Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Tương quan giữa cha sở...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 


TƯƠNG QUAN GIỮA CHA SỞ

&

CÁC NỮ TU GIÚP XỨ

HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ

CÁC ĐOÀN THỂ
 
 
 

Thay lời ngỏ:

Thư gởi Bố

Bố kính mến,
Với gần mười ba năm giúp xứ cho Bố, một giáo xứ ngay tại trung tâm thành phố Sài Gòn, nhưng lại là nơi có nhiều cái tệ nạn nhất của Sài Gòn văn minh: tệ nạn xã hội nhất, ma cô đỉ điếm nhất, thất học nhất, nghèo nàn nhất.v.v...thế nhưng từ nơi vùng đất với những cái “tệ nhất” ấy, đã trở thành Chủng Viện làm ơn gọi trong con từng ngày lớn lên, với sự dìu dắt đầy bao bọc thương yêu của Bố...

Con còn nhớ, khi Ban Đại Diện giáo xứ được thành lập với đủ hạng người nam, bắc, trung, với mọi trình độ. Và dĩ nhiên là phức tạp, nhưng Bố vẫn cứ bình tĩnh để hướng dẫn ban đại diện làm việc. Khi họ không thích nhau, chỉ trích nhau và nói với Bố là tại sao ông đó vậy mà cha không nhắc nhở, bà đó như thế kia sao cha để vậy.v.v...và Bố chỉ nói: “vậy hả” và cười hề hề. Bố không to tiếng nhắc nhở cũng không nghe người này mà bác bỏ người kia, nhưng rồi mọi người vẫn đoàn kết với nhau để xây dựng họ đạo. Và Bố đã “mạc khải” cho con bí quyết ấy: “Giáo dân họ có nhiều ý kiến lắm, đôi lúc làm mình bực mình, nhưng cứ lắng nghe họ, và kế hoạch mình đã đưa ra thì cứ thế mà làm, đừng chê bai gì họ cả”. Và quả thật như thế, khi thấy Bố không nói gì thì họ cũng chẳng nhắc lại vấn đề, và nhà thờ ngày càng khang trang hơn, giáo dân cũng vào nề nếp hơn.

Khi nhà cha sở chưa có, chỉ là cái phòng tạm bợ, thì Bố mở lớp học tình thương dành cho các con em gia đình nghèo đi kinh tế mới về trong giáo xứ, không kể lương giáo, hoàn toàn miễn phí. Khi Bố bắt đầu xây phòng ở cho các nữ tu đến dạy trẻ em, thì có vài giáo dân và ban đại diện “góp ý” với Bố: “Nhà cha sở chưa có mà cha đi xây nhà cho các nữ tu với đủ thứ tiện nghi”, lúc đó Bố cười nói: “Các nữ tu họ sống theo cộng đoàn, có giờ giấc và kỷ luật của họ, phải làm nhà cho họ để xứng đáng với cương vị nữ tu của họ”. Và thế là các nữ tu đến dạy học lớp tình thương có chỗ nghỉ ngơi hơn cả cha sở.

Với các đoàn thể, thì Bố nhắc con một điều: “Các lớp giáo lý thì thầy phụ trách, nhưng ca đoàn thì đừng nhúng tay vào, bởi vì tụi nó kỳ cục lắm, để Bố kiếm người tập hát và coi sóc cho tụi nó”. Và con biết đó là kinh nghiệm của Bố, bởi vì trong các đoàn thể tại giáo xứ, không có đoàn thể nào “ồn ào” và rắc rối cho bằng ca đoàn, và có khi, nếu không “cứng cựa” thì thầy giúp xứ cũng sẽ “đi đong” hết ngày trở lại.

Bố kính mến,
Bây giờ con đã làm linh mục và làm cha sở của một giáo xứ truyền giáo tại nước ngoài, nhưng cách quản trị giáo xứ thì hoàn toàn là kinh nghiệm học được từ những năm tháng giúp xứ cho Bố. Tuy rằng cách giữ đạo của giáo dân ngoại quốc không như giáo dân Việt Nam cho lắm, nhưng cách quản trị giáo xứ thì chẳng khác nhau gì mấy, con triệt để áp dụng những bài học của Bố:
-    Bàn hỏi với ban hành giáo lắng nghe ý kiến của họ và quyết định.
-    Tôn trọng và giúp đỡ ưu tiên cho các tu sĩ đến giúp xứ.
-    Không hạch hỏi khi đã giao công việc cho giáo dân.
-    Không đi sâu quản lý chi tiết các đoàn thể, nhưng nắm chắc tình hình để hướng dẫn.
-    Ý kiến của giáo dân nếu không rối đạo hoặc không gây mất tình đoàn kết thì cứ nghe và nghiên cứu.

Con nghiệm ra rằng, dù bất cứ giáo dân nào dù là người Việt hay người ngoại quốc, cũng đều mong muốn cộng tác với cha sở để xây dựng giáo xứ, và họ càng vui hơn khi ý kiến của họ được cha sở lắng nghe, và giao việc cho họ làm với sự tin tưởng vào năng lực của họ.

Con viết tập sách này là để chia sẻ với các anh em linh mục trẻ và các chủng sinh, để hy vọng giúp họ được chút gì khi ra làm mục vụ ở giáo xứ.

Thời gian gần mười ba năm liên tục không gián đoạn giúp xứ, con cũng nghiệm ra rằng, nếu tất cả các cha sở có lòng yêu thương ơn gọi, tin tưởng nơi các thầy đang thực tập giúp xứ cho mình, thì chắc chắn sẽ có những linh mục tương lai đầy nhiệt thành, trách nhiệm và thánh thiện trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.

Xin Bố luôn cầu nguyện cho con.

Con, Nhân Tài, csjb.
 
----------------------------------------------------


ƠN GỌI CỦA LINH MỤC

Thánh công đồng Vatican II đã định nghĩa bản tính ơn gọi linh mục như sau: “Để hợp thành một thân thể duy nhất, trong đó mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng, chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên, nhờ Chức Thánh họ được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa Ki-tô họ chính thức thi hành chức vụ linh mục cho loài người”[1].

Bản tính của thiên chức linh mục chính là tha tội và tế lễ trong cộng đoàn tín hữu, chính bởi việc đặt tay của giám mục mà người thanh niên được trở nên kẻ dành riêng cho Thiên Chúa và cho cộng đoàn, bản tính linh mục này, từ đây và suốt đời sẽ không tách khỏi con người linh mục. Và vì cho loài người, cho nên người linh mục không thể từ bỏ thực tại trần thế để nên thánh một mình, hoặc rao truyền Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo[2] mà không cần nhờ đến một ai cả, nhưng chung quanh các ngài có rất nhiều tâm hồn của những con người thiện chí sẵn sàng cộng tác, để Lời Chúa được mau mắn chạy đến với mọi tâm hồn.

“Là những người cai quản và chăn dắt Dân Chúa, các linh mục được tình yêu của Đức Chúa Giê-su nhân lành thúc đẩy để hiến mạng sống cho con chiên”[3], đó chính là động cơ thúc đẩy để các linh mục thực hiện hoàn hảo sứ mệnh mà mình đã lãnh nhận nơi Hội Thánh, qua sự đặt tay của giám mục: sứ mệnh làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su[4].

Do đó, người linh mục được sai đi đến với mọi người không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ trong yêu thương, nhờ đó mà người ta nhận ra hình ảnh của Đức Chúa Giê-su vị mục tử hiền lành nơi người linh mục .

Ơn gọi làm linh mục là một ân huệ thiêng liêng[5] đến từ Thiên Chúa để phục vụ tha nhân, chứ không phải một chức vụ đến từ loài người để được người khác cung phụng, bởi vì –tự bản chất- linh mục là người được chọn và sai đi, cho nên người được sai đi không thể lớn hơn người sai đi[6] là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, chính Ngài đã đến trong thế gian, đã phục vụ, đã hy sinh, đã chết trên thập giá và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại. Thật đúng như vậy, được nên giống Đấng đã sai mình đi là một ân huệ cao quý, mà bất cứ linh mục nào cũng phải cảm nhận được với tâm hồn hân hoan và yêu mến, để trong khi thi hành chức vụ được giao phó, thì các ngài cảm thấy mình càng ngày càng trở nên giống Đấng đã sai mình hơn.

Con người thời nay rất nhạy bén với những gì làm cho người linh mục mất đi bản tính linh mục, chẳng hạn như yêu mến bản thân mình, thích hưởng thụ, thích được cung phụng và mong muốn được người khác chăm lo cho mình, chính những điều ấy làm cho họ -giáo dân- ngày càng nhìn thấy linh mục cũng như bao nhiêu người công chức khác không hơn không kém, chính những điều ấy làm cho đàn chiên phân đàn lẻ đám hơn là những gương mù gương xấu do xã hội gây ra.

Bởi vì Đức Chúa Giê-su hành động qua các thừa tác viên của Ngài[7] chứ không qua người khác, cho nên chính các linh mục cần phải trở nên giống Đức Chúa Giê-su trước, sau đó mới làm cho người khác giống Ngài hơn. Đó chính là một đòi hỏi, một thách đố của linh mục trong thời đại hiện nay: đòi hỏi linh mục phải ngày càng hoàn thiện trong sứ vụ được giao phó, thách đố linh mục phải chống chọi với làn sóng tục hóa và nhiều cám dỗ, để vươn đến bờ trọn lành là Đức Chúa Giê-su.

ƠN GỌI CỦA CÁC TU SĨ

Giáo luật dạy rằng: “Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu nguyện và việc đền tội”[8]...“Hoạt động tông đồ cần được thực hiện nhân danh và ủy nhiệm của Giáo Hội, cũng như trong sự thông hiệp với Giáo Hội”[9]. Đó chính là “chân dung” người tu sĩ của Giáo Hội đang sống trong thế giới hiện nay, do đó, mà dù bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người tu sĩ cũng không thể sống khác với ơn gọi của mình, là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Thánh công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng: “Các tu sĩ nam nữ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới và đặc biệt”[10],  danh hiệu mới và đặc biệt đó chính là “người được hiến dâng cho Thiên Chúa”, bởi việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm. “những lời khuyên Phúc Âm đưa đến đức ái, và nhờ đức ái, những lời khuyên ấy kết hiệp các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội và với mầu nhiệm Giáo Hội[11].

Chính vì quảng đại đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa để phục vụ Ngài nơi các chi thể của thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh, các tu sĩ nam nữ -tùy theo ơn gọi và tôn chỉ của hội dòng mình- đã hy sinh tất cả không phải vì để được mọi người khen thưởng, nhưng là để chia sẻ sự đau khổ nhọc nhằn Thánh Giá với Đức Chúa Giê-su nơi những con người đau khổ, là tiếp tục vác thánh giá với Đức Chúa Giê-su trên đường dương thế.

Do đó, tất cả các hội dòng được thành lập không ngoài mục đích là rao truyền tình yêu của Đức Chúa Giê-su đến cho mọi người, vì Đức Chúa Giê-su mà phục vụ tha nhân nơi học đường, giáo xứ, bệnh viện hoặc sống giữa đời để chia sẻ cuộc sống với người nghèo qua ba lời khuyên của Phúc Âm: Vâng Lời, Khó Nghèo và Khiết Tịnh.

Chính Đức Chúa Giê-su là nguồn cảm hứng của những tâm hồn thiện chí muốn dâng hiến đời mình trong một hội dòng, để tiếp bước con đường mà Ngài đã đi, tức là đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người qua hành động phục vụ vô vị lợi của các tu sĩ nam nữ, mà như thánh Công Đồng Vatican II đã khen ngợi: “Các hội dòng sống đời chiêm niệm hay hoạt động, cho đến nay, đã và đang góp phần rất lớn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Thánh Công Đồng vui mừng nhìn nhận công lao của họ và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao nỗ lực được thực hiện để làm vinh danh Chúa và phục vụ các linh hồn”[12]. Như thế thì quá rõ ràng, nhờ đời sống tận hiến và hy sinh của các tu sĩ nam nữ mà có rất nhiều người biết và tin vào Đức Chúa Giê-su, trở thành môn đệ của Ngài.

Là những phần tử trong đại gia đình Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su, các tu sĩ nam nữ cũng cần phải được mọi người kính trọng, không những vì họ là những người được chọn mà còn là những người đã can đảm anh hùng sống đời tận hiến; không phải ích kỷ cho mình, nhưng là cho tha nhân là những hình ảnh của Thiên Chúa, như lời Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận”[13], không phải những bộ phận vô dụng, nhưng đều là những bộ phận rất hữu ích trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-su, đó chính là Hội Thánh của Ngài vậy.

Chính nhờ việc tận hiến này mà các tu sĩ nam nữ gần gủi với mọi người hơn, qua việc dấn thân phục vụ tha nhân trong các môi trường mà họ được sai đến, như: trường học, bệnh viện, giáo xứ.v.v...và không ai phủ nhận rằng, chính các tu sĩ đã góp phần xoa dịu đau khổ của những con người bất hạnh, và chính nhờ việc dấn thân vô vị lợi ấy, mà rất nhiều người nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang hiện diện nơi các tu sĩ, và dần dần nhận biết Ngài rồi yêu mến và trở nên chứng cho Ngài trong cuộc sống của họ.

CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ

Giáo luật điều 515/1 quy định: “Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho cha sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của giám mục địa phận”, với quy định này, giáo xứ thật sự trở nên một gia đình trong đại gia đình giáo phận, và sự phát triển của giáo xứ phần lớn đều là do sự ân cần chăm sóc của cha sở và với sự cộng tác của giáo dân, cũng như của các cộng đoàn tu sĩ đang cư ngụ trong giáo xứ.

Theo truyền thống sống quây quần tụ tập quanh cha mẹ của người Á châu, hoàn cảnh Giáo Hội Việt nam cũng như thế, các cộng đồng giáo xứ được tụ tập chung quanh nhà thờ, nơi có linh mục chánh xứ để “sớm ngày được kề cận bên Chúa”, và chính nhà thờ là tâm điểm tôn giáo tín ngưỡng của họ, và hơn thế nữa, giáo xứ chính là đại gia đình của họ, mà nhà thờ chính là nơi biểu hiện hữu hình rõ ràng nhất sự hiệp nhất của giáo dân chung quanh vị mục tử là cha sở của mình. Dó đó, giáo dân tự mình ý thức và có trách nhiệm làm cho nhà thờ nơi Thiên Chúa ngự, ngày càng khang trang đẹp đẽ, và tôn nghiêm hơn.

Tuy nhiên, với đà phát triển kinh tế trong khu vực, và nhất là ở các thành phố, vì hoàn cảnh di dân, mà có một vài nơi giáo dân sống rãi rác cách xa nhà thờ, việc quản lý giáo xứ càng phức tạp và gây khó khăn trở ngại cho cha sở, khi phải đi làm công tác mục vụ. Nhưng không phải vì thế mà giáo dân không liên lạc với nhà thờ, trái lại, với truyền thống đức tin của người công giáo Việt Nam, khi đi đến một vùng đất mới nào thì –việc trước tiên- là đi tìm kiếm nhà thờ và nhanh chóng hòa nhập vào cộng đoàn tôn giáo địa phương ấy.

Chính nơi giáo xứ này mà đức tin và nhân cách làm người Ki-tô hữu của giáo dân được sinh ra và lớn lên, người ta không lạ gì khi thấy giáo dân luôn yêu mến xứ đạo của mình, họ sẵn sàng tốn công tốn của để làm cho giáo xứ của mình ngày càng đẹp hơn và tốt hơn, nhất là nơi việc bày tỏ lòng kính trọng và yêu mến cha sở, cha phó của mình. Họ càng phấn khởi và phục vụ giáo xứ của mình hơn nữa khi cha sở hết lòng vì giáo xứ, vì đoàn chiên mà lo cho phần rỗi của họ, dạy dỗ họ trở nên những tín hữu biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình.

Giáo xứ sẽ ngày càng trở nên một đại gia đình yêu thương hơn, khi cha sở và giáo dân cũng nhau bàn bạc, thảo luận và tôn trọng nhau khi xây dựng giáo xứ, bởi vì tự ái, kiêu ngạo và cố chấp thì luôn luôn gây chia rẻ, và phá hoại tinh thần hiệp nhất yêu thương của giáo xứ.

CHA SỞ VÀ NHỮNG TƯƠNG QUAN

Thiên Chúa chính là Đấng mời gọi người linh mục hiến dâng cuộc sống của mình cho Ngài, và Đức Chúa Giê-su chính là mẫu gương của người linh mục trong việc phục vụ tha nhân và hiến tế đời mình cho Thiên Chúa Cha, ngoài việc mời gọi và mẫu gương ấy ra, thì người linh mục không còn lời mời gọi và mẫu gương nào khác ở trần gian này, nhưng không phải vì thế mà các linh mục làm ngơ trước nhu cầu mong được nghe Tin Mừng của mọi người, tức là không thể không nhìn thấy sự khao khát được biết Tin Mừng nơi tha nhân.

Được mời gọi để trở thành linh mục thừa tác viên của Lời Chúa và Thánh Thể giữa cộng đoàn của Tân Ước, bởi vì với đức tin và đức mến của một người đã được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su[14] và trở nên một Ki-tô thứ hai, mà người linh mục luôn trở thành mẫu mực cho mọi người, nhất là những người đã được Đức Chúa Giê-su trao phó cho các ngài trong một cộng đoàn nhỏ, hay trong một giáo xứ lớn, do đó, đối với bất kỳ ai –dù là tu sĩ hay giáo dân- đến để cộng tác với cha sở, thì đó chính là bổn phận của họ, và cha sở phải hết sức ân cần, khuyến khích và tạo điều kiện cho họ đem hết tài năng của mình ra, để xây dựng giáo xứ của họ.

Chính nơi cộng đoàn giáo xứ, với lòng đạo đức và nhiệt thành của cha sở, ngài công khai mời gọi giáo hữu cộng tác với ngài trong việc quản lý và xây dựng giáo xứ ngày càng trưởng thành trong đức tin và nhiệt thành sống đạo trong giáo xứ của mình, nhóm người cộng tác với cha sở đó được gọi là ban hành giáo hoặc một tên gọi nào khác do đấng bản quyền quyết định. Và trong các giáo xứ, phần nhiều có một cộng đoàn nào đó của các nữ tu từ hai đến năm –hoặc nhiều hơn- chị em đến phục vụ trong giáo xứ như tập hát lễ, cắm hoa, lo việc phòng thánh, dạy giáo lý.v.v...cho nên cha sở cần có những tương quan tốt với cộng đoàn các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của mình, với ban hành giáo và với các giáo dân, hoặc với các tập thể đang hoạt động trong địa bàn giáo xứ của mình như nhà trẻ, phòng y tế.v.v...

Bởi vì linh mục được sai đến với một cộng đoàn Dân Chúa, để làm một mục tử tốt lành hướng dẫn, dạy dỗ và ban phát ơn lành của Thiên Chúa cho dân của Ngài, chứ không phải được bổ nhiệm làm giám đốc của một công ty, cho nên ngài cần có những tương quan rất cần thiết của một cha sở với những thành phần trong giáo xứ của mình, mà cụ thể nhất và quan trọng nhất chính là sự tương quan với:
-      cộng đoàn nữ tu trong giáo xứ (hoặc đến giúp xứ).
-      ban hành giáo và các đoàn thể.
-      các giáo hữu.

Để giáo xứ của ngài càng ngày càng phát triển hơn, và trở thành một đại gia đình Dân Chúa có tính hiệp nhất và tương trợ lẫn nhau trong tình thương của Thiên Chúa hơn.

A. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC NỮ TU

Có một vài giáo xứ, dù cha sở muốn hay không, thì cộng đoàn của các nữ tu đã hiện diện rất lâu trong giáo xứ của các ngài, có những cộng đoàn nữ tu được thành lập rất lâu từ khi hình thành giáo xứ, hoặc sau khi giáo xứ được thành lập, có những cộng đoàn nữ tu có bề dày kinh nghiệm hoạt động tông đồ trong giáo xứ, và có các nữ tu hiểu biết từng giáo dân trong họ đạo hơn cả cha sở, đó chính là những “thợ truyền giáo” trợ thủ rất đắc lực của cha sở, và là những mẫu gương sống động truyền bá ơn thiên triệu cho lớp trẻ trong giáo xứ.

Dù sự hiện diện của cộng đoàn nữ tu trong giáo xứ đã lâu hay mới bắt đầu, ngoài những gì giáo luật quy định, thì linh mục chánh xứ đều có bổn phận xây dựng tình liên đới với họ, không phải như chủ nhà với khách, không phải như ông chủ với người làm công, nhưng như là người cha trong gia đình và như người mục tử tốt lành giữa đoàn chiên.

1.   Tinh thần liên đới.

Hơn ai hết, cha sở hiểu rất rõ về chân giá trị đời tận hiến của các tu sĩ nam nữ, bởi vì chính ngài cũng là một người đang sống đời tận hiến trong thiên chức linh mục, chính ngài là người trước tiên cần phải bày tỏ lòng yêu mến và sự ngưỡng mộ chân thành của mình đối với các nữ tu đang tích cực phục vụ trong giáo xứ của mình; chính cha sở là người cần phải bày tỏ ra tình liên đới với các tu sĩ, nhất là các nữ tu, và cám ơn các dòng tu đã sai phái các nữ tu đến phục vụ trong giáo xứ của mình, bởi vì sự dấn thân phục vụ cách vô vị lợi của các nữ tu, đã là một chứng minh hùng hồn rằng Thiên Chúa đang hiện diện giữa loài người, và không cần phân tích giải nghĩa, thì ai cũng biết chính ơn thiên triệu đã làm cho cha sở và các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của mình, có một mối tương quan rất đặc biệt, đó chính là sự tương quan tinh thần giữa đức ái và ơn gọi phục vụ dân Thiên Chúa, qua việc tận hiến và giữ luật độc thân của mình và các lời khuyên Phúc Âm của các nữ tu.

Tinh thần liên đới giữa cha sở và các nữ tu trong giáo xứ -có thể nói- là một bức tranh truyền giáo đẹp do chính cha sở vẽ ra, ngài vẽ xấu thì bức tranh sẽ không được đẹp, nhưng nếu ngài là một mục tử tốt lành thì ngài vẽ bức tranh này sẽ rất đẹp, và trở thành gương mẫu giáo huấn cho giáo dân của mình.

2.   Tình liên đới Đức Ái.

Chỉ có đức ái của Đức Chúa Giê-su mới liên kết mọi người lại với nhau, bởi vì “tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”[15], Thần Khí duy nhất này đang hoạt động nơi mỗi người trong giáo xứ, bắt đầu từ cha sở, các tu sĩ đang hoạt động trong giáo xứ -nhất là các nữ tu-cho đến người giáo dân nhỏ nhất.

Tình liên đới của cha sở đối với các nữ tu trong giáo xứ của mình, là một tình cảm thiêng liêng được đức ái của Đức Chúa Giê-su thánh hóa toàn vẹn trên cha sở với cương vị là mục tử của đàn chiên, là người cha nhân hậu của đại gia đình giáo xứ. Đức ái này của cha sở được bày tỏ qua sự quan tâm của ngài với các sinh hoạt mục vụ của các nữ tu trong giáo xứ, cũng như nhìn xem cuộc sống chung của cộng đoàn với những khó khăn nào để giúp đỡ giải quyết, bởi vì chính những quan tâm này, làm cho cha sở càng trở nên người cha chung của tất cả mọi người trong giáo xứ của mình hơn.

Có một vài cha sở không mấy “mặn nồng” với cộng đoàn nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của mình, chính các ngài đôi lúc coi các nữ tu như là một giáo dân bình thường, nghĩa là muốn la mắng là la mắng, muốn chửi là chửi, muốn gõ đầu là gõ đầu, mà ngay cả một giáo dân bình thường các ngài cũng không được phép làm như thế, thì huống gì là một nữ tu, là người đã tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, và chiếu theo giáo luật thì các tu sĩ nam nữ là “hàng ngũ của những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm trong các hội dòng tận hiến, thuộc về sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội, do đó cần được hết mọi người trong Giáo Hội nâng đỡ và cổ võ”[16], đó chính là nguyên nhân để các tu sĩ được mọi người tôn trọng, bởi vì nhân cách và đời tận hiến của họ đáng được như thế, dù cho họ là tu sĩ của hội dòng hay tu sĩ của các tu hội đời đang hoạt động phục vụ giữa xã hội, họ đều đáng được mọi người tôn trọng.

Chính những thái độ lạnh nhạt thờ ơ với các nữ tu này của cha sở, mà làm cho giáo dân không còn nhìn cha sở như một người cha nhân từ hay như một mục tử tốt lành nữa, bởi vì, theo quan niệm của giáo dân: các nữ tu cũng là những người dâng mình làm tôi tớ Chúa như các linh mục, thì họ cũng muốn cha sở tôn trọng các nữ tu, như họ tôn trọng cha sở là những người của Thiên Chúa vậy.

Liên đới trong đức ái giữa cha sở và các nữ tu trong giáo xứ của mình, chính là –trước hết- bày tỏ sự hiệp nhất “giữa những người được thánh hiến” trong Giáo Hội nhờ “Đức Chúa Giê-su, Đấng đã được Đức Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian[17] và đã được Đức Chúa Thánh Thần xức dầu, để trong Người mà mọi tín hữu trở thành một thân thể mầu nhiệm duy nhất là Hội Thánh Công Giáo, và -sau nữa- là dấu chỉ hiệp nhất giữa các giáo hữu trong giáo xứ lại với nhau, để các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ, không còn cảm thấy mình như là người đến “làm thuê” trong giáo xứ, nhưng là như một thành viên đặc biệt trong giáo xứ mà mình phục vụ.

Thánh công đồng Vatican II dạy rằng: “Chính thừa tác vụ của các ngài (linh mục), vì mang một danh nghĩa đặc biệt, nên đòi buộc các ngài không được theo thói thế gian”[18], nghĩa là cách sống của các ngài phải tỏa sáng tinh thần bác ái của Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình hơn những người khác, nhất là tinh thần bác ái được các ngài thực hiện trong giáo xứ, nơi mà các ngài được phái đến để tiếp tục thực hiện tình yêu của Đức Chúa Giê-su và loan truyền Phúc Âm Nước Trời cho mọi người. Do đó, mà khi đến một giáo xứ nào, cha sở nên đi thăm hỏi các cộng đoàn tu sĩ đang hoạt động trong giáo xứ của mình, để tạo bầu khí quen thân và để hiểu rõ cuộc sống của họ mà giúp đỡ và khuyến khích, để họ không cảm thấy cô đơn nơi giáo xứ mà họ đang phục vụ.

Tình liên đới bác ái của cha sở đối với các nữ tu trong giáo xứ của mình, giống như tình liên đới của Đức Chúa Giê-su với các phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem[19] và các phụ nữ đi theo phục vụ Ngài và các tông đồ[20]. Chính đức ái của Đức Chúa Giê-su đã tỏa sáng hợp với lời Ngài giảng dạy, đã làm cho các phụ nữ này trở lại cuộc sống mới, và tình nguyện phục vụ Ngài và các tông đồ trong công cuộc truyền giáo của Ngài.

Thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên bảo đệ tử của mình là ông Ti-mô-thê như sau: “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các bà cụ như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch”[21].

3.   Tình liên đới cùng sứ mệnh.

Sứ mệnh của linh mục theo thánh Công Đồng Vatican II là “Vì được tham dự chức vụ của các Tông Đồ theo phận vụ mình, nên các linh mục được Thiên Chúa ban ơn sủng để làm thừa tác viên của Đức Chúa Giê-su Ki-tô giữa muôn dân, và thi hành chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm để muôn dân được trở nên hiến lễ đẹp lòng Chúa và được Đức Chúa Thánh Thần thánh hóa[22], chính vì với sứ mệnh cao cả ấy mà các linh mục được sai đến với muôn dân, đặc biệt là các cộng đoàn giáo xứ.

Sứ mệnh này càng được nổi bật hơn khi linh mục thi hành chức vụ mục tử tại giáo xứ của mình, ngài như một người cha gia đình biết chăm nom cho con cái của mình, ngài biết đứa con nào đau ốm bệnh hoạn để đặc biệt săn sóc, ngài luôn hỏi han động viên những đứa con mạnh khỏe của mình biết vươn lên thành những con người tốt của xã hội và Giáo Hội; ngài cũng là một chủ nhà biết quản lý gia nghiệp mà Thiên Chúa –qua Giáo Hội- đã trao phó cho mình, trong đó có cộng đoàn các nữ tu phục vụ cùng với sứ mệnh mà Chúa Giê-su đã trao cho họ: trở nên ánh sáng cho thế gian và muối cho đời.

Các nữ tu đến phục vụ trong giáo xứ của ngài, ngài hết sức quan tâm và làm sao cho các nữ tu này có một cuộc sống xứng với đời sống tận hiến của họ, nhất là để các nữ tu khi tự nguyện phục vụ trong giáo xứ của ngài, không cảm thấy bị áp lực vì cha sở không những lạnh nhạt với họ, mà còn tỏ ra bất cần họ qua những thái độ và lời nói, đôi lúc không tôn trọng các nữ tu là những người cũng như mình là đã tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, để phục vụ Ngài qua tha nhân, mà cụ thể là các giáo dân trong giáo xứ của ngài. Bởi vì, sứ mệnh của các nữ tu không khác gì sứ mệnh của cha sở, nghĩa là các nữ tu cũng được Đức Chúa Giê-su trao cho sứ mệnh rao giảng Phúc Âm cho mọi người, chiếu theo tôn chỉ và mục đích của hội dòng, bởi vì có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời[23], họ chính là những người dâng mình làm tôi tớ Chúa, họ chính là các tu sĩ nam nữ cũng như các linh mục vậy. Sứ mệnh này của các nữ tu cũng đã được thánh Công Đồng Vatican II xác định và khen ngợi: “Vì thế, thánh Công đồng công nhận và khen ngợi nam nữ tu sĩ sống trong tu viện, trường học, bệnh viện hoặc trong các xứ truyền giáo, đang trang điểm Hiền Thê Chúa Giê-su bằng tấm lòng khiêm tốn và kiên trung trong sự tận hiến và quảng đại phục vụ mọi người dưới muôn vàn hình thức”[24].

Tình liên đới trong sứ mệnh rao truyền Lời Chúa cho mọi người này, làm cho các linh mục –nhất là cha sở- có bổn phận coi các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của mình như là những nguời cộng tác đắc lực trên cánh đồng truyền giáo, mà không cần phải lựa chọn coi họ là người thuộc hội dòng nào, là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, hoặc là tu hội nào để đón nhận đến trong giáo xứ của mình.

Cùng chung sứ mệnh rao giảng Lời Chúa cho mọi người, nhưng có một vài nơi cha sở không đối xử tốt với các nữ tu đang làm việc trong giáo xứ của mình, các ngài coi nữ tu ngang hàng với mọi giáo dân, và có khi với thái độ lạnh nhạt và kẻ cả của các ngài mà giáo dân hiểu lầm rằng nữ tu chỉ là những con người đến để phục vụ giáo xứ, là người giúp việc cho cha sở, là để cha sở sai khiến trong các việc của nhà thờ nhà xứ. Có một vài nữ tu than phiền rằng cha sở của giáo xứ mà họ đến phục vụ quá nóng tính và hay la mắng họ, bởi vì có những lúc vì bận công việc học hành, hoặc trong cộng đoàn có những công tác mà họ chưa đến nhà xứ kịp thì cha sở lớn tiếng nạt nộ; có một vài nữ tu cảm thấy chán nản không muốn đến nhà thờ phục vụ vì ngại gặp cha sở, bởi vì ngài “không phân biệt được” giữa các nữ tu và những giáo dân nữ khác, nghĩa là ngài to tiếng nạt họ ngay giữa chỗ đông người...

Không một ai phủ nhận công lao của các nữ tu phục vụ trong giáo xứ, khi giáo dân thấy các em nhỏ trong giáo xứ dâng hoa rất đẹp, ca đoàn hát hay và các đoàn thể hoạt động sôi nổi nhiệt thành, tất cả đều có bàn tay cộng tác của các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ. Cha sở không thể một mình mình làm cho giáo xứ phát triển toàn diện, nhưng ngài cần phải có nhiều bàn tay cộng tác; ngài cũng không thể một mình xây dựng các đoàn thể trong giáo xứ, nhưng ngài cần có những tâm hồn nhiệt thành cộng tác, mà nhiệt thành và trung thành phục vụ nhất đối với các đoàn thể chắc chắn là không ai hơn được các nữ tu trong giáo xứ của mình. Bởi vì đó chính là sứ mệnh của các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ, sứ mệnh trở thành muối cho đời và ánh sáng cho người này cần đáng được các cha sở đồng cảm, chia sẻ và nâng đỡ mà không đòi hỏi một điều kiện nào khác.

Giáo Hội –qua mọi thời đại- luôn trân trọng những ơn gọi tận hiến để phục vụ Thiên Chúa qua con người của những tâm hồn quảng đại nhiệt thành, mà cha sở là người đại diện Giáo Hội cách hữu hình nhất tại giáo xứ của mình, ngài cần phải bày tỏ lòng quý mến này với các tu sĩ nam nữ đang phục vụ cách vô vị lợi trong giáo xứ mà mình đang coi sóc, và coi đó như là một ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho giáo xứ của mình. Bởi vì như thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”[25], cho nên cha sở càng hiểu rất rõ rằng, việc phục vụ của các nữ tu trong giáo xứ cũng là một sứ mệnh quan trọng và cao cả như sứ mệnh của chính mình vậy, tức là rao giảng Lời Chúa cho mọi người bằng việc thực hành các công việc trong giáo xứ như giặt khăn thánh, tập hát, dạy giáo lý, hướng dẫn các hội đoàn.v.v...và các ngài càng tâm đắc hơn nữa khi suy tư đến lời dạy của Đức Chúa Giê-su: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được phần thưởng dành cho bậc công chính”[26], mà các tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong giáo xứ của các ngài không phải là ngôn sứ của Tân Ước, không phải là người công chính sao ? Chắc chắn các nữ tu đang phục vụ tại giáo xứ là những ngôn sứ sống động trong việc rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, bởi vì chỉ có những ngôn sứ chất chứa Lời Chúa trong lòng mới hăng say phục vụ, và chỉ có những nữ tu mới phục vụ tha nhân cách vô vị lợi mà thôi mà thôi.

Các đức tính nhân bản thì có nhiều, nhưng nơi các nữ tu đang giúp xứ có hai đức tính trổi vượt mà chúng ta –cha sở cũng như giáo dân- phải trân trọng và coi đó món qùa mà Thiên Chúa gởi đến cho giáo xứ mình, đó là:
-    Phục vụ vô vị lợi.
-    Tính nhẫn nại.

a.   Phục vụ vô vị lợi

Đa số các linh mục Việt Nam đang học hoặc đang truyền giáo ở ngoại quốc đều cùng có một nhận định như sau: “Các nữ tu ở quê nhà (Việt Nam) phục vụ trong các giáo xứ đạo đức, nhiệt thành, đa tài và vô vị lợi”. Đó là một nhận xét khách quan và đáng mừng, bởi vì các nữ tu Việt Nam khi đến phục vụ trong một giáo xứ thì tất cả đều tự túc tự lực, không lãnh lương nhà xứ, không có bổng lễ như các linh mục và không có lợi tức cố định nào khác ngoài việc dạy trẻ, làm các việc thủ công để kiếm sống hàng ngày. Khác với các nữ tu ở ngoại quốc, mà cụ thể là tại Giáo Hội Đài Loan, các nữ tu đến giúp xứ thì nhà xứ phải trả lương, lương cao hơn cha sở, mà việc làm thì theo giờ hành chánh, ít việc, và nhẹ nhàng (bởi vì đa phần giáo xứ rất ít giáo dân), do đó mà có một số các cha sở người địa phương không muốn các nữ tu đến giúp xứ cho các ngài, bởi vì giáo xứ nhỏ và ít giáo dân, ít việc làm mà thêm nữ tu nữa thì lãng phí nhân sự và tiền bạc, nếu không nói là một gánh nặng cho giáo xứ.

Nhìn lại các nữ tu Việt Nam của chúng ta phục vụ cách vô vị lợi cộng với tâm hồn trẻ trung nhiệt thành, không đòi hỏi phải được thù lao xứng đáng, họ như những phụ nữ đi theo trợ giúp Đức Chúa Giê-su và các tông đồ trong việc truyền giáo, như những nữ tỳ trung tín của Đức Mẹ Ma-ri-a trong cung cách phục vụ, để qua họ, người ta nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su đang gần gủi với họ hơn trong cuộc sống đời thường.

Tình liên đới trong sứ mệnh làm chứng nhân cho Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su giữa cha sở và các nữ tu, thúc bách các cha sở ngoài việc động viên tinh thần, thì cũng nên quan tâm đến vật chất cho các nữ tu, vì với cương vị là gia trưởng ngài phải lo chăm sóc con cái; với cương vị là mục tử thì ngài không bỏ sót con chiên nào mà không quan tâm, mà các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của ngài càng đáng được ngài ưu tiên quan tâm nhiều hơn nữa, tùy theo khả năng có thể của cha sở, bởi vì “thợ đáng được ăn lương của mình” (Lc 10, 7) “Chúa đã định liệu cho những ai rao giảng Phúc âm được sống bởi Phúc âm (1 Cor 9, 14).

Có một vài giáo dân “nới giỡn” với nhau: “Ông cha sở sướng thật, mỗi ngày quay lưng ra quay lưng vào một tiếng đồng hồ là có tiền tiêu, lại còn ăn uống sung sướng, không biết cha có giúp đỡ mấy bà sơ không ?”-  Tuy là lời “nói giỡn với nhau”, nhưng đó cũng là một nhận xét khách quan của giáo dân, bởi họ thấy cuộc sống của cha sở và các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ khác nhau xa. Nói như thế không có nghĩa là cha sở nào cũng giống nhau, có một vài cha sở khi mời các nữ tu đến giúp giáo xứ thì cơ sở vật chất ngài đã chuẩn bị đầy đủ, và thỉnh thoảng cũng chia sẻ với các nữ tu trong một vài vấn đề vật chất cũng như tinh thần.

Phục vụ vô vị lợi chính là noi gương Đức Chúa Giê-su, Ngài đến thế gian để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ[27]; là những nữ tỳ trung tín của Đức Chúa Giê-su, các nữ tu cũng đang noi gương Ngài phục vụ cách vô vị lợi trong giáo xứ của cha sở. Cứ nhìn thấy các em thiếu nhi dâng hoa cho Đức Mẹ vào dịp thánh Năm và tháng Mười, thì sẽ thấy sự phục vụ không công của các nữ tu trong giáo xứ; cứ nhìn thấy các em nghiêm trang lên rước lễ lần đầu hoặc lãnh nhận bí tích Thêm Sức, thì sẽ thấy ngay công lao của các nữ tu trong giáo xứ, hoặc được nghe ca đoàn hát những bài thánh ca trong ngày lễ chủ nhật hoặc các ngày lễ trọng, thì biết ngay công sức của các nữ tu bỏ ra mà không mong một lời động viên của cha sở, và còn rất nhiều việc khác liên quan đến Nhà Chúa, mà cha sở không thể tự mình làm được.

Tuy vậy, vẫn có những giáo xứ mà sự phục vụ vô vị lợi này của các nữ tu được cha sở trả ơn bằng những lời chê bai, bằng thái độ không thông cảm của một chủ nhân hơn là một mục tử.

Có một vài cha sở giỏi nhạc lý, giỏi đàn ca nhưng không giỏi về tâm lý và đối nhân xử thế ít có nhân bản, các ngài không đem cái hay giỏi của mình ra để góp ý cho các nữ tu phụ trách các công việc trong nhà xứ, nhưng hể khi ca đoàn hát sai nhịp, hoặc hát bài thánh ca không hợp ý ngài là to tiếng la mắng nữ tu phụ trách giữa nhà thờ có cộng đoàn tham dự, hoặc bắt ca đoàn đang hát phải ngưng lại đừng hát nữa vì ngài nghe không hay, không như ý ngài. Ngài làm như thế không một giáo dân nào thấy cái hay cái giỏi nhạc của ngài, mà họ chỉ thấy cha sở của mình kiêu ngạo, hách dịch và làm cho cộng đoàn ngao ngán khi tham dự thánh lễ ấy...

Phần nhiều các cha sở rất an tâm khi có các nữ tu đến giáo xứ mình phục vụ, bởi vì ngoài công việc của một nữ tu lo việc giáo xứ, thì các nữ tu còn có một trách nhiệm khác là đem Lời Chúa đến cho mọi người trong giáo xứ, bằng việc dạy giáo lý, phục vụ vô vị lợi, mà hiệu quả thì có lợi rất nhiều cho giáo xứ và cho cha sở.

Sự phục vụ vô vị lợi này nơi các nữ tu bởi đâu mà có ? Thưa, đó chính là lòng yêu mến Thiên Chúa thúc bách các nữ tu ra đi phục vụ tha nhân với một tinh thần trách nhiệm rất cao, trách nhiệm về hành vi ngôn từ của mình, trách nhiệm về công tác được bề trên giao phó, trách nhiệm làm tròn bổn phận của một nữ tu giúp xứ, và hơn tất cả mọi trách nhiệm, đó chính là trở nên một nữ tỳ trung tín của Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a trong việc phục vụ giáo xứ của mình.

Có một vài công việc trong giáo xứ, đáng lý ra phải để cho các nữ tu phụ trách mới có kết quả tốt về lâu về dài, chẳng hạn như phụ trách giáo lý, đoàn thể thiếu nhi, ca đoàn.v.v...nhưng có một vài nơi cha sở không giao cho các nữ tu, mà giao cho một hoặc hai nữ (nam) giáo dân phụ trách, vì cha sở tin tưởng họ hơn các nữ tu (hoặc vì lý do nào khác), kết quả là cha sở phải đi năn nỉ các cô đi tập hát cho đúng giờ, đi lễ cho đúng giờ, đi họp cho đúng giờ, bởi vì các giáo dân này còn bận nhiều việc riêng ở nhà, việc riêng của mình, bận đi học, đi làm việc, và có khi thánh lễ đến giờ rồi mà không thấy người phụ trách đâu cả, và có khi các cô làm nũng làm điệu khiến cha sở phải điên cái đầu lên ! Nói như thế không phải là chê giáo dân không biết làm việc, nhưng cha sở nên cân nhắc việc nào thì mời các nữ tu phụ trách, việc nào thì để giáo dân đảm nhận, có như thế giáo xứ mới sống động hẳn lên, vì ban ngành nào đều ý thức trách nhiệm của mình mà làm việc.

b.   Tính nhẫn nại và chịu đựng

Phụ nữ Việt Nam nổi tiếng là nhẫn nại, các nữ tu Việt Nam lại càng nhẫn nại hơn nữa, bởi vì ngoài tính nhẫn nại vốn có của họ, thì các nữ tu được ơn sủng của Thiên Chúa để biết nhẫn nại nhìn thấy ý Chúa qua cuộc sống tu trì của mình, hơn nữa, các nữ tu cũng luôn ý thức rằng: tính nhẫn nại thì luôn đơm hoa kết trái hơn là nóng nảy hục hặc.

Trong giáo xứ, giáo dân thường thích nói chuyện hoặc yêu mến các nữ tu hơn, bởi vì các nữ tu luôn hòa nhã và dịu dàng hơn cha sở, bởi vì các nữ tu vốn là những con người khả ái, là những thiên thần làm cho giáo xứ tươi vui hơn với những tiếng cười rộn rã của các trẻ em lớp giáo lý, các đoàn thể do các nữ tu phụ trách.

Có một vài nữ tu công tác tại giáo xứ với tư cách ngoại trú (không ở trong giáo xứ) đã chia sẻ rằng: “Cha sở X...khó chịu quá, con đi học về chưa kịp ăn uống là chạy đến nhà thờ liền, vậy mà cha cũng càm ràm nói là con không lo bổn phận...”, lại có nữ tu khác nói: “Chúng con đến giáo xứ phục vụ, nhưng cha sở không thèm hỏi chúng con một câu, lại còn hạch sách chúng con ca đoàn hát lộn xộn quá, tụi nhỏ không biết Chúa ở đâu cả...” – Có những công việc không ảnh hưởng gì đến “thời thế” cả, nhưng có một vài cha sở muốn tỏ uy quyền của mình với các nữ tu, vì nghĩ rằng, họ (các tu sĩ nam nữ) đến làm việc trong giáo xứ thì phải thuộc quyền của mình. Đúng vậy, nhưng thuộc quyền không có nghĩa là làm đầy tớ, thuộc quyền không có nghĩa là coi các tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong giáo xứ như một giáo dân bình thường, nhưng là một con người được hiến dâng cho Thiên Chúa được giáo luật bảo đảm.

Nếu với thái độ trên của cha sở, thì đối với giáo dân họ sẽ giao công việc lại cho ngài, và thế là tiếng tăm cha sở thế này, cha sở thế nọ sẽ bay khắp giáo xứ. Nhưng với các nữ tu thì chỉ âm thầm chịu đựng và phó dâng cho Thiên Chúa, đây là sự nhẫn nại đầy tính tu đức của những người dâng mình làm tôi tớ Chúa: bỏ ngoài tai những lời càm ràm trách móc vô lý của cha sở, để phục vụ Chúa cách trọn vẹn hơn trong giáo xứ mà mình công tác.

Nhẫn nại và chịu đựng thì các nữ tu lớn tuổi có thừa kinh nghiệm hơn, bởi vì “công phu” tu đức thâm hậu của họ hơn các nữ tu trẻ tuổi, và có khi thâm hậu hơn cả cha sở, khi mà cha sở tuổi đời tuổi tu chỉ bằng hạng em út của họ, do đó mà cha sở -nếu trẻ tuổi- thì cần phải tu dưỡng đạo đức về mọi phương diện, nhất là sự khiêm tốn và vui vẻ, bởi vì có một thực tế mà ngày nay giáo dân đều thấy rất rõ: các tu sĩ nam nữ và giáo dân trình độ ngày càng cao, hiểu biết càng rộng và tham gia sâu vào các công việc của Giáo Hội, nhất là các đoàn thể ban ngành, mà có khi cha sở không hiểu hết được.

Với tính nhẫn nại và chịu đựng của tinh thần tu đức, mà các nữ tu nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi cha sở, chứ không nhìn thấy con người với những cá tính khó chịu của cha sở; với tính nhẫn nại và chịu đựng vì công việc nhà Chúa, mà các nữ tu vui vẻ phục vụ dưới quyền của cha sở thiếu kinh nghiệm tu đức và kinh nghiệm xử thế, đầy kiêu ngạo hách dịch. Nhìn thấy sự nhẫn nại và chịu đựng của các nữ tu (hay bất kỳ tu sĩ nam nữ nào) phục vụ trong giáo xứ của mình, thì cha sở sẽ rút ra được cho mình nhiều kinh nghiệm trong công việc truyền giáo, nhất là sẽ làm cho các thành phần trong cộng đoàn giáo xứ được hài hòa hiệp nhất bởi sự khiêm tốn và vui vẻ của mình.

Đương nhiên trong công việc phục vụ tại giáo xứ, các nữ tu cũng chỉ là những con người, nên cũng có những khuyết điểm mà -đôi lúc- cha sở không thích hoặc không bằng lòng. Bởi vì các nữ tu không chỉ đơn thuần là giúp việc nhà xứ, mà còn làm những việc khác nữa để lo đời sống vật chất như dạy nhà trẻ, do đó mà cũng có những phiền muộn hoặc sức ép từ công việc mà các nữ tu đôi lúc cau có, thiếu nhẫn nại và thiếu sự chịu đựng, thì cha sở cũng cần biết thông cảm để chia sẻ những khó khăn ấy với các nữ tu, đó chính là bày tỏ thái độ hiền lành và khiêm tốn của một mục tử từng trãi nhiều kinh nghiệm, và nói lên được công phu tu đức của ngài.

*** U ***

Tương quan giữa cha sở với các nữ tu đang phục vụ trong giáo xứ của ngài, là một tương quan được hình thành bởi nhu cầu truyền giáo, mà bản thân cha sở, với sức lực và trí lực có hạn, cần phải có những người cùng chí hướng cộng tác để Lời Chúa được mau mắn xuôi chạy đến với mọi tâm hồn. Đó cũng là tương quan được hình thành trong đức ái mà Giáo Hội tiên khởi đã áp dụng, bởi có những giáo dân và những phụ nữ đạo đức cộng tác với hàng giáo phẩm để ai nấy theo phận sự của mình mà chu toàn bổn phận mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó[28], để công việc rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội cách chung, và của cha sở cách riêng, được như trăm hoa đua nở trong giáo xứ của ngài, với nhiều phong phú bởi những người cộng tác đắc lực là các nữ tu khả ái dịu dàng.

Chỉ có những người tự coi mình toàn năng hoàn hảo mới không cần đến người khác cộng tác, giúp đỡ. Nhưng cha sở với tâm tình truyền giáo đầy nhiệt huyết, với tâm tình khiêm tốn nhận thấy mình bất toàn, nên cần đến sự cộng tác của những người cùng chí hướng là các tu sĩ nam nữ, nhất là các nữ tu trong các lãnh vực thuộc nhu cầu truyền giáo ngay trong giáo xứ của mình, không phải cho mình nhưng cho giáo dân, không phải sáng danh mình nhưng là sáng danh Thiên Chúa...

Tương quan giữa cha sở và các nữ tu trong giáo xứ chỉ tốt đẹp khi cha sở lấy lòng mục tử chăm sóc quan tâm đến họ, như quan tâm đến các giáo dân trong giáo xứ của mình, và không gạt họ ra khỏi cộng đoàn giáo xứ dù họ đang làm việc trong giáo xứ, có nghĩa là cha sở không coi các nữ tu giúp xứ như người giúp việc cho mình, vui vẻ thì trò chuyện không vui thì cáu gắt lên to tiếng như những chủ nhân ông, nhưng là như những cánh tay phải đắc lực của mình trong việc xây dựng giáo xứ, mà sự vui tính, cảm thông và hiền lành của ngài là một nhân tố hình thành nên những giáo dân biết yêu mến Thiên Chúa, đoàn kết và phục vụ Ngài qua giáo xứ của mình.

Thật là không phải khi có một vài cha sở coi các nữ tu đang công tác trong giáo xứ của mình ngang hàng như giáo dân, và vì không tôn trọng “những người được thánh hiến” nên có một vài cha sở xử sự với các nữ tu giúp xứ như kẻ cha chú: có giáo xứ nọ cha sở bạt tai nữ tu ngay giữa cộng đoàn, có giáo xứ kia cha sở đang dâng thánh lễ thì ngưng lại la mắng bà sơ đừng hát nữa vì ca đoàn hát không đúng bài của ngài đã chỉ. Hồi tôi còn học lớp Năm trường làng, chính mắt tôi thấy cha sở của mình dùng tay cú trên đầu nữ tu dạy lớp tôi trước mặt học sinh, không phải một cú, mà là ba cú, kết quả là bà sơ ấy phải chống nắp bàn dạy học lên để khóc (vì sợ học sinh chúng tôi thấy).

Giáo luật điều 574 dạy rằng: 1/ Hàng ngũ của những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm trong các hội dòng tận hiến, thuộc về sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội; do đó cần được hết mọi người trong Giáo Hội nâng đỡ và cổ võ. 2/ Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt một số tín hữu vào hàng ngũ ấy, để họ hưởng nhờ hồng ân đặc biệt trong đời sống Giáo Hội và giúp ích cho sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội, theo mục tiêu và tinh thần của hội dòng”.

Ơn gọi linh mục là để lãnh đạo hướng dẫn giáo dân, ơn gọi tu sĩ là để phục vụ Thiên Chúa qua Giáo Hội và qua con người, cho nên nếu suy xét tận căn của ơn gọi thì dù là ơn gọi linh mục hay tu sĩ đều giống nhau ở một điểm, đó là hiến dâng trọn cuộc đời mình để làm tôi tớ Thiên Chúa trong bậc của ơn gọi mình.

Do đó, để trở thành một tương quan tốt giữa cha sở và các tu sĩ nam nữ giúp xứ của mình, thì cha sở nên và  phải chủ động bày tỏ lòng ưu ái với họ bằng tình cảm cha con, mục tử đoàn chiên, và tình huynh đệ chân thành, và nhất là tôn trọng đời sống thánh hiến của họ, để không những các tu sĩ phục vụ trong giáo xứ, mà ngay cả giáo dân cũng nhìn thấy được sự tương quan cần thiết như kiềng ba chân là cha sở, tu sĩ và giáo dân, để giáo xứ ngày càng phát triển hài hòa hơn giữa những con người được hiến thánh –linh mục và tu sĩ- và những con người được mời gọi nên thánh –giáo dân. Đó chính là bức tranh sống động nhất của Giáo Hội trần thế ngay trong giáo xứ của mình, mà cha sở chính là người họa sĩ vẽ bức tranh ấy do lòng yêu thương, khiêm tốn và hy sinh của mình.

B. TƯƠNG QUAN VỚI HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ

Theo giáo luật điều 515/1 xác định giáo xứ được trao quyền cho một linh mục coi sóc, mà chúng ta gọi là cha sở, chính ngài có toàn quyền trong giáo xứ của mình khi thi hành chức vụ mục tử, như: thành lập hội đồng giáo xứ, các đoàn thể công giáo tiến hành, các ban hát, giáo lý, hội đạo binh Đức Mẹ.v.v...để qua các đoàn thể ấy mà Lời Chúa được xuôi chạy đến với mọi tâm hồn giáo dân trong giáo xứ hoặc ngoài giáo xứ.

Thánh Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Do bí tích thánh chức, các linh mục Tân Ước thi hành nhiệm vụ rất cao cả và cần thiết là làm Cha và làm Thầy trong Dân Chúa và cho Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi Ki-tô hữu, các ngài cũng là môn đệ của Đức Chúa Ki-tô, được mời gọi dự phần trong Nước Chúa nhờ ơn gọi của Người”[29]. Chính vì lợi ích của các linh hồn đã được Hội Thánh trao cho cha sở, mà ngài luôn ưu ái lo lắng làm sao cho mỗi giáo dân trong giáo xứ của mình được dồi dào ơn ích thiêng liêng, do đó ngài cần có những người am hiểu tình hình giáo xứ, nhiệt thành phục vụ, để giúp ngài trong công việc điều hành giáo xứ, để giáo xứ ngày càng phát triển hơn.

Vì là Cha và là Thầy, nhưng đồng thời cũng là anh em với mọi người Ki-tô hữu, nên cha sở khi thi hành chức vụ thánh của mình, thì làm sao để mọi giáo dân nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su đang hiện diện cách sống động giữa họ: hòa đồng, bình dị, yêu thương và phục vụ. Do đó, mà ngài cần thiết thành lập Hội đồng giáo xứ để cộng tác với ngài trong việc quản lý giáo xứ, và qua Hội Đồng Giáo Xứ này, mà cha sở hiểu rõ những mong muốn và những khắc khoải của giáo dân của mình trong việc xây dựng và phát triển giáo xứ về cả hai mặt đạo và đời.

Ở cấp địa phận thì có Hội Đồng Mục vụ giáo phận, cấp giáo xứ thì có Hội Đồng Giáo Xứ hoặc gọi tắt là Ban Hành Giáo, hay một tên gọi nào khác tùy địa phương, nhưng dù tên gọi như thế nào chăng nữa, thì chức năng của Hội Đồng Giáo Xứ là giúp đỡ cha sở của mình, là mắt là tai và là cánh tay nối dài của cha sở, để phản ảnh lại nguyện vọng của giáo dân trong việc điều hành giáo xứ.

Khuynh hướng thành lập Hội Đồng Giáo Xứ trong giáo xứ ngày càng có nhiều cha sở hưởng ứng, theo nhu cầu và đà phát triển văn hóa cũng như sự hiểu biết của giáo dân đối với giáo xứ của mình càng ngày càng nhiều. Bởi vì cuộc sống ngày càng phức tạp, quản lý một giáo xứ lại càng phức tạp hơn, nhất là các giáo xứ lớn và trên địa bàn thành phố, nhu cầu có Hội Đồng Giáo Xứ càng lộ rõ hơn khi giáo dân đã trưởng thành, biết ý thức vai trò của mình trong Giáo Hội và trong giáo xứ. Dó đó, sự tương quan giữa cha sở với Hội Đồng Giáo Xứ là một tương quan được đặt trên nền tảng hiểu biết lẫn nhau và nối kết bằng tinh thần yêu thương phục vụ.

Tuy nhiên, cũng có những cha sở không thích thành lập Hội Đồng Giáo Xứ, bởi vì các ngài không muốn giáo dân “biết” nhiều việc của các ngài làm, hoặc có những vị trong hội đồng giáo xứ thích vượt quyền hạn của cha sở, và khi ý kiến của mình không được cha sở tán thành, thì tìm cách nói xấu cha sở, xúi giục người này người nọ chống đối cha sở.v.v...do đó mà có nhiều giáo xứ cha sở không muốn có Hội Đồng Giáo Xứ, nhưng xét cho cùng và theo xu hướng của thời đại, giáo xứ nào có Hội Đồng Giáo Xứ, thì ở đó cha sở sẽ đỡ mệt hơn và có nhiều thời gian đọc sách, tu dưỡng, điều hành giáo xứ cách phấn khởi hơn, và hiệu quả chắc chắn là giáo xứ ngày càng trưởng thành và phát triển mạnh hơn.

Vậy, giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ có những tương quan nào ? Có hai tương quan căn bản sau đây:

1.   Tương quan giữa đầu và thân.

Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, và Ngài chính là đầu của thân thể mầu nhiệm ấy, đây là một so sánh dựa trên sự hiệp thông của Đức Chúa Giê-su và toàn thể Hội Thánh của Ngài, mà thánh Phao-lô tông đồ trong thư gởi giáo đoàn Cô-lô-sê đã dạy rằng: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh”[30], và đó là một tương quan bất khả phân giữa đầu và thân thể, giữa Đức Chúa Giê-su và Hội Thánh của Ngài.

Cũng vậy, cha sở và giáo xứ cũng có một tương quan đặc biệt như Đức Chúa Giê-su và Hội Thánh, nghĩa là như đầu và thân thể. Mối tương quan này được cụ thể hóa và thực tế qua việc thành lập Hội Đồng Giáo Xứ dựa vào tinh thần yêu thương hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, bởi vì đầu không thể làm gì được nếu không có thân thể, và thân thể cũng chỉ là một cái xác kỳ dị vô hồn nếu không có đầu.

Có một vài giáo xứ mà cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ thường xung khắc với nhau, bởi vì cha con không hạp nhau, bởi vì cha sở cứ khư khư dùng quyền cha sở mà coi Hội Đồng Giáo Xứ không ra gì, bởi vì Hội Đồng Giáo Xứ cứ tưởng mình là cái đầu của cha sở, cho nên thay vì có Hội Đồng Giáo Xứ để giúp cha sở xây dựng giáo xứ, thì lại làm rối tung lên vì đặc quyền đặc lợi (?), và gây ảnh hưởng phe cánh trở thành gương mù cho giáo dân. Hội Đồng Giáo Xứ là đại diện cho toàn thể giáo dân trong giáo xứ, thay mặt giáo dân để giúp đỡ cộng tác với cha sở, cho nên bổn phận và nhiệm vụ của Hội Đồng Giáo Xứ rất quan trọng bên cạnh cha sở của mình, họ là cố vấn, là cánh tay nối dài của cha sở, là những phần tử giáo dân ưu tú của giáo xứ chỉ biết phục vụ chứ không kể công, biết cho đi mà không đòi lại, biết xây dựng mà không phá hoại.

Đầu (cha sở) có nhiệm vụ hướng dẫn, đề ra phương hướng mục vụ và xây dựng hiện tại và tương lai cho giáo xứ, và sau khi bàn hỏi với Hội Đồng Giáo Xứ thì hướng dẫn giáo dân (thân thể) thực hiện, đó là một quá trình xuyên suốt giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ. Đương nhiên khi bàn hỏi thảo luận thì sẽ có ý kiến thuận và nghịch, cho nên cha sở cẩn phải khéo léo nhìn ra vấn đề đang bàn cải đi đến đâu để làm cho cuộc bàn thảo có tình huynh đệ, tình cha con.

Hội Đồng Giáo Xứ được thành lập để giúp cha sở điều hành giáo xứ, cho nên cha sở cần phải tôn trọng họ, không nên dùng quyền cha sở để độc đoán trong cách suy nghĩ và độc tài trong hành xử, nhưng cách hành xử hay nhất chính là bàn hỏi với Hội Đồng Giáo Xứ và xin họ đóng góp ý kiến, và nhất là vui vẻ lắng nghe ý kiến của họ, bởi vì mọi giáo dân ai cũng muốn đóng góp công sức của mình cho giáo xứ, họ sẽ rất vui khi được cha sở tín nhiệm bàn hỏi công việc với họ. Đó chính là tương quan giữa đầu và thân, giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ.

2.   Hội Đồng Giáo Xứ: cánh tay nối dài của cha sở.

Cha sở không thể cùng một lúc mà hiện diện khắp nơi trong giáo xứ của mình, bởi vì ngài không phải là Thiên Chúa, do đó mà cánh tay ngắn ngủi năm tấc của ngài cũng không thể vươn tới những khu xóm hoặc những gia đình trong giáo xứ, cho nên Hội Đồng Giáo Xứ chính là cánh tay nối dài của cha sở mình.

Những thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ chắc chắn sẽ có những trình độ và khả năng không giống nhau, và nếu cha sở là người luôn nhìn thấy được thánh ý Chúa nơi các cộng sự viên của mình, thì những cái “không giống nhau” ấy sẽ là những lợi thế để cha sở khuyến khích họ phát huy khả năng của mình, và với tài “dụng nhân như dụng mộc” của ngài, thì việc trình độ và khả năng khác nhau của họ sẽ bổ sung cho nhau, để giáo xứ như một tòa nhà được xây dựng bởi các vật liệu không giống nhau, nhưng thật sự bổ sung cho nhau.

Mỗi xóm giáo đều có một thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ, chính vị này sẽ là cánh tay nối dài của cha sở trong xóm giáo mình: ai bệnh nặng, ai cần đưa Mình Thánh Chúa, ai cần xức dầu.v.v...thì chính vị này sẽ biết và báo cáo cho cha sở. Gia đình nào neo đơn cần giúp đỡ, trẻ em nào không thể đến trường vì gia đình nghèo.v.v...tất cả những việc đó cha sở làm gì biết được nếu không có “cánh tay nối dài” của mình báo lại sự việc !

Đám đông dân chúng đi theo Đức Chúa Giê-su để nghe Ngài giảng đã mấy ngày, bụng đói rồi, vậy thì ai mách với Ngài là “ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”[31], đó không phải là các tông đồ đã báo cáo cho Ngài biết sao ? Và phép lạ bánh hóa nhiều nuôi hơn năm ngàn người ăn đã được thực hiện, người ta không những ăn no nê mà còn thu lại được mười hai thúng đầy.

Có một vài giáo xứ mà những “cánh tay nối dài” của cha sở không vươn đến được các khu xóm, bởi vì có một vài “cánh tay nối dài” chưa thực hiện được trách nhiệm và bổn phận của mình, họ coi việc được làm trong ban Hội Đồng Giáo Xứ là một giai cấp ăn trên ngồi trước các giáo dân khác, cho nên họ hành xử như là một cha phó của cha sở: chỉ tay năm ngón, cũng hạch sách giáo dân, cũng to tiếng nạt nộ người này người nọ, đôi lúc làm cho giáo dân cảm thấy bất mãn và không muốn đến nhà thờ vì có những “cánh tay nối dài” ấy. Đương nhiên cha sở biết rõ từng “cánh tay nối dài” của mình, và dùng tình yêu thương của một mục tử nhân hậu mà nhắc nhở để giúp họ thấy được việc mình đang làm là phục vụ chứ không phải được phục vụ...

C. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC HỘI ĐOÀN.

Giáo xứ là một cộng đoàn được quy tụ để cùng nhau tôn vinh thờ phượng Thiên Chúa ngay tại trần gian này, và đó chính là nét nổi bật của Giáo Hội Công Giáo, nói lên tinh thần hiệp nhất, tương thân tương ái để cùng nhau nên thánh. Do đó, chúng ta có thể định nghĩa rằng: Một giáo xứ lớn mạnh và phát triển là một giáo xứ có các hội đoàn, có các ban ngành đang hoạt động trong giáo xứ, mà cha sở chính là nhân tố quyết định để các hội đoàn sống động, các ban ngành hăng say làm việc tông đồ.

Tùy theo nhu cầu của giáo xứ mà cha sở thành lập các hội đoàn như:
-      Thiếu Nhi Thánh Thể
-      Đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae).
-      Hội Con Đức Mẹ.
-      Giới Mẹ Gia Đình, giới cha Gia Đình
-      Hướng đạo
-      Ca đoàn.
-      Ban giúp lễ (lễ sinh).
-      Ban xã hội.v.v...

Cha sở chính là vị tuyên úy cao nhất của các đoàn thể trong giáo xứ, và có cha phó hoặc các nữ tu cộng tác với ngài trong việc dạy dỗ hướng dẫn các hội đoàn đi đúng mục đích của nó là: nên thánh, truyền giáo và trở nên mẫu mực cho mọi người.

Tương quan giữa cha sở và các hội đoàn trong giáo xứ là điều hết sức quan trọng, và bởi vì ngài là linh hướng của các hội đoàn, cho nên ngài có bổn phận nói “câu chuyện dưới cờ” cho họ, tức là ngài ban của ăn tinh thần cho các đoàn thể trong giáo xứ được sống và hoạt động, do đó mà ngài có bổn phận phải nghiên cứu tôn chỉ và mục đích của các hội đoàn đã được thành lập trong giáo xứ, để không còn cảnh nói qua loa, lập lại, nói chung chung như có một vài cha sở đã làm, nghĩa là hội đoàn nào ngài cũng đều giáo huấn như nhau, mà không khơi dậy tinh thần tôn chỉ mục đích của hội đoàn ấy. Cho nên, chúng ta không lạ gì có những hội đoàn trong giáo xứ chỉ loe ngoe vài mạng, nguyên nhân sa sút thì có nhiều, nhưng nguyên nhân lớn nhất là họ không tìm thấy ân sủng của Thiên Chúa ban cho qua đoàn thể mà họ đang tham dự, bởi vì có lẽ cha sở ít quan tâm, ít gần gủi với họ, ít chia sẻ kinh nghiệm tu đức với họ chăng ?

Hội đoàn trong giáo xứ thì nhiều, nhưng nếu cha sở coi trọng hội đoàn này mà coi nhẹ đoàn thể khác, thì sự chia rẻ trong giáo xứ sẽ có cơ hội bùng phát, và các hội đoàn sẽ trở thành những phe nhóm nói xấu nhau, tranh giành ảnh hưởng trong giáo xứ mà quên mất mục đích của hội đoàn mình là phục vụ Thiên Chúa qua giáo xứ, quên mất bổn phận của mình là làm cho nhiều người được biết Chúa hơn qua đời sống cá nhân và của hội đoàn mình. Điều này càng không thể tránh được khi trình độ về giáo lý của giáo dân còn kém, về quan niệm nhận thức sống đạo của những người già và lớp người trẻ quá chênh lệch nhau, của những giáo dân cấp tiến và bảo thủ trong đời sống tôn giáo.

Bảo vệ sự hiệp nhất giữa các đoàn thể trong giáo xứ là trách nhiệm của cha sở với sự cộng tác của Hội Đồng Giáo Xứ và các ban ngành, hoặc nói cách chính xác hơn: cha sở là người tạo nên sự đoàn kết các thành phần trong giáo xứ, bởi vì ngài là đầu nên ngài hướng dẫn, ngài là cha nên ngài là cầu nối hòa giải giữa con cái trong nhà với nhau, ngài là mục tử nên ngài đối xử bình đẳng với tất cả con chiên của mình mà không phân biệt chiên ghẻ hay chiên lành.

Các hội đoàn đều bình đẳng

Tất cả các đoàn thể được thành lập trong giáo xứ đều là vì ích lợi cho phần rỗi của giáo dân, đều thuộc về giáo xứ mà cha sở là người lãnh đạo cao nhất của hội đoàn, là người chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội về các hội đoàn trong giáo xứ của mình.

Có một vài giáo xứ mà cha sở coi trọng hội đoàn này, vì những thành viên trong hội đoàn ấy làm được nhiều việc cho giáo xứ và cho cha sở, như hội mẹ gia đình, hoặc hội Legio Mariae, và coi nhẹ đoàn thể kia vì họ chẳng làm gì to tát cho giáo xứ như ban giúp lễ, nhóm chia sẻ Lời Chúa .v.v...chính việc “kỳ thị” ấy của cha sở đã ươm mầm chia rẻ giữa các giáo dân trong giáo xứ của mình, và khiến cho uy tín của cha sở giảm xuống trong việc quản trị và giáo huấn giáo xứ của mình. Bởi vì cha sở là gia trưởng của đại gia đình giáo xứ, các đoàn thể là những phương tiện hữu ích, làm cho người tín hữu dễ dàng đạt đến sự thánh thiện khi tham gia sinh hoạt trong một hội đoàn, cho nên tính cách công bằng, vô tư và yêu thương của ngài, cần phải trãi dài trên tất cả các hội đoàn trong giáo xứ không phân biệt một đoàn thể nào.

Mỗi hội đoàn đều có tôn chỉ và mục đích của nó, cha sở -sau khi nghiên cứu- thì đặt một phần trách nhiệm của giáo xứ trên hội đoàn ấy, chẳng hạn như: trách nhiệm của hội đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể là giáo dục và hướng dẫn thiếu nhi trong giáo xứ; hội Con Đức Mẹ thì quy tụ các thiếu nữ trong giáo xứ lại với nhau để học hỏi giáo lý và phục vụ Chúa; hội các bà mẹ thì cổ võ nhau dạy dỗ con cái, noi gương Đức Mẹ Ma-ri-a chăm lo cho gia đình.v.v... và đó chính là trách nhiệm xây dựng giáo xứ của hội đoàn, nhưng quan trọng hơn và trước hết là cha sở phải quan tâm và hướng dẫn mọi đoàn thể sống Lời Chúa, qua chính cuộc sống của mỗi thành viên trong các hội đoàn, để hội đoàn có sức sống vươn lên và tồn tại.

Đương nhiên, không buộc cha sở phải luôn tham dự các buổi họp nếu nội quy của hội đoàn không buộc phải có vị linh hướng tham dự, bởi vì có cha phó hoặc các nữ tu đảm nhiệm phần linh hướng thay mặt cha sở, nhưng chính ngài cần phải động viên, và, ít nữa mỗi tháng một lần đến tham dự với các đoàn thể, để khích lệ tinh thần của họ. Việc làm này làm cho các hội đoàn trong giáo xứ cảm thấy “an tâm” hơn, vì họ thấy cha sở luôn hiện diện với họ, bởi vì đứa con nào cũng cảm thấy an tâm khi có cha mẹ cùng đi với chúng nó, đàn chiên nào cũng cảm thấy an toàn khi có vị mục tử dẫn dắt luôn đi sát bên chúng nó.

Bình đẳng giữa các hội đoàn trong giáo xứ cũng là một sức mạnh tiềm tàng của giáo xứ, và nói lên được bản lĩnh lãnh đạo của cha sở, bởi vì thành công nhất của cha sở không phải là xây dựng nhà thờ, nhưng là xây dựng một giáo xứ hòa thuận, yêu thương và bình đẳng.

Lời kết

Mỗi thời mỗi khác, mỗi thời mỗi đổi thay, nhưng vai trò lãnh đạo và phục vụ của cha sở trong một giáo xứ thì không khác gì cả, có khác chăng là cha sở chỉ là người được sai đến với các giáo xứ, và sẽ thay đổi khi thời hạn phục vụ đã mãn, và giáo xứ thì vẫn luôn là giáo xứ của giáo dân, cho nên vai trò lãnh đạo của ngài luôn cần được sự hổ trợ của Đức Chúa Thánh Thần và sự giúp đỡ của các thành phần Dân Chúa trong giáo xứ của ngài, mà cụ thể là các tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong giáo xứ, Hội Đồng Giáo Xứ và các ban ngành đoàn thể do ngài thành lập hoặc đã được thành lập từ trước.

Những tương quan nầy rất phức tạp, không phải một sớm một chiều mà có được, nhưng là do quá trình phục vụ, xem xét, suy tư, bàn hỏi và cầu nguyện của cha sở cũng như sự hợp tác của giáo dân mà có.

Tương quan giữa cha sở với các thành phần Dân Chúa trong giáo xứ, không phải là tương quan của một chủ nhân ông thích sai khiến hơn là làm việc, thích nóng nảy hơn là trầm tĩnh, thích được cung phụng hơn là phục vụ; cũng không phải là tương quan của một giám đốc thích hạch hỏi hơn là tìm hiểu cảm thông, thích la lối thóa mạ hơn là suy tư, thích đòi hỏi hơn là bắt tay làm việc, nhưng là một tương quan được đặt trên nền tảng yêu thương của đức ái, mà thánh Phao-lô tông đồ đã dạy qua thư gởi cho giáo đoàn Ê-phê-sô: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại bỏ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Chúa Ki-tô”[32], chỉ có trong đức ái thì sự tương quan giữa cha sở và các thành phần giáo dân trong giáo xứ mới trọn vẹn, có ý nghĩa mà thôi.

Xã hội càng phát triển thì giáo dân sẽ như những cánh chim bay đi tìm cuộc sống mới, tìm kế sinh nhai nơi các công trường, công sở và giáo xứ sẽ có những đổi thay nhiều mặt, mà nét nổi bật nhất chính là sự tương quan giữa cha sở và giáo dân sẽ không còn mặn nồng như trước đây nữa, giáo dân đến nhà thờ sẽ ít hơn. Do đó mà cha sở phải luôn là người chủ động làm cho các tương quan này ngày càng củng cố hơn bằng cách chủ động cùng với Hội Đồng Giáo Xứ đi thăm viếng giáo dân, chủ động đưa ra những hoạt động tông đồ với sự cộng tác của các hội đoàn trong giáo xứ, để các thành phần giáo dân trong giáo xứ có cơ hội tham gia và càng cảm thấy yêu mến giáo xứ nhiều hơn...

Lời cầu nguyện của cha sở:

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Chúa là là mục tử nhân lành và hay thương xót,
Chúa là Đấng rất khiêm nhường và rất yêu thương,
Chúa đã xuống thế làm người,
để nối lại tương quan giữa con người
với Thiên Chúa Chúa,
đó là tương quan giữa cha và con
mà nguyên tổ chúng con đã đánh mất
trong vườn địa đàng.
Hôm nay,
Chính Chúa đã chọn con làm mục tử đàn chiên của Chúa,
trong giáo xứ giữa những giáo dân,
để con trở nên chiếc cầu nối giữa những tương quan:
tương quan giữa Chúa với con người,
tương quan giữa cha sở với giáo dân,
tương quan giữa cha sở với các tu sĩ nam nữ,
tương quan giữa giáo dân với nhau,
để tình thương của Chúa được hiện diện trong giáo xứ,
và triển nở trong tâm hồn của các giáo dân.

Nhưng, lạy Chúa,
con tài hèn sức yếu, với nhiều khuyết điểm,
xin Chúa ban cho con ơn khôn ngoan,
để con biết hướng dẫn đàn chiên đến với Bàn Thánh và nguồn Lời Chúa.
Xin Chúa ban cho con ơn nhẫn nại
để con biết thông cảm và chờ đợi.
Xin Chúa ban cho con ơn vui vẻ
để con biết mĩm cười trước những chống đối.
Xin Chúa ban cho con ơn đạo đức
để con sống noi gương Chúa là vị mục tử nhân hậu.
Để con trở nên một cha sở khiêm tốn,
một mục tử hy sinh, và một người cha nhân hậu,
hết mình vì đàn chiên của mình...

Amen.

Viết xong ngày 29.6.2007
Lễ thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.





[1] Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 1.


[2] Mc 16, 15.


[3] Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 3, 13.


[4] Mt 28, 19.


[5] Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 2, 10.


[6] Ga 13, 16b.


[7] Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, chương 3, 14.


[8] Giáo luật, chương 5 điều 673.


[9] Giáo luật chương 5 điều 675. 3


[10] Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 6, 44.


[11] Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 6, 44.


[12] Công Đồng Vat. II “Sắc lệnh về truyền giáo” chương 40.


[13] 1 Cr 12, 27.


[14] 2 Tm 1, 13a.


[15] 1 Cr 12, 13b.


[16] Giáo luật, điều 574. 1.


[17] Ga 10, 36.


[18] Công đồng Vat. II “Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục”, chương 1, 3.


[19] Lc 23, 27-32.


[20] Lc 8, 1-3.


[21] 1Tm 5, 1.


[22] Sắc lệnh về “Chức vụ và đời sống các linh mục”, chương 1, 2.


[23] Mt 19, 12b.


[24] Công đồng Vat. II. “Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội”, chương 48.


[25] 1 Cr 12, 4-6.


[26] Mt 10, 41.


[27] Mt 20, 28.


[28] 1 Cor 12, 4-11.


[29] Công Đồng Vat. II: “Sắc lệnh về chức vụ và đời sống của linh mục”, chương 2, 9.


[30] Cl 1, 18.


[31] Ga 6, 9a.


[32] Ep 4, 31-32.