Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

Chúa nhật 10 thướng niên

 


CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng: Mc 3, 20-35.
“Sa tan đã tận số.”

Bạn thân mến,
“Đoàn kết là sức mạnh mà chia rẻ thì chết” đó là câu nói mà mỗi người trong chúng ta đều biết là ám chỉ đến một cộng đoàn, một nhóm nhỏ hay một cộng đống khi họ tự cắn xé nhau, tự chia rẻ nhau. Ngay cả sa tan cũng sẽ bị tan rã nếu chúng chia rẻ nhau.

1. Không chia rẻ khi có lợi cho nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa nghe, Đức Chúa Giê-su đã chỉ ra rõ ràng cho chúng ta biết ngay cả ma quỷ cũng biết đoàn kết khi đi cám dỗ con người, thì chắc chắn rằng nó sẽ không chia rẻ nhau; con người ta cũng vậy, dù là thành phần xã hội đen hay thành phần bất hảo thì vẫn cứ sát cánh đoàn kết bên nhau khi lợi lộc còn, nhưng khi lợi lộc không còn nữa, thì họ sẽ trở lại cắn xé nhau và chia rẻ nhau.

2. Đức tin làm cho người Ki-tô hữu đoàn kết với nhau.
Bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một phép Rửa cho nên người Ki-tô hữu đã trở nên một đại gia đình trong Chúa Ki-tô. Đức tin làm cho người Ki-tô hữu trở nên kiên cường trong việc chống trả lại với chước cám dỗ tiền tài danh vọng của ma quỷ; đức mến làm cho thế gian nhận biết người Ki-tô hữu là những người con của Cha trên trời khi họ phục vụ tha nhân, và đức cậy làm cho họ dù trong hoàn cảnh nào cũng có sự trông cậy vào tình thương và ân sủng của Thiên Chúa ban cho họ.

3. Chia rẻ là bản chất của ma quỷ.
Ma quỷ sẽ không chia rẻ nhau khi vẫn còn mối lợi cho nó, kẻ ma giáo cũng sẽ rất được kết để được chia lợi, nhưng khi lợi lộc đã hết thì chính ma quỷ trong hỏa ngục và những người ma giáo ở thế gian sẽ trở mặt lại để cắn xé nhau, bởi vì ma quỷ thì không có yêu thương và nơi người ma giáo thì không có tình người mà chỉ có lợi lộc chóng qua, cho nên như lời thánh Phao-lô tông đồ đã nói: đạo lý của họ là cái bụng, và chỉ thỏa mãn cái bụng nên họ sẽ không còn chỗ cho con tim và tình người...
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã mở ra cho chúng ta một con đường để chúng ta trở thành anh chị em với nhau, và trở thành người thân thiết của Ngài đó là yêu mến và thực hành lời của Ngài trong cuộc sống, bởi vì khi chúng ta yêu mến và thực hành lời Ngài là chúng ta đã trở thành cha mẹ, anh em, chị em và là bạn hữu của Chúa, lúc đó thì sẽ không có sự chia rẻ nhau vì tình vì tiền hay vì danh vọng, nhưng là vì sự yêu thương và hợp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, họ trở nên chi thể của thân thế mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


4. LÝ GIÁP KHÔNG KEO KIẾT

Ở Kim Hoa có người tên Lý Giáp thích bóc lột người khác để làm béo mình.

Nhà của ông ta ở gần chùa, trong chùa có hai hòa thượng được người trong thôn kính trọng ngưỡng mộ, mỗi khi ra ngoài khất thực thì được dân chúng vui vẻ cúng nhường rất nhiều, vợ của Lý Giáp cũng ôm những đồ vật của chồng cúng hòa thượng, Lý Giáp biết được thì ghi hận trong lòng.

Một hôm, hai hòa thượng có chuyện nên lại đến nhà của Lý Giáp, Lý Giáp cố ý làm bộ niềm nở, nhưng ngấm ngầm ra lệnh cho đầy tớ làm bốn cái bánh độc để hòa thượng ăn, nhưng hòa thượng trước khi đến thì đã ăn no nên ôm bánh đem về.

Sáng sớm ngày hôm sau, hai đứa con trai của Lý Giáp đến chùa chơi đùa, hòa thượng cảm thấy vui và hỏi thăm thì biết là con của Lý Giáp, nên vội vàng về phòng tìm kiếm cái gì có thể ăn để cho chúng nó, nhưng chỉ thấy trên bàn có mấy chiếc bánh chưa ăn nên vội vàng phân làm hai đưa cho hai đứa nhỏ.

Hai đứa chỉ ăn một phần, còn lại thì bỏ vào trong túi áo mang về đến nhà thì kêu đau bụng, không lâu sau thì chết. Lý Giáp đau khổ vô cùng, nhìn thấy trên thân con có mang một cái bánh độc thì biết trúng độc mà chết, nên chỉ biết nuốt nước mắt mà thôi.

Có người đem câu chuyện này kể cho người bủn xỉn nghe, và muốn lấy chuyện này để giễu cợt họ, người bủn xỉn ấy nói:

-         Anh nói Lý Giáp vì bủn xỉn mà gặp tai họa sao, theo tôi thấy thì ông ta không phải vì bủn xỉn mà gặp tai họa, nếu là tôi ư, tiếc gì mấy cái bánh ấy để chết chứ ?”

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 4:

Hại người vì lòng tham thì nhiều hơn hại người vì lòng ghét, đọc báo coi truyền hình đều thấy như thế, đa số con người ta hại nhau cũng chỉ vì lòng tham mà ra.

Vì tham mà anh em ruột thịt giết hại lẫn nhau; vì tham mà bà con láng giếng chửi nhau, thù hận nhau và không nhìn mặt nhau; vì tham mà bạn bè trở thành đối thủ không đội trời chung với nhau.v.v...Người có lòng tham thì luôn là người bủn xỉn keo kiết, cho nên họ cũng không biết đến bác ái là gì, mà nếu có biết thì cũng là vì tư lợi riêng mới bỏ tiền của ra mà thôi.

Ai đem tiền bạc của cải giúp người vì thấy mình có bổn phận giúp đỡ họ, là người khôn ngoan đem của cải trần thế của mình để “xây nhà” trên thiên đàng; ai bo bo giữ của cải cho mình mà làm ngơ trước sự khốn khó của tha nhân là người đem tiền bạc của cải của mình mua “nhà” trong hỏa ngục, khốn nạn đời đời, đó là chân lý và là niềm tin của mọi tín ngưỡng, nhưng đức tin của người Ki-tô hữu thì cao hơn một bực, đó là khi họ giúp đỡ cho tha nhân là chính họ giúp đỡ Đấng đã vì họ mà trở nên nghèo hèn, đó là Đức Chúa Giê-su.

Khuyên người bủn xỉn nên sống quảng đại là việc làm tốt, nhưng trước hết hãy nói cho họ nghe về tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho nhân loại qua cuộc giáng trần, khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Đức Ki-tô qua chính cuộc sống của bản thân mình, đó chính là lời khuyên hay nhất cho “người keo kiết, bủn xỉn” vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su

 


LỄ THÁNH TÂM ĐỨC CHÚA GIÊ-SU


Lời Chúa: Mc 19, 31-37.

“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Đức Chúa Ki-tô. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”.

Anh chị em thân mến,
Người ta nói rằng tình yêu xuất phát từ con tim, con tim bằng thịt được nuôi dưỡng bởi giòng máu đỏ tinh tuyền, nhưng thật ra quả tim chẳng ăn nhằm gì đến tình yêu cả, nó chỉ là một quả tim đập bình bịch để máu lưu thông nuôi sống thân thể mà thôi. Nhưng ý nghĩa của quả tim là chuyển máu lưu thông khắp thân thể để nuôi sống thân xác con người.
Đức Chúa Giê-su đã cho bà thánh Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a nhìn thấy quả tim đang cháy rực lửa của Ngài, và nói: “Trái tim Ta yêu thương loài người quá đổi...” Nghĩa là quả tim của Đức Chúa Giê-su vì yêu thương sự sống linh hồn của nhân loại, nên đã tự nguyện để cho ngôn lữa yêu thương đốt cháy, tự nguyện hy sinh để sự sống thần linh của Thiên Chúa tuôn trào trong mỗi con người, để họ được sự sống đời đời.
“Tâm” là tim, và tâm cũng là tâm hồn, tâm hồn của Đức Chúa Giê-su yêu thương loài người quá đổi, đến nỗi trái tim cháy hừng hực lửa yêu mến, nghĩa là không có tình yêu nào sánh bằng tình yêu của Ngài dành cho nhân loại chúng ta: xuống thế làm người, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh hiển để trở nên vua cả trời đất, và cuối cùng đã trở nên lương thực hằng sống nuôi sống linh hồn của chúng ta.
Tình yêu này được thể hiện qua bí tích Thánh Thể, bí tích huyền nhiệm mà chính Đức Chúa Giê-su đã lấy máu thịt của mình trao ban cho chúng ta, để linh hồn chúng ta được sự sống đời đời, tình yêu hiến dâng trọn vẹn cho sự sống đời này và đời sau của Đức Chúa Giê-su dành cho nhân loại.
Tình yêu này cũng được thể hiện qua bí tích Hòa Giải, nơi mà Đức Chúa Giê-su vẫn hằng ngày lặn lội khắp nơi để tìm kiếm, chữa lành và đưa về những con chiên lạc là chúng ta, rồi dẫn chúng ta đến bàn tiệc thánh.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang ở trong tháng Sáu –tháng Thánh Tâm- chúng ta cũng đang hạnh phúc trong tình yêu của mình: tình yêu gia đình, tình yêu cha mẹ, tình yêu nam nữ, và bạn cảm nghiệm được tình yêu của chúng ta dành cho người yêu như thế nào, thì cũng cảm nghiệm Đức Chúa Giê-su cũng đang yêu chúng ta như thế và hơn thế nữa. Ngài khắc khoải đợi chờ chúng ta, Ngài đang rộn ràng chuẩn bị quà cho chúng ta, Ngài đang yêu thương chúng ta đến cùng, Ngài đang chuẩn bị tiệc mừng vì Ngài đã tìm được chúng ta –con chiên lạc- giữa cuộc đời ô trọc này.
Chúng ta hãy ghi nhớ điều này, là chỉ có Đức Chúa Giê-su mới yêu thương chúng ta hết mình, chỉ có trái tim của Đức Chúa Giê-su mới cháy rực lửa vì yêu mến chúng ta mà thôi.
Lạy Trái Tim cực thánh Đức Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con. Amen

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


3. "HÁN THƯ" KHÔNG RƯỢU

Thời nhà Tống có người làm thơ nổi tiếng tên là Tô Tử Mỹ tính tình rất hào phóng và thích uống rượu, mỗi tối khi đọc sách ở nhà của cậu là Đổ Diễn (đại thần bắc Tống) thì nhất định phải uống một đấu rượu.

Một hôm, Đỗ Diễn len lén quan sát Tô Tử Mỹ đọc sách. Tô đọc “Hán thư, truyện Trương Lương”, lúc đọc đến đoạn Trương Lương khích Tần vương đánh Phúc Xa, thì nắm tay lại nói:

-      “Tiếc quá, không trúng !”

Thế là uống một ly lớn.

Lại đọc đến “Sử ký, Lưu Hầu thế gia” Trương Lương và Lưu Ban hội tại Trần Lưu Đoạn, Bá Nhu nói:

-         “Quân thần tương ngộ, gian nan đến đây là hết !”

Thì lại uống thêm ly đầy nữa.

Đỗ Diễn cười lớn, đi vào phòng nói với Tô Tử Mỹ:

-         “Có rất nhiều rượu, thức ăn và hoa quả, uống một đấu thì cũng không lấy gì làm nhiều cho lắm !”

(Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 3:

       Mỗi người đều có một thú vui khi đọc sách: có người khi ngồi đọc sách thì nhâm nhi ly cà phê đen thơm phức, có người khi đọc sách thì thích có cục kẹo nhai nhai trong miệng để khỏi buồn cái miệng, đó là cái thích cá nhân của mỗi người, không ai giống ai. Thời đại @ có nhiều người thích ra quán cà phê có wifi vừa đọc sách trên mạng vừa uống cà phê ăn bánh ngọt.v...

       Từ nhỏ, người Ki-tô hữu được dạy rằng phải làm dấu Thánh Giá trước khi ăn và sau khi ăn cơm, phải làm dấu Thánh Giá trước và sau khi làm việc, phải làm dấu Thánh Giá khi gặp gian nan thử tách, đây là những lời dạy rất thấm nhuần giáo lý của thánh Phao lô tông đồ là dù khi ăn dù khi uống, dù khi làm việc gì thì cũng phải làm sáng danh Chúa.

       Đến khi lớn lên thì người Ki-tô hữu được dạy rằng: không những làm dấu Thánh Giá trước và sau khi làm việc, nhưng còn là kết hợp với Đức Chúa Giê-su trong khi làm việc hay học hành, để xin Ngài cùng làm cùng học với mình, để xin Ngài thánh hóa những công việc mà mình đang làm...

       Vừa đọc sách vừa nhâm nhi ly cà phê đá lạnh thì thú vị thật, nhưng làm việc, đọc sách mà có Đức Chúa Giê-su cùng làm cùng đọc với mình thì càng thú vị hơn nhiều, bởi vì chính Ngài là sự khởi đầu và kết thúc mọi công việc của chúng ta vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


2. KHÔNG LÀM QUAN ĐỤC

Vào thời Minh Huệ Tông, Dương thái thú châu phủ Nhữ Ninh làm quan rất thanh liêm, bá tánh rất yêu mến, mà Lưu tri huyện của Nhữ Dương là huyện sở tại thuộc quyền cai trị của Dương thái thú thì lại rất tham lam bủn xỉn, bá tánh rất căm giận.

Một đêm nọ, Dương thái thú mặc thường phục cải trang tuần tra, đến một gia đình nông gia rất nghèo khó.

Có một bà lão dệt vải ban đêm nhìn thấy người lạ đến bèn kêu con gái ra mời rượu, đứa con gái vâng mệnh đem rượu ra, trong bình rượu không còn nhiều nên thấy đáy bình.

Con gái nhà nghèo rót một ly rượu, nói:

-      “Ly rượu này là Dương thái gia !”

Rồi lại rót ly nữa, dốc hết rượu cặn đục, trong bình ra và nói:

-      “Ly này là Lưu thái gia !”

Việc này về sau truyền ra bên ngoài, có người làm một bài thơ như sau:

-         “Nhắn (người) làm quan nên làm quan, không làm ly thứ hai của nhân gian.”

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 2:

       Thanh liêm là thanh bạch liêm chính, nghĩa là không nhúng tay vào những đồng tiền dơ bẩn cũng không hà khắc bắt dân phục vụ mình, đó là vị quan thanh liêm.

       Làm vị quan thanh liêm thì rất được dân chúng yêu mến, làm một linh mục mà biết đặt phần hồn của giáo dân lên trên mọi ích lợi và việc cá nhân của mình, thì không những được mọi người yêu mến mà lại còn được Thiên Chúa thưởng công bội hậu ở đời này cũng như ở đời sau: đời này thì có nhiều người tin và theo Đức Chúa Giê-su do cuộc sống gương mẫu của mình, đời sau thì sẽ không hổ thẹn trước mặt bàn dân thiên hạ trong ngày phán xét, vì mình đã làm tròn bổn phận mà Thiên Chúa giao phó cách xuất sắc...

       Vì quý trọng vị quan thanh liêm mà cô gái đã đề cao bằng ly rượu thứ nhất không cặn bả; người giáo dân sẽ tặng cho vị linh mục yêu quý của mình bằng tất cả sự kính trọng và yêu thương, khi họ cảm nhận được tình yêu phục vụ vô vị lợi của các ngài đối với Giáo Hội và đối với cộng đoàn dân Thiên Chúa.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


1. TIM RUỘT BỒ TÁT

Ngày xưa, bồ tát hóa thân làm vua chim sẻ, từ tâm tế độ chúng sinh.

Có một con hổ ăn thịt người, lần nọ sau khi ăn xong thì bị mắc xương ở kẻ răng, do đó mà nhúc nhích không được, bụng đói muốn đứt hơi.

Vua chim sẻ nhìn thấy thì đại phát từ bi, chui đầu vào trong miệng hổ để mổ xương cứu sống con hổ.

Vua chim sẻ bay lên ngọn cây niệm “kinh Phật” nói:

-      “Sát là hung nghiệt, tội ấy rất lớn !”

Và muốn lấy câu này để khuyên con hổ không nên đi sát hại người và súc vật, con hổ nghe xong thì nổi giận nói:

-         “Mày vừa mới rời khỏi miệng ta, ta không ăn ngươi thì đúng rồi, giờ lại còn dám nói nhiều lời nữa hả ?”.

Vua chim sẻ kinh hoàng bay mất tiêu.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 1:

       Thương người là chuyện nên làm vì đó là giới luật của Thiên Chúa, giúp đỡ cứu tế người bần hàn đói kém là chuyện nên làm, vì đó là thước đo mức độ yêu Thiên Chúa nơi mỗi người Ki-tô hữu, thương người và giúp người thì phải cộng thêm một sự khôn ngoan sáng suốt để giúp người cho có hiệu quả hơn.

Có người thương người nhưng không sáng suốt nên bị kẻ khác lừa và cuối cùng thì mang hận, và cuối cùng coi người đáng thương như bọn lừa đảo; có người giúp đỡ cứu tế cho người nhưng không sáng suốt nên bị lừa đảo và gây bất bình cho những người cần giúp đỡ...

       Đi vào trong miệng cọp để chữa răng cho nó là một việc thiện nhưng thiếu sáng suốt, sự sống còn chỉ là may rủi; cũng vậy, khi Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có một tâm hồn biết yêu thương trước những người đau khổ của tha nhân, thì Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta ơn khôn ngoan và sáng suốt để làm những công việc bác ái mà không gây chia rẻ giữa mọi người với nhau, đó chính là sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu vậy.

       Bồ tát hóa thân để cứu người hoặc người hóa thân làm bồ tát để giúp người thì không có gì khác nhau, nhưng sẽ rất khác nhau nếu mỗi người hóa thân là Đức Ki-tô để chia sẻ những khó khăn với người khó khăn, đau khổ với người đau khổ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 101. HIẾU TỬ QUÁCH THUẦN

Quách Thuần là một người con có hiếu, sau khi cha mẹ chết, thì mỗi lần khóc thương ai oán đều có một bầy chim tụ tập đến, trưởng quan địa phương sau khi nghe báo thì điều tra và xác thực là có chuyện ấy, bèn lập cổng chào trước cửa nhà để tăng thêm sự biểu dương, tên của người con có hiếu vang đi rất xa.

Về sau, có người hỏi thăm và biết được rằng, mỗi khi hiếu tử khóc thì lấy bánh vãi ra trên mặt đất, bầy chim đến tranh nhau ăn.

Chuyện như thế xảy ra nhiều lần, nên bầy chim vừa nghe hiếu tử khóc thì sao lại không đến để ăn bánh chứ !

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 101 :

        Thương khóc cha mẹ qua đời là chuyện tự nhiên của con cái, nhưng mỗi lần khóc mà có bầy chim bay đến thì cần phải xét lại, bởi vì bầy chim là loài bay trên không và không ở chỗ nhất định, cho nên không thể đồng cảm với lời khóc thương cha mẹ của người con có hiếu, ngoại trừ phép lạ...

        Có những người con làm bộ khóc lóc thảm thiết khi cha mẹ qua đời để cho mọi người thấy mình là người con có hiếu, nhưng khi cha mẹ còn sống thì không hề đoái hoài thăm hỏi; có những đứa con rất giàu có, khi cha mẹ chết thì tổ chức rầm rộ kèn trống, để tỏ cho mọi người thấy mình lo chu đáo cho cha mẹ, nhưng khi cha mẹ còn sống thì không lo lắng quan tâm săn sóc...

        Người Ki-tô hữu bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ không phải là tổ chức rầm rộ khi các ngài qua đời, nhưng lo phụng dưỡng chăm sóc khi các ngài còn sống, và cầu nguyện cho cha mẹ sau khi các ngài qua đời, đó chính là lòng hiếu thảo cha mẹ của người Ki-tô hữu vậy.

        Bầy chim tụ tập đến khi người con có hiếu là Quách Thuần khóc thì không có thật, nhưng lời cầu nguyện chân thành cho cha mẹ của người con có hiếu, sẽ được vô số thiên thần dâng lên trước ngai tòa Thiên Chúa để xin Ngài sớm tha các hình phạt do tội của cha mẹ thì có thật trăm phần trăm...

        Hạnh phúc thay những người con như thế...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


100. THỊ LANG THAM QUYỀN CỐ VỊ

Vào thời Võ Tắc Thiên, binh bộ thị lang Hầu Trí Nhất vì tuổi tác cao nên hoàng đế ra lệnh cho về hưu, nhưng Hầu Trí Nhất không muốn tình nguyện về hưu nên nhảy lên chạy xuống để cho hoàng đế thấy sự nhanh nhẹn của mình, mọi người đều cười ông ta và nói:

-      “Bất phủ chí sĩ”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 100 :

        Về hưu là chuyện tự nhiên như tre già măng mọc, nhưng măng sẽ không mọc nếu những ông quan già vẫn cứ tham quyền cố vị; hoán chuyển công việc là chuyện tự nhiên như sóng vỗ vào bờ hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, nhưng sóng sẽ không vỗ bờ nếu biển lặng như tờ !

        Có nhiều cha sở ở rất lâu nơi giáo xứ và cảm thấy mình có công trạng quá nhiều với giáo xứ, nên khi giám mục hoặc bề trên đổi qua giáo xứ khác thì không đi, lại còn “ăn rơ” với địa phương về vấn đề hộ khẩu để không đi xứ mới, làm cho cha sở mới được bổ nhiệm không đến nhiệm sở được, hoặc làm khó cho giám mục hay bề trên của mình...

        Đức Chúa Giê-su đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa cao sang của mình để xuống trần gian làm con người hèn hạ thấp hèn, vì Ngài yêu thương thế gian, thì sá chi cái công lao nhiều năm của cha sở nơi một giáo xứ chứ ? Nếu mình không đi thì lớp đàn em sao “khả úy” được, nếu mình không vâng lời thì lớp em út sau làm sao “mọc” lên được chứ ?

        Tham quyền cố vị không chỉ là những ông quan già đến tuổi về hưu mà không muốn về, nhưng còn là nói đến những ông quan trẻ được thuyên chuyển đi qua nơi làm việc khác mà không chịu đi...

        Người thế gian nể và kính trọng Giáo Hội và các linh mục là ở chỗ đó: biết vâng lời đi giáo xứ khác, khi mà mình đang làm rất nhiều công trình đạo đời cho giáo xứ mà mình đang coi sóc...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)