Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Quay mặt là quên

QUAY MẶT LÀ QUÊN
 


Thời xưa, ở huyện Hộ có một người rất hay quên, anh ta tay cầm búa rìu vào trong ruộng chặt củi, vợ cũng đi theo anh ta.
Đến trong ruộng, anh ta vì muốn đi đại tiện gấp, nên bỏ cái búa rìu trên đất và đi đại tiện bên cạnh, xong việc thì đứng lên chợt thấy cái búa rìu trên đất, phấn khởi nói:
-“Ta nhặt được cái búa rìu !” và nhảy dựng lên, vừa vặn giẫm lên đống phân mà anh ta vừa đại tiện, anh ta suy đi nghĩ lại nói:
-“Nhất định là có người đi đại tiện ở đây và quên cái búa rìu”.
Vợ nói:
-“Ông vừa mới cầm búa đi chặt cây, bởi vì đi đại tiện, nên đem búa bỏ trên đất, sao mới chớp mắt mà đã quên rồi à !”
Ông ta cẩn thận nhìn kỷ khuôn mặt của vợ và hỏi:
-“Cô tên gì nhỉ, không biết là tôi đã gặp cô ở đâu rồi thì phải ?
(Khải Nhan lục)

Suy tư:

Không ai có thể vừa ngoảnh mặt là quên mất tiêu vợ của mình, và cũng không có ai quên mất công việc mình đang làm, chỉ có những người bị bệnh tâm thần và đãng trí rất nặng mới hay quên như thế.
Có hai cái “quên” rất là kỳ cục, đó là :
-Quên mất cái hay, cái ưu cái tốt của tha nhân.
-Quên rất nhanh các khuyết điểm của mình.

Và có hai cái “nhớ’ rất là đáng ghét, đó là :
-Nhớ rất dai những khuyết điểm của anh em.
-Nhớ rất kỷ những việc mình đã làm cho tha nhân.
Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta hãy tha thứ cho anh em, không những là bảy lần, nhưng là bảy mươi bảy lần bảy (Mt 18, 22), cũng có nghĩa là Ngài muốn chúng ta quên đi những khuyết điểm của anh em, quên đi những thiếu sót bất toàn của tha nhân, để tập tha thứ như Ngài đã tha thứ vô vàn tội lỗi của chúng ta. Đây là cái “quên” có ý nghĩa, hơn hẳn cái “nhớ” đáng ghét mà chúng ta thường vênh váo khi giúp đỡ cho ai một việc gì đó.
     Quên đi những khuyết điểm của anh em để tập cho mình có tâm hồn quãng đại, và nhớ mãi những khuyết điểm của mình để sám hối, ăn năn.
       Nhớ hoài những ưu điểm tốt lành của anh em để noi theo và khuyến khích mình, và quên đi những việc mình đã làm cho anh em, vì như thế sẽ không còn sinh ra tự mãn và kiêu căng.
       Quên để mà nhớ, nhớ để mà quên là ở đó vậy !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư