Thứ Hai, 12 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


4.      KHÔNG DÁM RỬA CHÂN

Thời nam bắc triều, tướng lĩnh Lương triều là Âm Tử Xuân thân mặc cái áo rất dơ bẩn, nhiều năm rồi không thấy rửa chân, nói:

-          “Rửa chân thì sẽ rửa mất tài vật làm bại hoại sự tình”.

Vợ rất hận cái thói xấu này của ông ta, nên đã nhiều lần khuyên ông ta rửa chân.

Một ngày nọ, Âm Tử Xuân định là sẽ đồng ý rửa chân một lần, nhưng không lâu sau đó, gặp lúc Lương châu bị bại, Âm Tử Xuân rất hận vợ, nói rằng vì rửa chân nên mới thua như thế, từ đó về sau, suốt đời không dám rửa chân nữa.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 4 :

        Mỗi ngày, con người ta đều phải rửa chân, ít nữa là một lần trước khi lên giường ngủ, nhưng nếu có người suốt đời không rửa chân thì lại là vấn đề nên xét lại cá tính của họ.

        Không dám rửa chân cho người khác thì có thể thông cảm, nhưng nói không dám rửa chân cho chính mình thì không thể chấp nhận được.

Người Ki-tô hữu có thói quen rửa chân cho người khác vì đó là mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.[1]

Rửa chân theo nghĩa đen là nghĩa của tư tưởng con người là cúi xuống rửa chân cho người khác, người khác đây chính là người bệnh hoạn, người đau khổ, người bất hạnh; rửa chân theo nghĩa bóng là nghĩa của tinh thần tu đức tức là phục vụ tha nhân, giúp đỡ mọi người khi có thể được và nếu cần thì hy sinh vì anh em.

Không dám rửa chân cho mình là người biếng nhác và lập dị cách kỳ quặc, những hạng người này không ai thích làm bạn vì sự dơ bẩn và tính kỳ quặc của họ.

Không dám phục vụ tha nhân thì không phải là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, những người này chỉ là hữu danh vô thực chỉ biết mình mà không biết người, nên họ không phải là tấm gương sáng cho người khác noi theo.

Hãy siêng năng rửa chân mình trước tức là sửa chữa những thói hư tật xấu của mình, sau đó mới đi rửa chân cho tha nhân, đó chính là tinh thần phục vụ cách đích thực của người Ki-tô hữu.

 

2.      MỘT CON NGỖNG HÓT

Ở Thiệu Hưng có một bà lão nuôi một con ngỗng biết hót, Vương Nghĩa Chi sau khi nghe nói thì rất thích, đã nhiều lần sai người đến bà lão để mua lại con ngỗng ấy, nhưng bà lão lại không muốn bán.

Sau đó, Vương Nghĩa Chi bèn dắt bạn bè đi coi con ngỗng ấy, bà lão nghe tin Vương Nghĩa Chi đến bèn làm thịt con ngỗng ấy tiếp đãi, Vương Nghĩa Chi vì chuyện này mà thở dài đến mấy ngày.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 5 :

        Con ngỗng biết hót thì có gì là lạ, cái lạ là thời nào cũng có những người nghèo khảng khái, hảo tâm hơn những người giàu có tiền bạc nhưng lại rất thiếu và rất nghèo về tình nghĩa.

Thời xưa có bà lão già đã hảo tâm làm thịt con ngỗng biết hót để đãi khách, thời nay có những người nghèo đạp xe xích lô kiếm cơm ngày hai bữa đã khảng khái đem một bữa cơm của gia đình chia sẻ với đồng bào bị thiên tai bảo lụt; ngày xưa vào thời Đức Chúa Giê-su đã có bà lão nghèo đã khảng khái bỏ vào hòm dâng cúng một đồng xu là gia tài của mình, ngày nay có những em bé bán vé số để giúp gia đình đã hảo tâm đem một phần ba tiền lời còm chia sẻ cho những người bệnh ở trại phong...

Con ngỗng biết hót làm cho người giàu có hiếu kỳ đòi mua cho bằng được dù tốn nhiều tiền, nhưng những người nghèo có lòng hảo tâm thì người nhà giàu không lấy làm đó là một tấm gương sáng, một bài học về đức ái để bắt chước noi theo, thì đúng là những người nhà giàu đã bị đồng tiền làm cho đôi mắt bị mù, nhìn mà không thấy.

Con ngỗng biết hót không thể nào quý bằng người có tâm hồn hảo tâm khảng khái, biết chia sẻ với tha nhân những gì mình có.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Ga 13, 14-16.