Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Lễ Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa



LỄ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

Tin Mừng: Mc 1, 7-11
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Anh chị em thân mến,
Thân phận làm người là thân phận cao quý (chỉ sau các thiên thần) trong các loài thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên, nhưng càng cao quý hơn khi chính thân phận được dựng nên bởi bùn đất này lại được trở nên làm con cái của Thiên Chúa, ơn nghĩa cao trọng này bởi đâu mà có, chắc chắn không phải bởi công nghiệp của tổ tiên, cũng không phải bởi công lao của chính bản thân mình, nhưng là chính bởi tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà rõ ràng và cụ thể nhất chính là nơi con người của Đức Chúa Giê-su. Ngài là ai với thân phận của mình ?

1.   Thân phận con người.
Thân phận con người nơi Đức Chúa Giê-su được thấy rõ nhất là giây phút này đây: giây phút Ngài tự nguyện xuống sông Gio-đan để xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, một sự tự nguyện mà thánh Gioan Tẩy Giả –qua tác động của Thánh Thần- đã phải sững sờ kinh ngạc thốt lên: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”

Hành vi tự nguyện trở thành tội nhân của Ngài đã nâng cao giá trị của tình liên đới giữa người với nhau, Ngài đã đồng hóa mình như là một tội nhân để thông cảm, rộng lượng và chấp nhận những người tội lỗi, những người mà xã hội hôm nay gọi là “thành phần bất hảo”, để họ trở thành những người anh em chị em với mình.

Con người thời nay, ai cũng tự cho mình là những bậc thầy của người khác, cho nên họ thường hay kết án, chỉ trích tha nhân; ai cũng muốn tách mình ra khỏi đám người tội lỗi, và lẫn tránh người anh em chị em khi họ sa cơ thất thế, và thế là họ đã đi ngược lại với hành vi tự nguyện của Đức Chúa Giê-su: Đấng vô tội đã trở thành tội nhân, để vô số tội nhân được trở nên người thân cận của Ngài.

2.   Thân phận Thiên Chúa
Nơi giòng sông Gio-đan có rất nhiều người đến xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa để tỏ lòng sám hối, nhưng sự sám hối này chưa hoàn hảo vì nước chưa được thánh hóa, hay nói cách khác, họ chỉ hối hận những việc làm không chính đáng của mình qua lời giảng dạy của thánh Gioan Tẩy Giả mà thôi, còn sự tha tội thì phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả không “đủ sức” để làm.

Đức Chúa Giê-su đến, và Ngài đã xuống sông để chịu phép rửa như bao người khác, hành vi khiêm tốn của Đấng-Thiên-Chúa-làm-người này, đã thực sự làm cho nước có một giá trị tuyệt đối –rửa sạch mọi tội lỗi trong tâm hồn của con người nơi bí tích Rửa Tội-

Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng thánh hóa nước, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm cho con người từ trong vũng bùn tội lỗi được trở nên trắng như tuyết trong nước Rửa Tội, vị Thiên Chúa đó đang lẫn lộn trong đám người xuống sông Gio-đan xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình, và qua phép rửa tượng trưng này, Ngài đã thánh hóa những kẻ tin vào Ngài được trở nên con Thiên Chúa và là người anh em với Ngài nơi bí tích Rửa Tội.

Con người ngày nay thường hay “tạt nước” vào mặt anh chị em bằng những thái độ hống hách và những lời nói khiếm nhã, họ muốn người khác phải tôn trọng họ, nhưng nơi họ, một chút tôn trọng anh chị em cũng không có, họ coi thường người khác trong chính hành vi ngôn ngữ của mình.

3.   Bí tích Rửa tội – Ấn tích của sự sống lại.
Mừng lễ Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa, chúng ta nhớ lại ngày hồng ân của mỗi người, đó là ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, trở thành con cái của Thiên Chúa, được thông phần vào cuộc giáng sinh, khổ nạn, và phục sinh của Đức Chúa Ki-tô.

Sau khi Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa, thì Ngài công khai rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, Tin Mừng về Nước Trời chính là “kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình”, không những Ngài rao giảng, mà Ngài còn thi ân giáng phúc cho mọi người, để làm chứng cho họ biết rằng: chính Ngài chứ không phải người nào khác, mới có quyền cứu độ và tha tội cho nhân loại, chính Ngài, chứ không một ai khác, mới thật sự là Đấng phán xét nhân loại.

Chúng ta đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, cũng có nghĩa là chúng ta có đủ tư cách để tiếp tục sứ mạng loan truyền Tin Mừng cứu độ của Đức Chúa Giê-su cho mọi người, do đó chúng ta cần phải học hỏi và noi gương của Ngài: yêu thương anh em như chính mình. Đành rằng chúng ta không bị treo trên thập giá như Ngài để cứu độ anh em, đành rằng chúng ta không sống lại sau khi chết được ba ngày như Ngài để ban ơn cứu độ cho anh em, nhưng mỗi người trong chúng ta cũng có thể chết cho cái tôi kiêu ngạo, cái tôi ích kỉ của mình để anh em chị em được thoải mái, hoặc là chúng ta có thể hi sinh những thói quen khiến người khác không bằng lòng, thì cũng giống như chúng ta đã sống lại với con người mới trong đức ái  rồi vậy.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Bộ xương lịch sự


BỘ XƯƠNG LỊCH SỰ
Vương Phủ Vân tự là Câu, vừa cao vừa gầy, nhưng rất chú trọng đến việc ăn mặc, bạn bè thường gọi đùa là “bộ xương lịch sự”.
Vào cuối năm Sùng Ninh, tại phủ Kim Lăng, Bắc Ninh có triệu tập tất cả các nữ tì của quan phủ, có một cô cũng vừa cao vừa rất gầy, quan phủ Chu Thế Xương coi xong liền nói với người bên cạnh:
-         “Ngài quen biết với “bộ xương người đẹp đẽ” này chứ ?”
Người ấy nói:
-      “Có quen, cô này rất xứng hợp với Vương Câu”.
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Lịch sự theo giải thích của quyển đại từ điển tiếng Việt như sau: “Lịch sự là có cách tiếp xúc, xã giao phù hợp với phép tắc mà xã hội thừa nhận.”
     Có người vì muốn tỏ ra mình là người lịch sự nên từ thái độ cung cách trở thành lố bịch, khách sáo trống rỗng; có người khi mặc áo quần thì quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, vì cứ tưởng cho đó là lịch sự, nhưng thật ra bắt người khác đứng chờ đợi mình mất cả thời gian là đã quá không lịch sự rồi; lại có người lịch sự hơn vào trong nhà thờ thấy người quen biết thì chạy tới bắt tay lắc lắc, nói nói cười cười mất cả sự tôn nghiêm của mọi người đang dự thánh lễ...
     Có lịch sự mà không có đạo đức nhân bản Ki-tô giáo thì chỉ là hình thức xã giao bên ngoài, bởi vì có nhiều người khi giữa đám đông thì ăn nói lịch sự, nhưng lại lỗ mãng nơi ít người...
     Quá chú trọng đến vấn đề lịch sự xã giao mà quên mất đi tính cốt lõi của tình người, thì lịch sự ga lăng như Mỹ như Tây cũng chẳng ích gì cho ai, trái lại càng làm cho người khác xa lánh, chỉ vì mình chỉ có cái “mả tô vôi bên ngoài” mà thôi.

     Không trở thành bộ xương lịch sự, nhưng trở thành con người lịch sự từ trong tâm hồn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Nửa sống nửa chín



NỬA SỐNG NỬA CHÍN
Con gái phương bắc đẹp, nhưng cử chỉ rất cứng cỏi, người trí thức gọi là “sống Trương Bát”.
Năm nọ ở phủ có hội, Khấu Trung Uý ra lệnh cho người đến nhờ Ngụy Dã thảo thơ, Ngụy Dã làm thơ, viết:
-         “Vua vì bắc đạo sống Trương Bát, tôi là Tây châu chín Nguỵ Tam, không trách Tôn Tiền không cười nói, nửa sống nửa chín chưa thông thạo”.
Người liên lạc đến lấy cầm về coi, những người khách đều cười ha ha.
                                           (Phủ Chưởng lục)
Suy tư 95:
     Thông thường mà nói:
Con gái đẹp thì thường có tính kiêu kiêu, nhất là con gái ấy là con của nhà giàu, thôi thì tha hồ mà kiêu căng, kén chọn...
     Con gái đẹp thì thường có tính ích kỉ, không thích ai đẹp hơn mình.
     Con gái đẹp thì thường có tính lãng mạn.
     Con gái đẹp thì thường là...làm biếng, vì sợ mất đẹp.
     Con gái đẹp thì thường là rất hiền và rất xung, hiền là khi người ta khen mình đẹp, xung khi người khác chê mình xấu...
     Con gái đẹp thì không hẳn là dễ thương và đáng yêu.
     Cho nên, người ta thường nói : “Cái nết đánh chết cái đẹp” là để đề cao cái nết nơi người con gái, dù cho cô gái đẹp cỡ nào mà không có “cái nết” thì cũng chỉ để cho người ta nhìn như nhìn một bông hoa đẹp mà mùi thì rất khó ngửi...
     Cái đẹp chỉ được hoàn hảo khi cô gái biết sống như Lời Chúa đã dạy đó là biết phục vụ trong yêu thương.
     Cái đẹp chỉ được hoàn hảo khi cô gái biết tập tành đức khiêm tốn như Đức Maria...
    

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Râu lớn râu nhỏ



RÂU LỚN RÂU NHỎ
Tôn Cách Lão, Tôn Cự Nguyên cùng nhậm chức trong sứ quán, lại vừa là cử nhân, do đó mà các chức viên trong sứ quán rất khó mà gọi và xét đoán, bèn thỉnh giáo với Liễu Cống Phụ.
Liễu nói : “Tại sao không căn cứ vào râu của họ mà xét đoán ?”
Các chức viên nói : “Ai cũng có râu cả, làm sao mà phân biệt được ai là ai chứ ?”
Liễu Cống Phụ nói : “Tại sao không căn cứ vào vóc dáng cao thấp của họ để mà xét đoán ?”
Thế là các chức viên trong sứ quán đều gọi Tôn Cách Lão là Tôn cử nhân râu lớn, gọi Tôn Cự Nguyên làTôn cử nhân râu nhỏ.
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Chuyện râu lớn và râu nhỏ cũng giống như hai em bé nói đến chuyện người nọ có hai bà vợ :
Em bé A hỏi : Sao ba tao chỉ có một vợ mà ông kia lại có hai vợ ?
Em bé B nói : Là tại vì ông ta thích lấy nhiều vợ.
Em bé A lại hỏi : Vậy thì ông ta không sợ Chúa phạt sao ?
Em bé B nói : Thì Chúa phạt rồi đó, hai bà vợ ngày nào cũng chửi nhau, con cái của họ thì đi bụi, còn ông thì ngày nào cũng ra quán uống rượu đến say mèm...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Thấy áo khóc cha



THẤY ÁO KHÓC CHA
Thạch Trung Lập rất hay đùa cợt.
Một ngày mùa hè nọ, đi đến nhà Văn Công tham gia lễ tống táng, có rất nhiều hiền sĩ nổi tiếng trong giới văn học cũng đến, tất cả đều mặc áo trắng vải lót, có điều là chất liệu thì không giống nhau, có người mặc thì là vải lụa, có người mặc thì là vải dệt.
Trung Lập đột nhiên khóc lớn tiếng, người ta bèn hỏi anh ta làm sao lại thương tâm như thế, anh ta nói:
-         “Nếu phụ thân tôi còn sống, thì nhất định tôi sẽ mặc áo trắng vải lót bằng vải lụa.”
Mọi người nhìn anh ta, thì quả thật Trung Lập đang mặc một cái áo vải lót bằng vải dệt thì cười thầm...
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Hồi còn học tiểu học, cứ mỗi ngày vào lớp học, thì nữ tu chủ nhiệm bắt chúng tôi phải viết và thuộc lòng một câu cách ngôn trên bảng, tôi còn nhớ câu này : “Con có cha như nhà có nóc”, nhà thì phải có cái nóc, nếu không có cái nóc thì không thể an toàn trú ngụ bên trong, nếu nhà không có nóc thì vẫn còn thua cái trại chăn vịt.
     Trong gia đình, người cha là trụ cột chính của cả nhà, tình thương của người cha không như của mẹ, không như có nghĩa là không bộc lộ ra bên ngoài, nhưng trong lòng cha thì đấy ắp yêu thương đối với con cái. Người ta thường làm thơ, viết sách ca ngợi người mẹ, nhưng rất ít ca tụng người cha, cũng giống như trong Phúc Aâm rất ít nhắc đến thánh cả Giu-se, tuy ít nhắc đến, nhưng ai cũng đều biết vai trò quan trọng của thánh Giu-se đối với Đức Mẹ  Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su.
     Có nhiều người con coi thường cha của mình vì ông ta không làm ra tiền như bà mẹ; có nhiều người con hất hủi cha mình vì ông ta có cái tật thích uống rượu; có những đứa con không thích nhắc đến cha mình giữa đám đông vì ông ta bị bệnh tâm thần.v.v...
     Ai không yêu thương và kính trọng cha mình thì không thể yêu thương và kính trọng người khác được, và càng không thể làm một người cha tốt lành của con cái sau này.
     “Con có cha như nhà có nóc”, nhà mất nóc thì làm lại được, chứ con mất cha thì không thể nào kiếm lại được người cha thứ hai, đó là sự thật.

“Lạy Thánh Cả Giu-se là Đấng bảo trợ các gia đình, xin cầu cùng Chúa cho chúng con là những người làm cha trong gia đình, biết nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người Ki-tô hữu tốt, xin Thánh Cả dạy chúng con biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như Chúa dạy, để chúng con trở thành tấm gương sáng cho con cái noi theo. Amen.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Hài hước của cử nhân



HÀI HƯỚC CỦA CỬ NHÂN
Cử nhân Thạch Mạn Khanh thích uống rượu làm thơ, ăn nói hài hước.
Một hôm, khi đi dạo ở chùa Báo Ninh, vì người đánh ngựa sơ suất nên ngựa kinh hoàng nhảy lên, khiến cho cử nhân Thạch té xuống ngựa, đám tuỳ tùng lập tức đỡ ông ta dậy.
Rất nhiều người nhìn thấy cảnh ồn ào, thì cho rằng ông ta sẽ chửi mắng người đánh ngựa, nhưng không ngờ ông ta chỉ chỉ con ngựa và nói với người đánh xe:
-          “May mà ta là cử nhân Thạch (đá), nếu là cử nhân Đất thì té nát vụn rồi còn gì !”
                                          (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     “May mà thầy ấy, cha ấy đi tu, nếu ở đời thì chán khối cô chết mệt...”
“May mà Xơ ấy đi tu, nếu mà ở đời thì nũng nịu và điệu chịu không nổi...”.
Đó là những câu mà chúng ta thường nghe các cụ các bà nói khi có một thầy, một Xơ hay một linh mục nào đó có chút...tài sắc...          
Chúng ta cảm tạ Chúa đã chọn các linh mục, các thầy và các dì phước ấy làm môn đệ riêng cho mình để các vị ấy đem lòng thương xót của Chúa truyền bá cho mọi người như họ đã cảm nghiệm được qua cuộc sống hiến dâng.
Có những người Ki-tô hữu tự kềm chế được cơn nóng giận của mình và nói: “May mình là người Công Giáo, nếu không thì xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc...”
Nếu trước khi cơn nóng giận xảy đến mà mỗi một linh mục tự nói: “Tôi là một linh mục của Chúa Ki-tô, tôi phải sống hiền lành...”  thì có rất nhiều việc tốt đẹp kỳ diệu sẽ xảy ra sau đó, mà điều kỳ diệu nhất sẽ xảy ra là các tín hữu nhìn thấy vị mục tử của mình hiền lành giống Chúa Ki-tô vậy !
Nếu sau khi không kềm được cơn nóng giận của mình, ước gì mỗi linh mục tự khiêm tốn nói với mình: ”Tôi là linh mục của Chúa Ki-tô, tôi phải sửa chữa sai lầm của tôi...”  thì phép lạ tức khắc sẽ xảy ra, đó là các ngài sẽ yêu Chúa hơn và hăng say phục vụ tha nhân hơn trong bổn phận của mình.
“May mà tôi là linh mục, là tu sĩ nam nữ của Chúa, nếu không, thì tôi sẽ trở nên tồi tệ hơn bây giờ...”, “May mà tôi là người Công Giáo, nếu không, thì tôi sẽ là người xấu xí tội lỗi nhất đời...”

     Đó không phải là những câu nói hài hước nữa, nhưng là như một lời nhắc nhở chúng ta sống đẹp với Chúa và với tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Quan, tặc như nhau



QUAN, TẶC NHƯ NHAU
Ở Phúc Kiến có một người chuyên nghề hải tặc tên là Trịnh Quảng, về sau bị bắt, đầu hàng quan phủ, lại còn được làm quan.
Những người cùng làm quan với hắn ta, cương quyết bắt hắn ta phải làm thơ, hắn ta làm sao mà biết làm thơ được chứ, nên chắp vá lung tung, nói vè:
-         “Đừng hỏi quan văn với quan võ, chỉ là như nhau. Các quan đã làm quan thì làm tặc, Trịnh Quảng đã làm tặc thì làm quan”.
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
Theo thói đời, không một ai dễ dàng chấp nhận một người có bề dày thành tích bất hảo lại cùng được ở vai vế với mình trong cùng một địa vị, mà nếu vì bất đắc dĩ mà phải ngang hàng thì cũng tìm cách nói xấu hoặc bôi nhọ danh dự hay khinh bỉ họ. Thói đời là như thế !
Theo thói ”trời” thì không phải như thế, Đức Chúa Giê-su đã hứa Nước Trời cho người tên ăn trộm cùng bị đóng đinh với Ngài, mà thánh Stê-pha-nô thì vì Chúa mà bị ném đá đến chết, nhưng ngài không kiện cáo: “Sao con vì Chúa mà chịu ném đá đến chết mà cũng bằng tên ăn trộm thôi sao ?”, Đức Chúa Giê-su cũng đã làm cho Mát-thêu người thu thuế tội lỗi trở thành tông đồ ngang hàng với các vị khác mà không có ai trong các tông đồ nói: “Ông là thằng thu thuế tội lỗi, bây giờ cũng tông đồ như chúng tôi sao ?”; Đức Chúa Giê-su cũng đã khen Ma-ri-a Mag-da-la khi cô ta dùng thuốc thơm quý giá xức chân của Ngài mà không một phụ nữ nào phân bì so đo...
Có những lúc chúng ta không thèm cộng tác với những anh em thua kém mình về tài năng, học vấn, nhưng chính mình thì lại thích muốn cộng tác với những người “có máu mặt” danh phận gấp mấy mình...
“Thói đời” và “thói trời” không giống nhau, nhưng  cuộc sống của người Ki-tô hữu thì rất giống với mọi người, chỉ khác nhau có một điểm là: họ luôn nhìn thấy Chúa trong con người của tha nhân, và nhất là với những ai đang cùng cộng tác với họ...

     Bởi vì làm quan và làm tặc thì không thể như nhau, nhưng người làm quan có thể làm tặc và người làm tặc cũng có thể là vị quan tài ba.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Đặt mũ trên đầu nhà sư



ĐẶT MŨ TRÊN ĐẦU NHÀ SƯ
Có một lần, ở Tứ Xuyên có Văn Giám đại sư hòa thượng rất nổi tiếng đang tiếp kiến hai vị chủ bộ họ Trương và họ Đường ở Hoa Dương.
Sau khi phân ngôi thứ chủ thì Đường chủ bộ bất ngờ ngứa đầu muốn gãi chút xíu, nhưng nhìn trước nhìn sau, nhìn phải nhìn trái mà không có chổ để đặt mũ, chợt liếc mắt nhìn thấy trên đầu của Văn Giám đại sư sạch bóng, bèn lấy cái mũ cánh chuồn trên đầu mình xuống đặt trên đầu của nhà sư
Người xuất gia cảm thấy bị nhục mạ bèn kêu ầm lên, Trương chủ bộ lập tức khuyên giải, Văn Giám đại sư mới nể mặt ngồi xuống, không bằng lòng nói : “Tôi và vị quan này vốn không quen biết nhau, tại sao làm cái trò ác thế chứ ?”
Đường chủ bộ nói : “Vừa rồi cái đầu tôi nó ngứa ngáy khó chịu, sau khi lấy mũ ra thì không có chổ để đặt nó, nhìn thấy trên đầu đại sư không có gì, thế là muốn bỏ tạm cái mũ, không ngờ đại sư lại nổi giận như thế !”
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư :
     Người xuất gia cảm thấy bị nhục mạ vì bị người khác ...rờ trên đầu ; người thanh liêm cảm thấy bị nhục mạ khi có người đem tiền bạc đến đút lót ; người quân tử cảmh thấy bị nhục mạ khi có kẻ tiểu nhân vu khống cho mình...
     Ai cũng có cái tôi của mình, nên ai cũng cảm thấy bị nhục mạ khi người khác bôi nhọ thanh danh của mình.
     Người Kitô hữu cảm thấy bị nhục mạ khi người khác phỉ báng đạo của mình, niềm tin của mình, nhưng cái bị nhục mạ này không hạ giá con người của họ, trái lại nó càng làm cho họ có dịp trưởng thành hơn trong đức tin của mình. Chúa Giêsu đã bị nhạo báng, nhục mạ, chửi bới đánh đập, bị khạc nhổ, bị đánh đòn và cuối cùng bị đóng đinh chết trên thập giá, hỏi còn cái nhục nào hơn thế nữa chứ, trong khi Ngài là thân phận của một vị Thiên Chúa làm người ? Nhưng cái nhục của Chúa Giêsu hứng chịu chính là khi chúng ta -con cái của Ngài- lấy bùn trát vào mặt Ngài bằng những tội lỗi của mình : tội kiêu căng với anh chị em, tội vu khống cáo gian người khác, tội gian dâm ngoại tình, tội ghét ghen và ích kỉ với tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Trời lạnh giữa khuya



TRỜI LẠNH GIỮA KHUY
Lúc Tô Đông Pha ở hàn lâm viện, một hôm ông giở sách “A Phòng cung phú” của Xã Mục ra đọc, thưởng thức mùi vị trong văn chương mà cảm thán, gần nửa đêm rồi mà vẫn còn chưa đi ngủ.
Có hai anh lính già là thủ hạ làm việc cho Đông Pha, thấy Đông Pha chưa ngủ, họ cũng chỉ biết đứng bên ngoại đợi ông ta, đợi rất lâu, chịu không nổi bèn than thở, anh lính tên Giáp nói:
-         “Đọc cho nhiều trang nhiều sách thì có ích lợi gì chứ ?”
Trong lời nói cố ý trách Đông Pha giữa khuya trời lạnh mà còn chưa đi ngủ.
Anh lính tên Ất nói:
-      “Cũng có hai câu lợi”.
Anh lính Giáp nổi giận:
-      “Anh lĩnh hội câu nào ?”
Anh lính Ất nói:
-         “Tôi rất thích ông ta nói câu này: “Người trong thiên hạ không dám nói mà chỉ dám nổi giận”.
Tô Đông Pha nghe câu nói này thì cười lớn nói:
-      “Tên này thật có kiến thức”.
                                           (Phủ Chưởng lục)
Suy tư:
     Có nhiều người, vì muốn cho người khác biết mình là người có kiến thức, có học vấn, có bằng cấp nên thường hay lăng xăng rờ cái này, đụng cái kia, chê cái này, khen cái nọ trước mặt mọi người, nhưng thật ra thì họ không được ai phân công làm một công việc gì cả.
     Đôi lúc chỉ một câu nói mà người ta có thể biết được mình là người có kiến thức hay không, bởi vì người thật có kiến thức thì không cần phải ăn to nói lớn, không cần phải phê bình cái này hay cái kia dở, nhưng là người biết nói và biết im lặng đúng nơi đúng chỗ.
     Có một vài thầy đại chủng sinh khi đi giúp xứ, thì cứ tưởng mình là người kiến thức đầy mình, nên chê những sáng kiến của các bạn trẻ trong khi sinh hoạt ở nhà thờ, cứ cho họ là những người “không biết gì” về giáo lý thâm sâu của Giáo Hội; có một vài linh mục không biết vì mặc cảm mình là người “chịu chức chui” khi học chưa hết chương trình thần học hay là vì kiêu ngạo, nên mỗi lần trò chuyện với giáo dân thì chê cha này học thua mình một lớp, chê cha nọ học không ra gì, và khi giảng thì cố lấy những chứng minh thần học, trên trời giảng cho giáo dân nghe, để chứng tỏ ta đây là người học hành đến nơi đến chốn, là người kiến thức đầy mình...
Đức Chúa Giê-su không chạy lăng xăng trước đám đông dân chúng, Ngài cũng không nói xấu các kinh sư và biệt phái, Ngài cũng không dùng những lời cao siêu trên trời để giảng dạy tin mừng Nước Trời cho dân chúng, nhưng Ngài dùng những ví dụ rất dể nhớ, rất mộc mạc và rất cụ thể trong đời sống của con người để dạy dỗ họ.

“Lạy Chúa, xin ban cho con có một tâm hồn khiêm tốn, để con biết nhìn ra những giá trị tu đức nơi mỗi người cùng cộng tác với con trong cuộc sống hằng ngày...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Nước chảy ra từ cao nguyên



NỨƠC CHẢY RA TỪ CAO NGUYÊN
An Hồng Tiệm rất hài hước, nhưng lại rất sợ vợ.
Một năm nọ, khi bố vợ chết, chiếu theo phong tục thì An Hồng Tiệm phải mặc quần áo tang đứng khóc bên cửa, bà vợ đứng trong màn trướng trách mắng ông ta, nói : “Tại sao lúc ông khóc mà không có nước mắt ?
An Hồng Tiệm nói : “Bà không thấy nước mắt, tức là tôi đã dùng khăn tay lau khô rồi đấy chứ !”
Vợ nghiêm mặt nói : “Sáng sớm mai đưa quan tài đi, nhất định ông phải khóc ra nước mắt đấy nhé !”
An Hồng Tiệm chỉ biết ừ ừ nghe lệnh, nhưng thực tình không cách gì để khóc cho ra nước mắt, nên trước khi đưa quan tài đi thì dùng một cái khăn tay lớn có kẹp tờ giấy thấm ướt ở giữa buộc vào trên trán, mỗi lần cúi đầu lạy, thì lấy sức ấn mạnh trán trên đất thì nước chảy ra, lại còn khóc thét hơn cả vợ khóc.
Vừa mới khóc xong, bà vợ lại kéo ông chồng vào trong trướng giận dữ nói : “Nước mắt của người ta thì từ trong con mắt mà chảy ra, tại sao ông lại từ trên trán chảy ra hử ?”
An Hồng Tiệm đáp : “Lẽ nào bà không nghe người ta nói “Từ xưa đến nay mây nước từ trên cao nguyên mà chảy ra” hay sao ?
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư :
     Có nhiều loại nước : nước từ trên trời rơi xuống gọi là nước mưa với nhiều ô nhiễm bụi bặm, nước từ trên núi chảy xuống gọi là ngước nguồn với nhiều đất đá và rác rưởi, nước chảy xối xả gọi là nước lũ với nhiều phù sa đất cát, nước trong con mắt chảy ra thì gọi là nước mắt với nhiều vị mặn cay xè, nước trên trán chảy xuống gọi là mồ hôi với mùi vị không được sạch sẽ...
     Có một loại nước không chảy từ trên núi xuống, cũng không từ trong con mắt chảy ra, nhưng lại chảy từ trên thập giá xuống, nó không pha tạp các chất bùn đất, bụi bặm hoặc bị ô nhiễm, nhưng lại pha với máu từ quả tim chảy ra, đó chính là nước và máu của Chúa Giêsu đã chảy ra để rữa sạch tội lỗi của nhân loại, thánh Gioan Tông Đồ ghi lại rất rõ ràng : “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra” .
Nước và máu của Chúa Giêsu đã chảy ra từ thập giá  để xoá bỏ mọi vết nhơ trong tâm hồn của những ai tin vào Ngài, máu và nước này chảy ra là để những ai tin vào Ngài được sự sống đời đời. Đó cũng là dấu ấn tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, một tình yêu mà khi trao ban Thiên Chúa đã phải hi sinh chính Con Một của mình.

Mỗi ngày tôi đều có làm một vài việc hi sinh, nhưng những hi sinh ấy –tự trong tâm hồn tôi- có chảy nước và máu không ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Tấm bia không có chữ


TẤM BIA KHÔNG CÓ CHỮ
Năm Thiệu Hưng thứ 9 thời Nam Tống, những người buôn bán đổ về Hà Nam tăng thêm nhiều. Có rất nhiều thương nhân mang tấm bia khắc giữa năm Tần Hán từ Trường An đến bán cho Sĩ Đại Phu để được giá cao.
Có một người họ Vương ở Đông Bình, một hôm, cầm một cặp bia đến nói với người Hà Nam rằng : “Gần đây tôi được một tấm bia rất là kỳ lạ.”
Người ta nhìn thấy tấm bia đá chưa điêu khắc, một chữ cũng không, nhưng thấy họ Vương cứ khen lấy khen để, thì cho rằng nó không giống với các loại bia khác, liền hỏi ông ta:
-      “Tấm bia này thuộc thời đại nào thế nhỉ ?”
Họ Vương úp úp mở mở rất lâu mà cũng không trả lời được, người nọ bèn nói:
-         “Nhưng tôi biết tên của tấm bia này, nó gọi là “bia vô danh”, rất hợp với sự khen ngợi của ông”.
Những người đứng chung quanh đều cười lớn và giải tán.
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Khen ngợi là việc phải có trong giao tiếp, nhưng không phải lúc nào cũng khen người khác, bởi vì như thế thì lời khen sẽ mất dần giá trị của nó.
     Ở đời có rất nhiều kiểu khen: khen để động viên người khác, khen để nịnh cấp trên, khen để lấy lòng ông chủ, khen để ra vẻ ta đây cũng biết thưởng thức cái đẹp (nhưng thật ra chỉ a dua theo lời khen của người khác), khen để tâng bốc mà chúng ta thường nói là cho “đi tàu bay giấy”...
     Con người ta cũng có nhiều cách khen: có người thích khen người khác trước mặt, có người thích khen sau lưng, có người thích mua quà tặng để khen, có người chửi trước khen sau...
     Đức Chúa Giê-su dạy cho chúng ta một cách khen người khác, mà người được khen rất phấn khởi và người khen cũng không áy náy khi khen, đó là: “Có thì nói có, không thì nói không”, bởi vì lời khen chỉ có giá trị của nó khi người khen có tâm hồn thành thật biết nhận ra cái đúng cái sai của tha nhân để khen và để góp ý, bởi vì “người chê ta mà chê đúng chính là bạn của ta, còn người khen ta mà khen không đúng là kẻ thù của ta” vậy, bởi vì khi khen ngợi mà không trung thực thì chẳng khác gì tấm bia không có khắc chữ vậy.

     Ai hiểu thì hiểu !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Trong bụng có vật gì


TRONG BỤNG CÓ VẬT GÌ
Chương Tử Hậu và Tô Đông Pha từ nhỏ đã tình đầu ý hợp. Mùa hè năm ấy, Tử Hậu đang cởi trần đưa cái bụng nằm ngay cửa sổ, Đông Pha đến, Tử hậu bèn vừa xoa xoa cái bụng vừa nói : “Ông thử nói xem, ở trong này có những thứ gì ?”
Đông Pha giả vờ lên mặt ta đây đứng đắn nói : “Để ta xem thử ra sao, ở trong bụng này toàn là những chuyện mưu phản nước nhà !”
Tử Hậu cười ha ha.
                                          (Phủ Chưởng lục)
Suy tư:
     Người ta ai cũng thích cái đẹp, vì Thiên Chúa đã muốn thế, mà cái đẹp thì chỉ tỏ hiện trên khuôn mặt, trên dáng người cảnh vật cho nên ai cũng thấy và cũng thích, còn cái đẹp bên trong tâm hồn thì không ai thấy, dù có thấy chăng nữa, thì được mấy người nhìn thấy ?
     Có nhiều cô gái mặt đẹp như hoa nhưng lòng dạ thì như hoa độc chết người ; có người miệng nói toàn là những lời quân tử, nhưng bụng dạ thì hẹp hòi hơn cả tiểu nhân ; có những vị thượng cấp vì muốn lấy lòng thuộc hạ nên đã dùng những lời lẽ dịu ngọt để dụ dổ họ, nhưng trong lòng thì lắm mưu chước để họ làm nô lệ cho mình...

     Có một số Kitô hữu cũng như thế : ngày ngày đi dâng thánh lễ, hể mở miệng ra là Chúa với Mẹ, nhưng trong lòng thì luôn chất chứa những lời cay đắng độc địa để rủa sả thiên hạ và anh em.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Dựa vào họ hàng xa


DỰA VÀO HỌ HÀNG XA
Có một người cùng một họ với Nguyên thừa tướng, nhưng quan hệ họ hàng lại rất xa, lúc đến núi Cô Tô viện thuỷ tạ chơi, thì viết trên một bức tường đá mấy chữ:
-      “Đại thừa tướng đã đến nơi đây du ngoạn”.
Có một văn sĩ tên là Lý Chương sau khi nhìn thấy, liền viết vào một bên tương tự như thế, nhưng so với người viết trước, thì vẫn còn vượt xa:
-         “Lý Chương cháu đời thứ ba mươi bảy của Hổn Nguyên hoàng đế đã đến đây.”
                                           (Phủ Chưởng lục)
Suy tư:
     Ở đời có rất nhiều người mạo danh kẻ khác để thủ lợi cho mình, cho nên mới có luật “bảo vệ tác quyền” của người sáng tạo.
     Ở đời có rất nhiều thứ để cho người ta giả mạo: đồng hồ giả, xe mô tô giả, giấy tờ giả, kết hôn giả, bằng đại học giả, bằng tiến sĩ giả, làm ăn giả để trốn thuế.v.v...
     Trong đời sống thiêng liêng thì cũng có những cái giả như: đạo đức giả, khiêm tốn giả, tinh thần giả, thậm chí có nhiều người giả làm linh mục để đi xin tiền người khác...
     Người cùng thời với Đức Chúa Giê-su đã nói Ngài dựa vào quỷ vương để trừ quỷ, nhưng thật ra chính ma quỷ đã sợ Đức Chúa Giê-su một nước, thì làm sao Ngài cậy nhờ nó được. Người Ki-tô hữu cậy nhờ vào đức tin của mình để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống, đức tin này có được là bởi Thiên Chúa ban cho, do đó, họ không ngần ngại bày tỏ đức tin của mình khi chịu bắt bớ, chịu đánh đòn, bị tù tội và coi đó như là ân huệ của Thiên Chúa ban cho họ qua đức tin đã lãnh nhận.

     Dựa vào họ hàng xa hay họ hàng gần đều không thể cứu vớt được linh hồn của chúng ta, nhưng dựa vào đức tin và tình yêu của Thiên Chúa mới có thể làm cho linh hồn chúng ta được sống đời đời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư