Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Chúa nhật 17 thường niên


 
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 11, 1-13

“Anh em cứ xin thì sẽ được”

Bạn thân mến,
Con người ta càng ngày càng có nhiều nhu cầu, nên càng có nhiều phát minh để đáp ứng nhu cầu, nhưng tất cả những nhu cầu ấy không những làm cho cuộc sống của con người thăng tiến, mà còn  phải giúp cho cuộc sống tâm linh của chúng ta tiến triển, bằng không, những nhu cầu ấy như những cây gai rậm rạp che khuất và làm ngộp thở đức tin của chúng ta.

Có những người nghèo đến gõ cửa người nhà giàu nhưng cánh cửa vẫn vô tri vô giác không nhúc nhích, mặc dù chủ nhân của nó là người có địa vị cao trong xã hội; có những người bệnh nghèo đến gõ cửa bệnh viện nhưng được câu trả lời của cô y tá phòng trực: hôm nay bác sĩ bận tiếp khách; có những em bé nghèo đi gõ từng bàn ăn của thực khách trong quán cơm, để xin miếng cơm thừa nhưng bị chủ quán cầm roi quát mắng đuổi đi, đó là những thực tại có thật xảy ra hằng ngày trong cuộc sống mà bạn và tôi đã thấy.

Và có những lúc bạn và tôi –người Ki-tô hữu- gõ cửa mà Đức Chúa Giê-su không mở cửa, bởi vì chúng ta đã không mở cửa cho anh em; có những lúc bạn và tôi cầu xin mà không được, là bởi vì chúng ta không mở cửa cho tha nhân; có những lúc chúng ta tìm mà không gặp vì chúng ta không mở cửa cho người hoạn nạn đau khổ.v.v…

Gõ cửa là dấu hiệu có người đến nhà và cũng là tiếng của Đức Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta, Ngài, vị Thiên Chúa mà chúng ta đang tiếp đón trong thân phận người ăn mày gõ cửa, sẽ làm cho hành động mở cửa của chúng ta có giá trị hơn, đó là không những Ngài bước vào trong nhà, mà còn bước vào trong tâm hồn của chúng ta, để trong thân phận người nghèo, người bệnh hoạn, Ngài xin chúng ta rộng lòng giúp đỡ, và trong thân phận của một vị Thiên Chúa, Ngài ban ơn cho chúng ta khi chúng ta mở cửa đón tiếp tha nhân.

Gõ cửa là hành động của hy vọng và tín nhiệm, khi cầu xin với Thiên Chúa là chúng ta đã gõ cửa lòng nhân ái của Ngài với yêu thương và tin tưởng của chúng ta. Cũng vậy, khi người nghèo, người bất hạnh, người cô thế hoặc bất cứ người nào chăng nữa gõ cửa nhà chúng ta, là họ đã tin và hy vọng rằng chúng ta sẽ giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.

Thiên Chúa sẽ không mở cửa thiên đàng cho chúng ta nếu chúng ta không mở cửa nhà mình để tiếp đón tha nhân; Thiên Chúa cũng sẽ không mở kho tàng ân sủng cho chúng ta, nếu chúng ta không chia sẻ với tha nhân những gì mình đã nhận được từ Thiên Chúa.

Bạn thân mến,
Mỗi ngày trong cuộc sống, bạn và tôi đã mở cửa nhà ban sáng và đóng lại vào ban đêm, chúng ta mở cửa để bắt đầu hòa vào cuộc sống với mọi người trong xã hội: người đi làm, kẻ thì đi học, người khác lại đi chơi. Nhà chúng ta cửa đã mở, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn chưa mở ra để đón nhận tha nhân vào một ngăn nào đó trong tâm hồn của mình, như Thiên Chúa đã đón nhận chúng ta vào trong tình yêu của Ngài.

Chúng ta gõ cửa kêu cầu với Thiên Chúa nhưng lại không mở cửa với tha nhân; chúng ta tìm Thiên Chúa khắp nơi nhưng Ngài đang đứng trước mặt và đứng bên cạnh chúng ta mà chúng ta không muốn thấy; chúng ta lớn tiếng đọc kinh cầu nguyện để Thiên Chúa nghe được lòng thành của mình, nhưng lại giả điếc trước lời kêu cứu của người nghèo…

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta mở lòng mình trước với tha nhân rồi sau đó hãy đến gõ cửa với Ngài, đó là ý chính của bài Tin Mừng hôm nay vậy…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Sửa chữa lớn vườn ngự uyển

SỬA CHỮA LỚN VƯỜN NGỰ UYỂN
 
 

Tần Thủy Hoàng muốn sửa sang lại vườn ngự uyển lớn chiều dài mấy trăm dặm, nuôi đủ các loại cầm thú để ông ta thưởng ngoạn.

Ưu Chiên cố ý tấm tắc khen ngợi, nói:

-“Chủ ý này của bệ hạ thật là kỳ diệu, nuôi nhiều loại cầm thú bên trong, đợi lúc địch quân đến đánh, ngài chỉ cần hạ lệnh cho con nai dùng sừng của nó chống lại là được rồi”.

Tần Thủy Hoàng cười cười, bỏ đi ý nghĩ sửa lại vườn ngự uyển.
(Sử ký)

Suy tư:

     Nhu cầu vui chơi giải trí là cần thiết cho cuộc sống của con người, cần thiết tức là phải có trong sinh hoạt, nhưng cần thiết không phải là đặt ngang hàng với nhiệm vụ quốc phòng.

     Trong đời sống linh đạo tu đức của chúng ta cũng thế, cái gì là cần thiết cho đời sống tu đức của một linh mục ? Có rất nhiều linh mục đặt nặng vấn đề tiện nghi trong sinh hoạt trên đời sống tu đức, được sai phái đi coi sóc một họ đạo nhỏ, nghèo nàn thì nhất định không đi, mà nếu có đi thì ra điều kiện với Đấng bản quyền. Như vậy, mục đích làm linh mục của họ là hưởng thụ các tiện nghi chứ không phải vì yêu mến các linh hồn, càng không phải là muốn trở thành môn đệ chân chính của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Nhìn thấy một linh mục có đời sống xa hoa giữa đám con chiên nghèo khổ, thì thử hỏi, ai mà nhìn thấy cho được Đức Chúa Giê-su nghèo nàn trong hang lừa máng cỏ chứ ?

Nhìn thấy một linh mục “ngự” trong căn nhà có gắn máy lạnh[1]trang trí hơn cả phòng tiếp khách của thủ tướng, đẹp lộng lẫy hơn cả nhà thờ, thì thử hỏi, có ai nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su quằn quại đau thương trên thập giá chứ ?

Có đủ tiện nghi để việc truyền giáo được thuận lợi, với việc có đầy đủ tiện nghi để hưởng thụ thì khác xa nhau như trời với đất.

Thiết tưởng điều này tất cả mọi người đều biết rất rõ, huống chi là linh mục ? Khỏi bàn tới...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 dịch và viết suy tư



[1]Ở nước ngoài căn phòng có máy lạnh là chuyện phổ thông, nhưng nước mình còn nghèo…


Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Can gián trong mưa

CAN GIÁN TRONG MƯA
 
 

Triều đại nhà Tần có một diễn viên cung đình rất giỏi nhưng vóc dáng thấp lùn, tên là Ưu Chiên.

Có một lần, Tần Thủy Hoàng mở một đại yến tiệc, gặp lúc trời mưa lớn, các đại thần hò reo phấn chấn, nhưng một vài vệ sĩ đứng bên ngoài bậc thềm lên xuống đài thì lại bị mưa ướt hết, lạnh đến phát run.

Ưu Chiên nói với các vệ sĩ:

- “Nếu các anh muốn nghỉ ngơi, đợi lúc tôi hô lên một tiếng, các anh chỉ cần đáp ứng là được”.

Một lúc sau, mưa rơi càng lúc càng lớn, Ưu Chiên đứng nơi lan can lớn tiếng nói với các vệ sĩ: “Các vệ sĩ !”

Các vệ sĩ cùng nhau đáp: “Có mặt !”

Ưu Chiên nói:

- “Các anh dù tài nghệ rất cao, nhưng không được ích lợi gì mà lại còn đứng ngoài trời mưa nữa, còn tôi đây khi sinh ra thì đã thấp bé, nhưng vẫn còn có thể được nghỉ ngơi hơn các anh đấy!”

Tần Thủy Hoàng biết Ưu Chiên thay các vệ sĩ mà nói dùm, bèn ban chiếu chỉ ra lệnh cho họ thay phiên nhau mà nghỉ ngơi.
(Sử ký)

Suy tư:

     Tần Thủy Hoàng là một ông vua bạo tàn, nhưng vẫn nghe lời can gián của kẻ bề tôi, như thế cũng đủ biết, để trở thành một người vô lương tâm thì thật khó chứ không phải dễ dàng.

     Khuyên bảo những bậc vị vọng, có chức quyền thì không như khuyên bảo trẻ em hoặc bạn bè, bởi vì khi khuyên bảo trẻ em, bè bạn thì chúng ta chỉ dùng tình cảm chân thành mà khuyên, chứ không cần dùng đến lời lẽ văn hoa. Nhưng khi mở miệng khuyên bảo những bậc vị vọng, thì không những có tình cảm chân thành, mà còn dùng những lời lẽ ra sao cho hợp cảnh hợp thời nữa, để họ không những nhìn thấy thiện chí của chúng ta, mà còn nhìn thấy sự tôn trọng họ trong lời nói và thái độ của chúng ta.

     Nhưng trước khi khuyên bảo ai, thì nên tự vấn mình trước và bàn hỏi với Chúa, cũng có nghĩa là nên cầu nguyện trước khi mở lời, hiệu quả chắc chắn vượt quá sức mong muốn của chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Hà bá lấy vợ

HÀ BÁ LẤY VỢ
 
 

Thời chiến quốc, Ngụy vương phái Tây Môn Báo quản trị Nghiệp thành, ở đó đầy vẻ hoang vắng, dân không sống nổi.

Nguyên nhân là vì cô đồng (đồng bóng), các quan lại mỗi năm phải cho thần của con sông Chương Hà chảy qua thành Nghiệp, tức là hà bá, lấy vợ, thì dân chúng mới yên ổn qua sông bình an.

Năm nay ngày hà bá lấy vợ lại đến, quan trông coi là Tây Môn Báo cũng tới nơi. Vừa nhìn thấy cô gái (làm vợ hà bá) mặt mày ủ rủ, ngấn lệ đầy mặt, ông ta liền nổi giận nói với cô đồng:

- “Con này mặt mày quá xấu, phiền bà xuống nói với hà bá rằng đợi vài ngày nữa để chọn người đẹp rồi đem xuống”.

Nói xong liền sai người ném bà cô đồng xuống sông, tiếp theo lại có một cô đồng trẻ, một tên quan lại tới sông, Tây Môn Báo lại nói:

- “Quái lạ, sao họ không trở lại để đưa tin nhỉ, ai xuống để thúc họ ?”- Cô đồng trẻ và tên quan lại quỳ xuống đất xin khoan thứ.

Tây Môn Báo nghiêm khắc nói:

- “Hà bá là cái gì, các ông lấy một vài danh nghĩa để lừa người lấy của, bắt bí tống tiền, tội rất nặng ! Sau này nếu ai lấy vợ cho hà bá, thì kêu họ làm người mai mối, xuống trước đưa tin cho hà bá !”

Từ đó, ông ta xây dựng thủy lợi, nên dân chúng trong thành Nghiệp bắt đầu an cư lạc nghiệp.
(Sử ký)

Suy tư:

     Thời nay mà nói hà bá lấy vợ thì chẳng một ai tin, và có khi bị…bỏ tù nữa là khác, bởi vì làm gì có hà bá mà đòi lấy vợ, chuyện tầm phào...

     Chuyện hà bá lấy vợ cũng giống như chuyện các nữ tu đòi làm…linh mục. Bởi vì có một thời, phong trào “nữ tu vùng lên” (dĩ nhiên nữ tu Việt Nam không có trong số đó) đòi Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI cho họ được làm linh mục, bởi vì theo như họ nói: nam nữ bình đẳng, Chúa không nói chỉ có đàn ông con trai mới làm linh mục.v.v…

     Khi họ –các nữ tu- đòi làm linh mục thì chính họ đã hạ giá ơn gọi tận hiến của họ, ơn gọi mà trong trăm ngàn cô gái đẹp như tiên, Thiên Chúa chỉ chọn đích danh một mình họ, để họ, trong ơn gọi tận hiến của mình họ làm sáng danh Thiên Chúa qua việc quên mình để phục vụ tha nhân.

     Khi họ –các nữ tu- đòi làm linh mục thì chính họ đã quên mất giáo lý căn bản về ơn sủng mà họ đã học và nghiên cứu qua, đó là: trước mặt Thiên Chúa mỗi người đều có giá trị như nhau, chỉ khác nhau về bổn phận và trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao cho mỗi người, và chính họ phải trả lời trước mặt Chúa về bổn phận của họ. Làm linh mục hay làm bà xơ, dì phước thì có khác gì nhau đâu, linh mục cũng vì Chúa mà phục vụ; bà xơ, dì phước cũng vì Chúa mà phục vụ. Chân phước Tê-rê-xa thành Cal-cut-ta là một mẫu gương điển hình của một nữ tu phục vụ mà không đòi làm linh mục, và còn rất nhiều nữ tu phục vụ Chúa trong âm thầm mà không đòi làm linh mục có thiệt thòi gì đâu ?

Đức Mẹ Ma-ri-a không đòi làm linh mục, Mẹ chỉ muốn làm một tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa, và tiếng “xin vâng” của Mẹ đã sản sinh không biết bao nhiêu là linh mục trên thế gian.
Các nữ tu cũng nên học theo gương khiêm hạ và phục vụ của Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì khi các nữ tu khiêm nhu nhận mình là tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa, thì chính các nữ tu đã trở thành linh mục tế lễ Thiên Chúa trong chính bổn phận của mình rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Gà gáy chó ăn trộm

GÀ GÁY CHÓ ĂN TRỘM
 
 

Tề vương sai Mạnh Thường Quân đến nước Tần.

Tần Chiêu vương nghe lời của người khác, nên đem Mạnh Thường Quân bỏ tù, lại còn chuẩn bị giết ông ta.

Mạnh Thường Quân được tin, vội vàng nhờ người đến cầu cứu với quý phi Yến Cơ là người được nhà vua sủng ái. Yến Cơ yêu cầu Mạnh Thường Quân cho bà chiếc áo bằng da con cáo màu trắng, nhưng Mạnh Thường Quân chỉ có một cái áo bằng da cáo màu trắng thì đã đem tặng cho Tần vương rồi.

Lúc ấy, trong đám môn khách có người giỏi về nghề ăn trộm, tinh nhanh như con chó, anh ta đợi đến đêm tối bí mật vào cung Tần lấy trộm lại cái áo da cáo màu trắng ấy.

Yến Cơ sau khi được áo, thế là nói giúp cho Mạnh Thường Quân, quả nhiên Tần vương nghe theo lời mà thả ông ta trở về nước. Mạnh Thường quân dự liệu rằng Tần vương sẽ hối hận, nên lập tức bỏ chạyvề nước.

Chạy đến quan ải Hàm Cốc thì quá nửa đêm, cửa quan quy định, mỗi sáng sớm sau khi gà gáy mới có thể mở cửa quan để người ta qua lại buôn bán.

Lúc này, trong đám môn khách có người giỏi về tài bắt chước tiếng gà gáy, bèn kêu lên “cồ cô cồ” mấy tiếng, làm cho đám gà ở nông thôn kế cận đều gáy cả lên. Người giữ cửa quan ải cho rằng trời đã sáng, liền mở cửa để họ đi qua, đợi lúc Tần vương phái binh mã đến, thì họ đã rời biên giới rất xa rồi.  
(Sử ký)

Suy tư:

     Sự chết, đó là một quan ải mà tất cả mọi người phải đi qua, không một ai được ngoại lệ.

Nhưng cách thức để đi qua ải này thì có nhiều: có người chết vì bệnh (mà bệnh thì có nhiều loại), có người chết vì bom đạn, có người chết vì gươm đao, có người chết dưới nước, có người chết vì tai nạn xe cộ, có người chết vì cháy nhà.v.v…tóm lại là có nhiều rất nhiều cách để con người đi qua sự chết. Nói theo những người vô thần: chết là hết, chúa, mẹ, thần, thánh, tiên, phật, chẳng có gì ráo; nói theo kiểu nhà Phật: chết là sự giải thoát…

     Nhưng Đức Tin dạy cho chúng ta biết: chết không phải là hết, nhưng mở đầu cho cuộc sống mới trong Nước Trời.

     Đi qua cửa quan ải là để trở về lại quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Cũng vậy, đi qua ải sự chết là để trở về quê hương thật của chúng ta ở trên trời, nơi mà Đức Chúa Giê-su đã dọn sẵn cho chúng ta khi Ngài đã chiến thắng tội lỗi và đi qua sự chết và sống lại. Vì hiểu được và thâm tín như thế, nên các thánh là những người rất mong muốn mau chóng đi qua sự chết để được sống đời sống mới với Thiên Chúa trên thiên đàng.

     Người lành thánh thì mong đi qua sự chết cho sớm để hưởng phúc, vì họ đã chuẩn bị sẵn sàng,

     Người tội lỗi thì sợ chết vì họ chưa chuẩn bị gì cả, mà sự chết thì đến như kẻ trộm, đố ai mà biết trước được chứ ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Phụ nữ vùng lên


PHỤ NỮ VÙNG LÊN

 
 

Trong giáo xứ lớn của ngài có cha phó, cha phụ tá và cả cha khách, có nhiều nam nữ tu sĩ, có nhiều nam giáo dân đạo đức, nhưng ngài không mời các vị ấy cộng tác trong việc giúp cho giáo dân rước lễ…
Ngày chúa nhật, người ta thấy những thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ ấy toàn là phụ nữ.[1]
Có nhiều tiếng xì xầm bên dưới nhà thờ: “Ông cha thích người có tiền, dễ sai bảo và cấp tiến”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 
[1] Ngoài linh mục và phó tế là thừa tác viên chính thức cho rước lễ ra, thì thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ theo thứ tự ưu tiên: thầy giúp lễ, thầy đọc sách, nam tu sĩ, thầy đại chủng sinh, nữ tu, giáo dân nam, giáo dân nữ.

Có sao đâu

CÓ SAO ĐÂU
 
 

      Một linh mục bạn chỉ cho ngài thấy mấy câu chuyện hay mà ngài đã dịch ra tiếng Việt -từ cách hành văn đến các câu cú dịch- được đăng trên trang web và blog nọ, nhưng chữ “người dịch” thì lại là tên của một người khác.

     Ngài cười cười nói: “Có sao đâu, chắc có lẽ họ đánh máy computer lộn tên đó”.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.