Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

Chúa nhật 25 thường niên

 


CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 16, 10-13

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa , vừa làm tôi tiền của được.”

 

Anh chị em thân mến,

Sống ở đời cần phải có sự trung tín, trung tín trong việc nhỏ cũng như trung tín trong việc lớn, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế, và chỉ có như thế chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân Tin Mừng cho Nước Trời tại trần gian này.

Trung tín trong việc nhỏ là những việc mà chúng ta có lúc cho là tầm thường, quá tầm thường nữa là khác, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đến quét nhà thờ một lần, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đi thăm một bệnh nhân mà đoàn thể đã ủy thác, việc tầm thường ấy là nhặt một miểng chai nằm giữa đường đi có thể gây thương tích cho người khác, việc tầm thường ấy là soạn bài giảng cho thánh lễ trẻ em mà chúng ta cho là không cần thiết.v.v…và còn nhiều việc rất tầm thường khác trong cuộc sống của chúng ta.

Trung tín trong những việc tầm thường hoặc việc nhỏ, là bày tỏ một ý chí quyết tâm cao của người Ki-tô hữu, có quyết tâm thì mới có thể trung tín, việc nhỏ quyết tâm làm thì việc lớn chắc chắn sẽ quyết tâm nhiều hơn nữa.

Trung tín trong việc lớn là trung tín trong những việc nhỏ, đó là lời khuyên đầy tính giáo dục và đạo đức của Đức Chúa Giê-su, bởi vì người chỉ biết trung tín với những việc lớn mà thôi thì sự trung tín ấy sẽ không được dài lâu, vì sự trung tín ấy của họ là trung tín của lợi nhuận, của ích kỷ và của tham lam.

Từ việc trung tín trong công việc hàng ngày, Đức Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta đến sự trung tín phải có trong việc thờ phượng Thiên Chúa, đó là trung tín với đức tin và tín ngưỡng của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Anh chị em thân mến,

Có những người Ki-tô hữu chỉ trung tín với Đức Chúa Giê-su khi gia đình khá giả, khi cuộc sống phong lưu, nhưng đến khi gặp những chuyện đau buồn ngoài ý muốn thì không còn trung tín với Thiên Chúa nữa, họ oán trách Thiên Chúa, họ lơ là đi nhà thờ, và cuối cùng thì nghe theo lời bạn bè đi chùa miếu cúng vái những hình tượng mà đã có một thời họ cho là dị đoan nhảm nhí ma quỷ. Cho nên, lòng trung tín của chúng ta với Thiên Chúa cần phải giống như ông Gióp trong cựu ước khi bị bà vợ cám dỗ ông bất trung với Thiên Chúa, ông nói: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao ?”[1](G 2, 10a)

Không ai làm tôi hai chủ, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta có hai quả tim, mà người có hai qủa tim là quá bất bình thường, cũng vậy, người Ki-tô hữu không thể vừa làm con cái của Thiên Chúa vừa làm con cái của ma quỷ, vì như thế chúng ta không thể trở nên chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su, đó chính là chúng ta đi hàng hai vừa thỏa hiệp với ma quỷ để hưởng thụ vật chất ở đời này, vừa khấn vái cầu xin Thiên Chúa ban ơn khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] G 2, 10a.

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


19. NHẠO SAY RƯỢU

       Một con chuột núp trong nhà dầu, một con chuột ẩn trong nhà rượu, hai con chuột thường đi lại với nhau và ăn uống thức ăn của nhau.

        Một lần nọ, chuột rượu uống xong dầu, bèn mời chuột dầu qua nhà rượu uống rượu, và dùng miệng ngậm đuôi chuột dầu treo rủ xuống mà ăn trộm, chuột dầu uống rất là vui vẻ, bèn luôn miệng nói với chuột rượu:

-     “Rượu ngon, rượu ngon !”

        Chuột rượu khách sáo lên tiếng trả lời:

-     “Không dám, không dám !”

        Nhưng vừa mới mở miệng, thì chuột dầu rớt xuống trong hủ rượu, quằn quại một hồi lâu rồi cũng trèo lên được. Chuột rượu thở dài một tiếng, nói:

-        “Anh uống ít một chút thì được rồi, sao lại muốn uống đến như người say rượu vậy chứ !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 19:

        Con chuột rượu ngậm đuôi con chuột dầu để con chuột dầu tự do uống trộm rượu, như thế là con chuột rượu đã phạm tội đồng loã ăn trộm.

        Đời sống của con người ta đều có sự liên hệ mật thiết với nhau, và người ta đều ước mơ một thế giới đại đồng, nhưng đại đồng mà không có Thiên Chúa thì chỉ trở thành đại nạn cho thế giới, bởi vì Thiên Chúa là căn nguyên của sự đại đồng, là tình yêu liên kết mọi tâm hồn lại với nhau, không có tình yêu thì không có hợp nhất, không có hợp nhất thì lý tưởng đại đồng chỉ là cái bánh vẽ trên giấy, gió thổi là bay mất tiêu.

        Tất cả những người Ki-tô hữu đều có liên hệ mật thiết với nhau qua bí tích Rửa Tội, cho nên trên căn bản họ đã trở thành một xã hội “đại đồng nho nhỏ”, mà đại đồng nho nhỏ này trước hết chính là giáo xứ của họ, nơi đây họ trở nên mẫu gương của “lá lành đùm lá rách”, nơi đây họ trở thành mẫu gương vì anh em mà phục vụ, nơi đây họ trở thành người thân cận của tất cả mọi người, họ sống không vì tư lợi cá nhân nhưng là vì toàn thể cộng đoàn dân Chúa, và như thế họ là những người đang sống đại đồng với tha nhân trong một tình yêu của Đức Chúa Giê-su.

Thù hận ích kỷ thì làm cho con người trở thành đồng lõa với sa tan, phá tan tình huynh đệ của mọi người, nó như con chuột rượu ngậm đuôi con chuột dầu để con chuột dầu tác oai tác quái trong tội lỗi.

Chỉ có tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa mới làm cho xã hội thăng tiến và con người gần gũi với nhau hơn mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


18. NGƯỜI GIÀ QUÊN LỜI

        Thái thượng lão quân đã nói:

-        “Thông hiểu ngàn quyển kinh, thân vút lên mây xanh”.

        Có đạo sĩ nọ rất là tin tưởng câu nói này bèn học thuộc lòng các kinh, khi thuộc đến chín trăm chín mươi chín quyển kinh bèn bắt đầu tắm gội, cáo biệt người thân, ngồi trên đài cao để đợi bay vút lên mây.

        Trong lúc ông ta thành khẩn đọc xong kinh thứ một ngàn thì nhắm đôi mắt, từng giây từng phút đợi bay lên, nhưng đợi đến trời tối mà thân cũng không nhấc lên được nửa tấc, ông đạo sĩ ấy bèn chỉ hình tượng của Thái thượng lão quân than thở nói:

-        “Ai ngờ được, ngài chừng nấy tuổi rồi mà vẫn còn nói dối.”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 18:

        Nói láo hoặc nói lời dối trá là bày tỏ một tâm hồn không thật thà, nhưng người nghe tin lời nói dối thì lại càng khốn khổ thêm, nghĩa là biểu hiện một tâm hồn thiếu lòng tin.

        Có một những người Ki-tô hữu không nghe lời cha sở giảng, nhưng lại nghe theo và tin theo lời người nói dối nên bị lừa mất tiền bạc; có người trong nhà có sách Knh Thánh, có sách đạo rất nhiều nhưng không đọc và không tin, mà lại thích đọc những truyện tiểu thuyết dâm ô, nghe lời bạn xấu để rồi sa ngã vào những tội lỗi tày trời; lại có người cha mẹ dạy dỗ không nghe, nhưng lại đi nghe đứa nói dối về nhà cắp tiền cha mẹ để tiêu xài, rốt cuộc bị bỏ tù vì tội ăn trộm...

        Người nói láo nói dối chính là người cam tâm làm phát ngôn viên của ma quỷ, là công cụ tuyên truyền tội ác trên mặt đất, là vi trùng tội lỗi gây bệnh truyền nhiễm từ tâm hồn người này qua tâm hồn người khác, mà người bị nhiễm vẫn cứ tưởng rằng mình là người mạnh khoẻ.

        Con người ta không ai thích người nói láo nói dối, nhưng có nhiều người thích nghe lời người nói láo nói dối, vì lời nói láo phỉnh phờ lừa bịp thì dễ nghe, vì “xảo ngôn” thì không biết góp ý mà chỉ muốn tâng bốc nịnh bợ mà thôi, và tội lỗi từ đó mà phát sinh.

        Đáng sợ thay tội nói láo nói dối, và suy cho cùng thì tội nói láo nói dối là tội to lắm, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói: có thì nói có, không thì nói không, thêm điều bịa đặt là do ma quỷ mà ra.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


17. TỰ GÁNH LẤY HÀNH LÝ

        Có ba anh em đi làm ăn buôn bán, trú tại một khách điếm, mua về một con cá, nấu xong thì bày ra trên bàn.

        Người anh cả hát một câu trong sách “Trú vân phi”:

-     “Con cá này, tôi muốn đoạn giữa.”

        Người anh thứ hai hát tiếp:

-        “Tôi muốn đầu và đuôi, ai dám đến tranh miệng chứ !”

        Người em út nói:

-     “Nước canh là của tôi.”

        Tên đầy tớ nấu cá thì muốn được chút mùi vị của cá, nghe như thế thì vội vàng chạy lên, chấp tay vái chào và hát:

-        “Báo cho các ngài biết, ngày mai trên đường đi thì các ngài phải tự gánh lấy hành lý, lúc ấy gian nan vất vả thì oán ai ! Lúc ấy gian nan vất vả thì oán ai !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 17:

        Người Việt Nam ta có câu nói rất là đạo lý: “Uống nước phải chừa cặn”, tức là đừng tham lam quá, hãy để cho người khác cùng hưởng với.

        Đạo Công Giáo là một đạo không những “uống nước chừa cặn” mà con là cùng chia sẻ với tha nhân nguyên cả “con cá”, nghĩa là luôn có tình liên đới với anh em, bởi vì người Ki-tô hữu luôn tâm niệm rằng mình là anh em cùng một Cha trên trời, bởi vì họ chỉ có “một Thiên Chúa, một đức tin và một phép Rửa”, cho nên họ luôn nhìn thấy anh em trong khi vui cũng như khi buồn mà chia sẻ, mà an ủi và hiệp thông.

        Người “uống nước không chừa cặn” là người coi thường tình anh em, là người chỉ biết mình mà không nghĩ đến tha nhân, họ chưa xứng đáng là anh em con một Cha trên trời.

        Làm ông chủ bà chủ thì nên nhớ đến đầy tớ để chia sẻ cho họ; làm cấp trên thì luôn nhớ đến thuộc hạ để đỡ nâng họ; làm cha sở thì càng quan tâm hơn nữa đến bổn đạo của mình, đó chính là những con người biết mình uống được nước thì kẻ khác cũng uống được, do đó mà họ vui vẻ chia sẻ với tha nhân vậy. Hạnh phúc thay những con người như thế, bởi vì họ là những người thay mặt Thiên Chúa để giúp đỡ tha nhân ngay tại trần gian nầy.

        Người đầy tớ nấu canh cá dạy cho chúng ta –người Ki-tô hữu- hôm nay một bài học, đó là nếu không chia sẻ với tha nhân thì đường lên thiên đàng chúng ta phải nặng nhọc vất vả lắm đấy.

        Ai hiểu thì hiểu !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


16. ĂN TRƯỚC ĐÁNH SAU

        Có một người miền quê lên thành phố, nhìn thấy các tiệm ăn chào mời khách vào ăn ở tiệm mình.

        Anh ta nghĩ rằng cái tiệm ăn này tốt thật, không giống như các tiệm ăn ở miền quê, đưa mì cho người ta ăn lại còn đối xử lịch sự, và anh ta cho rằng ăn xong thì không cần trả tiền, thế là cũng vào trong tiệm ăn liền ba tô mì.

        Vừa muốn rời quán thì chủ tiệm đến tính tiền với anh ta, nhưng anh ta một xu cũng không có, tay chân hoảng loạn cả lên, chủ tiệm không những giận dữ chửi mắng, mà lại còn lấy cái đòn gánh đánh anh ta bảy, tám hèo và đẩy ra khỏi tiệm.

        Người miền quê ấy sau khi trở về nhà thì nói với hàng xóm:

-        “Trong thành phố có một tiệm bán mì ăn rất ngon, nếu chịu đánh ba đòn gánh thì có thể ăn được một tô.”

        Có người nghe như thế thì rất là phấn khởi, đến khi có cơ hội thì đi lên thành phố vàtự mình tìm đến tiệm bán mì nọ rồi nói với chủ tiệm:

-        “Giá tiền một tô mì thì tôi đã biết, nhưng không biết là ăn trước rồi đánh, hay là đánh trước rồi ăn sau ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 16:

        Cái giá của một tội trọng thì ai cũng biết, đó chính là bị phạt đời đời trong hoả ngục và muôn đời không nhìn thấy mặt Thiên Chúa.

        Nhưng cái giá này phải trả lúc nào -ở đời này hay ở đời sau- thì không ai biết, có người phải trả ở đời này và có người lại phải trả ở đời sau, và có khi trả cả hai nơi đời này và đời sau cũng không biết chừng.

        Có nhiều Ki-tô hữu biết cái giá vô cùng thảm khốc ấy của tội trọng, nhưng họ vẫn cứ coi là giống như “mua hàng trả góp” dùng trước trả sau, nghĩa là vẫn cứ phạm tội vì họ nói Chúa không có phạt ngay liền bây giờ, cho nên họ cứ “mua tội trả góp” bất chấp hậu quả nặng nhẹ như thế nào.

        Người vô ý mà phạm tội trọng thì cái giá nhẹ hơn vì không biết, nhưng người biết tội trọng mà vẫn cứ phạm tội thì cái giá nặng nề vô cùng bởi vì biết mà không tránh, cái giá nặng nhẹ hơn nhau là ở đó. Người khôn ngoan thì không “mua trả góp”, nhưng những kẻ thiếu khôn ngoan là những người coi thường Lời Chúa thì vẫn cứ coi thường cái giá của tội trọng, họ là những người “ăn trước đánh sau” vậy.

Tội nghiệp thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


15. TIẾN SĨ GẠO ĐẾN RỒI

        Có người nọ vì muốn làm quan cho nên mỗi năm đều đem cống nộp cho quan phủ rất nhiều gạo, về sau cũng được nhận vào làm tiến sĩ[1] quốc tử giám[2].

        Ông tiến sĩ này tính rất thích khoe khoang, mỗi lần ngồi xe ngựa lên phố thì kêu người đánh xe đi trước thét lớn:

-     “Tiến sĩ quốc gia đến rồi, mau tránh ra !”

        Người đi đường biết rõ chuyện bèn cười lớn chế giễu nói:

-     “Không phải tiến sĩ “cốc[3]” đến, mà là tiến sĩ gạo đến đấy !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 15:

        Người cố gắng học hành rồi được ghi tên trên bảng vàng thì thật là vinh hạnh biết bao, trái lại người chỉ đem tiền đút lót cho ban giám khảo để được điểm cao, đem của cải đến để hối lộ cho giáo sư chấm thì để được “thông qua” thì thật là nhục nhã vô cùng, và cái bằng cấp của sự học hành ấy sẽ làm nghèo đất nước, sẽ làm khổ bá tánh mà thôi.

Con người ta không ai thích người khoe khoang hợm hỉnh cả, ngay cả những người thường hay khoe khoang nhất cũng không thích người khác khoe khoang chính mình.

        Người có để mà khoe khoang thì cũng đã bị người ta châm chọc, huống gì người không có gì mà cũng khoe khoang thì lại càng làm trò cười cho thiên hạ.

        Cái nguy hại lớn nhất của đức ái chính là sự khoe khoang, bởi vì như thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác”.

Cho nên những người muốn tìm ích lợi cho riêng mình thì phải khoe khoang mình để được người khác chú ý và khen ngợi, và khi đã tự khoe khoang mình thì chính mình đã gián tiếp chê bai anh em chị em chúng ta vậy.

        Người hay khoe mình chính là người từng chưa học tập đức ái nên cũng chưa thực hành đức ái, do đó ở đâu có hạng người hay khoe khoang thì ở đó có ma quỷ hiện diện, có chia rẽ và bè phái...

        Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Ngày xưa đây là tên của một chức quan dành cho người chuyên tinh thông một môn nghệ thuật nào đó.

[2] Ngày xưa đây là cơ cấu giáo dục trung ương của triều đình.

[3] nghĩa là cốc, ngũ cốc, đọc là “cù” là đọc trại của chữ “quốc” ý chế giễu.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


14. KHÔNG DÁM XUẤT ĐẦU

        Chủ nhà nọ đã nhiều lần thúc giục gia sư (thầy giáo dạy kèm) giúp ông ta viết văn tế, nhưng thầy giáo không viết được, kế cùng lời tận, nên thầy giáo ăn cắp ngựa của chủ nhà rồi cuống quýt cỡi ra vùng ngoại ô để trốn, hắn ta tìm được một cái lò gạch, bèn cấp tốc xuống ngựa chạy vào bên trong ấy mà  trốn, nhưng con ngựa ấy chỉ loanh quanh phía ngoài không muốn tiến vào, thầy giáo ấy đứng trong lò gạch mà lòng không yên, bèn chửi nó:

-        “Mày là con ngựa ngu, nếu mày muốn làm văn tế thì cứ đứng bên ngoài, còn tao thì không dám xuất đầu nữa đâu !”

                                                        (Giải Uẩn thiên)     

 

Suy tư 14:

        Ở đời có người chữ nghĩa không có, đức độ cũng không, nhưng cứ muốn làm thầy thiên hạ, cho nên thiên hạ đại loạn; nhưng thiên hạ sẽ càng loạn hơn khi người có tài có đức có chữ nghĩa đầy mình mà lại không muốn làm thầy thiên hạ.

        Có người được cha sở mời vào cộng tác với ngài để giúp đỡ giáo xứ, thì cứ tưởng mình là...cha sở, nên hết “dạy” người này phải làm như thế này, “dạy” người kia phải làm như thế kia, mà chuyện này chuyện kia ấy lại là không phải bổn phận của mình. Đây là những người làm mất đi sự đoàn kết của giáo xứ.

        Có người được cha sở mời cộng tác với ngài trong việc điều hành giáo xứ thì lắc đầu nguây nguẩy, bởi vì họ cho rằng làm việc chung với những người học lực thua mình tài trí kém mình thì là một sự nhục nhã. Đây là những người kiêu ngạo cố hữu, coi cái tôi của mình lớn hơn đức ái, họ là những người không những phá đi sự đoàn kết của giáo xứ, mà còn là những tảng đá to bự chảng làm cản trở sự phát triển của giáo xứ trong mọi lãnh vực đạo đời.

        Chỉ có Thiên Chúa mới đúng là thầy dạy của chúng ta về mọi phương diện, cho nên cứ khiêm tốn làm việc với hết khả năng của mình, Chúa sẽ thay chúng ta để bảo ban dạy dỗ người anh em chị em, có gì mà phải thế này thế nọ chứ ?

        Đôi lúc chúng ta chỉ đứng bên ngoài cửa nhà để rồi đoán mò bên trong nhà có những thứ gì, cũng vậy, có những lúc chúng ta chỉ làm người bàng quan rồi đoán mò công việc tài trí năng lực của người khác, mà không chịu xắn tay áo lên cùng làm với họ...

Thử cùng làm với mọi người thì sẽ thấy người khác không như mình nghĩ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)