Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi

 


LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Tin mừng : Ga 16, 12-15
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.
Bạn thân mến,
Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, đây là mầu nhiệm lớn trong đạo Công Giáo, và cũng là cốt lõi đức tin của người Ki-tô hữu, trong tâm tình của ngày lễ này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy ý sau đây :
Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu. Một tình yêu bất khả phân và viên mãn, là chủ thể của mọi tình yêu trên trời dưới đất, tình yêu này được hình thành không phải do nguyên lý của xác thịt, nhưng mọi tình yêu của loài xác thịt đều phải phát xuất từ tình yêu này mà có và tồn tại. Tình yêu này đã tạo dựng nên trời đất muôn vật, và hoàn thiện nó bởi tình yêu dâng hiến hy sinh cách trọn vẹn của Đức Chúa Giê-su, khi Ngài chết trên thập giá và sống lại vinh quang.
Tình yêu này không dừng lại khi Đức Chúa Giê-su hoàn tất công trình cứu chuộc ở trần gian và lên trời vinh hiển, nhưng Thánh Thần được Đức Chúa Cha phái đến với Hội Thánh, vẫn tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hội thánh và mỗi người Ki-tô hữu, cho đến ngày đạt đến viên mãn trong Nước Thiên Chúa.
Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa của Hiệp Nhất.
Đức Chúa Cha yêu thương Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần là do sự hiệp nhất yêu thương này mà có, một sự hiệp nhất như gốc cây nho với cành nho và sinh ra hoa trái để cho con người hưởng dùng. Hiệp nhất là đặc tính cốt lõi của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cũng là nơi phát sinh ra sự hiệp nhất trong mọi cộng đoàn con cái của Giáo Hội trên trần gian.
Hiệp nhất nhưng không lệ thuộc, Đức Chúa Con không lệ thuộc vào Đức Chúa Cha nhưng đồng bản tính và ngang hàng với Cha, Đức Chúa Thánh Thần không lệ thuộc vào Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha, nhưng là đồng bản tính với Cha và Con, và trở nên Đấng thánh hóa và đổi mới nhân loại và vũ trụ sau khi Đức Chúa Giê-su về trời.
Ba ngôi hiệp nhất để vạn vật biến hóa sinh tồn, để Giáo Hội được hiệp nhất và đổi mới luôn trong Thần Khí của Thiên Chúa.
Bạn thân mến,
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được Đức Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết, nhưng bí nhiệm đời đời của mầu nhiệm này thì trí óc con người của chúng ta không thể suy thấu, nhưng với đức tin, ân sủng của Thiên Chúa ban cho và qua giáo huấn của Giáo Hội, thì chúng ta hiểu rằng: đây là mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm của hiệp nhất.
Do đó khi mà bạn và tôi suy niệm đến tình yêu và sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, thì bạn và tôi cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho gia đình chúng ta có một tình yêu chân thật, một sự hiệp nhất gắn bó giữa cha mẹ và con cái với nhau, một tình yêu bất khả phân ly và tương trợ lẫn nhau, giữa một xã hội đầy chia rẽ và vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa này...
Bạn và tôi cũng nhớ đến cộng đoàn và giáo xứ của mình khi suy đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi này, đó là sự đoàn kết và hiệp nhất với nhau của mỗi phần tử trong cộng đoàn và giáo xứ, để dưới sự lãnh đạo của Đức Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta biết sống yêu thương đoàn kết và hiệp nhất với nhau hơn...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


51.   LŨ CHUỘT THAM ĂN

Con chuột thích ăn vụng lúa gạo vào nửa đêm.

Người đất Việt (bây giờ là vùng đất tỉnh Triết Giang-Trung Quốc) đem lúa gạo cất vào trong vại để mặc cho chuột ăn mà vẫn phớt lờ, con chuột bèn đi kêu tất cả đồng bọn lại ăn trộm lúa gạo.

Sau đó, người Việt đem lúa gạo ở trong vại cất đi và đổ nước đầy vại rồi rắc đường gạo lên trên, màng đường phủ đầy mặt nước, lũ chuột hoàn toàn không hay biết, vẫn còn cho rằng đó là lúa gạo nên nhảy vô vại ăn vụng, kết quả là tất cả đều bị chết chìm.

                                                                                                (Dã sử)

 

Suy tư 51:

         Bóng đêm là đồng loã của tội lỗi, bóng đêm cũng là đồng loã cho việc trộm cắp, và bóng đêm cũng là cạm bẩy cho người tốt cũng như người xấu.

Con người ta thường hay bắt chước nhau trong cách ăn mặc, nên gọi là mốt thịnh hành; người ta cũng thường hay bắt chước nhau sống hưởng thụ, nên gọi là nhàn cư; nhưng rất ít người bắt chước gương lành mà các thánh nam nữ đã sống như Chúa dạy.

Người bắt chước nhau làm điều xấu như: gian dâm, nói xấu người khác, kiêu ngạo, giết người.v.v... thì trước sau gì cũng chết phần linh hồn, bởi vì họ chỉ thấy cái hưởng thụ sung sướng vật chất phần xác trước mắt, cũng như lũ chuột đã chết chìm cả đám vì chỉ thấy đường ngọt bên trên mà không thấy phần chết nguy hiểm bên dưới, và bởi vì lũ chuột bắt chước nhau ăn trộm, tức là làm điều xấu...

Những người Ki-tô hữu có một thói quen bắt chước rất tốt lành, đó là họ bắt chước nhau đi dâng thánh lễ ngày chủ nhật, họ bắt chước nhau tham dự các bí tích Thánh Thể và Hoà Giải, và từ những bắt chước thánh thiện trong nhà thờ này, họ lại bắt chước nhau làm việc thiện, hoạt động tông đồ, bắt chước nhau làm gương tốt cho giới trẻ, cho thiếu nhi ngoài xã hội. Những bắt chước này sẽ làm cho họ được hạnh phúc ở đời này cũng như ở đời sau.

Bắt chước nhau và rủ nhau làm việc lành và bắt chước nhau rủ nhau làm sự dữ, tôi thích chọn loại nào ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


50.   NGƯỜI NƯỚC TRỊNH QUÝ CÁ

Nước Trịnh có một người rất thích cá, hắn ta dọn ra ba cái bồn nước ở trong sân, nếu bắt được cá thì thả vào trong để nuôi.

Một vài con cá vì vừa mới bắt ở dưới sông lên nên có con bụng thì hướng lên, có con thì tắt hơi, có con thì bị thương tích nên người ấy bèn bắt tất cả cá bỏ vào trong bồn nước coi ra sao, nói:

-      “Mấy con cá này không phải bị thương sao ?”

Qua một lúc sau lại lấy cơm và cám cho nó ăn, tiếp theo lại bắt cá ra coi nó đã ăn hết chưa, có người nhìn thấy như vậy thì khuyên hắn ta đừng làm như vậy, hắn nói:

-      “Tôi quý cá, tôi quý cá !”

(Dã sử)

 

Suy tư 50:

        Có người thích nuôi cá vì cá có nhiều loại coi rất đẹp mắt nhưng không quý cá, có thì nuôi không có thì thôi chứ không bận tâm; có người quý cá nhưng không biết cách nuôi cá, cho nên quý cũng như không, cuối cùng cũng làm cho cá chết.

        Có người thích làm linh mục vì thấy linh mục được nhiều người kính trọng và được ăn trên ngồi trước chứ không yêu quý chức vụ linh mục, cho nên khi đã đạt được “chức” linh mục rồi thì cá tính cố hữu như kiêu ngạo, ăn nói cộc cằn thô lỗ, hách dịch bấy lâu nay bị dồn nén để ”qua sông” nay lại vùng lên trong cuộc sống của họ, khiến cho họ trở nên độc tài độc đoán trong cách cư xử với giáo dân cũng như với người khác...

        Người yêu quý chức vụ linh mục là người biết mỗi ngày một chút tập luyện nhân đức, đổi mới cá tính cho giống với thiên chức linh mục của Chúa, họ quý chức thánh mà họ đã lãnh nhận, nhưng cũng có lúc họ bị ngã, bị té nhào rồi bị giáo dân, bè bạn, người thân trách móc buồn rầu, nhưng họ biết can đảm vùng đứng lên, đi tới và bám chặt vào ân sủng của Chúa, bởi vì họ yêu quý chức linh mục mà Chúa đã vì yêu thương mà trao ban cho họ.

        Người thích làm linh mục vì để ăn trên ngồi trước, vì để được mọi người kêu bằng cha, thì cũng giống như người kia quý cá vậy, hể có ai góp ý về đời sống linh mục của mình thì mặt mày đỏ tía và la to lên: “Tôi là linh mục, tôi là linh mục chứ không phải là người đời !?”

Tạ ơn Chúa vì số lượng linh mục loại này rất ít.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


49.   GÀ NƯỚC THỤC BUỒN BỰC

Ở Đồn Trạch có người nọ nuôi một con gà nước Thục lông cánh rất đẹp, một hôm có một con diều hâu bay trên không, gà nước Thục vội vã dùng cánh bao che cho lũ gà con vì chỉ sợ bị diều hâu tha mất.

Sau khi diều hâu bay đi không lâu thì bay lại một con quạ, con quạ này bay lên bay xuống với gà con và cùng ăn mồi với bầy gà con, gà nước Thục nhìn nó rất là thuần lương, bèn coi nó như là đồng bạn của mình.

Nhưng, con quạ lợi dụng lúc gà nước Thục không để ý liền tha một con gà con bay đi. Gà nước Thục ngước mắt nhìn trời, rất là buồn bực.

                                                                        (Dã sử)

 

Suy tư 49:

        Con người ta chắc chắn là không ai dám cầm dao chém người nên khó mà có thể phạm tội giết người; con người ta bình thường thì không thể phạm tội hiếp dâm, bởi vì ai cũng có lý trí suy xét nên cũng khó mà phạm tội ấy. Không dám phạm hai tội ấy là bởi vì nó quá nặng, hậu quả quá ư là đáng sợ...

        Nhưng trên thế gian vẫn có người phạm tội giết người, vẫn có người phạm tội hiếp dâm.

        Người ta phạm hai tội trên là vì người ta coi thường những tội nhỏ, tội “không đáng kể”. Người ta cho rằng giận hờn có gì đâu mà tội nặng, nói xấu người khác có gì là tội, uống một vài ly rượu có gì là ghê gớm, thế là người ta cứ sa đà trong những cái “không đáng kể” ấy, lâu dần trở thành thói quen: thói quen nói xấu người khác, thói quen gặp nhau là nhậu nhẹt, thói quen chửi tục, thói quen giận hờn... những thói quen này sẽ đưa chúng ta đến tù tội trong ngục và án phạt trong hoả ngục mà chúng ta không hay.

        Con diều hâu (tội trọng) là loài thích ăn gà con, nên gà mẹ thấy là đề phòng ngay, con quạ (tội nhẹ) nó khôn hơn, cứ sà xuống chơi đùa với đám gà con (thói quen) làm cho gà mẹ thích thú không đề phòng, thế là khi có cơ hội là tha ngay gà con đi...nhậu (phạm tội trọng).

        Ma quỷ là loài đại ma giáo, khôn lanh hơn chúng ta tưởng nghĩ, vì thế chúng ta nên cầu nguyện và đề phòng bằng cách đừng dễ dãi với những thói quen xấu của mình, để rồi buồn bực khốn nạn trong tội trọng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)