Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Chúa nhật 13 thường niên

 


CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 5, 21-43
“Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi”.
Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đến trần gian, không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ và thi ân giáng phúc cho nhân loại. Phục vụ và thi ân là bày tỏ cho nhân loại biết Ngài chính là Thiên Chúa thật và là người thật: khi thi ân thì Ngài là Thiên Chúa, khi phục vụ thì Ngài là con người.
Lãnh nhận ân phúc thì phải có đức tin.
Đức tin của ông đội trưởng đã cứu sống con gái của ông, đức tin của người đàn bà bị bệnh băng huyết đã chữa lành bà, cho nên để đón nhận ân phúc bởi Thiên Chúa thì dứt khoát con người phải có đức tin.
Đức tin làm cho con người nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa trong sự yếu đuối và bất lực của mình; đức tin cũng làm cho con người nhìn thấy được Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh nhất của tha nhân, bởi vì khi đối diện với đau khổ và thất vọng, con người thường có khuynh hướng nhìn lên trời cao.
Ân sủng của Thiên Chúa vẫn tuôn đổ trên con người, Ngài vẫn luôn thi ân cho nhân loại, nhưng để đón nhận những ân huệ Thiên Chúa ban cho, thì cần phải có đức tin như đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham, như đức tin của tổ phụ I-sa-ác, như đức tin của Gia-cóp, và như đức tin của viên đội trưởng và của người đàn bà bệnh loạn huyết. Ân sủng của Thiên Chúa ban cho cách nhưng không, nhưng muốn đón nhận nó thì cần phải có đức tin.
Phục vụ tha nhân phải có đức tin.
Thời nay có nhiều hội từ thiện để giúp đỡ người bất hạnh, thời nay có nhiều bệnh viện và cơ quan từ thiện để chăm sóc bệnh nhân nghèo, và thời nay cũng có nhiều cá nhân làm việc thiện, nhưng số người không biết đến Thiên Chúa thì càng nhiều hơn. Bởi vì có nhiều đoàn thể và có nhiều cá nhân phục vụ nhưng không có đức tin, hoặc đức tin đã bị ngâm sâu dưới lớp tro bụi xa hoa phù phiếm của cuộc sống bon chen. Họ làm việc bác ái là chỉ để tô bóng nhãn hiệu cá nhân hay công ty của mình mà thôi.
Khi phục vụ tha nhân mà không tin, không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su ở trong họ, thì họ cũng sẽ không nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su ở trong chúng ta -những người làm việc từ thiện.
Đức tin dạy cho chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, đặc biệt là nơi những người nghèo khó bất hạnh; đức tin cũng dạy cho chúng ta biết rằng, phục vụ tha nhân chỉ vì danh vọng hảo huyền mà thôi, thì họ sẽ không thể thay Đức Chúa Giê-su đem an ủi đến cho người khác được...
Anh chị em thân mến,
Là những người được gọi là “những kẻ tin”, chúng ta cũng có trong mình “gen” phục vụ tha nhân như Đức Chúa Giê-su đã phục vụ, bởi vì đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày Rửa Tội, đã làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su hơn bất cứ ai, nhất là khi chúng ta phục vụ tha nhân.
Chúng ta cũng được trở nên con cháu của tổ phụ Ab-ra-ham nhờ lòng tin của mình, đó là khi chúng ta tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, và đón nhận những ơn lành cũng như những thử thách của Ngài dành cho chúng ta trong cuộc sống đời thường, để nhờ đức tin, mà chúng ta ngày càng trở nên hoàn hảo hơn trong đức mến và đức cậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô





LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ

 

Tin mừng : Mt 16, 13-19

“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.

  1. Nhiệt tình với sứ mệnh.

Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài cho các ông.

Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Đức Chúa Giê-su khám phá ra khi ông đang đánh cá với anh mình là An-rê, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19) và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.

Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stê-pha-nô (Cv 7, 58), cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Đức Chúa Giê-su (Cv 9, 1-2), sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái.

Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn cùng với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô giao phó cho các ngài, sứ mạng đó chính là loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, là loan báo và làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.

  1. Yêu mến Đức Chúa Giê-su hết lòng.

Đức Chúa Giê-su đã ba lần hỏi thánh Phê-rô có yêu mến Ngài không, cả ba lần thánh Phê-rô đều cương quyết trả lời: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ga 21, 15-17)

Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa” 2Cr 5, 13) và chính cá nhân ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.” (2Cr 5, 14)

Yêu mến Đức Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Giê-su, và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nỗi khổ đau với Đức Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi những người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là hai thánh Phê-rô và Phao-lô đã cảm nghiệm Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…

Yêu mến Đức Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su…

Anh chị em thân mến,

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Đức Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.

Mừng lễ kính trọng thể hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


22.          TÉ DẬY KHÔNG NỔI

Có một người đi bộ, vì không cẩn thận nên té xuống đất, vừa lồm cồm đứng dậy thì lại té nữa, thế là thở một hơi dài nói:

-       “Nếu biết sớm phải té lần nữa thì vừa rồi khỏi đứng dậy thì tốt hơn !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 22:

Ngã té thì đứng dậy, nhưng nếu bị gãy chân vẹo xương sống thì hết đứng dậy nổi, đó là chuyện tự nhiên thuộc sức khỏe của mỗi người, nhất là những người già cả, đau xương sống...

Té là ngã xuống đất, ai cũng có té xuống đất một lần trong cuộc sống làm người, và té cũng có ý nghĩa sâu xa của nó, nói theo tôn giáo, té là phạm tội, là ngã xuống trong vũng bùn hắc ám đau khổ của tội.

Đức Chúa Giê-su đã ngã xuống đất ba lần khi vác thập giá lên núi Sọ để chịu đóng đinh, nhưng Ngài đã cố gắng đứng dậy vác thập giá đi nốt đoạn đường cứu chuộc còn lại; thánh Phê-rô đã té một lần trong đêm Đức Chúa Giê-su -thầy của ngài bị bắt- cái té này nặng nề đến nỗi suốt đời ngài không thể quên; ông Giu-da Ít-ca-ri-ốt đã té một lần -bán thầy mình là Đức Chúa Giê-su ba mươi đồng bạc- và ông té luôn không đứng dậy nữa.

Ba nhân vật đều té ngã xuống đất: Đức Chúa Giê-su té ngã nhưng vẫn đứng lên dù ngã ba lần, Ngài đã yêu thương nhân loại và hy sinh đến cùng để nhân loại được sống; thánh Phê-rô đã ngã té (phạm tội) một lần, nhưng vì yêu thương Đức Chúa Giê-su và vì tội lỗi của mình nên ngài đã khóc lóc và đứng lên, nên được Đức Chúa Giê-su trao ban sứ mạng làm tông đồ trưởng; ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã ngã té một lần nhưng té luôn vì ông ta không có lòng trông cậy vào tình thương của Đức Chúa Giê-su...

Mỗi ngày chúng ta đều có ngã té (phạm tội) làm mất lòng Thiên Chúa và tha nhân, nhưng mỗi lần phạm tội là mỗi lần chúng ta quyết tâm đứng lên, vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Quyết tâm đứng lên sau khi phạm tội là điều mà Thiên Chúa thích nhất nơi chúng ta, những con người tội lỗi. Chúng ta gọi đó là sự cố gắng.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


21.          SAU KHI MÈO ĂN CHAY

Có một con mèo ngẫu nhiên được chủ mang trên cổ nó một xâu chuỗi ngọc niệm phật, con chuột bự nhìn thấy thì vui mừng nói: “Mèo ăn chay rồi”, thế là đi đầu đàn dẫn đàn con lũ cháu đến cám ơn mèo.

Nhưng ai mà biết được, con mèo hét lên một tiếng bay vụt đến ăn một lúc mấy con chuột.

Con chuột bự cuống quýt thoát thân, le lưỡi nói:

-         “Mẹ kiếp, nó ăn chay xong càng hung hăng dữ tợn, khiếp !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 21:

Có nhiều người mang chuỗi phật trên cổ nhưng vẫn cứ hung hãn chưởi bới người ta; có người mang thánh giá trên tai trên cổ và trên ngực nhưng vẫn cứ sống như người không có đạo, lại có người mang cái “mác” Ki-tô hữu nhưng cuộc sống của họ thì lại bày ra cái “mác” con cái của ma quỷ.

Con chuột là mồi ngon cho con mèo, thì dù con mèo có mang một trăm xâu chuỗi phật thì nó vẫn là một con mèo ăn thịt chuột.

Người Ki-tô hữu là đối tượng cám dỗ mạnh nhất của ma quỷ và thế gian, cho nên ma quỷ dùng rất nhiều hình thức để cám dỗ họ, kể cả hình thức mà nhìn bề ngoài thì rất là “thánh thiện”, chẳng hạn như cám dỗ giáo dân vào làm trong ban đại diện giáo xứ để tác oai tác quái làm mất đoàn kết, hoặc là thích quyên góp tiền bạc để cho hội mồ côi này, hội khuyết tật nọ, không phải vì sáng danh Thiên Chúa mà là để lấy le cho oai...

Mang chuỗi phật trên cổ hay mang thánh giá hoặc tràng hạt Mân Côi trước ngực mà vẫn sống như người không có đạo, thì dù có ăn chay một tuần bảy ngày cũng chẳng ích lợi gì cho phần hồn cũng như phần xác, bởi vì “cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng cuộc sống bác ái thánh thiện thì mới là nguyên nhân nên thánh vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


20.          KHOE BẠN QUÝ

Giáp và Ất hai người cùng đi đường, Giáp ngước mặt nhìn thấy phía trước phóng nhanh lại một chiếc xe ngựa rất đẹp của người phú quý, bèn nói với Ất:

-         “Ngay cả yếu nhân ngồi trên xe ấy cũng là bạn tớ, nhìn thấy tớ thì nhất định phải xuống xe, tớ nên tránh họ một tí.”

Không ngờ chỗ mà Giáp mới núp sau cổng lớn ấy là nhà của người phú quý ấy, đúng lúc gặp ông ta vừa đi vào nhà và phát hiện ra anh ta, kinh ngạc nói:

-         “Ban ngày ban mặt mà thằng ăn cướp này ở đâu đi vào nhà thế này, lại còn dám núp trong nhà của ta nữa chứ ?”

Nói xong ra lệnh cho gia nhân đánh Giáp một trận và đuổi đi.

Ất hỏi:

-         “Anh vừa nói ông nhà giàu ấy là bạn của anh, tại sao lại bị nó đánh đập nhục nhã như thế ?”

Giáp trả lời:

-      “Hắn và tôi thường đùa với nhau như thế.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 20:

 Người luôn giữ sĩ diện thì sẽ bị mất sĩ diện, bởi vì họ quá chú trọng đến từng chi tiết mà một người bình thường không để ý. Bạn bè thì nhận là bạn bè, thân quen thì nói là thân quen, bạn học thì nói là bạn học, có gì đâu mà phải giấu giếm đến nỗi phải nói láo...

Thời nay có người vì thể diện mà phải nói láo với mọi người :

-         Có người nói không quen biết thằng bạn nối khối khi học tiểu học trường làng, vì mình bây giờ đã giàu có rồi, họ đã nói láo.

-         Có người chối thẳng thừng là chưa hề thấy mặt con mẹ ấy bao giờ, mà con mẹ ấy là người bà con của mình rách rưới đang ở quê nhà, họ nói láo là để giữ thể diện...ba cọc ba đồng.

-         Có người tuyên bố với đám đông rằng mình chưa hề biết cái “ông cha” (linh mục) ấy, mà “ông cha” ấy là thằng em bà con nghèo khổ của mình năm xưa ở quê nhà, bởi vì ngài bây giờ quá giỏi hơn mình, họ đã nói láo vì sĩ diện..

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì mỗi một con người đều có một sứ mệnh thiêng liêng liên đới với nhau, do đó chúng ta đừng chê bai ai nhưng cần lắm những lời khen ngợi chân thành và khuyến khích, bởi vì có khi vì sĩ diện mà chúng ta chê người này và khen người nọ, mà chê và khen vì cái sĩ diện...ba cọc ba đồng thì không có giá trị trước mặt mọi người.

Hãy sĩ diện vì mình là người con của Thiên Chúa để mà sống tốt lành hơn với nhau trong cuộc đời này...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


19.          HÒA THƯỢNG LUỘC TÔM

Có một hòa thượng len lén mua một con tôm lớn để ăn, lúc luộc tôm, thấy nó nhảy loạn xạ trong cái nồi nóng.

Hòa thượng chấp tay hướng về cái nồi nóng niệm:

-         “A di đà phật, mày chịu khó chút xíu, qua một chút là toàn thân biến thành màu đỏ, chín thấu rồi thì không cảm thấy đau khổ nữa.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 19:

Cấm sát sinh là một trong năm giới cấm của nhà Phật, mà hòa thượng thì phải càng tuân giữ kỷ hơn những người khác. Cấm sát sinh và chuyện cấm ăn thịt thì khác nhau, bởi vì có nhiều người không dám cắt cổ con gà, nhưng lại dám ăn cả con gà quay, hoặc có người không dám cắt cổ con vịt, nhưng lại ăn nguyên cả hột vịt lộn...

Thiên Chúa là tình yêu, mọi loài Ngài tạo dựng đều tốt đẹp và để cho con người hưởng dùng, chim bay trên không, thú trong rừng và cá dưới biển đều được Ngài trao ban cho con người tự do toàn quyền sử dụng, có điều là con người có sử dụng cách hợp lý không mà thôi !

Có một vài người Ki-tô hữu con gì cũng không dám giết mà ăn vì tội nghiệp như giết con gà con vịt, cũng như sợ tội nghiệp con chó con mèo, nhưng lại đi giết con của mình đang ở trong bào thai mà không thấy tội nghiệp nó, cũng như không thấy tội ác của mình gây ra, đó là đạo đức giả như ông hòa thường vừa luộc tôm vừa sợ tôm đau vậy...

Cấm giết người là giới luật thứ năm của Thiên Chúa, nhưng cấm sát sinh (loài vật) là luật do một vài tôn giáo tín ngưỡng đặt ra, nhưng giết thai nhi, phá thai, giết người thì mạnh dạn làm, còn giết gà giết vịt để nuôi sống bản thân thì lại không dám, đó là hành vi đạo đức giả của ma quỷ vậy.

Khi con người vắng bóng Thiên Chúa thì con người chỉ là một thây ma biết đi, hoặc như người máy chỉ biết cử động là nhờ lập trình của nhà thiết kế và cảm ứng mà thôi, nguy hiểm thật !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


18.          NHÌN TRỜI ĐỌC SÁCH

Xa Vận sinh vào thời nhà Tấn, trong túi đựng đầy con đom đóm, nhờ vào ánh sáng yếu ớt của đom đóm mà học bài, nhưng Tôn Khang thì lại ở trong tuyết nhờ màu trắng của tuyết mà đọc sách.

Một hôm, Tôn Khang đi thăm Xa Vận, nhưng không thấy, bèn hỏi ông ta đi đâu, người coi nhà trả lời:

-      “Đi ra ngoài bắt đom đóm rồi !”

Không lâu sau đó, Xa Vận đi qua thăm Tôn Khang, nhìn thấy ông ta nhàn rỗi đứng trong sân bèn nói:

-      “Tại sao anh không đọc sách ?”

Tôn Khang trả lời:

-         “Tôi nhìn thời tiết, có lẽ hôm nay hình như tuyết không rơi thì phải.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 18:

 Ngày xưa các học trò nhà nghèo dùng đom đóm để thấy chữ mà đọc sách, khổ cực trăm bề nhưng vẫn có người thi đỗ làm quan lớn; ngày nay học trò được trang bị “tận răng” nhưng học hành thì biếng nhác, thành tích hạng chót, đó là một nhức nhối cho xã hội và gia đình.

Ánh sáng của con đom đóm thì nhất định không đủ sáng để thấy rõ được mặt chữ; tuyết dù cho có trắng bao nhiêu chăng nữa thì cũng sẽ làm nhòa nét chữ đen, nhưng không thể làm nhòa tâm hồn ham học của các học trò nghèo, đó là tấm gương sáng cho các học trò của thế hệ điện tử vi tính của thời đại @ hôm nay. Ánh sáng mặt trời chỉ có thể giúp các học trò thấy được chữ để học, nhưng không soi sáng được tâm hồn; vi tính chỉ giúp các học trò giải quyết những môn học mau hơn nhanh hơn, nhưng không giải quyết được chuyện rối rắm của tâm hồn...

Học trò Ki-tô hữu là những người hiểu rõ nhất về ánh sáng của Tin Mừng, chính ánh sáng này sẽ làm cho người học trò Ki-tô hữu thấy được việc học là bổn phận của mình và là một hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho họ, cho nên họ nổ lực quyết tâm học cho ra học để giúp ích cho xã hội và cho Giáo Hội mai sau...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


17.          ĐẠI NHÂN HỒ ĐỒ

Có một người mắc bệnh nên mù mắt (bệnh thanh manh) bị dẫn đến pháp quan, anh ta nói với quan huyện:

-      “Tôi là người mù.”

Quan huyện nói:

-         “Nói mò, mày có hai con mắt, tròng trắng thật là trắng, xanh thật là xanh, sao lại giả bộ là mù hử ?”

Người mù mắt nói:

-         “Ngài đại nhân nhìn tôi một kẻ tiểu nhân là người trắng trắng xanh xanh, kẻ tiểu nhân là tôi nhìn ngài đại nhân là người hồ hồ đồ đồ.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 17 :

 Người ta bị mù mà nói là sáng là người hồ đồ không thể chối cải, nhưng người sáng mắt mà cái gì nhìn cũng không thấy thì đúng là tội nghiệp hơn cả người mù, đó là những người mang bệnh thành tích, bệnh vượt chỉ tiêu, bệnh báo cáo láo...

Ông quan huyện là người sáng mắt nhưng không biệt được người trước mặt mình là mù hay sáng mắt, đó là vì lòng của ông quan huyện đầy những kiêu căng và coi thường người khác, đó là triệu chứng của một người mang bệnh thành tích và tâm hồn không chân thật...

Người Ki-tô hữu cảm thấy mắc cở khi mang bệnh thành tích, bởi vì như thế thì người ta sẽ gọi mình là người mù trong tâm hồn, tức là bệnh nói dối: nói dối Thiên Chúa và nói dối mọi người để đạt thỏa mãn cái tham vọng ích kỷ của mình.

Người nhìn không rõ phải trái, không phân biệt được việc nên làm và không nên làm thì giống như người mù vậy, họ không những bị mà còn là người hồ đồ nữa.

Thật là tội nghiệp cho họ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)