Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Nhật ký 3 ngày Tết Nhâm Thìn


NHẬT KÝ BA NGÀY TẾT DÂN TỘC
của một linh mục truyền giáo tại Taiwan

 
 

Ngày 30 tết.

Năm nay ngày cuối năm Tân Mão nhằm ngày chúa nhật, giáo xứ mình có 2 thánh lễ vào buổi sáng, lễ 7 giờ và lễ 9 giờ, nhưng cả hai thánh lễ đều ít giáo dân hơn các tuần lễ khác, lý do có nhiều, nhưng có lẽ lý do lớn nhất là giáo dân có một số gia đình sắp xếp đi du lịch, hoặc có một số về quê ăn tết, và một lý do khác là mọi người bận đi sắm đồ tết, bởi vì dù là một đảo quốc tiên tiến, văn minh, nhưng Tết truyền thống thì họ không thể tổ chức qua loa được, mà rất truyền thống dân tộc.

Thánh lễ 7 giờ sáng kết thúc, có một vài giáo dân hỏi mình: “Tết cha đi đâu ?”. mình cười trả lời: “Đi lui đi tới trong nhà thờ”. (nhà thờ ở tầng trệt, văn phòng cha sở ở lầu 2 và lầu 3 là chỗ nghỉ của cha sở), nghe mình trả lời họ cười ha ha thật lớn. Lại có giáo dân hỏi: “Mồng 2 tết cha có đi đâu không ?” Mình hỏi lại: “Có chuyện gì không ? ”, họ nói: “Mời cha đến nhà ăn cơm...” Mình nói cám ơn, và từ chối vì mình không hề đến nhà giáo giáo dân ăn cơm, vì như thế sẽ thành một thói quen không tốt đẹp cho sau này.

Lễ 9 giờ thì giáo dân đông hơn lễ 7 giờ, lễ xong giáo dân vội vàng trở về nhà để chuẩn bị cho ngày tết, ai cũng vội vả chuẩn bị tết.

Trong nhà thờ vắng lặng, ngoài trời thì mưa và gió lạnh, như lùa vào tâm hồn của mình một nỗi buồn nhớ Tết ở Sài Gòn, giáo dân ai có nhà nấy, người Taiwan rất coi trọng các tục lệ của ngày Tết, nhất là ngày 30 tết, chỉ còn buổi chiều nữa thôi, tối 30 tết, nhà nhà quây quần bên bàn ăn đoàn viên, đó là phong tục tập quán rất tốt đẹp của họ. Con cái dù đi làm ở đâu cũng trở về nhà cha mẹ để ăn cơm tối 30 tết. Ở Taiwan gần đây có những dịch vụ “tiệc đoàn viên”, gia đình nào “làm biếng” nấu ăn thì đặt nhờ họ nấu, và cả nhà đến ăn, ăn xong rồi về, khỏi lo lắng rửa chén bát mất thời gian.

Buổi chiều, mình “đi tới đi lui” trong nhà thờ vắng lặng, nhìn mấy phong bì đỏ treo lên nhánh cây anh đào trên cung thánh, để ngày mai lễ Minh Niên giáo dân hái lộc Lời Chúa, mà lòng càng thêm nhớ nhà, và cảm thấy đời linh mục vừa là cao quý vừa rất cô đơn, nhất là trong những dịp tết, giáng sinh...

Trời hơi lạnh, nhưng mình vẫn cứ đi vào chợ coi người ta mua bán trong ngày cuối năm, đó là thói quen của mình trong những ngày giáp tết, đi coi người ta bán hàng tết, ở đây tết cũng như ở Việt Nam, nên những đồ bán trong chợ tết đều na ná giống như ở Việt Nam, nên càng làm cho mình nhớ nhà hơn. Ngoài đường xe cộ ít đi một chút, phần vì gần giờ cơm đoàn tụ gia đình, phần vì người ta ở nhà lo dọn đẹp đón giáo thừa, cho nên đường xá vắng xe hơn mọi ngày.

Tối nay các chương trình trên truyền hình đều có chủ đề “mừng xuân”, mình coi và cười một mình, ngoài đường lác đác vài tiếng pháo nổ, tiếng xe gầm rú có lẽ tăng ga để về cho kịp giờ cơm tối.

Nhà nhà vui vẻ đón tết, làm linh mục truyền giáo ở một đất nước mà các lễ tiết đều giống ở Việt Nam làm cho mình nhớ nhà, và cảm thấy cô đơn trong những ngày tết, rồi lim dim đi vào giấc ngủ...

Mồng Một Tết

Mình thức giấc thì giao thừa đã qua và năm mới đã đến, nhìn đồng hồ thì mới 4.15 giờ sáng. Sáng nay 8.30 giờ mình phải dâng lễ cho nhà thờ họ lẽ bằng tiếng Phúc Kiến, và 10 giờ thì dâng lễ cho giáo xứ chính bằng tiếng quan thoại phổ thông.

Lái xe jeep đến nhà thờ trên núi, trên đường đi mà cứ cầu nguyện xin Chúa đừng cho kẹt xe, bởi vì còn phải về làm lễ ở nhà thờ giáo xứ nữa, may mà trời mưa cho nên ít xe trên đường. Đến nhà thờ thì cổng lớn đã mở, và có một vài giáo dân đang cắm hoa trang trí bàn thờ, treo thêm một vài câu đối tết trước cổng nhà thờ, không khí tết như chưa ngủ dậy, bởi vì có lẽ đêm qua đón giao thừa nên ngủ trể chăng ?

Các cụ già giáo dân thấy mình vào nhà thờ thì cười nói: “Chúc mừng năm mới”, có mấy cụ nhét vào tay mình bao lì xì, mình cũng chúc lại và nhìn quanh nhà thờ, có ít người đi lễ đầu năm.

Trong thánh lễ mình dùng cả hai tiếng Phúc Kiến và quan thoại, bởi vì có trẻ em đến dự lễ, mà trẻ em thì không hiểu tiếng Phúc Kiến như các ông bà cha mẹ của chúng nó. Trong bài giảng mình có nhắc bà con trong mấy ngày tết nhớ đừng uống rượu đến say, đừng đánh bài bạc, nhưng nhớ đi thăm nhau trong mấy ngày tết, đem yêu thương của Chúa cho mọi người.

Thánh lễ xong mình vội vã lái xe về nhà thờ chính để kịp dâng lễ đầu năm cho bà con giáo dân của mình, vừa đậu xe thì còn mười lăm phút nữa là thánh lễ bắt đầu. Hôm nay có một cha già phụ trách tờ báo Hòa Bình đến xin đồng tế để quảng cáo loại sách suy niệm Lời Chúa bỏ túi của ngài.

Ở Taiwan giáo dân không có tục lệ hái lộc thánh như ở Việt Nam, chỉ có nhà thờ nào có linh mục từ Việt Nam sang truyền giáo mới có “hái lộc thánh” đầu năm như ở các nhà thờ Việt Nam, sau này có một vài linh mục người Việt (quốc tịch Mỹ, Canada, Pháp, Úc.v.v...) cũng bắt chước như thế nên trong nhà thờ ngày lễ Minh Niên nhộn nhịp vui vẻ và có ý nghĩa hơn khi hái lộc thánh.

Cha khách đồng tế (người Taiwan) rất thích loại “hái lộc thánh” này, vì ngài luôn quảng bá chương trình Lời Chúa, cho nên ngài cũng sắp hàng lên hái một cái lộc thánh. Ngài xin phép nói vài câu sau thánh lễ và ngài đọc cho mọi người trong nhà thờ nghe, ngài cũng mời một vài giáo dân đọc lên câu lộc thánh của mình cho mọi người nghe. Mọi người rất vui vẻ khi cầm “hồng bao” trên tay, vì trong đó có câu Lời Chúa để ghi nhớ và sống trong năm.

Sau phần “hái lộc thánh” thì đến phần “tế tổ tiên”, đây là phần quan trọng thứ hai sau thánh lễ Minh Niên, mọi năm nhất định phải làm, vì đây là vừa là phong tục vừa là bày tỏ đạo hiếu của giáo dân trong ngày đầu năm. Phần tế tổ gồm đọc bài trích trong sách Huấn Ca, sau đó mình nói lên ý nghĩa của bài đọc, rồi đến dâng hương, dâng hoa, dâng rượu và quả, rồi kết thúc. Sau phần tế Tổ Tiên là phần chia sẻ ngắn gọn của cha khách về việc đọc Lời Chúa và sự lợi ích của việc tham dự thánh lễ hằng ngày.

Lễ xong thì mọi người chúc nhau “chúc mừng năm mới”, hoặc “năm mới vui vẻ”.v.v...sau đó có người cầm một cái khay lớn trong đó có nhiều kẹo bánh, để mỗi người ăn một cái “lấy hên” đầu năm...

Ai nấy về nhà, nhà thờ lại vắng lặng chỉ có mình với Chúa, ai ai cũng về nhà hoặc đi chúc tết nhau trong ngày đầu năm mới, chỉ có mình lủi thủi một mình trong nhà thờ “đi lui đi tới” sửa lại hàng ghế không ngay ngắn, lượm tờ giấy hay chỉnh đốn lại những quyển sách lễ mà giáo dân bỏ không đúng chỗ của nó.

Ngày mồng một tết ở Việt Nam khác với xứ truyền giáo Taiwan, người ta không có thói quen lễ xong là các đoàn thể đến chúc tết cha sở, cho nên mình ngồi nhà coi truyền hình, hoặc đọc sách, hoặc viết bài soạn bài. Tết đối với mình cũng như các ngày chúa nhật, cũng một mình trong nhà, không ai tới thăm vì giáo dân có gia đình của họ, thỉnh thoảng có vài giáo dân gọi phone tới chúc tết. Suốt cả buổi chiều mồng một tết, vì trời mưa và lạnh, nên mình càng cảm thấy Tết là dịp cho mình nghỉ ngơi, không ai làm phiền, không ai quấy rầy, chẳng khác gì một ngày tĩnh tâm.

Đúng vậy, ngày Mồng Một Tết ở xứ truyền giáo Taiwan là ngày tĩnh tâm của mình, bởi vì khi giáo dân mãi lo vui chơi với gia đình, thì nhất định họ sẽ không làm phiền cha sở, nhất là trong những ngày Tết.

Mồng 2 Tết

Hôm nay mồng hai tết, mình thức dậy từ 4.30 giờ sáng theo thói quen hằng ngày, tập khí công, đi vài bài quyền Thiếu Lâm cho nó khỏe và cho bớt cái  lạnh mùa đông buổi sáng, sau đó là công việc như mọi ngày: đọc sách, suy niệm bài giảng và viết sách.

7 giờ sáng thánh lễ bắt đầu, ở Giáo Hội Taiwan không có truyền thống “mồng một tết chúc tuổi Chúa, mồng 2 tết chúc tuổi (lễ cầu cho tổ tiên) ông bà, mồng 3 tết thánh hóa công ăn việc làm””như ở Giáo Hội Việt Nam của mình, nhưng ngày mồng 2 tết của họ thì vẫn làm lễ như ngày thường, ít người đến tham dự, mình đang đoán mò chắc khoảng vài giáo dân đến tham dự là cùng, bởi vì ngày lễ thường thì ít lắm cũng có hai mươi giáo dân đến tham dự, nhưng hôm nay chắc không quá vài người, nhưng mình đã lầm, hôm nay có mười bảy giáo dân đến dự lễ ngày thường, vậy cũng là khá lắm rồi. Lễ ngày thường mình chỉ chia sẻ Lời Chúa khoảng năm phút, nhưng hôm nay mình chia sẻ hơn mười phút để giáo dân biết truyền thống ngày mồng 2 Tết của Giáo Hội Việt Nam là cầu nguyện cho tổ tiên ông bà, bởi vì giáo dân Taiwan không có thói quen ấy, nhưng mình cố gắng giải thích cho họ hiểu tại sao phải cầu cho ông bà tổ tiên trong ngày mồng 2 Tết, như là một bước mở đầu cho họ có ấn tượng để Tết năm sau mình sẽ mời giáo dân đi vào trọng tâm của ba ngày Tết với ý nghĩa của nó, chứ không phải chỉ là ăn chơi mà thôi.

Mồng 2 tết đối với người Trung Quốc nói chung và người Taiwan nói riêng, là ngày con gái đi lấy chồng “về nhà mẹ回娘家”, hôm nay tất cả các đường freeway chắc chắn là phải kẹt xe, bởi vì mọi con gái đi lấy chồng trở về nhà cha mẹ ruột của mình để chúc tuổi gia đình, ai cũng đi xe hơi cho nên phải kẹt xe. Đây cũng là một phong tục hay của người Trung Quốc và Taiwan, dù là đời sống văn minh tiên tiến thì họ vẫn không bỏ được phong tục tập quán tốt lành ấy của họ, trong thánh lễ mình cũng xin mọi người cầu nguyện cho các nàng dâu trong giáo xứ khi trở về nhà cha mẹ ruột của mình trong ngày tết, đi đường được bằng an và đem niềm vui cho cha mẹ và anh chị em của mình.

Lễ xong thì giáo dân về nhà, chuẩn bị cho ngày mồng 2 tết, xem ra các cụ già tất bật hơn những người trẻ tuổi, dù đã làm ông bà cố bà ngoại rồi, nhưng lễ xong thì vội vàng đi về vì hôm nay con gái trở về nhà cha mẹ, thế là các cụ chỉ kịp chào mình và nói: “Chào cha, con về lo nhà cửa vì chốc nữa con gái và con rể về”. Thế là nhà thờ lại vắng tanh, mình lên lầu viết bài, đọc sách, nhưng lòng trí thì vẫn cứ nghĩ về cái tết ở nhà anh chị em mình ở Sài gòn.

Tối hôm qua, một linh mục đang học tiếng Hoa ở trường đại học Phụ Nhân mời mình mồng 2 tết qua dâng lễ cho các công nhân và cô dâu Việt Nam, mình nhận lời, thế là hôm nay có dịp để đi ra khỏi nhà, mặc dù kế hoạch hôm này của mình là đi chúc tết một bà lão ở họ đạo lẻ, vì bà là người giúp để chuẩn bị bàn thờ cho việc dâng thánh lễ, con cái bà đều là những người rất gắn bó với nhà thờ, cho nên mình quyết định đến thăm bà trong dịp tết này, nhưng cũng đành phải xin lỗi bà và hẹn dịp khác.

Đúng 9.30 giờ mình lái xe đến trường đại học Phụ Nhân, các công nhân và cô dâu Việt Nam đang lác đác đi đến nhà nguyện của dòng Tên, một vài thầy dòng tên tiếp đón các công nhân và cô dâu, một thầy tập hát lễ, tất cả đều hớn hở vui tươi vì có dịp để gặp mặt và chia sẻ với nhau lâu giờ hơn, Tết mà. Trong lúc chờ đợi đến giờ làm lễ thì cha phụ trách mời mình lên phòng ngài uống trà, thật là một dịp hiếm có để anh em gặp nhau lâu như hôm này. Hôm nay mình chủ tế, và thầy phó tể sẽ chia sẻ Phúc Âm với đề tài đạo hiếu, thầy chia sẻ người Việt mình rất coi trọng đạo hiếu, và thầy chia sẻ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Trong thánh lễ có hai sơ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đang du học ở trường đại học đến dự, và có bảy sơ dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa gần bên cũng đến tham dự, làm cho bầu khí ngày lễ thật vui tươi và ấm cúng.

Thánh lễ xong thì mình thay mặt các cha, các thầy phát “hồng bao”, thực ra trong “hồng bao” đó không có tiền bạc gì cả, mà là một câu Lời Chúa được trang trí rất đẹp, đó là “tục lệ” tốt đẹp của người Công Giáo Việt Nam chúng ta, phát “hồng bao” xog thì chụp hình kỷ niệm. Sau thánh lễ thì có tiệc liên hoan nho nhỏ mừng xuân của các cô dâu và công nhân đãi ở hành lang của viện thần học, rất vui vẻ và ấm cúng. Mình lần đầu tiên được tham dự liên hoan nho nhỏ như thế này của họ, mình nhận ra một điều là người Công Giáo xa nhà, bất kỳ ở đâu,  làm gì thì làm họ vẫn luôn gắn bó với đức tin của mình, họ phải tìm cho ra nhà thờ để đi lễ ngày chúa nhật, họ rủ nhau cùng đi lễ để họp mặt và làm quen với nhau, và đương nhiên cũng có một vài người không mấy mặn nồng với việc đi nhà thờ...

Ở Taiwan, gần đây hội đồng giám mục Taiwan có chú trọng đến vấn đề di dân, nhất là các cô dâu và anh chị em công nhân đến Taiwan làm việc, cho nên có những địa phận mà đức giám mục địa phương ủy quyền cho một vài linh mục Việt Nam vừa lo giáo xứ, vừa lo mục vụ cho những anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam, chẳng hạn như ở giáo phận Taichung, việc mục vụ cho anh chị em công nhân và cô dâu được chia làm hai vùng rõ rệt, vùng Chương Hóa (彰化) thì do cha Vũ Đình Cường phụ trách, cùng Đài Trung (台中) thì do cha Nguyễn Văn Dụ phụ trách; ở giáo phận Tân Trúc (新竹) thì do cha Lương Văn Đức dòng Đức Chúa Thánh Thần phụ trách; vùng Đào Nguyên (桃園) thì do cha Trương Văn Phúc và Nguyễn Hùng Cường phụ trách; vùng Đài Bắc (台北) thì do cha Nguyễn Ngọc Điệp phụ trách, và có một vài linh mục và các tu sĩ của các dòng tu tự nguyện phục vụ anh chị em công nhân trong vấn đề mục vụ. Các vùng này mỗi chúa nhật đều có các thánh lễ tiếng Việt cho các anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam...

Sau khi các công nhân giải tán về nhà, thì mình cùng với cha phụ trách và các thầy dòng Tên và dòng Đa Minh cùng với một vài công nhân và cô dâu Việt Nam đi đến nhà một cô dâu để chúc tết, và để cho biết nhà, gia đình cô dâu này rất sốt sắng việc Chúa, chồng đạo theo nhưng rất nhiệt thành, con cái đều được rửa tội và đã rước lễ lần đầu.

Mồng 2 tết năm nay mình “được” đi chơi tết với các cha, các thầy, các sơ và các anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam, nên cũng...đỡ buồn, về đến nhà cũng là gần 8 giờ tối, viết bài, đọc sách và đọc kinh xong thì cũng 10 giờ đêm.

Một ngày mồng 2 tết rất có ý nghĩa đối với mình. Tạ ơn Chúa, Chúa luôn biết rõ và bù đắp cho những nhu cầu chính đáng của con người...

Mồng 3 tết

Hôm nay mồng 3 Tết, sáng nay trong thánh lễ mình nói với giáo dân là: ngày mồng 3 tết là ngày thánh hóa công việc làm ăn. Lễ xong có giáo dân nói với mình là rất có ý nghĩa khi đem công việc làm ăn của mình dâng cho Thiên Chúa để xin Ngài thánh hóa.

Trưa nay lớp dự tòng của giáo xứ có tổ chức buổi họp mặt đầu năm, bằng cách cùng nhau chia sẻ bữa cơm thân mật tại phòng sinh hoạt (lầu 3) của giáo xứ, nói là bữa cơm, nhưng thực ra là ăn lẫu thập cẩm, rất nhiều món ăn, và những người lớn tuổi thì khuyên nhau nên ăn ít thịt mà nên ăn nhiều rau, để sức khỏe tốt hơn, khách gồm có các dự tòng và gia đình con cái của họ, và các giáo dân trong giáo xứ, những người này mỗi chúa nhật sau thánh lễ xong là cùng với những người dự tòng vào học giáo lý dự tòng, cho nên họ cũng đến để chia sẻ niềm vui đầu năm với những anh chị em dự tòng. Sau khi ăn xong thì họ ngồi lại hát karaoke với nhau rất vui vẻ.

Buổi chiều, mình loay hoay với vài ba công việc, căn dặn một vài giáo dân những việc phải làm trong khi mình vắng nhà hai ngày, để tham dự buổi họp mặt mừng Xuân Nhâm Thìn của hội tu sĩ Việt Nam tại Taiwan.

Trên các đường freeway được thông báo là kẹt xe, có người ngồi trên xe cả 7, 8 tiếng đồng hồ, có người vì kẹt xe mà ra khỏi xe để ngồi hút thuốc.v.v... Mỗi năm tết đến là kẹt xe lớn, mặc dù các trạm thu phí đều miễn thu để cho xe chạy được dễ dàng và nhanh, vậy mà vẫn kẹt xe. Mình sợ kẹt xe nên mới 5 giờ chiều là đã lên đường đi đến địa điểm họp mặt là nhà thờ Mẫu Tâm Đức Mẹ tại thành phố Đào Viên do một cha Việt Nam làm cha sở, cha là người đã gắn bó ngay từ đầu với hội Tu Sĩ Việt Nam đang truyền giáo tại Taiwan, nhà thờ ngài ở ngay địa điểm rất thuận tiện cho việc giao thông, ga xe lữa lớn gần bên, bến xe bus gần bên, cho nên các linh mục và các thầy các sơ Việt Nam ai cũng thích đến đây để họp mặt trong các dịp lễ của Giáo Hội Việt Nam, như ngày lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày tết.v.v...

Mình tới địa điểm là gần bảy giờ tối, dù nhà mình cách địa điểm họp mặt không xa, lái xe chỉ khoảng 40 phút (nếu không kẹt xe).

Năm nay cha Trương Văn Phúc vừa là cha sở nhà thờ Mẫu Tâm Đức Mẹ vừa là quản lý của hội Tu Sĩ Việt Nam tại Taiwan, đã cho các cha và anh chị em tu sĩ tham dự mừng Xuân ngủ tại khách sạn sát một bên nhà thờ rất tiện lợi và thoải mái...

Đúng 8 giờ tối có bài chia sẻ của cha Thạch vừa chịu chức linh mục của dòng Chúa Thánh Thần chia sẻ linh đạo và đường hướng mục vụ của dòng, ngài chia sẻ ngắn gọn nhưng cũng làm cho các linh mục và các cha các thầy hiểu được tinh thần của dòng Chúa Thánh Thần, cha Thạch tuy mới chịu chức linh mục nhưng tuổi đời đã lớn (hơn 60 tuổi) và kinh nghiệm đời tu thì ít ai bằng, nghe ngài chia sẻ mà cảm tưởng như ngài còn trẻ bởi tính tự nhiên và vui tính của ngài. Sau phần chia sẻ của cha Thạch thì mọi người đánh “bầu cua cá cọp” lấy hên đầu năm cho vui. Mình thì không thích đánh bài và cũng không biết rành, đầu năm chơi “bầu cua” với các cha các thầy và các công nhân thì cũng vui, mình đứng hơn hai tiếng đồng hồ chơi “bầu cua” cuối cùng chỉ thua có năm mươi đồng, ha ha ha, vậy cũng là “hên” rồi vậy.

Mồng 3 tết năm nay mình được ăn tết với các linh mục và các tu sĩ nam nữ đang truyền giáo hoặc đang học tại Taiwan, năm nay tuy có một số các cha vá các sơ về ăn tết ở Việt Nam, nhưng cuộc gặp mặt vui Xuân Nhâm Thìn của hội tu sĩ Việt Nam rấ vui vẻ. Tạ ơn Chúa đã gìn giữ nhà thờ của mình trong hai ngày...vắng chủ nhà.

Kết

Mỗi năm Tết đến mọi người đều hân hoan vui tết, nhưng cuộc đời của một linh mục truyền giáo thì chỉ biết “ăn ké” tết mà thôi, nhất là những linh mục người ngoại quốc, bởi vì dù cho là người Việt chúng ta vẫn ăn tết như của người Trung Quốc, Taiwan, nhưng ở đây (Taiwan) không có truyền thống tết cha tết Chúa như ở Việt Nam, cho nên các linh mục người Việt cũng “ăn ké” tết mà thôi. Do đó, mà có các linh mục người Việt đi tìm niềm vui tết nơi các khu du lịch, hoặc thảnh thơi đi xem phong cảnh, hoặc đi thăm các linh mục bạn bè người Việt để cùng vui tết.

Mồng 1 Tết là ngày linh thiêng của các dân tộc có tết, cho nên trong thánh lễ Minh Niên thì nhất định phải có nghi thức tưởng niệm tổ tiên; qua mồng 2 tết thì không khí linh thiêng bớt đi một chút vì người ta rục rịch đi chơi; qua mồng 3 tết thì hết linh thiêng rồi, vì người ta đổ nhau ra đường đi chơi, đi du lịch, nên kẹt xe là chuyện thường.

Ba ngày tết năm nay của một linh mục truyền giáo ở Taiwan âm thầm lặng lẽ trôi qua trong cơn mưa và lạnh kéo dài. Nhưng bất chấp mưa lạnh và nỗi buồn trong những ngày đầu xuân, tinh thần truyền giáo vẫn cứ là động lực thúc đẩy các linh mục và các tu sĩ nam nữ mạnh dạn quên đi những nỗi buồn chóng qua của các ngày tết nhứt, để tiếp tục “chiến đấu” trên cánh đồng truyền giáo đầy khó khăn và gian khổ này.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Tết năm Nhâm Thìn 2012