nhau


QUÁCH, NHIẾP NHẠO NHAU

Quốc tự tiến sĩ Quách Trung Thứ đã có lần cười chế giễu tư nghiệp Nhiếp Tôn Nghĩa:
-         “Gần người quyền quý thì toàn thân đều điếc, nhận rồng mà làm người điếc, thì dù có ba tai cũng đáng tiếc không thành người thông minh”.
Tôn Nghĩa phản bác lời chế nhạo của Quách Trung Thứ, nói:
-         “Đừng cười có ba tai, nó sẽ thắng người có hai tâm”.
                                     (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Có câu thành ngữ ”gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, để chỉ nói lên sự tương quan giữa con người với nhau.
     Có người cả đời không biết đến một giọt rượu, nhưng khi giao du với người thích uống rượu thì lâu ngày cũng trở thành bợm nhậu; có người khi ở nhà rất mực lễ phép với mọi người, nhưng khi lên đại học chơi bời cùng đám bạn mất dạy, thì ăn nói ba phải, nghênh ngang với mọi người.
     Có người dựa hơi vào người có thế lực để hống hách với bà con bạn hữu, nhưng chính bản thân họ thì y như là một tên đầy tớ cho ông chủ, toàn thân đều điếc; có người bản chất thông minh, nhưng từ khi được thủ trưởng cất nhắc lên làm phụ tá, thì trở thành đần độn, cuộc sống như người máy, sai đâu làm đó, dù biết việc đó là không đúng, là vi phạm pháp luật mà vẫn cứ làm, toàn thân bị mù; có người thích “nổ” giữa đám đông dân chúng, hết khoe mình giỏi thế này hay thế nọ, thì lại đi nói xấu anh em chị em của mình.
     Có người Ki-tô hữu khi nghèo khổ thì siêng năng đọc kinh xem lễ, sáng chiều đều có mặt trong nhà thờ, đến khi ăn nên làm ra, giao du với bạn bè, học đòi làm sang đến nổi quên mất cả đường đến nhà thờ, và người ta thường thấy những người này sáng ngồi quán nhậu “gác tay”, tối ngồi quán cà phê ôm...
     Cuộc sống của con người không dễ gì thay đổi một sáng một chiều, nhất là những người Ki-tô hữu, bởi vì họ có một nề nếp sống đạo truyền thống của Giáo Hội, của gia đình lâu nay nên không dễ gì mau thay đổi, do đó, khi mà có một người Ki-tô hữu thay đổi nếp sống từ một tín hữu mộ đạo qua nếp sống lãnh đạm với tín ngưỡng, thì quả là vấn đề đáng ngạc nhiên cho mọi người vậy.

     Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, chỉ có con người là bỏ rơi Thiên Chúa là Đấng cội nguồn của mình mà thôi. Tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác cho Ngài tất cả những gì của chúng ta, rồi chúng ta sẽ thấy Ngài sẽ làm cho chúng ta tuy gần mực mà không đen nhưng sẽ trở thành trắng, nếu chúng ta biết dựa vào ân sủng và tình yêu của Ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư