Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Lễ Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa



LỄ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

Tin Mừng: Mc 1, 7-11
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Anh chị em thân mến,
Thân phận làm người là thân phận cao quý (chỉ sau các thiên thần) trong các loài thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên, nhưng càng cao quý hơn khi chính thân phận được dựng nên bởi bùn đất này lại được trở nên làm con cái của Thiên Chúa, ơn nghĩa cao trọng này bởi đâu mà có, chắc chắn không phải bởi công nghiệp của tổ tiên, cũng không phải bởi công lao của chính bản thân mình, nhưng là chính bởi tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà rõ ràng và cụ thể nhất chính là nơi con người của Đức Chúa Giê-su. Ngài là ai với thân phận của mình ?

1.   Thân phận con người.
Thân phận con người nơi Đức Chúa Giê-su được thấy rõ nhất là giây phút này đây: giây phút Ngài tự nguyện xuống sông Gio-đan để xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, một sự tự nguyện mà thánh Gioan Tẩy Giả –qua tác động của Thánh Thần- đã phải sững sờ kinh ngạc thốt lên: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”

Hành vi tự nguyện trở thành tội nhân của Ngài đã nâng cao giá trị của tình liên đới giữa người với nhau, Ngài đã đồng hóa mình như là một tội nhân để thông cảm, rộng lượng và chấp nhận những người tội lỗi, những người mà xã hội hôm nay gọi là “thành phần bất hảo”, để họ trở thành những người anh em chị em với mình.

Con người thời nay, ai cũng tự cho mình là những bậc thầy của người khác, cho nên họ thường hay kết án, chỉ trích tha nhân; ai cũng muốn tách mình ra khỏi đám người tội lỗi, và lẫn tránh người anh em chị em khi họ sa cơ thất thế, và thế là họ đã đi ngược lại với hành vi tự nguyện của Đức Chúa Giê-su: Đấng vô tội đã trở thành tội nhân, để vô số tội nhân được trở nên người thân cận của Ngài.

2.   Thân phận Thiên Chúa
Nơi giòng sông Gio-đan có rất nhiều người đến xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa để tỏ lòng sám hối, nhưng sự sám hối này chưa hoàn hảo vì nước chưa được thánh hóa, hay nói cách khác, họ chỉ hối hận những việc làm không chính đáng của mình qua lời giảng dạy của thánh Gioan Tẩy Giả mà thôi, còn sự tha tội thì phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả không “đủ sức” để làm.

Đức Chúa Giê-su đến, và Ngài đã xuống sông để chịu phép rửa như bao người khác, hành vi khiêm tốn của Đấng-Thiên-Chúa-làm-người này, đã thực sự làm cho nước có một giá trị tuyệt đối –rửa sạch mọi tội lỗi trong tâm hồn của con người nơi bí tích Rửa Tội-

Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng thánh hóa nước, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm cho con người từ trong vũng bùn tội lỗi được trở nên trắng như tuyết trong nước Rửa Tội, vị Thiên Chúa đó đang lẫn lộn trong đám người xuống sông Gio-đan xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình, và qua phép rửa tượng trưng này, Ngài đã thánh hóa những kẻ tin vào Ngài được trở nên con Thiên Chúa và là người anh em với Ngài nơi bí tích Rửa Tội.

Con người ngày nay thường hay “tạt nước” vào mặt anh chị em bằng những thái độ hống hách và những lời nói khiếm nhã, họ muốn người khác phải tôn trọng họ, nhưng nơi họ, một chút tôn trọng anh chị em cũng không có, họ coi thường người khác trong chính hành vi ngôn ngữ của mình.

3.   Bí tích Rửa tội – Ấn tích của sự sống lại.
Mừng lễ Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa, chúng ta nhớ lại ngày hồng ân của mỗi người, đó là ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, trở thành con cái của Thiên Chúa, được thông phần vào cuộc giáng sinh, khổ nạn, và phục sinh của Đức Chúa Ki-tô.

Sau khi Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa, thì Ngài công khai rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, Tin Mừng về Nước Trời chính là “kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình”, không những Ngài rao giảng, mà Ngài còn thi ân giáng phúc cho mọi người, để làm chứng cho họ biết rằng: chính Ngài chứ không phải người nào khác, mới có quyền cứu độ và tha tội cho nhân loại, chính Ngài, chứ không một ai khác, mới thật sự là Đấng phán xét nhân loại.

Chúng ta đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, cũng có nghĩa là chúng ta có đủ tư cách để tiếp tục sứ mạng loan truyền Tin Mừng cứu độ của Đức Chúa Giê-su cho mọi người, do đó chúng ta cần phải học hỏi và noi gương của Ngài: yêu thương anh em như chính mình. Đành rằng chúng ta không bị treo trên thập giá như Ngài để cứu độ anh em, đành rằng chúng ta không sống lại sau khi chết được ba ngày như Ngài để ban ơn cứu độ cho anh em, nhưng mỗi người trong chúng ta cũng có thể chết cho cái tôi kiêu ngạo, cái tôi ích kỉ của mình để anh em chị em được thoải mái, hoặc là chúng ta có thể hi sinh những thói quen khiến người khác không bằng lòng, thì cũng giống như chúng ta đã sống lại với con người mới trong đức ái  rồi vậy.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.