Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Không khinh không trọng


KHÔNG KHINH KHÔNG TRỌNG
Phương Minh nấu rượu được mấy thùng.
Một hôm, tất cả các đệ tử đều ở nhà, đột nhiên ông ta cởi áo bỏ rượu bên trong đem đi rửa.
Các đệ tử đều ngớ người ra, sau đó Phương Minh nói với các đệ tử:
-         “Ta uống rượu đã nửa đời người, hận lông tóc không biết mùi vị của rượu, hôm nay mới thấu hiểu, ta nghĩ đại khái là sẽ không nên coi trọng người này mà coi nhẹ người kia nữa !”
                                          (Vân Tiên tạp kí)

Suy tư:
     Có người quen nhờ tôi đem một lá thư đến cho một người ở cộng đoàn nữ tu nọ tại Saigon, tôi không mặc áo sơ-mi cổ côn kiểu linh mục, sau khi hỏi tên sơ nọ để đưa thư, thì bị đứng một bên góc sân đợi hơn ba mươi phút, nhiều sơ đi qua đi lại, ngó ngó nhìn nhìn tôi, giống như tôi là một tên...bất lương không bằng, đợi lâu quá sốt ruột vì người nhà đợi ngoài cổng và trời sắp tối, tôi bèn hỏi một sơ đang đứng đó: “Sao lâu quá vậy ?”
Sơ ấy trả lời: “Chú đợi chút xíu, chắc còn đi tìm !”
Nói xong sơ ấy đứng trên hành lang mà nhìn. Tôi suy nghĩ rất nhanh, nói với sơ ấy: “Tôi là linh mục, cho tôi gặp sơ ấy, vì tôi bận phải đi gấp”. Nghe nói tôi là linh mục, sơ ấy lập tức vừa chạy vào trong vừa gọi lớn: “Có cha đến”.
Thế là tôi được các sơ niềm nở mời vào phòng khách trò chuyện, nhưng đưa thư xong thì tôi phải đi vì đợi quá lâu...
     Coi trọng người này mà coi khinh người khác là căn bệnh của nhiều người, bởi vì họ thường lấy chức vị danh vọng để tiếp đãi, để đối xử với nhau, cho nên Tin Mừng của Chúa chưa đến được với nhiều người.
     Nếu chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Giê-su ở trong tất cả những người khách đến thăm, bất kì người khách là ai, thì chắc chắn chúng ta sẽ không chậm trễ đón tiếp; nếu chúng ta bỏ đi cái phân biệt diện mạo bên ngoài của người khách, để nhìn thấy một Đức Chúa Giê-su đang đến thăm chúng ta, thì chắc chắn chúng ta sẽ niềm nở đón tiếp họ...
     Tôi còn nhớ như in câu nói của một Đan Viện Phụ đã nói với tôi: “Con phải nhớ, khách là Chúa Giê-su, tiếp đón khách là tiếp đón Chúa Giê-su”.

     Thiên Chúa không khinh không trọng một ai, tại sao chúng ta lại coi khinh người này coi trong người kia chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư