Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Chúa nhật 32 thường niên

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN
 
 

Tin mừng : Lc 20, 27-38

“Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.”

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta một điều Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống. Đó là một mạc khải vui mừng và hy vọng cho nhân loại và cho chúng ta –những người Ki-tô hữu- tin vào sự sống đời sau.

Thiên Chúa là sự sống

Thiên Chúa của kẻ sống, cũng có nghĩa Ngài là chủ sự sống của mọi loài tạo vật, chính Ngài đã tạo dựng và đem sự sống vào trần gian với tất cả sự cao quý của nó. Từ một cõi hoang vu hn độn, Thiên Chúa đã làm cho trái đất trở nên tốt lành bởi những mầm sống của thảo mộc, của thú vật và của con người.

Những người thuộc nhóm Xa-đốc đã không tin có sự sống lại nên đã đến hỏi Đức Chúa Giê-su[1], và Ngài đã trả lời rất minh bạch cho họ nghe rồi Ngài kết luận: đối với Thiên Chúa tất cả đều đang sống.

Một cánh rừng xanh tươi tốt đẹp đang bị cày phá vì ích kỷ của con người, một bông hoa đang nở chưa đến lúc tàn thì bị con người thô bạo ngắt đi đem về thưởng thức một mình, một sự sống đang hình thành trong bụng mẹ đã bị chính mẹ và ba nó giết đi vì muốn sống ích kỷ hưởng thụ.v.v… cây cỏ cũng có sự sống của loài cây cỏ, thú vật cũng có sự sống của loài thú vật, con người cũng có sự sống của con người, tất cả sự sống này đều được Thiên Chúa ban cho, nhất là con người, để chia sẻ tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa đang thực hiện giữa loài người trong vũ trụ này.

Con người ta vì một lý do duy nhất là ích kỷ hưởng thụ, nên đã phá rừng làm hại môi trường, và trong một ngày –trên thế giới- đã giết hàng trăm ngàn thai nhi đang còn trong bụng mẹ, con số này nhiều hơn cả chiến tranh hạt nhân bùng nổ…

Thiên Chúa là nguồn gốc của sự sống, nên tất cả những gì được xuất phát từ văn hoá sự chết đều trở thành kẻ đối đầu với Thiên Chúa, văn hoá sự chết là hưởng thụ ích kỷ, là cổ võ phá thai, là sống vô luân và loan truyền cuộc sống này cho mọi người. Họ quên mất rằng Thiên Chúa là chủ sự sống và mỗi con người trên thế gian này đều có bổn phận góp tay với Ngài để bảo vệ sự sống, dù sự sống này đang tiến triển để hình thành con người hoặc chưa hình thành đang còn trong bụng mẹ nó…

Đức Chúa Giê-su, Đấng tái sinh con người

Sự chết đã nhập vào thế gian do tội lỗi, đó là lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ, và như thế chúng ta có thể khẳng định rằng, ma quỷ là những kẻ đã gieo rắc văn hoá sự chết vào trong thế gian với những đam mê dục vọng và thích lối sống hưởng thụ ích kỷ.

Đức Chúa Giê-su –Đấng Thiên Chúa làm người- đã rành mạch tuyên bố: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không chết nữa…”[2]. Được sống đời sau là ai, đó là những người đã được Máu Con Chiên là Đức Chúa Giê-su rửa sạch, là những người tin vào Đức Chúa Giê-su là Đấng cừu độ, là những người biết trân trọng và biết loan truyền văn hoá sự sống của Thiên Chúa cho tha nhân, bởi vì Thiên Chúa thì làm cho sống còn ma quỷ thì làm cho chết, và ai thuộc về Đức Chúa Giê-su thì sẽ được sống đời đời, đó là chân lý và là nền tảng của văn hoá sự sống.

Anh chị em thân mến,
Có hôm qua, hôm nay và ngày mai;
có năm ngoái, năm nay và sang năm;
có quá khứ, hiện tại và tương lai;
thì đương nhiên cũng có đời trước, đời nay và đời sau[3].

Đời sau là sự sống lại với Thiên Chúa để sống đời đời, hoặc là để chết đời đời trong hoả ngục với ma quỷ.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1] Lc 20, 27.
[2] Lc 20, 34-36.
[3] Trích : “Những lời HAY”, câu 124, bản dịch của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Trứng chuốc họa

TRỨNG CHUỐC HỌA
 
 

Một hôm, con chó nhỏ đùa giỡn trong đám cỏ bên bờ hồ, đột nhiên phát hiện một cái trứng tròn tròn.

-“Ý, cái trứng này ai bỏ ở đây vậy ?”

Con chó nhỏ cầm cái trứng đi hỏi gà mẹ:"Cái trứng này có phải của dì không ?”

­     Gà mẹ đếm đếm trứng của mình, nói:“Không phải của dì.”

     Chỏ nhỏ lại cầm cái trứng đi hỏi con ngỗng mẹ màu trắng, ngỗng mẹ nhìn nhìn cái trứng rồi nói:"Không phải trứng của cô, trứng của cô lớn hơn nó.”

    Con chó nhỏ lại hỏi rất nhiều động vật, nhưng chúng nó đều nói không phải trứng của mình. Vịt mẹ sau khi nghe nói thì vội vàng đi tìm con chó nhỏ, nói:“Đó là trứng của dì, xin trả lại cho dì.”

Chó nhỏ bèn đem cái trứng trả lại cho vịt mẹ, và nhắc nhở vịt mẹ từ nay nên cẩn thận một chút, không nên để cái trứng quý báu ấy mất đi. Vịt mẹ vui vẻ đem trứng về nhà, nó vì mình không tốn công sức mà được một cái trứng, nên ngấm ngầm dắc ý.

     Không lâu sau đó, thời gian ấp trứng đã đến, vịt mẹ nhẫn nại ấp trứng: một ngày, hai ngày, cuối cùng vịt con cũng nở ra, nhưng cái trứng mà nó mạo nhận ấy lại nở ra con rắn, tất cả vịt con đều bị con rắn cắn chết.

     Vịt mẹ nhìn thấy, thương tâm khóc hu hu, nó hối hận nói:“Tôi thật không nên tham lợi nhỏ mà mạo nhận cái trứng tai họa ấy, kết quả làm hại chết mấy đứa con của mình.”

Gợi ý:

      Các em thân mến,

Con vịt mẹ vì tham một cái trứng (không phải trứng do mỉnh đẻ ra), nên cuối cùng đã làm hại đến tất cả các con của mình, như vậy chúng ta có thể thấy: tham một cái lợi nhỏ, thì thường đem lại những tổn thất rất lớn cho tinh thần lẫn vật chất của mình.

Ma quỷ thường hay lợi dụng điểm yếu của con người là lòng tham để cám dỗ chúng ta.

Tham lam tức là có rồi nhưng muốn có thêm nữa; đầy đủ rồi nhưng vẫn cứ cảm thấy chưa đủ; có tiền bạc hàng tỉ rồi nhưng vẫn cứ thấy còn thiếu, do đó mà ma quỷ thường chiến thắng con người trong lãnh vực này.

Các em thực hành:
-Không tham lam của người khác, dù mình không có.
-Biết sống trung thực với mọi người.
-Biết rằng Đức Chúa Giê-su luôn nhìn thấy mình học hành, vui đùa, đọc kinh...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Tên đẹp sau khi chết

TÊN ĐẸP SAU KHI CHẾT
 
 

Trương Lý Ưng sống rất là bừa bãi, được biệt hiệu là “Giang Đông bộ binh”.

Có người khuyên anh ta:

-“Lẽ nào anh bừa bãi vậy mãi sao, anh không muốn để lại một cái tên tốt đẹp sau khi chết sao ?”.

Trương Lý Ưng không một chút lưu tâm, nói:

-“Ngàn vạn cái tên tốt sau khi chết, cũng không bằng bây giờ một ly rượu ngon”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, nhưng thời bây giờ thì người ta không thèm để lại tiếng tốt sau khi chết, vì đối với họ, chết rồi thì “còn làm ăn gì được nữa”, cho nên người ta cứ sống phây phây trên đống tội và trong sự ác của mình.

     Cuộc sống của người Ki-tô hữu, không hệ tại việc sống để lưu lại tiếng tốt cho hậu thế, nhưng là “sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa”, mà sống cho Chúa thì không tìm hư danh, không làm việc tốt để lưu lại tên tuổi cho hậu thế, nhưng làm việc tốt là vì yêu mến Thiên Chúa qua mỗi một con người, qua mỗi sự việc mà họ tiếp xúc, làm việc... Việc làm của người lành thánh sẽ không bị quên lãng, mà Thiên Chúa thì không bao giờ “ủng hộ” việc ác, trái lại, Ngài luôn yêu thích điều lành và khuyến khích ban ơn cho người làm điều thiện, bởi vì Thiên Chúa là Đấng Thánh.

     Các thánh khổ tu đã không muốn người ta khen mình, nên đã vào trong rừng sâu để tu đạo, vậy mà người ta vẫn biết và tôn vinh; các thánh tử đạo đã tuyên xưng đức tin của mình không phải để được khen, nhưng là để chứng minh niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô phục sinh, nên tên tuổi của các ngài đã được ngàn đời lưu danh...

     Người Ki-tô hữu của thời đại ngày nay cũng thế, thành tâm kính Chúa, thật sự yêu người, vui tươi sống đạo, chính là để tiếng tốt lại cho đời vậy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Ngoằn ngoèo vạn lý

NGOẰN NGOÈO VẠN LÝ
 
 

Có người giễu cợt nói Châu bộc xạ lúc nói chuyện cười đùa với bạn bè, thì thế nào cũng kẹp vào một vài lời nhơ bẩn.

Người khác phê bình ông ta nói chuyện không có chứng cớ, Châu bộc xạ thản nhiên nói:

-“Châu mỗ tôi giống như trường giang vạn lý, lẽ nào không vạn lý ngoằn ngoèo sao ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Đức Chúa Giê-su đã quở trách những người Pha-ri-siêu:“Cây mà tốt thì quả cũng tốt ; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các ngươi, thì làm sao nói điều tốt được ? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”.

Cũng vậy, người luôn luôn bất mãn với hiện tại, bất mãn với công việc, bất mãn với mọi người thì bất kỳ ở đâu họ cũng đều có thể thốt ra những lời bất mãn, chỉ trích người này, phê bình việc nọ...

     Có hai hạng người dễ dàng sinh ra bất mãn :

-Một là hạng người có tính kiêu ngạo, bởi vì khi họ làm việc gì được một vài người khen ngợi, thì họ tự mãn chỉ trích người này ngu kẻ khác dốt...

-Hai là hạng người có tính hay phê bình và bất mãn, vì kiêu ngạo nên sinh ra bất mãn, bất mãn thì  sinh ra phê bình...

     Cả hai hạng người này đều có một tâm hồn không được bình an, bởi vì tính kiêu căng và hay chỉ trích đầy ứ cả trong tâm hồn họ, nên tràn cả ra ngoài nơi mỗi lời nói của họ, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra”.

Cả hai hạng người này đều tội nghiệp vì họ không nhận ra giới hạn của mình, cũng không nhận ra ưu điểm nơi người khác, nên tâm hồn họ mãi cứ cong queo ngoằn ngoèo vạn lý không thẳng được.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Tự mình làm bí mình

TỰ MÌNH LÀM BÍ MÌNH
 

 

Vương Cung muốn mời Giang Lư Nô làm trưởng sử quan .

Sáng sớm liền đi đến nhà họ Giang, nhưng họ Giang còn ngủ chưa dậy, một lúc sau mới dậy, nhưng cũng không nói chuyện với Vương Cung, chỉ kêu đầy tớ đem rượu lại, nhưng mà tự rót tự uống.

Vương Cung thấy Giang có khí phách lớn mà phóng khoáng như thế, bèn cười lớn nói:“Sao anh lại uống một mình vậy ?”

Giang nói:

-“Anh cũng muốn uống rượu sao ?” bèn kêu người rót rượu cho Vương Cung.

Vưong Cung uống xong rượu liền đi tiểu tiện, chưa ra khỏi cửa, họ Giang chế nhạo nói:

-“Người tự mình ăn uống vốn là người tự mình làm bí mình vậy !”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Không phải tất cả những người cùng đồng bàn với mình đều là bạn hữu của mình, bởi vì có những người mượn hơi men để chửi rủa bạn bè cùng mâm, có người sau khi nhậu nhẹt xong thì nói xấu bạn bè không chừa một từ nào mà không nói.

Cũng vậy, không phải tất cả những ai đi rước lễ đều là người sạch tội và là bạn hữu của Thiên Chúa ! Thánh Gioan Tông Đồ đã chỉ cho chúng ta thấy những kẻ phản Ki-tô xuất hiện lan tràn trên khắp thế gian, họ lợi dụng sự tin tưởng đơn sơ của người tín hữu để mê hoặc họ đi theo con đường bất chính, trái với giáo lý của Giáo Hội. Những kẻ phản Ki-tô thường lấy Phúc Âm ra để chỉ trích Giáo Hội sai trong giáo lý, đi sai giáo huấn của Đức Chúa Ki-tô và các Tông Đồ, họ đi rước lễ chỉ là “rước lễ tượng trưng” mà thôi, cho nên họ không thể hiệp thông với Mình và Máu của Đức Chúa Ki-tô; họ giải thích “thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý” theo kiểu của họ, nên họ không đến nhà thờ và chỉ trích Giáo Hội xây nhà thờ to lớn, chê cười giáo hữu đến nhà thờ dự thánh lễ là lãng phí thời giờ quý báu...

Tôi cũng sẽ trở nên một tên phản Ki-tô khi tôi đi rước lễ trong tình trạng còn mang tội trọng, tôi cũng sẽ trở nên người xa lạ với Chúa, nếu tôi cứ mãi mãi chỉ trích Giáo Hội là Hiền Thê của Ngài và là Mẹ của tôi.

Bởi vì, không một hiếu tử nào lại chỉ trích và nói xấu mẹ của mình trước mặt thiên hạ.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Bất bình thay cha

BẤT BÌNH THAY CHO CHA
 

 

Tạ Thái Truyền hỏi chủ là Bạc Lục Thoái:

-“Tại sao Trương Hồng thay mẹ để viết văn tế, mà không thay cha để viết văn tế ?”

Lục Thoái trả lời:

-“Đức hạnh của người đàn ông đều đã bày ra nơi hành vi của sự việc, mà tiếng tăm về cái đẹp của phụ nữ, nếu không thông qua văn tế, thì làm sao mà có thể bày ra cho đời được chứ ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Trong sách tướng học của Hi Trương có nói: “nam hướng ngoại, nữ hướng nội”, nghĩa là người đàn ông thì làm những chuyện bên ngoài xã hội, người đàn bà thì lo chuyện nội trợ gia đình, mới đúng là hợp cách. Nhưng nếu như người đàn ông mà quanh năm suốt tháng luẩn quẩn trong nhà, việc nhà tỉ mỉ xem xét, phát tiền cho vợ đi chợ; hoặc là người đàn bà thích lo chuyện bên ngoài xã hội, tham gia chính trị, suốt ngày đi hoạt động đoàn thể này nọ việc coi sóc gia đình khoáng cho chồng, con cái, thì đúng là không hợp cách, nó trái ngược với tự nhiên.

     Trong đời sống tôn giáo, dù là nam hay là nữ, dù là chính trị gia hay bà nội trợ, cũng đều phải hướng nội, hướng nội đây tức là có một đời sống nội tâm. Có “đời sống nội tâm” tức là luôn kết hợp với Chúa từng giây phút, coi mọi sự xãy ra đều là thánh ý của Thiên Chúa. Do đó mà người khôn ngoan luôn lấy nội tâm làm nền tảng cho cuộc sống xô bồ, coi nó như là một cái neo nặng trịch giữ con tàu khỏi bị lênh đênh trên biển đời lắm hiểm nguy.

     Người chồng có đời sống nội tâm là chỗ dựa đáng tin cậy nhất cho người vợ và con cái ; cũng vậy, người vợ có đời sống nội tâm sẽ đem lại niềm vui và hãnh diện cho người chồng và con cái của họ, bởi vì họ luôn được Chúa ở cùng.

     Hướng nội là gốc rễ cây, hướng ngoại là thân cây, gốc rễ cắm sâu trong lòng đất thì thân cây sẽ vươn thẳng, tốt tươi, sinh nhiều hoa trái.

     Cũng vậy, hướng nội là cầu nguyện, hướng ngoại là hoạt động, người có đời sống luôn cầu nguyện kết hợp với Chúa thì sẽ đứng vững vàng trước phong ba bảo táp cuộc đời...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Kẻ trộm ở đây

KẺ TRỘM Ở ĐÂY
 

 

Tào Tháo lúc còn trẻ đã là bạn tốt với Viên Thiệu.  Một hôm, hai người bí mật vào trong sân của đôi vợ chồng mới cưới, nữa đêm lớn tiếng kêu: “Có trộm, có trộm”.

Tân lang đuổi ra tới cổng, Tào Tháo lợi dụng thời cơ vô nhà cướp mất tân nương, cùng với Viên Thiệu bỏ chạy.

Vừa chạy không bao xa, thì bị té vào trong một bụi gai, Viên Thiệu bị thương rất trầm trọng không thể động đậy, muốn la to nhờ người đến cứu, thế là lớn tiếng nói:“Kẻ trộm ở đây, kẻ trộm ở đây !”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Con người ta khi đời sống được sung túc thì lo hưởng thụ để gọi là bù lại những tháng ngày vất vả, và thậm chí quên mất tiêu những tháng ngày gian khổ trước đây...

     Con người ta khi đời sống khổ cực vất vả thì lo bon chen giành giựt từng miếng cơm manh áo, thậm chí đánh mất luôn cả danh dự và tính tự trọng của mình.

     Có những tín hữu lo hưởng thụ, lo bon chen đến nỗi quên mất thánh bổn mạng mình là ai, quên mất luôn cả đường đến nhà thờ, và đương nhiên là “nghỉ chơi” luôn với Chúa. Nhưng đến khi tan gia bại sản, vợ bỏ nhà theo trai, làm ăn thất bại.v.v... thì lại nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa thương con với, Chúa nỡ lòng nào bỏ con sao...?”

     Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta, chỉ có chúng ta mới từ bỏ Chúa, chỉ có chúng ta –những tội nhân bất hiếu- mới không nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa trong đời sống sung túc của mình, trong đời sống khó khăn của mình, bởi vì tình yêu và thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện qua mọi hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư