Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Chúa nhật 31 thường niên


CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 23, 1-12.
“Họ nói mà không làm”.

Anh chị em thân mến,
Lời Chúa như con dao hai lưỡi, một lưỡi nên cớ vấp phạm cho người kiêu căng và làm cho chết, một lưỡi là sức mạnh làm cho người khiêm tốn được sống.

1.   Lời Chúa làm cho người kiêu ngạo chết.
Đức Chúa Giê-su nói: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một cha là Cha trên trời”, tự câu nói này của Ngài đã là lưỡi dao nên cớ vấp phạm cho người kiêu ngạo thích lấy trí thông minh của con người và tự ái của mình để giải thích Lời Chúa.

Có nhiều người thích dùng câu này để phản bác lại tất cả những ai gọi các linh mục là cha, nếu là người lương dân không biết đến phẩm trật của giáo hội, không biết đến tính cách cao quý vốn có của chức linh mục trong giáo hội thì họ thắc mắc cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu họ được giải thích rằng linh mục là “cha” vì ngài là người đã dùng bí tích Rửa Tội để làm cho người giáo hữu được sinh ra trong ơn thánh và trở nên con cái của Cha trên trời, thì chắc là họ cũng vui vẻ mà tin theo và gọi các linh mục là cha như người công giáo vậy. Nếu vì tranh luận để hiểu biết thêm sâu xa về câu Lời Chúa trên đây thì cứ tranh luận trong tình anh em, nhưng nếu cứ vịn vào câu Lời Chúa này để phỉ báng nhau, hạ bệ nhau, trong khi tự thâm tâm mình biết rõ gọi linh mục là cha thì không tội vạ gì cả, chỉ là tình cảm sâu đậm vốn có của nền văn hóa “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam, nên các giáo hữu kính trọng các linh mục trong giáo hội, cũng như bá tánh tôn trọng và gọi các vị quan quyền trần thế là “gia gia”[1] mà thôi, thì câu Lời Chúa này sẽ làm cho mình phải chết trong sự kiêu ngạo vốn có của mình vậy.

2.   Lời Chúa làm cho người khiêm tốn được sống.
Lời Chúa sẽ là con dao mổ xẻ tâm hồn, để vứt bỏ những gì có phương hại đến sức khỏe của đời sống tâm linh, nó làm cho chúng ta đau nhức nhối, nhưng sau cơn đau thì lại lành mạnh.

Đọc và suy gẫm Lời Chúa rồi lấy tâm tình khiêm tốn để sống Lời Chúa (chứ không phải dùng Lời Chúa để hù dọa lẫn nhau), là thái độ của người khiêm tốn biết chấp nhận để Lời Chúa mổ xẻ những tính hư tật xấu của mình, và đó là điều quý báu nhất của người có đức tin: họ tin rằng Lời Chúa mà mình đọc đây đang trở thành tia X quang rọi đến tâm can để họ nhìn thấy những khuyết điểm của mình để mà sửa đổi…

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su thấy người Pha-ri-siêu không xứng đáng để cho dân chúng gọi là thầy là cha, vì cuộc sống của họ không phản ảnh lại những gì mà họ giảng dạy, cho nên Ngài lập ra hàng tư tế mới, chúng ta gọi là Tư Tế của Tân Ước, tức là các giám mục và các linh mục, và với hàng Tư Tế Tân Ước này, Đức Chúa Giê-su mong muốn họ trở nên những thầy dạy chân lý, và những người mục tử biết chăm nom đoàn chiên của mình bằng đời sống gương mẫu, phù hợp với những gì mà các ngài đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống.

Là con cái của Giáo Hội được sinh ra trong bí tích Rửa Tội bởi các Linh Mục của Đức Chúa Giê-su, chúng ta vẫn luôn xác tín rằng chức thừa tác Linh Mục là do Đức Chúa Giê-su lập ra rất cao trọng và tất cả các Linh Mục đều đáng được mọi người tôn trọng.

Chúng ta nhớ luôn cầu nguyện cho các linh mục của Đức Chúa Giê-su, bởi vì có những mục tử của giáo hội không trở nên là mục tử tốt lành, chính họ đã làm cho đoàn chiên tan nghé rẽ đàn vì những thói kiêu căng và lối sống xa hoa ích kỷ của mình…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 



[1] 爺爺 “gia gia”, hoặc là 老爺 “lão gia” nghĩa là ông nội, tức là tiếng dùng để gọi các quan lại ngày xưa; nó cũng có nghĩa là cha, bố; cũng là dùng để gọi các thần linh…

Gia trưởng


GIA TRƯỞNG
Giáo dân rất vui khi thấy cha sở vui vẻ hòa đồng và gần gủi với họ, đoàn thể nào ngài cũng quan tâm dạy dỗ, họ rất muốn biết tại sao, vì đa số các cha sở sống rất ngăn cách với họ.
Cha sở nói:

-         “Tôi là gia trưởng của đại gia đình là giáo xứ, cha mẹ không thể sống ngăn cách với con cái, cha mẹ không thể sống cho mình nhưng là cho con cái, cha mẹ không hy sinh cho mình nhưng là cho con cái...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chúa Ki-tô thứ hai


CHÚA KI-TÔ THỨ HAI
Cha cố làm cha sở họ đạo rất lớn, giáo dân rất thích đến xưng tội với ngài mà ít đến xưng tôi với cha phó, thầy giúp xứ đem vấn đề này hỏi ngài, và ngài trả lời:

-         “Trong tòa giải tội hiện diện nổi bật nhất chính là lòng thương xót và yêu thương của Chúa, khi giáo dân đến xưng tội mà cha giải tội cứ nạt nộ, hạch hỏi, gắt gỏng, thì rõ ràng là ngài đang bôi bác lòng thương xót và tình yêu thương của Chúa, hơn nữa, giáo dân đắc tội là đắc tội với Chúa, linh mục chỉ là đại diện Ngài mà tha tội cho họ mà thôi, cho nên phải hiền lành, nhẫn nại, yêu thương và thông cảm với hối nhân như Đức Chúa Giê-su đã làm vậy.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Đánh là không đánh


ĐÁNH LÀ KHÔNG ĐÁNH
Ở Lâm An thời nhà Tống có một tên quan chép sử cấp dưới là Khâu Lăng, một hômông ta đi bái kiến một vị hòa thượng là Thích San, hòa thượng nhìn thấy ông ta làm quan chức nhỏ thì nói qua loa vài câu rồi bỏ mặc ông ta mà đi.
Một lúc sau, có công tử con của vị tướng quân ở huyện đến, hòa thượng mau mắn ra cửa nghinh tiếp, thái độ rất là niềm nở.
Khâu Lăng rất giận, kiên nhẩn đợi cho công tử ra về, bèn chất vấn hòa thượng:
-         “Lúc ông tiếp tôi thì thái độ rất là ngạo mạn, nhưng khi thấy công tử con của tướng quân, sao ông lại quá khiêm tốn như thế chứ ?”
Hòa thượng có đầu óc rất xảo quyệt liền nói:
-         “Ngài ư, ngài không biết tính nết của tôi, hể tôi cung kính ai tức là không cung kính, không cung kính ai mới là cung kính.”
Khâu Lăng tức giận mặt bầm tím, giơ cao cây gậy nhắm đầu trọc hòa thượng phang mạnh xuống mấy hèo, nói:
-         “Hòa thượng, ông đừng trách tôi, ông không biết tính nết của tôi đó thôi, đánh ông tức là không đánh ông, không đánh ông mới là đánh ông !”
                                                     (Hài Sử)
Suy tư:
     Đức Chúa Giê-su nói “có thì nói có, không thì nói không”, nhưng có rất nhiều Ki-tô hữu làm ngược lại lời của Chúa dạy, không thì họ nói có và có thì lại nói không, cho nên thế giới vẫn chưa có hòa bình.
     Có nhiều người nói: tôi rất yêu mến nhà thờ của họ đạo tôi, nhưng họ chỉ thích đi lễ nhà thờ khác với lý do là đi lễ các họ đạo khác để học hỏi kinh nghiệm; có người tuyên bố mắng như tát nước vào mặt anh em chị em mình rồi nói: thương mày tao mới làm như thế; lại có người “giận thì giận mà thương càng thương” nên luôn đem những chuyện không mấy tốt đẹp của người anh em chị em mình cho người khác nghe.
     Đức Chúa Giê-su khi đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Ngài không nói là vì thương họ mới làm như thế, nhưng Ngài đã rất thẳng thắn chỉ ra những cái sai của họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp”
Không ai thương người anh em mà lại chửi họ không kịp vuốt mặt, chỉ có những người thâm hiểm mới làm như thế; cũng không ai chửi bới nói xấu người khác rồi lại nói là thương họ, chỉ có con cái của ma quỷ mới làm như thế.

“Lạy Chúa, đã nhiều lần trong cuộc sống, chúng con đã lừa dối tha nhân bằng những lời lẽ đầu môi chót lưỡi của chúng con, nhiều lúc chúng con đã nại đến tình yêu để biện minh về những hành vi khiếm nhã của chúng con đối với anh chị em là người thân cận của mình. Xin Chúa ban cho chúng con có một tâm hồn ngay thẳng, để chúng con biết nói “có” khi có, và biết nói “không” khi không có, để chúng con trở thành mối giây liên kết giữa anh chị em với nhau trong tình yêu của Chúa. Amen”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Tặng bài thơ nhỏ


TẶNG BÀI THƠ NHỎ
Có một ông già đã bảy mươi tuổi, vừa mới mua được một bà vợ nhỏ, một hôm đãi tiệc mời khách, vừa đúng lúc Tô Đông Pha đến thăm ông ta, ông già bèn mời ông làm một bài thơ.
Đông Pha hỏi tuổi của bà vợ nhỏ là bao nhiêu, ông già nói: “Ba mươi”.
Tô Đông Pha bèn dí dỏm làm hai câu thơ tặng ông già:
-         “Người hầu mới đương tuổi cập kê, tiên sinh thì đã cổ lai hi”.
                                           (Lãnh Trai Dạ Lạc)
Suy tư:
     Thời nay có nhiều cô gái thích lấy chồng...già, và coi đó là một “mốt” mới, vì chồng già thì luôn có tiền và luôn chiều chuộng vợ trẻ; thời nay có nhiều chàng trai thích lấy vợ lớn tuổi hơn mình, và coi đó là một “diễm phúc”, vì vợ lớn tuổi thì có tiền và rất sợ ông chồng trẻ mèo mỡ, nên cũng rất chiều chuộng...
     Hạnh phúc của những cặp vợ chồng tuổi tác quá không tương xứng này ở đâu chưa thấy, nhưng cái mà mọi người thấy rất rõ trước mắt là vợ trẻ ngoại tình theo trai, vì người khác đẹp trai khỏe mạnh hơn chồng mình, chồng trẻ theo bồ nhí vì bồ nhí trẻ có nhan sắc quyến rủ hơn vợ mình...

     Người ta nói trong tình yêu thì không có chỗ cho tuổi tác hay tôn giáo, bởi vì tình yêu nào cũng đẹp cả. Nhưng tình yêu đẹp nhất là tình yêu chung thủy biết hy sinh cho nhau, đó chính là bài thơ đẹp nhất của tình yêu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Đại sư họ chi ?


ĐẠI SƯ HỌ CHI ? (họ gì)
Có một tăng nhân, vào giữa năm Đường Cao Tông Long Sóc vân du về phía vùng đất Trường Giang, Chuẩn Hà, hành tích của ông tăng này rất là kỳ dị.
Có người hỏi ông ta: “Ông họ chi ?”
Ông ta trả lời: “Họ Chi”.
Lại hỏi: “Ông người nước chi (nào)?”
Trả lời: “Người nước Chi”.
Người tài giỏi của triều đình nhà Đường là Lý Ung vì chuyện của tăng nhân này mà làm một văn bia, căn cứ theo cuộc hỏi đáp trên mà viết như sau: “Đại sư họ Chi, người nước Chi”.
                                          (Lãnh Trai Dạ Lạc)

Suy tư:
     Quan tổng trấn Phi-la-tô hỏi Đức Chúa Giê-su: “Ông có phải là vua Do Thái không ?”....Đức Chúa Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này...”  – Quan Phi-la-tô không hiểu Đức Chúa Giê-su nói gì, vì ông ta không thuộc về Nước của Ngài.
     Ngày 11.5.1847 thánh Mat-thê-ô Lê Văn Gẫm bị điệu ra pháp trường, quan dụ dỗ ông lần cuối, nói :
-    “Này ông, nếu ông bỏ đạo, tôi sẽ viết thư ngay xin hoàng đế tha cho ông khỏi bị xử.
-    Xin quan cứ đem tôi đi xử, vì tôi nhất định không bao giờ bỏ đạo đâu.
-    Ông không có tội gì hết, chỉ vì ông là người theo đạo Gia-tô, nên ông mới bị xử tử, ông hãy bỏ đạo đi là yên chuyện.
-    Bẩm quan lớn, tôi là người có đạo Gia-tô, tôi đã giữ đạo này từ hồi còn thơ ấu, tôi không bao giờ bỏ đạo được, dù tôi phải chết cũng không sợ.”
Ông quan này cũng không hiểu cái gì đã làm cho thánh Gẫm thà chết chứ không chịu bỏ đạo của mình, ông không hiểu cũng đúng thôi, vì ông không thuộc về Đức Chúa Giê-su.
     Có nhiều giáo dân khi đi phỏng vấn để xin việc làm đã không dám nói mình là người Công Giáo, vì sợ không xin được việc; có những bạn trẻ Công Giáo nhưng không dám nói “tôi là người Công Giáo” trong các tổ chức hoặc đoàn thể mà họ đang tham gia.
     Có rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy người Ki-tô hữu sống không đúng tinh thần yêu thương của người Công Giáo, họ tự hỏi: người Công Giáo như thế sao ??

     Có rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy người Ki-tô hữu sống đúng tinh thần yêu thương của Chúa dạy, họ tự nói: đúng rồi, họ là những người Công Giáo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Hạc cũng làm hư đạo


HẠC CŨNG LÀM HƯ ĐẠO
Lưu Uyên Tài có nuôi hai con chim hạc, mỗi lần có khách đến, bèn chỉ hai con hạc nói cách khoe khoang:
-         “Đây là hai con chim tiên ! Tất cả loài cầm thú đều đẻ trứng, còn nó thì lại mang thai”.
Nói chưa dứt lời, thì người làm vườn đến báo cáo:
-      “Con hạc hồi hôm đẻ một trứng to như trái lê”.
Lưu Uyên Tài mặt đỏ như uống rượu quát mắng tên làm vườn, nói:
-      “Mày cả gan dám phỉ báng hạc tiên à !”
Sau đó cùng với khách đi ra coi xem sao.
Con hạc đang xòe hai cánh nằm sấp trên đất, Lưu Uyên Tài rất là kinh ngạc cầm cây dọa nó để nó đứng dậy, nhưng ngay lúc đó đột nhiên con hạc đẻ thêm một cái trứng nữa.
Lưu Uyên Tài thở dài nói:
-         “Ai dà, chim hạc ngày nay cũng làm bại hoại đạo tiên mất rồi !”         
                                          (Lãnh Trai Dạ Lạc)
Suy tư:
     Chim hạc được ví như là trường thọ, người ta hay nói “tuổi hạc” để nói đến những người sống thọ, nó cũng thường được cặp với tiên, “tiên hạc” để chỉ sự sống lâu và cốt cách thanh cao của nó.
     Kẻ lãng du trần tục khi nhìn thấy cốt cách thanh cao toát ra sự thánh thiện của các nữ tu, cũng làm cho tâm hồn họ xúc động và cảm phục khi nhìn thấy tinh thần phục vụ trong yêu thương của các chị.
     Người ta sẽ chọn một nữ tu để chăm sóc bệnh nhân hơn là một cô y tá; người ta sẽ đem con cái của họ gởi vào nhà trẻ do các nữ tu dạy dỗ hơn là gởi cho các cô giáo dạy trẻ; người ta cũng sẽ rất dễ dàng nhận ra Đức Chúa Giê-su nơi các nữ tu hơn bất kỳ người nào khác vì sự dịu dàng tận tâm phục vụ, quảng đại và bác ái của các chị.
     Thời nay có một số nữ tu rất đài các, cung cách phục vụ rất tiểu thư, và kênh kiệu như các bà hoàng, họ đã làm cho người ta hiểu sai về đời sống tận hiến của các nữ tu.
     Thời nay cũng có một số nữ tu tự cho mình là “người của Chúa” nên luôn tách ra và “đứng” trên mọi người khi đến phục vụ trong giáo xứ, bởi vì thay vì phục vụ thì họ lại bắt người khác phải phục vụ mình, họ đã làm cho người ta hiểu sai về tinh thần phục vụ vô vị lợi của các nữ tu...
     Không ai nhìn một linh mục mà nói giống Đức Mẹ Ma-ri-a, nhưng khi người ta nhìn một nữ tu, thì lập tức người ta liền nghĩ đến Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì các nữ tu là những người đã và đang noi gương phục vụ cách khiêm tốn của Mẹ, bởi vì các nữ tu là –có thể nói- Đức Mẹ Ma-ri-a thứ hai, đang sống, đang phục vụ các chi thể đau khổ của Đức Chúa Giê-su là các bệnh nhân và những người bất hạnh trong thế giới hôm nay.

     Các nữ tu cũng là những con người như các thiếu nữ khác, nhưng các nữ tu có cốt cách “tiên nữ” vì đã quảng đại dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ tha nhân, đó chính là điểm nổi bật làm cho các nữ tu hơn các thiếu nữ khác ở đời này vậy, bằng không thì các nữ tu cũng sẽ làm ”hư đạo” vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Lễ Các Đẳng Linh Hồn


LỄ CÁC ĐẲNGLINH HỒN
(Ngày 2 tháng 11)

Anh chị em thân mến,
Hôm qua (01/11) chúng ta đã mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, các ngài là những người tôi trung của Thiên Chúa, hôm nay (02/11) chúng ta dâng lễ cầu cho các linh hồn trong luyện ngục, các ngài là những người đã sống và tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhưng chưa trọn vẹn, do đó các ngài phải tạm thời chưa được diện kiến Thiên Chúa, và phải đền tội trong luyện ngục cho đến khi đền tội xong...

Giáo lý công giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết.

Các linh hồn trong luyện ngục tự mình không thể làm gì được để được Chúa tha tội, ở đó họ chỉ trông mong có một điều là hình phạt mau qua để chóng được hưởng nhan thánh Chúa, do đó họ rất cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, cần đến những việc lành phúc đức và những hi sinh của chúng ta là những người đang còn sống ở thế gian.

Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành hẳn tháng Mười Một trong năm để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, một tháng với biết bao nhiêu là việc lành mà chúng ta làm, với biết bao nhiêu là thánh lễ mà chúng ta tham dự cách sốt sắng, với biết bao hy sinh mà chúng ta đã thực hiện, thì chắc chắn có rất nhiều linh hồn trong luyện ngục được thoát khỏi hình phạt luyện ngục mà về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.

Tín điều các thánh thông công của Giáo Hội làm cho chúng ta thấy được rõ nhất trong tháng này, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp thông với các thánh khải hoàn trên trời, chúng ta góp phần giải thoát các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục bằng các lời kinh nguyện và việc lành của chúng ta, và nhờ bí tích Rửa Tội mà chúng ta –những tín hữu chiến đấu ở trần gian- được hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su.

Anh chị em thân mến,
Ai trong chúng ta cũng đều có người thân qua đời, nếu họ đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng, thì họ sẽ cầu bàu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa, nếu họ đang bị giam cầm trong luyện ngục thì họ đang rất cần đến lời cầu nguyện và những hy sinh của chúng ta, mỗi thánh lễ, mỗi lời nguyện, mỗi việc lành của chúng ta làm, thì như những giọt nước mát mẻ làm dịu bớt những đau khổ và thâu ngắn thời gian đền tội của họ trong luyện ngục.

Tháng Mười Một cũng là tháng báo hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Xin lễ cầu nguyện, lần chuổi Mân Côi, làm việc lành phúc đức.v.v... là những cách báo hiếu của chúng ta đối với các ngài vậy.

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngôi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng- Amen.


Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.