Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Chúa nhật 2 mùa chay


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Tin mừng : Mt 17, 1-9.
“Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã mặc khải cho ba tông đồ biết chính Ngài là Đấng Mê-si-a, là Thiên Chúa làm người và là Đấng cứu độ trần gian bằng sự biến hình chói sáng của Ngài, cũng vậy, cũng đã lắm lúc chúng ta làm cho người khác không nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, và tệ hơn, đã làm cho họ hồ nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa trong niềm tin của chính chúng ta –người Ki-tô hữu.

Do đó mà chúng ta cần phải biến đổi trong cách nhìn, trong cách đối xử của chúng ta, để họ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong vũ trụ này, và nhất là trong cuộc sống của chính chúng ta.

1.   Biến đổi trong cách nhìn.
Thánh Phê-rô và hai thánh tông đồ Gia-cô-bê và Gioan đã nhìn thấy sự biến hình của Đức Chúa Giê-su, và các ngài đã nhìn thấy quang cảnh trên núi Ta-bo-rê này sao mà đẹp, không những đẹp mà còn cảm thấy hạnh phúc dễ chịu, bởi vì cái nhìn của thánh Phê-rô cũng như hai tông đồ kia, đã được ánh sáng huy hoàng của Đức Chúa Giê-su biến đổi, đặc biệt là biến đổi từ trong tâm hồn của các ngài.

Cuộc sống của người Ki-tô hữu chúng ta cũng cần phải được biến hình, biến hình từ cái nhìn tiêu cực với anh chị em thành cái nhìn tích cực; biến hình từ cái nhìn bi quan với cuộc sống thành cái nhìn lạc quan, để đời sống hôm nay của chúng ta trở thành cuộc sống chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su. Và khi chúng ta đã biến đổi cách nhìn của mình, thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc và cuộc sống sao mà đẹp lạ lùng...

2. Biến đổi trong cách đối xữ.
Không một ai có thể tự biến đổi mình nếu không có ơn của Chúa giúp đỡ, cũng không ai có thể trở thành người có ích cho mọi người nếu không được Lời Chúa chiếu soi và dẫn đường, bởi vì như thánh Phê-rô đã nhìn thấy mọi sự chung quanh mình đều đổi mới vì có Đức Chúa Giê-su hiện diện.

Người Ki-tô hữu có Đức Chúa Giê-su là ánh sáng soi dọi, nên cuộc biến hình của họ rất dễ dàng nếu họ biết đi trong ánh sáng của Ngài.

Đã nhiều lần chúng ta có những thái độ không mấy đẹp khi đối xử với tha nhân, vì chúng ta chưa thấy được sự biến hình sáng láng của Đức Chúa Giê-su; đã nhiều lần chúng ta coi nhẹ tình thân của tha nhân đối với chúng ta bởi vì chúng ta cứ chuộng vẻ bên ngoài để đối xử với nhau, nên không nhìn thấy sự biến hình của Đức Chúa Giê-su nơi người anh em chị em của mình.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su biến hình sáng chói như mặt trời để củng cố đức tin của các tông đồ, và cũng là một biến cố to lớn đối với ba thánh tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan.

Chính Ngài –ngày hôm nay- cũng biến đổi thân mình nơi những người mà chúng ta gặp gỡ: Ngài biến hình thành người ăn xin bên vệ đường; ngài biến hình thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa; Ngài biến hình thành anh công nhân dưới quyền của chúng ta, và biến thành người anh em chị em đang ở trong cộng đoàn với chúng ta, nhưng chúng ta chưa biến đổi cách nhìn của mình để nhìn thấy Ngài, chưa biến đổi thái độ trong cách đối xử, để đối đãi Ngài cho xứng đáng trong cuộc sống hàng ngày của mình...

Nếu không tích cực biến đổi cách nhìn và nếu không mau biến đổi thái độ cư xử của chúng ta với tha nhân, thì cho dù chúng ta tham dự thánh lễ hằng ngày và rước lễ thường xuyên, thì cũng không nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình...


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Sợ kêu bạch hầu


SỢ KÊU BẠCH HẦU
Bạch Mẫn Trung làm tể tướng, muốn chọn tiến sĩ Hầu Ôn làm con rể, Hầu Ôn không chịu.
Phu nhân của Bạch Mẫn Trung là Lô thị nói:
-         “Mình là thừa tướng, chán gì người muốn làm rể nhà mình ! Ông họ Bạch, hắn ta lại họ Hầu, tôi lại sợ người ta gọi là bạch hầu (yết hầu) nữa đó ?”
                                           (Ngọc Tuyền tử)

Suy tư:
     Con người ta, đôi lúc vì cái sĩ diện mà làm hỏng việc lớn, việc lớn đây có thể là đại sự quốc gia, có thể là một vụ áp phe nào đó, hoặc là một tình cảm đặc biệt nào đó...
     Đời sống tinh thần của giáo dân rất cần đến linh mục, vì chỉ có các ngài mới có thể giúp cho họ tìm thấy được sự an ủi, bằng an trong tâm hồn, nhưng cũng có khi vì sĩ diện mà linh mục bỏ mất cơ hội “bắt cá người” về cho Thiên Chúa.
     Có vị linh mục nọ nói rằng: “Giáo dân cần cha sở, chứ cha sở không cần giáo dân !” và vì suy nghĩ như thế nên ngài rất ít tiếp xúc với giáo dân bổn đạo của mình, mà giáo dân thì cũng...bất cần cha sở, nên nhà thờ càng ngày càng ít giáo dân đến viếng thăm Đức Chúa Giê-su Thánh Thể, lại một lần nữa Đức Chúa Giê-su lại bị hiểu lầm mà trơ trọi trong nhà chầu, nhưng lần này thì “đau” hơn, vì không phải các thượng tế và dân chúng Do Thái ngày xưa hiểm lầm mà đóng đinh Chúa, mà chính là các mục tử của Tân Ước và con chiên hục hặc với nhau: mục tử thì cao ngạo, con chiên thì tự ái, cao ngạo và tự ái là hai hàng rào kiên cố và nguy hiểm hơn cả hàng rào điện tử đã rào Đức Chúa Giê-su Thánh Thể lại bên trong, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
     Sẽ không có mục tử nếu không có chiên, và con chiên thì dù có mục tử hay không cũng chẳng sao cả, nó có thể lang thang đi kiếm ăn một mình, vì đối với nó, có mục tử mà không đoái hoài đến chiên, thì có cũng như không, gặp sói rừng đến thì chiên cũng bị nó xơi tái vậy !

     “Lạy Chúa, xin ban cho các mục tử mà Chúa đã chọn để chăn dắt đoàn chiên của Chúa có một tâm hồn khiêm tốn, tận tụy vì chiên. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Đàn bà gõ cửa


ĐÀN BÀ GÕ CỬA
Ở đất Lỗ có một người đàn ông độc thân, bên cạnh nhà anh ta cũng có một người đàn bà ở một mình.
Một đêm nọ, gió lớn nổi lên, mưa lớn như trút nước, nhà người đàn bà bị sập, chỉ có cách là qua nhà người đàn ông độc thân nọ mà núp mưa. Người đàn bà gỏ cửa, nói rõ tình lý, người đàn ông độc thân vẫn không mở cửa, đứng trong cửa nói:
-         “Nam nữ không quá sáu mươi tuổi không thể ở chung với nhau, mà cô và tôi chưa quá sáu mươi, cho nên tôi không dám mở cửa”.
Người đàn bà nói:
-      “Sao ngài không học Liễu Hạ Huệ ?”
Người đàn ông độc thân nói:
-         “Liễu Hạ Huệ có thể, tôi thì không có thể, tôi sẽ lấy cái không thể của tôi, học cái có thể của Liễu Hạ Huệ”.
                                (Vân Tiên tạp kí)

Suy tư:
     Con người là một tiểu vũ trụ, mà vũ trụ thì có âm và có dương, âm dương hòa hợp sinh ra vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa dựng nên con người có nam và có nữ, nam là dương, nữ là âm, âm dương hòa hợp sinh sản vô số loài người trên mặt đất, do đó mà đời sống xã hội của con người trở nên đẹp hơn và có ý nghĩa hơn.
     Người đẹp ngồi trong lòng mà tâm không động thì đúng là nói dóc, dương gặp âm mà tâm không động thì không phải là dương, mà chỉ là “pê đê”, là người bất bình thường, nhưng đó là suy nghĩ theo thói thường của con người.
     “Có những người hoạn vì Nước Trời”, lời nói của Đức Chúa Giê-su vẫn còn đó, giá trị ngàn đời, và có rất nhiều người nghe theo, đáp lại và trở nên những con người tự nguyện “hoạn” vì Nước Trời, đó là những linh mục và tu sĩ nam nữ của Giáo Hội. Họ đã vì lý tưởng vì Nước Trời mà phục vụ anh em: họ hoạn đi tình yêu nam nữ chính đáng và tự nhiên của mình; họ hoạn đi cái tôi ích kỉ của mình để trở thành một người quảng đại của mọi người; họ hoạn đi tất cả những ý tưởng có thể làm cho đời sống hiến dâng phục vụ của họ bị ngăn trở...
     Nhưng, từ bỏ những gì thì ma quỷ sẽ dùng thứ ấy để tấn công chúng ta: một ánh mắt đưa tình của cô gái, một cử chỉ yêu thương của một nữ tín hữu... tất cả đều có thể làm cho chúng ta sa ngã. Âm và dương tự nó đến với nhau theo tự nhiên, và người hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa cũng sẽ bị nó hút vào nếu không có một tinh thần trưởng thành và ổn định, tinh thần này được dày công luyện tập, bồi dưỡng mỗi ngày bằng Thánh Thể, kinh nguyện, hãm mình và hy sinh.

     “Người đẹp ngồi trong lòng mà không động”, tôi chưa đạt đến trình độ ấy như Liễu Hạ Huệ, và tôi cũng không thể lấy cái không thể của tôi để học cái có thể của họ Liễu –vì như thế cũng có nghĩa là tự sát- cho nên tôi cần phải cầu nguyện và chiến đấu luôn trong suốt cuộc đời linh mục, tu sĩ của tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Lấy thơ tế rượu


LẤY THƠ TẾ RƯỢU
Có một thi nhân tên họ là Đảo vào một đêm giao thừa năm nọ, lấy tập thơ vừa hoàn thành trong năm, cúng tế trước thịt và rượu, nói:
-         “Thơ là công lao tinh thần của tôi, nhường rượu thịt là để thêm vào cho đủ”.
                                    (Vân Tiên tạp ký)

Suy tư:
     Người Việt Nam ta thường có câu nói: lễ lạt !
     Lễ lạt theo đại từ điển Việt Nam giải thích là: “Các cuộc lễ hoặc các thứ lễ vật nói chung; của biếu xén, đút lót” .
     Biếu nhau vài trái xoài đầu mùa để ăn chơi để thắt chặt thêm tình hàng xóm bạn bè, đó không phải là lễ lạt, mà là một biểu hiện tình cảm chân chất của người nhà quê Việt Nam, nhưng nó sẽ trở thành lễ lạt khi đem xoài hảo hạng đi cậy nhờ người hàng xóm là hiệu trưởng của con mình; đi nước ngoài về đem quà biếu tặng cho cha sở làm kỷ niệm, đó không phải là lễ lạt, nhưng là biểu hiện tình cảm chan hòa cha con trong giáo xứ, và nó sẽ trở thành lễ lạt khi đem quà đến tạ ơn cha sở đã làm phép hôn phối cho con trai của mình bị rối...
     Trong mỗi thánh lễ trọng, lễ chúa nhật hay một thánh lễ đặc biệt tùy nhu cầu nào đó đều có giáo dân dâng lễ vật: bánh miến, rượu, hoa quả, nến, tiền.v.v... đó là lễ vật mà con người dâng lên Thiên Chúa để bày tỏ tấm lòng thánh kính và biết ơn. Nhưng lễ vật mà Thiên Chúa thích nhất nơi con người chính là tấm lòng thống hối ăn năn. Lễ vật lớn nhưng tấm lòng thì nhỏ chút xíu thì Thiên Chúa không nhận, như đã không nhận lễ tế của Cain; lễ vật nhỏ nhưng tấm lòng thì quảng đại, đối với Thiên Chúa đấy là món quà giá trị nhất mà chúng ta dâng kính Ngài, Ngài rất ưu ái nó.
     Đừng đem lễ vật đến trước mặt cha sở và nói: “Ngày mai là lễ giỗ của ba con, đây là một triệu đồng, nếu có ai đã xin lễ ngài mai, xin cha dời lễ ấy của họ qua ngày khác giùm con !” Đừng làm khó cha sở của mình, nhưng hãy nói với cha sở: “Ngày mai là lễ giỗ của ba con, nếu có ai đã xin lễ ngày mai, thì xin cha định cho con ngày khác, ngày mai con sẽ cầu nguyện sốt sắng cho linh hồn ba con cũng được”. Thiên Chúa thích những tâm hồn yêu Ngài cách thành thật, bởi vì lễ lạt của tâm hồn thì lúc nào cũng đáng giá và quý báu hơn lễ lạt vật chất.

     Tình yêu Thiên Chúa là như thế đó, nó khác xa với tình cảm của con người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Ba phải


BA PHẢI
      Vì sợ giáo dân không thích mình, cho nên trong giáo xứ giáo dân ai làm gì cũng mặc kệ, cha sở đều không dám nhắc nhở, có vài giáo dân có máu mặt (giàu có) nói gì thì ngài cũng đều gật đầu, một vài giáo dân bực mình nói:

-         “Cha sở không dám làm gì cả, ai biểu gì thì ngài làm nấy, không biết ngài là cha sở hay mấy người đó là cha sở ?”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Nghe Lời Chúa


NGHE LỜI CHÚA
      Cha sở giảng:
-         “Đức Chúa Giê-su nói: ai nghe lời các con là nghe lời Thầy, ai nghe lời Thầy là nghe lời Đấng đã sai Thầy. Cũng như giáo dân nghe lời linh mục là nghe lời Chúa, linh mục nghe lời giám mục là nghe lời Chúa, giám mục nghe lời Đức Giáo Hoàng là nghe lời Chúa…”
Lễ xong giáo dân nói với nhau:

-         “Cha sở nói thì hay lắm, mà ổng có thực hành đâu: giám mục kêu ổng về hưu mà ổng đâu có chịu về hưu, chỉ làm khổ giáo dân…”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Giáo luật mới của cha sở



GIÁO LUẬT MỚI CỦA CHA SỞ

      Anh thanh niên không phải là người công giáo, muốn kết hôn với người có đạo, anh muốn học giáo lý để gia nhập đạo công giáo, anh đến gặp cha sở ở bên nhà vợ chưa cưới ở giáo phận XL…để xin học đạo, cha sở bắt anh phải về Saigon đến cha sở nơi anh ở để xin giấy chứng nhận độc thân. Anh thanh niên ngạc nhiên nói:
-         “Cha sở ở đó làm gì biết con, vì con đâu phải là người công giáo”.
Cha sở nhất quyết đòi cho bằng được tờ giấy chứng nhận độc thân do cha sở cấp, và ngài nói ”đó là luật của giáo hội công giáo, theo luật thì cha sở phải quản lý luôn cả những người không công giáo ở trong phạm vi của giáo xứ mình coi sóc !”

Đức Chúa Giê-su chắc buồn cha sở này lắm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.