Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Chúa nhật 11 thường niên

 




CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : 4, 26-34.
“Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.”

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra một vấn nạn để cho chúng ta suy nghĩ: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây, lấy ví dụ nào mà hình dung được?” Rồi chính Ngài đã giải thích cho chúng ta biết Nước Thiên Chúa giống như hạt cải. Trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm thực tế sau đây.
1. Làm việc thiện.
Nếu trong tâm hồn chúng ta có tình yêu Thiên Chúa, thì đồng thời chúng ta cũng biết đem hạt giống ấy gieo vào tâm hồn người khác bằng cách đi làm việc thiện, bởi vì khi làm việc thiện là chúng ta gieo hạt giống Lời Chúa vào tâm hồn của tha nhân, khi thấy chúng ta làm việc thiện giúp đỡ người khác không tính toán, không đòi báo đáp, dù cho chúng ta không để ý theo dõi tình trạng kết quả, thì hạt giống ấy (việc thiện) vẫn cứ âm thầm nảy mầm và đến lúc nào đó, với ơn Chúa giúp thì họ sẽ trở thành người Ki-tô hữu, người con của Chúa như chúng ta.

Chúng ta nhận ơn của của Chúa cách nhưng không thì nên cho đi cách nhưng không, có nghĩa là những việc thiện mà chúng ta làm cần phải sáng rực tình yêu vô vị lợi, vì Thiên Chúa mà thực hành đức ái, có như thế tâm hồn những người mà chúng ta giúp đỡ sẽ đâm chồi nẩy lộc tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.
2. Nước Trời ở trong chúng ta.
Nước Trời được gieo vào trong tâm hồn chúng ta ban đầu nhỏ như hạt cải, nó chính là đức tin, đức tin được lớn dần qua hoàn cảnh của cuộc sống, nhất là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, bởi vì đức tin được qua thử thách là đức tin trưởng thành và vững mạnh, có như thế mới trở thành chứng nhân cho Nước Trời ngay tại trần gian này.
Đức tin của chúng ta không phải tự nhiên mà có, nhưng được Thiên Chúa – qua Giáo Hội- gieo vào trong tâm hồn chúng ta, đức tin được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể và được củng cố bằng Lời Chúa thì nó sẽ ngày càng lớn mạnh, có thể bảo vệ linh hồn mình khỏi những cám dỗ của ma quỷ và thế gian, có thể bảo vệ Giáo Hội qua những cơn bách hại của những mưu mô ma quỷ.
Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su ví Nước Trời giống như hạt cải, nghĩa là ảnh hưởng và sức mạnh của nó có thể làm nơi trú ẩn cho chim trời. Đức tin của chúng ta cũng thế, cần phải lớn mạnh để có thể trở thành những chứng nhân cho Nước Trời ngay trong cuộc sống của mình.
Nước Trời là một thực tại có thật bắt đầu trong tâm hồn của mỗi người Ki-tô hữu và kết thúc viên mãn mai sau trên thiên đàng, đó chính là những việc lành thánh thiện mà chúng ta làm với ánh sáng đức tin soi dẫn, bởi vì Nước Trời không phải chỉ là thực tại mà thôi, nhưng còn là sống động nữa nơi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


10. TIỂU THƯƠNG BÁN BÁNH NGỌT

Có một tiểu thương men theo phố rao bán:

-      “Bánh ngọt thơm ! Bánh ngọt thơm.”

Tiếng rao vừa nhỏ vừa khàn.

Có người hỏi ông ta:

-      “Âm thanh sao lại nhỏ như vậy ?”

Tiểu thương đáp:

-      “Tôi đói bụng rồi?”

Người ấy nói:

-      “Bụng đói à, tại sao không ăn bánh ngọt ?“

Tiểu thương nhẹ tiếng trả lời:

-      “Vì nó đã bị thiu rồi.”

                                            (Tiếu lâm)

 

Suy tư 10:

Hình như có rất ít vị thánh làm nghề buôn bán, bởi vì buôn bán thì thường là đụng đến tiền và sự công bằng.

Đem bánh thiu rao bán thì không những là người không có đạo đức, mà còn là người có lòng tham và là người có tâm địa độc ác; thời nay cũng có rất nhiều người “treo đầu dê bán thịt chó” làm ăn không thành thật, chỉ muốn túi mình đầy tiền còn ai chết mặc bây.

Có những gia đình nghèo cam lòng ăn những sản phẩm xấu do mình làm ra, và đem bán những sản phẩm tốt kiếm tiền lo cho gia đình con cái; có những người thà ăn khổ cực và bán những cái bánh ngon thơm cho khách để giữ uy tín, đó là những người có tâm hồn trong sạch và lương tâm nghề nghiệp đạo đức...

Thời nay nỗi sợ hãi hàng giả và thức ăn độc đang đè nặng trên người tiêu dùng, bởi vì có rất nhiều hàng giả và thức ăn thức uống đầy hóa chất độc bày bán chế tạo cách tinh vi để lừa dối người tiêu dùng, những tiểu thương, những công ty xí nghiệp này đang bán mất lương tâm của mình cho ma quỷ vì chút lợi nhuận ở đời này, nhưng phải khốn nạn đời sau trong ngày phán xét của Thiên Chúa...

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ lỗi đức công bằng là tội như thế nào: là tội phải bị phạt cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Đó là lời của Đức Chúa Giê-su.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


9. VIẾT DƯỚI TÊN CỦA HẮN

Có một người thư sinh đi du ngoạn đến chùa Phật.

Đi đến gian nhà ở phía tây, hòa thượng ở đó rất không khách sáo với ông ta nên ông ta rất giận, ông ta lại đến gian nhà ở phía đông, nhìn thấy hòa thượng ở đây đang niệm kinh, bèn hỏi:

-      “Ngài sám hối giùm cho ai đó ?”

Hòa thường trả lời:

-         “Khi rảnh rỗi thì tôi học những kinh góp nhặt, nếu gặp người hành thiện bố thí, tôi liền đem nó viết dưới tên của họ.”

Người thư sinh nghe xong bèn gõ mạnh trên đầu hòa thượng, hòa thượng không hiểu, hỏi:

-      “Tôi có tội gì ?”

Thư sinh đáp:

-         “Mới rồi ông đầu trọc nhà bên phía tây kia thật đáng ghét, đã đem tất cả những người đánh ngài viết dưới tên của ông ta !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 9 :

Làm hòa thượng ở nhà bên tây hay nhà bên đông thì đều giống nhau, hoặc ở chùa này hay chùa khác thì cũng là hòa thượng, có khác chăng là tính tình của mỗi người không giống nhau mà thôi...

Làm linh mục giáo phận (linh mục triều) hay làm linh mục dòng (bất cứ dòng nào) thì cũng là linh mục, có khác nhau chăng là tính tình của mỗi linh mục mà thôi.

Có linh mục tính tình nóng nảy cộc cằn dù họ là linh mục của dòng, có linh mục hiền lành điều độ dù các ngài là linh mục triều, người giáo dân thì không cần phân biệt ai là linh mục dòng hay là linh mục triều, nhưng họ căn cứ vào mức độ phục vụ và khiêm tốn của một linh mục mà biết các ngài vì ai mà phục vụ. Nếu vì Thiên Chúa và các linh hồn mà phục vụ, thì linh mục ấy phải là người hiền lành khiêm tốn và nhiệt thành với bổn phận của mình; nếu vì cá nhân mình mà phục vụ, thì linh mục ấy có thái độ kiêu căng, hưởng thụ và miễn cưỡng khi thi hành bổn phận của mình...

Người ta ngán ngẫm khi nhắc đến tên linh mục này linh mục nọ, bởi vì các vị ấy không có tinh thần khiêm tốn và phục vụ, đó chính là một nỗi đau cho Giáo Hội trong công việc truyền giáo vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 

8.          OÁN TRÁCH THẦY TƯỚNG SỐ

Có một người gặp thầy thuốc thì hỏi ông ta làm ăn như thế nào ?

Thầy thuốc nói:

-         “Đừng nói nữa, tất cả đều bị ông thầy tướng số nói tầm bậy, ông ta dặn dò tôi: nhà có người bệnh ông đừng có đến.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 8:

Thời xưa cũng như thời nay đều có những vị “lương y như mẹ ghẻ” chứ không “như mẹ hiền”, bởi vì có nhiều bệnh nhân bị các “lương y như mẹ hiền” đối xử như dì ghẻ con chồng vì bệnh nhân nghèo không có tiền; thời nay cũng có những vị lương y hành nghề không vì lương tâm của một lương y, nhưng là vì họ coi đồng tiền lớn hơn mạng sống của bệnh nhân, các thầy thuốc này phải trả lẽ công bằng cho bệnh nhân trước tòa phán xét của Thiên Chúa.

Hình như các bệnh nhân thường tin tưởng người thầy thuốc công giáo nhiều hơn, vì họ -bất kể là ai- đều tin rằng người thầy thuốc công giáo có tâm hồn yêu thương bệnh nhân và tận tụy với công việc nhiều hơn các vị thầy thuốc khác, đó chính là vì người thầy thuốc Ki-tô hữu biết nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi người bệnh nhân đau khổ...

Thầy bói nói thầy thuốc đừng tiếp xúc với người bệnh là vì ông thầy bói có một kinh nghiệm thực tế: có nhiều thầy thuốc bất cần người bệnh và coi thường người bệnh, cho nên “phán” một câu cho “bỏ ghét”. Nhưng người thầy thuốc Ki-tô hữu thì sẽ không bao giờ nghe lời “phán” của thầy bói, mà là nghe lời dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su khi họ thi hành sứ mạng quan trọng “cứu người” của mình, đó là một vị “lương y như từ mẫu” vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 



Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


7. CHƯA THI ĐÃ GIÀ

Quan huyện khảo thí đồng sinh (thí sinh chưa nhập học), gần tối sau khi khảo thí kết thúc, đột nhiên nghe tiếng lao xao náo động bên ngoài trường thi.

Quan huyện hỏi:

-      “Ai đánh nhau vậy ?”

Người coi cửa trả lời:

-         “Mấy đứa đồng sinh cầm nhầm cây gậy, sao lại có chuyện cầm nhầm chứ ?”

                                               (Tiếu lâm)

 

Suy tư 7:

“Chưa thi đã già” là câu nói cho vui, nhưng thời nay có những học sinh “chưa thi đã già” thật: có những học sinh nữ đang học cấp hai cấp ba mà đã...mang bầu; có những học sinh nam đang học mà đã làm bố, họ già thật chứ không phải chuyện đùa, cái già đáng lo cho xã hội và cho cha mẹ của các em “chưa thi đã già” ấy.

Tuổi học trò là tuổi vô tư, tuổi chỉ biết ăn và học, đó là tuổi thần tiên mà có rất nhiều người bạn trẻ đã tiếc nuối sau khi từ giả ghế nhà trường và lăn lộn với đời...

Các học sinh có đạo –người Ki-tô hữu- thì thường là những học sinh giỏi và ngoan, bởi vì các em sinh trong gia đình công giáo có cha mẹ là người biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương người dạy dỗ nuôi nấng; vì các em ở trong một giáo xứ có cha sở và các nữ tu dạy dỗ; vì các em đã tham gia các đoàn thể trong xứ đạo; vì các em được các thầy cô dạy dỗ.v.v... cho nên các em chắc chắn là những học sinh ngoan và giỏi.

Già trước tuổi là vì các em học sinh không chịu học hành nhưng lại tập làm người già như hút thuốc, uống rượu, ăn chơi đua đòi thì chắc chắn phải già trước tuổi, mà người già trước tuổi như thế thì sẽ không làm gì dài lâu và có ích cho gia đình, xã hội và cho Giáo Hội.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


6.          THẦN BIA BẮN TÊN

Có một võ quan xuất trận, tưởng là bại trận, nhưng đột nhiên có binh thần đến cứu giúp nên chuyển bại thành thắng.

Võ quan quỳ bái lạy xin hỏi thần tiên quý danh tánh là gì, thần tiên đáp:

-      “Ta là thần bia để bắn tên.”

Võ quan nói:

-         “Tiểu tướng có công đức gì mà dám làm phiền ngài cứu giúp ?”

Thần bia trả lời:

-         “Ta cảm kích ngươi vì lúc tập luyện bắn cung ở thao trường, từ trước đến nay người không bắn trúng tấm bia để làm hại đến ta !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 6:

Làm tướng mà không luyện tập bắn cung đánh kiếm thì không thể là tướng giỏi; khi luyện tập ở thao trường mà không chuyên cần thì không thể là một quân lính giỏi; tập luyện bắn cung mà bắn không trung tấm bia thì không thể là tay thiện xạ bách phát bách trúng...

Tất cả các dòng tu trong Giáo Hội đều có một hoặc hai năm nhà tập, các tu sĩ trong giai đoạn này gọi là tập sinh, tập tức là học tập: tập tành các nhân đức căn bản của đời sống tu trì, học hành các môn quan trọng của đời sống dòng tu như luật dòng, thánh kinh, nhân bản và quan trọng nhất chính là tập cầu nguyện...

Có các tập sinh cứ nôn nóng được ra giúp xứ khi chưa hết thời kỳ tập sinh; có các tập sinh lấy làm bất bình khi không được đi đây đi đó trong thời kỳ nhà tập.v.v... những Tập Sinh này -theo các vị giám tập- thì không thể trở thành một tu sĩ tốt được khi họ trở thành linh mục.

Thần của tấm bia bắn tên đã trả công bội hậu cho tên võ quan bắn dở khi tập luyện, ma quỷ cũng sẽ vui vẻ cám ơn những tập sinh đã coi nhẹ thời gian nhà tập, bằng cách làm cho họ sống tự do phè phỡn không tuân giữ luật dòng, kiêu căng, ghen ghét và cuối cùng thì trở thành gánh nặng cho những thành viên trong cộng đoàn và làm gương xấu cho giáo hữu...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


5. VỊT CÓ THỂ NÓI CHUYỆN

Triều đại nhà Đường, Lục Quy Mông ngụ tại Chấn Trạch có một chuồng vịt.

Một hôm, có một hoạn quan từ kinh thành Trường An đi công tác đến Hàng Châu, ngang qua trước cổng nhà họ Lục, lấy cung bắn con vịt trống đầu màu xanh của ông ta, cổ vịt gảy đứt đôi.

Lục Quy Mông nhìn thấy như thế thì lớn tiếng nói:

-         “Ái dà, con vịt ấy biết nói tiếng người đấy, tôi định đem nó vào triều dâng cho hoàng thượng đó. Ngài bắn chết nó rồi, bây giờ chỉ có nước là đem con vịt chết này tiến cung, ngài coi có được không ?”

Hoạn quan ấy cuống quýt xin bồi thường một số tiền rất lớn, sau đó hoạn quan ấy hỏi:

-      “Con vịt này có thể nói gì vậy ?”

Lục Quy Mông trả lời:

-      “Nó thường kêu tên của mình.”

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 5 :

Vịt thì không thể nói tiếng người được, ngoại trừ những con vịt trong những chuyện cổ tích thần thoại, nhưng khi một người mà nói “nổ” quá thì người ta ví họ “nổ như vịt”, tức là tô màu mè quá đáng vào câu chuyện, đó là những người ba hoa chích chòe vậy.

Thời nay không ai tin loài vịt có thể nói được tiếng người, nhưng có rất nhiều người dễ tin vào “tin vịt”, tức là tin những điều không có, những điều bịa đặt, do đó mà Đức Chúa Giê-su đã nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta rằng: “Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng : chính Ta đây là Đấng Kitô, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã...” (Mt 24, 4-7). Và thánh Gioan tông đồ cũng đã cảnh tỉnh chúng ta : “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không ?” (1Ga 4, 1).

Thời nay cũng có nhiều người mang danh Ki-tô hữu nhưng tin vào thầy cúng hơn tin vào các linh mục cho nên họ đã lìa bỏ Thiên Chúa, tin vào lời của các ông bà đồng bóng hơn là tin vào Lời Chúa, cho nên cuộc sống của họ ngập tràn dị đoan bói quẻ không làm sáng danh Thiên Chúa mà lại trở thành gương mù cho người khác.

“Tin vịt” thì luôn là tin đồn tầm bậy, là tin những chuyện không có nên tâm hồn luôn lo sợ bất an, nhưng tin vào lời của Thiên Chúa và thực hành thì sẽ được sự sống đời đời và tâm hồn luôn được bình an.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)