Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Chúa nhật 31 thường niên

 


CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mc 12, 28b-34.

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận”.

Anh chị em thân mến,
Mỗi người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng Mười điều răn của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng thuộc làu như ăn cháo Năm điều răn của hội thánh, và quan trọng hơn: chúng ta vẫn thường dùng giới răn của Thiên Chúa và của hội thánh để xét mình trước khi xưng tội, nhưng rồi mấy ai trong chúng ta nhớ nằm lòng trong cách cư xử với người chung quanh : kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình !
Mọi lề luật và giới răn đều quy về Thiên Chúa và hướng đến con người, đó chính là yêu thương, và đó cũng chính là “cái ách nhẹ nhàng” mà Đức Chúa Giê-su muốn mỗi người môn đệ của Ngài phải mang trong cuộc sống.
Có cái ách con trâu mới có những luống cày thẳng tắp. Người Ki-tô hữu được lề luật Thiên Chúa và giới răn của hội thánh hướng dẫn trong sự soi sáng của Đức Chúa Thánh Thần, nên đời sống của họ phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa đến những người chung quanh qua việc họ thực hành giới luật yêu người của Chúa dạy. Họ tuân giữ và thực hành lề luật cách nhẹ nhàng bởi vì họ đã xác tín được rằng : tất cả mọi lề luật đều làm cho họ trở nên con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau.
Kính mến Thiên Chúa thì là điều tự nhiên ai cũng biết và có bổn phận phải tuân giữ, nhưng yêu người là điều rất khó đối với con người ta, khó là vì chính những con người ấy đã bách hại người tin vào Chúa, họ đã giết chết và đã ghen ghét những người có niềm tin vào Đức Chúa Ki-tô, bây giờ lại phải yêu thương họ, đúng là một điều rất khó và trái với “truyền thống” của những người Pha-ri-siêu, các thầy thông luật và những người chỉ giữ luật Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng Đức Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta hãy kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em...
Thánh Gioan Tông Đồ đã nói với chúng ta rằng :
“Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là tình yêu”
Có người thuộc nằm lòng tinh thần và lề luật của Thiên Chúa, nhưng lại cố chấp thực hành lề luật theo từng nét chữ, để rồi họ trở nên xa lạ với tha nhân, và cô độc trong tâm hồn, vì lề luật nơi họ chỉ là cái gông nặng nề mà họ phải mang khi thực hành cốt lỏi của lề luật là yêu thương tha nhân như chính mình.
Anh chị em thân mến,
Mười điều răn của Thiên Chúa chỉ tóm gọn trong hai điều này: một là kính mến Thiên Chúa, hai là yêu người như chính mình. Cả hai chỉ là một, bởi vì khi chúng ta kính mến Thiên Chúa thì đồng thời phải yêu thương tha nhân, và ngược lại, khi chúng ta yêu người thì cũng phải kính mến Thiên Chúa.
Chúng ta thường đi tham dự thánh lễ và đón nhận các bí tích để bày tỏ lòng kính mến Thiên Chúa, nhưng có lẽ chúng ta rất ít khi “nhìn” đến người anh em chị em của chúng ta đang cần đến chúng ta giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần...
Xin Chúa ban cho chúng ta có một tâm hồn nhiệt tình yêu mến Chúa, và tấm lòng quãng đại với tha nhân.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Lễ Các Linh Hồn (2-11)

 


LỄ CÁC LINH HỒN


(Ngày 2 tháng 11)

Anh chị em thân mến,

Hôm qua chúng ta đã mừng lễ kính các thánh nam nữ, các ngài là những người tôi trung của Thiên Chúa, hôm nay chúng ta dâng lễ cầu cho các linh hồn trong luyện ngục, các ngài là những người đã sống và tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhưng chưa trọn vẹn, do đó các ngài phải tạm thời chưa được diện kiến Thiên Chúa, và phải đền tội trong luyện ngục cho đến khi đền tội xong...

Giáo lý công giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết.

Các linh hồn trong luyện ngục tự mình không thể làm gì được để được Chúa tha tội, ở đó họ chỉ trông mong có một điều là hình phạt mau qua đi để chóng được hưởng nhan thánh Chúa, do đó họ rất cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, cần đến những việc lành phúc đức và những hy sinh của chúng ta là những người đang còn sống ở thế gian.

Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành hẳn tháng mười một trong năm để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, một tháng với biết bao nhiêu là việc lành mà chúng ta làm, với biết bao nhiêu là thánh lễ mà chúng ta tham dự cách sốt sắng, với biết bao hi sinh mà chúng ta đã thực hiện, thì chắc chắn có rất nhiều linh hồn trong luyện ngục được thoát khỏi hình phạt luyện ngục mà về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.

Tín điều các thánh thông công được thấy rõ nhất trong tháng này, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp thông với các thánh khải hoàn trên trời, chúng ta góp phần giải thoát các linh hồn trong luyện ngục bằng các lời kinh nguyện và việc lành của chúng ta, và nhờ bí tích Rửa Tội mà chúng ta –những tín hữu chiến đấu ở trần gian- được hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,

Ai trong chúng ta cũng đều có người thân qua đời, nếu họ đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng, thì họ sẽ cầu bàu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa, nếu họ đang bị giam cầm trong luyện ngục thì họ đang rất cần đến lời cầu nguyện và những hi sinh của chúng ta, mỗi lời nguyện, mỗi việc lành của chúng ta làm, thì như những giọt nước mát mẻ làm nguôi cón giận của Thiên Chúa và thâu ngắn thời gian đền tội của họ trong luyện ngục.

Tháng Mười Một cũng là tháng báo hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Xin lễ cầu nguyện, lần chuổi Mân Côi, làm việc lành phúc đức.v.v... là những cách báo hiếu của chúng ta vậy...

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngôi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng- Amen.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


27.          NHÌN ĂN CƠM

Hai anh em xới xong cơm liền hỏi cha mình:

-      “Cha à, gắp món gì để ăn với cơm ?”

Người cha lấy tay chỉ con cá mắm treo trên đầu bàn cơm nói:

-         “Tụi bây nhìn nó một cái rồi một miếng cơm !”

Đột nhiên đứa em kêu lên:

-      “Anh hai nhìn hai lần luôn.

Người cha trợn mắt nhìn đứa anh rồi an ủi đứa em:

-      “Đề nó ăn mặn cho chết luôn !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

 

Suy tư 27:

        Thời đại văn minh ngày nay người ta có lối học gọi là phương thức hàm thụ, hay nói cách phổ thông hơn là “đào tạo từ xa”, tức là sinh viên lấy bài về nhà làm bài nghiên cứu, hoặc nghe chương trình dạy học trên truyền hình hoặc radio để học bài, phương pháp này có cái ưu là ai không có giờ đến trường thì có thể học, nhưng cái khuyết thì nhiều hơn, đó là chất lượng...

        Dạy con khi ăn cơm nhìn lên con cá mắm để ăn cơm tưởng tượng, thì cũng có thể nói được là “ăn hàm thụ” hoặc là “ăn từ xa”, mà ăn kiểu ấy thì không bao giờ no được.

        Có một vài người Ki-tô hữu vì làm biếng đến nhà thờ, vì lo buôn bán làm ăn, vì bận mánh mung nên nại lý do ấy để không đến nhà thờ được, họ nói với cha sở là “có Chúa trong mình rồi, cần gì phải đến nhà thờ nữa...”, họ đang ăn Mình Thánh Chúa hàm thụ, họ ăn uống tiệc thánh từ xa, những người này chất lượng thánh thiện và làm chứng nhân cho Tin Mừng thì không có bao nhiêu, bởi vì cứ đến ngày chúa nhật hay lễ trọng, thì họ lại dự thánh lễ hàm thụ trên giường, họ dự thánh lễ từ xa nơi các quán nhậu hoặc nhà hàng karaoke...

        Con người ta thường “xả láng” với bản thân nhưng lại hay tính toán với người khác, và tính toán chi li với Thiên Chúa, họ có sáu ngày dành cho mình, nhưng một giờ dành cho Thiên Chúa ngày chúa nhật cũng bị tính toán, những người hay tính toán với Thiên Chúa thường là người thích “ăn hàm thụ”, thích “ăn từ xa”, cho nên không lạ gì họ coi việc rước lễ còn thua kém hơn bữa nhậu của họ trong ngày chúa nhật hoặc những ngày lễ trọng.

        Ăn hàm thụ thì không bao giờ no được, chỉ càng làm cho linh hồn ngày càng đói mà đói đến chết đời đời mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Lễ Các Thánh Nam Nữ (1/11)



LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

(Ngày 1.11)

 

Tin mừng : Mt 5, 1-12.

“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

 

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, qua thánh lễ này chúng ta càng thấu hiểu hơn nữa về mầu nhiệm các thánh thông công của Giáo Hội, và khi suy niệm đến mầu nhiệm thông công này, chúng ta càng đặt niềm tin tưởng của mình vào Thiên Chúa và Hội Thánh hơn.

Các thánh là những con người như chúng ta, không ai có thể nên thánh nếu không đi qua cuộc sống làm người với những khổ đau hy sinh; không đi qua đau khổ hy sinh thì không thể trở thành một thánh nhân, bởi vì chính Đấng cứu chuộc nhân loại là Đức Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã bị đánh đòn, bị đóng đinh vào thập giá, và cuối cùng chết trên thập giá, hy sinh để chuộc tội cho nhân loại, tức là Ngài đã đi qua đau khổ và dùng đau khổ để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.

Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, khi còn sống ở thế gian các ngài cũng có những tham sân si, cũng có kiêu căng, có giận hờn, có ghét ghen, có tham lam, có những tội lỗi mà chúng ta đã phạm hôm nay. Nhưng các ngài đã biết cậy vào ơn của Chúa và biết quyết tâm đứng lên cố gắng làm lại cuộc đời mình, biết chiến đấu với những cám dỗ, để rồi hôm nay các ngài được hưởng phúc với Thiên Chúa, với Đức Mẹ Ma-ri-a và các thiên thần trên thiên đàng.

Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, có vị đã từng làm vua, có vị đã từng làm quan, làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thấy giáo, làm nô lệ, có vị làm giáo hoàng, có vị làm giám mục, làm linh mục, phó tế, có các vị là nam nữ tu sĩ.v.v... nghĩa là các ngài có đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội, có những đời sống và hoàn cảnh khác nhau, nhưng các ngài đã có một mục đích để sống, đó chính là phải trở nên thánh, phải trở thành những bạn hữu của Thiên Chúa trong chính bổn phận hằng ngày của mình.

Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, nhưng các ngài đã biết thực hiện “hiến chương Nước Trời” tức là “Tám Mối Phúc thật” ngay tại trần gian này :

Các ngài giàu có nhưng đã sống tinh thần khó nghèo vì Nước Trời.

Các ngài bị người khác vu oan giá họa nhưng vẫn hiền lành với họ.

Các ngài đã chia vui với người vui và buồn với người buồn, nên được Thiên Chúa an ủi ngay khi còn ở đời này.

Các ngài mong muốn được trở nên người công chính giữa một xã hội đầy mưu mô xảo trá, nên được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Các ngài biết thương xót người, tức là biết động lòng trước cảnh thương tâm của người khác, nên được Thiên Chúa xót thương.

Các ngài sống trong danh vọng, sống giữa bụi trần với những đam mê của nó, nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nên các ngài được nhìn thấy Thiên Chúa.

Các ngài đi đến đâu là đem bình an của Thiên Chúa đến nơi đó, các ngài được gọi là những người biết kiến tạo hoà bình, nên các ngài được gọi là con Thiên Chúa.

Các ngài bị bắt bớ, bị đánh đập, bị tra tấn, bị tù đày vì các ngài sống và tin vào Đức Đức Chúa Giê-su, Đấng sẽ ban Nước Trời cho những kẻ tin vào Ngài, nên các ngài đã được Nước Trời làm của mình sau khi từ giã cõi đời tạm này...

        Bạn thân mến,

Các thánh nam nữ đều là những con người như chúng ta, các ngài đã trở nên những vị thánh thì chúng ta cũng có thể trở nên thánh như các ngài, bởi vì nên thánh là đòi hỏi của Phúc Âm và là mục đích sống ở đời của chúng ta –những người Ki-tô hữu.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a và các thánh nam nữ trên thiên đàng cầu bàu cho chúng ta, là những người đang trên đường đi về quê trời, được noi gương của các ngài biết quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình, biết đứng dậy khi ngã xuống trong tội, biết phục vụ và tha thứ cho nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

-----------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://www.nhantai.info 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


27.          PHẠM TỘI VÌ NHẶT DÂY THỪNG

Có một người trộm trâu nên bị bêu trước đám đông, người quen biết hỏi:

-      “Anh phạm tội gì ?”

Anh ta đáp:

-         “Thật là rủi ro ! Hôm qua tôi đi trên chợ nhìn thấy bên đường có sợi dây thừng, cảm thấy bỏ đi thì uổng bèn nhặt lên, ai mà biết được, thế là phạm tội”.

Người quen lại hỏi:

-         “Lẽ nào sợi dây thừng không buộc một thêm cái gì sao ?”

Ông ta mới lúng túng trả lời:

-         “Ai biết được sợi dây thừng ấy mắc trên đầu con bò, lại còn dắt thêm con bò nghé nữa chứ !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

 

Suy tư 26:

        Rất ít người phạm tội mà mau mắn nhận mình có tội, bởi vì chính nguyên tổ A-dong cũng đã không nhận tội của mình, mà đã đổ lỗi cho vợ mình là bà E-va...

Dây thừng buộc vào cổ con bò chứ không phải con ruồi mà nói không thấy, con bò còn kéo thêm con nghé nữa thì chỉ có người mù mới không thấy, vậy mà anh chàng ăn trộm vẫn cứ không nhận tội của mình, mà chỉ than trách tại sao sợi dây lại buộc vào con bò. Cũng vậy, nguyên nhân đưa đến tội chính là cái cứ ngỡ: cứ ngỡ là không phạm tội nhưng lại phạm; cứ ngỡ là mình đứng vững lại té nhào; cứ ngỡ sợi dây không, ai dè sợi dây lại buộc vào con bò...

Có những người Ki-tô hữu vào tòa xưng tội nhưng vẫn cứ đổ tội cho người này người nọ, họ dám nhận rằng mình là tội nhân nhưng không can đảm nhận mình là nguyên nhân gây ra những đổ vỡ trong gia đình; họ dám thú tội mình ra nhưng không có can đảm thừa nhận mình cũng là người có lỗi khi phạm tội. Không dám nhận tội mình là vì con người thấy cái danh dự, tự ái của mình lớn hơn sự thật; vì con người coi chức vụ danh vọng của mình cao hơn chân lý và quan trọng hơn họ không có sự khiêm tốn khi đi xưng tội...

Không một ai nhặt sợi dây bên đường mà bị buộc tội cả, họ chỉ bị buộc tội khi sợi dây ấy có buộc thêm một con bò hay bất cứ vật gì có giá trị mà không phải của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


25.          LO XA TRƯỚC KHI CHẾT

Người nọ trước khi chết thì lập di chúc muốn con trai đóng hai cái gậy bằng đồng có hai vòng lớn hai bên quan tài.

Con trai hỏi:

-      Làm vậy có tác dụng gì chứ ?”

Ông bố trả lời:

-         Tao biết sau này tụi mày nhất định sẽ nghe lời ông thầy địa lý mà đem ta dời ch này qua ch nọ !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

 

Suy tư 25:

        Con người ta, vì bất lực trước những vấn nạn đã gặp trong cuộc sống, nên thường tìm đến một vị tối cao linh thiêng mà con người gọi đó là thần, và khi gặp những thử thách nguy hiểm đến mạng sống thì cầu xin thần phù hộ...

        Tin vào thầy địa lý cũng là một trong những điều mê tín, mà người ta nói chỉ có các dân tc lạc hậu mới nảy sinh nhiều chuyện mê tín, nhưng thực tế, người ta càng văn minh thì càng tin vào những điều gọi là dị đoan ấy, chẳng hạn như ở Đài Loan, một nước có nền khoa học tiên tiến và văn minh, nhưng cũng lắm ông thầy địa lý và những điều dị đoan khác đến mức báo động; chẳng hạn như ở các nước Mỹ và âu châu văn minh và hiện đại, vẫn có rất nhiều bè phái nhảm nhí xuất hiện, có những giáo phái xuất hiện công khai thờ quỷ sa tan, như thế thì biết, con người ta vẫn luôn phải nhờ vào sức mạnh vô hình để có thể cầu xin và bảo hộ.

        Không có người Ki-tô hữu nào lập di chúc cho con cái phải đóng quan tài cho thật chắc kẻo bị dời đi theo lời thầy địa lý, bởi vì họ biết rằng, thân xác này sẽ trở về với tro bụi; nhưng cũng có rất ít người Ki-tô hữu lập di chúc nói với con cái rằng, các con phải sống yêu thương hòa thuận với nhau và phải sống nên thánh...

        Người khác thì lập di chúc chia gia tài của cải cho con cháu nên con cháu bất hòa, còn người Ki-tô hữu khi lập di chúc thì trối lại cho con cháu rằng, phải sống đạo cho tốt và sống yêu thương nhau nên con cái được thuận hòa.

Đó là lo xa trước khi chết vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


24.          SỨC MẠNH NUÔI CON

Có một thư sinh con cháu đầy nhà, mà trong những người bằng vai vế còn có vài người khổ tâm vì không có con cái. Ông ta liền kiêu ngạo khoa trương nói:

-         “Anh đấy à, không có sức mạnh, con cái một đứa cũng không nuôi nổi, coi tôi đây nè, có rất nhiều con cái.

Người bà con ấy nói:

-         “Con cái đương nhiên là sức mạnh của anh, nhưng không phải là sức lực của anh !”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 24:

        Con cháu đầy nhà là hồng phúc Thiên Chúa ban cho, đó là niềm vui của Ab-ra-ham, là niềm kiêu hãnh của Gia-cóp, nhưng trong thời đại ngày nay, sinh nhiều con cái thì bị coi là bị...chúc dữ.

        Con cái là hồng ân của Thiên Chúa ban cho để nhân loại trên mặt đất này có tiếng cười vui hồn nhiên, để cha mẹ biết mĩm cười sau một ngày lao động mệt nhọc, để gia đình trở thành nơi bắt đầu của hạnh phúc trong trần gian này; con cái nhiều là ân sủng Thiên Chúa ban cho, nhưng chỉ biết sinh con mà không biết giáo dục chúng nên người thì là một đại họa cho xã hội; chỉ biết sinh con mà không biết nuôi dưỡng và bảo vệ con cái là một nhục nhã buồn phiền cho con cái sau này, bởi vì con cái không thể trở nên một con người tốt nếu không được sự quan tâm của gia đình.

        Con cái là sức mạnh của cha mẹ, nhưng nếu cha mẹ không trở thành sức mạnh cho con cái thì gia đình sẽ mất đi ý nghĩa căn bản của nó: cái nôi của tình yêu và hạnh phúc.

        Thời nay có nhiều trẻ sơ sinh bị cha mẹ vứt bên vệ đường, thời nay có rất nhiều trẻ sơ sinh bị giết chết do chính tay của cha mẹ mình khi còn trong bào thai, đó chính là một nỗi đau đớn của nhân loại vì tội ác này lớn lao hơn bất cứ tội ác nào, và chắc chắn Thiên Chúa sẽ nghe đến những lời kêu gào xin trừng phạt thế gian của những trẻ sơ sinh bị sát hại ngay trong bụng mẹ này.

        Phá thai là do sự ích kỷ của cha mẹ, đó là hậu quả của lối sống hưởng thụ và là sản phẫm của văn hóa sự chết.

        Người Ki-tô hữu không thể nhân danh văn hóa sự chết để giết hại con mình trong bào thai, bởi vì Thiên Chúa đã ban quyền được sống cho tất cả mọi người, dù người đó là một thai nhi mới một ngày tuổi trong bụng mẹ...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


23.          CHÓ SÓI KHÔNG NHƯ SƯ TỬ

Thạch Trung Lập đảm nhiệm chức viên lang ngoại của bộ tham mưu[1] thời Tống triều.

Một hôm, ông ta cùng với các bạn đến ngự viên coi sư tử, một người bạn cảm khái nói:

-         “Con sư tử này, mỗi ngày hoàng cung phải nuôi nó hết năm cân thịt, chúng ta là những người làm quan có lẽ còn lâu mới bằng nó.

Thạch Trung Lập nói:

-         “Đương nhiên rồi, trên đầu chúng ta đều mang hàm “viên ngoại lang”[2], làm sao có thể so sánh với sư tử trong vườn chứ ?”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 23:

        Thời nào cũng có người thích chơi cây kiểng vì đó là thú vui thanh nhã của những người có tâm hồn khoáng đạt và nghệ nhân; thời nay người ta thích nuôi chó kiểng nhiều hơn, thích chó kiểng là vì học đòi làm sang và để cho mọi người biết rằng ta đây có nhiều...chó kiểng...

        Thích trồng cây kiểng, thích nuôi chó kiểng thì không có gì là tội cả, nhưng nó sẽ là tội khi bỏ ra cả vài trăm ngàn đồng để lo bữa ăn cho chó mà không thèm đếm xỉa người hành khất đang ngồi ăn xin trước cổng nhà mình; nó cũng sẽ có tội khi các trẻ em nghèo cần một vài trăm ngàn để đi bệnh viện mà không có, còn mình thì bỏ ra cả triệu bạc để đem chó...đi bệnh viện.

        Thiên Chúa tạo dựng nên con người là loài cao quý nhất trên trần gian này, con chó kiểng dù nó có quý hiếm đến đâu thì vẫn là con chó, vẫn là loài vật chứ không phải loài người, cho nên khi chúng ta coi con chó phóc, con chó Phú Quốc, con chó Nhật là loại cao quý hơn con người, là chúng ta đang cười nhạo Thiên Chúa đã sai lầm tại sao không dựng con người...đẹp như con chó, con mèo kiểng !

        Làm quan không có miếng thịt để ăn, nhưng con sư tử vô tích sự phải tốn mỗi ngày năm cân thịt cho nó thì đúng là mấy ông quan ấy còn lâu mới bằng nó; người Ki-tô hữu luôn phân biệt rõ ràng: con chó là con chó, con mèo là con mèo, con người là con người chứ không hề lẫn lộn, và thế là họ rộng tay giúp đỡ những người nghèo và những trẻ em bất hạnh trong cuộc sống...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Nhân viên ngoài hạn ngạch các bộ của chính phủ trung ương.

[2] 員外郎 phát âm là “yuan wai lang” nghĩa là “viên ngoại lang” tên một quan chức cũ, 園外狼 cũng phát âm là “yuan wai lang” nghĩa là “chó sói ngoài vườn”, đồng âm khác nghĩa.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


22.          TƯƠNG HỘI PHẢI COI LỊCH

Lý Đới Nhân tính tình cổ hủ, vợ là Diêm Thị đang lúc tuổi thanh xuân nhưng đã ở riêng mỗi người một phòng, lại còn giao kèo, nói:

-      “Tôi có hứng thì đến tương hội cùng ông.

Một đêm nọ, tên đầy tớ đột nhiên đến báo:

-      “Phu nhân kêu cổng muốn gặp ông.

Lý Đới Nhân lấy trong giá sách xuống quyển “lịch bách kỷ”[1] đến trước đèn tra cứu, rất kinh ngạc nói:

-         “Mày chuyển lời của tao cho phu nhân biết, đêm nay có hà bá núp trong phòng ngủ, không thể tiến hành việc vợ chồng.

Diêm Thị mắc cở đỏ mặt, vội vàng bỏ đi.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 22:

        Người cổ hủ không nhất thiết là người dốt nát, người hủ lậu cũng không nhất định là người thông minh, nhưng họ là những người không thức thời, bởi vì họ thường cho mình là người đã đúng lắm rồi, nên không cần mở mắt ra để nhìn thiên hạ to lớn...

        Cổ hủ là bảo vệ những tập tục nghi thức không còn phù hợp với thế giới ngày nay, cổ hủ cũng có nghĩa là khư khư giữ lấy cái mà người ta đã bỏ đi vì không cần thiết. Mê tín dị đoan là những nơi ẩn núp rất tốt cho thói cổ hủ, và là những cái cớ để cho người ta dễ bị lừa gạt vì thói cổ hủ của mình.

        Có những người Ki-tô hữu vẫn còn những thói quen cổ hủ không thích hợp với lễ nghi của Giáo Hội, nên họ thường hay chỉ trích những lễ nghi rất phù hợp với thời đại mà không mất đi tính cách thánh thiêng của Giáo Hội; họ vẫn cho rằng Giáo Hội ngày nay cái gì cũng quá đơn giản mất đi tính cách truyền thống của ngày xưa, thế là họ không còn mặn mà với những ngày đi lễ nhà thờ.

        Cổ hủ và hủ lậu cũng chỉ là một, cũng như ông chồng già coi ngày tháng khi vợ trẻ đến thăm, họ không nhìn thấy được nét thanh xuân và rất ý nghĩa của sự đổi mới ở trong Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su, bởi vì đổi mới không phải do con người khởi sự, nhưng là do Thánh Thần Thiên Chúa khởi sự nơi con người, chỉ cần chúng ta khiêm tốn và nghe được ý của Thiên Chúa qua sự đổi mới là chúng ta sẽ không trở thành người cổ hủ, nhưng là trở nên người mới hoàn toàn trong ơn nghĩa của Chúa Thánh Thần.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Lịch coi những ngày cấm kỵ.