Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Chúa nhật 4 mùa vọng

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG
 
 

 

Tin mừng : Mt 1, 18-24

“Đức Giê-su sinh làm con bà Ma-ri-a. Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít”.

Anh chị em thân mến,
Mùa vọng sắp kết thúc, mùa giáng sinh sắp đến, mọi người đang hân hoan chờ đợi ngày đại lễ giáng trần của Con Thiên Chúa –Đức Chúa Giê-su Ki-tô- với tất cả tâm tình vui tươi và hy vọng. Trong niềm hân hoan ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em mấy điều này :

1.   Đừng ngại nhận Ma-ri-a làm vợ.

Được gọi là người công chính, tất nhiên là người có cuộc sống rất đạo đức thánh thiện, cho nên không lạ gì mà thánh Giu-se đã rất buồn khi thấy Mẹ Ma-ri-a mang thai ngoài ý muốn, cho nên thánh Giu-se rất buồn, cái buồn của người công chính.

Buồn, nhưng là người công chính nên thánh Giu-se âm thầm quyết định phải ra đi mà không muốn tố cáo Ma-ri-a, đó là hành động của người công chính, nhưng Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời và đúng lúc vì đó là việc của Ngài. Thiên thần nói: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về...”[1]. Người công chính thì dễ dàng nghe được thánh ý của Thiên Chúa qua hoàn cảnh, qua cuộc sống, qua nơi những người mà mình tiếp xúc, thánh Giu-se đã nghe và đã vui lòng đón nhận bà Ma-ri-a làm vợ mình...

Càng đau khổ thì niềm vui càng nhân lên gấp bội, đó là niềm vui của thánh Giu-se, trong đau khổ biết nghe được tiếng của Thiên Chúa và thực hành lời của Ngài, đó là người công chính; đau khổ của người công chính đã trở nên niềm vui vì đã biết để cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong nghịch cảnh của đời mình.

2.   Đừng ngại đối thoại với người mình không thích.

Dưới ánh sáng của Tin Mừng hôm nay và qua bài học phó thác trong tay Thiên Chúa của người công chính –thánh Giu-se- chúng ta nhận ra được niềm vui trong đau khổ của người công chính, đó là chấp nhận người anh em như là một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Có rất nhiều lúc chúng ta tự cho mình là người công chính mà khinh thường tha nhân khi họ phạm lỗi, từ thái độ khinh thường ấy chúng ta xa lánh người anh em chị em của mình, không thèm trò chuyện với họ, không muốn nghe lời góp ý và chia sẻ của họ, đó không phải là thái độ của người công chính nhưng là thái độ của người kiêu ngạo.

Đừng ngại đối thoại với những người mà mình cho là tội lỗi, nhưng học theo gương lành của thánh Giu-se, mau mắn chấp nhận và đón họ đồng hành với mình trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trên trần gian là để cùng đồng hành và chia sẻ với con người những vui buồn, hạnh phúc cũng như đau khổ...

Anh chị em thân mến,
Chỉ còn mấy ngày nữa là chúng ta hân hoan đón mừng ngày trọng đại “làm người của Con Thiên Chúa”, mọi trang hoàng nhà thờ, làm hang đá tráng lệ đẹp đẽ, hoạt cảnh thiên thần mục đồng cũng đã chuẩn bị xong và chỉ chờ ngày ấy đến, mọi người đều nô nức chờ đợi...

Nhưng quan trọng hơn đó là sứ điệp của thánh Giu-se trong những ngày cuối mùa vọng này: mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón Thiên Chúa đến, cũng có nghĩa là, chúng ta hãy làm cho tâm hồn của chúng ta trở thành hang đá để Giê-su Hài Nhi sinh ra, bằng cách chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa đón nhận tha nhân như đón nhận chính Con Thiên Chúa giáng trần.

Có những tâm hồn đau khổ đang chờ đợi chúng ta nói lời tha thứ, có những tâm hồn đang chờ đợi chúng ta đem niềm vui và hy vọng đến cho họ...

Cửa trời đã mở và mưa ân sủng đã đổ xuống trên trần gian, nhưng tin vui Con Thiên Chúa giáng trần đang bị chận lại không bay tới nơi các tâm hồn vì những kiêu căng và gương xấu của chúng ta...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1] Mt 1, 20.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Đối thoại ̣(1)

 
ĐỐI THOẠI (1)

Cha sở đi trên đường tình cờ gặp một giáo dân, cha chủ động chào trước:

-“Ông đi làm về chắc mệt lắm ?”

-“Dạ thưa cha có mệt chi mô, nhưng con thấy các cha mệt hơn con, vì phải lo phần linh hồn cho tất cả mọi người trong giáo xứ..."
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Bè phái

BÈ PHÁI
 
 

Ngài mới đến nhận giáo xứ, ông trưởng ban hành giáo “lên lớp” với ngài:

-“Có chuyện gì cha cứ nói với con chứ đừng nói với ai hết, giáo xứ này chia bè chia phái nhiều lắm, cha sở trước bị họ chửi và nói xấu nhiều lắm vì không chịu nghe lời con...”

Cha sở vừa nghe vừa buồn trong lòng: giáo xứ chia rẻ là vì những người như ông này đây chứ không ai khác.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Rửa chân

RỬA CHÂN
 
 

Mùa mưa, đường đi lầy lội, cứ mỗi lần thấy các em thiếu nhi và các cụ già đi lễ là xách dép đến nhà thờ rồi mới mang vào chân lấm bùn để dự lễ. Cha sở thấy xót trong lòng, ngài âm thầm kêu thợ ống nước đến bắt hai cái vòi nước máy hai bên hông nhà thờ để họ rửa chân...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Hoàng hậu khéo nói

HOÀNG HẬU KHÉO NÓI
 
 

Thái Tôn bãi triều trở về nhà, bừng bừng nộ khí nói:“Cuối cùng vẫn phải giết Hương Ba Lão”.

Hoàng hậu hỏi:“Hoàng thượng nổi giận với ai vậy ?”

-“Không phải là Ngụy Trưng ấy thì còn ai nữa, nó chỉ trích ta trước mặt mọi người”.

Một lúc sau, hoàng hậu vào thay áo đẹp lộng lẫy, cái áo này chỉ có những ngày vui mới mặc, đi ra quỳ lạy Thái Tôn, Thái Tôn rất kinh ngạc, hỏi: “Chuyện gì thế ?”

Hoàng hậu nói:

-“Thiếp nghe nói chúa thượng anh minh thì thần tử trung lương, lời nói thẳng thắn của Ngụy Trưng, chính là cái phúc thánh đức của mọi người, cho nên thiếp xin chúc mừng hoàng thượng”.

Thế là Thái Tôn đổi giận làm vui.

(Độc Dị chí)

Suy tư :

     Sách Huấn Ca đã ca tụng người chồng có người vợ thông minh như sau:“Phúc thay kẻ được chung sống với người vợ thông minh, kẻ không lỗi lầm trong lời ăn tiếng nói...” 

     Có người trước khi lấy vợ thì phong độ hiên ngang, có địa vị trong xã hội, nhưng sau khi lấy vợ thì làm việc gì cũng thất bại, tiền bạc không cánh mà bay, theo tướng học mà nói, đó là vì vợ có tướng khắc chồng, khắc con cái !

     Nhưng cũng có những người nghèo xơ xác, không một nghề nghiệp, nhưng sau khi lấy vợ thì ăn nên làm ra, gia cảnh ngày càng phát đạt, theo tướng học mà nói, thì người ấy lấy bà vợ có tướng vượng phu ích tử !

     Như thế cũng đủ biết, người vợ đối với chồng rất là quan trọng, bởi vì khi tạo dựng người nữ, Thiên Chúa đã nói:“Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Một trợ tá tương xứng tức là một người bạn đời cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm của nhau, bởi vì cả hai không còn là hai nữa, nhưng là một, bởi vì sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly , là bí tích hôn phối mà Đức Chúa Giê-su đã lập ra.

     Thế nhưng thời buổi ngày nay người ta ly dị, thay chồng đổi vợ như thay quần thay áo, người ta không còn coi trọng nền tảng đạo đức gia đình nữa, cho nên xã hội vẫn cứ loạn vì những viên đá (gia đình) làm nền móng đã bị rạn nứt, lỏng lẻo, bệ rạc.

     Thánh Phao-lô đã nói với người làm vợ:“Người làm vợ hãy hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa..”, và ngài cũng nhắn nhủ với những người làm chồng:“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh”. Nếu các đôi vợ chồng trên thế giới biết nghe lời dạy trên đây của thánh Phao-lô, thì xã hội trở thành thiên đàng lâu rồi vậy !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Bắt đầu từ chỗ nào

BẮT ĐẦU TỪ CHỖ NÀO
 
 

Nước Tề có một người thường khuyên bảo can ngăn Tề Cảnh công rất mạnh, Cảnh Công nổi giận, ra lệnh đem người khuyên giải này ra phân thây. Uy Nhiếp nói:

-“Người nào dám khuyên lại, cũng sẽ bị xử như thế !”

Đại phu Yến tử tiến lên phía trước, tay trái nắm đầu của người khuyên giải, tai phải cầm dao, ngẩng đầu hỏi Cảnh công:

-“Từ xưa đến nay có rất nhiều vị vua chúa anh minh, trong số các vị đó, ai là người bắt đầu phanh thây người ?”

Cảnh công chợt tỉnh, tha cho người khuyên giải, nói:

-“Tội tại quả nhân, không phải tại người khuyên bảo !”

(Độc Dị chí)

 

Suy tư:

Nhà vua quyền uy tột cùng là thế, quyền sinh sát trong tay là thế, mà cũng có những bầy tôi hiền không sợ chết dám căn ngăn những hành vi tội lỗi, xấu xa của vua mình, thật hiếm có. Và nhà vua, vì muốn mình trở thành người anh minh như những vị vua của các triều đại trước, không muốn trở thành người độc ác nên đã nghe và hiểu lời nói của Yến tử –vị đại thần trung trực.

Có những giáo hữu rất bức xúc trước những thái quá của một số linh mục của mình như: thái độ kiêu ngạo, hành vi hống hách với con chiên bổn đạo, nhân bản kém, rượu uống không nguyên tắc đến nỗi say xỉn cả trên bàn thờ khi dâng lễ, cuộc sống xa rời với bài giảng của mình.v.v... con chiên bổn đạo biết rất rõ nhưng không dám nói, không dám góp ý, vì sợ cha làm khó dễ hạch sách đủ điều khi con mình xin đăng kí kết hôn. Không dám góp ý vì họ nghĩ rằng cha thay mặt Chúa, nếu ngài có lỗi thì Chúa sẽ phạt, mình là con cái không được góp ý, và thế là họ im lìm lặng lẽ, một sự im lặng đáng sợ cho các linh mục tự thỏa mãn với mục đích đã đạt được: làm cha.

Một linh mục anh minh là một linh mục khiêm tốn.

Một linh mục khiêm tốn là một linh mục thánh thiện.

Một linh mục thánh thiện là một linh mục khiêm tốn và anh minh.

Khiêm tốn để thấy mình không xứng đáng làm linh mục, nhưng Chúa vẫn chọn mình.

Khiêm tốn để thấy mình không xứng đáng làm người lãnh đạo dân thánh Chúa, nhưng Chúa vẫn chọn mình.

Khiêm tốn để thấy mình không một chút tài năng, thế mà Chúa vẫn chọn để trở thành công cụ thánh hóa nhân loại.
Vĩ đại thay một linh mục biết khiêm tốn, vì họ sẽ trở nên người của mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Khó mà gặp giai nhân

KHÓ MÀ GẶP GIAI NHÂN

 

Bắc Tế Cao Dương đối với mọi người rất là tàn bạo.

Quý phi họ Tiết chỉ phạm một lỗi nhỏ, bèn bắt bà ta giết và phanh thây.

Đột nhiên, người có tính dữ dằn ấy mở rộng lòng từ bi, ôm cái chân bị phanh thây của Tiết thị rồi đánh đàn tì bà và hát rằng:“Khó mà gặp lại giai nhân, khó mà gặp lại giai nhân !”
(Độc Dị chí)

Suy tư:

     Sách tướng học của Hy Trương nói rằng: “Người bản tính dữ dằn tàn bạo mà đột nhiên đổi lòng từ bi thì hãy coi chừng, bởi vì một âm mưu tàn bạo khác đang thành hình trong tâm hồn của họ”, chỉ một lỗi nhỏ mà giết người ta, rồi lại ôm cái chân bị phanh thây mà khóc, thì không những tàn bạo đầy thú tính mà còn là hành vi của kẻ điên cuồng.

     Lòng từ bi không phải ở tại việc rơi nước mắt, bởi vì cũng có nhiều loại nước mắt: nước mắt cá sấu, nước mắt khóc thuê, nước mắt căm hờn, nước mắt tủi nhục, nước mắt vui mừng, nước mắt hối hận.v.v...

     Chúng ta thường hay cầu nguyện cùng Thiên Chúa với câu mở đầu: “Lạy Cha là Đấng từ bi nhân hậu...” chỉ có Thiên Chúa mới có lòng từ bi đúng nghĩa của nó, lòng từ bi này không những chỉ dành riêng cho con cái của Ngài mà thôi, nhưng cũng dành cho những người chống đối Ngài, thù hằn Ngài và quyết tâm loại bỏ Ngài ra ngoài cuộc sống của họ. Do đó, người Ki-tô hữu cũng phải có lòng từ bi như Cha của mình là Đấng ngự trên trời: từ bi với người thù hằn mình, từ bi với người không thích mình, từ bi với người yêu mình và cả với người ghét mình...

     Người có lòng từ bi là người không gắt gỏng, thóa mạ, ghen tương với một ai, nhưng hiền hòa, cảm thông và bao dung với hết mọi người.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Họa từ trên trời rơi xuống

HỌA TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG
 
 

Ngu thị là người giàu có ở đất Lương, làm một cao lầu ở bên đường, đêm ngày thiết tiệc mời khách hát múa, những tiếng cười vui rôm rả.

Ngày nọ, có ba người khách ngồi ở lầu dưới, lúc ấy một con cú mèo ngậm một con chuột thúi từ trên không bay qua, vừa lúc ấy con chuột chết rớt ngay trên bàn của khách, lại nhìn thấy khách ở trên lầu đang cười, thì cho rằng bị Ngu thị làm nhục, giận run lên bèn tập họp dân chúng phá nhà của Ngu thị.
(Độc dị chí)

Suy tư:

     Người ta thường nói ở đời ai học được chữ ngờ.

     Ngu thị vui vẻ cười đùa với khách thì họa phá nhà tới, chỉ vì con chuột thúi ở đâu trên “trời” rơi xuống bàn ăn của thực khách ngồi bên lầu dưới.

     Dân thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra đang vui vẻ, rượu chè cờ bạc, trai gái lăng loàn dâm đãng, vui hưởng cảnh thái bình hoang dâm vô độ, thì thình lình lửa diêm sinh trên trời rơi xuống, thiêu hủy tất cả mọi thứ người và súc vật, trừ gia đình ông Lót : ai học được chữ ngờ !

     Ngày 21 tháng 9 năm 1999, dân chúng Taiwan đang yên giấc ngủ thì cơn ác mộng xảy đến: một trận động đất lớn làm hơn bốn ngàn người vừa chết vừa bị thương và mất tích, hậu quả đến nay vẫn còn: ai học được chữ ngờ !

     Ngày 11 tháng 9 năm 2001, dân chúng New-York nước Mỹ đang vui vẻ hân hoan đón mừng một ngày mới, người ta giao dịch, mua bán, vui chơi... thình lình tai họa từ trên không ập xuống: hai tòa nhà cao ốc giao dịch buôn bán của cả thế giới bị quân khủng bố lái máy bay đâm vào, cả hai tòa nhà thành bình địa, không còn...tầng nào chồng trên tầng nào: ai học được chữ ngờ !

     Và chữ ngờ cũng sẽ bất thình lình đến với tôi cũng như đến với những người khác không ngoại lệ, nhưng nếu như tôi vẫn luôn chuẩn bị cho cái đến bất ngờ của Đức Chúa Giê-su, thì chính tôi là người hạnh phúc nhất vậy.

     Ai hiểu thì hiểu !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Quan chạy trốn, lính ăn trộm

QUAN CHẠY TRỐN, LÍNH ĂN TRỘM
 
 

Thời nhà Đường, có một năm, tặc binh xâm phạm biên giới, bao vây huyện Định. Quan huyện là Tôn Ngạn Cao, sợ hết hồn hết vía, gấp gáp sai thủ hạ đóng cửa huyện, trốn ở trong nhà, các cửa trước sau đều chốt lại, gặp việc gấp cần chuyển công văn, thì chỉ từ nơi một cửa sổ nhỏ đưa vào đưa ra.

Không đầy mấy ngày, tặc binh đánh đến trước cổng thành, Tôn Ngạn Cao nghe tin báo, lật đật vào trốn trong tủ áo quần, sau đó lệnh cho quản gia:

-“Lấy khóa cửa ngục khóa cửa tủ lại cho ta, nếu tặc binh đánh vào, dù thế nào chăng nữa mày cũng phải nhớ là không mở, chúng nó nói thế nào chăng nữa, cũng đừng đưa chìa khóa cho chúng nó !”
(Kịch Đàm lục)

Suy tư:

     Ở trần gian này, không có cửa nào khóa kỷ cho bằng cửa ngục tù, bởi vì bên trong toàn là những tội phạm nguy hiểm cho xã hội, nhưng ngục tù đau khổ nhất vẫn là ngục tù của tâm hồn.

     Ngục tù của tâm hồn thì không như ngục tù của thân xác, nó không có ổ khóa chắc chắn hay tường thành cao xây quanh với hàng rào điện tử và hàng rào kẽm gai bén nhọn, nhưng hàng rào vây kín tâm hồn chính là những đam mê dục vọng, tiền tài danh lợi, nó bọc kín tâm hồn, không cho tâm hồn tự do vươn tới trời cao với Đấng toàn thiện; nó cũng chẳng có những viên cai ngục dữ dằn hắc ám, nhưng chính ma quỷ là những tên cai ngục vượt trên mọi cai ngục trần gian, đã không những canh giữ, mà còn xúi giục, bày vẽ, cám dỗ để tâm hồn mãi miết đắm mình trong vũng bùn tội lỗi, rồi chết dần chết mòn trong cái chết êm ái của hưỡng thụ nhưng kinh khủng của ngày phán xét.

     Những người dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa được coi là thoát khỏi ngục tù được vây quanh bởi những tiền tài, danh vọng và xác thịt, và tâm họ rất thảnh thơi vươn tới trời cao, nhưng nếu họ không quyết tâm vươn lên mãi, thì sẽ có ngày tâm hồn họ sẽ bị nhốt trong ngục tù vậy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Lo sợ hão huyền

LO SỢ HÃO HUYỀN
 
 

Quan của triều đình nhà Tấn là Lạc Xưởng trấn nhiệm Hà Nam, có một người bạn xa cách đã lâu mà không đến chơi, nên Lạc Xưởng bèn đi thăm bạn.

Người bạn ấy nói:"Lần trước đến làm khách nhà ngài, vừa đưa ly chuẩn bị uống, nhìn thấy trong ly rượu có một con rắn, trong lòng rất bực mình, sau khi uống rượu liền sinh bệnh”.

Hồi ấy, trên tường nơi chỗ ngồi uống rượu chỉ treo một cái cung cong, sơn phết như hình con rắn, Lạc Xưởng đoán con rắn trong ly rượu là cái bóng của cây cung ấy, thế là, lần sau vẫn cứ đến nơi chỗ ngồi ấy bày tiệc rượu và lại mời bạn bè đến uống rượu.

Giữa tiệc Lạc Xưởng hỏi:“Lại thấy gì ở trong ly không ?”

Người bạn nói:“Cũng thấy như lần trước”.

Lạc Xưởng chỉ cây cung treo trên tường, bạn bè chợt hiểu ra, xóa bỏ đi sự dè dặt, bực tức tích trử lâu ngày lập tức được khỏi.
(Tấn thư)

Suy tư:

     Người ta thường nhạo cười người Công Giáo khi thấy họ đi lễ nhà thờ, cầu nguyện đọc kinh trong gia đình rằng:“Sợ gì mà sợ, Chúa Mẹ có đâu mà sợ phạt với không phạt, xí, lo sợ hão huyền !”    

Vì sợ Chúa Mẹ phạt mà chúng ta đi lễ nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện, đây là tâm tình của người tin có Chúa và sợ Chúa.

Không sợ Chúa Mẹ phạt, nhưng sợ làm Chúa buồn vì những tội lỗi của mình, đây là tâm tình của người tin có Chúa và hiểu được tình yêu của Chúa đối với họ.

Không sợ Chúa phạt, cũng không muốn làm cho Chúa buồn, nhưng luôn nhìn thấy và kết hợp với Chúa trong mỗi giây phút của cuộc sống, đây là tâm tình của những người yêu mến Thiên Chúa cách trọn hảo.

     Chúng ta sẽ lo sợ hão huyền khi chính bản thân mình coi Thiên Chúa như là một quan cai ngục không biết thông cảm; chúng ta cũng sẽ lo sợ hão huyền khi nói rằng, Thiên Chúa sẽ không bao giờ tha lỗi cho tôi, Ngài sẽ trừng phạt tôi đời đời trong hỏa ngục, và chúng ta cũng sẽ lo sợ hão huyền khi người ta nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã bỏ loài người rồi.

     Khi đức tin của tôi không bén rễ sâu trong giáo huấn của Thiên Chúa và của Giáo Hội, thì tôi rất dễ dàng lo sợ hão huyền trước những thách đố của xã hội, mà thách đố lớn nhất chính là con người thời nay đã “tẩy chay” Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Nấu cháo thịt ăn

NẤU CHÁO THỊT ĂN
 
 

Tấn Huệ đế ở trong vườn Hoa Lâm, nghe tiếng cóc nhái kêu, bèn hỏi người bên cạnh:“Tiếng kêu ấy là của quản gia hay của cá nhân trăm họ ?”

Tên hầu là Giả Dận trả lời:“Ở trên đất của quan là tiếng kêu của quản gia, ở trên đất của tư nhân là tiếng kêu của tư nhân”.

Hồi ấy thiên hạ náo loạn vì đói, dân chúng chết đói rất nhiều, Tấn Huệ đế sau khi nghe trả lời bèn nói:“Chúng nó thật quá vô tri, không có lương thực, tại sao không nấu cháo thịt mà ăn chứ ?”
 (Tấn thư)

Suy tư:

     Câu nói của đế vương Tấn Huệ đúng là một câu nói ngu ngốc, câu nói của ông vua xa rời trăm họ, câu nói của những người chưa hề biết đói hoặc chưa hề biết lương thực mà người dân trăm họ đang cần là gì, rau không có mà ăn thì thịt đâu ra để mà ăn chứ ?

Đói khát là chuyện đáng sợ nhất, vì sợ đói khát nên người ta mới đi làm việc kiếm tiền mua gạo, mua thức ăn; vì sợ đói khát nên người ta không ngại gì bán đứng anh em để giành cho được địa vị; vì sợ đói khát nên con người ta không quản ngại gian lao vất vả, không thèm coi trọng danh dự bản thân, không thèm nhân phẩm, miễn có tiền thì thôi...

     Người Ki-tô hữu cũng là con người, nên nhu cầu ăn mặc cũng như những người khác, nhưng họ vẫn luôn ý thức rằng, đói khát phần linh hồn thì càng nguy hiểm hơn gấp bội, vì thế, mặc dù vẫn lăn lộn với chuyện thường ngày ăn mặc cho phần xác, thì họ vẫn không quên đi dâng thánh lễ để linh hồn được bồi dưỡng bởi Bánh Hằng Sống, họ ý thức được rằng, khi linh hồn được no đầy lương thực Hằng Sống, thì chính lúc ấy thân xác được an vui và dễ dàng cảm thông với những bất hạnh của tha nhân, nên họ không ngần ngại hi sinh những gì mình có để chia sẻ với mọi người.

Bởi vì khi chia sẻ cho tha nhân, thì chính họ cũng được bồi bổ linh hồn bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

     “Lạy Chúa, đã có nhiều lúc con vì quá bận tâm đến việc sợ đói sợ khát mà tích trử thật nhiều vàng bạc của cải cho phần xác, mà bỏ đói phần linh hồn của con: không tham dự thánh lễ và các bí tích, không đọc không nghe không sống Lời Chúa, và như thế, con sẽ không biết giúp đỡ người bất hạnh đói khát chung quanh con. Xin Chúa ban cho con có một tâm hồn biết nhạy bén trước nỗi đói khát của linh hồn mình, để mà săn sóc chu đáo hơn cho phần rỗi của mình và của tha nhân”.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Động Thống đoạt áo

ĐỘNG THỐNG ĐOẠT ÁO
 
 

Úy Cảnh anh rể của Bắc Lưu Cao Tổ cậy thế bắt nạt người, tham ô nhận hối lộ, dân chúng phẫn nộ cực điểm, Cao tổ sai phái diễn viên cung đình là Thạch Động Thống đi khuyên bảo ông ta.

Một hôm, Thạch Động Thống vừa thấy Úy Cảnh thì không nói không rằng liền đoạt cái áo của y, Úy Cảnh không hiểu ra sao bèn hỏi:

-“Ngài làm gì mà lấy áo của tôi?”

Thạch Động Thống trả lời:

-“Ông có thể đoạt  lấy của cải trăm họ, lẽ nào tôi không thể đoạt lấy áo của ông sao ?”

Cao tổ cho rằng Thạch Động Thống nói rất có lí, bèn khuyên Úy Cảnh:

-“Ông có thể không tái phạm tội tham ô chăng ?”
(Bắc Tế thư)

 

Suy tư:

     Ở đời có vay thì có trả, đôi lúc vay ít mà trả nhiều vì phải trả cả tiền lời cho người ta nữa.

Ở đời nợ máu thì trả bằng máu, cho nên thù hận vẫn chồng chất thù hận, máu vẫn đổ và chiến tranh vẫn cứ chiến tranh.

     Có vay và có trả, đó là chuyện công bằng xã hội.

     Nhưng cái vay và cái nợ của người Ki-tô hữu thì không phải như thế: họ cho “vay” một ly nước lã, nhưng chính Thiên Chúa sẽ trả giúp họ mười ly, bởi vì họ nhìn thấy Thiên Chúa –qua người đi đường đang cơn khát nước- đến vay họ; người Ki-tô hữu “nợ” ai một ly nước, thì chính họ như mắc nợ người ấy một tình yêu siêu nhiên và họ cũng tìm cách “trả nợ” yêu thương ấy bằng những việc làm cụ thể như cầu nguyện, hy sinh và cho người khác “vay” lại.

     Như vậy, tình yêu cho đi là một “tình yêu dây chuyền sống động” được nối tiếp từ người này đến người nọ và tỏa lan cho đến tận bờ cỏi trái đất. Lúc đó sẽ không còn cảnh người bóc lột người, sẽ không còn cảnh “dựa hơi nhau” để chèn ép lẫn nhau, sẽ không còn cảnh nợ máu phải trả bằng máu nữa, bởi vì tất cả mọi người đều liên kết với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

     “Tình yêu dây chuyền sống động” sẽ được bắt đầu từ anh, từ chị và từ tôi, bởi vì nếu chúng ta không cho “vay”, thì không có ai để trả “nợ”, nghĩa là nếu chúng ta không bắt đầu, thì sẽ không có ai tiếp tục...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Ngu Kỳ không ngu

NGU KỲ KHÔNG NGU
 
 

Ngu Kỳ người của đất Nam Trần, từ nhỏ rất thông minh, một hôm có người nói đùa với nó:

-“Mày đã là họ Ngu, nhất định là không thông minh”.

Ngu Kỳ trả lời:

-“Thưa ông, ngay cả “Ngu” và “ngu[1]  ông cũng không phân biệt rõ ràng, làm sao có thể nói là ông thông minh chứ ?”
(Trần thư)

Suy tư:

     Trẻ em – tôi thường chia sẻ với bạn bè và giáo dân- chúng nó là những thiên thần nếu được giáo dục tốt trong lứa tuổi của chúng nó, nhưng chúng nó cũng sẽ trở thành những tên quỷ con nếu không được giáo dục tốt. Nhìn những đứa trẻ ốm nhom đen đủi bới bới móc móc trên những đống rác to như núi, chửi thề, đánh bậy, thì ai nói chúng nó là những mầm non tương lai của đất nước !

Nhìn những trẻ em thất học, đẩy xe bên chợ Cầu Muối, cũng chửi thề, đánh nhau để giành khách, giành mối hàng, thì ai nói đó là những hạt giống tương lai của tổ quốc !

Đi ngang qua đường Bà Huyện Thanh Quan, đường Trương Định, trước và bên hông công viên Tao Đàn, đường Lý Chính Thắng...thấy các “cô gái” tuổi 14, 15 áo quần son phấn lòe loẹt chào khách mua dâm, thì ai nói đó là niềm tự hào của đất nước tương lai !!! Nhức nhối cho các nhà đạo đức học, làm rối trí các nhà xã hội học và là nỗi bi quan cho những người có tâm hồn thánh thiện đạo đức...

     Trẻ em là mầm non -đó là thực tế- dù tốt hay xấu, mầm non thì phải lớn để thành cây, dù cây tốt hay cây xấu. Vì lợi ích mười năm thì trồng cây, nhưng để lợi ích trăm năm, tức là về dài về lâu, thì phải trồng người.

Chúng ta không trực tiếp trồng, nhưng ít nữa chúng ta cũng nên vun trồng cho cây lớn lên; chúng ta không trực tiếp trồng, nhưng ít nữa chúng ta cũng cắt tỉa những lá vàng úa, bắt những con sâu đục thân cây, bón phân tưới nước cho cây tốt tươi, đó chính là bổn phận của chúng ta, bởi vì chúng ta là những gốc cây đã có kinh nghiệm trãi qua những phong ba bảo táp của cuộc đời.

Không “đùa giỡn khinh khi” trẻ em, dù chúng nó tốt hay xấu, bởi vì thiên thần của chúng nó không ngừng chiêm ngưỡng nhan Thiên Chúa.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư


[1] phát âm là “yú”, tiếng Hán Việt là ngu, nghĩa là lo lắng, dự đoán, họ Ngu;cũng phát âm là “yú” cũng là ngu, nghĩa là ngu đần, dại ngốc. Đồng âm khác nghĩa.

Ngựa đỏ khoác sương

NGỰA ĐỎ KHOÁC SƯƠNG
 
 

Vương Hạo tính tình rất chậm chạp.

Một hôm, cưỡi con ngựa màu đỏ táo, cùng với nhà vua đi đánh trận. Một đêm nọ, ông ta đem ngựa cột bên gốc cây, sáng sớm ngày hôm sau ra coi ngựa, thì nhìn thấy con ngựa màu táo đỏ biến thành ngựa trắng, ông ta kinh hoảng quá chừng chừng, lập tức sai phái bộ hạ đi tìm con ngựa đỏ, nhưng nào ngờ -nguyên nhân chính là sương trắng rơi suốt đêm- khi mặt trời xuất hiện, sương tan ra, ngựa trắng lại biến thành ngựa đỏ.

Vương Hạo vừa nhìn thấy, kinh ngạc cả lên, nửa tin nửa ngờ, nói:“Té ra là nó ở đây !”
(Bắc sử)

Suy tư:

     Có người đi lễ nhà thờ là vì ông cha sở quá tốt với mình, đến khi có chuyện xích mích với ông cha sở thì bỏ luôn nhà thờ, họ không yêu mến Chúa mà chỉ yêu mến ông cha sở, trái tim yêu Chúa đã bị lớp sương bên ngoài che khuất trở thành trái tim bạc trắng; có người hăng say đến nhà thờ tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, tập hát ca đoàn rất tích cực, đến khi chia tay với bạn gái (trai) thì không thèm tới nhà thờ nữa, trái tim hăng say phục vụ ấy, chỉ là lớp sương giả tạo phủ bên ngoài, chỉ tội nghiệp cho Chúa bị “lừa” mà vẫn làm thinh...

    Người ta sẽ kinh ngạc khi tôi sáng đi dâng lễ, tối về chửi vợ mắng con, gây gổ với hàng xóm; người ta cũng sẽ kinh ngạc khi tôi giảng cho bà con giáo dân về sự đoàn kết yêu thương, nhưng lại gây bè kết phái trong cộng đoàn của tôi, lớp sương mù bao phủ bên ngoài sẽ tan mất khi mặt trời lên, cũng vậy, việc làm của tôi nếu không thành tâm thiện chí, nếu không đặt trên nền tảng của đức ái, thì cũng tan rã nhanh chóng theo thời gian vậy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư