Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Chúa nhật 12 thường niên

 


CHỦA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng: Mc 4, 35-41
“Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”

Anh chị em thân mến,
Có rất nhiều lần chúng ta tự hỏi: Đức Chúa Giê-su là ai ? Và cũng có rất nhiều lần khi gặp gian nan thử thách, chúng ta cũng trách Chúa: Chúa đâu rồi sao con khổ thế này ?
1. Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa.
Các tông đồ không dễ dàng gì nhận ra thiên tính Thiên Chúa nơi Đức Chúa Giê-su, mặc dù đi theo làm môn đệ của Ngài đã nhiều năm, mặc dù cùng sát cánh bên Ngài, thấy Ngài làm phép lạ, nghe Ngài giảng dạy, thấy Ngài chữa lành bệnh tật.v.v...nhưng các ông vẫn chưa tin Ngài là Thiên Chúa giáng trần.
Ngài nằm ngủ đó, phía sau con thuyền, mặc cho sóng to gió lớn, mặc cho các môn đệ chèo chống thất vọng, Ngài vẫn cứ ngủ, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng có quyền trên vạn vật, là Đấng tạo dựng nên chim trời cá nước... Và cho đến khi Ngài ra lệnh cho sóng gió lặng yên mà các môn đệ vẫn còn hoài nghi: người này là ai mà đến sóng gió phải nghe lời...!
2. Đức Chúa Giê-su là con người.
Điều này thì quá rõ ràng, bởi vì lý lịch của Ngài thì ai cũng biết, Ngài là con của bà Ma-ri-a, là em bé sinh ra trong hang lừa máng cỏ, là con của bác thợ mộc Giu-se, là người bị quan Phi-la-tô kết án đóng đinh vào thập giá và đã chết...
Nhưng Đức Chúa Giê-su “làm con người” không phải chỉ có như thế, mà điều quan trọng và có ý nghĩa nhất trong việc làm người của Ngài chính là: để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, để thông cảm tha thứ và để cứu độ chúng ta...

Nằm ngủ phía sau con thuyền, Đức Chúa Giê-su chắc chắn nghe và thấy các môn đệ của mình sợ hãi lo âu, nhưng đây là dịp để Ngài thử thách lòng tin của các môn đệ mình: giữa bão táp phong ba có còn tin vào Ngài không ?
Anh chị em thân mến,
Trần gian là bể khổ, ai cũng nói như thế, mỗi người ai cũng chèo chống con thuyền của mình hy vọng đi vào bến bờ bình an, nhưng không phải ai cũng được bình an khi chèo chống con thuyền cuộc đời của mình.
Đức Chúa Giê-su ở đó, Ngài đang nằm ngủ đâu đó trong con thuyền cuộc đời của mỗi người, cứ tin tưởng và phó thác, cứ chèo chống hết sức mình với niềm tin, vì Đức Chúa Giê-su đang ở trong thuyền, chỉ cần chúng ta kêu cứu, Ngài sẽ ra tay giúp đỡ chúng ta...
Đó là cuộc thử thách lòng tin mà –qua hoàn cảnh- Thiên Chúa luôn gởi đến cho những ai tin tưởng vào Ngài, tin tưởng vào Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, đang hiện diện trong con thuyền cuộc đời của chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


16.          GIỌT MƯA ĐÒI NỢ

Có một người vì trốn nợ mà bỏ đi và sợ người khác thấy nên đội lên hai cái nón lớn trên đầu. Dù trời tối mà vẫn còn bị chủ nợ nọ nhận ra, chủ nợ dùng ngón tay búng vào cái nón của ông ta và hỏi:

-      “Ông hứa sẽ hoàn trả tiền cho tôi, tính sao đây ?”

Người ấy buột miệng nói:

-      “Ngày mai.”

Không lâu sau đó trời đổ mưa lớn, giọt mưa rơi trên nón kêu “bộp bộp”, người ấy nghĩ rằng lại có chủ nợ đến gõ trên nón đòi nợ nên trong bụng cuống quýt, liên tục nói:

-      “Ngày mai, nhất định là ngày mai !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 16:

Con người ta có bốn cái khổ, trong đó có một cái khổ là bị “nợ đòi”, cho nên có người vì sợ chủ đòi nợ mà tự tử, có người sợ nợ đòi nên bỏ xứ mà đi, có người sợ nợ đòi nên trở thành kẻ lang thang, con người ta thường sợ chủ nợ đến nhà nên tìm cách trốn tránh, đó là tâm lý chung của người mắc nợ.

Có những người tự hào là mình không mắc nợ ai, họ là những người nói dối, nhưng những người Ki-tô hữu thì không phải như thế, họ luôn cảm thấy mình mắc nợ với tha nhân, đó là nợ tình thương:

Nợ người nghèo một bát cơm, một tấm áo.

Nợ người đau khổ thất vọng một lời an ủi.

Nợ người già nua tuổi tác một cái dắt tay qua đường.

Nợ em bé một lời khích lệ vui tươi.

Nợ anh thanh niên, nợ chị thiếu nữ lời nói lịch sự thân tình.

Nợ người quá cố một lời cầu nguyện và hy sinh...

Những món nợ này cần phải trả ngay trong cuộc sống ở đời này, bằng không thì Thiên Chúa sẽ đòi nợ chúng ta trong ngày phán xét, đến lúc đó thì chạy trốn đi đâu chứ ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


15.          ĐO SƯ TỬ BIỂN

Có một người hỏi người bán sư tử biển (hải sư):

-      “Bao nhiêu tiền một con ?”

Người bán sư tử biển trả lời:

-      “Từ trước đến nay hải sư đều đo mà bán.”

Người ấy lớn tiếng nói:

-         “Ai lại không biết chuyện ấy, tôi hỏi ông bao nhiêu đồng một tất !?”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 15:

Không ai cân thịt mà thấy thước để đo nhưng phải dùng cân để cân, cũng không ai đo chiều dài mà lấy cân để đo nhưng phải lấy thước để đo, đó là phép đo lường căn bản của toán học.

Không ai lấy cân để đo lường lòng thương người của người Ki-tô hữu, nhưng phải lấy việc làm cụ thể của họ coi có phù hợp với bác ái của tinh thần Phúc Âm hay không; không ai lấy thước để đo lường lòng mến Thiên Chúa nơi người Ki-tô hữu, nhưng phải lấy việc nghe và thực hành Lời Chúa của họ để “đo” lòng yêu mến ấy... Có nhiều người Ki-tô hữu thường lấy việc đi lễ đọc kinh để đo lòng đạo của người khác, nên họ thường hiểu sai người khác; có một vài người Ki-tô hữu thường đo lòng người khác bằng những việc bố thí của họ, nên thường hối tiếc vì đã lầm.

Sư tử biển vừa to vừa nặng ký nên phải lấy cân tạ mà cân, làm người Ki-tô hữu thì vinh dự vô cùng, nên phải lấy Lời Chúa và các bí tích để điều chỉnh cho phù hợp với danh phận Ki-tô hữu của mình, đó chính là “cân đo” tâm hồn vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện


 

14. VẪN LÀ BÁNH

Có một người nghèo, mỗi ngày chỉ ăn hai cái bánh rượu nướng để đi làm, bởi vì tính ông ta không chịu được rượu nên hai cái bánh vừa xuống bụng thì có chút chóng mặt.

Một hôm đi trên đường thì gặp bạn bè, bạn bè hỏi:

-         “Mới sáng sớm mà anh đã uống rượu rồi sao ?”

Anh ta bèn nói thực.

Sau khi về nhà thì nói cho vợ biết, vợ hỏi:

-         “Ông không biết giả vờ sao, lần sau nếu lại có người hỏi thì ông nói là uống rượu nhé.”

Người ấy gật đầu liên tục.

Qua mấy ngày sau, khi đi ra khỏi nhà thì cũng gặp người bạn ấy, người bạn cũng hỏi một câu như lần trước, ông ta liền nói lại như lời vợ đã dạy.

Người bạn hỏi lại:

-      “Phải nấu nóng mới uống hay là không nấu ?”

Người ấy trả lời:

-      “Nướng nóng mà ăn.”

Người bạn cười nói:

-      “Anh còn ăn bánh nữa à ?”.

Bà vợ biết chuyện này thì bắt đầu dạy ông ta nói cách khác.

Sau đó, ông ta lại ra đi và cũng gặp lại người bạn ấy, không đợi bạn hỏi, người ấy bèn khoe:

-      “Rượu hôm nay tôi nấu nóng mới uống !”

Người bạn hỏi ông ta:

-      “Uống bao nhiêu ?”

Ông ta đưa ra hai ngón tay ra và nói:

-      “Hai cái.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 14:

Không ai nói uống hai “cái” rượu, nhưng là nói uống hai ly rượu vì rượu là thể lỏng cho nên không thể là “cái” được.

Trước đây người Ki-tô hữu thường nói “giữ đạo” để bày tỏ đức tin của mình, nhưng ngày nay thì người Ki-tô hữu nói “sống đạo” để bày tỏ đức tin và truyền bá đức tin của mình, bởi vì “giữ” và “sống” thì không giống nhau: “giữ” là đem cất mà “sống” là phơi bày; “giữ” là cầm mà “sống” là đưa, cầm là ích kỷ mà đưa là quảng đại, cho nên người Ki-tô hữu trong thời đại ngày nay không “giữ đạo” mà là “sống đạo”.

Mỗi ngày chỉ ăn hai cái bánh để đi làm, thì cũng sướng hơn so với những người không có gì ăn để đi làm, thì hà cớ gì phải mắc cở mà nói láo là uống hai “cái rượu” chứ !

Người Ki-tô hữu sống đạo tốt lành mỗi ngày thì đều có tham dự thánh lễ và ăn bánh Trường Sinhtrường sinh bởi trời, họ giàu và hạnh phúc hơn tất cả mọi người ăn uống bánh thịt của trần gian này, do đó mà họ sống đạo phải linh động đầy sức sống hơn mọi người khác.

“Giữ đạo” và “sống đạo” khác nhau là ở đó vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


13. NGƯỜI MÔI GIỚI ĐỀU ĐEN

Ngọc hoàng đại đế muốn sửa Lăng Tiêu điện, nhưng tình hình kinh tế thiếu hụt, bèn dự tính đem cung điện Quảng Hàn tặng cho hoàng đế ở nhân gian.

Ông ta nghĩ rằng giữa hai hoàng đế nên có sự giao dịch, và người môi giới cũng nên dùng một hoàng đế mới phải, thế là mời hoàng đế táo quân.

Táo quân xuống hạ giới tiếp kiến hoàng đế của nhân gian, người trong triều đình rất kinh ngạc nói:

-         “Thiên đình sai người môi giới đến, tại sao người đen như thế ?”

Táo quân cười nói:

-         “Ở trong thiên hạ làm gì có người môi giới trắng chứ !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 13:

“Ở trong thiên hạ, làm gì có người môi giới trắng chứ”, đây là một câu nói với ý nghĩa thâm sâu.

Ngày nay có nhiều loại môi giới: môi giới kết hôn với người ngoại quốc, môi giới làm ăn ký hợp đồng, môi giới bán dâm và mua dâm, môi giới làm bằng giả, môi giới để hối lộ, môi giới để bán và mua đất, môi giới làm giấy tờ giả mạo, môi giới để được làm hộ khẩu, môi giới để trúng thầu, môi giới xuất khẩu lao động.v.v... và hàng loạt môi giới kỳ quặc và gian xảo khác...

Làm môi giới thì không thể “trắng” được, vì phải kiếm lời bất chính, vì phải ăn nói lừa đảo dối trá, vì phải nhậu nhẹt tửu sắc, vì phải “đi đêm” với ông quan này bà lớn nọ, tóm lại làm môi giới thì phải “đen” mà là đen thui cả tâm hồn lẫn thể xác, đó là cửa ngõ của lòng tham vậy !

Ai không tin môi giới “đen” thì tìm hỏi những người đi lao động ở Taiwan thì họ sẽ kể cho nghe những người môi giới, họ kể với giọng chua chát, hận thù. Bởi vì những môi giới ấy đã ăn chặn tiền của họ rất nhiều...

Người Ki-tô hữu làm môi giới như là một cách giới thiệu cái hay cái tốt cái lợi cho người khác mà không đòi giá cả, chỉ là lòng tốt và bác ái mà thôi, vì họ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su là yêu thương và phục vụ lẫn nhau như Ngài đã yêu thương và phục vụ chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


12. VAY CHÁO LỜI CƠM

Có người thích cho vay ăn lời, về sau cửa nhà sa sút, trong nhà chỉ còn lại một đấu lương thực, nhưng ông ta vẫn không quên được tính cho vay ăn lời, suy đi nghĩ lại, cuối cùng thì ông ta có phương pháp để cho vay ăn lời, đó là đem gạo nấu thành cháo và cho vay.

Có người hỏi:

-         “Anh cho người ta vay cháo thì cần gì lấy lời chứ ?”

Ông ta trả lời:

-      “Lời cơm.”

                                                 (Tiếu lâm)

 

Suy tư 12:

Cho vay ăn lời là chuyện bình thường, nhưng ăn lời quá mức cho vay thì là lỗi đức bác ái và công bằng, người ta gọi đó là bốc lột người nghèo, mà những người nghèo là bạn hữu của Đức Chúa Giê-su.

Người thích cho vay nặng lãi là người lười lao động và là người làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người nghèo, những người cho vay nặng lãi ấy chắc chắn không phải là người Ki-tô hữu, mà nếu họ là người Ki-tô hữu chăng nữa thì cũng chỉ là Ki-tô hữu trong sổ bộ Rửa Tội của nhà xứ mà thôi, chứ trong cuộc sống họ không thể là người làm chứng Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su cho mọi người được, vì họ chỉ biết có tiền và lợi nhuận cắt cổ người khác mà thôi...

Nghề nghiệp nào cũng tốt nếu nghề ấy không trái với lương tâm và giáo huấn của Đức Chúa Giê-su, cũng như giáo huấn của Giáo Hội. Cho vay lấy lời không phải là tội, nhưng sẽ là tội lớn khi chúng ta lấy lời quá mức quy định...

Cho vay cháo để lấy lời bằng cơm là tâm địa của người luôn thích cho vay ăn lời nặng lãi, nhưng giúp cháo mời cơm là lòng dạ của người Ki-tô hữu luôn biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


11. NGUYÊN VẬT Ở ĐÂY, ĐỪNG ĐỘNG ĐẬY

Hòa thượng đi cạo đầu, thợ cạo đầu sẩy tay nên làm đứt tai hòa thượng máu chảy ướt áo, hòa thượng đau quá la oai oái.

Thợ cạo đầu lật đật nhặt cái tai bị cắt từ dưới đất lên, bưng hai tay trả lại cho hòa thượng, nói:

-         “Sư phụ đừng vội, nguyên vật ở đây, đừng động đậy !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 11:

Có những người vì thù oán mà xua đàn gà qua làm hại hoa màu nơi vườn của người khác, rồi la lớn lên: tụi nó (đàn gà) đi kiếm ăn ở đâu thì mặc kệ nó không can gì đến tui; có người vì vô ý mà làm thương tổn đến người khác đã không chịu xin lỗi lại còn lớn tiếng nói: tui nói gì kệ tui mắc mớ gì đến ai !

Cố ý làm hại người khác và vô ý mà hại người khác thì hoàn toàn không giống nhau; cố ý thì tâm địa ác độc, vô ý thì tâm địa vô tư, nhưng ác độc hay vô tư thì cũng vẫn là gây thiệt hại cho người khác, cho nên nói lời xin lỗi và đền bù thiệt hại là hợp với tinh thần của Phúc Âm.

Có nhiều người Ki-tô hữu luôn suy tư và nhấn mạnh đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà quên mất rằng Thiên Chúa cũng là Đấng rất công bằng, sự công bằng này cũng to lớn như lòng nhân từ của Ngài vậy, do đó đừng có mà nghĩ rằng Thiên Chúa rất nhân từ để rồi coi thường sự công bằng của Ngài mà cứ phạm tội.

Hối không kịp đấy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)