Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Lễ Mẹ Thiên Chúa

Ngày 1 tháng 1


LỄ ĐỨC MẸ MA-RI-A - MẸ THIÊN CHÚA

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.
Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

Anh chị em thân mến,
Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.

1.   Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.
Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mes-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ.

Đức Chúa Giê-su là Đấng mà thánh Gioan Tiền Hô đã nói: “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi” (Ga 1, 30b), cũng có nghĩa là với bản tính loài người Đức Chúa Giê-su sinh sau thánh Gioan Tiền Hô, nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài đã có trước thánh Gioan Tiền Hô. Và như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1, 1) ngài đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời tức là Thiên Chúa.

Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.

2.   Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa
Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.

Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)

3.   Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta
Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ (thánh Gioan tông đồ): “Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.

Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc đồng công cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb






Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Người giàu bói thọ



NGƯỜI GIÀU BÓI THỌ
Bố của Vương Phổ là Vương Tộ làm quan sát sứ ở Châu Thời đã nhiều năm, lúc về già mới từ quan, đồ dùng ăn ống trong nhà rất là xa xỉ, nhưng vẫn không thỏa mãn bởi vì không biết mình có trường thọ hay không !
Một hôm, đột nhiên nghe có người bói quẻ bèn kêu đầy tớ đi mời về nhà, bói quẻ là một người mù sau khi nghe người đầy tớ thuật chuyện, bèn lấy sách bói ra bói một quẻ, rất lâu sau mới lớn tiếng kinh ngạc nói:
-      “Mệnh số ngài thọ rất cao”.
Vương Tộ lật đật hỏi:
-      “Có thể tới bảy mươi chăng ?”
Người coi bói cười nói:
-      “Còn cao hơn bảy mươi”.
Vương Tộ lại hỏi:
-      “Thế nào, tám, chín mươi sao ?”
Người coi bói cười lớn hơn:
-      “Sao lại tám, chín mươi !”
Vương Tộ vui khôn xiết, nói:
-      “Có thể thọ đến một trăm không ?”
Người coi bói nói:
-         “Tệ lắm là thọ đến một trăm ba, một trăm tư tuổi. Có điều là khi gần tới năm một trăm hai mươi tuổi –xuân hè thay đổi- thì cái bụng lại có hơi mệt một chút, nhưng không bao lâu thì khỏe lại.”
Vương Tộ vui như mở cờ trong bụng, quay đầu lại nói với cháu chắt:
-         “Này các cháu, cần phải nhớ cho kỷ nhé, lúc ta gần một trăm hai mươi tuổi, thì đừng có cho ta ăn đồ lạnh và nóng đấy nhé !”
                                          (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Con người ta ai cũng thích sống lâu trăm tuổi, cho nên thường hay đi coi bói để coi thử mình sống được đến mấy tuổi thì chết, nhưng có ông thầy bói nào biết được bản thân mình sống đến mấy tuổi, mà lại biết được người khác sống đến mấy tuổi thì chết chứ ?!
     Ki-tô hữu là người đi tìm cuộc sống trường sinh trong đời tạm, nghĩa là họ tin tưởng rằng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa cùng với việc chu toàn bổn phận của mình ngay tại trần gian, thì chính là đã có một cuộc sống trường cửu trên thiên đàng với Thiên Chúa mai sau rồi vậy.
     Ai không chuẩn bị cho mình sự sống vĩnh cữu mai sau ngay tại trần gian này, thì đó chính là họ đã tự sắm cho mình một nơi trầm luân vĩnh viễn và đau khổ đời đời trong hoả ngục với ma quỷ.

     Tôi đã chuẩn bị cho mình một chỗ trên thiên đàng chưa, hay là vẫn cứ dặn con cháu đừng cho ăn đồ nóng đồ lạnh khi tuổi đã gần đất xa trời, mà không dặn con cái luôn nhớ cầu nguyện mình được ở trong Nước Chúa sau khi tôi nhắm mắt lìa cõi đời này !?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Người người thổ huyết



NGƯỜI NGƯỜI THỔ HUYẾT
Phụ nữ người Ba Tư ở tại Quảng Châu, tai và mắt đều bịt kín, trên đầu trang điểm hơn hai mươi cái vòng, nhà nhà đều dùng tre nứa để làm cổng, ăn bã trầu nhổ trên đất giống như máu.
Người phương bắc chế giễu nói:
-         “Người người đều thổ huyết, nhà nhà đều cổng nứa”.
                                                (Kê Lặc thiên)

Suy tư:
     Phong tục tập quán mỗi dân tộc, mỗi địa phương và mỗi nơi mỗi khác nhau.
     Trầu cau đối với người Việt Nam ta là “đầu câu chuyện” và được dùng trong việc cưới hỏi, cho nên khi nói đến trầu cau thì thường nói đến chuyện cưới hỏi, và đặc biệt hơn là chỉ có những người già mới ăn trầu cau...
     Người Đài Loan không dùng trầu cau trong những dịp đám cưới đám hỏi, nhưng họ ăn trầu cau như chúng ta nhai “kẹo cao su”, người lớn tuổi cũng như thanh niên người miền núi phần lớn đều thích ăn trầu cau, nhất là những người tài xế lái xe đường dài, vì ăn trầu giúp họ tỉnh táo khi lái xe chổ hàng trên đường cao tốc với tốc độ một trăm cây số giờ trên đường cao tốc...
     Tôn giáo nào cũng có những lễ nghi riêng của họ để tế trời tế đất, vùng đất nào cũng đều có một tập quán riêng của vùng ấy, và làm người thì ai cũng đều có thói quen riêng của người ấy, không ai giống ai...
     Có những người Ki-tô hữu thích nhạo cười lễ nghi thờ cúng bụt thần của người ngoại giáo, và khinh bỉ gọi đó là nhảm nhí dị đoan, nhưng đối với việc thờ phượng Thiên Chúa của người Ki-tô hữu ấy, xem ra càng tệ hơn những người ngoại giáo thờ bụt thần ma quỷ nữa, bởi ví họ đi dâng thánh lễ mà không có một chút thành kính đối với Thiên Chúa, áo quần thì mốt này mốt nọ không phù hợp với nơi trang nghiêm thờ phượng Thiên Chúa, trong nhà thờ thì nói nói cười cười trước Mình Thánh Chúa không có chút gì là cung kính và họ đến nhà thờ như người ta đi chùa cúng phật, giống như người không có đức tin...

     Ăn trầu cau và làm cổng nhà bằng tre nứa là phong tục của người Ba Tư tại Trung Quốc không có gì phải chế giễu, nhưng cái đáng chê cười và đáng chế giễu nhất chính là chúng ta –người Ki-tô hữu- không thành tâm yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa, vốn là việc cao cả nhất, nơi các lễ nghi của Giáo Hội Công Giáo...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Thị lang ba giấc (ngủ)



THỊ LANG BA GIẤC (NGỦ)
Triệu Thúc Vấn lúc đảm nhiệm chức quan thị lang thì thân thể mập phì và rất thích ngủ, do đó mà rất ghét khách tới thăm.
Dù ở nơi quan phủ hay ở nơi nhà riêng, trước cửa thường thường treo một tấm bảng “nghỉ”, xin miễn tiếp khách.
Người ta gọi ông là “thị lang ba giấc (ngủ)”, nghĩa là sáng hồi triều liền ngủ, ăn cơm xong phải ngủ, về nhà liền ngủ.
                                                (Kê Lặc thiên)

Suy tư:
     Có một câu vè mà tôi ngẫm nghĩ thấy rất đúng, câu vè như thế này: “Ham ăn thì lú (hay quên), ham ngủ thì ngu”, xét về mặt tâm lý, sinh lý, bệnh lý thì ham ăn ham ngủ đều không có gì là đẹp là lợi cả, và xét về mặt tướng học thì rõ ràng càng tệ hơn, nghĩa là người ham ăn, ăn xồm xoàm, nhai thức ăn kêu chép chép là người hay chấp xét những chuyện nhỏ nhặt, thích hưởng thụ và thích nói về mình, cố chấp và hẹp hòi; người ham ngủ là người ham mê nhục dục, không thích làm việc và cuộc sống bần tiện...
     Chuyện ăn và uống đối với người Ki-tô hữu là để nuôi thân xác khỏe mạnh để làm đẹp xã hội và phục vụ Chúa trong mọi người, do đó, đối với họ chuyện ăn uống không phải là số một trong cuộc sống, cho nên khi ăn uống ngon hay dở, họ không hề phê bình người làm bếp, họ không chê món này ăn ngon món kia ăn dở, nhưng tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho họ.
     Thời nay có một sự cám dỗ rất hợp lý mà các linh mục và các tu sĩ nam nữ thường hay dùng để biện minh cho sự lười biếng và ăn ngon của mình, đó là: phải ăn cho có chất bổ dưỡng để làm việc, phải ngủ nghỉ cho đúng giờ để thân thể khỏe mạnh...

Chuyện ăn uống đối với các linh mục và tu sĩ thì rất tế nhị, bởi vì khi nhìn thấy một linh mục hay một tu sĩ ham ăn ham ngủ, thì người ta có thể đánh giá con người họ là như thế nào rồi: họ không có hy sinh và thích hưởng thụ. Mà khi mà một linh mục hay tu sĩ mà không có hy sinh và thích hưởng thụ thì họ cũng như những người khác mà thôi, không trở thành mô phạm cho người khác được.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Dùng thơ đoạn mối



DÙNG THƠ ĐOẠN (từ chối mai) MỐI
Người Mân là Hán Nam Lão sau khi thi đậu tiến sĩ thì có người làm mai mối đến, khuyên ông ta nên lấy vợ.
Ông ta viết một bài thơ thất tuyệt hoà nhã từ chối:
-      “Văn thư đọc hết một trăm gánh,
già rồi mới được áo mỏng xanh.
Người mối lại hỏi tôi mấy tuổi,
bốn mươi năm trước (là) ba mươi ba”.
                                           (Thanh Ba tạp chí)

Suy tư:
     Có người, con đường làm linh mục của họ rất thuận lợi, chịu chức khi mới có 25, 26 tuổi ; có người con đường làm linh mục của họ rất lận đận, chịu chức khi tuổi đã xế chiều : 40, 50, và có khi 60, 70 tuổi...
     Nhưng dù thuận lợi hay lận đận thì họ cũng là linh mục của Thiên Chúa.
     Có linh mục trẻ, thấy mình còn trẻ mà chịu chức trước những thầy lớn tuổi thì “oai phong lẫm liệt” nói với giáo dân: “Già rồi chịu chức gì mà chức, làm lễ được mấy bữa thì về hưu rồi còn gì ?!”. Linh mục trẻ này không biết rằng, giáo dân chỉ thích đến xưng tội nơi một linh mục lớn tuổi, già dặn kinh nghiệm tu đức và đạo đức, linh mục trẻ này cũng quên mất rằng, ân sủng của Thiên Chúa chỉ ban xuống nơi những ai đầy lòng khiêm tốn và thành tâm phục vụ Ngài trong mọi người.
     Đức Giám mục địa phận và các vị bề trên có đầy đủ khôn ngoan khi để cho các thầy lớn tuổi chịu chức, bởi vì ngoài các điều kiện cần phải có để tiến lên chức linh mục như giáo luật chỉ định -linh mục nào cũng phải có- thì các ngài đều thấy nơi các thầy lớn tuổi có một nét son nổi bật mà các thầy-trẻ-đã-chịu-chức-linh-mục chưa chắc đã có, đó là sự kiên tâm bền đổ trong ơn gọi và một ý chí cương quyết trong đời sống tu hành đi theo ơn gọi của các thầy.
     Còn trẻ mà đã chịu chức linh mục hay đã già rồi mới chịu chức linh mục thì không có gì khác nhau cả, nhưng cái khác nhau rõ nhất chính là những người lớn tuổi thường có một tâm hồn ổn định, kinh nghiệm và chính chắn hơn những người trẻ tuổi -thế thôi.

Chịu chức trước hay chịu chức sau, chịu chức khi còn trẻ hay chịu chức khi lớn tuổi thì có gì khác nhau, vẫn là linh mục của Chúa và của Giáo Hội, nhưng chỉ khác nhau một điều rất quan trọng là: sống chức linh mục như lòng Chúa mong muốn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Bút pháp xuân thu


BÚT PHÁP XUÂN THU
Giữa Nguyên niên, có một người tên là Trần Sinh chuyên môn đọc sách nghiên cứu “xuân thu”, cùng thân cận với một kỷ nữ ở Tống Môn.
Một hôm, hai người hẹn hò bí mật tại Tào Môn, Trần Sinh nhất thời hứng lên, bắt chước bút pháp giản thể “xuân thu” viết nhanh trên tường một án văn chương:
“Xuân tháng giêng,
người đẹp nước Ngô hội ở Tống.
Hè tháng tư,
lại nhóm hội ở đất Tào.”
Có người thấy như vậy, bèn viết thêm bên dưới: “Đói mùa thu,
tuyết mùa đông,
công hầu tạ thế”.
Du khách nhìn thấy thế thì cười ha ha.
                                           (Thanh Ba tạp chí)

Suy tư:
     Khi yêu nhau thì người ta không còn thấy những đau khổ chết chóc, cho nên mới có “xuân tháng tư và hè tháng tư” trai gái hội ngộ ; khi đau khổ chết chóc thì người ta không màng đến chuyện gì nữa vì không còn hứng thú, cho nên mới có “đói mùa thu, tuyết mùa đông”...
     Người Ki-tô hữu dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững niềm tin của mình vào Thiên Chúa, bởi vì sống mà không có một niềm tin thì cuộc sống chỉ là những chuổi ngày thất vọng, nhưng trong thất vọng, những người có niềm tin vào Chúa sẽ luôn có hy vọng.
     Người Ki-tô hữu là người lạc quan, bởi vì trong cuộc sống họ luôn có một suy nghĩ: sống là sống cho Chúa và đau khổ hay chết chóc thì cũng là cho Chúa, cho nên họ vẫn “phớt lờ” những phê bình của người ác ý, họ vẫn quan tâm đến những công việc trong cuộc sống mà không bận bịu lo lắng vì nó có thành tựu hay không, bởi vì họ đang làm việc cho Đấng không biết phê bình và chỉ trích, nhưng chỉ biết ban ơn và khuyến khích họ đổi mới con người của mình mỗi ngày mà thôi.

     Đó chính là một bài thơ tuyệt với mà người Ki-tô hữu dùng cuộc sống của mình để viết mà ca tụng tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Lễ Thánh Gia Thất (Năm B)



LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng: Lc 2, 22-40.

Học bài tu đức nơi gia đình Thánh Gia.

Hôm nay lễ Thánh Gia Thất, gia thất là nhà cửa, cũng có nghĩa là gia đình, Thánh Gia Thất là một gia đình thánh, trong đó có thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Ma-ri-a và em bé Giê-su.
Một gia đình đúng nghĩa là một gia đình có cha mẹ và con cái, nếu một gia dình mà chỉ có hai vợ chồng thôi thì chưa đủ, nhưng phải có con cái, con trai hay con gái cũng như nhau.
Gia đình của Thánh Giu-se như thế nào, hình dáng ra sao, to nhỏ thế nào, chúng ta chưa ai thấy, nhưng có lẽ chúng ta thấy rõ ràng nhất gia đình của Thánh Gia trong ngày lễ hôm nay chính là Hang Đá, nhìn vào hang đá chúng ta thấy gì, thấy Hài Nhi nho nhỏ, có cha mẹ Ngài là thánh Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a quỳ bên. Nếu chúng ta nhìn như thế mà thôi thì chưa đủ, nhưng cần phải dùng con mắt tâm hồn để thấy được cái bao la rộng lớn của ý nghĩa mầu nhiệm Giáng sinh trong gia đình thánh này.

1-   Chúng ta nhìn thấy sự Khiêm Nhường trong gia đình thánh.
Nhìn vào hang đá chúng ta thấy gì ? Nhìn thấy sự khiêm nhường thẳm sâu của Con Thiên Chúa làm người, một vóc dáng nhỏ bé đang chịu đựng những cón gió lạnh như cắt để nhân loại được ấm tình thương, một thân xác trần truồng để nhân loại được dư thừa ân sủng của trời cao. Hài Nhi nho nhỏ ấy chính là Đấng tạo hoá đã trở nên tạo vật để cho nhân loại được thông phần vinh quang của Thiên Chúa.

Nhìn vào hang đá chúng ta thấy gì ? Nhìn thấy một bà mẹ trẻ đang say sưa ngắm con mình mới sinh hạ, Bà đã khiêm tốn nhận mình chỉ là nữ tì hèn mọn của Thiên Chúa, để rồi Thiên Chúa đã nhắc Bà lên cao trên tất cả mọi địa vị đó là Mẹ Thiên Chúa. Bà đang suy ngắm về Mầu Nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, một Thiên Chúa đã chấp nhận kiếp người để con người trở nên con của Thiên Chúa.

Nhìn vào hang đá chúng ta thấy gì ? Thấy thánh cả Giu-se, một người công chính và trầm lặng, một người chồng rất mực khiêm cung khi nhận ra người bạn đời của mình mang thai la do ý định của Thiên Chúa, giờ đây đang cùng với Đức Mẹ Maria chiêm ngắm và tự thâm tâm đang thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đang ở trước mặt mình, là con của mình.
Bài học thứ nhất chúng ta học lấy nơi Thánh Gia Thất là sự khiêm nhường.

2-   Chúng ta nhìn thấy sự Hy Sinh trong gia đình thánh.
Nhìn vào hang đá chúng ta thấy gì ? Thấy được tình yêu cao cả mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, một tình yêu có sự hy sinh cao cả, hy sinh này chính là mỗi người trong gia đình thánh đã từ bỏ đi cái có của mình đang có, để thông phần vào sự không có của nhân loại. Hài Nhi bé nhỏ ấy chính là Thiên Chúa, Ngài đã khước từ vinh quang của Thiên Chúa để mặc lấy xác phàm nhân trở nên giống chúng ta mọi đáng, ngoại trừ tội lỗi, không ai hạ mình đến cùng cực như thế, không ai hy sinh cái thân phận cao quý của mình như thế, chỉ có Thiên Chúa, vì yêu mới làm được như vậy.

Người thứ hai từ bỏ cái mình đang có chính là sự ước nguyện đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã nhìn thấy kế hoạch cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa sau khi nghe sứ thần giải thích, thì lập tức Mẹ từ bỏ cái tôi của mình để vâng theo thánh ý của Thiên Chúa, sự hy sinh này thật là cao quý, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể trả công xứng đáng cho Mẹ. Hy sinh chính là điều kiện để tập tành sự khiêm nhường, không có hy sinh thì cũng không có khiêm nhường.

Người thứ ba đã từ bỏ cái tôi của mình là thánh cả Giu-se, ngài rất xấu hổ khi nghe tin người yêu chưa cưới của mình mang thai, không có sự nhục nhả và đau khổ nào cho người thanh niên khi mối tình đầu của mình bị phản bội, ngài phải bỏ đi để cho người bạn của mình được thong dong mà không mang tiếng... nhưng cuối cùng ngài đã từ bỏ cái tôi của mình để nhận Đức Mẹ Ma-ri-a làm vợ, sự vâng phục mau chóng này là quá trình của một tâm hồn biết phó thác cho Thiên Chúa trong mọi sự, và Thiên Chúa đã thưởng công cho thánh cả quyền thay mặt Ngài để dạy dỗ vị Thiên Chúa làm người, ngài đã trở nên mẫu gương cho chúng ta.
Bài học thứ hai mà chúng ta học được nơi Thánh Gia Thất chính là sự hi sinh.

3. Nhìn vào hang đá chúng ta nhìn thấy sự Yêu Thương của Thánh Gia Thất.
Tất cả mọi yêu thương chân chính đều xuất phát từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì không hiện ra để dạy chúng ta sống yêu thương nhau, nhưng nhìn vào hang đá chúng ta sẽ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa sáng rõ như ban ngày.
Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, hay nói cách khác Tình Yêu của Thiên Chúa đã giáng trần, giáng trần ngay trong một hoàn cảnh rất khó khăn, rất nghèo túng, để cho chúng ta thấy được rằng: Tình yêu phải bắt đầu từ nơi cùng cực, từ nơi những con người bị bỏ rơi, nơi những con người mà xã hội tránh né họ, vì đôi lúc coi họ như là gánh nặng của mọi người. Thiên Chúa Tình Yêu không giáng trần trong cung điện nguy nga đồ sộ, Thiên Chúa cũng không sinh ra trong những nhà phú hộ tiền bạc dư thừa, nhưng Tình Yêu hạ cố đến những nơi bần cùng của con người, vì chính những nơi đó đang cần một tình thương chân thật, thế thôi.

Thánh Gia Thất là nơi cội nguồn của tình thương, từ nơi cội nguồn này, người cha người chồng trong gia đình noi gương thánh cả Giu-se yêu thương con cái và chăm sóc gia đình cách khiêm tốn và mẫu mực. Thánh Gia Thất là nơi cội nguồn của tình thương, nơi cội người này, người mẹ người vợ trong gia đình học lấy sự khiêm hạ của Đức Mẹ Ma-ri-a, nuôi nấng và dạy dổ con cái nên người có ích cho xã hội. Thánh Gia Thất cũng là nơi xuất phát tình thương cho con cái, do đó, tất cả mọi người con hãy học lấy sự yêu thương nơi Hài Nhi bé nhỏ, yêu thương và kính trọng cha mẹ, vì các ngài đã thay mặt Thiên Chúa để sinh thành và dưỡng dục chúng ta, một người con có hiếu thì luôn luôn làm vui lòng cha mẹ mình.
Bài học thứ ba mà chúng ta học được nơi Thánh Gia Thất là sự Yêu Thương.

Anh chị em thân mến,
Lễ Thánh Gia Thất chính là một cách tôn vinh một gia đình thánh của nhân loại, là đề cao giá trị của gia đình, đề cao tình yêu chung thuỷ của chồng vợ, đề cao giáo huấn “nhất phu nhất phụ” của Giáo Hội, đề cao giá trị của sự sống và quyền được sống nơi các thai nhi, mà ngay nay, người ta nại ra rất nhiều lý do kinh tế, lý do hưởng lạc, lý do tránh trách nhiệm để khước từ quyền sống của con mình.


Lễ Thánh Gia Thất, chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi thành viên trong gia đình, biết noi gương gia đình Thánh Gia để xây dựng một gia đình hạnh phúc, yêu thương và gương mẫu. Amen.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Dải váy của phu nhân



DẢI VÁY CỦA PHU NHÂN
Vợ thứ bảy của Thái Biện là con gái của Vương Kinh Công (An Thạch), tri thức của bà ta rất quảng bác, mỗi lần Thái Biện gặp chuyện quan trọng của triều chính, thì đêm hôm trước đã bàn hỏi chu đáo với bà ta trên giường ngủ, sau đó tại triều đình thì tuyên bố chấp hành.
Hồi ấy, các quan liêu chấp chánh đều nói:
-         “Công việc mà chúng tôi đợi mỗi ngày, đều do dịch dư thừa của bà ta khạc ra đấy !”
Thái Biện sau khi được tôn lên làm thừa tướng thì bày tiệc ăn mừng, các diễn viên kịch hài hát như sau:
-         “Hữu thừa tướng hôm nay ăn mừng lớn đều là dải váy của phu nhân”.
Mọi người nhất loạt đều cười lên.
                                          (Thanh Ba tạp chí)

Suy tư:
     Người ta thường hay cười nhạo các ông chồng thích nghe lời vợ, bởi vì đối với họ, đàn ông thì cho ra đàn ông, việc gì mà phải nghe lời vợ !
    Người đàn bà mà Thiên Chúa dựng nên để làm bạn với người đàn ông, họ trở nên vợ chồng, cả hai nên một, do đó, chồng nghe vợ trong những công việc quan trọng, hợp lý, thì có gì là mắc cở và đáng chê chứ ?
     Người vợ là người bạn đời của chồng, cả hai đều như nhau trước mặt Thiên Chúa và loài người, chồng nghe vợ để gia đình thêm hạnh phúc, để công việc thêm trôi chảy, để con cái nên người, thì có gì là nhục nhã chứ ?
     Cái nhục nhã nhất của ông chồng là chửi bới đánh đập vợ, coi vợ như con đầy tớ trong nhà phải hầu hạ cung phụng cho mình đủ điều; cái không phải của các bà vợ là ngày ngày hạch sách nghi kỵ chồng đủ điều, làm cho chồng cảm thấy mình như một tội phạm không bằng...

Người ta không nói “giàu nhờ bạn sang nhờ vợ” đó hoặc “thuận vợ thuận chồng bể đông cũng tát cạn” đó hay sao ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

"Trung thần" của đại Tống



“TRUNG THẦN” CỦA ĐẠI TỐNG
Cuối năm Nam Tống, ở Hồ châu có quan phó châu, tên là Kiển Tài Vọng.
Năm nọ, quân Nguyên xâm phạm, Hồ châu nguy đến nơi, ông ta mặt hướng về Lâm An khảng khái thề: “Thành còn ta còn, thành mất ta mất” và chuẩn bị một tấm bảng thiếc khắc trên đó bảy chữ: “Kiển Tài Vọng trung thần đại Tống”, ngoài ra trên hai thỏi bạc lớn khắc mấy hàng chữ nhỏ như sau: “Người có nhiệt tình giúp đỡ người khác, nếu thấy được thân xác của tôi, thì xin mai táng giùm”.
Sau đó ông ta đem bảng khắc và thỏi bạc mang trước ngực và đi ra ngoài hẻm phố cùng bạn hữu và toàn dân khóc lóc thảm thiết để bày tỏ ông ta thề quyết tâm chết vì tổ quốc, mọi người thấy tình cảnh bi thương như vậy thì kích động, không thể không đau xót. Mấy ngày sau thành bị hãm hại, người ta không nhìn thấy Kiển Tài Vọng đâu cả, thì cho rằng ông ta bị mất tích, chỉ biết thương hại một vị trung thần chết đi mà ngay cả thân xác tìm cũng không thấy !
Nhưng không quá hai ngày thì dân trong thành thấy một vị quan châu mới, mình choàng áo Mông Cổ, cưỡi trên một con ngựa to lớn được tiền hô hậu ủng đang tiến vào thành, người tinh mắt vừa thấy thì nhận ra là ông ta. Nguyên là trước khi thành bị hãm hại, ông ta liền len lén ra khỏi thành đầu hàng địch quân !
                                      (Quý Hạnh tạp thức)

Suy tư:
     Có những cô gái khi yêu thì thề thốt đủ điều, nhưng khi người yêu đi xa làm ăn, thì “len lén” lên xe hoa về nhà chồng; có những chàng trai khi yêu nhau thì hăng hái thề hứa trọn đời chung thủy, nhưng vì môn đăng hộ đối mà “bai bai” người yêu của mình...
     Mọi thứ ở trên đời này không tồn tại lâu được, ngay như quả đất hoặc như mặt trời, theo các nhà khoa học thì có ngày chúng nó cũng sẽ tiêu tùng, cho nên một lời hứa khi yêu cuồng yêu vội không nên tin theo, một chút bốc đồng nhất thời thì cũng không nên nghe theo.
     Có những người Ki-tô hữu rất sốt sắng kinh kệ sáng tối, nhưng vẫn sẵn sàng thóa mạ cha sở của mình không tiếc lời, chỉ vì cha sở cho xây tường nhà thờ ngăn cách vườn nhà họ.
Thánh Gia-cô-bê Tông đồ đã nói “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”, không hành động trong việc bác ái tức là chỉ nói “yêu người” suông mà không giúp đỡ tha nhân; không hành động trong việc đạo đức thờ phượng tức là chỉ có đọc kinh kệ mà không có thực hành kinh kệ trong cuộc sống; không hành động trong cách sống làm người Ki-tô hữu tức là chỉ có cái mả bên ngoài, còn bên trong tâm hồn thì không có gì cả...

Viên quan Kiển Tài Vọng bên ngoài thề hứa trung thành với tồ quốc mình cho đến chết, nhưng trong lòng thì đã đầu hàng quân địch rồi, thế mới biết lòng người khó đo lường được !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Mồn mép trơn tru

   
  
MỒM MÉP TRƠN TRU
Đảm Kiên Trí về nam tham gia hội thi vừa kết thúc, vì một án nhỏ mà bị bắt ngồi tù, bèn cầu cứu với đại lý tự là Thiếu khánh tên Lý Đoan Sơ:
-         “Tôi là cử nhân ở xa, thật không dễ dàng đến kinh thành để thi cử, hi vọng được sự đồng tình của ngài đại nhân.”
Lý Đoan Sơ nhục mà nói:
-         “Mồm mép của người trơn tru như thế, đúng là tên tội đồ xảo quyệt !”
Khi niêm yết bảng thì Đảm Kiên Trí đậu tiến sĩ, và được phóng thích.
Hơn mười năm sau, Đảm Kiên Trí thay thế chức quan của Lý Đoan Sơ làm Chuẩn Nam chuyển vận sứ, lúc giao ban đối mặt, Lý Đoan Sơ quên mất chuyện cũ, nhưng cảm thấy khuôn mặt đối diện rất quen, bèn nói:
-         “Lẽ nào chúng ta đã gặp mặt nhau sao, bây giờ ngài dáng vẻ đàng hoàng không như trước đây nữa nhé !”
Đảm Kiên Trí trong lòng có chút bất bình, trả lời:
-         “Dáng vẻ thì tôi tự mình nhìn không thấy, nhưng mồm mép không biết so với ngày trước có còn trơn tru không ?”
Lý Đoan Sơ sực nhớ lại chuyện trước kia, mặt đầy bối rối.
                                                (Huy Trần lục)
Suy tư:
     Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nếu không phạm tội lớn thì chắc chắn cũng có tội nhỏ, dù làm quan lớn hay làm phó thường dân thì trước mặt Thiên Chúa vẫn chỉ là một tội nhân không hơn kém.
     Tất cả chúng ta đều là anh em chị em con cùng một Cha trên trời, do đó cần phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Phục vụ lẫn nhau không chỉ là mời nhau li nước trong bàn ăn, cũng không phải chỉ là xuống bếp nấu nướng mới là phục vụ, nhưng quan trọng và tình người nhất chính là mau mắn giúp đỡ khi anh em cần đến mà chúng ta có thể giúp được, đó chính là phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã phục vụ người đau yếu kẻ bệnh tật cần đến Ngài.
     Khi Đức Chúa Giê-su phục vụ thì Ngài không nói với người bệnh “mồm mép sao nói trơn tru thế” khi họ đến xin Ngài chữa bệnh.

     Ai cũng có khuyết điểm và ai cũng có ưu điểm, nên nhìn thấy ưu điểm của tha nhân để phục vụ họ và hợp tác với họ, mà đừng nhìn thấy khuyết điểm của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Lễ Giáng Sinh (Lễ ban ngày)


LỄ GIÁNG SINH
LỄ BAN NGÀY

Tin Mừng: Ga 1, 1-18
“Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, và cư ngụ giữa chúng ta.”

Thiên Chúa đã trở thành con người, có nghĩa là Thiên Chúa đã trở nên con người như chúng ta, Ngài đã trở thành anh em, chị em của chúng ta, ở giữa chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài như lời của thánh Gioan Tông Đồ nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.

Chúng ta không nhận ra Ngài, bởi vì chúng ta cứ tưởng Ngài là một vị Thiên Chúa cao xa không với tới được; chúng ta không nhận ra Ngài ở giữa chúng ta, bởi vì chúng ta cứ mãi mê tìm kiếm Ngài trong những nhà thờ tráng lệ nguy nga đồ sộ vào những ngày chúa nhật hay lễ trọng; chúng ta không nhận ra Ngài, vì chúng ta cứ tưởng Ngài chỉ đến lại lần thứ hai của ngày tận thế mà thôi...

“Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, và cư ngụ giữa chúng ta” . Ngài cư ngụ giữa chúng ta khi chúng ta dư sức nhận ra và đón tiếp Ngài nhưng chúng ta lại không đón tiếp Ngài, Ngài ở đó bơ vơ không nơi nương tựa vì những bất công chiếm đoạt đất đai ruộng vườn của họ bởi những ích lợi của tập đoàn này nhóm lợi ích nọ ; Ngài đang đứng đó, nơi các cửa hàng sang trọng có rất nhiều người giàu có đi vào đi ra mua sắm, trong đó có tôi, mà tôi không nhận ra Ngài, tôi chỉ thấy có rất nhiều người ăn xin nghèo nàn rách rưới đang ngữa tay xin bố thí mà thôi; Ngài đang đi đến với tôi, với anh và với chị, nhưng chúng ta đều xua đuổi Ngài, vì hôm qua tôi bận lu bù cho việc trang hoàng nhà thờ để đón Ngài nên không có thời giờ để đón tiếp Ngài, vì hôm qua anh và chị bận đi mua sắm quà giáng sinh để tặng người thân nên không có thời gian để chào đón Ngài...

Ngài đứng đó, ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta không thèm để ý đến Ngài đang cần chúng ta bố thí cho vài đồng bạc lẻ để mua củ khoai ăn trong đêm Ngài giáng trần, nhưng chúng ta có thể bỏ tiền ra hằng trăm triệu đồng hoặc cả tỷ đồng bạc để làm hang đá xa hoa hoặc cây thông vô hồn; Ngài ở giữa chúng ta khi chúng ta mãi mê chuẩn bị làm cho Ngài những hang đá lộng lẫy tốn kém tiền bạc mà không nghĩ rằng, Ngài đang cần cơm ăn áo mặc hơn là những thứ ấy...

Nhân loại ngày càng văn minh, thì những hang lừa máng cỏ sẽ trở thành hiện đại và vui mắt, nhưng tâm hồn của con người thì càng xa Chúa hơn, bởi vì người ta thường hay gán cho Ngôi Lời đã trở thành xác phàm một hình hài bên ngoài sang trọng, mà quên mất rằng, Ngài đã trở nên xác phàm như chúng ta, Ngài cũng đang cần cơm ăn áo mặc, Ngài cũng đang cần có công ăn việc làm, Ngài cũng đang cần một xã hội công bằng hơn, Ngài chính là tất cả những ai có tâm hồn công chính, Ngài chính là tất cả những ai đang bị người anh em chị em mình áp bức, Ngài là những người đang lang thang đầu đường xó chợ để kiếm ăn... Ngài đã đến, nhưng chúng ta đã từ chối Ngài...

“Lạy Đức Chúa Giê-su, chúng con đang tưng bừng chào đón mừng kỷ niệm ngày Chúa giáng trần, trong nhà thờ, bên ngoài nhà thờ chúng con trang hoàng rất đẹp, nơi hang đá thì càng đẹp lộng lẫy hơn, ai cũng khen chúng con có tài trang hoàng hang đá, ai cũng khen chúng con có con mắt nghệ thuật... chúng con rất vui.
Nhưng thánh lễ đêm vừa kết thúc, ai nấy ra về vui đêm giáng sinh với người thân của họ, thì hang đá lộng lẫy chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả, ngày mai người ta sẽ không còn háo hức đi lễ để coi hang đá nữa.
Và con nghe Chúa nói với con rằng: “Hang đá mà Ta ưa thích nhất chính là tâm hồn của mỗi người, tại sao con không dạy các tín hữu của con hãy đem tâm hồn của mình trở thành hang đá cho Ta sinh ra, bởi vì những hang đá ấy đã được thánh hiến trong bí tích Rửa Tội, nếu tâm hồn họ trở thành hang đá cho Ta sinh ra, thì gia đình họ cũng sẽ trở thành những hang đá rất dễ thương, rất đẹp đẽ, đó là điều mà Ta muốn nơi họ... ?”
Lạy Chúa, xin làm cho tâm hồn của mỗi người chúng con trở thành những hang đá sống động cho Chúa sinh ra và cư ngụ. Amen.


Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Lễ Giáng Sinh (Lễ Đêm)


LỄ GIÁNG SINH

Thánh Lễ Đêm

Tin mừng : Lc 2, 1-14.
“Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.”

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”.
Lễ đêm Giáng Sinh, người Công Giáo Trung Quốc gọi là Đêm Bình An, tên gọi rất có ý nghĩa, và quả thật là như vậy, vì đêm Bình An chính là đêm mà Con Thiên Chúa đã làm người vì yêu thương nhân loại.

Đêm nay được gọi là Đêm Bình An, vì là đêm đánh dấu một kỷ nguyên mới cho nhân loại: kỷ nguyên của tình yêu.

Đêm Bình An có các thiên thần bởi trời xuống hát mừng và loan báo tin vui cứu độ cho người nghèo, người công chính và những người có một tâm hồn lương thiện...

Đêm Bình An có ánh sao lạ dẫn đường cho muôn dân nhận biết dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người.

Đêm Bình An là đêm mà trời hoan ca và đất hát mừng, vì tất cả đều được đổi mới bởi Đấng Làm Người là Đức Chúa Giê-su.

Đêm Bình An người người vui mừng, vì ơn cứu độ đã đến...

Đêm nay, toàn thể nhân loại, không phân biệt màu da tín ngưỡng đều hoan ca vui vẻ và hát mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, từ các cửa hàng sang trọng cho đến các sạp buôn bán nhỏ, chúng ta đều thấy được không khí của Bình An, của Hoà Bình, người người chen chúc mua sắm mùa giáng sinh, trên khuôn mặt mỗi người đều rạng lên nét hân hoan và nếu quan sát kỷ thì chúng ta sẽ thấy hình như tâm hồn của họ đổi thay, mà cái đổi thay dễ thấy nhất chính là họ rất dễ dàng thông cảm bỏ qua những lỗi lầm cho nhau, bởi vì tâm hồn họ tràn ngập sự bình an của ngày giáng sinh của Con Thiên Chúa.

Đêm nay là Đêm Bình An, là đêm của Hoà Bình, bởi vì như lời tiên tri Ê-li-a nói: “Một trẻ thơ chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta, danh hiệu Người là Cố Vấn kì diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, thủ Lãnh hoà bình” (Is 9, 5). Trẻ thơ ấy chính là Đức Chúa Giê-su, Ngài là ánh sáng chiếu soi đêm tối, đem lại cho đêm tối một sự bình an và hy vọng.

Bóng tối là tội lỗi, là chết chóc, là thù hận; ánh sáng là bình an, là sự sống, là tình yêu; đi trong ánh sáng chúng ta sẽ thấy anh chị em mình cũng có những ưu điểm hơn mình; đi trong ánh sáng, chúng ta cũng rất dễ dàng nhìn thấy những thói hư tật xấu của chúng ta, vì ánh sáng chiếu soi cho cả người tốt cũng như người không tốt. Ánh sáng đã chiếu soi trần gian từ rất lâu rồi, nhưng vì cứ mãi mê trong những ánh đèn mờ của hưởng thụ và thích những nơi tăm tối, nên nhân loại vẫn chưa nhận ra được ánh sáng đích thực đang chiếu soi trên trần thế, ánh sáng ấy chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, một hài nhi bé nhỏ đang nằm trong máng cỏ.

Đêm nay là Đêm Bình An, là đêm mà ma quỷ và mọi thế lực của nó đều sững sờ kinh ngạc, vì ánh sáng đã đến, vị cứu tinh nhân loại đã đến để xua tan bóng đêm thống trị địa cầu, ánh sáng ấy chính là Đức Chúa Ki-tô.

Mừng Chúa Giáng Sinh cũng có nghĩa là mừng Ơn Cứu Độ đã đến, chúng ta –những người Công Giáo- đã chuẩn bị cho việc giáng trần của Con Thiên Chúa trong những ngày tháng của mùa vọng, chúng ta chuẩn bị tâm hồn theo lời mời gọi của thánh Gioan Tiền Hô: sửa đường lối cho ngay thẳng, tức là sửa đổi cuộc sống của minh cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm; chúng ta cũng chuẩn bị tâm hồn như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a: sống phục vụ người thân cận với tất cả tâm tình khiêm tốn. Và giờ đây chúng ta đang vui mừng hân hoan kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa làm người đang chọn tâm hồn của mình thành nơi sinh hạ của Ngài.
Anh chị em thân mến,

Đêm Bình An rồi cũng sẽ qua đi, và con người sẽ trở lại với công việc thường ngày của mình, nhưng chúng ta quyết tâm biến mỗi giây phút của mình trở thành đêm Bình An, nghĩa là chúng ta sống thật hoà bình với người thân cận của chúng ta. Sống thật hoà bình tức là diễn tả lại việc Con Thiên Chúa làm người cho mọi người thấy, đó chính là lòng khiêm hạ của một tâm hồn đầy ắp tình yêu thương của Thiên Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.