Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Lễ Chúa Hiển Linh

 


LỄ CHÚA HIỂN LINH


Tin Mừng: Mt 2, 1-12
“Từ phương Đông chúng tôi đến thờ lạy Ngài.”

Anh chị em thân mến,
Thời nay có rất nhiều chiêm tinh gia xuất hiện, và có rất nhiều người chạy đến với họ, để họ chỉ cho biết hậu vận tương lai của mình cũng như của gia đình và của người thân, nhưng những chiêm tinh gia này không biết Đức Chúa Giê-su là ai và cũng chẳng biết trên đời này có Ngài hay không nữa ?
Ba nhà hiền sĩ ở phương đông đã nhìn thấy sao lạ của Đức Chúa Giê-su khi Ngài giáng sinh, và các ông đã mau mắn lên đường để triều bái vị vua mới sinh ra.
Ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời đã mở trí khôn cho ba nhà hiền sĩ, đã khơi dậy tính mạo hiểm vốn có của các nhà bác học khiến cho họ lên đường đi tìm vua nhỏ mới sinh ra, nhưng Hài Nhi bé nhỏ nằm trong hang lừa ấy mới chính là ngôi sao lạ vĩ đại soi sáng tâm hồn của các ông và đổi mới hẳn tâm hồn của các ông, khiến cho các ông cũng trở thành những vị sao sáng soi dẫn đường cho thiên hạ nhận ra Thiên Chúa đang ở giữa con cái loài người, mà cụ thể là đang ở trong tâm hồn của các ông.
Mỗi một người Ki-tô hữu là một ánh sao lạ giữa thế gian này, ánh sao lạ đêm giáng sinh của Con Thiên Chúa làm người, cho nên cuộc sống của họ làm cho người khác phải ngạc nhiên: họ sống hiền hòa với mọi người, biết giúp đỡ tha nhân, biết thông cảm với những sai lầm của người khác để khoan dung, thông cảm và yêu thương; họ là những người thành tâm khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi người, cho nên đối với họ, ai cũng là người anh em thân cận, ai cũng là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu.
Mỗi một người Ki-tô hữu là một ngôi sao lạ lấp lánh chiếu sáng giữa dòng đời phản chiếu ánh sáng của Tin Mừng cho mọi người, ai cũng hiểu điều đó, nhưng trong thực tế, có những tín hữu đã tắt mất ánh sáng của Tin Mừng trên con người họ, họ sống như những người đi trong bóng tối bằng những ghen tương ích kỷ của mình, bằng những phê phán người này kẻ nọ của họ, cho nên không ai thấy được ánh sao lạ của Đức Chúa Ki-tô trên con người của họ, nói cách khác, không ai nhìn thấy được khuôn mặt nhân từ và yêu thương của Đức Chúa Ki-tô trên con người của họ.
Lễ Chúa Hiển Linh đề cao vai trò chứng nhân của người Ki-tô hữu trong cuộc sống đời thường, bởi vì ngày hôm nay Thiên Chúa không còn giáng trần trong hang lừa máng cỏ nữa, nên ánh sao lạ cũng không còn và Ngài cũng không còn tỏ hiện ra cho các nhà hiền sĩ nữa, nhưng nhờ sự chết và sống lại của Ngài, trong bí tích Rửa Tội, Ngài đã làm cho chúng ta -mỗi người Ki-tô hữu- trở nên ánh sao lạ của Ngài ngay trong cuộc sống ở trần gian này.
“Lạy Đức Chúa Giêsu là ánh sao sáng dẫn đường cho nhân loại, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã làm cho mỗi người trong chúng con trở thành ánh sao của Chúa, đem ánh sáng Tin Mừng dọi sáng cho mọi người bằng chính đời sống tốt lành của chúng con. Xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng con, để chúng con có đủ can đảm làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống đời thường của chúng con. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


74.      MẤT NGỰA GIẾT CHÓ

Lúc Âu Dương Tu làm việc ở hàn lâm viện thì thường cùng với các đồng sự trong viện đi du ngoạn.

Một hôm, thấy con ngựa phóng như bay giẫm chết con chó, Âu Dương Tu nói:

-      “Các ông nói ra chuyện này coi.”

Một người nói:

-         “Có con chó nằm nơi đường cái, vì ngựa mất móng mà giết nó.”

Người khác nói:

-         “Có con chó nằm nơi đường cái, vì ổ chó mà giết nó.”

Âu Dương Tu cười nói:

-      ”Các ông quan sử mà nói như thế, thì cả vạn cuốn sách viết cũng không hết.”

Người thứ hai ấy nói:

-      “Vậy thì ông nói coi ?.”

Âu Dương Tu đáp:

-      “Mất ngựa giết chó ở trên đường.”

Hai người ấy mặt biến sắc phụ họa cười theo.

                                   (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 74:

Thời nay người ta có khuynh hướng thích cái gì là thực tế có thể nắm bắt được, cảm nghiệm được và truyền đạt cho nhau được.

Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình thì công ty phải xuất tiền quảng cáo, quảng cáo muốn “đập” vào trong mắt người ta thì quảng cáo phải có nét ấn tượng, và muốn có ấn tượng lâu dài thi phải sống động, mà muốn sống động thì không có gì hay hơn là dùng người thật diễn quảng cáo, vì thế quảng cáo trên truyền hình thì tốn tiền nhiều hơn trên tấm pa nô.

Đời sống tâm linh của người tín hữu cùng cần phải được quảng cáo, quảng cáo đây không có nghĩa là khoe khoang nhưng là giới thiệu cách thực tế và sống động niềm tin của mình.

Mỗi lần đến nhà thờ dâng lễ là người Ki-tô hữu giới thiệu đức tin của mình cho mọi người biết, mỗi lần người Ki-tô hữu biết tha thứ cho người chỉ trích và làm hại mình là họ giới thiệu khuôn mặt nhân hậu của Đức Chúa Giê-su cho tha nhân, mỗi lần người Ki-tô hữu cúi xuống nâng đỡ người anh em đứng lên là họ giới thiệu lòng nhân ái của Đức Chúa Giê-su cho mọi người…

Hai người bạn của Âu Dương Tu không lột tả được hết tình tiết câu chuyện xảy ra trên đường vì họ chỉ nói lý thuyết, nhưng người Ki-tô hữu thì sẽ cúi xuống thực hành đức ái với người hoạn nạn bên vệ đường, vì lời nói thì bay theo gió, nhưng việc làm thực tế thì tồn tại và tỏa sáng…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


73.      TIỀN CÓ THỂ THÀNH RƯỢU

Vợ của Tô Ngũ Nô đẹp và giỏi về khiêu vũ, thường có nhiều tên háo sắc mời vợ của Ngũ Nô đi dự tiệc, Ngũ Nô cũng không thoải mái, nên mỗi lần như thế thì cũng phải đi theo.

Có người muốn chuốc rượu cho Tô Ngũ Nô say để chọc ghẹo vợ của Ngũ Nô.

Ngũ Nô nói:

-      “Không nên mời rượu, các ông chỉ việc cho tôi nhiều tiền và cho tôi ăn bánh hấp thì tôi cũng say, cần gì phải lãng phí rượu chứ !”

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 73 :

Thời nay có nhiều quán cà phê đèn mờ “mọc” lên nhiều nơi trong thành phố cũng như ở thôn quê, nhiều quán cà phê không phải là có nhiều người sành điệu uống cà phê, nhưng người ta vào uống cà phê là vì có nhiều cô gái đẹp làm tiếp viên; thời nay cũng có nhiều nhà hàng “mọc” lên khắp các ngõ hẻm của thành phố, không phải là người dân không biết nấu ăn nên đi ăn nhà hàng, nhưng là vì trong nhà hàng người ta ăn thì ít mà uống thì nhiều và có các cô phục vụ hết mình…

Con người ta ai cũng thích cái đẹp, nhưng vợ đẹp của bạn thì đừng mơ tưởng đến vì có khi lỗi phạm đến điều răn thứ chín của Thiên Chúa : Thứ chín chớ muốn vợ chồng người.”

Có những nơi người ta cấm các loại xe vận tải nặng vào thành phố lúc ban ngày vì sợ gây ô nhiễm, hư đường nhựa và tai nạn cho người dân, có những nơi trong thành phố người ta cấm không cho xe xích lô chạy vào vì sợ mất vẽ mỹ quan của thành phố, có những khu vực trong thành phố người ta cấm các loại xe hai bánh (mô tô, xe đạp) lưu thông vì sợ…kẹt xe…

Người ta làm mọi cách để bảo vệ sinh mạng của người dân và cảnh mỹ quan của thành phố, dù kiểu bảo vệ ấy có thể làm người dân nghèo oán hận, nhưng người ta vẫn cứ thả lỏng và có khi cho phép các phương tiện dẫn đến tội lỗi, tội ác như: cà phê đèn mờ, cà phê ôm, những ổ đĩ điếm trá hình nhà hàng kara ôkê.v.v… hoạt động, đó chính là những cửa ngỏ giết chết tâm hồn con người, đầu độc ý chí thanh thiếu niên và phá vỡ hạnh phúc gia đình rất trầm trọng…

Nhậu nhẹt mà có người đẹp phục vụ thì không chóng thì chầy cũng đưa đến tội  lỗi, đó là “tửu sắc” mà tất cả mọi người đều biết. 

Nhưng biết mà không tránh thì tội gấp đôi vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


72.      SÁNG KHOE TỐI NHẠO

Con của Vương NghĩaVương Tử Du thích cây trúc, cho nên trong vườn trồng toàn là cây trúc.

Lúc Giải Tân Vương làm quan chuyên chở ở Lợi Châu, cũng trồng trong vườn của con quan rất nhiều cây trúc.

Năm nọ, Giải Tân Vương sắp rời chức vụ bèn ra lệnh cho người bán tất cả cây trúc, người thời ấy bèn gọi ông ta là “Giả[1] Tử Du”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 72 :

Có những ông quan khi biết sắp đến ngày về hưu thì đem bán những đồ quý giá trong cơ quan của mình; có những thủ trưởng khi biết mình sắp đổi đi nơi khác thì gian lận sổ sách tẩu tán ngân sách tài chánh…

Những người vô trách nhiệm và có lòng tham đều như thế, bởi vì khi còn tại chức thì họ không coi cơ quan nơi làm việc là của mình mà là của nhà nước, của chung, của đoàn thể, nên họ không hết lòng vì nhiệm vụ, không tận tâm lo lắng cho dân…

Người Ki-tô hữu coi giáo xứ là đại gia đình của mình, nhà thờ là nhà của mình, cho nên họ luôn đối xử với nhau như anh chị em một nhà, luôn gìn giữ và trân trọng nhà thờ của mình, dù cho cha sở này đi hoặc cha sở khác đến thì họ vẫn luôn đối xử như nhau chứ không…đem bán tất cả những gì của cha sở trước để lại cho giáo xứ…

Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng: tất cả chúng ta đều là anh em chị em với nhau bởi vì chúng ta có một Cha ở trên trời, cho nên chúng ta phải yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, chứ không vì cái danh dự hão huyền, không vì cái tự ái nhỏ nhen, không vì “gà tức nhau tiếng gáy” mà đem bán anh em chị em mình với giá…ba mươi đồng bạc rẻ mạt như Giu-đa đã bán đứng Thầy mình vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] phát âm là “jìe” nghĩa là “giải”, phát âm là “jìa” nghĩa là “giả (dối)”. Phát âm giống nhau nhưng khác nghĩa.

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


71.      GẬY TRÚC CẦM TAY

Trong chùa Cam Lộ ở châu (huyện) Nhuần có một nhà sư đạo hạnh rất cao.

Thừa tướng Lý Đức Dụ đi điều tra châu Nhuần, gặp cao tăng bèn tặng cho ông ta một cái gậy trúc cầm tay. Cây gậy này được sản xuất ở nước Đại Uyển thuộc Tây Vực, cứng và vuông, là một sản phẩm hiếm có. Cách nhiều năm sau, Lý Đức Dụ lại tái ngộ với vị cao tăng ấy lần nữa, thì hỏi:

-      “Trúc huynh có nhà không ?”

Cao tăng đáp:

-      “Cho đến hôm nay vẫn trân trọng giữ gìn”.

Nói xong lấy ra cái gậy đã được bào tròn và sơn phết, Lý Đức Dụ liên tục nói tiếc thật tiếc thật.

Lúc đó có người không hiểu được cây gậy ấy có chỗ nào là quý báu bèn cười nhạo nói:

-      “Gọt tròn như cây gậy trúc, sơn thì giống như cây đàn vân[1]  bị gãy”.

                                           ((Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 71 :

Cũng là cây gậy trúc nhưng người có con mắt mỹ thuật thì nhìn nó có dáng nghệ thuật, người có học quyền cước thì coi nó như cây gậy côn làm vũ khí rất tiện, tóm lại cây gậy trúc nó sẽ là như thế nào thì tùy thuộc người sử dụng nó.

Cây gậy trúc của nước Đại Uyển cứng và vuông là sản phẩm hiếm có, nhưng đã trở nên tầm thường trong tay nhà sư.

Con người là cây gậy trúc trong tay của Thiên Chúa, và với nhãn quang của Thiên Chúa thì con người là tạo vật rất tốt lành của Ngài, cho nên Ngài rất trân trọng từng người một; nhưng nếu con người ở trong tay ma quỷ thì sẽ trở thành công cụ làm những điều gian ác thất đức cho tha nhân và anh chị em mình, bởi vì dưới cái nhìn của ma quỷ, con người là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương nên cần phải làm cho nó trở nên xấu xí mất ơn nghĩa và xa lìa Thiên Chúa…

Cây gậy, dù nó quý hiếm hay không thì cũng là cây gậy rất có ích cho người già cũng như người mù. Cũng vậy, người anh em chị em chúng ta, dù họ tốt hay xấu thì cũng vẫn là con cái Thiên Chúa, nhưng trong cuộc sống đời thường cũng có những người Ki-tô hữu tự hào mình có ơn Chúa Thánh Thần, nhưng vẫn cứ nhìn họ như những con quỷ dữ phá hoại âm mưu đen tối của mình…

Gậy vuông gậy tròn không quan trọng, chỉ sợ chúng ta nhìn tâm hồn của tha nhân vuông ra tròn và tròn ra vuông mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Một cây đàn nổi tiếng thời xưa – TQ.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


70.      ĐỐI ĐỊCH PHẢI TRÁI

Trịnh Giới Phu tên Hiệp, tự gọi là “Nhất Phật cư sĩ”, thích phô trương đánh cờ vây, mỗi khi có khách đến, thì nhất định ép họ đánh cờ vây với mình.

Có một người khách không biết đánh cờ, ông ta cũng kéo người này đến bên cạnh để coi, dùng tay phải và tay trái của mình làm thành hai phe cục diện đối đầu, trắng bên trái và đen bên phải, cũng tận tình suy nghĩ như đánh thật với địch vậy, giả sử bên trắng mà thắng, thì dùng tay trái rót rượu và uống, còn nếu như bên đen mà thắng thì làm ngược lại.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 70 :

Cái tội nghiệp nhất của người hay khoe khoang là không biết mình là ai, họ là những người không chịu “ngồi yên” một chỗ nhưng làm việc gì cũng muốn người khác biết đến…

Người thích khoe khoang thì cũng thích tự mình thưởng cho mình, chứ không thích mình thưởng cho ai cả, bởi vì người khoe khoang thì luôn coi cái gì của mình cũng đẹp, cũng tốt và cũng hay, cho nên mọi người phải “biết” và tán dương mình mới phải đạo !!!

Có người khoe nhà cửa mình đẹp hơn người ta, có người khoe chiếc xe mô tô của mình loại “xịn” hơn người khác, lại có người khoe mình tiền bạc bỏ đầy trong ngân hàng… những thứ mà họ đem ra khoe khoang ấy không làm cho họ sống thêm được một phút, trái lại càng làm cho mạng sống của họ ngắn thêm một chút, vì khoe của là mời gọi và khêu gợi lòng tham của mọi người…

Người khoe khoang thì lôi kéo người khác đến để coi cái khoe khoang của mình, cho nên mặt họ càng ngày càng dày ra và không đẹp; người khiêm tốn thì họ giấu tài của mình trong lòng, chỉ khi có cơ hội giúp đỡ cho người khác thì họ mới phải thi thố tài năng của mình và luôn cảm tạ ơn Thiên Chúa mà thôi…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Lễ Đức Ma-ri-a - Mẹ Thiên Chúa

 


Ngày 1 tháng 1

LỄ ĐỨC MA-RI-A - MẸ THIÊN CHÚA

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.
“Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay ngày đầu năm mới dương lịch, Giáo Hội long trọng mừng kính Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, và là ngày cầu xin cho hòa bình thế giới.
Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ Ma-ri-a làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với Đức Chúa Giê-su.

1. Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.
Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Messia mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội lỗi. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Nicea đã long trọng tuyên bố xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ qua kinh tin kính.
Đức Đức Chúa Giê-su là Đấng mà thánh Gioan Tiền Hô đã nói: “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi” (Ga 1, 30b), cũng có nghĩa là với bản tính loài người Đức Chúa Giê-su sinh sau thánh Gioan Tiền Hô, nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài đã có trước thánh Gioan Tiền Hô. Và như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa , và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1, 1) ngài đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời tức là Thiên Chúa.
Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, ngài thật sự là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Đức Chúa Giê-su và cũng là Mẹ Thiên Chúa.

2. Đức Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa
Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa không thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã giành cho nhân loại chúng ta.
Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)

3. Đức Mẹ Maria – Mẹ của chúng ta
Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ (thánh Gioan tông đồ): “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.
Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa là chúng ta trân trọng công việc đồng công cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa.
Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức Khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao, trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.
“Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. A-men.”
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


69.      LƯU ÔNG THÍCH RƯỢU

Ở địa phương nọ có Lưu Ông quý rượu như mạng sống.

Năm nọ, cùng với bạn bè ngồi thuyền qua sông, thuyền đang ở giữa giòng sông thì cuồng phong thổi đến, chiếc thuyền nhỏ bị thổi lắc qua lắc lại, những người trên thuyền đều kinh hãi không ngớt, chỉ có Lưu Ông tay ôm bầu rượu ngồi chắc chắn không nói một lời, và cũng không bày tỏ sợ hãi.

Sau khi gió lặng thuyền êm và thuyền nhỏ qua bên kia bờ, bạn bè hỏi Lưu Ông sao lại không sợ hãi, Lưu Ông trả lời:

-      “Sống chết là ở trong số mệnh, nếu bầu rượu đổ thì còn gì có thể tiêu sầu vừa ý chứ ?

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 69 :

Con người ta ai cũng có cái thích riêng của mình, nhưng không phải tất cả các cái thích đều tốt. Sóng to gió lớn, thuyền lắc lư muốn lật nhào mà không sợ, chỉ sợ bể mất bầu rượu, thì đúng là coi rượu hơn cả mạng sống của mình, cái thích này chắc chắn là không tốt.

Sống chết đúng là có số mệnh, nhưng số mệnh chết lúc nào thì ai mà biết được.

Người Ki-tô hữu tin rằng số mệnh sống chết ở trong tay Thiên Chúa, và giờ chết đến lúc nào thì đố ai mà biết được, cho nên họ tuy vui sống với mọi người nhưng vẫn chuẩn bị chờ ngày Thiên Chúa đến gọi; tuy họ vẫn sống và hăng say tham gia làm đẹp vũ trụ như bao người khác, nhưng họ vẫn luôn tích cực chuẩn bị cuộc sống mai sau trên thiên đàng với Thiên Chúa.

Coi rượu quý hơn mạng sống nhất định là người...có vấn đề, nhưng vì danh Thiên Chúa và vì đức tin của mình mà coi mạng sống nhẹ tựa hồng mao, đó là sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)