Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Chúa nhật 4 mùa chay


CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY

Tin mừng : Ga 9, 1.6-9. 13-17. 34-38
“Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác và khi về thì nhìn thấy được”.

Anh chị em thân mến,
Theo truyền thống của Giáo Hội, chúa nhật thứ tư mùa chay là chúa nhật của vui mừng và hy vọng, vui mừng là vì chúng ta sẽ được cùng sống lại với Đức Chúa Giê-su trong đêm phục sinh của Ngài, và hy vọng chờ ngày Ngài đến trong vinh quang phục sinh. Do đó mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chia sẻ nổi vui mừng với người mù đã được Đức Chúa Giê-su làm cho sáng mắt và được nhìn thấy.

Là người Ki-tô hữu, chúng ta đều biết rằng, ngoài con mắt xác thịt ra, thì chúng ta còn có thêm “con mắt đức tin” nữa, con mắt xác thịt thì chúng ta nhìn thấy mọi sự theo xác thịt và tính ích kỷ của chúng ta; con mắt đức tin thì nhìn mọi sự theo sự hướng dẫn của Lời Chúa và lời giáo huấn của Giáo Hội.
Có một câu chuyện nhỏ như thế này :
Có con sâu róm đi ngang qua trước mặt con trâu, con trâu la lớn :”Trời ạ, nó xấu quá”.
        Đấng tạo hóa nói: “Không, nó rất đẹp”.
-         “Ngài cảm thấy nó đẹp ư ?”- Con trâu nghi ngờ và cảm thấy ghét, nói tiếp : “Ngài coi, toàn thân nó toàn lông là lông, béo phệ ụt ịt, nhìn thấy tởm lợm”.
        Đấng tạo hóa nói:
-              “Này con, con nhìn vẻ bên ngoài của nó, còn Ta, Ta nhìn vẻ bên trong của nó !”[1].

Anh chị em thân mến,
Con trâu nhìn vẻ bên ngoài của con sâu róm bằng con mắt xác thịt, nên nó thấy con sâu róm rất xấu và tởm lợm muốn nôn mửa, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vẻ bên trong của con sâu róm, nên Ngài thấy nó rất đẹp, bởi vì vẻ xấu xí bên ngoài của con sâu róm sẽ không lâu, và nó sẽ trở thah2 một con bướm có nhiều màu sắc rực rỡ đẹp đẽ.

Có rất nhiều lần chúng ta nhìn vẻ bên ngoài của người anh em chị em bằng con mắt xác thịt, nên chúng ta chỉ thấy họ toàn là những người xấu, những người tội lỗi đáng bị gạt ra bên ngoài xã hội, cho nên chúng ta không thèm qua lại với họ, thế là chúng ta đã tự mình xây một bức tường ngăn cách giữa chúng ta với tha nhân, giữa Thiên Chúa với chúng ta; con mắt xác thịt chính là những thành kiến nặng nề của mình, nó cũng là những kiêu ngạo và những suy nghĩ thiên vị của chúng ta trong cuộc sống đời thường.

Chúng ta tự hào mình là người sáng mắt, thông biết thiên văn địa lý, cho nên chúng ta coi thường tha nhân, thế nhưng con mắt đức tin của chúng ta đã bị mù mất tiêu mà chúng ta không biết.

Đức Chúa Giê-su đã chữa cho người mù sáng mắt, và đồng thời, Ngài cũng mở mắt đức tin cho anh ta, để anh ta nhận thấy được người đang nói chuyện với mình chính là Đấng Mê-si-a. Chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Giê-su chữa con mắt tâm hồn của mình, để chúng ta không còn nhìn thấy người tội lỗi là người đáng chết, vì Ngài không kết án họ; không còn nhìn thấy người nghèo là những người ăn bám vì Đức Chúa Giê-su vẫn thương xót họ; không còn nhìn thấy những cô gái điếm là những người đáng bị ném đá vì Đức Chúa Giê-su luôn sẵn sàng tha thứ cho họ…

Vui mừng vì mình được chữa lành hơn là bặm môi kết án anh em chị em, hy vọng vì mình được cứu chuộc hơn là thở dài thất vọng vì anh em chị em mình, đó là sứ điệp của chúa nhật thứ tư mùa chay hôm nay vậy…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.



[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Đã xuất bản tại Saigòn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Con ngỗng ngông cuồng tự đại




CON NGỖNG NGÔNG CUỒNG TỰ ĐẠI
Một anh nông phu lùa một bầy ngỗng trắng đang đi trên đường, thời gian họp chợ sắp đến rồi, nhưng đường thì lại còn quá dài, anh nông phu đưa cây gậy trúc trong tay lên, tức lồng lộng lùa bầy ngỗng đi nhanh chút xíu.
Bầy ngỗng lúc này cũng tức đầy bụng, chúng nó chận một người qua đường và tố khổ:
-         “Trên thế giới còn có ai đáng thương hơn chúng tôi không, cái ông nông phu ấy đối xử với chúng tôi rất là thô lỗ, ông ta nên tôn kính chúng tôi chứ !”
Người khách qua đường tò mò hỏi:
-         “Tại sao bác nông phu phải tôn kính các ngươi chứ ?”
Bầy ngỗng mồm năm miệng mười nói:
-         “Chúng tôi có thể là những hậu duệ danh môn nổi tiếng, tổ tiên của chúng tôi đã từng cứu giúp thành La mã, mọi người vì đó mà tổ chức lễ hội kỷ niệm tổ tiên chúng tôi rất lớn.”
Người khách lại hỏi:
-         “Như vậy còn các ngươi thì sao, có công lao gì nào ?”
Bầy ngỗng ngớ người ra một hồi không hiểu gì cả nên nói: “Tổ tiên của chúng tôi đã...”
Lần này thì người khách không cần khách sáo nữa bắt chẹt chúng nó:
-         “Tổ tiên của các ngươi quả thật là phi thường, nhưng chuyện đó với các ngươi hôm nay thì có quan hệ gì chứ, ta muốn biết các ngươi tự mình có cống hiến gì cho nhân loại không ?”
Bầy ngỗng lại ngớ người ra, qua một lúc sau vẫn cứ nói:
-         “Công lao cứu thành La Mã của tổ tiên chúng tôi rất lớn, về điểm này không phải chúng tôi đã nói qua nhiều lần rồi sao ?”
Người khách lại hỏi như trước:
-         “Điều ta hỏi là: các người đã làm được những việc gì ?”
-         “Chúng tôi ư, cái gì chúng tôi cũng không biết”, bầy ngỗng nói tiếp: “Chúng tôi thật đáng thương, bị ông nông phu thô lỗ ấy đánh lằn ngang lằn dọc khắp người.”
Người khách nói:
-         “Vinh quang thuộc về bầy ngỗng đã cứu thành La Mã, tức là tổ tiên của các ngươi, nhưng các ngươi chẳng có quan hệ chút xíu nào đến vinh quang của tổ tiên cả. Các ngươi chỉ xứng đáng bị lùa gấp gấp như thế đến chợ cho người ta mua về giết chết để làm thức ăn mà thôi.”

Gợi ý:
      Các em thân mến,
     Các bậc tổ tiên có đầy đủ thành tựu quang vinh, và hoàn toàn không thay mặt thân phận của chúng ta, để chúng ta đi so sánh mình “cao quý” hơn người khác. Kính trọng là sự chấp nhận hành vi đạo đức của mọi người dành cho một người nào đó, và trước khi muốn được người khác kính trọng, thì cần phải kiểm điểm coi lại mình có chỗ nào đáng tự hào hay không đã, bởi vì sự kính trọng của người khác dành cho mình, chính là do tư cách hành xử của mình trong cuộc sống đời thường, chứ không phải do tổ tiên để lại.
     Đức Chúa Giê-su đã quở trách những người kinh sư, biệt phái và Pha-ri-sêu, vì họ tự cho mình là con cháu của tổ phụ Ap-ra-ham[1] để rồi coi thường những người khác..
     Hãy tự hào về những thành quả dựng nước và giữ nước của tổ tiên mình, nhưng không thể lấy vinh quang của tổ tiên để làm vinh quang cho mình, rồi vênh váo coi người khác là không có công lao gì cả.
     Người Ki-tô hữu tự hào về đức tin của tổ phụ Ap-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp; người Ki-tô hữu cũng tự hào về các thánh nam nữ của mình vì cuộc sống trỗi vượt của các ngài; và người Ki-tô hữu Việt Nam thì tự hào về các thánh tử đạo của mình, và cố gắng noi gương của các ngài sống giữ vững đức tin, kiên trì trong thử thách, trung thành với Đức Chúa Giê-su và giáo huấn của Hội Thánh...
    Tự hào về tổ tiên và noi gương giữ đạo anh hùng của tổ tiên để được người khác kính trọng, đó là sự kính trọng có ý nghĩa hơn cả.

Các em thực hành:
-      Luôn đọc truyện hạnh các thánh, nhất là thánh bổn mạng của mình, để noi gương các ngài.
-      Luôn cầu nguyện với các thánh, nhất là thánh bổn mạng của mình, để xin các ngài cầu bàu cho mình.
-      Luôn để ý đến lời nói và hành động của mình cho phù hợp với Lời Chúa dạy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

[1] Ga 8, 39-59.

Lại bộc trực nữa rồi.


LẠI BỘC TRỰC NỮA RỒI
Tống Tế đi thi nhiều lần mà vẫn không trúng tuyển, cử chỉ hành động khiến cho người ta rất buồn cười.
Có một lần đi thi thơ phú, anh ta không chiếu theo luật gieo vần quy định để gieo vần, sau khi thi xong, giậm chân đấm ngực cảm khái nói: “Tống Ngũ lại bộc trực tùy ý nữa rồi !” do đó mà nổi tiếng.
Về sau lễ bộ đăng báo theo thứ tự mà chọn, Đường Đức Tôn liền hỏi trước: “Lần này Tống Ngũ tránh được bộc trực tùy ý rồi sao ?”
                               (Sứ bộ Đường quốc)
Suy tư 72:
     Cuộc đời là một trường thi không định kỳ hạn, mỗi giây mỗi phút đều có vinh và có nhục, có tiếng khóc và có nụ cười, có hy vọng và có thất vọng, nhưng mọi người ai cũng có giới hạn của mình.
     Cuộc đời là một thao trường mà mọi người phải chạy, nhưng chỉ có một phần thưởng cho người đến đích trước, như thế không có nghĩa là chấm hết cho những người thất bại, nhưng tình thương của Thiên Chúa đã biểu lộ ra rất rõ ràng trên thao trường, đó là Ngài thích sự cố gắng của mọi người, cố gắng vươn lên.
     Cuộc đời là một thao trường, đời sống tâm linh của mỗi người cũng là một thao trường, nhưng trên trường đua của đời sống tâm linh, thì Thiên Chúa vẫn luôn luôn nhìn thấy bên trong tâm hồn của người thất bại là sự cố gắng vươn lên liên tục của họ.
     Thiên Chúa yêu thích sự cố gắng của chúng ta, đó là một tin vui và một hy vọng cho chúng ta là những người tội lỗi.
     Khi thất vọng là chúng ta có nguy cơ đánh mất phần thưởng đời đời.

    
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.  
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Thượng thư tuân ước


THƯỢNG THƯ TUÂN ƯỚC
Thôi Dung tính tình bừa bãi khinh suất, nhưng thượng thư Trương Kiến Phong lại rất thích thú tài năng của anh ta, triệu anh ta làm môn khách.
Thôi Dung theo Trương Kiến Phong đi vào trong trại lính, đến đêm kêu to gọi lớn làm kinh hãi toàn quân, binh sĩ rất giận dữ, muốn ăn thịt anh ta cho hả giận, Trương Kiến Phong đem anh ta giấu đi. Qua ngày hôm sau thết tiệc, tiệc nửa chừng, quan giám quân nói: “Bản nhân cùng thượng thư ước định, ai có thỉnh cầu gì, thì không được cự tuyệt”.
Trương Kiến Phong nói: “ Được”.
Quan giám quân nói: “Bản nhân thỉnh cầu ngài giao Thôi Dung cho chúng tôi”.
Trương Kiến Phong trả lời: “Tuân ước”.
Một lúc sau, Trương Kiến Phong cũng đề ra thỉnh cầu: “Bản nhân thỉnh cầu là không giao Thôi Dung cho ngài”.
Tất cả mọi người cùng bàn đều cười lớn, như thế Thôi Dung được miễn trị tội.
                                        (Sử bộ Đường quốc)
Suy tư:
     Người ta thường nói : “quân tử nhất ngôn” để biểu hiện mình sẽ thực hiện những lời đã nói, đã hứa.
     Có người vì hăng say, bốc đồng, nên lỡ “quân tử nhất ngôn”, rốt cuộc đem biếu không cho người khác chiếc xe mới mua cáo cạnh vì cá độ; có người vì muốn tỏ ra anh hùng nhất thời nên đã “quân tử nhất ngôn” hứa với người đẹp, rốt cuộc đem chứng từ chủ quyền đất hương hỏa của ông bà đến tiệm cầm đồ để cầm nợ, kiếm vài triệu để tổ chức sinh nhật cho người đẹp...
     Nhưng cũng có người đã “quân tử nhất ngôn” rất anh hùng: thánh trẻ Đa-minh Sa-vi-ô quyết tâm nên thánh và ngài đã nên thánh thật khi chưa đến tuổi thanh niên; thánh nữ tiến sĩ Têrêxa Hài Đồng đã “quân tử nhất ngôn” nói: khi tôi chết, tôi sẽ mưa hoa hồng xuống trên trần gian, và quả thật là như thế, biết bao ơn lành từ trời xuống do ngài cầu bàu...

     Trong cuộc sống biết bao lần chúng ta đã “quân tử nhất ngôn” anh hùng theo kiểu trần thế, nhưng có lẽ là chúng ta chưa “quân tử nhất ngôn” với Chúa: Lạy Chúa, con sẽ nên thánh; lạy Chúa con sẽ trở thành một nữ tu phục vụ Chúa trong anh chị em của con; lạy Chúa, con sẽ trở thành một linh mục khiêm tốn của Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Không được kiêu ngạo


KHÔNG ĐƯỢC KIÊU NGẠO
Ông chú của Bùi Cát là vị quan đời nhà Đường, rất có danh tiếng ở trong triều đình.
Một lần, Bùi Cát đi thăm bà thím, thì nghe được tiếng thở dài của ông chú vừa từ triều trở về nhà, nói:
-         “Thôi Triệu là người như thế nào mà mọi người đều tán tụng ông ta, đúng là một tên giỏi ăn đút lót, người giống như thế, thiên hạ làm sao mà không đại loạn được chứ ?”
Nói chưa dứt lời thì người gác cổng chạy vào báo là có Thôi Triệu và mấy người ở Thọ Châu đến thăm, người gác cổng nói chưa xong, ông chú rất là căm tức, giận hét người gác cổng, và đánh nó, rất lâu sau, ông ta mới áo quần chỉnh tề miễn cưỡng đi ra tiếp khách.
Một chặp sau, ông chú ra lệnh cho mọi người gấp gáp dâng trà, và chuẩn bị tiệc rượu, lại tiếp tục kêu người cho ngựa ăn và khoản đãi người tùy tùng của Thôi Triệu.
Bà thím có mấy chỗ không hiểu, hỏi:
-         “Mới đây ông rất là ngạo mạn, bây giờ sao lại cung kính như thế chứ ?”
Khi ông chú trở về, vừa bước vô cổng, liền cười hi hi cung kính chấp tay giễu Bùi Cát nói:
-      “Xin mời vào thư trai nghỉ ngơi trước”.
Bùi Cát chưa bước xuống thì thấy ông chú lôi từ trong ngực ra một tờ giấy, nguyên là Thôi Triệu tặng cho quan chú một ngàn tấm lụa !
                              (Sử bộ Đường quốc)
Suy tư:
     Hùng hùng hổ hổ chê trách nhiếc mắng sau lưng người ta, rồi lại cung cung kính kính đón tiếp người ta, nếu không phải là kẻ nịnh thần, thì là kẻ không biết nhục vinh, là kẻ ham danh cầu lợi.
     Cuộc sống của người Ki-tô hữu chân chính thì luôn “chọi” lại với loại người ham danh cầu lợi ấy, họ sống trước mặt người đời mà như sống trước mặt Thiên Chúa: họ luôn khiêm tốn trong lời nói và việc làm, họ luôn sẵn lòng giúp đỡ tha nhân, họ luôn chân thật trong đối xử...
     Họ là những người đã sống theo ý của Thiên Chúa, mà “ý của Thiên Chúa là anh em nên thánh”   và họ thuộc về một “dân thánh”  một chủ chiên là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
     Không có gì tốt đẹp cho bằng trong một cộng đoàn giáo xứ, sau thánh lễ ban sáng, cha xứ và giáo dân trước khi về nhà việc ai nấy làm, thì bắt tay hỏi han sức khỏe, gia cảnh của mọi người, và nở nụ cười tươi vui chúc nhau một ngày hạnh phúc tràn đầy hồng ân của Chúa, và một điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là mọi nghi ngờ, mọi bất hòa, mọi xích mích sẽ được tháo gỡ.

Bởi vì không một ai muốn mình trở thành gánh nặng cho anh em.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư