Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tiếng chuông có khác lạ

TIẾNG CHUÔNG CÓ KHÁC LẠ
 
 

Có một vị tăng già, mỗi lần lên Phật đường tụng kinh rất là lâu giờ, nhưng hơi thì ngắn miệng thì khô, cần phải uống một vài li rượu hâm nóng sau đó mới có thể tiếp tục.

Nhưng cũng như mọi lần, từ Phật đường đi vào trong phòng hâm rượu thì bỏ phí thời gian quá dài, sợ người ta nói, nên treo một cái chuông đồng trước Phật đường, ngấm ngầm ra lệnh cho các đệ tử, nói một thứ ám ngữ cố định, lúc mỗi lần gõ “tang tang lang lang leng keng” thì đem đến cho lão tăng một li rượu nóng.

Đệ tử tuân mệnh, mỗi lần nghe tiếng chuông, thì hâm rượu. Sau mấy ngày, đệ tử lạc mất âm thanh của tuồng kịch này mà quên hâm rượu cho lão tăng, lão tăng trách đệ tử:

-“Hôm nay tâm của con làm gì mà tiếng chuông cũng không nghe ?”

Đệ tử sợ trách tội bèn nói đưa đẩy:

-“Tiếng chuông hôm nay không giống như tiếng chuông mấy ngày trước”.

Lão tăng hỏi:

-“Tiếng chuông khác nhau như thế nào ?”

Trả lời:

-“Tiếng chuông ngày hôm nay chỉ là lạnh lẽo im lìm, vì có khác như vậy nên con không hâm rượu”.

Lão tăng hiểu ý, chỉ cười mà không hỏi lại.
(Khải Nhan lục)

Suy tư:

     Đức Chúa Giê-su đã nghiêm khắc lên án các kinh sư và người Pha-ri-siêu: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-siêu giả hình ! Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc” .

Ai cầu nguyện lâu giờ với Chúa thì Ngài rất thích, bởi vì tình yêu thì cần phải như thế, nhưng “cầu nguyện lâu giờ” này sẽ mất đi ý nghĩa của nó khi có sự giả tạo dối trá chen vào. Tình yêu giả tạo là tình yêu còm cỏi không sinh khí, cầu nguyện giả tạo dối trá lâu giờ thì kéo án phạt xuống trên mình.

“Cầu nguyện lâu giờ” cũng có nghĩa là tự mình bày vẽ ra thêm những điều ngoài quy định lễ nghi của Giáo Hội, có nhiều tín hữu nghèo cả năm không dám xin cha sở một lễ giỗ giáp năm công khai để cầu nguyện cho cha mẹ, vì có nhiều giáo xứ cha sở định mức bổng lễ cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Cấp 1 thì có ca đoàn hát, treo cờ; cấp 2 thì chỉ có hát mà không treo cờ; cấp 3 thì âm thầm bỏ vào cái hòm thùng xin lễ (không định ngày) ở dưới nhà thờ. Sự phân định này đã làm cho không ít các giáo dân nghèo cảm thấy mình bị bỏ rơi, và do đó sinh ra nhiều tự ti mặc cảm với ông cha sở...

Cũng có nhiều vị mục tử rất hào phóng không “cầu nguyện lâu giờ”, nhưng tình cảm của các ngài được trãi rộng trên mọi giáo hữu, anh không có tiền để xin lễ giỗ cho cha mẹ ư ? Chỉ cần nói với các ngài ngày kỵ giỗ của cha mẹ, là các ngài ghi vào sổ và công bố cho giáo dân biết để đi dâng lễ hiệp ý cầu nguyện. Không “cầu nguyện lâu giờ” nhưng Thiên Chúa rất yêu thích các ngài vì thái độ hào phóng và yêu thương của họ đối với các con chiên của mình.

Trọng điểm của tình yêu là ở đó, biết nhu cầu của người yêu để quan tâm và đáp trả.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư