Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


9.     KHÔNG BIẾT THƯ LỄ

        Ở ven biển có một thư sinh rất tầm thường, vì việc nhà mà đi cáo kiện, khi thấy quan huyện thì cứ ngỡ đó là một đệ tử của nhà Nho.

        Quan huyện nhìn thấy anh ta lễ nghĩa quá tầm thường bèn trách:

-          “Mày đã là một đệ tử của Nho môn, tại sao không biết lễ ﹝禮﹞?”[1]

        Người ấy nói:

-          “Tôi đây sinh trưởng ở ven biển làm gì mà không biết “cá chép[2] hử, cá chép có thất tinh bắc đẩu, người theo đạo giáo tôn thờ không ăn nó”.

        Quan huyện nói:

-          “Ta nói chữ “lễ” ở trong sách chứ ai hỏi mày về con cá chép () !”

Nói xong thì giận dữ sai người đánh tên thư sinh, thư sinh lại cho “sách” là “râu” bèn vội vàng biện luận:

-          “Đại nhân nói sai rồi, có râu là con cá trê chứ không phải là con cá chép ạ !”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 9 :

        Không phải đại nhân nói sai, nhưng là vì anh thư sinh học chưa tới nơi tới chốn, sai một âm, hiểu một nghĩa thì ý tứ đã sai ngàn dặm, lấy lễ nghĩa hiểu thành con cá chép thì quả thật anh thư sinh này chữ nghĩa còn quá kém.

        Cơm nấu chưa tới thì chưa chín nên ăn nó sượng sạo, trái cây non mà đem dú thì bị chua ăn không ngon, con người ta làm việc không đến nơi đến chốn thì là phá hoại, giáo dân giữ đạo nửa vời thì thường hay phá rối đạo, các tu sĩ nam nữ giữ luật không thành tâm thì trở nên gương mù gương xấu, các linh mục không tận tâm chu toàn bổn phận mục tử thì làm cho giáo dân xa nhà thờ...

        Không phải Thiên Chúa không ban ơn sủng cho chúng ta, nhưng chính chúng ta dùng ơn Chúa ban cho để làm việc nửa vời, nên kết quả thường là tương phản với việc chúng ta làm...

        Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] phát âm là “lì”, nghĩa là “lễ” (lễ nghĩa, lễ phép).

[2] cũng phát âm là “lì”, nghĩa là “cá chép”. Đồng âm khác nghĩa.