Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Chúa nhật 30 thường niên

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
 
 
 

Tin mừng : Lc 18, 9-14.

“Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người Pha-ri-siêu thì không.”

Anh chị em thân mến,
Cuộc sống của con người với nhiều lo âu hơn là thoải mái, nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc, nhiều áp lực hơn là tự do. Cuộc sống của con người –qua mọi thế hệ- cũng đều cần đến một sức mạnh thần thiêng từ cõi vô hình đầy quyền thế giúp đỡ, để con người an vui sống và làm việc trong xã hội, chúng ta –những người Ki-tô hữu- gọi Đấng vô hình đó là Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, nhưng có rất nhiều lần chúng ta cầu nguyện mà không thấy Thiên Chúa trả lời.

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra hai mẫu cầu nguyện của hai loại người, để cho chúng ta thấy được Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của loại người nào: của người thích phê bình, so đo, kiêu ngạo hay là của người có tâm tình khiêm tốn nhận biết tội mình để xin thương xót ?

Người Pha-ri-siêu cầu nguyện
Đây là lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu:“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như  tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con."[1]

Lời cầu nguyện này đáng lý ra là được Thiên Chúa nhậm lời vì nó bao hàm lời chúc tụng ngợi khen và cảm tạ, nhưng trái lại, Thiên Chúa đã không nhậm lời cầu nguyện này, vì trong lời cầu nguyện có sự so đo phân bì và xúc phạm đến tha nhân, đó là nguyên nhân khiến cho lời cầu nguyện trở nên vô giá trị trước mặt Thiên Chúa và người đời.

Người Pha-ri-siêu đã so sánh mình với người thu thuế tội lỗi.

Trong cuộc sống, ai đem mình ra so sánh với người tội lỗi là chính họ tội lỗi hơn cả người tội lỗi, bởi vì phàm ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống. Tôn mình lên là coi mình hơn người khác, là đem danh dự của tha nhân đạp dưới chân mình, cho nên họ đã đi trên chông gai mà không biết và họ sẽ ngã quỵ vì chông gai đó chính là sự kiêu ngạo của mình.

Khi đem mình so sánh với người khác là xúc phạm đến họ, dù họ là người tội lỗi công khai hay bị người khác khinh dể, bởi vì một Ma-ri-a Mag-da-la đã được Đức Chúa Giê-su chữa lành, một thu thuế Gia-kêu lùn đã được vinh dự đón tiếp Đức Chúa Giê-su ngay tại nhà mình, một tên trộm bị án tử trên thập giá với Đức Chúa Giê-su đã được vào thiên đàng trước cả người Pha-ri-siêu và những kinh sư thông luật.

Người thu thuế cầu nguyện
Ông ta cầu nguyện cách ngắn gọn nhưng rất hiệu quả:“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi."[2]

Đây không thể là lời cầu nguyện lý tưởng đối với những người am hiểu Kinh Thánh, bởi vì nó không hội đủ điều kiện để trở thành lời cầu nguyện, nhưng nó lại có thế giá trước mặt Thiên Chúa và người thu thuế tội lỗi đã ra về bình an, bởi vì trong lời cầu nguyện đơn sơ này hàm chứa một tâm hồn trông cậy và khiêm tốn.

Đây không thể là lời cầu nguyện hay, nhưng đây là lời nói thỏ thẻ của người con biết nhận ra sai lầm của mình để xin cha mẹ thứ tha. Không một người cha người mẹ nào làm ngơ trước lời thú tội rất chân thành của đứa con mình, Thiên Chúa lại càng không thể “ngoảnh mặt làm ngơ” với lời cầu xin tha thứ rất khiêm tốn và chân thành của người tội lỗi, cho nên, lời cầu nguyện hay chưa chắc là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng chỉ có lời cầu nguyện chân thành và khiêm tốn mới được Thiên Chúa nhậm lời.

Anh chị em thân mến,
Lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu và lời cầu nguyện của người thu thuế, đã cho chúng ta thấy được đâu là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa và đâu là lời cầu nguyện không đẹp lòng Ngài.

Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa không nhất thiết phải kể lể dài dòng, nhưng cần phải có tâm tình yêu mến, chân thành và khiêm tốn, bởi vì Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của những tội nhân biết hối cải, hơn là thích nghe lời cầu nguyện khách sáo của người tự cho mình là người công chính mà khinh dể tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1].Lc 18, 11b-12.
[2].Lc 18, 13b.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Lịch sự

LỊCH SỰ
 
 

      Giáo xứ miền quê nọ, sau khi giảng xong, cha sở thông báo:

-“Để xứng đáng tham dự thánh lễ cách nghiêm trang sốt sắng, thì từ nay ai đi lễ mà không mặc áo quần đàng hoàng tử tế, nam phải mặc áo trắng bỏ vào trong quần, nữ phải mặc áo dài, nếu ông bà anh chị em nào không thực hiện như thế thì không được vào nhà thờ…”

     Giáo dân vui vẻ hưởng ứng lời của cha sở.

     Nhưng cha sở thì vẫn cứ mang đôi dép lẹp xẹp hằng ngày tiến lên bàn thánh, vẫn cứ mặc áo lễ phai màu có mùi hăng hắc “vô tư” cử hành thánh lễ…
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Nguyên tắc

NGUYÊN TẮC
 
 
Có tiếng gõ cửa, cha sở mở cửa và có tiếng nói của một thanh niên:

-“Thưa cha cho con xưng tội, vì con làm việc xa thành phố, lại không có dịp đến nhà thờ…”

-“Anh không thấy “giờ xưng tội” dán trước cửa nhà thờ sao ?”

-“Dạ, con có thấy, nhưng con…”

-“Về đi, tôi đang nghỉ trưa, chiều trước lễ đến xưng tội…”

Và ngài đóng cửa, anh thanh niên buồn bả rời khỏi nhà thờ và đi xe ôm ra bến xe để kịp giờ làm việc…
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Bệnh tại nơi vua

BỆNH TẠI NƠI VUA
 
 

Có một em bé, ba nó bị bệnh sốt rét, rất đau khổ, nó bèn đi tìm thuốc chữa bệnh cho ba.

Có một chủ tiệm hỏi nó:

-“Ba của mày được gọi là quân tử đức sáng, sao lại bị bệnh chứ ?”

Em bé trả lời:

-“Nguồn bệnh đến từ vua, cho nên gia phụ cũng bị sốt theo”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư :

Khổng tử nói: “Người quân tử biết rõ về việc nghĩa, kẻ tiểu nhân thì rành về việc lợi” , cho nên thấy nhà vua ham mê tửu sắc không lo việc triều chính, thì người quân tử phát bệnh trong tâm vậy.

     Nhìn thấy các linh mục là những cộng sự viên của mình và là người anh em của mình không sống đúng với thiên chức linh mục đã lãnh nhận, thử hỏi có Giám Mục nào vui vẻ, phấn khởi và lạc quan chứ ? Nhìn thấy các mục tử của mình không sống thánh thiện đạo đức, không tận tâm phục vụ người nghèo, không thân cận với con chiên, thì thử hỏi có giáo dân nào không cảm thấy buồn phiền và có chút mắc cở chứ ?

     Bệnh sống đạo thờ ơ, xa cách Chúa Mẹ, bỏ bê nhà thờ nơi các tín hữu, một phần nào đó là do các mục tử mà ra, bởi vì các mục tử là người đi phía trước đàn chiên, nếu mục tử, thay vì dẫn chiên đi đến đồng cỏ xanh tươi, thì lại dẫn chiên đi đến nơi khô cằn hạn hán, một cây cỏ cũng không có, thì chiên làm sao được béo tốt ? Mục tử là đầu tàu, nếu đầu tàu trật đường rầy, thì các toa xe không thể bon bon trên đường ray được, tất nhiên phải lật nhào...

     Các tín hữu là những quân tử của thời đại hiện nay, họ rất nhạy cảm và nhạy bén trước vấn đề linh mục sống và hành đạo. Tạ ơn Chúa.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Dáng bồ liễu

DÁNG BỒ LIỄU
 
 

     Cố Duyệt cùng tuổi với Giản Văn, nhưng tóc đã bạc.

     Giản Văn nói với Cố Duyệt:

-“Tóc anh sao lại bạc trắng còn tôi thì toàn là tóc đen !”

     Cố Duyệt trả lời:

-“Tôi thì giống như bồ liễu, vừa đến mùa thu thì đã xác xơ lá rụng, còn anh thì giống tùng bách, sương thu, đông tuyết càng đánh càng tốt tươi”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Người ta thường nói sức khoẻ là vàng, nhưng cũng có người nói sức khoẻ quý hơn vàng, và xét cho cùng thì sức khoẻ quý hơn vàng gấp gội.

     Sức khoẻ tượng trưng cho tinh thần, vàng đại diện cho vật chất, tinh thần luôn luôn điều khiển thân xác, bắt thân xác phải quy về với chính bản thân nó là “nhân chi sơ, tính bản thiện”, đừng để cho thể xác điều khiển tinh thần, mà thể xác thì chỉ có những ham muốn dục vọng, yêu thích kiêu ngạo mà thôi.

     Ai cũng biết sức khoẻ là vàng, và còn quý hơn vàng, nhưng vẫn cứ nhậu nhẹt thâu đêm không màng đến sức khoẻ; ai cũng biết sức khoẻ quý hơn vàng gấp trăm lần, nhưng vẫn cứ chích xì-ke, ghiền ma tuý, mê đắm sắc dục.v.v... Con người ta thì đều như thế cả, đúng như lời nói trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”.

     Sức khoẻ và vàng, tôi sẽ chọn sức khoẻ và dùng vật chất để hổ trợ cho sức khoẻ và giúp đỡ tha nhân; tinh thần và thể xác, tôi sẽ chọn tinh thần và hướng thể xác đi theo đường dẫn đến sự sống đời đời.

     Đó là sự khôn ngoan vậy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư