Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Lễ Thánh Gia Thất



LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng : Lc 2, 41-52
“Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy.”

Bạn thân mến,
Mỗi năm đến dịp lễ Thánh Gia Thất là chúng ta lại có cơ hội cùng nhau chiêm ngắm, học hỏi các nhân đức của thánh cả Giu-se, Mẹ Ma-ri-a và hài nhi Giê-su, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm thảo lại đời sống gia đình của chúng ta coi có phù hợp với Tin Mừng mà Đức Chúa Giê-su đã dạy hay không ?
Chúa dạy chúng ta phải tôn trọng mạng sống của con người :
Đức Mẹ Maria đã vui mừng hân hoan hát lên bài ca tạ ơn Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa...”[1] Mẹ hát khúc ca tạ ơn này khi đến thăm viếng bà chị họ là bà Ê-li-sa-bét sau khi đã cưu mang Đức Chúa Giê-su như lời sứ thần truyền tin, Mẹ vui mừng vì ơn cứu độ đã đến, Mẹ vui mừng vì Thiên Chúa đã đoái hoài đến Mẹ, và quan trọng hơn, Mẹ vui mừng vì hài nhi mà Mẹ cưu mang trong mình chính là Đấng cứu độ mà muôn dân trông đợi, và đã được các tiên tri loan báo từ trước, Ngài chính là căn nguyên của sự sống.
Nhìn vào hang đá chúng ta thấy hài nhi Giê-su nho nhỏ dễ thương, bạn và tôi liền nghĩ ngay đến các em nhỏ trong mọi gia đình của chúng ta và của những gia đình khác, dễ thương đẹp đẽ như các thiên thần, đó chính là một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Hãy trân trọng và bảo vệ các thai nhi đang còn trong bụng mẹ, các thai nhi ấy cũng là con người, cũng có sự sống, sự sống này bởi Thiên Chúa ban cho và chỉ mình Ngài mới có quyền quyết định.
Ngày nay có rất nhiều người mẹ giết chết con mình khi nó còn trong bụng mình, có rất nhiều tổ chức vận động cho việc phá thai, tức là tổ chức việc giết người ngay còn trong bụng mẹ, tất cả những thai nhi ấy đều có quyền sống và có quyền làm người, vậy mà nó lại bị chính cha mẹ của nó giết chết khi còn trong dạ, tất cả cũng chỉ vì những cha mẹ này ích kỉ, muốn có một cuộc sống hưởng thụ khoái cảm nhục dục và sự vô trách nhiệm của xã hội.
Chúa dạy chúng ta phải biết vâng lời cha mẹ:
Vâng lời hơn dâng của lễ, đó là một câu nói bao gồm sự đạo đức của người Ki-tô hữu. Vâng lời này được bắt đầu từ Con Thiên Chúa làm người –Đức Chúa Giê-su Ki-tô- chính Ngài đã vâng lời Chúa Cha xuống thế để cứu chuộc nhân loại, thánh Phao-lô tông đồ đã kinh ngạc và xác tín sâu xa về sự vâng phục của Đức Chúa Giê-su như sau:
“Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế...”[2]
Nhìn vào hang đá chúng ta thấy hài nhi Giê-su đang nằm trần trụi trong máng lừa, bạn và tôi liền nghĩ ngay đến sự cùng cực của người bất hạnh, chúng ta thương tâm cho Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, nhưng cái quan trọng hơn hết mà bạn và tôi phải nghĩ ngay đến, đó là sự vâng phục và khiêm nhường của Ngài:
-       Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì vậng lời mà Ngài trở nên giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
-       Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì vâng phục mà Ngài đã sinh ra trong hang lừa máng cỏ.
-       Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì khiêm nhường nên Ngài đã trở nên con cái của loài người...
Ngài dạy chúng ta một bài học sâu xa của sự vâng lời cha mẹ trong gia đình, các bậc là những người thay mặt Thiên Chúa để sinh thành dưỡng nuôi chúng ta, chúng ta vâng lời cha mẹ là vâng lời Thiên Chúa, chúng ta phục vụ chăm sóc cha mẹ là phục vụ chăm sóc Thiên Chúa, ai nói kính mến Thiên Chúa mà không kính mến cha mẹ mình, thì dứt khoát là người bất hiếu với Thiên Chúa, bởi vì cha mẹ là đấng sinh dưỡng chúng ta mà chúng ta không yêu mến thì sao lại nói yêu mến Thiên Chúa được...
Bạn thân mến,
Nhìn vào hang đá bạn và tôi còn học được rất nhiều bài học cho đời sống làm người, cho niềm tin tôn giáo của chính mình, nhưng cái mà xã hội hôm nay cần đến chúng ta, đó là: bảo vệ mạng sống của con người và nhất là bảo vệ mạng sống của các thai nhi, hai là chúng ta phải nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong gia đình của mình qua việc con cái biết vâng lời thào hiếu với cha mẹ.
Gợi ý :
1. Có lúc nào anh chị em can đảm cản trở những người có ý định hoặc hành động phá thai ?
2. Anh chị em có cầu nguyện cho những người hoặc tổ chức tự do phá thai, để họ nhận ra các thai nhi cũng có quyền sống và cần bảo vệ ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 



[1] Lc 1, 39-56.
[2] Pl 2, 6-7.

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Tản mạn hậu giáng sinh 2018



TẢN MẠN HẬU GIÁNG SINH 2018

1.          Viếng thăm.
Phúc Âm của chúa nhật 4 mùa vọng năm nay đã tường thuật việc Đức Mẹ Ma-ri-a sau khi được sứ thần truyền tin thì vội vã đi thăm chị họ mình là bà Ê-li-sa-bét, sự thăm viếng này có 2 mục đích: đem Chúa đến và phục vụ.
Từ đoạn Tin Mừng này tôi nghĩ đến những lần thăm viếng của một vài mục tử với giáo dân, thái độ thăm viếng của các ngài có là thăm viếng chân thành như vị mục tử đi thăm chiên của mình, hay như ông chủ đến thăm đầy tớ ? Nhưng phần nhiều là với thái độ của ông chủ, bởi vì chỉ thăm hỏi qua loa rồi vội vã đi về vì lý do còn bận nhiều việc ở nhà chưa làm xong !
Giáng sinh năm nay, có một vài anh chị em công nhân lao động ở cộng đoàn Việt Nam do tôi phụ trách đã nói với tôi là ở quê nhà cha sở đi từng gia đình kêu gọi mọi người đóng góp -những giáo dân giàu có và những gia đình có con em đi lao động nước ngoài- ủng hộ tiền để chuẩn bị cho hang đá thật hoành tráng mà các ngài đã lên kế hoạch, và hang đá thật hoành tráng thì tốn rất nhiều tiền bạc và công sức của giáo dân. Mọi người trầm trồ khen ngợi cha sở tài giỏi biết kiếm tiền, biết thiết kế công trình hang đá đẹp hoành tráng hơn tất cả các giáo xứ trong hạt...Nhưng ngài không thấy hay quên đi, hay nghĩ phớt qua là Đức Chúa Giê-su chỉ muốn sinh ra trong tâm hồn của con người, chứ không muốn ở trong những hang đá hoành tráng do cha sở làm ra với tiền lao động đầy mồ hôi và nước mắt của giáo dân...

2.      Nhà thờ hay công viên giải trí.
Hình như mỗi năm thì phần đông các nhà thờ làm hang đá càng hoành tráng, thi đua nhau để làm hang đá từ trong nhà thờ ra đến ngoài nhà thờ. Năm nay cũng vậy, các giáo xứ có “máu mặt” vì tức tiếng gáy mà nổi lên phong trào làm hang đá cho hoành tráng, có giáo xứ tốn cả vài chục triệu để làm hang đá phải đẹp hơn hang đá của nhà thờ bên cạnh..
Ngày lễ Giáng Sinh, người ta đi coi hang đá hơn là đi dự thánh lễ, có một vài giáo xứ bên trong nhà thờ thì cử hành thánh lễ, đồng thời bên ngoài nhà thờ người ta đua nhau chụp hình, nam nữ ôm nhau xẻo nẹo, hôn hít chụp hình kỷ niệm. Nhà thờ đã biến thành công viên vui chơi giải trí và người ta không còn phân biệt công viên với nhà thờ, người ta càng chụp hình thì cha sở mặt mày tươi rói vì mình thiết kế hang đá đẹp và được khen tặng là cha sở quá giỏi.
Có những giáo xứ đã biến bên trong nhà thờ thành công viên và hơn cả công viên với đủ thứ đèn màu xanh đỏ chớp chớp lung linh, và hình như những người đến tham dự thánh lễ đều có tâm trạng không vui khi dự thánh lễ, bởi vì nhà thờ đã thành tục hóa bởi có cha sở muốn chơi nổi đem cả dàn kèn trống xập xình như nhạc sống trong thánh lễ. Sự cám dỗ tục hóa đã thành công nơi một vài giáo xứ khi cha sở chỉ chuộng hình thức bên ngoài mà không chăm chút đời sống nội tâm. Có giáo dân đã nói: muốn biết cha sở có đời sống nội tâm hay không thì coi hang đá của ngài làm.
Có một thời vì để các bạn trẻ công giáo không đi dự lễ giáng sinh trong nhà thờ, nên người ta bèn dựng ngay một sân khấu hoành tráng bên cạnh nhà thờ với những trò vui chơi giải trí để thu hút các bạn trẻ đến chơi hơn là đi lễ.
Bây giờ thì có những nơi cha sở là những mục tử đã biến nhà thờ thành công viên với những màn trang trí rất đẹp nổi trội nhưng vô bổ cho đời sống tâm linh, không làm cho giáo dân suy niệm về mầu nhiệm giáng thế của Đức Chúa Giê-su, và càng không làm cho giáo dân thấy sự khó nghèo của Ngài trong nơi máng cỏ hang lừa, bởi vì chỗ linh thiêng nhất chính là nhà thờ, cung thánh, là nhà tạm, nhưng có một vài mục tử đã “bứng” Chúa đi để biến cung thánh thành sân khấu với những đèn màu nhấp nháy hơn cả phòng trà ca nhạc và ca múa nhạc kịch thứ thiệt ngoài đời...
Người ta viện cớ lễ giáng sinh là dịp để truyền giáo, vậy mà bên cạnh nhà thờ có rất nhiều người chưa biết Chúa là ai cả dù năm nào cũng có lễ giáng sinh; người ta nói lễ giáng sinh là phải vui mừng nhảy múa, cho nên đã biến cung thánh làm sân khấu hoành tráng tục hóa hơn cả sân khấu chuyên nghiệp ngoài xã hội; người ta nói lễ giáng sinh là phải làm cho hoành tráng, là biểu hiện tài năng của cha sở, nhưng trong giáo xứ người nghèo đói và trẻ em thất học còn nhiều...

3.      Máng cỏ Bê-lem và máng cỏ tâm hồn.
Máng cỏ Bê lem rất đơn sơ, đơn giàn chỉ là cái máng cho lừa bò ăn, nhưng nó được diễm phúc được làm nôi cho Con Chúa Trời nằm trong mùa đông tuyết lạnh, từ máng cỏ thấp hèn ấy tỏa lan một hơi ấm làm cho tâm hồn của các mục đồng như nóng lên vì tình yêu của Thiên Chúa, và họ đã thờ lạy Hài Nhi với tâm hồn yêu mến và tin kính. Họ đã mở lòng ra cho Đức Chúa Giê-su sinh ra trong tâm hồn của họ.
Với thân phận con người, Đức Chúa Giê-su sinh ra nơi máng cỏ Bê-lem, nhưng với thiên tính Thiên Chúa, Đức Chúa Giê-su thích sinh ra trong tâm hồn của những ai thành tâm đón nhận Ngài, nơi những con người nghèo khổ bất hạnh. Chắc chắn Đức Chúa Giê-su không thích sinh ra nơi những hang đá do con người làm ra, khi mà những hang đá ấy làm mất đi ý nghĩa mầu nhiệm giáng sinh làm người của Ngài, mà mầu nhiệm giáng sinh chính là làm nổi bật sự nghèo khó, khiêm hạ và vâng phục của Chúa.
-          Ước gì mỗi dịp lễ giáng sinh là các mục tử biết chỉ cho giáo dân của mình thấy máng cỏ đích thực mà Đức Chúa Giê-su yêu thích nhất là tâm hồn của họ.
-          Ước gì mỗi dịp lễ giáng sinh đến thì các mục tử đừng đuổi Chúa ra khỏi đàn chiên, và đừng đuổi chiên ra khỏi chuồng chiên vì cách nghĩ “phải làm cho thật hoành tráng” của mình.
-          Ước gì các mục tử đừng bận tâm quá nhiều về việc chuẩn bị làm hang đá cho hoành tráng, mà nên chú trọng và bận tâm vào việc chia sẻ và đồng hành với những giáo dân nguội lạnh lòng mến và yếu đuối trong đức tin nơi giáo xứ của mình.
-          Ước gì mỗi dịp lễ giáng sinh thì giáo dân được hạnh phúc nhìn thấy vị mục tử của mình là Chúa Ki-tô thứ hai với đức tính hiền lành, yêu thương và khiêm tốn.

4.      Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta.
Mỗi dịp giáng sinh về, chúng ta làm hang đá cho thật đẹp, tốn bao nhiêu tiền của cũng không tiếc, nhưng chúng ta chưa một lần nào nhìn thấy Đức Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt, rồi chúng ta làm một hoặc hai cái hang đá thật lớn đầy ánh sao điện tử, đầy những dây kim tuyến rực rỡ màu sắc, đầy những bóng đèn lấp lánh, rồi ép Đức Chúa Giê-su nằm trong hang đá lộng lẫy ấy...
Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta chứ không phải ở trong hang đá, Ngài ở đâu mà chúng ta tìm không thấy ? Thánh Gioan tông đồ quả quyết rằng Ngài đang ở giữa chúng ta, chúng ta có thể nghe tiếng Ngài, đụng chạm đến tay Ngài và thấy Ngài (1 Ga 1-2). Ngài chính là những người mà chúng ta đang gặp gỡ hằng ngày; Ngài chính là người mà chúng ta mới ngày hôm qua chửi như tát nước vào mặt họ; Ngài chính là những em bé đang ngủ co ro dưới gầm cầu, là những cụ gia đi kiếm miếng ăn nơi đống rác...Chính Đức Chúa Giê-su đang hiện diện giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta, gặp mặt chúng ta hằng ngày mà chúng ta không nhận ra Ngài...
Lễ giáng sinh là dịp để cho chúng ta lại một lần nữa sống mầu nhiệm giáng thế của Đức Chúa Giê-su, tức là để chúng ta tìm gặp Ngài nơi anh chị em của chúng ta, chứ không phải làm hang đá thật hoành tráng, thật tốn kém để thỏa mãn tính kiêu ngạo và ham danh của chúng ta, để rồi chúng ta chiêm ngắm những hang đá vô hồn đó dù là nhiều ánh đèn chớp sống động, tại sao vậy ?
Thưa, là vì Đức Chúa Giê-su không bao giờ thích sinh ra nơi những tác phẩm của những người chỉ biết khoe khoang, kiêu ngạo và ích kỷ...
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”

27/12/2018

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Lễ Giáng Sinh


LỄ GIÁNG SINH
(Thánh lễ ban ngày)

Tin mừng : Ga 1, 1-18
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Bạn thân mến,
Hôm nay đúng là ngày lễ Giáng Sinh, ngày đại lễ của toàn thể dân Thiên Chúa trên khắp địa cầu, ngày mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại bằng việc Con Thiên Chúa giáng trần, Ngài là ánh sáng chiếu soi đêm tối, là vừng thái dương xuất hiện xua tan bóng đêm của ác thần tội lỗi đang thống trị địa cầu.
Đức Chúa Giê-su là ánh sáng của chân lý,
Ánh sáng này đã bừng lên trở thành dấu lạ soi dẫn ba nhà hiền sĩ đi tìm chân lí bởi trời xuống.
Đức Chúa Giê-su là ánh sáng của người thiện tâm,
Ánh sáng này đã làm cho tiên tri Si-mê-on thao thức chờ đợi trước khi trở về cùng tổ tiên, ánh sáng này cũng đã làm cho bà tiên tri An-na cất giọng ngợi ca Hài Nhi cho hết thảy mọi ngư
Đức Chúa Giê-su là sáng sáng của người nghèo,
Ánh sáng này đã rực lên giữa bóng đêm lạnh lẽo của miền Bê-lem với các mục đồng, ánh sáng này đã chiếu soi tận tâm hồn của họ, khiến họ vui mừng hân hoan đi xem sự lạ mới xảy ra, và họ đã tin và bái lạy ánh sáng của Thiên Chúa là Hài Nhi đang nằm trần truồng lạnh rét trong hang đá.
Đức Chúa Giê-su là ánh sáng của Tình Yêu,
Vì yêu mà Ngài đã giáng trần,
vì yêu mà Ngài đã trở nên thấp hèn rốt hết trong con cái loài người,
vì yêu mà Ngài đã chịu chết trên thánh giá,
vì yêu mà ngài đã nhẫn nại với những tội lỗi của nhân loại,
vì yêu mà Ngài đã trở nên ánh sáng cho mọi tình yêu ở trần gian. Do đó ai không được ánh sáng tình yêu của Ngài chiếu dọi, thì không biết yêu thương và không biết dâng hiến phục vụ, ai không có ánh sáng tình yêu của Ngài soi sáng thì tình yêu của họ chỉ là  một tình yêu giả dối, hưởng thụ và giai cấp mà thôi...
Bạn thân mến,
Thiên Chúa đã trở nên người phàm và ở giữa thế gian, ở giữa bạn và tôi, nhưng Ngài vẫn là ánh sáng, để hướng dẫn và soi sáng cho những tâm hồn biết đi tìm ánh sáng chân thật, để thay đổi cuộc sống  trì trệ của mình, thay đổi tư tưởng hận thù ghét ghen của mình, thay đổi những cuồng vọng đam mê của mình...
Mừng đại lễ Chúa giáng sinh là mừng ngày chúng ta được giải thoát khỏi ách thống trị của ma quỷ, là ngày mà Thiên Chúa trao sứ mạng cho bạn và tôi, và cho tất cả những người Ki-tô hữu khác, hãy trở nên ánh sáng cho mọi người, hãy phản ánh lại ánh sáng chân thật của Ngài cho tha nhân bằng chính việc làm bác ái, yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại như Ngài đã làm, và như thế, chúng ta đã loan báo cho mọi người biết rằng: Thiên Chúa đang cư ngụ giữa chúng ta, Ngài chính là anh, là chị, là em, là bạn, là tôi và Ngài chính là tất cả những ai đang hết lòng phục vụ anh chị em chung quanh mình...

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.