Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Công Dung Ngôn Hạnh của linh mục Chúa Ki-tô




Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 
 
 
 

 


CÔNG DUNG NGÔN HẠNH

CỦA

LINH MỤC CHÚA KITÔ

 

 

Thưa các bạn,
Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Ki-tô, mà hiền thê theo tiếng Hán là “người vợ hiền”, mà người vợ hiền thì cái quan trọng nhất theo quan niệm của thánh hiền là phải có Công, Dung, Ngôn, Hạnh, hoặc ít nữa cũng là một người có phẩm hạnh tốt. Do đó, mà khi chọn vợ cho con mình, cha mẹ luôn để ý khuyên con trai nên “chọn heo xem giống, chọn vợ xem giòng”, để được có một người vợ đạo đức biết yêu thương và chăm sóc chồng con.

Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Ki-tô, mà Giáo Hội thì bao gồm tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Rô-ma, như thế thì tất cả chúng ta đều là –một cách nào đó- là hiền thê của Chúa Ki-tô, nhưng điều mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay chính là vai trò của các linh mục, các ngài chính là những hiền thê trung thành và sáng chói của Chúa Ki-tô, bởi vì Chúa Ki-tô không chọn cho mình những “người vợ” chỉ có sắc mà không có đức, Ngài đã đích thân tìm kiếm và gọi đích danh những “người vợ” bất toàn để thánh hoá họ trở thành những “hiền thê” gương mẫu, chung thuỷ và đạo đức, để các ngài sinh, dưỡng nuôi và giáo dục con cái của Thiên Chúa trở nên những người con tốt đẹp hữu ích cho Giáo Hội và cho xã hội.

Trong công tác mục vụ hằng ngày, các linh mục đóng rất nhiều vai trò: mục tử chăn dắt đoàn chiên, cha mẹ dưỡng dục và là người thầy giáo huấn dạy dỗ, người bạn đáng yêu của tuổi trẻ, vì vậy trách nhiệm của các ngài rất là nặng nề , cho nên đòi hỏi linh mục phải trở nên vị hiền thê trung thành đảm đang của Chúa Ki-tô và Giáo Hội.

Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Ki-tô, linh mục là hiền thê của Chúa Ki-tô, nói như thế không có nghĩa là hiểu sai vai trò mục tử của các linh mục, nhưng xét cho cùng, người cha người mẹ cũng là mục tử của con cái, người thầy cũng là mục tử của học trò.v.v...

Vì vậy, tôi muốn chia sẻ những suy tư của mình về vai trò “hiền thê” của linh mục trong cuộc sống hằng ngày, với “tứ đức” của người con gái, hay của người vợ hiền, mà các linh mục chính là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để trở nên một “Hiền Thê” mẫu mực của Ngài.

Tứ đức đó chính là Công, Dung, Ngôn, Hạnh mà tôi tạm gọi là tứ đức hay “công, dung, ngôn, hạnh của linh mục Chúa Kitô” vậy.

Taiwan, ngày 8.7.2003

 

Công, dung, ngôn, hạnh là “tứ đức” của người con gái, mà theo đại từ điển tiếng Việt định nghĩa như sau : “Bốn đức tính mà người phụ nữ trước đây phải vươn tới, phải đạt được là : Khéo tay (công), nét mặt tươi tỉnh (dung), ăn nói lịch sự (ngôn), nết na phẩm hạnh (hạnh).

Người linh mục cũng được gọi là Hiền Thê của Chúa Kitô, cho nên trong cách sống của ngài cũng phải trở nên một người vợ hiền biết quản trị gia đình và chăm sóc con cái theo đúng tinh thần của Chúa Kitô : kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình.

Con người ta khi chọn vợ thì cái quan trọng nhất chính là đạo đức chứ không phải là sắc đẹp, là chuyên cần chứ không phải là biếng nhác, là biết làm việc chứ không phải là biết rong chơi... nhưng có những lúc người ta quá “hấp tấp” khi chọn vợ, có người mới quen nhau vài tháng đã làm đám cưới, có người mới quen nhau một năm thì đã cho là quá lâu, cho nên có những cặp hôn phối mới cưới chưa hết tuần trăng thì đường ai nấy đi, hoặc là cứ hục hặc nhau vì không hợp tính tình của nhau...

Chúa Giêsu không hấp tấp chọn “hiền thê” cho mình, Ngài không gượng ép khi chọn đối tượng để trao phó một trách nhiệm nặng nề là cai quản và ban phát ân sủng của Ngài cho con cái, cho nên nói được là Chúa không lầm khi chọn các linh mục, nhưng chính các linh mục –có một số người- đã không nhận ra một tình yêu quảng đại của Thiên Chúa cho nên đã không chung thuỷ với Ngài, hoặc là có chung thuỷ nhưng không làm tốt bổn phận của mình, cho nên thay vì trở thành người mẹ hiền của đàn con, thì lại trở thành người dì ghẻ chỉ biết con mình là cái tôi hưởng thụ, cái tôi tham lam và cái tôi ích kỉ, còn con cái Thiên Chúa trao cho các ngài thì các ngài không tận tâm chăm lo...

Chúa Giêsu đã chọn hiền thê cho mình, và Ngài cũng muốn người hiền thê ấy phải hiểu rõ sứ mạng và trách nhiệm ấy trong tự do và tự nguyện chứ không bị ép buộc, cho nên không một người thanh niên nào được gọi thì lập tức trở thành linh mục của Chúa, nhưng phải qua một thời gian dài được huấn luyện, thời gian dài cầu nguyện, thời gian dài suy tư và tự do quyết định đáp trả lại lời mời gọi làm linh mục, hiền thê của Chúa Kitô.

Nhưng trong thực tế có nhiều cảnh khiến cho Chúa Giêsu phải đau lòng vì vị hiền thê của mình đã không còn chung thuỷ với những gì đã thề hứa, đã đua đòi theo thế tục và trở thành những mục tử không vì đàn chiên, những người vợ không vì chồng, những người thầy không vì học trò, mà vì tư lợi cho mình mà thôi.

Tại sao vậy ?

Trong Giáo Hội đại đa số các hiền thê linh mục đều là những người tài cao đức rộng, ý thức cao về bổn phận và trách nhiệm của mình, và được đông đảo giáo dân, quần chúng yêu mến, và qua các ngài, người ta nhận ra được khuôn mặt từ  ái của Chúa Kitô Phục Sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hiền thê linh mục đang khi làm quản gia (cha sở) thì không lo nghĩ đến con cái, không đối xử với họ như là những con người có đầy đủ phẩm giá một con người đáng được tôn trọng, có vị hiền thê linh mục coi giáo dân bằng “nửa” con mắt, có vị hiền thê linh mục thì chỉ coi trọng những con chiên giàu có mà quên mất con chiên nghèo, có những vị hiền thê linh mục chỉ biết hưởng thụ...

Do đó, tứ đức công dung ngôn hạnh –xét cho cùng- cũng là những đức tính mà các “hiền thê linh mục” của Chúa Kitô cũng nên ngồi lại, và dưới ánh sáng Lời Chúa soi sáng, nhận ra rằng, mình cũng cần phải có những đức tính ấy để trở nên hiền thê đẹp nhất, khả ái nhất của Chúa Kitô.

Đức thứ nhất:


CÔNG (khéo tay)

Người khéo tay là người làm gì cũng đẹp, đặc biệt là về thêu thùa vá may, hoặc là những nghề thủ công, thường thường là chỉ để nói về cô gái may vá thêu thùa đẹp, nhưng thời buổi hiện nay, nam giới cũng rất là khéo tay trong những công việc may vá, thủ công và mỹ nghệ.

Khéo tay mà tôi muốn nói với các bạn đây là hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, tức là vừa khéo tay hay làm vừa khéo tay chăm sóc đàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho linh mục.

1.   Công - Khéo tay hay làm.

Có những nhà thờ mà khi nhìn vào thì người ta trầm trồ khen ngợi ông cha có hoa tay, trang hoàng bố trí đẹp mắt thanh nhã, làm cho giáo dân cảm thấy tâm hồn thanh thoát khi đến nhà thờ dâng lễ đọc kinh.

Sau những năm giải phóng, các nhà thờ hiếm mà kiếm được một thầy giúp xứ, các bà xơ thì cũng hạn chế, cho nên có những nhà thờ cha sở “bao sân”, tức là ngài kiêm công việc của ông từ kéo chuông, mở cửa nhà thờ, ngài kiêm luôn việc của thầy giúp xứ dạy giáo lí, tập hát, tập giúp lễ, ngài cũng kiêm luôn công việc của các nữ tu giặt khăn thánh, cắm hoa và có khi quét nhà thờ... tóm lại là ngài đã làm được tất cả mọi việc trong nhà thờ của mình. Đó chính là “công – khéo tay hay làm” của cha sở vậy.

Tuy nhiên, cũng có một vài linh mục không quen với công việc tay chân, hoặc không khéo tay cho lắm, nên làm cái gì cũng lệ thuộc vào giáo dân, vào người thợ, và có khi chỉ một vài công việc đơn sơ như lên kế hoạch làm một vườn hoa trong nhà thờ, ngài cũng khoán trắng cho giáo dân làm tuỳ ý, để rồi nhiều phức tạp phát sinh gây chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ, bởi vì giáo dân ai cũng muốn ...làm cha phó.

Nếu một linh mục khéo tay hay làm thì không những ngài tìm thấy được niềm vui trong phục vụ, mà ngài còn làm cho nhiều người cộng tác với ngài trong nhiều công việc. Tôi thấy có một vài nhà thờ cha sở ngài tự tay mua gỗ về làm lấy toà giảng, bàn thờ theo ý mình rất đẹp, tôi cũng thấy có nhiều cha sở cắt chữ bằng giấy thủ công rất khéo, tôi cũng thấy có một vài cha sở rất có đầu óc mỹ thuật, các ngài tự mình vẽ lấy hoạ đồ xây cất nhà thờ, đài Đức Mẹ, rồi sau đó xin mọi người góp ý...

Không phải tất cả linh mục nào cũng làm được như thế, bởi vì linh mục được đào tạo là để rao giảng Phúc Aâm của Chúa, có nghĩa là  -theo quan niệm giáo dân- linh mục là những “bạch diện thư sinh” chỉ biết cầm cây viết chứ không biết cầm cái cuốc, cho nên việc khéo tay hay làm thì không thích hợp với các ngài, nhưng nếu có một cha sở khéo tay hay làm, thì họ đạo ấy chắc chắn là sẽ sinh động hẳn lên, và bộ mặt nhà thờ nhà xứ sẽ khác hẳn, bởi vì chính ngài chứ không ai khác sẽ là mẫu gương phục vụ tuyệt vời nhất khi đứng chỉ huy và cùng làm công việc với giáo dân trong những dịp trang hoàng lễ giáng sinh, phục sinh hay một đề án công trình nào đó.

Khéo tay hay làm nơi một linh mục thì khác với một chuyên gia, hay một người chuyên môn về một ngành nghề nào đó, bởi vì chuyên môn của các ngài là giảng giải và sống Lời Chúa cho giáo dân nghe thấy, nhưng hình như trong Tin Mừng của thánh Mattheô Chúa Giêsu dặn các tông đồ : “Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần (Mt 10, 7). Nhưng có lẽ bản dịch câu này bằng tiếng Hoa thì xem ra thực tế và có ý nghĩa hơn : “Các con vừa đi vừa rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần”  , vừa đi vừa rao giảng tức là mọi công việc của mình làm đều vì Chúa, đều nhìn thấy là có Thiên Chúa hiện diện trong công việc của mình, có như thế người ta mới có thể nhận ra được Thiên Chúa trong con người của mình. Vừa đi vừa rao giảng tức là vừa làm vừa rao giảng, vừa sống vừa rao giảng, vừa thực hành vừa rao giảng, đó chính là phương pháp hay nhất và hiệu quả nhất trong công việc rao giảng Tin Mừng cho con người hiện nay vậy.

2.   Công - Khéo tay chăm sóc.

Một linh mục giỏi là người biết quản lí giáo xứ tốt, có nghĩa là ngài biết rõ từng con chiên trong giáo xứ của mình, cũng như cha mẹ trong gia đình, linh mục hiểu và biết tên từng giáo dân một, hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình để an ủi, khuyến khích và cầu nguyện cách riêng cho họ.

Một mục tử giỏi là người biết hướng dẫn đàn chiên của mình sống đoàn kết yêu thương nhau trong tinh thần của Chúa Kitô, ngài không những là mục tử mà còn là con chiên đầu đàn, ngài đi trước để mở đường cho chiên theo, cũng có nghĩa là ngài sống tinh thần Phúc Aâm trước mọi người, và qua đời sống của ngài, giáo hữu nhận ra ngài chính là người mục tử chân thật được sai đến với họ chứ không như những người làm thuê, chỉ biết lãnh tiền lương rồi mặc cho chiên tan nát, đau ốm, lạc đường...

Khéo tay chăm sóc là cách nói và là lời khen của con người dành cho một người nào đó có tinh thần phục vụ và lãnh đạo.

Một linh mục không khéo tay chăm sóc là một linh mục không biết học hỏi và vươn lên trong bổn phận của mình, các ngài chỉ có an phận và thỏa mãn với những gì mình có mà không phát triển tài năng nơi mình mà Thiên Chúa đã ban cho, và như thế có nghĩa là các ngài chỉ lo làm các công việc của mình như dâng thánh lễ, ban các bí tích rồi thôi, còn biết bao nhiêu là thời giờ rảnh rỗi mà các ngài đã không lợi dụng để làm cho giáo xứ của mình phong phú thêm về mặt đạo cũng như đời.

Phương pháp khéo tay chăm sóc hay nhất là linh mục dành nhiều thời gian cho sự thăm viếng : viếng Thánh Thể và thăm gia đình giáo dân, bởi vì chỉ có hai cách này mới làm cho linh mục đạo đời thêm phong phú.

Viếng Thánh Thể

Không nói thì các linh mục cũng hiểu rất rõ, chính Thánh Thể là nguồc mạch mọi ân sủng của đời sống thiêng liêng, là lương thực dồi dào phong phú cho linh mục, mỗi ngày bỏ ra năm mười phút chầu Thánh Thể thì quý báu hơn bỏ ra hàng nửa ngày để giải trí bằng chơi cờ domino hay bất cứ thứ gì khác.

Chính nơi nguồn ân sủng này mà linh mục tìm ra được sức mạnh để hướng dẫn và lãnh đạo dân Chúa, chính nơi nguồn ân sủng này mà linh mục trở thành người khéo tay chăm sóc đàn chiên của Chúa đã trao phó cho ngài. Một linh mục thiếu vắng Thánh Thể là một linh mục đầy ắp tự tư tự lợi, tức là chỉ luôn nghĩ đến sự hưởng thụ cho thân xác của mình mà không bơài dưỡng đào sâu tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống.

Giáo xứ như một chậu hoa bonsai, linh mục như những nghệ nhân uốn nắn cây bonsai cho đẹp, cắt bỏ những cành khô và tỉa những ngọn lá úa, để cho cây bonsai có nét nổi bật riêng của nó, giáo xứ mà linh mục coi sóc phải hơn hẳn cây bonsai, vì cây bon sai chỉ là thực vật vô hồn không biết suy nghĩ, nhưng giáo xứ là một cộng đoàn với những hạng người có nhiều cá tính và cách suy nghĩ không giống nhau. Là một nghệ nhân của đời sống tinh thần, linh mục khéo tay chăm sóc nó, biết gạt bỏ những bất hòa trong cộng đoàn, biết dung hòa những ý tưởng của cộng đoàn và hướng dẫn họ đi tới cùng mục đích tức là cùng  nhau nên thánh.

Thăm mục vụ

Thăm gia đình giáo dân là công việc mục vụ của cha sở, là công việc đòi hỏi vị linh mục phải có tâm tình yêu mến con chiên bổn đạo của mình, qua sự thăm viếng, các ngài mới hiểu được hoàn cảnh và “biết tên chiên của mình”.

Là người khéo tay chăm sóc và lãnh đạo, người linh mục biết lên kế hoạch thăm viếng giáo dân mà không làm phiền hà họ, nhưng trái lại, đem tình thương của một mục tử nhân lành đến cho họ.

Có một vài cha sở không biết con chiên bổn đạo mình là ai, vì ngài không hề đi thăm họ, có bao nhiêu con chiên không đến nhà thờ ngài cũng không biết vì ngài không có đi thăm họ. Bối cảnh truyền giáo hôm nay không còn giống như bối cảnh truyền giáo trước công đồng Vatican II nữa, phương pháp truyền giáo hôm nay cũng khác với phương pháp truyền giáo trước đây, nghĩa là Giáo Hôi phải đi đến với muôn dân, đem ánh sáng Tin Mừng chiếu soi họ, cũng vậy, linh mục không còn ngồi lì trong nhà thờ để truyền giáo nữa, nhưng các ngài phải đi ra khỏi nhà thờ, đến với giáo dân, đem ánh sáng Lời Chúa tự trong lòng các ngài đã cảm nghiệm và đã sống chiếu soi nơi giáo dân của mình.

Đọc trên một vài trang báo nọ có mục “góp ý cho chủ chăn” tôi thấy có một vài giáo dân bức xúc vì cha sở của mình không đi thăm viếng giáo dân ngoại trừ khi có đám tang đám giỗ, các ngài chỉ đợi giáo dân đến xin lễ, nói qua loa vài câu rồi lịch sự rồi...xin lỗi vì bận việc.

Đi thăm giáo dân là công việc của một mục tử, cho nên có những nơi gọi những lần đi thăm như thế là “viếng thăm mục vụ” của cha sở, nó rất có ý nghĩa và làm cho tình cảm cha con trong giáo xứ thêm khắng khít. Hãy trãi rộng tấm lòng ra cho giáo dân thấy, rồi các ngài sẽ được thấy tâm tình yêu thương của họ đối với cha sở của mình, đừng vì thành kiến với một ai đó mà “đoạn tuyệt” với con chiên của mình.

Có một vài cha sở khi có người muốn tìm ngài mà không gặp, thì sẽ được mách nhỏ như sau : “Cứ đến nhà bà X... là có ngài ở đó”. hoặc là : “Giờ này ngài đang đánh cờ tướng ở nhà ông H....” – giáo dân rất tế nhị trong cách đối xử với vị mục tử của mình, thì mình cũng phải tế nhị trong cách giao thiệp làm sao cho được chan hoà với hết mọi giáo dân trong giáo xứ của mình.

Công cũng là học hỏi, nghiên cứu

Công là khéo tay hay làm, nhưng nếu không được học hành thì cũng không thể làm tốt được công việc được giao phó.

Học là một niềm vui cho kẻ sĩ, học cũng là sự hứng thú cho người ham hiểu biết, học cũng là chìa khoá để con người mở ra cánh cửa của vũ trụ thiên nhiên, và từ nơi vũ trụ ấy con người nhìn ra được Đấng Tạo Hoá là Thiên Chúa đang hiện diện và điều hành công cuộc sáng tạo của Ngài...

Thời nay việc học hỏi càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ, cứ buổi tối sau khi đèn đường bật sáng chúng ta thử nhìn thấy nơi các trung tâm dạy sinh ngữ, nơi các trung tâm luyện thi, nơi các trung tâm học và làm toàn là người với người, họ đến đó để học thêm, để trau dồi kiến thức cho kịp với thời đại, họ đua nhau học hỏi với hi vọng có số vốn kiến thức dằn túi, nhưng sự tiến bộ của khoa học thi mỗi ngày mỗi khác học hôm nay ngày mai là thấy mình lạc hậu, cho nên sự học thì vô bờ bến...

Các linh mục cần phải coi trọng công việc học hỏi mới có thể thăng tiến được mình và giáo xứ của mình.

“Có một giáo xứ nọ ở thành phố Saigòn, mấy lâu nay không có cha sở cho nên các vị trong ban hành giáo phải khổ sở đi mời linh mục khách đến dâng lễ ngày chủ nhật, đến khi giáo xứ được bổ nhiệm một linh mục trẻ đến làm cha sở thì cả giáo xứ rất phấn khởi vui mừng, vui mừng vì từ nay mình đã có cha sở, vui mừng vì cha sở còn rất trẻ hi vọng sẽ năng nổ làm việc hăng say để giáo xứ phát triển, nhưng sau đó thì tất cả giáo dân đều thất vọng vì cha sở trẻ đã không hăng say làm việc, chỉ an nhàn tự tại như một ông chủ, lại còn thay đổi tất cả sinh hoạt đã thành nếp trong giáo xứ như giờ lễ, giờ hội họp, không phải để tiện cho giáo dân mà là tiện lợi cho cha sở... và cuối cùng thì họ hoàn toàn thất vọng nơi cha sở trẻ trung của mình...”

Nếu cha sở trẻ của giáo xứ trên mà biết bàn hỏi với ban hành giáo và các đoàn thể trong giáo xứ khi muốn thay đổi giờ lễ thì đẹp biết bao ; nếu cha sở trẻ ấy biết khiêm tốn đi hỏi các cụ già cao niên trong giáo xứ về truyền thống tốt đẹp của giáo xứ, thì cha sẽ trở thành cha sở vĩ đại của giáo xứ vì cha đã “nắm” được quả tim của con chiên bổn đạo mình.

Học là hỏi, đừng tự ái cho mình là linh mục mà không đi hỏi chuyện với một cụ già nua tuổi tác, hay một bà lão giáo dân về “thói quen” của giáo xứ.

Dưới con mắt giáo dân, linh mục là người của Chúa, thay mặt Chúa để lãnh đạo đoàn chiên, cho nên các ngài là những người trí thức chữ nghĩa đầy mình, nhưng giáo dân ngày nay khác rất xa với giáo dân ngày trước, khác rất xa vì trình độ dân trí của giáo dân ngày càng cao, nhất là ở các thành phố, trình độ học hành của họ –nhất là giới trẻ- ngày càng cao, và do đó họ rất khó chịu khi có một linh mục lên mặt dạy đời cho họ, và nếu không vì đức tin, không vì tín ngưỡng thì họ sẽ không đến với linh mục...

Do đó, việc học hỏi là điều cần thiết, chủng viện là nơi đào tạo những môn học căn bản chuyên môn về triết học và thần học, cũng như các môn học khác để hổ trợ cho công tác mục vụ nơi các linh mục, cho nên, hãy lấy cái mà mình học được trong chủng viện làm căn bản, làm nền móng để dung hoà và thích ứng với hoàn cảnh mà mình đang làm công tác mục vụ, bởi vì cái nền móng thì không thể làm trần nhà, càng không thể làm xà nhà hay cột nhà, hoặc bất cứ gì khác, cho nên việc học hỏi thêm trong cuộc sống chính là thích nghi với hoàn cảnh để kiến tạo ngôi nhà giáo xứ vậy.

Tại sao giáo dân vẫn luôn kính trọng các linh mục già hơn các linh mục trẻ, dù cho các linh mục trẻ được học nhiều thứ ? Thưa, bởi vì giáo dân người ta thường đặt cái đạo đức và tinh thần tận tuỵ lên trên tất cả mọi chuyên môn, mọi học thức, mọi tài năng. Nói như thế không có nghĩa là tất cả các linh mục trẻ đều dở, không phải vậy, bởi vì có một số linh mục trẻ rất năng nổ trong công tác mục vụ, ham học hỏi và luôn thao thức với sứ mệnh linh mục của mình.


Đức thứ hai :
 
 

DUNG (Nét mặt tươi tỉnh)

Có nhiều người, kể cả người không có đạo đã hỏi tôi một câu “cắc cớ” : “Tại sao các linh mục đa phần là đẹp trai hơn những thanh niên khác ?” – mà quả thật là như thế, cố gắng ngồi điểm lại những khuôn mặt của các linh mục hay của các thầy mà tôi quen biết, họ đều đẹp trai, ít nữa là được sáu mươi điểm trở lên, nghĩa là phải trên điểm trung bình.

Người có khuôn mặt tươi tỉnh thì làm cho người đối diện có cảm tình khi trò chuyện, họ chính là những người mà nét lo âu được chôn giấu ở trong tâm hồn, không muốn người khác phải buồn vì nỗi buồn của mình, họ là những người khi vui thì niềm vui này được chia sẻ, nhưng khi buồn thì không ai thấy được nỗi buồn của họ.

Nét mặt tươi tỉnh của các linh mục cũng như thế, không một giáo dân nào thích đến với một linh mục mặt mày nhăn nhăn nhó nhó khó coi, cũng không một ai nhìn thấy được Chúa Giêsu trong một linh mục mà khuôn mặt luôn khó chịu với mọi người. Có một giáo dân nói với tôi : “Vô phúc cho giáo xứ nào có ông cha sở cả ngày nhăn nhó cái mặt, vì họ sẽ được giáo huấn bằng sự...nhăn nhó”.

Dung- là vẻ dáng bên ngoài.

Tôi còn nhớ hồi mười một tuổi đi thử mười ngày để vào Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện-Huế, và tôi bị đánh rớt với một lí do ghi trong giấy gởi về cho cha sở và gia đình là : khuôn mặt buồn quá. Tôi tức cười và nhớ lại mình là một thằng nhỏ phá phách, luôn cười ha ha, tại sao lại “buồn quá” được ? Tôi mới moi lại trí óc trong mười ngày thử ở Tiểu Chủng Viện có lúc nào buồn không, thì sực nhớ là buổi trưa đó, sau khi ngủ dậy, thì gặp thầy phụ trách (bây giờ làm linh mục) bước vào phòng thấy tôi thì nói : sao mặt mày buồn quá vậy !! Ngủ trưa dậy thì khuôn mặt nào lại không lờ đờ, nhất là trưa hè, vậy là bị phê : khuôn mặt buồn quá, và thế là tôi không được nhận vào chủng viện...

Dung là dáng vẻ bên ngoài của một khuôn mặt, nên gọi là dung mạo, Chúa Giêsu biến đổi dung mạo rực rỡ như mặt trời, nghĩa là đẹp quá sức tưởng tượng của con người. Một linh mục có dung mạo tươi tắn, trẻ trung thì hiện lên nét đơn sơ nơi con người của các ngài, và do đó mà người ta thường thấy nơi khuôn mặt của các ngài toát lên một nét vui tươi và thánh thiện.

Những nét vui tươi thánh thiện ấy là hoa quả của một tâm hồn luôn cầu nguyện và bình an, mà người luôn cầu nguyện và bình an thì không phải là các linh mục sao ? Các ngài luôn cầu nguyện vì đó chính là “nghề nghiệp” của các ngài, các ngài luôn bình an là vì các ngài không phải lo lắng hôm nay lấy gì mà ăn mà mặc, là bởi vì các ngài không gây thù hiềm với mọi người, là vì các ngài luôn đem niềm an ủi lại cho tha nhân... tóm lại các ngài chính là Chúa Kitô thứ hai, mà Chúa Kitô thì chắc chắn là luôn có khuôn mặt thánh thiện vui tươi và dễ thương.

Có nhiều giáo dân mỗi lần đi dự lễ về việc đầu tiên báo cho gia đình biết là : “Cha sở hôm nay cái mặt “bí xị” không biết ngài giận ai hoặc ai nói ngài cái gì mà cái mặt khó coi quá !” Một nhận xét của con chiên bổn đạo trong khi đi tham dự thánh lễ của cha sở mình, cũng là những tiếng chuông báo động cho chúng ta –những linh mục- để chúng ta kiểm điểm lại cuộc sống của mình : cái gì làm cho chúng ta khó chịu khiến khuôn mặt “bí xị”, cái gì làm cho tâm hồn chúng ta vướng mắc khiến khuôn mặt của chúng ta rầu rầu khi cử hành thánh lễ...!!

Một nét mặt tươi tỉnh nơi một linh mục là điều quý hoá : giáo dân hoặc không phải là giáo dân, người ta lam lũ làm việc mệt nhọc với tất cả mồ hôi nước mắt, sự chịu đựng trong cuộc sống đã làm cho họ mất đi nét vui tươi, cho nên khi nhìn thấy một linh mục có nét vui tươi thì họ rất phấn khởi, họ sẵn sàng nghe theo lời chỉ dẫn của các ngài, họ vui lòng nghe ngài nói chuyện với nét mặt vui tươi mà không sợ phải mất thời giờ quý báu của họ.

Thời nay có một vài linh mục trẻ, có lẽ vì muốn mình hoà đồng với giới trẻ nên các ngài tóc tai để thật dài, nhìn sau lưng giống như tóc con gái (tóc dài giống con gái chứ không phải người giống con gái, vì các ngài thân hình to lớn không thể giống con gái được), và khi các ngài để tóc dài thì dung mạo của các ngài “biến đổi”, nghĩa là không còn phù hợp với dung mạo một linh mục nữa. Các ngài không biết rằng, thanh niên nam nữ khi nhìn các ngài tóc tai dài xoả ngang vai, mới đầu họ thích đấy vì hơi lạ mắt, nhưng sau đó thì họ sẽ phê bình các ngài ngay : cha cố gì mà như đứa bụi đời, tóc tai dài thòng...! Còn các cụ già thì không nói thì các ngài cũng biết, rất nghiêm khắc trong vấn đề này, bởi vì một linh mục dù có uy tín đến mấy chăng nữa mà để đầu tóc dài như thế, thì cũng làm cho phẩm giá của mình hạ giá mấy phần trong con mắt của các giáo dân...

Dung mạo bên ngoài là phản ảnh dung mạo bên trong của tâm hồn.

Dung là dáng mạo của tâm hồn.

Không ai trực diện nhìn thấy dung mạo tâm hồn của người khác, nhưng khi người ta nhìn thấy khuôn mặt của một người thì họ có thể thấy một phần nào đó dung mạo tâm hồn của người ấy.

Cũng vậy, dung mạo tâm hồn của linh mục cũng sẽ được thể hiện lên khuôn mặt của các ngài, và cái làm nên một dung mạo tâm hồn đẹp đẽ của linh mục được thể hiện qua những nét sau đây :

Dung là Khiêm tốn

Tiên tri Isaia đã nói về dung mạo người Tôi Trung của Thiên Chúa :

“Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt.

sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng.

Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta

mặt mày tan nát chẳng ra người,

không còn dáng vẽ người ta nữa”.

Người Tôi Trung của Thiên Chúa trước hết chính là Đức Kitô, Ngài đã trút bỏ tất cả vinh quang của Thiên Chúa nơi mình, để rồi trên thân xác yếu hèn của con người, Ngài đã trở thành kẻ tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa, nơi khuôn mặt của Ngài đã nói lên tất cả tình trạng tâm hồn của Ngài : sự khiêm tốn tột cùng. Dù người Tôi Trung của Thiên Chúa bị đánh tan nát chẳng ra hình dạng con người nữa thì Ngài cũng vẫn là người tôi trung của Thiên Chúa, nghĩa là nơi cái tàn tạ ấy một tâm hồn khiêm cung càng nổi bật hơn khi bị đánh đòn, bị sỉ nhục và chính Ngài đã trở nên nguồn ơn cứu độ của nhân loại.

Các linh mục là những tôi trung của Thiên Chúa cho nên dù có bị phỉ báng, dù bị có chửi rủa thì các ngài vẫn luôn là người tôi trung, dù có những lúc các ngài bị chính những giáo dân của mình quay lại “cắn” mình, những lúc đó các ngài đã trở nên giống Chúa Kitô mọi đàng.

Dung mạo của các linh mục được phản ảnh lại nơi tâm hồn của các ngài, mà tâm hồn khiêm tốn của các ngài chính là sự thấm sâu đức khiêm nhường của Chúa Kitô : bị lăng mạ, đánh đòn, vu khống nhưng không hề trách cứ than van, trái lại luôn cầu nguyện và thi ân cho những kẻ ghen ghét mình.

Dung mạo là hình dáng tự nhiên của con người dù đẹp hay xấu.

Nhưng cũng có các linh mục không muốn dung mạo mình được tự nhiên đơn sơ như ý Chúa, bởi vì tâm hồn của các ngài đầy ắp những tư tưởng của thế tục nên có một vài linh mục cứ hai ba tháng thì đi mỹ viện uốn tóc một lần, trước khi mặc áo quần thì chọn lựa lãng phí cả thời gian mà vẫn không vừa ý, ăn cơm thì phải cao lương mĩ vị và chất vấn hạch sách nhà bếp...  Tất cả những biến thái ấy đều bắt đầu tự sự chểnh mảng việc cầu nguyện và suy tư đến thiên chức linh mục của mình đã lãnh nhận, các ngài đã thế tục hóa chính mình và làm mờ thánh chức linh mục nơi mình bằng những công việc chỉ phù hợp với người đời mà thôi : trau chuốt thái quá đến dung mạo bên ngoài và đòi hỏi hưỡng thụ –đôi lúc- hưởng thụ hơn cả mọi người, đó là bức tường đen chắn ngang làm cho giáo dân nhìn mà không thấy dung mạo thật của Chúa Giêsu nơi con người của các ngài vậy.

Thiên Chúa là tình yêu,

Chúa Kitô là tình yêu vì Ngài là Thiên Chúa.

Linh mục là tình yêu vì các ngài là Chúa Kitô thứ hai.

Không một tình yêu nào muốn trổi vượt lên trên người yêu của mình nhưng là muốn âm thầm phục vụ người bạn thiết nghĩa yêu thương, cho nên khắp nơi và mọi lúc, dung mạo tâm hồn của các linh mục luôn được bày tỏ rõ ràng trong cuộc sống của các ngài, đó là : vui vẻ với mọi người, khiêm tốn phục vụ và lo lắng cho đàn chiên mà Chúa đã trao phó cho mình.

Tình yêu thương của linh mục đối với giáo dân của Ngài cần phải giống Chúa Giêsu yêu thương đám dân đi theo Ngài để nghe Ngài giảng tin mừng Nước Trời, nếu dung mạo của Chúa Giêsu không toát ra nét dịu hiền đơn sơ và thánh thiện thì chắc là không một ai theo Ngài, dù cho Ngài có nhiều tài năng. Cũng vậy, người ta đến với linh mục trước hết là để nghe lời ngài giảng về đạo Chúa và sau đó được nhìn thấy ngài sống phù hợp với những gì mà ngài đã giảng, thế là họ nhận ra dung mạo tận tuỵ của ngài và đi theo Chúa dưới sự dẫn dắt của các ngài.

Dung là tận tuỵ

Tận tuỵ là lo lắng hết mình cho con chiên bổn đạo đó là bổn phận và trách nhiệm của các linh mục, tận tuỵ cũng là dung mạo tâm hồn của các linh mục được phản ảnh ra trên công việc điều hành giáo xứ của các ngài, mà nét tận tuỵ này đều làm cho người giáo dân liên tưởng đến Chúa Kitô –vị mục tử tận tuỵ hết mình vì đàn chiên- đang hiện diện giữa họ và chăn dắt họ trên đường lữ thứ trần gian.

Tận tuỵ với giáo dân tức là chu toàn bổn phận mục tử của mình : thăm viếng bệnh nhân và người già cả, xức dầu bệnh nhân và trao Mình Thánh Chúa cho họ và nhất là giúp họ được hoà giải với Chúa bất cứ lúc nào trong bí tích Giải Tội .v.v... là những công việc mà dung mạo tận tuỵ của người linh mục được nổi bật nhất trong đời hoạt động tông đồ của các ngài. Bởi vì cái mà giáo dân cần và rất cần nơi các linh mục của họ chính là dung mạo tận tuỵ ở trên. Bởi vì tài cao học rộng không phải là mục đích của linh mục, ăn trên ngồi trước không phải là mục đích của linh mục, để người khác phục vụ không phải là mục đích của linh mục, nhưng mục đích của linh mục, theo hiểu biết của giáo dân, thì chính là làm vai trò trung gian giữa Thiên Chúa với họ, nghĩa là thay mặt Chúa để giáo huấn dạy dỗ họ đi theo con đường Chúa đi, nói tắt là : làm mục tử, mà mục tử thì phải hết mình vì đàn chiên, tận tuỵ chăm sóc đàn chiên và hi sinh vì đàn chiên như Chúa Giêsu đã làm.

Tận tuỵ là dung mạo của linh mục khi mà xã hội hôm nay có quá nhiều hưởng thụ và cung cách quan quyền của những ông quan thế tục, cho nên sự tận tuỵ phục vụ cộng đoàn giáo dân của một linh mục càng được mọi người đề cao và hết lòng yêu mến giúp đỡ để vị mục tử của mình được hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Thiên Chúa –qua Giáo Hội- đã trao cho các ngài. Như người vợ hiền tận tuỵ phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội, các linh mục sẽ suốt đời chung thuỷ với Đấng đã kêu gọi và chọn mình để tiếp nối công việc của Ngài ; như người mẹ hiền chăm sóc cho con cái mình, các linh mục sẽ hết lòng tận tuỵ với công việc của mình là đi tìm con chiên lạc, dưỡng nuôi đàn chiên trong ràn và chú ý chăm nom đặc biệt đến những con chiên bị bệnh, đó chính là dung mạo tuyệt vời của người tôi tớ Chúa, đó cũng chính là dung mạo mà người giáo dân hôm nay trông đợi nơi các linh mục của mình...

Cái nguy hiểm nhất làm cho dung mạo tận tụy của linh mục mất đi chính là sự thỏa mãn với những gì mình đã làm được, đó chính là những thành công trong việc xây dựng giáo xứ mà ai ai cũng thấy cũng khen ngợi, những việc này dễ làm cho các linh mục tự mãn và tự cho mình được phép nghỉ ngơi, do đó mà phát sinh ra tư tưởng mới ngược với tinh thần và dung mạo của mục tử : hưởng thụ các lời khen ngợi mà quên đi dung mạo tận tụy chăm sóc đàn chiên của mình...

Dung là hiền lành

Người ta, bất kì ai, cũng đều nói rằng những người đi tu là những người hiền lành nhất, bởi vì họ không thù không oán với ai, họ không tranh chấp với người, họ cũng không kiếm tư kiếm lợi cho mình, cho nên họ là những người hiền lành hơn mọi người.

Hình như con người ta hể có chức là có quyền, mà có chức quyền thì tự nhiên cũng không được hiền lành cho lắm bởi vì cái quyền chức đã làm biến dạng cái bản chất hiền lành của họ .

Chức linh mục là để phục vụ cộng đoàn dân Chúa theo đúng nghĩa mà Chúa Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ : Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng vì người khác mà phục vụ, đó là mục đích và bổn phận của người linh mục, bởi vì khi linh mục phục vụ là linh mục thực hiện hành vi khiêm tốn mà Chúa Giêsu đã làm trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ của mình : rửa chân cho các ông. Cũng vậy, rửa chân (phục vụ) các giáo dân trong xứ đạo của mình hay bất cứ nơi nào có mặt mình thì ở đó có sự phục vụ với cung cách khiêm tốn và với dung mạo hiền hòa vui tươi chứ không phải với khuôn mặt khó chịu hống hách ta đây...

Có một vài linh mục chưa ý thức được vai trò mục tử của mình khi được sai đến với một cộng đoàn, họ vui mừng khi được bề trên sai phái đến một họ đạo đất rộng người đông ở thành phố hay một địa phương dễ dàng về mọi phương tiện thì vui mừng và tìm cách đặt gánh nặng trên vai giáo dân với thái độ quan liêu của mình, họ tự mãn vì được ở nơi sung sướng khỏi phải...lo đói và có thể lên mặt dạy đời các linh mục ở các xứ nhỏ nghèo hơn. Các ngài phải nhớ rằng khi mình được sai đến với một cộng đoàn to lớn thì việc đầu tiên phải làm là đến trước tượng Thánh Giá quỳ xuống và nói với Chúa : “Lạy Chúa con chỉ là đầy tớ vô dụng”, rồi sau đó xin Chúa ban ơn khôn ngoan để gánh vác trách nhiệm nặng nề ấy chứ không phải khoe khoang với mọi người rằng mình có tài cán, mình có trình độ, mình thánh thiện đạo đức nên được sai đến với những xứ đạo to lớn để rồi dung mạo hiền lành và thánh thiện nơi ngài biến mất dành cho khuôn mặt thoả mãn và kiêu ngạo...

Dung mạo hiền lành cũng chính là bày tỏ một tâm hồn vui tươi nơi các linh mục, đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã dạy trong Đường Hi Vọng rằng : “Thánh thiện đâu phải là nhăn nhó, cực khổ, đau thương. Thánh thiện là vui tươi liên lỉ vì được Chúa, “được đất trên trời làm gia nghiệp của mình vậy” (ĐHV 532). Thật đúng như vậy bởi vì đa phần linh mục luôn cố gắng tạo cho mình bộ mặt nghiêm khắc đạo mạo khi tiếp xúc với giáo dân làm cho giáo dân không dám và không muốn đến gần mình, lại có một vài linh mục cứ nhăn nhó kẻ cả chấp tay sau lưng khi nói chuyện với người đáng bậc cha chú của mình, đáng tiếc thật !

Hiền lành không có nghĩa là dịu dàng với mấy cô mấy bà giáo dân và nóng nảy với mấy thanh niên và mấy ông cụ lão trong giáo xứ của mình, hiền lành cũng không có nghĩa là mặc kệ giáo dân tụi bây cứ đấu đá nhau mà không lên tiếng dạy dỗ bảo ban, Chúa Giêsu rất hiền lành và khiêm nhượng nhưng Ngài vẫn cầm roi da đánh đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ làm cho dân chúng bội phục và nhìn thấy nơi Ngài một tâm hồn yêu mến nhà Cha hơn mọi người khác.

Có một vài cha sở rất có thiên vị trong sự “nổi giận và khó tính” của mình, có khi các ngài đang đùng đùng nổi giận với mấy chàng thanh niên nhưng lại không dám “dùng cánh hoa đánh mấy cô gái” khi họ làm sai trái, cái thiên vị này làm cho người khác –nhất là đám thanh niên- cảm thấy không kính phục cha sở của mình, họ rất biết hối lỗi và sẵn sàng chịu phạt nhưng họ cũng rất bất bình khi thấy cha sở không công bằng trong cách cư xử với họ, hiền lành cũng không có nghĩa là chỉ “chơi đẹp” với mấy con chiên nhà giàu có máu mặt mà nóng nảy gắt gỏng với mấy con chiên nghèo nàn. Chúa Giêsu rất không thích những điều hiền lành như thế, bởi vì Ngài đã tạo dựng mặt trời để chiếu soi người giàu cũng như người nghèo, cũng như cho mưa xuống trên người tội lỗi cũng như người công chính...

Dung mạo hiền lành nơi các linh mục rất quan trọng bởi vì nó phản ảnh lại dung mạo hiền lành khả ái của Chúa Giêsu Kitô khi Ngài công khai rao giảng Tin Mừng của Nước Trời cho mọi người. Người ta sẽ vui mừng và vui lòng cộng tác với một linh mục hiền lành độ lượng hơn là một linh mục thông thái nhưng lại hay gắt gỏng với giáo dân, người ta cũng sẽ sống chết với một linh mục hiền lành dễ mến hơn là một linh mục cộc cằn thô lổ kiêu ngạo coi mình là “cha” của mọi người.

Có rất nhiều giáo dân “vỡ mộng” khi đón tiếp một linh mục mới đến coi sóc giáo xứ mình, họ vỡ mộng là vì họ nhìn mà không thấy được cái “dung mạo khiêm tốn”, “dung mạo vui vẻ”, “dung mạo tận tuỵ”, “dung mạo lịch sự” nơi cha xứ mới của họ dù rằng cha sở mới trẻ, đẹp trai có tài ăn nói và thông thái. Quả thật như vậy, giáo dân không cần biết cha sở của mình có những tài năng gì, nhưng họ rất cần đến một linh mục hiền lành, khiêm tốn và đức độ đó chính là tiêu chuẩn “bình dân” mà giáo dân muốn nơi cha sở và các linh mục của mình vậy !

Người vợ hiền tuy không đẹp nhưng dung mạo đáng yêu làm cho chồng nàng vui vẻ và hảnh diện, cửa nhà nàng luôn rộn tiếng cười vui tươi vì nàng đoan trang biết lo lắng chăm sóc cho gia đình. Các linh mục là hiền thê của Chúa Kitô và Hội Thánh, các ngài được chọn để chăm lo cho đàn con của Chúa giao phó cho các ngài, do đó, dung mạo vui tươi, nết hạnh trổi vượt của các hiền thê (linh mục) làm cho Chúa Kitô và Hội Thánh an tâm, tin tưởng khi các ngài thi hành chức vụ của mình trong bổn phận mục tử...


Đức thứ ba :


NGÔN (Ăn nói lịch sự)

Ngôn là lời nói mà chắc chắn là lời nói lịch sự và dễ nghe chứ không khó nghe như có nhiều người đã dùng nó để chọc cười, để chửi hoặc để thoá mạ người khác.

Chúa Giêsu là Ngôi Lời đã làm người, Ngài là Lời của Chúa Cha và lời Ngài nói là Chúa Cha nói, việc Ngài làm là làm theo ý của Chúa Cha, chỉ giảng dạy ba năm nhưng Ngài đã chuẩn bị ba mươi năm trong gia đình Nagiarét, chỉ giảng dạy có ba năm mà Ngài đã giáo huấn và dạy dỗ rất nhiều người tin và theo Ngài, tại sao vậy ? Thưa vì Chúa Giêsu đã nói Lời của Thiên Chúa, đã giảng lời sự thật và nhất là chính Ngài đã sống như lời Ngài giảng.

Linh mục là Chúa Kitô thứ hai được xức dầu tấn phong để trở nên người nói lời của Thiên Chúa, giảng dạy cho mọi người biết và tin theo Tin Mừng của Chúa Giêsu, cho nên lời của linh mục giảng dạy là lời của Thiên Chúa, lời của linh mục nói thì luôn là sự thật và làm mát lòng người nghe, lời linh mục rất có quyền năng khi đọc lời truyền phép bánh miến và rượu nho trở nên Mình và Máu  thánh của Chúa Kitô.

Thưa các bạn,

Các bạn nghĩ coi, nếu một người bình thường ăn thô nói tục thì người ta đã chịu không nổi, đôi lúc khinh thường và cho đó là người mất dạy, vô giáo dục, hoặc là những đứa bụi đời lang thang đầu đường xó chợ, còn nếu một linh mục mở miệng ra là chửi thề, ăn nói cộc cằn thô lỗ thì người ta nghĩ như thế nào và nói sao nhỉ ???

Một người vợ dịu dàng và nết na không phải chỉ trong thái độ cử chỉ nhưng cả trong lời nói nữa, lời nói của nàng nhẹ nhàng và reo vang như khúc nhạc khiến cho chồng nàng thích thú yêu thương, lời nói của nàng nhẹ nhàng và rất có hiệu quả khi dạy dỗ bảo ban con cái của mình, bởi vì lời nói nhẹ nhàng thì có sức mạnh hơn cả trăm cái bạt tai...

Ngôn là lời nói, không những nhẹ nhàng dễ nghe mà còn là lời nói trung thực phát xuất từ trong một tâm hồn hiền lành thật thà và thấm nhuần tinh thần tu đức kính Chúa yêu người.

Linh mục của Chúa Kitô trong vai trò là mẹ của giáo dân, các ngài cũng sẽ luôn hiền lành và nhẹ nhàng trong cách nói năng để dạy dỗ giáo dân của mình, chứ không phải là một dì ghẻ mỗi lần lên toà giảng là hết mắng chửi người này đến phê bình người kia, làm cho con cái (giáo dân) nản lòng nản chí không muốn đi nhà thờ nữa.

Ngôn là nói Lời Thiên Chúa.

Linh mục là người được đặt tay để trở thành người phát ngôn chính thức Lời của Chúa, nghĩa là các ngài có bổn phận loan truyền Lời Chúa cho mọi người thuộc mọi dân tộc và mọi quốc gia trên khắp thế giới, đó không những là bổn phận mà còn là sứ mạng cao cả của các linh mục khi các ngài được Giáo Hội –qua Giám Mục- kêu gọi và đặt tay xức dầu thánh hiến.

Cho nên lời của các linh mục luôn là lời đem lại bình an và động viên người ta yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân.

Được vinh dự là người phát ngôn chính thức Lời của Thiên Chúa, các linh mục cần phải suy tư, đào sâu và sống Lời Chúa để có “chất” mà giảng dạy cho giáo dân nghe và sống Lời Chúa như mình, các ngài là những thầy dạy người ta về chân lí của sự sống đời đời là Chúa Giêsu Kitô, cho nên các ngài không thể lãng phí thời gian vào các bộ phim hoặc những quyển tiểu thuyết không đem lại ích lợi cho việc đào sâu và thực hành Lời Chúa.

Có một vài linh mục có thói quen tốt một ngày đọc vài hàng tin tức trên báo chí, trên internet để biết tin tức thế giới và Giáo Hội, đọc một quyển sách thiêng liêng và suy gẫm để có chất liệu giảng dạy cho giáo dân, những linh mục này là kì vọng của giáo dân và là niềm hãnh diện cho Giáo Hội, bởi vì nơi các ngài đời sống thánh thiện và tinh thần cầu tiến đã trở thành sức hấp dẫn người khác đến với Chúa Giêsu.

Ngôn nơi toà giảng

Toà giảng là nơi công bố và giảng dạy Lời Chúa cho nên nó rất quan trọng, tầm quan trọng này đến mức nào thì các linh mục chắc chắn hiểu rõ hơn những người khác, nó quan trọng đến mức mà Giáo Hội cấm những người không phải là linh mục được giảng trên toà giảng trong khi cử hành thánh lễ dù họ là tiến sĩ hay là nhà bác học lừng danh thế giới, dù họ là ông tổng thống hay bà bộ trưởng...

Nơi toà giảng, ngôn từ của linh mục thật đặc biệt và cao quý bởi vì giờ đây không còn phải là lời của các ngài nữa, nhưng là lời của Chúa Thánh Thần nói qua miệng của các ngài để giáo dân hiểu và sống đúng lời dạy của Thiên Chúa, và nơi đây –toà giảng- Lời Chúa trong bài Tin Mừng được vang ra từ miệng và từ tâm hồn của linh mục để đến nơi từng tâm hồn của các tín hữu đang hiện diện và đang lắng nghe Lời Chúa qua vị mục tử của mình, họ hân hoan phấn khởi lắng nghe và suy tư những gì mà linh mục chia sẻ với họ, họ vui mừng vì những thắc mắc trong đời sống đầy lo âu đã được linh mục –qua bài giảng- nói cho họ nghe và họ an tâm tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa cuộc sống của họ...

Đa số giáo dân thời nay đều biết và hiểu rất rõ toà giảng là nơi công bố và giảng dạy Lời Chúa, là nơi mà chính họ đã băn khoăn bức xúc khi mà không được đến nghe Lời Chúa trong các ngày chủ nhật hoặc là các ngày lễ trọng khác, là nơi mà họ lấy làm tiếc rẽ khi đi lễ trể vì bận công việc nên không được nghe linh mục giảng...

Thế mà có một số linh mục đã lợi dụng toà giảng để nói lời “của mình” cho giáo giáo dân chứ không nói Lời Chúa cho họ nghe, các ngài đem những nổi bực tức của mình trút lên đầu giáo dân nơi toà giảng, các ngài “giận cá chém thớt” trên toà giảng, lời của các ngài không còn là Lời Chúa nữa bởi vì làm cho giáo dân bực mình, lời của các ngài cũng không còn là lời giáo huấn nữa nhưng là lời dạy đời thiên hạ, mà thiên hạ đó chính là những giáo dân của mình có người chín mươi tuổi, có người bảy mươi tuổi, có người tuổi đáng cha ông của mình với kinh nghiệm đầy mình, họ nghĩ gì khi nghe những lời dạy đời thiên hạ của một linh mục đáng con cháu của mình, họ sẽ nghĩ rằng : chúng tôi đến đây là để nghe Lời Chúa qua miệng các linh mục là những người thay mặt Chúa, chứ không phải đến đây để nghe dạy đời qua miệng một người chưa từng lăn lộn với đời như chúng tôi...

Ngôn nơi toà giảng là ngôn (lời nói) đã được uốn lưỡi bảy mươi bảy lần bảy, là ngôn đã được suy tư, đã được cầu nguyện và thánh hoá bởi chức thánh nơi bản thân các linh mục, do đó mà ngôn của các ngài cần phải chừng mực không la lối tại sao các ông các bà không đi lễ, không kể lể là tại sao quý vị không xin lễ cầu hồn cho ông bà cha mẹ, và cũng không khen người này đã dâng cúng cho nhà thờ và cha sở tiền bạc vật chất, người kia thì quanh năm không thấy đi xin lễ và không đóng góp cho nhà thờ.v.v... Tất cả những ngôn từ ấy không phải để nói nơi toà giảng trong thánh lễ –ngày thường hay chủ nhật- bởi vì những ngôn từ ấy không phải của Thánh Thần và cũng không được uốn lưỡi bảy mươi bảy lần bảy trước khi nói, cho nên nó dễ làm cho giáo dân ngao ngán mà bỏ nhà thờ đi lang thang kiếm nhà thờ khác để tâm hồn bình an hơn...

Nếu vậy thì, ngôn của các ngài –nơi toà giảng- đã trở thành những ngọn roi tra tấn tâm hồn những người yếu đức tin, làm rát tâm hồn những người ngoan đạo và làm chảy máu tâm hồn của những người hết lòng yêu mến Giáo Hội Chúa Kitô.

Ngôn trong đời thường

Cuộc sống đời thường của mỗi người thì cứ theo thứ tự như sau : ngủ, ăn, làm việc, nghỉ ngơi giải trí, trong bốn việc cần thiết này chỉ có ngủ là không nói mà thôi, ngoài ra thì đều có nhu cầu khơi thông tức là lời nói.

Ăn cũng phải nói,

Làm việc cần phải nói,

Nghỉ ngơi giải trí cũng phải nói.

Các linh mục cũng không ra ngoài cái lệ này, nhưng –xét cho cùng- cuộc sống đời thường của linh mục thì khác rất xa người khác về nội dung, bởi vì linh mục đã được chọn để sống đời tận hiến cách đặc biệt giữa nhân loại như Chúa Giêsu đã sống giữa dân Do Thái nơi làng Nagiarét vậy, do đó mà các linh mục cần phải cẩn trọng lời nói của mình dù khi ăn, khi làm việc hay khi nghỉ ngơi giải trí, bởi vì chính lời nói của mình sẽ phán xét mình trong ngày Chúa quang lâm.

1.   Ngôn khi ăn uống

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói của một vị linh mục đáng kính đã nói với chúng tôi : “Mỗi lần cha làm tiệc đãi các linh mục (bổn mạng, sinh nhật) thì không bao giờ cha mời giáo dân cùng dự, ngay cả ban chấp hành của giáo xứ, bởi vì các ngài (linh mục) khi ăn thì uống bia rượu nhiều hơn giáo dân và ăn nói thì ồn ào rất tự do dễ gây gương mù gương xấu cho giáo dân”.

Khi ăn uống có rượu vào thì lời ra, đó là một “quy luật” tự nhiên, nhưng đó là quy luật của người đời bởi vì họ thường cho rằng chỉ có rượu mới giúp họ giải sầu, còn đối với các linh mục nói chuyện khi ăn uống là cả một mẫu mực cho mọi người, có những linh mục khi ăn uống thì nói văng cả thức ăn ra, có linh mục khi ăn uống thì đem chuyện giáo dân này giáo dân nọ ra mà nói giữa đám tiệc, và tệ hơn có một vài linh mục khi ăn uống thì nói liên tu bất tận về mình...

Giáo dân đứng hầu bàn khi linh mục ăn uống là thái độ kính trọng của họ đối với các ngài là đại diện Chúa Kitô, họ trân trọng mời linh mục lên bàn trên rất danh dự vì chức vụ của các ngài quả là đặc biệt hơn các chức vụ khác của người thế gian, và quan trọng hơn các ngài là người cha dẫn dắt linh hồn của họ. Nhưng có những lúc –chúng ta- những linh mục của Chúa Kitô đã phụ lòng kính trọng của giáo dân dành cho mình, chúng ta coi giáo dân là hạng thứ nên trong bữa tiệc cùng ăn uống với họ, ngôn từ của chúng ta toàn là “dao to búa lớn” lên mặt kẻ cả với họ, kêu người này bằng thằng, xưng người kia là tớ tớ cậu cậu (vai thấp) và có khi cả mày mày tao tao rất ư là không hợp với lời nói và lối xưng hô của một linh mục. Thân mật và thân tình trong cách gọi như thế giữa đám đông là không đúng, bởi vì có nhiều người ngoại giáo sẽ lấy làm ngạc nhiên khi chúng ta vô phép và bất lịch sự với người lớn tuổi hơn mình...

2.   Ngôn trong làm việc.

Việc làm của linh mục đôi khi quá bề bộn và đôi khi cũng thật nhàn hạ, nhưng có việc làm để bận rộn thì có lợi cho đời sống tu trì hơn là rãnh rỗi nhàn hạ.

Vì bận rộn với công việc của giáo xứ mà đôi khi linh mục cũng có những lời nói không hay khi tiếp xúc với giáo dân. Có những linh mục khi mệt nhọc mà nghe giáo dân hỏi chuyện thì càng bực thêm và có những lời nói gắt gỏng, có những linh mục mà giáo dân không dám đến gần để hỏi chuyện hoặc là chuyện trò thân tình như con cái trong gia đình, bởi vì ngài hay nạt nộ và có khi chê người giáo dân là không biết gì, thế là họ không muốn đến chuyện trò bàn hỏi với linh mục của mình nữa.

Chúa Giêsu bận rộn rất nhiều với công việc giảng dạy và chữa trị đủ các thứ bệnh hoạn cho dân chúng, nhưng chưa bao giờ thấy Ngài gắt gỏng với ai hoặc nói nặng lời với họ, ngoại trừ đối với những người biệt phái kiêu căng coi mình là thầy dạy thiên hạ.

Có những giáo dân thích nghe cha giảng trong nhà thờ chứ không thích hỏi chuyện với ngài (!) vì ngài quá hách trong khi làm việc mục vụ, lời nói của ngài phán ra thì bắt buộc mọi người phải nghe răm rắp dù lời nói ấy không phù hợp với hoàn cảnh của họ và cũng không phù hợp với môi trường sống đạo của họ, có những linh mục độc quyền ra lệnh chứ không muốn bàn hỏi với giáo dân, có những linh mục lớn tiếng khi có giáo dân góp ý cho công việc của mình, có những linh mục thì đỏ mặt tía tai cãi nhau với giáo dân về vấn đề xã hội mà quên mất rằng mình là linh mục của Chúa Kitô chứ không phải là cán bộ nhà nước.

Công việc mục vụ của linh mục không như công việc hành chánh của nhà nước, công việc mục vụ của ngài đòi hỏi trước hết là thinh lặng lắng nghe tiếng Chúa dạy qua hoàn cảnh của giáo xứ và qua cuộc sống của mình, kinh nghiệm cho biết linh mục nào cầu nguyện nhiều hơn thì khi tiếp xúc với giáo dân đều có những lời nói rất tế nhị mà sâu sắc, hoà nhã và thân ái, bởi vì chính các ngài đã hiểu được mình là ai khi cầu nguyện với Chúa và giáo dân là ai khi tiếp xúc với mình : ngài là linh mục của Chúa Kitô và giáo dân là những người đã được Chúa trao cho các ngài dạy dỗ đường nên trọn lành.

Linh mục Chúa Kitô luôn hoà nhã với hết mọi người, lời nói của các ngài luôn phản ảnh tâm hồn vị tha và khiêm tốn, đôi lúc có một chút hài hước đáng yêu để mọi người nhận ra cha sở của mình không phải là một ông quan bệ vệ làm bộ làm tịch với dáng điệu và lời nói của “người bề trên”...

3.   Ngôn khi nghỉ ngơi giải trí

Ở ngoại quốc hình như mỗi tuần đều có ngày nghỉ ngơi của cha sở, có giáo phận thì nghỉ ngày thứ hai, có giáo phận thì nghỉ ngày khác trong tuần, và một năm thì được nghỉ một tháng, đó là những nghỉ ngơi có ích cho các linh mục bận rộn với công tác mục vụ trong tuần hoặc trong năm. Tuy nhiên hội dòng của chúng tôi thì không có ngày nghỉ vì đấng tổ phụ của hội dòng –cha Vincent Lebbe- đã dạy : thay đổi công việc là nghỉ ngơi .

Có linh mục lợi dụng ngày nghỉ ngơi của mình để đi leo núi, có linh mục thì tắm biển, có linh mục thì đi thăm bạn bè, và có linh mục thì đọc sách báo viết lách trong ngày nghỉ, tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho.

Ngôn trong giải trí của linh mục của Chúa Kitô cũng đáng được mọi người để ý, bởi vì có một vài linh mục khi cùng nhau chơi cờ đominô giải trí cũng có những lời lẽ “vượt quá” tầm mức chức vụ của mình, tức là các ngài vì quá hưng phấn trong giải trí nên thốt ra những lời không mấy hay ho chẳng khác chi người đời ; cũng có một vài linh mục cùng nhau giải trí đã to tiếng cãi nhau đến mặt đỏ gân xanh nổi lên trên khuôn mặt vốn hiền hoà khả ái của mình, khiến cho giáo dân cười “tủm tỉm” các cha của mình mà cũng như thế...

Nghỉ ngơi giải trí không có nghĩa là buông lỏng con người của mình, giải trí cũng không có nghĩa là thích gì làm nấy mà quên mất mình là Linh mục của Chúa Kitô, nhưng giải trí có nghĩa là thư giản tâm hồn và thân xác sau một tuần, một năm mệt nhọc vì công cuộc mục vụ truyền giáo của mình và lợi dụng kỳ nghỉ để bồi dưỡng thêm tu đức của mình trong những lúc cầu nguyện và giải trí.

Nghỉ ngơi giải trí không có nghĩa là mình hết làm linh mục để rồi ngôn hành như những người ngoài đời, nhưng trong cách nghỉ ngơi giải trí cũng luôn làm nổi bật nét hiền hoà thánh thiện của một linh mục, có một vài linh mục nghỉ ngơi giải trí bằng cách coi phim, coi truyền hình đến nổi gắt gỏng khi có người gọi điện thoại hỏi thăm cha sở, lại có linh mục bực tức vì phải tiếp khách trong ngày nghỉ hàng tuần của mình...

Một người vợ hiền là một người mẹ biết chăm lo cho chồng con và dọn dẹp nhà cửa khi được nghỉ trong tuần, nàng hết sức lợi dụng những ngày nghỉ để chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ trong gia đình, do đó mà nết na đức hạnh của nàng bay xa và chồng nàng và con cái của nàng rất hãnh diện về nàng.

Cũng vậy, linh mục là hiền thê của Chúa Kitô và của Giáo Hội, ngài cũng là mẹ của các giáo hữu trong giáo xứ của ngài, cho nên dù là đang kỳ nghỉ hay giờ giải trí, dù là xuất ngoại, leo núi hay tắm biển thì tâm hồn của ngài cũng luôn hướng về đoàn con của mình nơi giáo xứ, và lời của ngài lúc này chính là những lời cầu nguyện thiêng liêng và thánh thiện nhất cho con cái của mình, và như thế cuộc nghỉ ngơi giải trí của ngài thật giá trị và trở nên mẫu gương sáng cho mọi người.

Ngôn trong đời sống tu đức

Đời sống tu đức của các linh mục thì chắc chắn là trổi vượt hơn giáo dân, bởi vì các ngài là thầy dạy đàng nhân đức cho mọi người, do đó mà đời sống của các ngài luôn trở thành mô phạm phản ảnh trung thực sống đời sống của Chúa Giêsu ngay trước mặt giáo dân tại trần gian này, cho nên thiết nghĩ ngôn (lời nói) trong đời sống tu đức của các linh mục khác xa ngôn trong cuộc sống bon chen của giáo dân. Ngôn trong đời sống tu đức chính là...không nói gì cả, nhưng lắng nghe và làm cho đúng điều mà mình đã lắng nghe trong khi cầu nguyện, đó là ngôn phát xuất từ tâm linh đã được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần nơi các linh mục hiền thê của Chúa Kitô.

1.   Ngôn trong thinh lặng.

Linh mục có cái uy của linh mục, cái uy này không phải làm bộ làm tịch mà có, cũng không phải tập tành điệu dáng đi đứng cho nó uy nghi bệ vệ như những vị tướng tá hay những ông quan hống hách, nhưng cái uy của linh mục hệ tại nơi tâm hồn của các ngài.

Có linh mục rất dễ thương đơn sơ với hết mọi người, vậy mà không ai dám hó hé với ngài cái gì cả, bởi vì nơi ngài toát ra vẻ uy nghiêm thánh thiện của linh mục ; có linh mục rất ít nói nhưng khi nói thì ai cũng thích nghe và có thái độ kính trọng bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn, bởi vì nơi ngài phát ra một hấp lực khiến cho người đối diện kính nể. Tại sao vậy ? Thưa vì các ngài dùng tâm hồn để nói.

Dùng tâm hồn để nói tức là im lặng, bởi vì trong thinh lặng người ta dễ dàng nghe được cả những âm thanh nhỏ nhất, cũng vậy linh mục Chúa Kitô khi thinh lặng suy tư cầu nguyện thì sẽ thấy và nghe được rất nhiều điều trong giáo xứ và trong mỗi tâm hồn của con chiên bổn đạo của mình, mà đã nghe và thấy thì chắc chắn lời nói có giá trị và hiệu quả hơn nhiều. Đa số giáo dân thích và yêu mến một linh mục nói ít làm nhiều hơn là nói nhiều làm ít, bởi vì nói nhiều không phải là “cá tính’ của thiên chức linh mục nhưng là cá tính của cá nhân người linh mục, cho nên để xứng đáng hơn với thiên chức linh mục cao quý của mình thì người linh mục càng phải luyện tập cá tính  của mình cho phù hợp với chức vụ thánh mà mình đã lãnh nhận, đặc biệt là tính nói nhiều, bởi vì nói nhiều là bày tỏ một tâm hồn khoe khoang và rỗng tuếch. Kinh nghiệm cho thấy người nói nhiều là người ít làm việc và làm không tốt, một linh mục nói nhiều là một linh mục ít cầu nguyện và dù việc làm của ngài có thành công dưới mắt người đời chăng nữa, nhưng sẽ không bền lâu vì không có nền tảng khiêm tốn và cầu nguyện.

2.   Ngôn trong khi giảng dạy.

Giảng dạy đây không những ở trên toà giảng trong thánh lễ mà ngay cả trong cuộc sống đời thường : khi dạy giáo lý, dạy học chữ ở nhà trường, dạy các lớp khác có liên quan đến đời sống tôn giáo của giáo dân...

Có một vài linh mục khi giảng dạy thì tự khoe khoang mình quá đáng nên có những lời không được thực tế và không khiêm tốn, có một vài linh mục khi dạy giáo lý hôn nhân cho người sắp làm đám cưới thì không một chút tế nhị với đôi bạn trẻ với những câu hỏi khiến họ đỏ mặt tía tai ; lại có những linh mục khi dạy giáo lý cho trẻ em thì dùng những lời lẽ như đe doạ và thái độ như ông kẹ làm cho các em có ấn tượng không mấy thiện cảm về cha sở của mình...

Ngôn trong giảng dạy là ngôn từ giáo dục chứ không phải ngôn từ tranh luận, là ngôn từ của con tim hiền hoà chứ không phải là của tra tấn và kiêu căng, cho nên người linh mục của Chúa Kitô như người mẹ hiền dạy dỗ con cái mình nên người, nàng không cáu gắt khi dạy con, nàng cũng chẳng la lối thoá mạ, nhưng với tất cả tình mẫu tử nàng yêu thương và có khi rơi nước mắt khi dạy dỗ con cái mình.

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này được tỏ hiện qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là tình yêu và vì yêu mà chết để tình yêu được thăng hoa và viên mãn, chính Ngài muốn tình yêu này được liên tục thực hiện giữa trần thế cho đến ngày thế mạt, nên đã chọn các linh mục làm những hiền mẫu thay mặt Ngài đem tình yêu đến cho nhân loại, do đó mà các linh mục khi thi hành bổn phận bảo ban dạy dỗ giáo hữu của mình thì cũng như một bà mẹ hiền với giọng nói hiền hoà và con tim yêu thương trong một tâm hồn khiêm tốn, đó chính là linh mục của Chúa Kitô và người mục tử nhân hiền của giáo dân vậy.

Ngôn (lời nói) của linh mục thì rất có ảnh hưởng trên giáo dân, dù cho ngài là cha sở hay cha phó, hay đang về hưu,  dù cho các ngài ở đâu và bất cứ lúc nào cũng đều được giáo dân vâng lời và nể vì, bởi vì với đức tin mà họ đã lãnh nhận, với giáo huấn mà họ đã học được trong Giáo Hội Công Giáo, với đức vâng lời như Chúa Giêsu, họ (giáo dân) luôn luôn coi các ngài như những người thay mặt Thiên Chúa dạy dỗ họ, ban các bí tích ân sủng của Chúa cho họ, cho nên họ luôn yêu mến và kính trọng các linh mục của mình, đó chính là một mẫu gương nhân đức mà chúng ta –linh mục- cần phải noi theo, tại sao ? Thưa, bởi vì có một quan niệm “khó hiểu” nơi một số các linh mục trẻ rằng : mình là linh mục thì cũng giống như các linh mục khác, cho nên tự cho mình ngang hàng với các linh mục đàn anh lớn tuổi, không có ý nể vì các vị đàn anh đáng bậc cha ông ấy của mình, thế là các linh mục trẻ ăn nói ít lễ phép, tự do phê bình các vị lớn tuổi và -có lúc- còn cho mình học cao học giỏi hơn các vị ấy, thậm chí còn phát ngôn rằng : thần học các vị ấy học là xưa rồi không hợp thời và cổ hủ...

Ngôn là đức thứ ba trong “công, dung, ngôn, hạnh” của người con gái có nề nếp gia phong, và cũng là của các linh mục –những hiền thê của Chúa Kitô và của Giáo Hội- có thể nói “công, dung” là tiêu biểu cho cái vẻ bên ngoài, và “ngôn, hạnh” là tiêu biểu cho cái nội tâm bên trong, cho nên người ta có thể nghe lời nói của một linh mục –hoặc của ai đó- thì biết rằng “công lực” tu đức của ngài tu luyện đã đến mức nào rồi vậy.

Đức thứ tư:


HẠNH (Nết na phẩm hạnh)

Hạnh tức là nết tốt của người phụ nữ, hạnh cũng có nghĩa là phẩm chất tốt đẹp như hạnh kiểm, đức hạnh, khổ hạnh, ngôn hạnh, phẩm hạnh, tiết hạnh.v.v... , hạnh cũng là tiêu chuẩn để chọn vợ nơi người nam, hạnh cũng là thước đo chuẩn mực giá trị đạo đức nơi người con gái, đồng thời hạnh cũng là nét đẹp tâm hồn của một con người bất kể là nam hay nữ...

Người linh mục Chúa Kitô không những đẹp người mà còn đẹp nết, bởi vì cái nết -tức là phẩm hạnh- chính là tiêu chuẩn thứ nhất mà các đấng bậc có trách nhiệm đào tạo linh mục tương lai cho Giáo Hội hằng quan tâm để ý, không thể nhận vào dòng tu hay vào chủng viện người thanh niên không có phẩm hạnh, do đó làm linh mục tức là làm người có đủ phẩm hạnh, cũng có nghĩa là trở thành một con người mẫu mực của mọi người và là thầy dạy mọi người về đàng nhân đức trọn lành...

Có nhiều linh mục có đời sống đạo hạnh và hi sinh được mọi người kính yêu và khen ngợi, bên cạnh đó cũng thấy có một số linh mục trẻ quên mất mình là ai khi nhập vào giới trẻ : các linh mục này đã bị cuốn hút vào những thói quen không đúng với chức vụ linh mục của mình, các ngài hoà đồng với lớp người trẻ nhưng các người trẻ này lại nhìn không thấy đạo hạnh nơi các cha để noi theo, vì các cha cũng như họ uống rượu như hủ chìm ; các bạn trẻ này nhìn cũng không thấy các cha linh hướng của mình có tác phong đạo đức vì các cha cũng như họ ăn nói gắt gỏng và thái độ thì quá “tự nhiên” rất cố ý không phù hợp với người Việt Nam, hoà đồng mà gượng ép thì khó coi, tự nhiên mà sỗ sàng thì sinh ra gương xấu, cho nên thay vì đem đời sống đạo hạnh của mình ra để làm gương thì các linh mục này lại bày ra “cái tôi linh mục”, “cái tôi đạo mạo”, “cái tôi kẻ cả”, “cái tôi kiêu ngạo” để cho các bạn trẻ nhìn thấy...

Có những linh mục trẻ chỉ ân cần và rất chịu chơi với giới trẻ, nhưng khi những cụ già có chuyện cần muốn hỏi hoặc hỏi không đúng thì các ngài lớn tiếng nạt nộ và có thái độ coi thường, những lúc như thế thì đạo hạnh mà các ngài học tập tu luyện trong chủng viện đã trả lại cho cha linh hướng chủng viện mất rồi...

Hạnh của người linh mục Chúa Kitô không những là hạnh  (nết na phẩm hạnh) như bao người khác mà còn hơn thế nữa, nghĩa là  nơi các ngài có hạnh của tự nhiên và hạnh của siêu nhiên, hạnh tự nhiên là các ngài luyện tập và hạnh siêu nhiên thì do ơn Chúa ban cho mỗi khi các ngài suy tư và thực hành Lời Chúa.

Hạnh của Linh Mục Chúa Kitô có thể căn bản là như sau :

Hạnh là lễ phép lịch sự

Một trẻ em được mọi người yêu thích là một trẻ em biết lễ phép với mọi người, biết người trên và người dưới, biết vâng dạ khi được người lớn gọi.v.v...

Khi bước chân vào Tiểu chủng viện hoặc nhà thử của các dòng tu, cái mà bề trên hoặc những người có bổn phận đào tạo linh mục tương lai đòi hỏi và rất chú ý đến nơi các ứng sinh là lễ phép, là ăn nói biết kính trên nhường dưới, và đó là tiêu chuẩn số một của ứng sinh làm linh mục hay tu sĩ.

Các linh mục là những người –tự bản chất- rất có lễ phép với mọi người, lễ phép này khi lớn lên thành người lớn thì gọi là lịch sự. Các linh mục đã được đào tạo qua các trường lớp, hoặc nữa luôn ý thức mình muốn làm linh mục thì cần phải có đạo hạnh, tức là tự mình rèn luyện lấy cho phù hợp với ơn gọi linh mục của mình...

Hình như có một số linh mục cho rằng, mục đích của mình đã đạt được nên trong cuộc sống không còn giữ gìn phép lịch sự và không cần giữ lễ phép với giáo dân của mình nữa, các ngài -có những lúc- lợi dụng vào chức thánh của mình để áp đảo giáo dân với thái độ không mấy lịch sự và lễ phép khi cố chấp cho lí lẽ của mình là đúng. Bên cạnh đó cũng có một số linh mục giữ cái lễ phép quá đáng, quá đáng đến độ quên mất mình là linh mục, tôi thấy có một vài linh mục khi nói chuyện với các cô gái hoặc những phụ nữ thì làm bộ làm dáng nói năng đớt nhã không tự nhiên, hai tay xoa xoa như làm duyên làm dáng, và khi nói chuyện với những người có “máu mặt” thì dạ dạ bẩm bẩm... Đó không phải là cái hạnh của linh mục, càng không phải là lễ phép lịch sự nhưng là nhu nhược và có một vài nét không phù hợp với chức vụ linh mục là khiêm tốn trong tự tin...Hạnh của linh mục không như hạnh của các cô gái, nhưng là hạnh đã được ơn thánh thánh hoá làm cho nó không những trở nên áo giáp bảo vệ linh hồn của mình mà còn trở nên đối tượng thu hút và là mẫu người lý tưởng của mọi người.

Không ai chấp nhận một linh mục ăn nói ngang tàng, càng không ai chấp nhận một linh mục không có lịch sự với mọi người và không lễ phép với cha mẹ hay những người lớn tuổi, giáo dân có thể chấp nhận một linh mục học lực bình thường hoặc một linh mục nhà quê nhưng khiêm tốn đạo hạnh và biết kính nhường mọi người, nhưng chắc chắn là họ không chấp nhận một linh mục thông thái uyên bác mà không khiêm tốn và đạo hạnh quá kém. Xã hội có quá nhiều gương xấu và đạo đức đang tuột dốc, cho nên họ coi những linh mục là những con người đáng để cho họ noi theo, bởi vì các ngài là những con người mà đạo hạnh trổi vượt giữa thế gian hơn mọi người.

Hạnh là vui tươi

Tu dưỡng tinh thần cho có nét vui tươi trên khuôn mặt là một thành quả của đạo hạnh mà không phải người nào cũng có.

Có linh mục thì cả ngày không nở một nụ cười làm cho giáo dân...mất vui, có linh mục thì mặt mày cau có khi giáo dân góp ý, có linh mục thì đạo mạo khi tiếp chuyện với giáo dân nhưng khi giáo dân ra về thì nét đạo mạo mất đi để trở về với tính thô lỗ cộc cằn của mình, những nét đạo mạo giả dối này không che giấu được Thiên Chúa và mọi người, thậm chí nó còn làm cản trở người giáo dân đến với Thiên Chúa vì sự giả tạo của các linh mục.

Khuôn mặt vui tươi là hoa quả của phẩm hạnh, do suy tư và bồi dưỡng Lời Chúa mỗi ngày mà các linh mục thấm nhuần đức ái trong cách hành xử cũng như trong cách nói năng, chính nhờ thế mà các ngài biết cảm thông với mọi người nhất là với giáo dân của mình, nét cảm thông này hiện lên trên khuôn mặt làm cho nó trở thành niềm vui tươi thánh thiện. Phẩm hạnh không phải chỉ là nghiêm trang nhưng còn phải là vui tươi niềm nở với hết mọi người, và không phải mọi người ai cũng có thể nở nụ cười tươi khi bị người khác phê bình, cũng không phải ai cũng có khuôn mặt rạng rỡ khi bị chống đối, người linh mục của Chúa Kitô cũng không thoát khỏi cảnh ấy, nhưng chắc chắn là các ngài không để mãi nét buồn phiền bực tức trên khuôn mặt của mình khi bị phê bình và chống đối, bởi vì các ngài chính là Chúa Kitô thứ hai nên chí ít các ngài cũng học được nơi Thầy Chí Thánh của mình sự khoan dung khi bị chống đối, vui tươi trong lo âu buồn phiền, đó chính là phẩm hạnh mà Chúa Giêsu đã nói qua lời của thánh Phaolô tông đồ như sau : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em !”  vui tươi là kết quả sự tu luyện tâm hồn vậy !

Vui tươi luôn là biểu hiện một đức hạnh hiếm có, đức hạnh được tập luyện và trau dồi dưới ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô, không một ai báo tin vui mà khuôn mặt buồn rầu, cũng vậy linh mục là người –trước tiên- loan báo tin vui Chúa Sống Lại cho mọi người, cho nên các ngài không được phép có khuôn mặt nhăn nhó buồn phiền, cũng như không được phép bi quan yếm thế...

Có những linh mục trẻ nhưng dáng điệu đạo mạo hơn cả các cụ già, bởi vì các vị này cho rằng như thế mới ra vẻ một linh mục quyền cao chức trọng, có linh mục mới ra trường mà khuôn mặt già cổi khó tính hơn cả những người khó tính, bởi vì các vị này cho rằng phải như thế để cho giáo dân biết mình không phải là kẻ “dễ chơi, dễ bắt nạt”, lại có một vài linh mục ngày ngày có khuôn mặt đăm chiêu như muốn “tránh khỏi” cõi đời ô trọc này, các ngài không muốn nghe giáo dân bàn chuyện cũng không muốn thấy ai cười nói vui vẻ khi đến nhà thờ, bởi vì các ngài cho là không nghiêm trang đứng đắn.

Phẩm hạnh vui tươi nơi một linh mục thì có sức quyến rũ người ta đến với Chúa hơn là một linh mục đạo mạo mà cách biệt giáo dân.

Hạnh là tha thứ.

Tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những người đóng đinh mình trên thập giá, tha thứ như thánh Stêphanô xin Thiên Chúa đừng chấp tội những kẻ ném đá mình, tất cả mọi tha thứ đều được phát xuất từ tâm hồn đạo hạnh kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Không tha thứ thì không thể có đạo hạnh, chính vì biết tha thứ cho những kẻ giết mình mà các thánh tử đạo đã trở nên những con người bất tử của Giáo Hội. Lòng tha thứ đạo hạnh này không phải chỉ đến khi gần chết mới tha thứ, nhưng phải tha thứ luôn trong cuộc sống của người linh mục Chúa Kitô, bởi khi các ngài tha thứ thì các ngài đã trở nên Chúa Kitô thứ hai tha thứ cho những kẻ làm hại mình, và như thế đạo hạnh của các ngài sẽ như hương thơm toả lan đến cho khắp mọi người.

Mỗi con người đều có một tấm lòng trắc ẩn, mỗi một người đều có một tâm hồn biết yêu thương và tha thứ, bởi vì không yêu thương thì không biết tha thứ, do đó mà Chúa Kitô dạy chúng ta hãy yêu thương và tha thứ lỗi lầm cho nhau. Linh mục Chúa Kitô thì chắc chắn là phải có một tâm hồn yêu thương và tha thứ hơn tất cả những người khác.

Theo sự thường, linh mục là người không biết đem cái giận chứa vào trong tâm hồn mình, bởi vì các ngài có một tâm hồn yêu thương quảng đại, bởi vì các ngài là những người thay mặt Chúa Kitô tha thứ cho hối nhân trong toà giải tội. Nhưng thực tế có nhiều giáo dân thấy cha sở của mình không có sự tha thứ mau mắn như Chúa Kitô : có một vài cha sở giận giáo dân vì dám phản đối ngài không nghe lời ngài, thế là không thèm nhìn mặt họ nữa ; có một vài cha sở còn “oai” hơn bắt giáo dân phải công khai xin lỗi mình mới cho họ rước lễ ; nhưng cái phổ biến nhất là khi cha sở giận một giáo dân nào đó thì chửi xéo trên toà giảng...

Lòng tha thứ đạo hạnh nơi một linh mục Chúa Kitô chắc chắn là không phải thế, nơi giáo xứ, các ngài là cha linh hồn, là gia trưởng, là thầy dạy đức tin, là người lãnh đạo giáo dân đến với Chúa, cho nên nói theo cách của con người thì các ngài cũng có quyền giận hờn và nổi nóng vì các ngài cũng là con người như mọi người, nhưng nói theo lòng đạo đức và chức vụ thánh mà các ngài đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa –qua Giáo Hội- thì các ngài phải ngay lập tức tha thứ cho người xúc phạm đến mình, bởi vì như thế mới biểu hiện được lòng từ ái của Thiên Chúa qua nơi các ngài.

Như người cha đầy lòng khoan nhân như người mẹ giàu lòng từ ái với đứa con ngỗ nghịch của mình, dù nó chưa mở miệng nói lời xin lỗi thì cha mẹ cũng đã tha thứ cho rồi, các linh mục cần phải đào sâu và thực hành sự tha thứ cho nhau cũng như cho các giáo dân của mình, bởi vì tha thứ là một phẩm hạnh của người linh mục, cho nên trước khi giáo dân xin lỗi mình thì các ngài đã tha thứ cho họ, đó là cách hành xử đẹp nhất mà chỉ có các linh mục Chúa Kitô mới có mà thôi, bởi vì cách hành xử này rất giống với Chúa Kitô –Linh Mục Đời Đời-

Hạnh là chia sẻ

Chúa Giêsu xuống thế gian không phải để được người ta phục vụ hầu hạ nhưng là phục vụ và hầu hạ người ta, đó là lời tâm sự của Ngài với các môn đệ của mình ngày xưa và với các linh mục hôm nay, trong xã hội hiện đại hoá này.

Chia sẻ là phục vụ, đó là một tình thương chân chính xuất phát từ một quả tim hiền hoà nhân hậu của một con người đầy tình yêu của Chúa, mà nổi bật nhất chính là các linh mục của Giáo Hội Công Giáo.

Các ngài đã từ bỏ tất cả mọi thứ thường tình trong cuộc sống –mà đáng lẽ- các ngài có quyền hưởng thụ như tất cả những người nam khác, nhưng vì tình yêu của Chúa Kitô thúc bách, các ngài đã từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa Kitô làm tông đồ, làm người loan báo tình yêu Nước Trời, đó là thiên chức linh mục cao quý. Các linh mục đã từ bỏ mọi thú vui thế gian, đã khước từ những lời mời gọi chính đáng của tình yêu nam nữ để thong dong phục vụ Thiên Chúa qua con người hôm nay, cho nên cái hạnh (nết na phẩm hạnh) nổi bật nhất của các ngài là chia sẻ với tha nhân về những gì mình nhận được từ nơi Thiên Chúa.

a/ Chia sẻ với các anh em linh mục.

Không biết các linh mục có cảm nhận như thế nào trong ngày chịu chức linh mục của mình, riêng tôi cái cảm nhận rõ ràng nhất trong ngày tôi chịu chức thánh là : tôi đang đón nhận hồng ân cao cả của Thiên Chúa để gánh vác thập giá mà Ngài trao cho tôi kể từ giờ phút ấy (chịu chức linh mục). Tôi luôn xác tín rằng hồng ân càng nhiều thì thập giá càng nặng, cho nên trong suốt những ngày tháng thi hành chức vụ thánh của mình tôi luôn chuẩn bị đón nhận hồng ân và thập giá mà Chúa gởi đến cho tôi qua cộng đoàn xứ đạo, qua việc dạy học nơi trường học và qua cuộc sống đời thường...

Các linh mục anh em cũng thế, họ cũng được đón nhận hồng ân và thập giá của Chúa như tôi, nhưng hồng ân thì giống nhau mà thập giá thì không giống nhau.

Có linh mục được sai đi đến một họ đạo nhỏ lẻ loi và nghèo nàn, tóc các ngài nhanh chóng đổi thành màu trắng vì lo âu và vì lo cho giáo dân việc đạo việc đời tốt đẹp, thập giá của các ngài quá nặng, có những nơi phải làm lại từ đầu cho phù hợp với giáo huấn và phụng vụ của Giáo Hội, có những nơi các ngài phải khổ cực vất vả kiếm từng viên gạch để xây dựng phòng học giáo lý cho trẻ em, có những nơi các ngài bị giáo dân to tiếng nặng lời vì các ngài quyết tâm sửa dạy những thói cổ hủ gây gương mù cho mọi người trong giáo xứ.v.v... Chia sẻ với linh mục anh em là bổn phận và là phẩm hạnh của người linh mục chúng ta, có chia sẻ với anh em thì Thiên Chúa mới ban cho mình, đó là giáo lý của Chúa Kitô mà người linh mục biết rất rõ trong đời sống tu đức của mình, có chia sẻ với các anh em linh mục gặp khó khăn chúng ta mới thấm thía ý nghĩa Lời Chúa qua bài ca tụng của thánh Phanxicô Khó Nghèo : cho đi là nhận lại.

Chia sẻ với các anh em linh mục là phẩm hạnh của các linh mục Chúa Kitô, có một vài linh mục ở xứ đạo giàu có không muốn cho các linh mục khác đến họ đạo mình quyên tiền, có một vài linh mục từ chối lời giúp đỡ của các linh mục nghèo, có một vài linh mục mỗi khi giúp đỡ các linh mục bạn thì lên mặt dạy đời họ là phải làm như thế này cho có tiền, làm như thế nọ để giáo dân đóng góp... Nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều linh mục biết cảm thông với các linh mục ở các xứ nghèo khó, có cha sở thì sẵn lòng mở ngay hầu bao để chia sẻ, có cha sở nhiệt tình hơn không những bỏ tiền ra giúp đỡ mà còn mời gọi giáo dân của mình giúp đỡ, tất cả những hành vi này đều nói lên tinh thần yêu thương và chia sẻ của Chúa Kitô nơi các linh mục ấy.

Không những chia sẻ vật chất mà các linh mục Chúa Kitô cũng còn chia sẻ cho nhau những công tác mục vụ nếu thấy không cản trở và giẫm chân nhau.

Tôi còn nhớ tại nhà thờ nhỏ nọ ở thành phố Sai gòn, cha sở bị bệnh hai chân đi lại rất khó khăn, ban hành giáo bèn mời một linh mục trẻ (linh mục này được cha sở mời đến giáo xứ của ngài làm việc mục vụ cho thánh lễ trẻ em và làm lễ các ngày chẳn trong tuần, vì ngài không coi xứ, là linh mục chui) đến làm lễ giùm, vị linh mục này đã từ chối thẳng thừng rằng : việc của ông cha sở là của ông cha sở lo, còn tôi bận việc rồi (ngài đang ngồi đánh cờ tướng), Cuối cùng thì cha sở cũng phải lê lết đôi chân đau đi làm lễ.

Chia sẻ với nhau trong ăn uống thì rất dễ nhưng chia sẻ với nhau trong khi cần cho công tác mục vụ thì lại khó khăn, vì ai cũng có một lý do rất chính đáng, đó là : mắc bận.

Hạnh (nết na phẩm hạnh) của linh mục là ở đó, nó thể hiện ra một tâm hồn mau mắn giúp đỡ và phục vụ người khác, cái dễ dàng và có lợi cho mình thì ai cũng sẵn lòng, nhưng cái mệt nhọc thì không muốn chia sẻ với nhau. Hạnh của linh mục càng trổi vượt hơn khi các ngài chia sẻ với mọi người về những gì mà Thiên Chúa đã ban cho các ngài bất kể đối tượng cần chia sẻ là ai.

Trong truyện Hiệp Khách Hành (kiếm hiệp của Kim Dung) người yêu của Thạch Phá Thiên là A Tú vì thấy môn đao pháp của phái Kim Ô rất bí hiểm, hể vung đao là giết người nên đã khuyên chàng : “Hể tha người được thì nên tha ngay”, đúng là câu nói đầy tính nhân hậu và vị tha. Chúng ta –những linh mục Chúa Kitô- có thể đổi câu này thanh câu châm ngôn sống của mình : “Hể giúp được thì giúp ngay”, dĩ nhiên là không phân biệt bạn hay thù, người thân hay không thân đó là nết na phẩm hạnh đáng quý của linh mục vậy.

b/ Chia sẻ với giáo dân.

Không phải tất cả các giáo dân trong giáo xứ của mình đều giàu có, nhưng cũng có một vài giáo dân nghèo ; không phải tất cả các trẻ em trong giáo xứ đều được đến trường học, nhưng cũng có một vài em vì gia đình nghèo mà không được đi học, đó là chuyện “phổ thông” ở trong đất nước nghèo.

Phẩm hạnh của linh mục không chỉ là chấp tay cầu nguyện trong nhà thờ, hoặc giang tay dâng thánh lễ, hoặc chỉ lo dạy dỗ giáo lý, nhưng còn là chia sẻ với giáo dân những gì có thể được. Có nhiều cha sở mở lớp dạy nghề cho con em trong giáo xứ, có nhiều cha sở chạy ngược xuôi như người mẹ chạy lo thuốc thang cho con cái khi ngài xin phép mở nhà trẻ tình thương cho các trẻ em nghèo... tất cả những việc làm ấy đều nói lên tinh thần phục vụ của các linh mục, và hơn thế nữa, phẩm hạnh của các ngài không ai chê vào đâu được vì các ngài đã vì đàn chiên mà lao tâm lao lực...

Tôi còn nhớ một cha sở nọ khi mới về nhận một giáo xứ nghèo ở trung tâm Saigòn, ngài rất muốn xây lại nhà thờ cho khang trang để xứng đáng làm nơi thờ phượng Thiên Chúa (vì nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng), bản vẽ đã có, tiền bạc trước mắt cũng có thể kiếm, nhưng sau nhiều tháng suy tư vì thấy chung quanh nhà thờ toàn là những người dân đi vùng kinh tế mới về, nhà cửa ổ chuột, thiếu thốn mọi bề, nên ngài đã chia sẻ với giáo dân : “Cha xây nhà thờ mới cũng được, nhưng nhà Chúa thì quá đẹp đẽ mà nhà dân thì quá nghèo khó, hai cảnh tương phản không đúng với tinh thần truyền giáo, cho nên cha không xây nhà thờ nữa mà chỉ sửa lại cho khang trang và dồn cho việc xây nhà trẻ tình thương cho con em nghèo là tốt nhất, đó là việc truyền giáo cách thực tiển nơi họ đạo chúng ta...” Và thế là ngôi nhà trẻ tình thương ra đời ở ngay trong khuôn viên nhà thờ, các em nghèo được đến học miễn phí, nhà thờ sửa lại khang trang không xa hoa lộng lẫy, không tháp chuông cao vút như bản vẽ, không trang trí xa hoa đắc tiền, nhưng sạch sẽ và ấm cúng rất phù hợp với hoàn cảnh nghèo của giáo xứ, và giáo xứ ngày càng có người đến tham dự thánh lễ dù nhà thờ ở vị trí không thuận đường cho lắm...

Đó là cái chia sẻ lớn của người có tâm hồn truyền giáo lớn ngay tại trong giáo xứ của mình, chia sẻ với con cái là bổn phận của người làm cha làm mẹ, là bổn phận của mục tử nhân lành là các linh mục.

Có một vài linh mục xây nhà cha xứ lộng lẫy hơn cả nhà Chúa và dĩ nhiên lộng lẫy hơn nhà của giáo dân, máy điều hoà mát rượi của kính sáng loáng, giáo dân vào nhà cha sở còn rón rén sợ sệt hơn cả đến sở công an thành phố, vào gặp cha sở còn khó khăn hơn gặp thủ trưởng cơ quan vì phải qua dò xét của người gác cổng rồi qua cặp mắt xoi mói của cô thư ký và cuối cùng thì trả lời câu hỏi của bà bếp rồi mới được gặp cha sở !

Các ngài dù không sống xa hoa nhưng với kiểu cách học đòi như thế thì các ngài vô tình đóng khung mình lại trong phạm vi nhà kính lộng lẫy của nhà xứ, giáo dân không dám đến mà cha sở cũng không muốn ra, cho nên nói chuyện chia sẻ với giáo dân thì cũng là khó lắm đấy chứ.

Hạnh là sống bình dị (bình dân giản dị)

Các vị thánh không ai sống kiêu kỳ kiểu cách với tha nhân, các bậc vĩ nhân đa số cũng sống rất bình dị, các linh mục của Chúa Kitô thì càng phải sống bình dị hơn nữa trong cuộc sống đời thường của mình, bởi vì lối sống bình dị không làm cho mình mất nhân cách, không làm cho mình “mất tiếng” và càng không làm cho mình trở thành tên cù lần...

Không một mục tử nào đi chăn chiên mà thắt cà vạt áo vét chân mang giày đinh, nhưng mặc áo chăn chiên tay cầm gậy và đi trước đàn chiên ; không một mục tử nào khi dạy dỗ con chiên mà la mắng chiên ngu như bò (!) nhưng trái lại ân cần chăm sóc từng con chiên. Đời sống bình dị của một linh mục có ảnh hưởng lớn lao trên cuộc sống tâm linh của người Kitô hữu, làm cho họ nhận ra khuôn mặt dễ thương khả ái của Chúa Kitô.

Có nhiều linh mục sống rất bình dị, các ngài tâm niệm rằng mình được sai đến họ đạo là vì phần rỗi của giáo dân chứ không vì cá nhân mình, nên các ngài hết sức phục vụ giáo dân và ưu tiên cho công việc mục vụ, vì thế đời sống của các ngài luôn bình dân giản dị không cầu kì kiểu cách để khi giáo dân cần là lập tức đi ngay đến với họ, cuộc sống bình dị này làm cho người linh mục gần gủi thân tình với giáo dân hơn, phá bỏ quan niệm các cha là bậc cao sang giáo dân không dám đến gần nơi giáo dân của mình. Có một vài linh mục cho rằng mình sống bình dị làm cho giáo dân coi thường, giáo dân không bao giờ coi thường linh mục nhưng chính các linh mục đã làm cho họ coi thường mình bằng đời sống buông lỏng không xứng hợp với chức vụ thánh mà Thiên Chúa đã chọn và trao cho các ngài.

Sống bình dị trong cách ăn mặc là biểu hiện một tâm hồn đơn sơ rộng rãi và không cố chấp, đó là đức hạnh của linh mục.

Sống bình dị trong cách ăn uống là biểu hiện một tâm hồn đạo đức hi sinh và vui tươi, đó là đức hạnh của linh mục.

Có những linh mục rất bình dị trong cuộc sống đời thường, các ngài không đòi hỏi phải có người phục vụ, cũng không đòi hỏi phải được mọi người quan tâm đến mình, và vì sống bình dị nên các ngài đi đến đâu là được người ở đó yêu mến và sẵn sàng giúp đỡ các ngài, và vì cách sống bình dị của các ngài nên trong nhà xứ đầy ắp tiếng cười vui vẻ của giáo dân, trong nhà thờ mọi người đều sốt sắng nghe ngài giảng dạy giáo huấn như là đàn chiên ngoan ngoãn nghe tiếng người mục tử của mình trong yêu thương và kính trọng...

Con người thời nay –nhất là giới trẻ- sống ngày càng mất phương hướng, họ có khuynh hướng giải quyết mọi vấn đề trong thực tiển cho nên ý thức về đời sống đạo hạnh ngày càng thiếu đi, hơn  nữa, lối sống hưởng thụ đã làm cho họ xa dần những đạo đức căn bản nhưng lại có giá trị hơn bất cứ môn khoa học nào, căn bản đây chính là cái hạnh để bảo vệ đời sống con người trong gia đình, trong xã hội và nơi mỗi cá nhân của họ. Khoa học và đạo đức không thể tách rời nhau, nó như chị em sinh đôi trong một gia đình hạnh phúc, một bên phát huy trí tuệ một bên phát huy đời sống tâm linh làm cho con người ta trở nên công cụ tốt đẹp của Thiên Chúa.

Thay lời kết

Công, Dung, Ngôn, Hạnh của Linh Mục Chúa Kitô đến đây là chấm dứt, cũng như những bài viết khác, nó chỉ chấm dứt trên giấy trắng mực đen, nhưng sẽ chưa chấm dứt trong cuộc sống của người linh mục, bởi vì linh mục là người được Thiên Chúa chọn thay mặt Ngài để thánh hóa, giáo huấn và dẫn dắt dân Ngài về quê hương vĩnh phúc trên thiên đàng, do đó mà người linh mục Chúa Kitô đức hạnh phải vượt trên mọi người, các ngài như những hiền thê luôn chung thủy với ơn gọi của mình và sốt sắng chăm lo việc nhà Thiên Chúa nơi giáo xứ của mình.

Công Dung Ngôn Hạnh là tứ đức của người con gái, nó cũng sẽ là những đức tính tốt đẹp mà người linh mục Chúa Kitô cần nên có trong xã hội hôm nay, bởi vì trước khi được học các môn thần và triết để trở thành linh mục thì các ngài phải học cách làm người trước đã, đó chính là nhân bản Kitô giáo, mà Công Dung Ngôn Hạnh cũng là nhân bản vậy...

Tôi cũng là một linh mục Chúa Kitô, nên tự xét mình, muôn ngàn lần không xứng đáng làm linh mục của Ngài bởi vì thân vẫn còn mang nặng tham sân si, nhưng tin tưởng vào tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho tôi, tôi xin Ngài thánh hóa tôi trở thành hiền thê luôn sống trung thành với Ngài, đem Công Dung Ngôn Hạnh của thế gian thánh hóa thành những đức hạnh tốt đẹp của người Linh Mục Chúa Kitô.

Xin Thiên Chúa –nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, mẹ của Linh Mục- cầu bàu và gìn giữ chúng ta trong ơn gọi linh mục đời đời của mình.

 

Tác giả

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.