Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Chúa nhật I mùa vọng (Năm B)

 


CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG


Bài đọc 1: Is 2, 1-5.
Bài đọc 2: Rm 13, 11-14a.
Tin mừng: Mc 13, 33-37.
“Anh em phải canh thức: anh em không biết khi nào chủ nhà đến.”

Bạn thân mến,
Đã có ít nhất là một lần bạn canh thức đợi điện thoại của người yêu từ phương xa gọi đến, người yêu xa cách bạn cả ngàn cây số, và đã lâu rồi chưa bạn chưa được nghe giọng nói dễ thương của người yêu. Tâm hồn bạn hồi hộp, tim bạn đập mạnh và lòng trí bạn thì vui mừng không biết sẽ nói gì với người yêu. Đó là tâm trạng chờ đợi của bạn cũng như của nhiều người khác.
Bài Phúc Âm hôm nay Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi cùng tỉnh thức, không phải để đợi người yêu từ phương xa gọi điện về, nhưng là đợi ông chủ về, ông chủ này đã ưu ái đón nhận chúng ta vào làm công trong nhà của Ngài, Ngài trao cho bạn và tôi mỗi người một công việc tùy theo tài năng và sở trường của mình. Ngài trở về bất thình lình không báo trước, để bạn và tôi luôn thức tỉnh chờ đợi trong niềm vui, vì chúng ta đã và đang chu toàn bổn phận của mình.
Bạn và tôi đang tỉnh thức, nhưng vẫn có lúc nào đó vì mệt nhọc mà ngủ mê trong kiến thức, trong tài năng của mình; bạn và tôi đang đợi chờ, nhưng cũng có lúc nào đó quên mất mình đang đợi ông chủ nên vẫn cứ mãi mê thóa mạ, dọa nạt, ngạo mạn anh chị em của mình; bạn và tôi đang cố gắng chu toàn công việc mà ông chủ -Đức Chúa Giê-su- trao phó, nhưng vẫn có lúc lơ là trể nãi vì những cám dỗ của ma quỷ.v.v...
Năm phụng vụ mới của Giáo Hội đã bắt đầu từ hôm nay –chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng- Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức đợi chờ Chúa đến, không phải đến trong hang lừa máng cỏ nơi thành Bê-lem xưa kia, nhưng đến trong tâm hồn của bạn và tôi, và của những ai thành tâm đón nhận Ngài như các mục đồng ngày xưa ấy đã tin và đến thờ lạy Ngài.
Bạn thân mến, Đức Chúa Giê-su đã đến rồi –hằng ngày trong bí tích Thánh Thể- nhưng có lẽ bạn và tôi chưa chuẩn bị đón Ngài vào trong tâm hồn của mình; Đức Chúa Giê-su đã đến rồi, Ngài đến với nhiều hình ảnh trong cuộc sống của chúng ta: dưới hình ảnh người ăn xin, người bất hạnh, người lỡ đường, người bị khinh dễ, người vui vẻ, người buồn phiền... do đó, mà Ngài muốn chúng ta hãy tỉnh thức, tỉnh táo để nhận ra Ngài ngay khi Ngài đến gõ cửa tâm hồn của bạn và tôi...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


44.      TÁO QUÂN ÁO TRẮNG

Trần Mạnh Hiền vốn không thích khách khứa đến nhà, từ trước đến nay cũng không lưu khách lại dùng cơm trong nhà, các đồng sự bèn làm tặng cho ông ta một câu thơ chế nhạo :

       “Hai mươi bốn tháng chạp,

       táo quân của thiên hạ đều về trời yết kiến ngọc đế,

       tất cả táo quân đều mặc áo đen,

       chỉ có táo quân của của một người là áo trắng.

       Ngọc đế thấy kỳ quái,

       Bèn hỏi : “Tại sao chỉ có ông là áo trắng ?”

       Táo quân ấy trả lời :

       “Thần là táo quân của nhà Trần Mạnh Hiền.

các vị táo quân khác ngày ngày đều ngạt khói cháy lửa,

       tự nhiên là phải đen,

       thần ở nhà của Trần Mạnh Hiền,

       ông ta từ trước đến nay không mời khách,

       thì áo của thần sao đen được chứ ?”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 44 :

       Táo quân thì phải…đen thui, nhưng thời đại ngày nay có những táo quân phải mặc áo trắng vì bếp của chủ nhà họ đều dùng…gas hoặc bếp điện, thì làm gì có khói nghi ngút chứ.

       Nhưng quan trọng không phải là táo quân áo trắng hay táo quân áo đen nhưng chính là lòng hiếu khách của chủ nhà, nếu chủ nhà hiếu khách dùng bếp gas thì táo quân áo trắng, mà nếu chủ nhà nghèo hiếu khách dùng củi thì táo quân áo màu đen, chẳng có gì là lạ.

       Người có tâm hồn hiếu khách thì có đông bạn bè nên họ cũng dễ dàng thành đạt trong cuộc sống, và quan trọng hơn, chính lòng hiếu khách của họ đã là một bằng chứng về việc truyền bá Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su cho mọi người rồi.

       Người Ki-tô hữu không hiếu khách vì những mối lợi riêng tư, nhưng họ hiếu khách vì họ thực hành Lời Đức Chúa Giê-su dạy: yêu người thân cận như chính mình, và bởi vì khi họ tiếp đón khách là họ tiếp đón Đức Chúa Giê-su đang đến trong nhà họ vậy !

       Tiếp khách là tiếp Đức Chúa Giê-su, đó là câu châm ngôn sống của các tu sĩ dòng Biển Đức, và của một số người Ki-tô hữu đạo đức vậy…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


43.      KHẮC BẢNG “CẤM NỔI GIẬN”

Đô ngự sứ Trần Trí tính tình nóng nảy khác thường, động một tí là đánh người.

Lúc ông ta rửa mặt thì phải có bảy tên đầy tớ hầu hạ nhưng vẫn không vừa ý, đến khi rửa mặt xong thì rất ít người là không bị ông ta đánh. Lúc ông ta ngồi, nếu ai đi qua mà có tiếng chân bước, thì cũng đều bị ông ta chửi mắng.

       Có một người bạn khuyên ông ta đổi tính nết, thế là ông ta bèn nhờ thợ chuyên môn làm một tấm bảng gỗ, khắc lên ba chữ “cấm nổi giận”, bày tỏ là nhất định phải thay đổi. Nhưng bảng gỗ vừa mới khắc xong thì có người chiều ý ông ta chưa đủ, thế là ông ta bèn cầm tấm bảng gỗ ấy đánh người nọ không đếm xuể.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 43 :

       Con người ta thường làm gì thì thích người khác biết đến, đó là “cái tật” ngàn đời của con người.

       Thời nay khoa học tiến bộ với nhiều phương tiện hiện đại văn minh, nên có người muốn sửa đổi tính nết của mình thì ghi vào máy tính cá nhân, mở máy ra là thấy ngay, nhưng thấy thì thấy mà tật xấu vẫn không sửa đổi, lại có người xâm vào cánh tay mình câu châm ngôn hay để dạy mình, nhưng không hề thấy thực hành câu châm ngôn ấy trong cuộc sống, nên họ vẫn chưa tiến bộ và cải thiện cuộc sống.

       Khắc ghi quyết tâm sửa chữa khuyết điểm của mình vào trong tim và mỗi ngày quyết tâm sửa đổi đó là người trí, hơn là khắc nó vào trên tấm bảng gỗ thật lớn thật đẹp mà không chịu ngó ngàng đến là người làm bộ màu mè.

       Mỗi buổi sáng thức dậy quyết tâm sửa đổi một tật xấu, thì ngày hôm đó bạn sẽ được rất nhiều nụ cười tươi…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


42.      CẤM MẶT TRĂNG CHIẾU SÁNG

Lúc cuối đời Đường Chiêu Tông, Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Chân ra mệnh lệnh là chỉ có phủ của ông ta độc quyền bán đèn dầu, tất cả lợi nhuận đều tăng cường cho lương ăn và sinh hoạt phí của quân đội, nhưng đèn dầu không bán được bởi vì dân chúng chuyển qua dùng đuốc cây thông.

       Lý Mậu Chân ra lệnh cấm dùng đuốc cây thông, nghệ nhân Trương Đình Phan yêu cầu gặp Lý Mậu Chân, dùng khẩu khí trào lộng cười nói:

-          “Chỉ có ngài mới cấm dân chúng dùng đuốc cây thông e rằng không thể được, bởi vì trên trời còn có trăng sáng đấy, tôi đề nghị ngài cũng nên ra lệnh cấm luôn mặt trăng chiếu sáng”.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 42 :

       Làm việc gì, dù có lợi cho người khác thì cũng phải suy nghĩ trước sau, bởi vì có lắm lúc lợi cho người này nhưng lại hại cho người kia. Độc quyền bán đèn dầu để đem lợi tức nuôi quân là việc làm tốt của cấp trên, nhưng cấm dân dùng tất cả phương tiện khác để chiếu sáng thì quả là hà khắc và độc tài…

       Đức Chúa Giê-su không dành độc quyền Nước Trời cho một số người, nhưng Ngài muốn tất cả mọi người đều được Nước Trời làm của mình; Giáo Hội cũng không dành Nước Trời cho riêng mình, nhưng Giáo Hội theo mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su cũng muốn cả nhân loại vào Nước Trời hưởng hạnh phúc đời đời.

       Nhà thờ là nơi giáo dân đến thờ phượng Thiên Chúa tại trần gian, và có thể nói là thiên đàng giữa đời và rộng mở cho tất cả mọi người –đặc biệt là giáo dân trong giáo xứ- đến để tìm thêm sự an ủi và sức mạnh trong cuộc sống của mình, thế nhưng có một vài người Ki-tô hữu giành nhà thờ độc quyền cho mình, họ không muốn người khác đến nhà thờ làm việc công đức, họ nhăn nhó phê bình người này cắm hoa xấu người kia không biết việc để làm, và thế là họ đi nói xấu người này người nọ để độc quyền tác oai tác quái nơi nhà thờ, và có khi làm khó dễ ngừơi khác đến chầu Mình Thánh Chúa trong ngày…

       Độc quyền và độc đáo thì không giống nhau, đừng độc quyền “chiếm” nhà thờ, nhưng nên độc đáo “sáng kiến” để cho có nhiều người đến nhà thờ nhiều hơn, như thế là có lợi cả đôi đường vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


41.      GỖ TO

       Thị trấn Ảnh thuộc thủ đô nước Sở có người muốn làm một căn nhà to, bèn kêu người tìm cây gỗ to có thể ba người ôm.

       Có người tìm mấy cái bánh xe đem lại, ông ta dùng thước để đo và nói:

-          “To thì đủ rồi, nhưng chưa đủ dài !”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 41 :

       Không phân biệt được gỗ và bánh xe thì không thể làm một cái nhà to được, bởi vì cái bánh xe thì không thể là cây gỗ để làm nhà.

       Có những người Ki-tô hữu muốn được lên thiên đàng nên ngày ngày đi lễ đọc kinh sáng tối, nhưng tính hư tật xấu vẫn không muốn cải thiện; có người muốn được người khác coi trọng mình, nhưng mình thì vẫn cứ nạt nộ và ngang ngạnh với mọi người, lại có người muốn làm những công việc to tát để được người khác chú ý khen ngợi, nhưng những việc nhỏ có ích thì lại không thích làm vì không tiếng tăm…

       Cây gỗ to và cái bánh xe thì không ăn nhằm gì nhau, nhưng siêng năng đi lễ đọc kinh và cải thiện đời sống thì rất cần thiết và bổ sung cho nhau mới được lên thiên đàng; làm việc lớn cũng như là việc nhỏ nếu không có tâm hồn thiện chí thì chẳng có ích lợi gì cho bản thân mình cũng như cho tha nhân…

       Giáo Hội mời gọi chúng ta nên xây dựng một căn nhà thật lớn trong tâm hồn với những vật liệu hy sinh và cầu nguyện, phục vụ và bác ái, để dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


40.      HÀ BÀ COI TƯỚNG

       Ở Hồng Châu có người tên là Hà Bà, giỏi về dùng đàn tỳ bà để đoán số.

       Một hôm, có một quan tư pháp họ Quách mời ông ta đoán số đường hoạn lộ. Hà Bà bèn điều chỉnh các dây trên đàn tỳ bà và hát:

-          “Ông là một người đàn ông phú quý ! Số mạng năm nay sẽ thăng lên nhất phẩm, sang năm thăng nhị phẩm, năm sau nữa lên tam phẩm, năm sau sau nữa sẽ thăng tứ phẩm…”

       Quan tư pháp cười nói:

-          “Hà Bà, mày nói sai rồi, phẩm cấp càng nhỏ thì chức càng cao, phẩm cấp càng nhiều thì chức càng nhỏ”.

       Hà Bà lập tức đổi giọng dối trá:

-          “Năm nay ngài giảm đi một phẩm, sang năm giảm hai phẩm, năm sau giảm ba phẩm, năm sau sau nữa giảm bốn phẩm, qua năm sáu năm sau, thì ngài sẽ không còn làm quan, từ hoàng đế trở xuống thì ngài lớn nhất vậy !”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 40 :

       Con người ta thường thì sống vô tư, nhưng nếu nghe lời thầy bói thì hết vô tư, bởi vì thầy bói đoán mò nói đông nói tây, trúng trật không đâu vào đâu, thế là gieo cái hoang mang trong lòng của người nhẹ dạ hay tin những điều nhảm nhí.

       Quan tư pháp đã thấy ra được cái bịp bợm của thầy bói nên đã “sửa sai” cho ông ta.

       Có một vài người Ki-tô hữu không thường xuyên đi dâng lễ, không thường xuyên tham dự các bí tích, không thường xuyên đọc thánh kinh Lời Chúa, nên dễ dàng bị các thầy bói lừa gạt mất tiền mất của và cuối cùng thì mất đức tin.

       Giáo Hội đã dạy chúng ta: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình…”

       Siêng năng đọc kinh dâng lễ thì không một thầy bói nào lừa được chúng ta, bởi vì chúng ta đã có Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta phải tin tưởng và tôn thờ, bởi vì chính Ngài là Đấng dựng nên ông thầy bói hữu hình và ma quỷ là loài vô hình, vậy thì tại sao chúng ta tin tưởng và nghe lời thầy bói hơn Thiên Chúa chứ ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


39.      KHÔNG BIẾT NGHIÊN MỰC QUÝ

Có một người tên là Tôn Tử Hán, không biết một tí gì về văn vật c đại.

       Có người đem đến một cái nghiên mực cổ để ông ta xem và nói:

-          “Đồ vật này trị giá ba vạn đồng, rất là quý, có thể dùng miệng hà hơi bên trên thì sẽ có mực chảy ra”.

       Tôn Tử Hán nghe xong thì cười khẩy nói:

-          “Một ngày hà hơi ra một giọt nước thì cũng chỉ đáng ba xu tiền, sao lại là vô giá chứ ?”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 39 :

       Người thích chơi đồ cổ thì những thứ càng xưa càng quý, càng cổ càng có giá trị, nhưng đối với những người không thích đồ cổ hoặc không biết ti gì về đồ cổ thì của quý bỏ trước mặt họ cũng không biết

       Đức Chúa Giê-su đã nói: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”[1](Mt 7, 6a)

       Chó, không được ăn của thánh, dù nó rất thân cận với chủ, dù nó được chủ nhà cưng chiều; heo, không thể trang sức bằng ngọc trai, vì nó là loài ăn bẩn ở bẩn…

       Người Ki-tô hữu là dân được tuyển chọn nên được vinh dự tham dự của thánh là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su; người Ki-tô hữu là dân được chuộc lại với giá là cái chết của Đức Chúa Giê-su nên được trang điểm bằng các ơn thánh đẹp gấp vạn lần ngọc trai, nhưng có những người Ki-tô hữu không muốn tham dự của thánh và cũng chẳng muốn trang điểm bằng các ơn thánh, họ sống như những người chưa từng biết đến thánh lễ, họ sống như những người chưa một lần nhận lãnh hồng ân của Thiên Chúa, cho nên họ không thể trở nên chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su được.

        Không phải tất cả các thứ đồ cổ đều quý và cũng không phải ai cũng thích đồ cổ. Trái lại, Thánh Thể mỗi ngày đều có nhưng không phải ai cũng hưởng được ơn lành và sức mạnh từ Thánh Thể, nhưng chỉ những ai biết yêu quý và ao ước đón nhận Thánh Thể mới được mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Mt 7, 6a.