Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

Lễ Chúa Ba Ngôi



 CHÚA NHẬT

LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI
Tin Mừng : Mt 28, 16-20
“Anh em hãy làm Phép Rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúa nhật lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn nhất trong đạo của chúng ta, là mầu nhiệm mà thánh Phao-lô đã dạy: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người.” Đây là mầu nhiệm –có thể nói- lột tả được tất cả bản tính của Thiên Chúa, đó là Tình Yêu.
1. Tình yêu liên kết.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần để làm phép Rửa cho người tin vào Đức Chúa Giê-su để họ được trở nên môn đệ của Ngài, là một dấu ấn không phai mờ của tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và nói lên một ý nghĩa cũng vô cùng quan trọng, đó chính là từ đây họ được liên kết chặt chẽ với Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.
Từ một loài thụ tạo thấp hèn được nâng lên làm con Thiên Chúa qua sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu đã thực sự là sợi dây liên kết giữa con người với nhau, khi họ nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để phục vụ và yêu thương người thân cận trong chính bổn phận của mình, họ liên kết với nhau vì “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một Phép Rửa...”
2. Tình yêu chia sẻ.
Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, không ai lớn hơn ai, nhưng là bằng nhau, như nhau và chia sẻ với nhau về cái “có” của mình: có vô cùng, có yêu thương, có quyền năng, có sáng tạo, có hiện hữu, có thánh, có chân, có thiện, có mỹ...
Một sự chia sẻ hài hoà trong một Thiên Chúa Ba Ngôi, mà chính chúng ta –những người Ki-tô hữu- đã được diễm phúc hiệp thông và đón nhận như là một hồng ân của lời hứa ban sự sống vĩnh cữu trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội là nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Tình yêu được chia sẻ là tình yêu trưởng thành ở trần gian và viên mãn ở trên thiên đàng.
Do đó, hết thảy chúng ta đều cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi đem tình yêu này chia sẻ cho anh em, cho tha nhân mà không cần phải biết họ là ai, bởi vì nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta đem tình yêu của Ngài cho mọi người, bởi vì khi hiến thân là khi được nhận lãnh (Th. Phanxicô khó nghèo).
Đức Chúa Giê-su đã vì yêu mà chia sẻ thân phận con người như chúng ta, và đã hiến dâng thân mình làm của lễ để đền tội thay cho chúng ta, đó chính là tình yêu hiến mạng sống vì người mình yêu.
3. Tình yêu đón nhận.
Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần trở nên một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị, duy nhất nhưng không làm mờ mỗi ngôi vị của nhau, trái lại trở nên nguồn mạch tình yêu của mọi loài trên trời dưới đất.
Bí tích Rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm cho người Ki-tô hữu biết đón nhận nhau trong cuộc sống, bởi vì nơi họ, tình yêu của Thiên Chúa tỏa lan ra trong hành vi ngôn ngữ của họ, bởi vì nơi họ, mà anh em nhận ra mình là anh em chị em của nhau trong cùng một Cha trên trời.
Đức Chúa Giê-su vì yêu mà đón nhận tất cả chúng ta là những tội nhân vào trong trái tim của Ngài.
Anh chị em thân mến,
Ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi hôm nay nhắc nhở chúng ta biết đâu là cội nguồn của hạnh phúc, đó chính là tình yêu, nhưng tình yêu này phải được bắt nguồn từ sự kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tình yêu chân chính giúp chúng ta nhận ra được giá trị của mỗi người nơi anh em chị em; tình yêu chân chính cũng làm cho chúng ta biết đón nhận những khuyết điểm của tha nhân mà thông cảm; tình yêu chân chính giúp chúng ta biết chia sẻ những bất hạnh của người nghèo, những đau khổ của người bị bỏ rơi, và tình yêu chân chính làm cho mỗi người trong chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô ở trần gian này.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Vâng lời của Đức Chúa Giê-su dạy, chúng ta ra đi để làm cho người khác trở thành môn đệ Chúa, nhưng nếu chúng ta chưa trở thành môn đệ của Chúa trước, thì ai mà tin vào lời nói của chúng ta chứ ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


93.    BỎ LÔNG HẤP NHỪ

Trịnh Dư Khánh cực kỳ thanh liêm giản dị, một ngày nọ đột nhiên mời bạn bè thân quyến rất nhiều người ngày mai đến nhà dự tiệc.

Các bạn hữu thân quyến được mời đều cảm thấy kỳ quái nên ngày hôm sau đều vội vàng đến, đợi mặt trời lên cao thì thấy Trịnh Dư Khánh xuất hiện.

Trò chuyện chốc lát thì các bạn hữu được mời đều thấy trong bụng đánh “tùng tùng” vì đói, Trịnh Dư Khánh nói với các đầy tớ:

-      “Bảo nhà bếp, bỏ lông hấp nhừ, không được làm gãy cái cổ”.

Các bạn bè thân quyến đưa mắt nhìn nhau và cho rằng nhất định đang chưng hấp thịt ngỗng và vịt, nếu không thì sao lại nói “bỏ lông”, “không làm gãy cổ” chứ ?

Đợi rất lâu, mới thấy nhà bếp đem ra một dĩa tương nhỏ, cơm hạt kê một chén, bầu nậm một chạn.

Quan khách bạn bè giả làm vui, miễn cường ngồi ăn !

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 93 :

        Ai cũng thích đi dự tiệc vì có nhiều lý do: có người thích dự tiệc vì thích uống rượu ngon, có người thích dự tiệc để có thêm bạn bè, có người đi dự tiệc vì tình cảm bạn bè thân thiết.v.v... nhưng dù với lý do gì chăng nữa, thì bữa tiệc cũng là một dấu chỉ của sự thân tình và vui vẻ...

        Dự tiệc xong thì có nhiều lời phê bình: ăn ngon ăn dở, bởi vì con người ta quá chú trọng đến đời sống vật chất, nên không vui khi đồ ăn thức uống không được như ý mình muốn.

        Người Ki-tô hữu luôn nhìn thấy bữa tiệc “cuối cùng” của Đức Chúa Giê-su mỗi lần họ được mời đi dự tiệc, họ thấy Đức Chúa Giê-su nơi các thực khách nên họ chia vui với chủ nhà, thân tình hòa nhã với người ngồi bên cạnh, và luôn nở nụ cười tươi khi ăn phải món mà mình không thích, họ cũng không nhăn mặt khó chịu khi thấy người trong bàn tiệc uống rượu đến say phát biểu lung tung...

        Người đời miễn cưỡng ngồi ăn khi tiệc rượu quá xuề xòa, nhưng người có tâm tình yêu thương của Đức Chúa Giê-su thì dù tiệc dở hay tiệc ngon, tiệc xuề xòa hay nghiêm chỉnh, tiệc sang hay tiệc hèn thì cũng là bữa tiệc “a-ga-pe” bác ái của Đức Chúa Giê-su mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


92.    GIÓ DẸP (LÉP) TRÂU MÚA

Đới Đại Tân mới tám tuổi mà đã đi học, đến mười ba tuổi thì đỗ cử nhân.

Một lần nọ, có một quan viên đến nhà tham kiến cha của nó, thấy Đới Đại Tân đang chơi đùa bên cạnh trong sân nhà và cho rằng nó chẳng qua chỉ là một học sinh tiểu học, bèn nói ra một câu đối: “Nguyệt viên”.

Đới Đại Tân lập tức trả lời:

-      “Phong biển”[1].

Quan viên hỏi:

-      “Gió tại sao bị dẹp hử ?”

Đới Đại Tân nói:

-      “Ngay cả khe cửa cũng có thể đi vào, không dẹp thì sao có thể chứ ?”

Người ấy lại ra câu đối khác:

-      “Phụng minh”.

Đới Đại Tân tựa hồ như không suy nghĩ liền trả lời:

-      “Trâu múa”.

Quan viên hỏi:

-      “Trâu làm sao có thể nhảy múa hử ?”

Đại Tân nói:

-      “Bách thú cùng múa, trâu không phải là một trong trăm con thú cùng nhảy múa sao ?”

Quan viên nọ càng thêm tán thưởng, và lại tìm hiểu kỹ thêm thì mới biết đó chính là tiểu cử nhân Đới Đại Tân.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 92 :

        Thời xưa cũng như thời nay cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành thần đồng, cho nên không tiếc công tiếc của chạy chọt cho con mình vào học các trường chuẩn của thành phố...

        Thời xưa cũng như thời nay đều có những trường học muốn đào tạo thần đồng cho đất nước, nên đầu tư cái mặt tiền bên ngoài rất bắt mắt, quảng cáo rất thu hút làm cho các bậc phụ huynh nô nức đưa con đến học, nhưng học đã lâu mà không thấy con mình trở thành thần đồng giỏi giang như con nhà nghèo bên bàng xóm học trường phổ thông bình thường...

        Nếu cha mẹ nào cũng lo đời sống đạo đức của con mình như lo cho chúng nó thành thần đồng, thì xã hội tương lai đầy ắp tiếng cười hạnh phúc; nếu cha mẹ nào cũng biết đầu tư cho con mình trở thành người kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, thì Giáo Hội sẽ có rất nhiều tâm hồn nhiệt thành phục vụ tha nhân trong yêu thương, và xã hội có thêm nhiều người tốt..

        Đức Chúa Giê-su đã trở thành thần đồng thánh kinh khi mới mười hai tuổi lúc Ngài ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi, làm cho mọi người nghe đều kinh ngạc về trí thông minh của Ngài (Lc 2, 46-47).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Biển ﹝扁﹞có nghĩa là dẹp lép, dẹt, bẹt, bẹp.

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


91.    MÈ (VỪNG) GIẤY GƯƠNG

Vi Chính người đất Ngô không có tài học vấn, nhưng thích đàm luận thơ văn giữa nơi quảng đình to lớn, nhưng cũng chỉ nói được vài lời vài chữ, lúc có người hỏi cặn kẻ và truy hỏi xuất xứ bài thơ thì không tài nào trả lời được, có người chế nhạo ông ta là “mè giấy gương”.

Nguyên nhân là người đất Ngô thích ăn chè và bánh làm bằng mè, do đó trong chợ có rất nhiều người bán chè. Có một người chuyên môn dùng “giấy gương” để gói những đồ thừa, vừa lúc có người đếm và mua hàng hóa của hắn ta, sau khi lấy mè làm bánh, người ấy nhìn nhìn tờ “giấy gương” còn thừa bèn ra ngoài huênh hoang đứng rung đùi khoe học vấn của mình, nhưng có nhiều lần bị người ta truy hỏi cho đến cùng nên nhất thời không trả lời được, người ấy bèn nói:

-      “Mè giấy gương” của nhà tôi chỉ đến đây thì chấm hết ạ”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tưư 91 :

        Người ta thường nhìn giá trị của mỗi người theo bằng cấp của họ, cho nên mới có chuyện tiến sĩ mà không làm nổi bài luận văn, viết văn viết báo thì chấm phẩy không biết để vào đâu, bởi vì tiến sĩ này là tiến sĩ tiền, nghĩa là dùng tiền để mua bằng cấp; con người ta cũng thường hay đánh giá người khác qua bằng cấp nên có những vị cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ ăn nói giống như những ma cô mặc rô bảo kê các cô gái đứng đường, bởi vì tư cách của họ giống như thế mặc dù họ có bằng cấp đàng hoàng...

        Đánh giá người khác qua bằng cấp học vấn mà thôi thì chưa đủ, bởi vì bằng cấp học vấn chỉ là mực đo trình độ trí thức, chứ không thể mực thước đo giá trị đạo đức của một con người.

Trước mặt Thiên Chúa giá trị của mỗi người đều giống nhau, bởi vì tất cả đều được cứu chuộc bằng giá máu Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, cho nên người Ki-tô hữu không thể chỉ nhìn nhận giá trị con người bằng học vấn, nhưng là nhìn nhận mọi người đều có một linh hồn cao quý hơn mọi bằng cấp trên thế gian này...

Khoe khoang học vấn là đem cái tôi của mình ra...phơi nắng cho đen để không ai thấy được tâm hồn mình, nhưng đem tinh thần phục vụ và yêu thương của mình trãi ra trong cuộc sống, là đem giá trị Phúc Âm gieo vào tâm hồn của mọi người...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


90.    RUN MÀ ĐÁP LẠI

Thời nhà Lương, Tiêu Thâm có tài biện luận, lúc Lương Võ đế chưa làm đế đã cùng ông ta kết giao thâm tình.

Ngày nọ, Lương Võ đế mời dự yến tiệc, Tiêu Thâm say mèm, Lương Võ đế lấy táo ném Tiêu Thâm, Tiêu Thâm cũng lấy trái táo ném lại trúng ngay mặt Lương Võ đế, Lương Võ đế có chút giận dữ, Tiêu Thâm bèn giải thích, nói:

-      “Bệ hạ dùng thần làm hồng tâm để ném, thần dám không run mà đáp lại sao ?”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 90 :

        Ở đời có hai loại say rất nguy hiểm, đó là say rượu và say tình.

Say rượu thì không biết phân biệt lúc nào thì nên đùa và lúc nào thì nên nghiêm trang, và say rượu thì chỉ có đùa và phá hoại chứ không thể là nghiêm trang được, cho nên nguy hiểm luôn rình mò một bên người say rượu; say tình cũng là một loại say nguy hiểm bởi vì nó cũng làm cho lý trí của con người chạy mất tiêu, dù họ là người thông minh xuất chúng, khi say tình thì chỉ biết có tình và thường là luôn bỏ quên bổn phận của mình để chạy theo tình, đến nổi chết trong tình mà cũng không hay không biết.

        Say rượu cũng như say tình đều làm cho mình mất đi sự cân đối trong cuộc sống, và cuộc sống của người say tình say rượu thì giống như trên mây trên gió không màng đến thực tại của trần gian...

        Cũng có những lúc người Ki-tô hữu ném “quả tội” vào mặt Thiên Chúa, vì đắm mình trong “rượu” thế gian là những tội lỗi của mình, rồi tự an ủi và “giải thích” với Ngài trong tòa cáo giải là vì thế này là thế nọ nên con mới phạm tội, mà không đấm ngực dốc lòng chừa...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


89.    VƯƠNG LANG ÉP TẠ

Một hôm, cô gái là Tạ Đạo Uẩn vừa từ nhà Vương Nghi trở về, mặt mày không mấy vui vẻ.

Ba nó là Tạ Dịch nói:

-      “Vương lang là con trai của Vương Nghĩa, là người rất tốt, tại sao con không vui chứ ?”

Tạ Đạo Uẩn trả lời:

-      “Thúc bối nhà mình và các anh em đều là văn sĩ anh tuấn ưu nhã, không ngờ giữa thiên hạ lại có một Vương Nghi, đem so sánh với thúc bối và các anh em của con thật là đáng buồn !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 89 :

        Mặt mày đẹp chưa chắc đã làm cho người ta ưa thích, bởi vì đẹp mà kiêu ngạo và kênh kiệu thì có...ma quỷ mới thích; trái lại có những người mặt mày không đẹp nhưng lại được nhiều người thích, vì họ có cái duyên ngầm và sống khiêm tốn vui vẻ với mọi người.

        Người ta ai cũng thích cái đẹp chứ không ai thích cái xấu, nhưng cái xấu đôi lúc cũng là cái đẹp dưới con mắt của người nghệ sĩ: một tảng đá đen sì, một gốc cây sần sùi, một miếng vải rách.v.v... đều có thể trở nên đẹp trước mặt nghệ nhân. Người Ki-tô hữu luôn có cái nhìn “nghệ nhân” của Thiên Chúa, mà cái nhìn nghệ nhân của Thiên Chúa chính là lòng bao dung và yêu mến: bao dung để không nhìn thấy những khuyết điểm, những cái xấu của người mặt mày đẹp đẽ; yêu thương để thấy cái đẹp nơi những người bất hạnh có khuôn mặt xấu hơn người bình thường, đó chính là con mắt nghệ nhân của Thiên Chúa vậy.

        Trong thiên hạ thì cái gì cũng có thể phát sinh chứ đừng nói là hạng người thô lỗ khiếm nhã, nhưng trong thiên hạ phát sinh ra người có con mắt “nghệ nhân” của Thiên Chúa thì hiếm thật, bởi vì danh vọng, chức quyền, tiền bạc đã che mắt của con người mất tiêu rồi.

        Thiên Chúa là tình yêu, nên người tin Ngài -tức là người Ki-tô hữu- cũng là tình yêu của người đẹp cũng như người xấu vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


88.    CHUNG YÊM MẮNG CHỒNG

Vợ của thừa tướng Vương Hỗn là Chung Yêm sinh một đứa con trai là Vương Tế.

Một hôm, Vương Hỗn cùng Chung Yêm ngồi nơi phòng khách, Vương Tế từ giữa phòng khách chạy qua (bày tỏ sự hiếu thuận).

Vương Hỗn rất phấn chấn nói:

-      “Sinh con thì phải như thế, cũng đủ để an ủi chúng ta rồi”.

Nhưng Chung Yêm không cho là như thế, nói:

-      “Nếu tôi không phối hợp với tham quân (em của Vương Hỗn là Vương Luân) , thì không thể sinh được đứa con như thế !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 88 :

Ngoại tình là chuyện của những người đàn ông ham ăn nhậu nhẹt, bởi vì hể có tửu là phải có sắc mới chịu; ngoại tình cũng là chuyện của những mụ đàn bà trắc nết lăng loàn thích ăn không ngồi rổi, thích làm dáng làm điệu thái quá trước mặt mọi người, cho nên mới có câu “dâm phu dâm phụ”.

        Ngoại tình là đã có chồng (vợ) con rồi mà vẫn còn ham muốn người nam (nữ) khác, ham muốn là vì không giữ được nết na đức hạnh khi có nhiều đàn ông vây quanh tán tụng sắc đẹp...nửa mùa của mình; ngoại tình là người đàn ông đã có vợ con rồi, nhưng vẫn cứ tán tỉnh những người đàn bà khác vì dục vọng và vì không có tâm hồn đạo đức. Ngày nay chuyện ngoại tình thường xảy ra nơi những người lắm tiền nhiều của, nơi những người có chức có quyền nhưng không có đạo đức, và nhiều thảm kịch đã xảy ra cho những người ngoại tình...

Những đứa con của những mối tình bất chính thật là khổ, mà cái khổ nhất của chúng nó là mặc cảm với chúng bạn vì mình...không cha, và không được pháp luật chính thức thừa nhận, do đó mà sách Khôn Ngoan đã dạy :

“Nhưng con cái bọn ngoại tình sẽ chẳng ra chi,

giống nòi kẻ chung chạ bất chính rổi sẽ lụi tàn” (Kn 3, 16).

Tình yêu vợ chồng của người Ki-tô hữu là phản ảnh lại tình yêu của Đức Chúa Giê-su và Hội Thánh, cho nên gia đình của họ là mẫu gương cho những gia đình khác khi họ sống đời vợ chồng yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, đó cũng chính là hình ảnh của gia đình Thánh Gia tại trần gian vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)