Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Chúa nhật 4 mùa chay



CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Tin Mừng: Ga 3, 14-21
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muốn đời”.

Anh chị em thân mến,
Để thử thách đức tin của tổ phụ Ab-ra-ham, Thiên Chúa đã yêu cầu ông giết con một của mình là I-sa-ác để tế lễ cho Ngài, và ông đã vâng lời không điều kiện, ông vâng lời là vì ông đã tin vào Thiên Chúa toàn năng, ông đã tin rằng: lời hứa của Thiên Chúa dành cho ông sẽ vĩnh viễn không bị quên lãng, nhưng sẽ được thực hiện dù cho mất đứa con độc nhất này, và ông đã trở thành cha của những kẻ tin.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Đức Chúa Giê-su đã hé mở cho ông Ni-cô-đê-mô thấy ý định của Thiên Chúa, hay nói cách khác, kế hoạch “cứu linh hồn con người” của Thiên Chúa khi Ngài nói: “Thiên Chúa vì yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một của Người...” Lần này Thiên Chúa không thử đức tin của ai cả, nhưng Thiên Chúa đã đem mạng sống của người Con duy nhất tinh tuyền của mình, để đổi lấy mạng sống hư mất, tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Đó là tình yêu, tình yêu dâng hiến và cứu sống, tình yêu dâng hiến này có giá trị mãi mãi đến muôn đời, trí óc con người không thể dò thấu, hiểu nỗi.

Hôm nay, nếu Thiên Chúa nói với anh chị em rằng: Ngài cần đứa con đầu lòng của các anh chị, cho nên Ngài yêu cầu anh chị –để bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa- hãy giết con của mình để làm của tế lễ cho Ngài, thử hỏi các anh chị có vui lòng vâng lời Ngài như tổ phụ Áp-ra-ham không ? Chắc chắn là không, vì không ai nhẫn tâm giết chết con mình, dù với mục đích cao cả là tế lễ Thiên Chúa, thế nhưng Thiên Chúa đã xử sự như thế khi cứu chuộc nhân loại tội lỗi: sát tế Con độc nhất của mình là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Con Một của Thiên Chúa đã đến rồi đó, Ngài chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, ai tin Ngài thì sẽ được sống đời đời, chúng ta cũng đã tin vào Ngài rồi đó.

Ngài đang ở đây, trong nhà thờ này nơi bí tích Thánh Thể, mà chút xíu nữa chúng ta sẽ rước Ngài vào trong tâm hồn của chúng ta, Ngài trở thành lương thực hằng sống nuôi dưỡng linh hồn và làm cho nó được sống đời đời. Chúng ta tin rồi đó.

Và đức tin đã soi sáng dẫn đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa để trưởng thành hơn, đó là biết mỗi một người trong chúng ta đều là con một của Thiên Chúa, nghĩa là Ngài yêu thương chúng ta như trên thế gian này không còn ai khác. Do đó mà Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta hãy yêu thương anh chị em, như là yêu chính Ngài vậy. Yêu thương, đương nhiên là không đầu môi chót lưỡi, yêu thương đương nhiên không làm bộ làm tịch bên ngoài để cho mọi người thấy, nhưng chính là yêu như yêu Chúa vậy, nghĩa là yêu với tất cả tấm lòng chân thành, không vì chút sĩ diện hay khoe khoang, không vì để quảng cáo hay để tuyên truyền, nhưng là vì yêu Chúa trong tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của mùa chay, có nghĩa là chúng ta càng ngày càng đến gần ngày đại lễ vượt qua của thời Tân Ước, tức là đại lễ Phục Sinh. Càng đến gần ngày đại lễ, thì cơn cám dỗ của sa-tan càng gia tăng mạnh mẽ, do đó mà chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Tỉnh thức để thấy, cầu nguyện để ngắm, thấy và ngắm Thiên Chúa đang ở trong tâm hồn chúng ta và cũng đang ở trong tha nhân, đó chính là niềm tin của chúng ta vào Con Một của Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su Ki-tô Đấng cứu chuộc chúng ta, đó cũng chính là sợi giây vô hình liên kết chúng ta với mọi người trong tình yêu của Thiên Chúa.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Có lợi cho mình

CÓ LỢI CHO MÌNH


Có một người nói năng rất trơn tru và luôn nói có lợi cho mình.
Có lần, ông ta nói với người nọ:
-         “Hai chúng ta lúc ở với nhau thì không ai muốn vinh quang của ai, tôi đậy thì anh che, anh giường thì tôi chiếu, nếu anh có tiền thì cùng nhau sử dụng, nếu tôi không tiền thì sử dụng tiền của anh, lúc lên núi anh vịn chân tôi, lúc xuống núi thì tôi vịn vai anh, như thế chắc chắn biết rằng tôi chết sau anh, và anh chết trước tôi.”
                                     (Tịch Xuyên tiếu lâm)

Suy tư:
     Ở đời ai cũng muốn mình được thuận lợi mọi bề, từ chuyện làm ăn, buôn bán, học hành, đi du lịch.v.v... và không ai muốn mình bị thiệt thòi, xui xẻo...
     Cuộc đời ba chìm bảy nổi, sinh mệnh con người như ngọn nến trước gió, hôm nay khoẻ mạnh ngày mai sinh bệnh, hôm qua cùng bạn bè ăn uống đấu láo, hôm nay nghe tin đã chết vì tai nạn...
     Cho nên, cái mà Đức Chúa Giê-su muốn mỗi người trong chúng ta phải làm trong cuộc sống chính là: “Vậy thì tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta...” mình muốn được thuận lợi, thì người khác cũng muốn như thế, mình muốn người ta đối đãi lịch sự với mình, thì người ta cũng muốn mình đối đãi như thế với họ.
    Có những người chỉ muốn mình được thuận lợi mọi bề mà không muốn người khác như vậy, nên họ “nóng mặt” khi thấy người hàng xóm ăn nên làm ra, có người luôn coi cái danh dự đạo mạo của mình to hơn cái tình cảm xóm giềng, nên mặt mày lúc nào cũng cau cau có có khi người khác xuề xoà với mình...
     Một xã hội mà chỉ biết đến quyền lợi bản thân mình thì xã hội ấy sẽ loạn; một cộng đoàn mà các thành viên ai cũng chỉ nghỉ đến cá nhân mình thì cộng đoàn ấy sẽ phân rẻ.

     Bác ái chính là quan tâm đến người khác nhiều hơn là lo cho bản thân mình, nghĩ đến tha nhân nhiều hơn nghỉ đến mình, bởi vì chính lúc cho đi là lúc được nhận lại...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch và viết suy tư 

Môn khách kiêng húy

MÔN KHÁCH KIÊNG HUÝ


Thời Ngũ Đại, lúc môn khách của Hồng Doanh vương giảng về trang đầu của “Đạo đức kinh”, có hai câu như thế này : “Đạo có thể (nói) là đạo, thật là đạo”.
Mà chữ “đạo” là tên của Hồng, nên môn khách sợ mạo phạm ông ta, cho nên khi giảng giải thì nói như sau:
-         “Không dám nói, có thể không dám nói, thật là không dám nói”.
                                (Tịch Xuyên tiếu lâm)

Suy tu:
    Đạo Công Giáo là đạo thật, vì do Đức Chúa Giê-su Kitô thiết lập trên nền tảng thánh Phê-rô, nhưng có những người Công Giáo không biết đạo mình đang tin theo là đạo thật, bởi vì cuộc sống của họ hầu như không có sự thật: họ không màng đến thánh lễ ngày chủ nhật, họ không màng đến các bí tích, họ cũng không buồn nghĩ đến bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận để trở thành con cái của sự sáng, của Thiên Chúa.
     Đạo Công Giáo là đạo thật, vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế, Giáo Hội đã dạy như thế và đức tin cũng đã dạy chúng ta như thế, nhưng có một vài người Ki-tô hữu không còn đức tin công giáo nữa, mà nơi họ chỉ còn sự tin tưởng vào quyền năng của tiền bạc, của địa vị, của danh vọng, cho nên không những họ không làm chứng gì được cho Đạo thật, mà lại còn làm cho khuôn mặt của Đạo thật –Đức Chúa Giê-su- bị người khác nhìn cách méo mó què quặc trong cuộc sống của họ.

     Đạo Công Giáo là đạo thật, bởi vì được Chúa Thánh Thần là Sự Thật hướng dẫn, nhưng có rất nhiều mục tử không thèm để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và có khi “chê” Thánh Thần là “lỗi thời, lạc hậu”, các ngài tự mình hướng dẫn đời mình theo cách của mình, đó là kiêu ngạo và thích nổi danh, và họ đã quên mất mình đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Truyền Chức Thánh, cho nên không lạ gì họ đã từ bỏ ơn gọi để ra đi theo sự hướng dẫn của cá nhân mình, và cũng không lạ gì khi có nhiều giáo hữu mất đức tin khi nhìn thấy các mục tử của mình thiếu vắng Đức Chúa Thánh Thần...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch và viết suy tư