Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Chúa nhật 30 thường niên


CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 10, 46-52.
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”.

Anh chị em thân mến,
Tuần này, Giáo Hội đưa ra một vấn đề cho mỗi người trong chúng ta tự trả lời, đó là Đức Tin của mình và lòng thương xót của Chúa có phù hợp ăn khớp với nhau không trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta -những Ki-tô hữu ? Chúng ta cùng nhau chia sẻ hai vấn đề này :

1.   Đức tin là điều kiện để nhận ơn lành của Chúa.
Đức Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật dễ như chúng ta lấy đồ vật trong túi ra, nhưng quan trọng hơn đó chính là đức tin của người mù cũng như của những người xin Chúa chữa lành bệnh cho họ, nếu họ không có đức tin, hoặc là họ không tin Đức Chúa Giê-su sẽ làm được, thì việc chữa lành khó khăn gấp nhiều lần, do đó, đức tin là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Đức tin làm cho chúng ta thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình cũng như nơi anh chị em, và nhờ đức tin mà lời của chúng ta có một “sức mạnh” trước mặt Thiên Chúa.

Con người ta có thấy mới tin, nhưng người mù thành Giê-ri-cô đã nghe (chứ không thấy) và đã tin, anh ta đã nghe bằng hai lỗ tai xác thịt nhưng ông đã “thấy” bằng con mắt đức tin, và cái “thấy” này đã làm cho ông ta mạnh dạn tin tưởng rằng ông Giê-su con vua Đa-vít đó có thể làm cho ông được sáng mắt, và do đó bất chấp sự can ngăn của mọi người, bất chấp lời quở mắng của đám đông dân chúng, ông vẫn cứ kêu xin Đức Chúa Giê-su dũ lòng thương xót ông, và rồi đức tin của ông đã chữa ông như lời của Đức Chúa Giê-su nói.

2.   Lòng thương xót của Chúa và đức tin của chúng ta.
Trong toàn bộ các sách Phúc Âm chúng ta đều thấy được tình yêu và lòng thương xót của Đức Chúa Giê-su trãi dài trên các chặng đường Ngài đã đi qua, nơi các địa phương mà Ngài đã đến, nơi đâu Ngài cũng bày tỏ một tâm tình yêu mến và xót thương dân chúng họ như đàn chiên không người dẫn dắt... Nhưng không phải vì thế mà Đức Chúa Giê-su dễ dãi làm phép lạ cho họ, bằng chứng là Ngài đã không làm một phép lạ nào ở quê nhà, bởi vì họ không có lòng tin, hay nói cách khác, họ đã coi thường Ngài khi cùng nhau nói: “Ông này không phải là con của bác thợ mộc Giuse sao ...?”

Đối với Đức Chúa Giê-su, bệnh tật phần xác có liên quan đến phần hồn, bệnh phần xác là ngọn, bệnh phần hồn là gốc, chữa gốc thì ngọn cũng lành, cho nên khi nói với người mù : “Anh hãy về đi, đức tin của anh đã cứu anh”, thì Đức Chúa Giê-su cũng mạc khải cho chúng ta thấy một điều rất quan trọng đó là lòng thương xót của Ngài vốn đã có trên con người chúng ta, bao trùm cả vũ trụ, chỉ cần chúng ta tin, thì mọi việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng. Bởi vì đức tin thuộc về hồn, và chữa lành thuộc về xác, khi chúng ta tin là lúc chúng ta được chữa lành.

Anh chị em thân mến,
Lòng thương xót của Chúa đã bao trùm thế giới này, đã trãi dài trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, việc còn lại là do lòng tin của chúng ta mà thôi.

Có người tin nhưng vẫn còn hồ nghi vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa; có người tin nhưng đức tin của họ được đo bằng vật chất: cầu không được thì oán trách và bỏ cuộc; có người tin nhưng lòng tin “chập chờn” trước những thử thách mà có lúc họ cho rằng Thiên Chúa không tồn tại...

Thánh lễ Mi-sa là nơi mà Đức Chúa Giê-su tỏ lộ lòng thương yêu vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, và là nơi mà đức tin của mỗi người trong chúng ta được củng cố kiện toàn nhất, bởi vì nơi đây –thánh lễ- chúng ta được ăn và uống Máu Thịt của Chúa, Đấng chữa lành bệnh tật trong tâm hồn và nơi thân xác của chúng ta.


Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Chúa nhật lễ Truyền Giáo



CHÚA NHẬT LỄ TRUYỀN GIÁO

Tin mừng : Mt 28, 19-20.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Anh chị em thân mến,
Mỗi năm một lần, giáo hội –trong ngày truyền giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.

Truyền giáo ở đâu ? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.

1. Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...

Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của giáo hội và của Thiên Chúa !

Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người công giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.

Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.

Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.

Anh chị em thân mến,
Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là những người Ki-tô hữu chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chúa nhật 29 thường niên


CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 10, 35-45
“Con Người đến để hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Anh chị em thân mến,
Có nhiều người chê trách hai anh em tông đồ Gia-cô-bê và Gioan khi họ xin được ngồi hai bên tả hữu của Đức Chúa Giê-su, bởi vì các ông chưa làm được việc gì mà đã xin xỏ, cũng đúng thôi, vì theo quan niệm của người đời là phải có làm mới có ăn, có làm mới có hưởng, có làm mới có quyền lợi.

Nhưng nhìn xa hơn một chút nữa, cái nhìn của người có tâm hồn bao dung và cởi mở, thì hai anh em tông đồ này đã rất thành thật và can đảm khi nói lên ý nghĩ của mình: xin cho được ngồi hai bên cạnh Chúa. Các ngài đã nhìn thấy được tấm lòng bao dung của Chúa –thầy của mình- và Đức Chúa Giê-su không phải là một ông chủ keo kiệt hay một ông vua hà khắc, nhưng Ngài là một vị thầy rất nhân từ và hiểu rất rõ tâm hồn của các môn đệ nên Ngài không trách mắng, không chê trách và không nạt nộ vì lời xin ấy, nhưng Ngài rất tế nhị hỏi các môn đệ có uống được chén đắng của Ngài không, và hai ông đã trả lời không ấp úng: “Thưa được”, thì cũng chứng tỏ các ông là người dám đi theo và dám chết với Thầy của mình, và quả thật là như thế, nên các ngài rất đáng được Chúa thưởng công...

Có rất nhiều lần chúng ta làm việc để được thưởng công, làm để được tiếng khen, làm để được lòng cấp trên, nhưng tâm hồn thì không hoàn toàn yêu thích công việc, không thích bề trên, không thích ông chủ; trước mặt mọi người chúng ta làm tốt, nhưng sau lưng thì hết chửi người này nói xấu người kia, chúng ta chưa thành thật với mình và với anh chị em, và chúng ta cũng chưa có can đảm như hai anh em thánh Gia-cô-bê và Gioan tông đồ đã thành thật nói lên ý muốn của mình, dù ý muốn ấy không phù hợp, bởi vì các ngài đã tin tưởng vào Thầy của mình là Đấng khoan dung và yêu thương.

Có rất nhiều lần chúng ta nạt nộ người dưới quyền vì họ xin quyền lợi, có rất nhiều lần chúng ta nạt nộ to tiếng với giáo dân vì họ xin xưng tội ngoài giờ quy định, và có rất nhiều lần chúng ta đuổi người giúp việc ra khỏi phòng vì họ đã làm chúng ta giận dữ khi xin cho thằng con trai có thành tích bất hảo vào ban hát... Tại sao chúng ta giận dữ, tại sao chúng ta nạt nộ ? Thưa tại vì chúng ta chưa có tâm hồn bao dung và yêu thương, tại vì chúng ta chưa có tâm hồn biết thông cảm cho mỗi hoàn cảnh, và nhất là vì chúng ta chưa học được nơi Đức Chúa Giê-su vị Thầy hiền lành và rất khiêm tốn.

Người dưới quyền xin quyền lợi, vì họ cảm thấy đáng được, người giáo dân xin xưng tội ngoài giờ quy định vì họ thấy lương tâm cắn rứt không bình an, người giúp việc xin cho con vào ban hát vì họ thấy vào ban hát có thể cảm hoá được con người của nó.v.v...tất cả mọi lời cầu xin đều có lý do của nó, phần chúng ta –những người có quyền- hãy học nơi Đức Chúa Giê-su sự bao dung và yêu thương.

Anh chị em thân mến,
không những chỉ có hai anh em thánh Gia-cô-bê và Gioan là xin xỏ Chúa mà thôi, mà ngay cả chúng ta nữa, chúng ta đã rất nhiều lần xin xỏ Chúa điều này điều nọ, nhưng không làm việc bác ái với tha nhân, hoặc có làm thì chỉ để được tiếng tăm. Đức Chúa Giê-su chỉ muốn chúng ta chia sẻ với Ngài chén đắng, tức là những sự hy sinh, những hiểu lầm và những đau khổ, còn những việc khác Ngài sẽ bù cho sau.

Xin xỏ với Thiên Chúa không có gì đáng xấu hổ cả, bởi vì chúng ta là con cái của Ngài, con cái xấu hổ khi xin xỏ với cha mẹ là làm nhục cha mẹ, là không tin tưởng và phụ lòng yêu thương của các ngài...
Cứ đơn sơ mà cầu xin với Chúa và vui vẻ vâng phục khi được Chúa ban ơn lành hay gởi thánh giá cho chúng ta.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.