Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Chúa nhật 13 thường niên



CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 5, 21-43
“Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đến trần gian, không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ và thi ân giáng phúc cho nhân loại. Phục vụ và thi ân là bày tỏ cho nhân loại biết Ngài chính là Thiên Chúa thật và là người thật: khi thi ân thì Ngài là Thiên Chúa, khi phục vụ thì Ngài là con người.

Lãnh nhận ân phúc thì phải có đức tin.
Đức tin của ông đội trưởng đã cứu sống con gái của ông, đức tin của người đàn bà bị bệnh băng huyết đã chữa lành bà, cho nên để đón nhận ân phúc bởi Thiên Chúa thì dứt khoát con người phải có đức tin.

Đức tin làm cho con người nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa trong sự yếu đuối và bất lực của mình; đức tin cũng làm cho con người nhìn thấy được Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh nhất của tha nhân, bởi vì khi đối diện với đau khổ và thất vọng, con người thường có khuynh hướng nhìn lên trời cao.

Ân sủng của Thiên Chúa vẫn tuôn đổ trên con người, Ngài vẫn luôn thi ân cho nhân loại, nhưng để đón nhận những ân huệ Thiên Chúa ban cho, thì cần phải có đức tin như đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham, như đức tin của tổ phụ I-sa-ác, như đức tin của Gia-cóp, và như đức tin của viên đội trưởng và của người đàn bà bệnh loạn huyết. Ân sủng của Thiên Chúa ban cho cách nhưng không, nhưng muốn đón nhận nó thì cần phải có đức tin.

Phục vụ tha nhân phải có đức tin.
Thời nay có nhiều hội từ thiện để giúp đỡ người bất hạnh, thời nay có nhiều bệnh viện và cơ quan từ thiện để chăm sóc bệnh nhân nghèo, và thời nay cũng có nhiều cá nhân làm việc thiện, nhưng số người không biết đến Thiên Chúa thì càng nhiều hơn. Bởi vì có nhiều đoàn thể và có nhiều cá nhân phục vụ nhưng không có đức tin, hoặc đức tin đã bị ngâm sâu dưới lớp tro bụi xa hoa phù phiếm của cuộc sống bon chen.

Khi phục vụ tha nhân mà không tin, không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su ở trong họ, thì họ cũng sẽ không nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su ở trong chúng ta -những người làm việc từ thiện.

Đức tin dạy cho chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, đặc biệt là nơi những người nghèo khó bất hạnh; đức tin cũng dạy cho chúng ta biết rằng, phục vụ tha nhân chỉ vì danh vọng hảo huyền mà thôi, thì họ sẽ không thể thay Đức Chúa Giê-su đem an ủi đến cho người khác được...

Anh chị em thân mến,
Là những người được gọi là “những kẻ tin”, chúng ta cũng có trong mình “gen” phục vụ tha nhân như Đức Chúa Giê-su đã phục vụ, bởi vì đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày Rửa Tội, đã làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su hơn bất cứ ai, nhất là khi chúng ta phục vụ tha nhân.

Chúng ta cũng được trở nên con cháu của tổ phụ Ab-ra-ham nhờ lòng tin của mình, đó là khi chúng ta tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, và đón nhận những ơn lành cũng như những thử thách của Ngài dành cho chúng ta trong cuộc sống đời thường, để nhờ đức tin, mà chúng ta ngày càng trở nên hoàn hảo hơn trong đức mến và đức cậy.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Lễ thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ



CHÚA NHẬT
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Tin mừng : Mt 16, 13-19
“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.

Bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng thể hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.

  1. Nhiệt tình với sứ mệnh.
Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài.

Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Đức Chúa Giê-su khám phá ra khi ngài đang đánh cá với anh là An-rê, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”[1] và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.

Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ, khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stephanô[2] cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Đức Chúa Giê-su[3] mới thành lập, sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái trong con người của thánh Phao-lô.

Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su giao phó cho các ngài, đó chính là sứ mạnh loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, đó là loan báo và làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.

  1. Yêu mến Chúa Giê-su hết lòng.
Một thánh Phê-rô đã ba lần trả lời với Đức Chúa Giê-su khi được Ngài hỏi: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.[4]

Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa”[5] và chính ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”[6]

Yêu mến Đức Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Giê-su. Và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nổi khổ đau với Đức Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…

Yêu mến Đức Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su…

Bạn thân mến,
Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Đức Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.

Mừng lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 4, 19.
[2] Cv 7, 58.
[3] Cv 9, 1-2.
[4] Ga 21, 15-17.
[5] 2Cr 5, 13.
[6] 2Cr 5, 14.

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả



LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80
“Tên cháu là Gio-an”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một con người đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”[1]. Cao trọng, không phải vì ông Gioan làm nhiều điều vĩ đại, nhưng là vì ông là người được vinh dự làm kẻ dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm nổi bật của thánh Gioan Tẩy Giả:

1.   Cương trực và công chính.
Trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê, thánh Gioan Tẩy Giả đã không sợ, và dám nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), và cái giá phải trả chính là bị nhà vua chém đầu.

Thánh Gioan Tẩy Giả không vì nhu nhược an phận để được mọi người tâng bốc khen ngợi, nhưng chính ngài đã nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê, vì việc của ông làm là trái với luân thường đạo lý; ngài cũng không vì bạo lực mà khuất phục, nhưng lời dạy của ngài làm cho nhà vua vừa kinh sợ vừa thán phục.

Trước bạo quyền trần thế, thánh Gioan Tẩy Giả thà chấp nhận cái chết hơn là dửng dưng để cho sự ác thống trị, ngài thà như cây cao vươn thẳng đứng giữa trời cao và bị gió đánh gãy, hơn là làm một một con người chỉ biết lòn cúi để được an phận.

2.   Khiêm tốn tự hạ.
Khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, lời giới thiệu này nói lên một tấm lòng khiêm tốn, ngài không vì sĩ diện để khoe khoang mình và hạ bệ người khác; ngài cũng không vì danh vọng hão huyền mà không nhìn thấy Đấng cứu độ đang đến là Đức Chúa Giê-su, cho nên ngài thà đành “mất” hai môn đệ của mình để họ đi theo làm môn đệ của Đấng là ánh sáng trần gian là Đức Chúa Giê-su, hơn là đi theo ngài chỉ là ánh sáng của con đom đóm trong đêm mà thôi.

Khiêm tốn và tự hạ là đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, và nhìn nhận giá trị đích thực của người khác mà không câu nệ tị hiềm.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với dân chúng về Đức Chúa Giê-su rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, câu nói đầy khiêm tốn tự hạ này đã đưa ngài lên tận trời cao với lời xác nhận của chính miệng Đấng Cứu Thế: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11). Khiêm tốn là sức mạnh và là vũ khí của người Ki-tô hữu để chiến thắng ma quỷ và thế gian kiêu ngạo, sự khiêm tốn đã làm cho thánh Gioan Tẩy Giả trở nên mạnh mẻ không sợ hãi trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê; sự khiêm tốn cũng đã làm cho ngài trở nên danh giá trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Anh chị em thân mến,
Cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả như cây cổ thụ trước phong ba bão táp đầy quyền lực của vua  Hê-rô-đê, thà bị gãy chứ không chịu khuất phục, thà bị chém đầu vì công bằng chính nghĩa chứ không đầu hàng trước bạo lực bất công.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả là biết can đảm trước mọi thử thách khó khăn xảy đến cho mình, và biết khiêm nhường định hướng cho cuộc sống với tất cả ân sủng của Chúa ban cho, và nhất là biết luôn trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 


[1] Mt 11, 11a.

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Triều Mễ Nguyên Chương



TRÊU MỄ NGUYÊN CHƯƠNG
Lúc Mễ Nguyên Chương cư trú tại chùa Cam Lộ ở Trấn Giang, có viết ba chữ “am Mễ Lão” nơi chỗ ở của mình.
Năm nọ chùa Cam Lộ bị hoả hoạn và các đồ vật đều bị cháy rụi, chỉ có tháp Lý Vệ công và am Mễ Lão là không bị cháy. Thấy không bị cháy, Mễ Nguyên Chương liền làm một bài thơ:
-      “Mây hộ tháp Vệ công, trời giữ am Mễ Lão.”
Có một người rất thích trêu đùa, bèn ngầm đổi bài thơ trên viết lại thành câu: “Thần hộ tháp Lý Vệ công, trời giữ am bà Mễ Lão”.
Mẹ của Nguyên Chương nhìn thấy câu đối này thì vội vàng chạy thẳng vô phòng giậm chân kêu trời, nguyên nhân là Mễ Nguyên Chương vì nhờ bà mẹ mới được thăng lên làm quan.
                                                           (Hiên Cứ lục)

Suy tư 32:
     Có người nhờ mẹ dạy dỗ mà được “nở mặt nở mày” với đời, có người nhờ mẹ mà trở nên người tốt, lại có người nhờ mẹ mà trở nên những vị đại thánh của Giáo Hội...
     Nhưng ngược lại cũng có những đứa con bỏ mẹ đói không cho ăn khi bố mẹ già yếu, có những đứa con coi bố mẹ như là một cái “oan nợ” phải gánh khi bố mẹ già yếu, có những đứa con bắt mẹ mình phục vụ như người ở trong nhà, lại có những đứa con coi trọng vợ mình hơn mẹ ruột, nghe lời vợ hơn cả nghe lời của Chúa, nên đã to tiếng càm ràm với mẹ mình, và thậm chí có khi chửi mẹ mình trước mặt vợ mình để vợ mát lòng hả dạ !!
     Có người dựa hơi vào cha mẹ làm ông này ông nọ để hù doạ người khác, có người ỷ lại vào bà mẹ ăn nói giao thiệp rộng quen biết nhiều mà có địa vị mà trở nên kiêu ngạo, lại có người cậy vào tiền của của cha mẹ mà không lo học hành chỉ biết ăn chơi...
     Người Ki-tô hữu có một người mẹ thật tuyệt vời, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a, Mẹ luôn thương yêu săn sóc chúng ta, chính Mẹ đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta hãy sống đẹp lòng Thiên Chúa, cải thiện đời sống.
     Có nhiều linh hồn đã nhờ Mẹ mà đã từ bỏ con người cũ tội lỗi của mình để nên người tốt, có những người Ki-tô hữu đã yêu mến Mẹ, đã để Mẹ dẫn dắt họ đến với Đức Chúa Giê-su –Con của Mẹ, để họ được trở nên những môn đệ đích thực của Ngài.
     Ai yêu mến Đức Mẹ Ma-ri-a thì người ấy sẽ rất yêu mến cha mẹ sinh ra mình; ai yêu mến Đức Mẹ Ma-ri-a thì người ấy sẽ trở nên người con hiếu thảo với cha mẹ của mình, bởi vì Thiên Chúa sẽ không bao giờ lầm khi chọn Đức Mẹ Ma-ri-a làm Mẹ Ngài trong khi nhân loại đang sống trong nô lệ cho tội lỗi; bởi vì Đức Chúa Giê-su rất có lý khi trao phó toàn thể nhân loại cho Mẹ của mình -qua thánh Gioan Tông Đồ- để nhờ Mẹ mà nhân loại tìm thấy nơi nương tựa bảo đảm trước toà công thẳng của Thiên Chúa.
     “Lạy Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng con diễm phúc được Mẹ làm mẹ của chúng con, qua Mẹ, chúng con cảm tạ tình yêu cao cả và thượng trí của Thiên Chúa đã an bài cách khôn ngoan khi chọn Mẹ làm máng chuyển thông ơn của Chúa xuống cho chúng con.

     Xin Mẹ ban cho chúng con có một tâm hồn khiêm cung, nhạy bén trước tình yêu của Mẹ dành cho chúng con trong cuộc sống, để chúng con biết lắng nghe tiếng Mẹ dạy bảo chúng con những gì phải làm để được sống đẹp lòng Chúa và tha nhân. Xin Mẹ nghe lời chúng con. Amen

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Vợ nam của người Khiết Đan





VỢ NAM CỦA NGƯỜI KHIẾT ĐAN[1]

Mùa đông năm Tân tị Thiệu Hưng Tống Cao Tông, dân tộc Nữ Chân là một dân tộc thiểu số ở đông bắc Trung Quốc phản nghịch, Chu Trung Tín đem binh suốt đêm tiến vào phía nam, cướp lại rất nhiều của cải vật chất.
     Trong đó có một cái rương rất quý, mở ra coi toàn là thư của những người vợ quân Tống gởi đến Yến Sơn (bây giờ gọi là Thiên Tân, Trung Quốc).
Có người nọ thuận tay cầm lấy một lá thư lên xem, trong thư viết:
-         “Thuỳ dương chuyển lời đến núi Đan, chàng đến Giang Nam thật gian nan. Ở nơi đó chàng kiếm một bà vợ phương nam, thiếp ở nơi này làm vợ người Khiết Đan.”
                                                           (Hiên Cứ lục)

Suy tư:
     Chồng nam vợ bắc là chuyện thường có xảy ra trong một quốc gia bị chia làm hai chính thể, và nhiều chuyện cảm động cũng như nực cười đã xảy ra trong những gia đình như thế.
     Sau năm 1975, có nhiều ông chồng tập kết ra bắc Việt trở lại với nhiều đứa con của miền bắc, có nhiều bà vợ sau bao năm bị chia đôi đất nước đã sang ngang lấy chồng khác, sau khi thống nhất đất nước thì mừng mừng tủi tủi nhìn thấy người chồng cũ trở về, nhưng đành phải chia lìa vì ai cũng đã có gia đình riêng...
Nhưng thời nay dù không có chiến tranh chia lìa gia đình con cái chồng vợ, nhưng có những người phụ nữ ở miền Bắc Việt đi làm ô sin cho các gia đình ở Taiwan đã nói mà không đắn đo: “Nó (chồng) ở bên nhà cặp con (gái) nào thì cặp, nếu có bầu thì đừng trách tôi; tôi ở bên này (Taiwan) ngủ với thằng nào kệ tôi, miễn là tôi không mang bầu về !?”
Chuyện gia đình bị chia lìa vì chiến tranh là chuyện cảm động, nhưng chuyện gia đình “nó cặp con nào mặc nó, tôi ngủ với thằng nào mặc tôi” vì tiền bạc vật chất thì không phải là chuyện đùa nữa...
Thật đáng buồn thay !



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

[1] Một dân tộc thời cổ đại ở đông bắc Trung Quốc.

Chúa nhật 12 thường niên



CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 4, 35-41
“Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”

Anh chị em thân mến,
Có rất nhiều lần chúng ta tự hỏi: Đức Chúa Giê-su là ai ? Và cũng có rất nhiều lần khi gặp gian nan thử thách, chúng ta cũng trách Chúa: Chúa đâu rồi sao con khổ thế này ?

1.   Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa.
Các tông đồ không dễ dàng gì nhận ra thiên tính Thiên Chúa nơi Đức Chúa Giê-su, mặc dù đi theo làm môn đệ của Ngài đã nhiều năm, mặc dù cùng sát cánh bên Ngài, thấy Ngài làm phép lạ, nghe Ngài giảng dạy, thấy Ngài chữa lành bệnh tật.v.v...nhưng các ông vẫn chưa tin Ngài là Thiên Chúa giáng trần.

Ngài nằm ngủ đó, phía sau con thuyền, mặc cho sóng to gió lớn, mặc cho các môn đệ chèo chống thất vọng, Ngài vẫn cứ ngủ, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng có quyền trên vạn vật, là Đấng tạo dựng nên chim trời cá nước... Và cho đến khi Ngài ra lệnh cho sóng gió lặng yên mà các môn đệ vẫn còn hoài nghi: người này là ai mà đến sóng gió phải nghe lời...!

2.   Đức Chúa Giê-su là con người.
Điều này thì quá rõ ràng, bởi vì lý lịch của Ngài thì ai cũng biết, Ngài là con của bà Ma-ri-a, là em bé sinh ra trong hang lừa máng cỏ, là con của bác thợ mộc Giu-se, là người bị quan Phi-la-tô kết án đóng đinh vào thập giá và đã chết...

Nhưng Đức Chúa Giê-su “làm con người” không phải chỉ có như thế, mà điều quan trọng và có ý nghĩa nhất trong việc làm người của Ngài chính là: để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, để thông cảm tha thứ và để cứu độ chúng ta...

Nằm ngủ phía sau con thuyền, Đức Chúa Giê-su chắc chắn nghe và thấy các môn đệ của mình sợ hãi lo âu, nhưng đây là dịp để Ngài thử thách lòng tin của các môn đệ mình: giữa bão táp phong ba có còn tin vào Ngài không ?

Anh chị em thân mến,
Trần gian là bể khổ, ai cũng nói như thế, mỗi người ai cũng chèo chống con thuyền của mình hy vọng đi vào bến bờ bình an, nhưng không phải ai cũng được bình an khi chèo chống con thuyền cuộc đời của mình.

Đức Chúa Giê-su ở đó, Ngài đang nằm ngủ đâu đó trong con thuyền cuộc đời của mỗi người, cứ tin tưởng và phó thác, cứ chèo chống hết sức mình với niềm tin, vì Đức Chúa Giê-su đang ở trong thuyền, chỉ cần chúng ta kêu cứu, Ngài sẽ ra tay giúp đỡ chúng ta...

Đó là cuộc thử thách lòng tin mà –qua hoàn cảnh- Thiên Chúa luôn gởi đến cho những ai tin tưởng vào Ngài, tin tưởng vào Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, đang hiện diện trong con thuyền cuộc đời của chúng ta.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chúa nhật 11 thường niên



CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : 4, 26-34.
“Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.”

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra một vấn nạn để cho chúng ta suy nghĩ: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây, lấy ví dụ nào mà hình dung được?” Rồi chính Ngài đã giải thích cho chúng ta biết Nước Thiên Chúa giống như hạt cải. Trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm thực tế sau đây.

1.   Làm việc thiện.
Nếu trong tâm hồn chúng ta có tình yêu Thiên Chúa, thì đồng thời chúng ta cũng biết đem hạt giống ấy gieo vào tâm hồn người khác bằng cách đi làm việc thiện, bởi vì khi làm việc thiện là chúng ta gieo hạt giống Lời Chúa vào tâm hồn của tha nhân, khi thấy chúng ta làm việc thiện giúp đỡ người khác không tính toán, không đòi báo đáp, dù cho chúng ta không để ý theo dõi tình trạng kết quả, thì hạt giống ấy (việc thiện) vẫn cứ âm thầm nảy mầm và đến lúc nào đó, với ơn Chúa giúp thì họ sẽ trở thành người Ki-tô hữu, người con của Chúa như chúng ta.

Chúng ta nhận ơn của của Chúa cách nhưng không thì nên cho đi cách nhưng không, có nghĩa là những việc thiện mà chúng ta làm cần phải sáng rực tình yêu vô vị lợi, vì Thiên Chúa mà thực hành đức ái, có như thế tâm hồn những người mà chúng ta giúp đỡ sẽ đâm chồi nẩy lộc tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.

2.   Nước Trời ở trong chúng ta.
Nước Trời được gieo vào trong tâm hồn chúng ta ban đầu nhỏ như hạt cải, nó chính là đức tin, đức tin được lớn dần qua hoàn cảnh của cuộc sống, nhất là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, bởi vì đức tin được qua thử thách là đức tin trưởng thành và vững mạnh, có như thế mới trở thành chứng nhân cho Nước Trời ngay tại trần gian này.

Đức tin của chúng ta không phải tự nhiên mà có, nhưng được Thiên Chúa – qua Giáo Hội- gieo vào trong tâm hồn chúng ta, đức tin được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể và được củng cố bằng Lời Chúa thì nó sẽ ngày càng lớn mạnh, có thể bảo vệ linh hồn mình khỏi những cám dỗ của ma quỷ và thế gian, có thể bảo vệ Giáo Hội qua những cơn bách hại của những mưu mô ma quỷ.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su ví Nước Trời giống như hạt cải, nghĩa là ảnh hưởng và sức mạnh của nó có thể làm nơi trú ẩn cho chim trời. Đức tin của chúng ta cũng thế, cần phải lớn mạnh để có thể trở thành những chứng nhân cho Nước Trời ngay trong cuộc sống của mình.

Nước Trời là một thực tại có thật bắt đầu trong tâm hồn của mỗi người Ki-tô hữu và kết thúc viên mãn mai sau trên thiên đàng, đó chính là những việc lành thánh thiện mà chúng ta làm với ánh sáng đức tin soi dẫn, bởi vì Nước Trời không phải chỉ là thực tại mà thôi, nhưng còn là sống động nữa nơi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.