Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

Chúa nhật 6 phục sinh

 


CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH


Tin Mừng : Ga 15, 9-17
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu.”

Anh chị em thân mến,
Tuần trước có một giáo dân đến “mắng vốn” tôi về người bạn của ông ta, bởi vì quá tin vào bạn bè, nên ông ta đã giao cho người bạn tất cả số vốn để qua đại lục (Trung Quốc) mở công ty, nhưng người bạn “quý” ấy đã cuỗm mất tất cả số tiền ấy và của những người khác đi biệt mất tiêu không nghe tin tức gì...
Có được tình thương chân thật nơi người bạn chân thật, đó chính là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta vậy.

1. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu”.
Trong cuộc sống chúng ta gặp nhiều loại bạn :
Bạn thân, bạn sơ giao, bạn nhậu, bạn buôn bán, bạn làm ăn, bạn hàng xóm, bạn chôi bời, bạn tình, bạn nối khố, bạn học, bạn cờ bạc.v.v... và còn nhiều loại bạn khác mà chúng ta gặp trong cuộc sống đầy bon chen này.
Nhưng chúng ta chưa gặp một người bạn nào dám sống chết vì chúng ta.
Người bạn dám sống chết vì chúng ta thì hiếm có, bởi vì ai cũng muốn kết bạn để thủ lợi cho mình, hoặc là để kết bè kết cánh để củng cố địa vị của mình, hoặc là để cùng nhau có lợi khi làm ăn...
Người bạn tốt chưa chắc phải là người giàu có, cũng không phải là người uống rượu giỏi, cũng không phải là người chịu chôi, nhưng một người bạn tốt là người hiểu, yêu thương và dám hi sinh mạng sống vì bạn hữu , đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh để dạy dỗ các Tông Đồ.
Người bạn tốt chính là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta, như Ngài đã ban tặng Con Một của mình cho nhân loại là Đức Chúa Ki-tô, chính Đức Chúa Ki-tô đã hiểu thế nào là một tình thương chân thật nơi người bạn hữu, bởi vì chính Ngài đã thực hiện điều ấy khi vì yêu thương những người bạn tội lỗi –là chúng ta- mà Ngài đã tình nguyện chết trên thập giá để cứu chuộc bạn mình.

2. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu”.
Cha mẹ có thể hi sinh cho con cái, vì con cái là món quà tặng của Thiên Chúa ban cho họ để họ được an ủi lúc tuổi già, để họ được hạnh phúc trong đời sống đôi bạn, để họ được quyền thay mặt Chúa để nuôi nấng và dạy dỗ con cái theo ý muốn của Thiên Chúa. Đây là một tình thương của người làm cha làm mẹ.
Bạn hữu hy sinh cho nhau, vì tình bạn này được Thiên Chúa chúc phúc, do đó nó là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã tặng cho chúng ta, để qua tình bạn chân thật này, chúng ta nhận ra được tình thương của Đức Chúa Giê-su đối với cá nhân mình và đối với nhân loại, một tình thương hiến dâng mạng sống cho người mình thương.
Bạn hữu không có nghĩa là hạn hẹp trong phạm vi bè bạn, nhưng nó được mở rộng ra trong gia đình giữa anh chị em với nhau, giữa đồng sự với nhau, giữa người với người, giữa cha sở và giáo dân, giữa bề trên và thuộc cấp, bởi vì trong tất cả tình cảm ấy, nếu không có một tình cảm bạn hữu chân thật thì chỉ làm khổ nhau mà thôi.
Hằng ngày chúng ta thường gặp nhau nhưng chúng ta ít khi trò chuyện với nhau, bởi vì chúng ta chưa có một tình thương chân thật với nhau, bởi vì chúng ta chỉ biết cá nhân mình mà thôi; chúng ta thường ăn uống với nhau nhưng chúng ta chưa hiểu nhau, bởi vì chúng ta chưa thật sự nhận ra Đức Chúa Giê-su đang hiện diện nơi người anh em của chúng ta; chúng ta cùng làm việc với nhau nhưng chúng ta chưa thông cảm cho nhau, bởi vì chúng ta vẫn có thành kiến với nhau; chúng ta đùa vui với nhau nhưng chúng ta vẫn còn giữ kẻ với nhau, bởi vì chúng ta chưa có tinh thần bác ái với nhau...
Anh chị em thân mến,
Không phê bình bạn bè, không nói xấu bạn bè, không chỉ trích bạn bè, không chú trọng đến các khuyết điểm của bạn bè để phê bình, nhưng biết góp ý tốt cho bạn bè với một tâm tình yêu mến, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với bạn bè, thì đó là dấu hiệu của một người bạn tốt. Những người bạn này đúng thật là món quà của Thiên Chúa tặng cho chúng ta vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


74.            KHÔNG CẦN ĐI THI

Có một học sinh hiệu là Văn Bàng, văn chương bút pháp đều quá tệ.

Gặp kỳ thi, Dụ Hoa Lệ khuyên Văn Bàng không nên tham gia, Văn Bàng không biết mình ngu nên kinh ngạc hỏi nguyên nhân tại sao.

Du Hoa Lệ nói:

-      “Tưởng tượng anh làm văn chương, dù cho có tài thư pháp của nhà họa sĩ đại tài Văn Trưng Minh viết thì cũng vô dụng, hoặc coi như anh có tài văn của đại học sĩ Vương Thụ Khê để anh viết ra, thì cũng không được hoàn toàn và người ta không buồn coi văn của anh. Tôi e rằng chỉ có cách truất chức mà không thu nhận anh, như thế vẫn còn chưa đủ để loại bỏ nghiệp chướng do cái văn chương xấu xí ấy tạo ra hay sao ?”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 74 :

        Thường người ngoài cuộc thì sáng suốt hơn người trong cuộc, văn chương mình viết thì mình cho là hay nhưng người khác đọc chán đến buồn ngủ, thì quả là ở nhà quét nhà cho vợ e rằng tốt hơn là đi thi để làm trạng nguyên...

        Người khách quan là người thấy sao thì nói vậy, nên nó khác với người bàng quan cứ làm ngơ trước những chuyện ngược đời xảy ra trong cộng đoàn, nơi bạn bè của mình...

        Đức Chúa Giê-su không làm người bàng quan nên Ngài đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ[1], Ngài cũng không dửng dưng trước những đau khổ của mọi người; thánh Gioan Tẩy Giả cũng không làm người bàng quan trước những việc làm của vua Hêrođê[2] nên phải trả giá là bị tống ngục và bị chém đầu[3].

        Bạn bè khuyên bảo mình vì bạn bè khách quan nhìn mình không thể làm được việc quá sức của mình, đó là bạn tốt; bạn bè khuyên mình vì biết những điều làm là không phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su, hoặc việc mình làm là có hại cho mình cũng như cho mọi người... Tất cả những lời khuyên của bạn bè đều là có ý tốt cho mình, quan trọng là mình có giận có hờn với người khuyên bảo mình không mà thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Mt 21, 12-17.

[2] Mt 14, 4. Mc 6, 18.

[3] Mt 14, 3-12. Mc 6, 21-29.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


72.      ÉP “LIỄU LIỄU CHÂU”

Tang Duyệt có tài khí nên khi mới mười chín tuổi đã đậu cử nhân.

Năm nọ, thượng phủ ra lệnh điều ông ta qua Liễu Châu làm việc, Tang Duyệt không muốn đi.

Có người hỏi ông ta nguyên nhân tại sao, ông ta thái độ rất ngạo khí nói:

-      “Liễu Tông Nguyên đã đến Liễu Châu làm việc, người ta gọi là “Liễu Liễu Châu”, bây giờ lại để tôi đi, không phải là họ kiên quyết để tôi dùng thanh danh mình mà ép ông ta sao ? Việc này, xin lỗi Liễu Tông Nguyên, tôi không làm !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 72 :

        Người kế nhiệm mà giỏi hơn người tiền nhiệm thì dân bớt khổ và bản thân mình cũng phải nổ lực nhiều hơn, bởi vì không một thành quả nào do sự lười biếng và hưởng thụ đem lại, chỉ có những ai tận tụy với công việc của mình mới có thể thành công và được mọi người tín nhiệm...

        Có những cha sở thấy cha phó hay cha phụ tá năng nỗ giỏi giang hơn mình thì tìm cách này hay cách khác ngăn lại; cũng có những cha phó hay cha phụ tá được giáo dân yêu mến hơn cha sở nên không mấy...vui vẻ, đó là những chuyện ngược đời và ngược với phong cách của một linh mục là nâng đỡ và yêu mến đàn em của mình, bởi vì cha sở không nâng đỡ và tạo điều kiện cho cha phó hay cha phụ tá học hỏi là một điều không mấy tốt đẹp.

        Hôm nay mình làm cha sở thì hãy nhớ lại mấy năm trước mình làm cha phó hoặc làm thầy giúp xứ, để yêu mến và nâng đỡ đàn em của mình hơn, đó cũng chính là “tình huynh đệ linh mục” vậy.

Được sai đến nhiệm sở mới thì cứ vui vẻ mà đi, dù cho cha sở trước làm không tốt, nhưng hãy làm tốt hơn để danh Thiên Chúa được cả sáng, và giáo dân cũng thấy được tình yêu của Thiên Chúa nơi việc làm của cha sở mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


71.      ẨN SƯ NỔI TIẾNG TRONG BIỂN

Vương Đình Trận tự Trĩ Ngân là một kỳ tài.

Từ nhỏ đã sáng dạ hơn người, nhưng ông ta thường ngày thích rong chơi là chính, luôn luôn ham chơi cùng với bạn bè đồng lứa và mãi mê chơi đùa vui đùa bất kể ngày đêm.

Cha mẹ dùng roi đánh ông ta, ông ta vội vàng la lớn:

-      “Người lớn tại sao lại ngược đãi “ẩn sư nổi tiếng trong biển !”

Câu nói này khiến cho cha mẹ vừa tức giận vừa cười.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 71 :

        Thường những đứa trẻ sáng dạ thì ham chơi hơn là học, nhưng nếu được hướng dẫn tốt thì sự sáng dạ ấy càng sáng hơn và giúp ích cho trẻ nhiều hơn.

        Giáo dục trẻ em rất quan trọng, không những cho con cái đi học mà thôi nhưng cần phải giáo dục chúng nên người.

        Ở các nước phát tiến người ta rất chú trọng việc học của con cái, và cũng rất chú trọng đến đạo đức nhân bản của chúng nó, tiền đầu tư cho một em bé vào các lớp mầm, chồi, lá rất nhiều, nhưng đã có chính phủ tài trợ -ít nữa là một phần hoặc là toàn phần.

Còn ở Việt Nam chúng ta thì từ lớp mẩm non cho đến trung học thì cha mẹ phải trả tiền, có khi hết nửa tháng lương của cha mẹ gộp lại, nhưng lại rất ít đầu tư cái gốc là đạo đức cho con của mình, kết quả là cha mẹ phải nghe lời con cái chứ không phải con cái nghe lời cha mẹ, con cái là cha mẹ của cha mẹ chứ không phải là con của cha mẹ, và có những điều rất “ngược đời” xảy ra trong gia đình vì cha mẹ đã đặt con mình lên bệ thờ để thờ, nên coi chúng nó như là một ông thần con muốn gì được nấy...

        Con cái sáng dạ là một cái may cho nó và cho cha mẹ, nhưng nếu không hướng dẫn dạy dỗ thì sẽ là cái họa cho nó và cho cha mẹ.

Cha mẹ không nên quá khắc khe với con cái, nhất là khi chúng đã lớn, nhưng cần phải lấy tình yêu thương mà quan tâm và nhất là kiên nhẫn chỉ ra cho con cái biết cái nào đúng cái nào sai.

Cha mẹ là người Ki-tô hữu thì chắc chắn luôn dạy con mình noi gương Đức Chúa Giê-su khi còn nhỏ: biết vâng lời và thảo kính cha mẹ.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


70.       MỘT CƯỚC ĐỊCH QUAN TRIỀU

Cuối đời nhà Đường có thi nhân tên là La Ẩn rất thích giễu cợt chuyện đời.

Lần nọ ông ta ngồi chung thuyền với đại thần Vi Di Phạm, trên thuyền có người có lòng tốt nói nhỏ với La Ẩn:

-      “Lúc nói chuyện nhớ để ý chút xíu, trên thuyền có quan viên của triều đình đấy”.

La Ẩn không thèm để ý lại còn lớn tiếng nói:

-      “Cái gì là quan triều đình ! Ta dùng chân kẹp bút có thể địch được bọn họ đấy !”

Vỉ Di Phạm bị nhục thì ôm mối hận, cố ý đem chuyện này nói ra giữa triều đình, La Ẩn liền không được trọng dụng.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 70 :

        Thích giễu cợt chuyện đời mà không có cái tâm khiêm tốn, thì không những mang họa vào thân mà còn bị người khác coi thường...

        Trước mặt quan triều đình mà nói chỉ dùng một chân với một cây viết là có thể địch lại các quan thì lếu láo thật, đây không phải là ngạo đời mà là ngạo mạn đến triều đình, bởi vì ngạo đời và cười nhạo người thì không giống nhau.

        Thờii nay cũng có những người cười nhạo Thiên Chúa như thế khi tuyên bố: “Chỉ cần vắt óc suy nghĩ là có thể thay trời làm được mọi việc”, và thế là họ vắt óc suy nghĩ cho đến khi xuống huyệt mộ mà vẫn tìm không ra cái gì để thay thế Thiên Chúa; thời nay cũng có một vài người Ki-tô hữu tuy không cười nhạo Thiên Chúa, nhưng oán trách Ngài cứ để cho tội ác xảy ra tràn ngập mặt đất mà không tiêu diệt...

        Ở đời không có gì để cho chúng ta ngạo mạn cười nhạo, bởi vì tất cả đều là công trình yêu thương của Thiên Chúa, chỉ có những ai cứ tưởng mình là hay là giỏi hơn Thiên Chúa và là người thông minh nhất thế gian mới ngạo đời nhạo người mà thôi, nguyên nhân hại mình hại người là từ đó mà ra cả vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


69.      TẤU NHẠC MỜI RƯỢU

Trương Từ người nước Tống thích cùng với các ẩn sĩ tương giao.

Một hôm, mời bạn bè đến uống rượu. Sau khi uống được vài ly, họ Trương ra lệnh cho người hầu:

-      “Làm “ngân ti cung”, phải phối hợp cho tốt và có mùi vị thật của nó”.

Các ẩn sĩ chụm đầu ghé tai nói:

-      “Nhất định sẽ dọn ra thịt cá”.

Đợi rất lâu, chỉ thấy người hầu đem ra cái đàn, mời người đánh đàn chơi bài “ly tao”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 69 :

        Ẩn sĩ không chỉ là những bậc tu hành trong núi trong rừng, nhưng vẫn còn có một loại ẩn sĩ khác đó là những người thức thời hoặc tức đời hoặc hận đời đen bạc mà không thèm ra làm quan chấp chánh, nhưng dù là loại ẩn sĩ nào chăng nữa thì họ cũng đều là những kẻ đã phủi bụi hồng trần mà vui thú điền viên hay tu ở trong núi trong rừng...

        Ngày xưa người ta coi những vị ẩn sĩ là khắc khổ nên tiếp đãi đúng với sự khổ hạnh của họ, nhưng các vị ẩn sĩ thì lại mơ tưởng đến thịt cá nên...vỡ mộng thịt cá.

        Ngày nay giáo dân vẫn coi những vị ẩn sĩ là người khổ hạnh nên luôn kính trọng các ngài, vì thương sự khổ hạnh ấy nên tiếp đãi các ngài thật không thiếu thức ăn gì trên bàn ăn, và thế là hại các ngài...

        Có lẽ các ẩn sĩ ngày nay nên hát bài “ly tao” trước khi vào bàn ăn để có thể “ly” rồi lại “tao” cách có ý nghĩa hơn...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


68.      NGỰ SỨ BẮT CÁ

Ngự sứ Vi Quảng sau khi nghỉ hưu thì hồi hương ngụ tại một làng hẻo lánh. Một lần nọ, có người bạn đồng sự già đến đó để tuần sát, Vi Quảng nghĩ rằng không có gì để tiếp đãi nên đã tự mình ra sông bắt cá.

Không ngờ người bạn già đã đến, tùy tùng từ bên sông đi đến, Vi Quảng nhìn thấy thì vội vả đi về nhà và đi ngõ phía sau mà vào nhà thay áo và tiếp đãi bạn.

Người bạn già hỏi:

-      “Tại sao ông mặt mày đổ mồ hôi thế, ngay cả tóc cũng ướt ?”

Vi Quảng nói dối:

-      “Vừa mới đi qua nhà hàng xóm, nghe nói ngài đến nên vội vả về, đi có hơi nhanh một chút”.

Các tùy tùng của ông bạn già cười thầm nói:

-      “Ông coi người này rất giống với người bắt cá trên sông ấy !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 68 :

        Làm quan về hưu mà trong nhà không có gì để đãi bạn nối khố, đến nỗi phải tự mình đi ra sông bắt cá đãi bạn thì thật là vị quan liêm khiết trong sạch.

        Người đời thường nói sống liêm khiết thì chỉ có những vị tu trì mới làm được vì họ không có vợ chồng con cái để tham lam, họ không tham lam của cải, không tham địa vị danh vọng, không bon chen với đời...Nghe người đời nói như thế mà chúng ta -những người tu trì- thêm xấu hổ, bởi vì chúng ta vẫn còn tham lam của cải, vẫn còn thích ăn sung mặc sướng hơn người khác, vẫn còn bon chen để dành cho được chỗ phục vụ tốt hơn anh em, vẫn nói xấu anh em khi họ làm việc hiệu quả hơn mình...

Có một vài linh mục tu sĩ chẳng ai nhìn biết các ngài là người lãnh đạo dân Thiên Chúa, bởi vì họ rất bình dân như những người khác, các ngài không ăn cao lương mỹ vị không uống rượu hảo hạng, các ngài ăn mặc giản dị như người bình thường, không kiểu cách ta đây là linh mục là tu sĩ, các ngài không đòi hỏi phải được phục vụ chu đáo như một quan chức nhà nước, bởi vì các ngài là những người đã từ bỏ mọi sự để theo làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su. Khi người ta không nhìn ra chúng ta là linh mục tu sĩ trong những bộ áo quần giản dị bình dân, thì họ lại nhìn rất rõ chúng ta qua cung cách phục vụ tận tình yêu thương đối với giáo dân, đó chính là sự liêm khiết đáng nể mà người đời dành cho các linh mục tu sĩ của Đức Chúa Giê-su.

Đức Chúa Giê-su cũng chỉ thích như thế mà thôi, vì Ngài cũng đã làm như thế khi xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)