Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Chúa nhật 15 thường niên

 


CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mc 6, 7-13
“Đức Chúa Giê-su bắt đầu sai các tông đồ đi rao giảng.”

Anh chị em thân mến,
Được sai đi là một vinh dự, càng vinh dự hơn khi người sai đi chính là Thiên Chúa, mỗi người trong chúng ta đều đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội tức là được trở nên môn đệ của Đức Chúa Ki-tô, và có bổn phận rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.
Chúng ta được sai đi không như các tông đồ ngày xưa, và cũng không như các linh mục ngày nay, nhưng chúng ta được sai đi trong môi trường sống của mình là gia đình, là trường học, là chợ búa, là công sở, tóm lại ở đâu có chúng ta là ở đó Tin Mừng của Chúa được rao giảng, bằng các việc làm và lời nói chứa đựng tình yêu của Đức Chúa Giê-su cho mọi người, tuy việc rao giảng Tin Mừng của người tín hữu không giống như của các linh mục, nhưng chỉ thị của Đức Chúa Giê-su cho các tông đồ thì vẫn là chỉ thị cho chúng ta hôm nay:

1. Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy.
Đi đường mà không mang gì cả thì thật sung sướng, không mang gì cả nhưng được mang cây gậy, đúng là Đức Chúa Giê-su rất cưng các học trò của mình, nhẹ nhàng ra đi truyền giáo với cây gậy làm vật hộ thân khi có sói rừng, khi gặp nguy hiểm, và nhờ có cây gậy mà người đi đường tự tin hơn.
Không mang gì cả đối với người Ki-tô hữu chính là hãy để cho tâm hồn mình bằng phẳng, đơn sơ, thật thà, đừng để tâm hồn chứa đựng nặng nề những ghét ghen, những hờn giận khi đi truyền giáo, cũng đừng chất chứa trong lòng những tham lam ích kỷ khi đi rao giảng Lời Chúa cho mọi người, bởi vì nếu tâm hồn chúng ta mang vác những thứ nặng nề ấy, thì sẽ không còn lòng dạ nào nữa để truyền giáo. Người ta sẽ không chấp nhận một nhà truyền giáo lòng đầy thù hận, ích kỷ nhỏ nhen.v.v... nhưng người ta chỉ hân hoan đón nhận một người truyền giáo thật thà đơn sơ, sống hết mình vì niềm tin của mình.
Cây gậy chính là đức tin của chúng ta, chỉ có đức tin mới làm cho chúng ta xác tín vào Lời Chúa mà không thèm mang gì cả khi ra đi truyền giáo, chỉ có đức tin mới làm cho tâm hồn chúng ta biết tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa, người có đức tin thì cuộc sống của họ tràn đầy ân sủng của Chúa. Khi gặp thử thách, chính đức tin làm cho họ trưởng thành hơn, khi gặp cám dỗ thì đức tin làm cho họ mạnh dạn thêm và chiến đấu đến cùng với ma quỷ.
Người Ki-tô hữu có thể không có gì cả, nhưng ”cây gậy đức tin” thì không thể thiếu, bởi vì nó làm cho người Ki-tô hữu luôn nhìn thấy Chúa hiện diện với họ trong cuộc sống, trong cuộc đời truyền giáo, không có đức tin thì không thể làm gì được kể cả cầu nguyện và đọc kinh, không có đức tin thì công việc truyền giáo của chúng ta chỉ là “hoa trong gương, trăng dưới nước” mà thôi, không tồn tại.

2. Được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
Đi dép là để cho chân của chúng ta được sạch và khỏi bị giẫm gai, đinh nhọn.v.v... tóm lại là để bảo vệ bàn chân của chúng ta, Đức Chúa Giê-su đúng là một vị sư phụ rất quan tâm đến học trò, đi đường mà lỡ đạp gai nhọn thì chỉ có nước mà vào bệnh viện nằm còn làm ăn gì được nữa chứ, mà đi truyền giáo ở thời đại của Đức Chúa Giê-su và các tông đồ thì làm gì có xe cộ, máy bay như bây giờ, lại còn phải vượt qua các đồi núi để giảng đạo, thì việc được phép mang dép là một hồng ân vậy.
“Đi dép” tức là phải có lòng trông cậy vào Thiên Chúa, đi truyền giáo mà chỉ ỷ lại vào các phương tiện của người đời hay là ỷ vào tài năng của mình thì có mà thất bại đau thương. Như bàn chân được đôi dép bảo vệ, người biết trông cậy vào Chúa thì sẽ an toàn trong cuộc sống của mình, vì họ luôn cậy nhờ vào tình thương của Chúa, dù cho thất bại, dù cho gặp nhiều chống đối, dù cho nguy hiểm thì người trông cậy vào Chúa vẫn luôn an toàn không nao núng.
Nhưng không được mặc hai áo, có người giải thích là vì khí hậu ở Pa-lét-ti-na rất nóng, cho nên Chúa muốn các tông đồ đừng mặc nhiều áo để nhẹ nhàng mà đi lại, nhưng chúng ta hiểu là: Chúa muốn người đi rao giảng Tin Mừng đừng có hai lòng ba dạ, nghĩa là cần phải có một tâm hồn công chính minh bạch.
Không được mặc hai áo là đừng có hai lòng ba dạ, đừng có ngoài miệng thì khen lấy khen để, nhưng trong lòng thì ghét cay ghét đắng; đừng có trước mặt thì anh anh chị chị rồi sau lưng thì tìm cách nói xấu chửi bới anh anh chị chị ấy. Một người làm công việc truyền giáo mà có hai lòng ba dạ thì chỉ là công cụ của ma quỷ mà thôi, họ không thật với chính lòng mình thì không thể sống hết mình vì anh chị em.
Anh chị em thân mến,
Có người hàng ngày đều có đến tham dự thánh lễ, nhưng lòng dạ thì vẫn cứ hờn giận ghét ghen người hàng xóm; có người vẫn cười cười nói nói thân thiện với mọi người, nhưng lại nói xấu chê bai họ sau lưng với người khác; lại có người không những “mặc hai áo” mà còn trùm luôn đầu, vì tâm hồn họ chứa đầy mưu mô hãm hại ngừơi anh em chị em, mặc dù ngoài mặt vẫn nắm tay cười cười nói nói...
Hôm nay Đức Chúa Giê-su cũng sai anh chị em ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, Ngài không sai anh chị em đi như các tông đồ trèo non lặn suối để tìm con chiên lạc, nhưng Ngài muốn anh chị em hãy trở nên những chứng nhân cho Ngài trong gia đình của anh chị em, trong môi trường sống và hoàn cảnh làm việc của anh chị em, bởi vì tất cả chúng ta đều là những môn đệ của Ngài, là những cánh tay nối dài của Ngài để đem tình thương và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người bất hạnh đang chờ đợi chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


34.          ĐÁNH RẮM LÀM THƠ VĂN

Có một tú tài chết xong thì diện kiến diêm vương, khoe khoang mình có tài làm thơ văn mau lẹ.

Đột nhiên diêm vương tình cờ đánh rắm một cái, tú tài ấy lập tức trình lên một bài thơ tặng, diêm vương coi xong thì rất phấn khởi, bèn cho anh ta trở về lại làm người thế gian để anh ta sống thọ thêm một năm nữa.

Một năm đã hết, tú tài lại chết và lại bái kiến diêm vương nhưng không may là đã bãi trào, tiểu quỷ báo với diêm vương là có tú tài đến yết kiến. Diêm vương hỏi là ai, tiểu quỷ nói:

-         “Chính là tên tú tài năm trước đánh rắm làm thơ đó.

                                                 (Tiếu lâm)

 

Suy tư 34:

        Thường người ta thấy phong cảnh hữu tình thì lòng thơ tuôn trào lai láng, hoặc tức cảnh si tình mà làm thơ để đời, chứ không ai nghe tiếng đánh rắm mà làm thơ cả, có chăng là những nhà thơ ba cọc ba đồng, tức là những người thích nịnh.

        Nịnh diêm vương là chuyện không có tức là chuyện tiếu lâm kể cho vui, nhưng chuyện phạt trong hỏa ngục là chuyện có thật, mà đã bị phạt trong hỏa ngục rồi thì dù có làm thơ hay như Lý Bạch, như Tản Đà thì cũng muôn đời ở trong đó, chứ không thể nào sống lại được thêm một năm nữa, đó là niềm tin của người Ki-tô hữu.

        Người Ki-tô hữu dù là nhà thơ, nhà văn hoặc nhà khoa học thì cũng đều hiểu biết điều này: là nhà thơ thì làm thơ để ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa và ca ngợi những vẻ đẹp đẽ trong vũ trụ; là nhà văn thì viết những áng văn không những để dạy con người biết đến Thiên Chúa mà còn dạy cho con người biết sống làm người, chứ không dùng văn chương để đầu độc người khác; là nhà khoa học thì những phát minh của mình luôn đem lợi ích lại cho nhân loại và thăng tiến con người.

Tóm lại, chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình trong tình yêu của Thiên Chúa, là những vần thơ đẹp nhất để được niềm vui ở đời này và hưởng hạnh phúc mai sau.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 




33.          GÁNH NGỰA MÀ CHẠY

Quan công cưỡi con ngựa Xích Thố một ngày có thể chạy ngàn dặm, Chu Thương giúp ông ta gánh cây thanh long đao chạy theo, một ngày cũng chạy được một ngàn dặm.

Quan công thấy Chu Thương đã già mà đi bộ như thế thì trong lòng thật là áy náy, bèn muốn mua một con ngựa để ông ta cưỡi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng chỉ mua được con ngựa một ngày chỉ chạy được chín trăm dặm mà thôi.

Quan công cảm thấy cưỡi con ngựa này so với đi bộ thì mạnh hơn chút xíu. Ai dè, một con chạy một ngày được một ngàn dặm và một con thì chỉ chạy được chín trăm dặm, một ngày thua một trăm dặm, hai ngày thua hai trăm dặm.

Chu Thương cảm thấy cưỡi ngựa thì không thể theo kịp Quan công, bèn dứt khoát lấy dây thừng cột chặt móng ngựa lại, dùng đại đao nâng dậy và gánh đi cho kịp.

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 33:

        Theo lẽ thường thì con người không thể nào chạy nhanh như con ngựa, nhưng nếu con người có quyết tâm và chuyên cần luyện tập chạy bộ thì một lúc nào đó cũng có thể chạy thật nhanh như ngựa, cũng như đã có người ăn khỏe như...voi.

        Con ngựa thì cũng giống như các phương tiện khoa học thời nay giúp cho con người làm được rất nhiều điều có ích, như: máy vi tính, truyền hình, video, điện thoại di động.v.v... đều là những phát minh rất gần gủi và cần thiết cho con người, nhờ đó mà con người có thể bước những bước dài hơn và cao hơn trong cuộc sống hàng ngày...

        Dù có ngựa để giúp đỡ, nhưng không làm cho mình đạt chỉ tiêu thì cũng vô ích, thà không có ngựa thì hơn. Cũng vậy, mọi phương tiện khoa học là để giúp cho con người đến gần Thiên Chúa hơn, nhưng nếu càng có phương tiện mà càng xa Thiên Chúa thì không ích lợi gì cho linh hồn mình cả, thà không có nó thì hơn...

        Không có ngựa mà đi kịp ngựa thì tốt hơn là có ngựa mà đi không kịp ngựa, đó là bí quyết tu đức của các vị thánh vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


32.          KHÔNG CẦN TÍNH MỆNH

Chủ nhân giữ người bạn ở lại ăn cơm, nhưng trên bàn ăn chỉ có một dĩa đậu phụ.

Người bạn hỏi:

-         “Tôi thích nhất là ăn đậu phụ, nó là tính mệnh của tôi, tôi cảm thấy không có món gì ngon cho bằng món đậu phụ.”

Cách mấy ngày sau, chủ nhân lại mời người bạn ấy ăn cơm, và cho rằng anh ta thích ăn đậu phụ, bèn bỏ đậu phụ vào trong cá và thịt, nhưng không ngờ ông bạn ấy không ăn đậu phụ mà chỉ chọn cá và thịt mà ăn.

Chủ nhân hỏi:

-         “Anh nói đậu phụ là tính mệnh của anh, tại sao hôm nay không ăn nó ?”

Ông bạn trả lời:

-         “Vừa thấy cá và thịt thì ngay cả tính mệnh, tôi cũng không cần.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 32:

        Sinh mệnh thì cao quý vô cùng và chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng nắm giữ sinh mệnh của con người, cho nên sinh mệnh quý giá vô cùng, quý giá là bởi vì mỗi người chỉ có một sinh mệnh mà thôi...

        Không có vật gì trên đời có thể hoán đổi được sinh mệnh, dù cho đó là trân châu báu ngọc quý nhất trần gian, nhưng ở đời có người coi sinh mệnh của mình giống như miếng đậu phụ vì tham ăn; lại có người coi tính mệnh như ly rượu đế vì tham uống...

        Người Ki-tô hữu là người biết trân quý sinh mệnh của mình, dù nghèo đói, dù giàu có, dù thất vọng hay hy vọng, họ cũng đều biết coi trọng sinh mệnh của mình, bởi vì người coi nhẹ sinh mệnh của mình là người không biết quý trọng sinh mệnh của người khác, mà người không biết quý trọng sinh mệnh thì chỉ là người gây tang tóc cho người khác mà thôi.

        Miếng đậu phụ không thể là tính mệnh, nhưng nó sẽ làm cho sinh mệnh của người nghèo khổ được khỏe hơn; nếu chúng ta biết chia sẻ với tha nhân những gì ta có -dù là miếng đậu phụ- thí chắc chắn chúng ta sẽ thấy sinh mệnh rất là cao quý và huyền nhiệm vô cùng.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


31.          MAY MẮN TUỔI CHÓ

Rất nhiều người ăn cơm trên bàn, trong đó có một người ăn như quỷ đói, tướng ăn thì rất khó coi, ăn ngấu ăn nghiến, lấy đồ ăn của người khác mà ăn hết.

Có người hỏi hắn ta:

-         “Ông tuổi con gì ?”

Tên tham ăn trả lời:

-         “Tuổi con chó.”

Người ấy liền nói tiếp:

-         “Tốt, rất tốt, may mà ông tuổi chó, nếu như tuổi con hổ chẳng lẽ ông không nuốt sống tất cả chúng tôi đây hay sao ?”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 31:

        Người Việt Nam chúng ta rất coi trọng cách ăn uống, bởi vì người Việt Nam chúng ta có một tâm hồn quãng đại biết nghĩ đến người khác, và coi cách ăn uống như là một nét văn hóa rất phong phú, do đó thức ăn không quan trọng bằng cách ăn.

        Càng có địa vị, học thức, thì cách ăn uống phải lịch sự tao nhã hơn những người khác.

        Đức tính nhân bản được tỏ lộ rõ nhất trong cách ăn uống, bởi vì khi con người ta thưởng thức khoái lạc hưởng thụ đúng theo ý mình thích, thì bản năng “động vật” trong con người sẽ bày ra rất tự nhiên:

Có một vài người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa khi ăn uống thì không giữ gìn để ý cách ăn, nên ăm ngồm ngoàm, thức ăn dính trên mép rất khó coi, lại còn vừa ăn vừa nói chuyện lớn tiếng và cười ha hả làm thức ăn bay ra người đối diện; lại có một vài người đi tu ăn uống có bia rượu thì quên mất mình là ai, uống rượu như bợm nhậu, nói năng không lịch sự và ồn ào...

Ông quan ở đời ăn uống như thế thì bị người ta chửi cho vào mặt, hoặc ít nữa là chửi thầm rủa sả sau lưng, thật đáng tội nghiệp, huống chi là chúng ta –những linh mục tu sĩ- càng tội nghiệp hơn khi người ta nói: ông cha, ông thầy đó là dân bợm ăn bợm nhậu thứ thiệt...

Linh mục nghĩa phụ của tôi là nhà tâm lý giáo dục khi còn làm giám đốc tiểu chủng viện tại Vũng Tàu, đã chia sẻ với tôi rằng: muốn biết tính tình “chú” (các tiểu chủng sinh) nào như thế nào thì chỉ cần cho các “chú” ra biển Vũng Tàu tắm và quan sát, thì biết ngay; hoặc khi các “chú” ăn cơm thì cũng biết ngay cá tính của các “chú” ấy, bởi vì khi vui đùa hay khi ăn uống thì cá tính của con người sẽ dễ dàng bộc lộ ra nhất.

Tôi đã ghi nhớ lời dạy này cho mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


30.          NÀNG DÂU “HIẾU THUẬN”

Có người hỏi phú ông:

-         “Con dâu đối xử với ông có tốt không ?”

Phú ông trả lời:

-         “Mấy đứa con dâu đối xử với tôi rất hiếu thuận. Con dâu lớn sợ trong miệng tôi nhạt không vị, tôi vừa vào cửa nó liền thêm muối (chữ đồng âm với chữ căm ghét)[1]; con dâu thứ hai sợ tôi buồn không vui, thường gõ nồi gõ chén cho tôi nghe “âm nhạc”; con dâu thứ ba thì càng hiếu thuận hơn, nó nói: “ngạn ngữ nói rất hay, cơm tối ăn ít lại thì sống đến chín mươi chín tuổi”, nên ngay cả cơm sáng cũng không cho tôi ăn !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 30:

        Đối xử độc ác với cha chồng thì cũng giống như đối xử độc ác với cha ruột mình vậy, bởi vì cha chồng cũng là cha của mình, quan tâm chăm sóc cha chồng cũng như mẹ chồng là chăm sóc cha mẹ ruột của mình, đó là đạo làm người mà mỗi người phải biết...

        Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ để họ kết hợp với nhau làm thành một gia đình mới, nói như thế không có nghĩa là từ đây mình không còn phải phụng dưỡng cha mẹ ruột cũng như cha mẹ của chồng (vợ) nữa, bởi vì như thế là trái với đạo làm con mà Thiên Chúa đã dạy: thảo kính cha mẹ.

-         Nàng dâu hiếu thuận là nàng dâu biết chăm lo cho cha mẹ chồng như cha mẹ ruột của mình.

-         Nàng dâu hiếu thuận là nàng dâu không biết kêu ca khi cha mẹ chồng đổi tính đổi nết vì tuổi già.

-         Nàng dâu hiếu thuận là nàng dâu biết thức trước khi cha mẹ chồng thức, biết ngủ sau khi cha mẹ chồng đã ngủ.

-         Nàng dâu hiếu thuận là nàng dâu luôn nhìn thấy cha mẹ ruột của mình nơi cha mẹ chồng để vâng lời và phục vụ...

Làm được như thế, thì trong nhà của nàng sẽ rộn rã tiếng cười vui, và con cháu của nàng sẽ được hưởng phúc do tính hiếu thuận của nàng mang lại, bởi vì không một người con hiếu thảo nào mà bị Thiên Chúa bỏ quên ở đời này cũng như ở đời sau bao giờ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ “muối” tiếng Hoa phát âm là “yen”, chữ ghét cũng phát âm là “yen”, đồng âm khác nghĩa.

 

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


29.          HỢP TÁC TRỒNG RUỘNG

Hai anh em cùng nhau trồng ruộng.

Khi lúa đã chín thì họ bèn thương lượng với nhau chia như thế nào đây ?

Người anh nói:

-         “Nửa trên là của anh, nửa dưới là của em.”

Người em cho rằng không công bằng, nên không chịu, người anh nói:

-         “Sao lại không công bằng chứ, sang năm nửa trên là của em, nửa dưới là của anh, thì giống nhau thôi ?”

Năm thứ hai, phải gieo mạ nên người em hối thúc người anh đem lúa giống đến, người anh nói:

-         “Năm nay không trồng lúa.”

Người em hỏi:

-         “Vậy thì trồng gì ?”

Người anh đáp:

-         “Trồng khoai lang.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 29:

        Trồng lúa thì lấy trên bỏ dưới, trồng khoai lang thì lấy dưới bỏ trên, đó là điều ai cũng biết, rất đơn giản, nhưng cái không đơn giản và con người khó mà biết được đó chính là lòng dạ đen tối của con người ta, dù đó là anh chị em ruột thịt với nhau.

        Có nhiều gia đình anh chị em ruột thịt chia rẻ nhau và coi nhau như kẻ thù, bởi vì tranh chấp gia tài của cha mẹ để lại; có những anh chị em ruột thịt phải trở thành kẻ xa lạ là vì làm ăn chia lợi không đều; có anh chị em ruột thịt vì một tiếng nói của con cháu mà trở thành người xa lạ như chưa hề gặp mặt. Đó là những nhức nhối của con người và là những mầm đại loạn của xã hội, bởi vì anh chị em ruột thịt mà không yêu thương giúp đỡ nhau, coi nhau như kẻ thù thì trong thế giới loài người ai là người thân cận chứ ?

        Làm anh làm chị thì nhường cho em mình mới phải, vì đó là lẽ tự nhiên và là trật tự của Thiên Chúa đã đặt định, làm em thì phải biết yêu mến và tôn trọng anh chị mình, đó cũng là điều mà Thiên Chúa đã đặt định, đi ngược những điều ấy là mất trật tự và phát sinh nhiều hổn loạn trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

        Không một người anh người chị nào nhẫn tâm nhìn thấy em mình đói khổ khi mình quá giàu có; cũng không một người em nào nhỡn nhơ phè phỡn khi anh chị mình nghèo đói đầu tắt mặt tối mà cũng thiếu ăn, đó là tình thương ruột thịt, tình thương rất thiêng liêng mà Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn của con người vậy.

        Không yêu thương anh chị em ruột thịt của mình, thì đừng bao giờ nói với người khác là mình thương yêu họ, bởi vì đó là lời nói dối lớn nhất của ma quỷ qua mọi thời đại...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)