Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Chúa nhật 30 thường niên

 


CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mc 10, 46-52.
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”.

Anh chị em thân mến,
Tuần này, Giáo Hội đưa ra một vấn đề cho mỗi người trong chúng ta tự trả lời, đó là Đức Tin của mình và lòng thương xót của Chúa có phù hợp ăn khớp với nhau không trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta -những Ki-tô hữu ? Chúng ta cùng nhau chia sẻ hai vấn đề này :
1. Đức tin là điều kiện để nhận ơn lành của Chúa.
Đức Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật dễ như chúng ta lấy đồ vật trong túi ra, nhưng quan trọng hơn đó chính là đức tin của người mù cũng như của những người xin Chúa chữa lành bệnh cho họ, nếu họ không có đức tin, hoặc là họ không tin Đức Chúa Giê-su sẽ làm được, thì việc chữa lành khó khăn gấp nhiều lần, do đó, đức tin là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Đức tin làm cho chúng ta thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình cũng như nơi anh chị em, và nhờ đức tin mà lời của chúng ta có một “sức mạnh” trước mặt Thiên Chúa.
Con người ta có thấy mới tin, nhưng người mù thành Giê-ri-cô đã nghe (chứ không thấy) và đã tin, anh ta đã nghe bằng hai lỗ tai xác thịt nhưng ông đã “thấy” bằng con mắt đức tin, và cái “thấy” này đã làm cho ông ta mạnh dạn tin tưởng rằng ông Giê-su con vua Đa-vít đó có thể làm cho ông được sáng mắt, và do đó bất chấp sự can ngăn của mọi người, bất chấp lời quở mắng của đám đông dân chúng, ông vẫn cứ kêu xin Đức Chúa Giê-su dũ lòng thương xót ông, và rồi đức tin của ông đã chữa ông như lời của Đức Chúa Giê-su nói.
2. Lòng thương xót của Chúa và đức tin của chúng ta.
Trong toàn bộ các sách Phúc Âm chúng ta đều thấy được tình yêu và lòng thương xót của Đức Chúa Giê-su trãi dài trên các chặng đường Ngài đã đi qua, nơi các địa phương mà Ngài đã đến, nơi đâu Ngài cũng bày tỏ một tâm tình yêu mến và xót thương dân chúng họ như đàn chiên không người dẫn dắt... Nhưng không phải vì thế mà Đức Chúa Giê-su dễ dãi làm phép lạ cho họ, bằng chứng là Ngài đã không làm một phép lạ nào ở quê nhà, bởi vì họ không có lòng tin, hay nói cách khác, họ đã coi thường Ngài khi cùng nhau nói: “Ông này không phải là con của bác thợ mộc Giuse sao ...?”
Đối với Đức Chúa Giê-su, bệnh tật phần xác có liên quan đến phần hồn, bệnh phần xác là ngọn, bệnh phần hồn là gốc, chữa gốc thì ngọn cũng lành, cho nên khi nói với người mù: “Anh hãy về đi, đức tin của anh đã cứu anh”, thì Đức Chúa Giê-su cũng mạc khải cho chúng ta thấy một điều rất quan trọng đó là lòng thương xót của Ngài vốn đã có trên con người chúng ta, bao trùm cả vũ trụ, chỉ cần chúng ta tin, thì mọi việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng. Bởi vì đức tin thuộc về hồn, và chữa lành thuộc về xác, khi chúng ta tin là lúc chúng ta được chữa lành.
Anh chị em thân mến,
Lòng thương xót của Chúa đã bao trùm thế giới này, đã trãi dài trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, việc còn lại là do lòng tin của chúng ta mà thôi.
Có người tin nhưng vẫn còn hồ nghi vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa; có người tin nhưng đức tin của họ được đo bằng vật chất: cầu không được thì oán trách và bỏ cuộc; có người tin nhưng lòng tin “chập chờn” trước những thử thách mà có lúc họ cho rằng Thiên Chúa không tồn tại...
Thánh lễ Mi-sa là nơi mà Đức Chúa Giê-su tỏ lộ lòng thương yêu vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, và là nơi mà đức tin của mỗi người trong chúng ta được củng cố kiện toàn nhất, bởi vì nơi đây –thánh lễ- chúng ta được ăn và uống Máu Thịt của Chúa, Đấng chữa lành bệnh tật trong tâm hồn và nơi thân xác của chúng ta.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


21.          QUAN GHEN XUẤT ĐỐI

Quan huyện rất sủng ái người gác cổng[1] trong huyện, một hôm ông ta đột nhiên gặp một thuộc hạ đang nói chuyện thầm với người gác cổng, trong lòng có ý ghen tức.

Tên thuộc hạ ấy tâm lý hoảng, liền biện bạch nói:

-         “Nó là em trai của tôi, chúng tôi đang nói chuyện nhà.

Quan huyện bèn nói một câu đối và kêu anh ta đối lại:

-         “Em trai không anh trai con cái”, nếu như mày có thể đối được thì miễn tội.

Tên thuộc hạ bèn đối:

-      “Bố vợ là mẹ vợ con trai.

Huyện quan cười lớn lấy rượu thưởng cho thuộc hạ uống.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 21:

        Khi con người ta có đầy đủ sung sướng thì nảy sinh ra lắm chuyện và lắm tội :

-      Nảy sinh ra có vợ bé, có mèo mỡ.

-      Nảy sinh ra bài bạc rượu chè.

-      Nảy sinh ra có bồ nhí.

-      Nảy sinh ra chuyện so sánh chồng mình với chồng người khác.

-      Nảy sinh ra chuyện đi sớm về muộn.

-      Nảy sinh ra chuyện nói dối chồng (vợ)...

Và có khi đầy đủ hưởng thụ quá thì sinh ra những bệnh bất trị: đó là bệnh nơi thân xác và bệnh trong tâm hồn.

Thời xưa cũng như thời nay có thứ bệnh gọi là “đồng tính luyến ái”, bệnh này phát sinh ra là do con người ta không làm chủ được mình, cũng như không đặt đúng tình yêu vào vị trí thật của nó.

        Người Ki-tô hữu luôn biết rằng tình yêu chân chính và đúng như ý muốn của Thiên Chúa là một nam và một nữ, chứ không phải là nam với nam hoặc nữ với nữ, cho nên người Ki-tô hữu luôn sống lành mạnh trong tâm hồn cũng như nơi thân xác, nghĩa là họ luôn cầu nguyện làm các việc bác ái và siêng năng tập thể dục, chơi thể thao hàng ngày để thân xác được khỏe mạnh và tâm hồn được bình an thảnh thơi.

        “Đồng tính luyến ái” là bệnh đã có từ thời xa xưa, nhưng “nở rộ” trong thời đại tiên tiến ngày nay, nó làm cho con người ta có đời sống bệnh hoạn bởi những tư tưởng bệnh hoạn vì luân lý suy đồi, vì họ không được giáo dục đúng đắn theo tinh thần của Đức Chúa Giê-su, do đó cái ghen tương của những người đồng tính luyến ái cũng dữ tợn và bệnh hoạn như chính “tình yêu” của họ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Người nam có chút sắc đẹp, bây giờ gọi là đồng tính luyến ái.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


20.         HỒ ĐỒ ĐƯỢC TUYỂN

Chính trị của triều đình rối ren, thái giám nắm quyền lớn.

Một hôm, tên thái giám A Sửu một chữ bẻ đôi cũng không biết, đi đến công đường của sứ bộ[1], gặp lúc đang thi tuyển các quan sứ.

Người xướng tên đọc tên một người họ Hùng tên Công Luận, a Sửu xua tay nói:

-        “Công luận giống như hôm nay thật khó hình dung.

Người xướng tên lại đọc thêm một người họ Hình tên Đạo Học, a Sửu lại nhíu mày nói:

-        “Đạo học như ngày nay hành cũng không thông.

Lại xướng tên một người họ Hà tên Đồ, a Sửu gật đầu liên tiếp tán thành nói:

-     “Hồ đồ như ngày nay thì bỏ đi.

Thế là Hà Đồ được trúng tuyển làm quan.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 20 :

        Không có gì khổ tâm khổ trí cho bằng để người ngu một chữ bẻ đôi cũng không biết lãnh đạo dẫn dắt, không có gì tủi nhục cho bằng những người học hành hết sách hết vỡ lại để cho đứa không biết đọc chữ i chữ tờ đè đầu đè cổ, bởi vì đó chính là cái tụt dốc, đi thụt lùi trước đà tiến của văn minh khoa học...

        Người lãnh đạo có học mà không có đạo đức thì tập thể trở thành những công cụ cho tham vọng cá nhân; một tập thể được lãnh đạo bởi người không biết chữ, thì tập thể trở thành nơi đày ải của mỗi thành viên, bởi vì họ không biết chìa khóa để mở cửa ra bên ngoài ở đâu cả !

        Người Kitô hữu dù học cao hay ít học đều luôn cậy vào ơn Chúa Thánh Thần để chu toàn bổn phận của mình, để biết giới hạn của mình đến đâu mà hoàn thành nhiệm vụ đã được giao phó, cho nên, họ sẽ khiêm tốn nhận lãnh trách nhiệm với sự phó thác cho Thiên Chúa, hoặc khiêm tốn từ chối với tất cả lòng biết ơn sâu xa mà cộng đoàn tin tưởng nơi họ.

        A Sửu là một thái giám không biết chữ nhưng lại có quyền hành vì thời thế nhiễu nhương, nhưng người Ki-tô hữu không vì thời thế rối ren mà đòi làm giám mục hoặc làm cha sở...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Bộ này phụ trách tuyển chọn và bãi miễn quan sứ.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


19.         THÊM MỘT CÁI ĐẦU

Chúc Kinh Triệu đi dự tiệc, có một hòa thượng rất thạo về việc ăn uống, Chúc Kinh Triệu bèn bày ra một trò chơi cược rượu của người xưa, nói:

-        “Bù không đủ, kính có thừa; làm không đủ kêu hòa thượng uống, làm có thừa cũng kêu hòa thượng uống. Câu đố cược rượu đã xong, hòa thượng phải lo mà uống đến say đấy nhé.

Khách khứa kinh ngạc hỏi duyên cớ, họ Chúc trả lời:

-        “Không đủ tức là không có tóc, có thừa tức là thêm một cái đầu trọc.

Mọi người lớn tiếng cười ha ha.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 19:

        Ai cũng kính trọng những kẻ tu hành, dù cho họ là những người không theo tín ngưỡng nào cả, bởi vì ai cũng công nhận người tu hành là những người có đời sống tâm linh cao hơn những người khác, do đó, nếu kẻ tu hành không sống đúng với sự kính trọng của mọi người, tức là sống coi miếng ăn lớn hơn sự cầu nguyện, coi ly rượu ly bia lớn hơn đức ái, thì sự kính trọng người tu hành nơi họ sẽ mất đi.

        Làm hòa thượng, làm linh mục hoặc làm một tu sĩ nam nữ mà chú trọng đến ăn uống quá mức, thì sẽ bị đánh giá là tham ăn tham uống và hưởng thụ.

        Ai cũng muốn ăn sung mặc sướng, vì đó là những đòi hỏi của thân xác, nhưng những kẻ tu hành thì không như vậy, họ biết kiềm chế thân xác trong sự ăn uống, họ không đòi hỏi cho được cao lương mỹ vị, họ cũng không so sánh phê bình thức ăn ngon dở, nhưng họ luôn cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho họ có bữa ăn ngon...

        Sành ăn sành uống không phải là tội cũng không phải là xấu, nhưng sành ăn đến độ chê thậm tệ món này tồi, món kia dở, phê bình nhà bếp không biết nấu ăn thì là lỗi đức bác ái, mà lỗi đức bác ái không phải là tội sao ?

        Người tu hành phải để ý: tiết chế ăn uống không những làm cho thân xác khỏe mạnh, mà còn chế ngự được đòi hỏi của xác thịt. Đó là con đường tu đức mà bất cứ kẻ tu hành nào cũng đều biết...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


18.         AI CŨNG XIN TIỀN

Thời ấy việc hối lộ trở thành phong trào, quan lớn quan nhỏ đều biến thành pháp luật để vòi vĩnh tiền của dân chúng.

Một hôm, trong cung có biểu diễn văn nghệ, có người diễn viên hóa trang thành Lữ Thuần Dương chống gậy đi đường, treo trên gậy thêm một trăm đồng, có một em bé đến kéo ông ta đòi lấy một trăm đồng ấy.

Nhưng không ngờ những người xin tiền từng người từng người chạy nhanh đến, anh ta bị bao vây ở giữa, nhích một bước cũng khó, Lữ Thuần Dương thở dài một tiếng, nói:

-        “Ái dà, cái cảnh xin tiền này, dù cho tôi là thần tiên thì cũng khó mà thỏa mãn họ được”.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 18:

        Một đất nước có nhiều người ăn xin là một tín hiệu báo cho mọi người biết rằng, đất nước ấy chưa được phát triển và còn nghèo nàn lạc hậu.

        Chỉ là văn nghệ đóng vai kẻ có tiền mà thôi, nhưng khán giả chạy lên sân khấu xin tiền thì quả là một đất nước nghèo khổ và lạc hậu hết thuốc chữa...

        Người nghèo đi ăn xin thì vẫn còn thông cảm và làm cho người khác động lòng trắc ẩn, nhưng những người làm quan mà đi “ăn xin” thì làm cho đất nước thụt lùi, mọi người căm hận, mà cái “ăn xin” của người làm quan to là tham ô, cái “ăn xin” của quan nhỏ chính là nhận của hối lộ và xách nhiễu dân chúng. Trong một đất nước mà hể ai có chút chức quyền thì có quyền hành hạ xách nhiễu dân để đòi “xin” tiền của dân, dù dân đó là người có tiền hay là không có tiền, thì đất nước ấy khó mà phát triển, bởi vì quan to quan nhỏ chỉ lo xin tiền của dân mà không lo việc nước.

        Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su là Giáo Hội phổ quát, trong đó có người giàu và người nghèo, có quan lớn và quan nhỏ, nhưng tất cả đều được Đức Chúa Giê-su mời gọi sống theo tinh thần nghèo khó của Phúc Âm, nghĩa là không có ăn xin kiểu hối lộ tham ô, nhưng ai cũng biết chia sẻ niềm vui ni buồn với nhau, bởi vì ai cũng có tinh thần phục vụ yêu thương của Đức Chúa Giê-su ở trong mình.

        Một đất nước có quá nhiều người ăn xin thì không tốt, nhưng một đất nước có nhiều người biết chia sẻ cho nhau là một bằng chứng Thiên Chúa đang hiện diện giữa mọi người, mà ở đâu có Thiên Chúa và chấp nhận Ngài thì ở đó sẽ có hòa bình, hạnh phúc và phú cường.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


17.         NHỜ AI MÀ SỐNG

Phú ông có một con trai đã ba mươi tuổi, nhưng việc gì cũng không hiểu, cũng không biết, chỉ ỷ vào phụ thân ng nga ngớ ngẩn sống qua ngày.

Một ngày nọ, phụ thân mời một nhà tướng số đến coi tướng cho nó, phụ thân của hắn ta là năm mươi tuổi, thầy tướng bấm đốt tay đoán số nói có thể sống đến tám mươi tuổi.

Sau đó lại coi tướng cho hắn nói hắn có thể sống đến sáu mươi hai tuổi, hắn ta bèn đấm ngực khóc lớn tiếng.

Người coi tướng nói:

-     “Sáu mươi hai tuổi thì cũng là thọ vậy !”

Hắn trả lời:

-        “Không phải tôi khóc chuyện ấy, tôi khóc là ba tôi chỉ có thể sống được tám mươi tuổi, như vậy thì sau khi tôi được sáu mươi tuổi, hai năm còn lại ai sẽ nuôi tôi chứ ?”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 17:

        Thời nay, có người ba mưoi tuổi đã thành danh có sự nghiệp và có chức quyền; thời nay, cũng có người ba mươi tuổi nhưng vẫn còn tay trắng nên một mảnh tình còm kiếm cũng không ra; thời nay, ba mưoi tuổi được coi là tuổi lý tưởng để phát trin nghề nghiệp và xây dựng sự nghiệp lớn, nhưng vẫn còn có rất nhiều người đã ba mươi tuổi mà vẫn còn đang thất nghiệp...

        Đức Chúa Giê-su từ giã gia đình để công khai rao giảng tin mừng Nước Trời cũng vào tuổi ba mươi, như thế cũng đủ cho chúng ta nghiệm thấy rằng, tuổi ba mươi là tuổi trưởng thành và chín chắn trong ngôn từ và hành động.

        Có những người Ki-tô hữu đã ba mươi năm chưa đến tòa cáo giải để làm hòa với Thiên Chúa; có những người Ki-tô hữu đã sống qua ba mươi mùa phục sinh, ba mươi mùa giáng sinh, nhưng vẫn chưa sửa đổi được một tật xấu của mình, cái đó thật đáng trách vì họ không còn có cảm giác mình là người Ki-tô hữu nữa.

        Ba mươi tuổi mà vẫn còn ỷ lại vào tài sản của cha mẹ để hưởng thụ thì thật tội nghiệp cho họ; nhưng người Ki-tô hữu đã ba mươi tuổi mà vẫn luôn làm cho đức tin, đức cậy, đức mến của mình bám chặt vào Thiên Chúa thì thật là người có phúc vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)