Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su

 


LỄ MÌNH MÁU THÁNH ĐỨC CHÚA GIÊ-SU


Tin mừng : Mc 14, 12-16.22-26
“Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy.”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Mình Máu thánh Đức Chúa Giê-su; hôm nay có nhiều nhà thờ trên thế giới rước kiệu Mình Thánh Chúa cách trọng thể để biểu dương tình yêu của Ngài đối với nhân loại, và nhất là đối với mỗi người trong chúng ta. Trong niềm vui của thánh lễ này, tôi xin được chia sẻ với anh chị em hai điểm sau đây:

1. Đức Chúa Giê-su là Bánh nuôi nhân loại.
Với cử chỉ rất thân tình và trang trọng, Đức Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người...” (Mc 14, 23), Ngài không nói đây là mình và máu của người khác, Ngài cũng không nói đây là bánh mì và rượu nho, nhưng nói: đây là mình Thầy và đây là máu Thầy, máu Giao Ước, mình Thầy là tấm bánh tinh tuyền, máu Thầy là máu Giao Ước được trao ban cho các môn đệ, và những ai tin vào Ngài để họ được sống và sống dồi dào.
Bánh được làm ra bởi lúa mì và trái nho được ép thành rượu không phải để cất vào tủ lạnh hay chạn bếp, nhưng để nuôi mình và chia sẻ với tha nhân, đó là ý nghĩa đích thực của bánh và rượu.
Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá như hạt lúa mì bị nghiền nát trong cối xay, để rồi phó linh hồn trong tay Đức Chúa Cha, và trở nên Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn những người tin vào Ngài, đó là mầu nhiệm của tình yêu, là của lễ hiến tế để cứu độ muôn người đẹp lòng Chúa Cha nhất, và hy lễ này vẫn còn tiếp diễn mỗi giây mỗi phút trên trần gian qua thánh lễ Mi-sa, đễ bánh và rượu trên bàn thờ trở thành Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su dưỡng nuôi nhân loại cho đến ngày tận thế...

2. Mỗi người là bánh cho tha nhân.
Thánh giám mục I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a trong thư gởi cho tín hữu Rô-ma, ngài viết rằng: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa và sẽ được nanh thú nghiền tán để thành tấm bánh tinh tuyền của Đức Ki-tô” , và ngài đã chết dưới hàm răng của sư tử.
Ngày nay, chúng ta không bị hàm răng sư tử nghiền nát để trở nên tấm bánh tinh tuyền của Đức Chúa Ki-tô, nhưng chúng ta có thể trở nên tấm bánh hạnh phúc, thân thiện của anh em chị em chung quanh mình, đó là khi chúng ta chấp nhận hy sinh vì quyền lợi của tha nhân, chấp nhận lời phê bình ác ý của tha nhân, nở nụ cười thân thiện với người có thành kiến với mình.v.v...đó là lúc chúng ta trở nên tấm bánh cho tha nhân rồi vậy.
Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã trao ban chính mình Ngài làm của ăn của uống để nuôi linh hồn của chúng ta, do đó chúng ta biết rằng, nhờ bí tích Thánh Thể này, mà chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng cách rõ ràng và mật thiết hơn với Đức Chúa Giê-su, khi chúng ta rước Mình Máu thánh của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta.
Và nhờ bí tích Thánh Thể này mà chúng ta cũng biết rằng:
Thánh Thể làm cho Giáo Hội sống,
Thánh Thể làm cho Giáo Hội hiệp nhất,
Thánh Thể làm cho Giáo Hội yêu thương.
Thánh Thể làm cho Giáo Hội tồn tại và phát triển...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


99. ĐẺ TIỀN HO LAO

Cha con Nghiêm Tùng có lòng tham vô đáy, nhận hối lộ càng vô số.

Hai cha con bàn tính với nhau rằng, phàm tích trử của cải được trăm vạn thì đặt một lần tiệc rượu ăn mừng, đại khái là đã qua năm lần tiệc rượu rồi mà lòng tham của cha con Nghiêm Tùng lại càng vô cùng, vơ vét tiền bạc của dân chúng hung ác đến cực điểm.

Nói đến cha con Nghiêm Tùng thì người trong kinh thành đều tức khí giận dữ gọi họ là đẻ “tiền ho lao”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 99 :

        Tiền bạc thì ai cũng thích có, bởi vì không có tiền thì không có cơm ăn áo mặc, không có tiền thì không có các phương tiện cần thiết cho cuộc sống, tóm lại tiền bạc rất quan trọng với cuộc sống của con người.

        Có nhiều loại tiền: đồng tiền bất lương là đồng tiền ăn chặn các công trình công cộng cũng như của tư nhân; đồng tiền thất đức là đồng tiền bóc lột của con nhà nghèo; đồng tiền nhớp nhúa là đồng tiền hối lộ; đồng tiền sạch sẽ là đồng tiền làm lụng đổ mồ hôi mà có; đồng tiền “ho lao” là đồng tiền do vơ vét của dân mà có...

        Người Ki-tô hữu là những người sống trong cõi trần gian này, nên cũng cần có tiền để mua những thứ nhu cầu cần thiết cho cuộc sống, đó là nhu cầu chính đáng, cho nên họ làm ăn cách chính nghĩa, không gian lận khi buôn bán, không bóc lột người khi mướn họ làm việc, không ăn hối lộ khi phục vụ dân chúng, bởi vì họ là người Ki-tô hữu, là con cái của Thiên Chúa.

                Ho lao là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên cần phải tránh xa không được tiếp xúc với họ. Cũng vậy, bóc lột, tham những, ăn chặn là những “đồng tiền ho lao” cần phải tránh xa, vì nó sẽ truyền nhiễm đến linh hồn đẹp đẽ của chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


98. CHIM ĐỪNG THAM NGỦ

Năm đầu của triều đại Minh Huệ Tông, Hình Công có đảm nhiệm qua chức tri phủ ở Tô Châu.

Nhiều năm liên tiếp bị hạn, tri phủ Hình bèn nghĩ ra một kế, hạ lệnh cho các hồ nước và hồ lau (sậy) phải trưng thuế, bá tính không ngớt báo oán.

Có người làm một bài thơ hài châm biếm:

-      “Đong hết sơn điền và thủy điền, chỉ lưu biển xanh cùng trời xanh, ngư thuyền nếu qua nghỉ bãi giữa, mau báo hải âu đừng tham ngủ” (hàm ý là nếu không thuế khóa cũng phải thu).

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 98 :

        Làm quan mà có lòng tham lại thêm có óc thiển cận thì chỉ khổ dân mà thôi, nhưng thường ai có lòng tham thì các nhân đức khác đều...chạy mất, nhất là nhân đức khôn ngoan và sự hy sinh.

  Người Ki-tô hữu nếu được làm quan thì việc trước tiên phải làm là cầu nguyện xin ơn khôn ngoan và sự để phục vụ bá tánh thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì khi cầu xin ơn khôn ngoan thì thường là Thiên Chúa cũng ban cho những ơn khác như: ơn sống liêm khiết để thanh thoát trong khi sử dùng quyền hành, ơn công bằng để biết bênh vực người nghèo, ơn khó nghèo để không làm khổ dân...

Tham lam là ngủ quên trong bổn phận, có óc thiển cận là mĩm cười đắc thắng trên nỗi khổ của bá tánh, bởi vì quá tham lợi mà không còn thời gian để suy tính những kế hoạch giúp dân giàu nước mạnh...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


97. QUAN ÂM THIÊN TRÚC

Năm nọ thời đại Hiếu Tông, trời làm đại hạn, hoàng đế khẩn cấp triệu quan thế âm bồ tát xuống núi cứu nạn, nên đem tượng Phật chuyển qua chùa Minh Khánh để cầu nguyện.

Có người làm bài thơ chế nhạo:

-      “Tẩu sát đông đầu cung phụng ban, truyền tuyên thánh chỉ đến nhân gian, thái bình thừa tướng ngồi trong đường, quan âm Thiên Trúc lại hạ san”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 97 :

        Quan âm bồ tát không phải là đấng tạo hóa cũng không phải là đấng làm ra mưa gió hay mặt trời, nhưng quan âm bồ tát chỉ là một tạo vật bởi Thiên Chúa tạo dựng mà có.

        Cầu nguyện là cầu với Đấng tối cao, Đấng tạo dựng đất trời, Đấng làm ra mưa và làm cho có ngũ hành tinh tú trên bầu trời, chứ không phải cầu nguyện với loại tạo vật; cầu nguyện là đem hết thân xác tâm hồn và trí khôn của mình để vào trong tình yêu của Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên mình, đó là sự khôn ngoan của Thánh Thần ban cho.

        Có một vài người Ki-tô hữu thường hay báo oán Thiên Chúa khi trời nắng nóng hoặc khi mưa to gió lớn, họ đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền năng của Thiên Chúa, họ lấy trí óc của mình ra đọ với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, mà không thấy tình yêu của Ngài dành cho mọi người trên mặt đất này.

        Thỉnh cầu quan âm bồ tát về để cầu mưa là chuyện của người không biết Thiên Chúa là ai, nhưng cầu nguyện và hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa chính là bổn phận và yêu thương của người Ki-tô hữu vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 

96. PHỤNG CHỈ ĐIỀN TỪ

Thời nhà Tống có người nổi tiếng là Liễu Vĩnh Sơ tự là Tam Biến, không câu nệ tiểu tiết, quản nhiệm viên ngoại lang, đã tự mình làm một bài văn:

-      “Lời của người tài hoa, tự là bạch y Liễu tướng” (ý là : người tài tử mặc dù vô công danh, cũng vào được trong triều với các đại thần, có thể lưu danh hậu thế).

Có người đem câu này của ông ta giới thiệu với triều đình, vua Tống Nhân Tông nói:

-      “Hắn ta thích phong tiền nguyệt hạ thì để cho nó đi Điền Từ”.

Do đó mà Liễu Vĩnh mãi bất đắc chí, nên cũng không chú ý kiểm điểm lại hành vi của mình, tự gọi mình là “phụng chỉ Điền Từ Liễu Tam Biến”.

                                                                        (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 96 :

        Không ai có thể tự nhân mình là tài giỏi bởi vì như thế sẽ bị cho là kiêu ngạo, cũng không ai có thể tự nhiên mà trở thành tài giỏi nổi tiếng, nhưng cần phải học hành và tự mình rèn luyện thêm nhiều.

        Thành công nào cũng phải bắt đầu từ sự quyết tâm và hăng say học tập, tiến bộ nào cũng phải có sự cố gắng làm bàn đạp để đi lên, bởi vì không một thành công hay tiến bộ nào mà không có mồ hôi và nước mắt đổ ra.

        Người Ki-tô hữu nào cũng ước mong mình nên thánh như Liễu Vĩnh mong được đến triều đình để hội họp với các đại thần, nhưng muốn nên thánh mà không muốn tập luyện đi đàng nhân đức thì biết đường nào mà đi ? Muốn nên thánh mà cứ thích tửu sắc trăng hoa thì làm sao mà để lòng yên tĩnh được ...?

        Đức Chúa Giê-su đã “phụng chỉ xuống trần” để cứu chuộc nhân loại mà không bất đắc chí, trái lại Ngài hoàn toàn tự nguyện và tự nguyện hy sinh mạng sống mình để thế gian được sống, đó chính là sự phụng chỉ trong yêu thương và vâng phục.

Đó chính là con đường mà người Ki-tô hữu phải đi qua mới thấy được “đường nên thánh” của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


95. VỢ NGƯU ĐẦU

Vào thời Võ Tắc Thiên, thu quan (hình bộ) thị lang Châu Hưng là một thích sứ tàn ác có tiếng, thường lập ra luật riêng ngoài hình pháp để hành hạ người ta, nên người ta gọi là “vợ ngưu đầu” (quỷ ma trong địa ngục).

Tiếng oán hận của bá tánh lao xao, Châu Hưng sau khi nghe được thì tự hào mà không cảm thấy như thế là sai, đắc ý nói:

-      “Như thế thì có gì là kỳ quái chứ !”

Thế là người coi sổ sách nói với người gác cổng:

-      “Người bị cáo, hỏi điều xuyên tạc, sau khi trảm quyết, không lời than tiếc” (tức là không có lời).

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 95 :

        Quỷ trong địa ngục chắc chắn là tàn ác hơn ông quan hình bộ rất nhiều, bởi vì quan hình bộ hoặc những người tàn ác khác chỉ là con cái, học trò của quỷ sa tan mà thôi, học trò sao hơn thầy được chứ ?

        Người tàn ác thì trên thế gian này rất nhiều, tàn ác có nhiều loại: có người tàn ác vì giết người, có người tàn ác khi ăn hối lộ của người nghèo, có người tàn ác khi hiếp dâm trẻ em, có người tàn ác khi ăn cắp của người tàn tật, có người tàn ác khi vu oan giá họa cho người khác, có người tàn ác khi bắt cóc trẻ em để làm tiền, có người tàn ác bẻ gảy tay chân của trẻ em để bắt nó đi xin ăn, có người tàn ác giết người để lấy nội tạng...

        Người Ki-tô hữu chân chính luôn gạt bỏ những ý tưởng tàn ác ra khỏi đầu óc mình, bởi vì họ biết rằng tàn ác chính là bộ mặt của ma quỷ trong địc ngục, cho nên họ luôn cầu nguyện, tập tành yêu thương và giúp đỡ tha nhân...

        Tàn ác là vì sự tham lam thái quá đã che mất lương tâm, cho nên họ dễ dàng bỏ ngoài tai những lời ta thán của người khác, rồi nhắm mắt làm ngơ để cho sự tàn ác xảy ra khi mình có thể ngăn chặn thì đó là sự tàn ác gấp trăm ngàn lần...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


94.    ĂN BA BA ĐÁNH NGƯỜI

Thời nhà Tùy, thái bộc khanh Thôi Hoằng Độ là người rất khó phục vụ, ông ta nói với gia nhân:

-      “Tụi bây không có ai có thể lừa dối ta”.

Có một lần, ông ta đang ăn thịt con ba ba thì hỏi đầy tớ:

-      “Ăn ngon chứ ?”

Các đầy tớ liên tục trả lời:

-      “Ngon, ăn ngon”.

Thôi Hoằng Độ nghĩ thầm:

-      “Tụi mày không ăn làm sao có thể biết là ăn ngon chứ, không phải là lừa ta sao ?”

Thế là các gia nhân bị đánh một trận rất đau. Người trong kinh thành tức giận và nói:

-      “Thà ăn ba đấu giấm chứ không thèm thấy mặt Thôi Hoằng Độ”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 94 :

         Con người ta, không ai là không bị một lần lừa dối và không ai không một lần nói dối trong cuộc đời của mình, và trong cõi đất trời này ai cũng có thể lừa dối nhau, và có rất nhiều người bị dối bị gạt, cho nên chúng ta -những con người- chỉ có thể lừa dối nhau, cho nên phải nói như thế này : “không ai có thể lừa dối Thiên Chúa” thì đúng hơn...

        Con người ta lừa dối nhau cũng chỉ vì cái tâm tham lam, cái tâm danh vọng, cái tâm ích kỷ mà ra.

Lừa dối là nói không đúng sự thật, lừa dối là kiếm chuyện dối trá để xin xỏ, lừa dối là đem chuyện không có của người này nói thành cho có để bêu xấu họ, lừa dối là dối gạt người khác với lý do như thật... Có những người Ki-tô hữu lừa dối Thiên Chúa trong tòa cáo giải, họ xưng tội mà sợ linh mục giải tội biết tội mình, họ đi làm hòa với Thiên Chúa trong bí tích hòa giải nhưng lại nói dối Ngài qua vị linh mục ngồi tòa, bởi vì họ ngại linh mục biết họ là ai.v.v...

Chúng ta có thể lừa dối linh mục ngồi tòa cáo giải nhưng chúng ta không thể lừa dối Thiên Chúa, chúng ta sợ linh mục ngồi tòa biết tội mình mà không sợ Thiên Chúa biết tận tâm can của mình, chúng ta ngại linh mục ngồi tòa biết mình là ai mà không sợ Thiên Chúa là Đấng đã biết mình từ khi mình chưa sinh ra...

Con người ta rất ghét sự dối trá huống hồ là Thiên Chúa ! Ngài ghét tội lừa dối nhất, vì chính nó đã làm cho tâm hồn các con cái của Ngài biến thành nơi nuôi dưỡng thù hận và chia rẻ...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)