Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Chúa nhật 13 thường niên



CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 10, 37-42.
“Ai không vác thập giá, thì không xứng với Thầy. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.”

Bạn thân mến,
Điều kiện mà Đức Chúa Giê-su đưa ra để chúng ta dành được Nước Trời, đó là phải từ bỏ mình và đón tiếp anh em, hai điều kiện nghe ra rất dễ dàng thực hiện, nhưng thực ra quả là khó khăn cho những ai không hết lòng yêu mến Thiên Chúa.

Từ bỏ là quăng đi, là để xuống, là không cần và cũng không đem theo bên mình để nhẹ nhàng đi đến một nơi khác làm việc. Những thứ mà chúng ta có thể bỏ lại là áo quần cũ, là chiếc xe đạp cũ, là cơm thừa canh cặn, là những người bạn không thân, và có khi –bất đắc dĩ- phải bỏ lại một vài thứ đồ dùng mà chúng ta thích. Tất cả những thứ mà chúng ta từ bỏ không “thương tiếc” ấy thì chúng ta sẽ sắm lại khi đến nơi làm việc mới, và có khi sắm lại nhiều hơn nữa.

Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh là chỉ có ai từ bỏ mình thật sự mới xứng đáng là bạn thân thiết của Ngài. Từ bỏ thật sự như Ngài đã từ bỏ ngai trời vinh hiển để chọn hang lừa máng cỏ làm nơi sinh ra; từ bỏ như Ngài đã từ bỏ vinh quang Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi trở nên giống phàm nhân và sống như người trần thế[1], tức là Ngài đã hủy mình ra không.

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta từ bỏ mình chính là từ bỏ cái tôi của chúng ta, cái tôi của bạn thường làm cho bạn cảm thấy mình cần phải được kẻ khác tôn trọng, cần phải ăn trên ngồi trước, cần phải chỉ huy người khác.v.v...bằng không thì tâm hồn bạn lo buồn khó chịu và bực tức khi người khác coi bạn như những người khác.

Bạn thân mến,
Ai không từ bỏ mình thì cũng không sẵn lòng tiếp đón anh chị em, bởi vì khi bạn và tôi từ bỏ mình là lúc mà tâm hồn chúng ta trống rỗng, rộng rãi, vị tha để dư sức tiếp nhận tha nhân vào trong tâm hồn của mình; bởi vì khi từ bỏ cái tôi của mình, thì bạn và tôi sẽ vui vẻ tiếp đón anh chị em vô điều kiện, đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta phải thực hiện để xứng đáng làm môn đệ của Ngài.

Từ bỏ mình là phải từ bỏ liên lĩ trong cuộc sống của bạn và tôi, không phải từ bỏ cái mình không yêu không thích, nhưng từ bỏ cái mà mình thích mình yêu để đón tiếp người anh em mà mình không thích không yêu, đó chính là bí quyết để trở nên môn đệ của Đức Chúa Giê-su vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 



[1] Pl 2, 6-7.

Lễ thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ



LỄ KÍNH HAI THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ
TÔNG ĐỒ

Tin mừng: Mt 16, 13-19.
“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.”

Bạn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, không nói thì bạn cũng biết các ngài là người như thế nào trong Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su, thánh Phê-rô được Chúa Giê-su chọn làm thủ lãnh của Giáo Hội và trao quyền đóng và mở cửa Nước Trời cho ngài; thánh Phao-lô là người nhiệt thành vì tôn giáo và niềm tin của mình, và vì ưu điểm ấy mà Đức Chúa Giê-su đã chọn ngài làm tông đồ và sai đi loan báo tin mừng Nước Trời cho dân ngoại.

Tinh thần của thánh Phê-rô là chân thành, thẳng thắn, bộc trực dám nói dám làm, đó chính là mẫu gương của người làm tông đồ rao truyền Lời Chúa cho mọi người. Bạn và tôi chắc chắn cũng có những đức tính như thánh Phê-rô vậy, nhưng chúng ta chưa có tinh thần khiêm tốn như ngài, bởi vì có những lúc bạn và tôi rất chân thành nói lời yêu thương nhưng vẫn còn tính toán lợi hại; có những lần bạn và tôi thẳng thắn nói lên khuyết điểm và việc làm sai trái của người khác, nhưng lời thẳng thắn bộc trực ấy là đầy sự kiêu ngạo dạy đời thiên hạ, và làm cho người khác cảm thấy bực tức hơn là sửa đổi lỗi lầm.

Tinh thần của thánh Phao-lô là can đảm, nhiệt thành và xác tín vào niềm tin của mình, nếu không có những ưu điểm như thế, thì Đức Chúa Giê-su –có lẽ- không chọn ngài làm tông đồ, và cũng không sai ngài đến với dân ngoại là chúng ta.

Lòng nhiệt thành và xác tín vào niềm tin của mình, đã làm cho thánh Phao-lô nhiệt thành bắt bớ những Người Ki-tô hữu tin vào Đức Chúa Giê-su, và cũng lòng nhiệt thành ấy mà sau khi nhận biết Đức Chúa Giê-su là Đấng đã vì mình mà chịu chết trên thập giá, thì ngài đã không ngần ngại chuyển lòng nhiệt thành, xác tín này qua cho việc rao giảng Phúc Âm cho những người không phải là người Do Thái, là dân ngoại chưa nhận biết Thiên Chúa là Cha của mọi loài.

Bạn thân mến,
Cả hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đều có một điểm giống nhau, đó là rất yêu mến Đức Chúa Giê-su và hăng say làm chứng cho Ngài, các ngài đã đem chính mạng sống của mình ra để làm chứng.

Bạn và tôi đều là những hoa quả được sinh ra bởi lời rao giảng của các ngài, và như thế, chúng ta cũng đều có bổn phận đem Lời Chúa đến cho mọi người bằng chính cuộc sống của chúng ta. Muốn được như thế, bạn và tôi hãy đem tinh thần bảo tồn chân lý Ki-tô giáo của thánh Phê-rô, và tinh thần truyền giáo của thánh Phao-lô đặt vào trong tim trong óc của mình, để khi rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, thì chúng ta không làm mất đi tính truyền thống tông truyền của Giáo Hội.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.