Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

Chúa nhật 3 mùa chay

 


CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY


Tin Mừng: Ga 2, 13-25
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nhìn lại một cái nhìn về đền thờ của Thiên Chúa, tức là nơi cầu nguyện, là nơi mà Thiên Chúa được vinh quang giữa con cái loài người. Quả thật như vậy, không ai trong chúng ta nói nhà thờ là cái chợ, và cũng không có ai muốn nhà thờ trở thành nơi ngồi đấu láo giải trí hay là nơi buôn bán đổi tiền...
Đối với Đức Chúa Giê-su thì đền thờ rất là quan trọng, bởi vì đền thờ chính là nhà của Cha trên trời và là nơi cầu nguyện, do đó, lòng sốt mến với đền thờ của Ngài đã làm cho Ngài nổi lên cơn giận bất bình mà đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Đền thờ Giê-ru-sa-lem chỉ là hình bóng của một đền thờ Giê-ru-sa-lem mới trên thiên đàng, đền thờ hình bóng này sẽ biến mất theo thời gian và sẽ không còn vị trí nào nữa sau khi Đức Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, chính Ngài là đền thờ và là cung thánh của Cha trên trời.
Trong bí tích Rửa Tội, tâm hồn của chúng ta cũng trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị và là nơi mà Thiên Chúa yêu thích nhất: yêu thích nhất không phải là chúng ta xứng đáng để cho Ngài ngự, nhưng là vì linh hồn của chúng ta được Máu Thánh Con của Ngài là Đức Chúa Giê-su rửa sạch; yêu thích nhất không phải vì linh hồn của chúng ta sạch tội trọng tội nhẹ, nhưng là vì chúng ta đã được cứu chuộc bởi sự hy sinh cao cả do Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su thực hiện trên thánh giá.
Ai trong chúng ta cũng đều biết tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, đền thờ này chắc chắn quý hơn đền thờ mà chúng ta đang ngồi đây để dâng thánh lễ. Đền thờ bằng gỗ đá không có giá trị vững bền, nhưng nó sẽ bị huỷ hoại qua dòng thời gian, đền thờ này chỉ là nơi mà Thiên Chúa tạm dùng để Ngài chuyển thông tình thương xuống cho chúng ta, qua các bí tích mà chúng ta đón nhận để củng cố và làm tăng thêm vẽ đẹp cho đền thờ linh thiêng là chính linh hồn của chúng ta.
Thế nhưng trong cuộc sống, chúng ta đã rất nhiều lần đem đền thờ linh thiêng của Thiên Chúa là tâm hồn chúng ta biến thành nơi buôn bán, nơi đổi tiền và là nơi tối tăm cho ma quỷ ngự trị, đó là những khi trong lòng chúng ta chất chứa hận thù với người hàng xóm vì họ đã chửi mắng chúng ta; đó là khi chúng ta trong lòng chứa đầy những mưu gian để cáo gian hại người anh em, chỉ vì họ quá liêm chính trong cách sống; đó là khi chúng ta vì lợi ích cá nhân mà chà đạp danh dự của tha nhân khi chúng ta ăn gian nói dối; đó là khi chúng ta kiêu căng phách lối với mọi người...
Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã can đảm không sợ người Do Thái trả thù, cũng không sợ các thầy thông luật và các biệt phái trả thù, dù Ngài biết mình đã làm cho họ mất đi một ngày lợi tức to lớn bởi việc cho thuê đền thờ để buôn bán, mặc dù Ngài rất biết cái giá mà Ngài phải trả là bị đóng đinh trên thập giá. Đây là bài học cho mỗi người trong chúng ta: hãy dứt khoát với những thói hư tật xấu trong con người của mình, hãy mạnh dạn chặt đứt những móc xích nối chúng ta với tội lỗi đó là những bạn bè xấu, những quyến rủ của tiền bạc, những thách đố của dục vọng... để tâm hồn của chúng ta được trở nên đền thờ sống động, đẹp đẽ và tràn ngập ân sủng Chúa, để tâm hồn chúng ta xứng đáng là nơi để cho Chúa ngự trị.
Trong thánh lễ này, chúng ta cũng cầu xin Chúa ban hoà bình cho thế giới, đặc biệt là cho dân chúng tại những nơi đang xảy ra chiến tranh, đói nghèo và thiên tai, chúng ta phó thác cho Đức Mẹ Ma-ri-a – là Nữ Vương Hoà Bình- và thánh cả Giu-se – Đấng Công Chính- gìn giữ và che chở họ, cũng như gìn giữ và che chở cho chúng ta, việc làm này rất hợp với tinh thần mùa chay mà chúng ta đang sống.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


20.      MỘT ĐOÀN “KHÁCH TIÊN”

Chúc Chi Sơn, Đường Bá Hổ và Trương Mộng Tấn ở tại Tô Châu đều là những người có hành vi thái độ giống như người khùng.

Một lần nọ, họ đi xuống Vân Thiên giả làm người ăn xin, tay gõ bản tre, hát bài “hoa sen rụng” đi ăn xin, sau đó dùng tiền xin được mua rượu đi vào trong một cái miếu nơi hoang dã và uống quên trời quên đất.

Lại một lần khác, họ lại xé rách quần áo, tay cầm gậy trúc xanh, chen vào vùng Hổ San, hát lên một bài đạo tình hoá duyên của đạo sĩ.

Có một du khách làm thơ rất chậm, Chúc Chi Sơn bèn tiến lên phía trước viết nhanh một bài thơ, nét chữ thanh thoát như mây khói, sau đó đột nhiên bỏ đi, du khách tìm tung tích ông ta nhưng tìm không ra, thế là truyền miệng nói đó là “khách tiên”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 20 :

        Vì bất mãn cuộc sống mà có người giả điên giả khùng để trêu đời, vì hận đời có quá nhiều bất công nên có những người chữ nghĩa mưu lược đầy mình giả điếc giả câm...

        Có người giả điên, có người giả câm giả điếc, lại có người giả “khùng khùng mát mát” nhưng tâm trí thì minh mẫn hiểu rõ nhân tình thế thái hơn những người khác.

        Người Ki-tô hữu khác với những người khác ở chỗ họ hiểu được chuyện nhân tình thế thái, họ hiểu được trần gian là bể khổ, là có nhiều bất công và áp bức nhưng họ không giả câm giả điếc, họ không giả khùng giả điên, trái lại họ càng sống cho ra sống để làm chứng cho Phúc Âm của Chúa, là dùng cuộc sống công bằng bác ái và yêu thương của mình để xây dựng một xã hội trần thế tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn.

        Người không có đức tin thì thích giả khùng giả điếc để hưởng thụ một mình trong sự giả điên giả khùng của mình.

        Người có đức tin thì không thích hưởng thụ một mình, nhưng biết đem cái mình biết mình hiểu ra giúp người, như vậy họ là những sứ giả tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải là “khách tiên” như người ta tưởng...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


19.      MÃ CHÂU ĐẤU RƯỢU

Trong triều đại nhà Đường có thư lệnh tên Mã Châu, ban đầu nghèo nàn bất đắc chí, lúc mới vào kinh thành Tây An và đi đến kinh thành phía đông gần cầu Bá mười cây số thì dừng lại nghỉ ngơi, lại có mấy người quen biết đi bộ cũng dừng lại đó nghỉ, những người ấy ngồi bên cạnh Mã Châu uống rượu, lại không ngừng chép chép miệng chọc Mã Châu.

Mã Châu vội vàng đi đến chợ mua về một đấu rượu và dùng rượu rửa chân ngay trước mặt mọi người, tất cả đều xấu hổ mà bỏ đi.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 19 :

        Thấy người áo quần vải xấu xí thì đừng cho là họ nghèo nàn, bởi vì họ đã thấu hiểu được lẽ giàu có không phải nơi áo quần, nhưng là nơi túi tiền; thấy người lam lũ thì đừng khinh dể là họ đói rách, bởi vì đối với họ việc làm mới là quan trọng dù là có tiền của...

        Con người ta dù nghèo nhưng vẫn có sĩ diện của họ, đem mấy ly rượu chép chép miệng chọc tức họ, thì chẳng khác chi cầm dao đâm vào cái tự ái sĩ diện nơi con người họ.

Có một vài người Ki-tô hữu thấy mình sốt sắng tham gia các công việc từ thiện hơn những người khác, thì cho là mình đạo đức và coi thường người khác vì họ không tham gia các việc bác ái như họ, họ không biết rằng việc bác ái là việc tự nguyện và càng âm thầm thì càng có hiệu quả hơn trước mặt Thiên Chúa, bởi vì Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng tay trái làm việc bác ái thì đừng cho tay phải biết...

Mã Châu vì tức giận người khác chọc ghẹo mình mà đi mua rượu về rửa chân chơi. Còn tôi thì vẫn cứ “tự tại” khi người khác chê trách cuộc sống qúa bê bối của tôi, mà không chịu đứng lên quyết tâm sửa mình.

Người đạo đức và không đạo đức hơn nhau là ở đó vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


18.      CHỦ KHÁCH KỲ LẠ

Trong thành Cô Tô có Tương thị là một gia tộc lớn, có một nhi đồng mới tám tuổi muốn tìm thầy nổi tiếng để học.

Gia trưởng đi Quảng Đông mời thi nhân Dương Thiết Nhai, họ Dương thoả thích non nước nói:

-         “Ngài có thể tuân theo ba điều kiện của tôi thì tôi sẽ đi dạy cho con trai của ngài và tiền dạy học tôi có thể miễn phí. Một là không hạn định bài vở học trong ngày; hai là cung cấp cho tôi tiền chơi bời; ba là dùng mười biệt thự để cho người nhà ở”.

Tương thị vui vẻ giữ lời hứa.

Dương Thiết Nhai dạy học mười năm, con của họ Tương quả nhiên trở thành người nổi tiếng, chuyện chủ khách kỳ lạ này thật là ngàn năm có một.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 18:

        Trong Giáo Hội Công Giáo có rất nhiều sư phụ và học trò nổi tiếng, nhưng thời danh phải nói là phải nói đến một đôi sư phụ và đệ tử rất nổi tiếng vang lừng thế giới, đó là thánh sư phụ Gioan Bos-cô và thánh đệ tử trẻ Đa-minh Sa-vi-ô, hai thầy trò này trở nên nổi tiếng là vì sư phụ có phương pháp dạy đệ tử biết cách rèn luyện để trở nên người kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, là vì đệ tử biết nghe lời và cố gắng thực hành lời thầy dạy...

        Thầy đã trở nên nhà mô phạm cho những người làm thầy, trò đã trở nên mẫu gương sáng cho những người học trò, cả hai đã trở thành nhà mô phạm cho nền giáo dục hiện nay.

        Đức Chúa Giê-su là sư phụ của chúng ta, mọi vị thầy chân chính trên trần gian đều phải học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm tốn, bởi vì làm thầy mà không hiền lành thì học trò chỉ sợ mà không yêu mến, vị thầy không khiêm tốn thì chỉ dạy cho học trò những kiêu ngạo và yêu thích những hư danh mà thôi.

        Ông chủ đã nhìn thấy cái tài giỏi nơi thầy nên không từ chối những yêu sách của thầy giáo, dù yêu sách ấy xem ra quá lố; Đức Chúa Giê-su cũng đã nhìn thấy nơi chúng ta những bất toàn để trở nên những học trò thân tín của Ngài, nên đã ban cho chúng ta những ơn đặc biệt trong các bí tích, nhất là bí tich Hoà Giải và Thánh Thể.

Tôi đã làm gì để xứng đáng là học trò ngoan của Ngài ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


17.      KHÔNG THỂ MỜI UỐNG

Thời nhà Tống, Vương Cảnh Văn đang đánh cờ tướng với bạn bè ở Giang Châu, đột nhiên nhận được sắc lệnh của Tống Minh đế chỉ có hai chữ: “Tứ tử.”[1]

Vương Cảnh Văn thần sắc tự nhiên, vẫn nghiêm chỉnh đánh cờ không lơ là, sau đó đem các con cờ bỏ vào trong hộp, cầm ly rượu thuốc độc nói với bạn bè:

-         “Thật đáng tiếc, loại rượu này không thể mời các bạn uống được”.

Nói xong uống một hơi hết luôn.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 17:

        Vui thì mời bạn bè đến chia sẻ, buồn thì giấu kín trong lòng, đó là tâm tình của người quân tử và hơn thế nữa, đó là tâm tình của người Ki-tô hữu chân chính.

        Người Ki-tô hữu rất hiểu giáo huấn của thánh Phao-lô là chia vui với người vui và chia sẻ nỗi buồn với người đau buồn, nhưng chính họ sẽ không đem nỗi buồn của mình đi nói cho ai biết, vì họ xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng dạ con người sẽ an ủi họ, hơn nữa họ không muốn vì họ mà người khác thêm lo lắng, mất vui. Đức Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu đã chỉ đem nỗi đau khổ của mình nói với Cha trên trời mà thôi, thì người Ki-tô hữu cũng sẽ noi gương Ngài mà làm như vậy: phó thác nỗi buồn cho Thiên Chúa và đem niềm vui chia sẻ với tha nhân.

        Được lệnh phải uống thuốc độc mà chết khi đang đánh cờ tướng, nhưng vẫn cứ vui vẻ chiếu cố với bạn bè đến cùng, là hành động anh hùng quân tử đầy khí tiết của Vương Cảnh Văn thời nhà Tống.

        Biết đè nén sự đau khổ của cá nhân để vui với người vui, là hành động bác ái đầy tình người của người Ki-tô hữu trong mọi thời đại.

        Tinh thần của người Ki-tô đúng là vĩ đại thật !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] “Tứ tử” là cái chết ân huệ của nhà vua ban cho.

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


16.      TRONG TÚI ĐỰNG NƯỚC MẮT

Lúc Hứa Ứng Quỳ làm thú thú Đông Bình, rất được ca ngợi là thanh liêm chính trực, như thế lại làm cho đồng sự ghen ghét.

Một năm nọ, thượng cấp nghe lời dối trá gièm pha bèn kết tội họ Hứa và điều ông ta rời khỏi Đông Bình.

Dân chúng đi đưa tiễn khóc lóc không dứt, buổi tối Hứa Ứng Quỳ đến quán trọ nói với đám đầy tớ tuỳ tùng:

-         “Ta ở Đông Bình cái gì cũng không có, chỉ có mấy giọt  nước mắt của dân chúng.”

Đầy tớ đi theo thở dài:

-         “Trong túi của ngài không có một xu, nên hôm nay cũng có thể đựng mấy giọt nước mắt này làm quà tặng bạn bè người thân vậy !”

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 16 :

        Làm quan mà thanh liêm thì được dân chúng yêu mến, làm việc mà vừa lòng mọi người thì sẽ bị đồng sự ghen ghét, đó là chuyện thường tình không có gì lạ.

        Ở đời cái gì bất lợi cho mình thì không thích nhưng lại thích thú khi việc ấy bất lợi cho người khác, đó là lòng dạ của ma quỷ và của những người có tâm hồn ganh tương ích kỷ muốn hại người anh em.

        Người sống thanh liêm thì nhà cửa thanh bần vì không có của cải hối lộ và tham ô đưa đến, nhưng họ lại là kẻ thù của những người có lòng dạ tham lam và ghen ghét, cái ngược đời và nghịch lý là ở đó và do đó mà nhiều tệ nạn vẫn thường xảy ra trên thế giới hôm nay, và đó cũng là dấu hiệu của ma quỷ vẫn còn hiện diện trong cõi đời này.

        Người công chính thanh liêm chính trực thì thường được người khác thưởng bằng nước mắt của họ, nước mắt này được chảy từ trong quả tim yêu mến chân thành của họ, vì các việc lành mà người chính trực thanh liêm đã làm cho họ. Trái lại, người ghen ghét và ích kỷ thì được mọi người tặng quà bằng vàng bạc của cải, bởi vì những vật chất ấy được đổi bằng tham lam, gian dối và bất công bình bởi lòng dạ đen tối của người ghen ghét mà có.

        Nước mắt của người vì yêu mến mình mà chảy ra, và vật chất của cải của người vì sợ hãi mình mà biếu tặng thì khác nhau xa, nhưng người Ki-tô hữu thích nước mắt hơn là của cải bất công mà người khác đã đem tặng mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


15.      QUỶ THUA TRẬN

Ở đất Ngô có một người tên là Vương Quân Bác, có lần nọ nằm ngủ trong phòng đọc sách, nửa đêm có quỷ gọi ông ta dậy, âm thanh giống tiếng vịt kêu.

Vương Quân Bác nghe được thì không chút sợ hãi, lớn tiếng nói với quỷ:

-          “Mày muốn kêu thì kêu, ta bất cần, nhưng không được đến gần giường của ta, không quát vào tai ta !”

Quỷ lại biến thành ngỗng kêu, Vương cười nói:

-          “Âm thanh này nghe cũng không hay”.

Quỷ lại biến thành âm thanh của loài cầm điểu đang bay, Vương lại nói:

-          “Ta muốn đi ngủ đây không muốn nghe mày nữa”.

Quỷ có chút buồn bực, bởi vì từ trước đến nay nó chưa thấy người nào gan to như thế, trong lòng nhất định phải dọa cho bằng được người này, bèn rơi xuống trước giường, ép chặt thân của Vương Quân Bác.

Vương Quân Bác cười khúc khích, nói:

-          “Ta đang lạnh đây, mày áp trên người tao, thật là ấm áp, khoái quá khoái quá”.

Tên quỷ con này chỉ có nước chạy dài !

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 15 :

        Người nhát gan thì thường hay sợ ma sợ quỷ, nhưng ma quỷ thì không thèm hiện ra chọc ghẹo phá phách người nhát gan; người bạo gan không sợ gì cả thì ma quỷ mới hiện ra chọc ghẹo chơi, do đó mà người bạo gan có cơ hội bị ma quỷ quấy rầy hơn...

        Người không sợ ma quỷ chính là người Ki-tô hữu, bởi vì họ có Đức Chúa Giê-su trong mình, bởi vì họ đã trở thành con cái của Thiên Chúa nên không có một sức mạnh hay thế lực nào ở đời làm cho họ sợ hãi (Rm 8, 31), nhưng cái mà họ sợ nhất chính là tội, bởi chính tội mới có thể làm cho họ lìa xa Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương và săn sóc họ...

        Ma quỷ chỉ phỉnh phờ con người ta nhưng lại ra sức cám dỗ người Ki-tô hữu sa vào vòng tội lỗi, bởi vì ma quỷ biết rằng cướp đi được một linh hồn đã được cứu chuộc bằng giá máu của Đức Chúa Giê-su là làm nhục được Thiên Chúa và là vinh dự cho cả hoả ngục, cho nên nó không từ một thủ đoạn ma giáo nào mà không đem ra để cướp đoạt cho được linh hồn của người Ki-tô hữu.

        Linh hồn của chúng ta quý vô cùng nên ma quỷ thường bày ra những cám dỗ và doạ nạt, do đó mà phải cầu nguyện và cảnh giác trong mọi lúc, dù khi ăn dù khi ngủ hay thức hoặc khi làm việc, bởi vì đó là việc thường làm của người Ki-tô hữu.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)