Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Bắt chước cầm thú kêu


BẮT CHƯỚC CẦM THÚ KÊU
Ở phía nam nước Sở có một người thợ săn, biết dùng ống trúc thổi ra rất nhiều loại tiếng cầm thú.
Một hôm, anh ta mang cung tên và nùi lửa đi lên núi, sau khi chọn địa hình bèn thổi ống trúc, đầu tiên anh ta thổi “u u” bắt chước tiếng nai kêu, rất hấp dẫn đàn nai, sau khi dẫn chúng đến, bèn đánh bật lửa cháy và dùng tên mà bắn chúng nó.
Có một con báo rừng gần bên nghe tiếng nai kêu, thì phóng nhanh đến.
Người ấy sợ khiếp lên, bèn mau thổi tiếng hổ kêu để hù dọa nó, quả nhiên con báo rừng bỏ chạy, nhưng tiếng kêu lại lôi cuốn con hổ thật đến, người thợ săn sợ hãi quăng luôn cả cung tên, trong lúc nguy cấp thì gấp gáp thổi tiếng gấu kêu để dọa hổ, con hổ nghe tiếng gấu tru bèn chạy mất, nhưng con gấu nghe tiếng thì lại chạy đến để tìm bạn.
Người thợ săn lại không biết làm cách khác, sợ quá nằm rời rã trên đất, con gấu hung hăng nhảy lên vồ anh ta ăn mất tiêu.
                                          (Liễu Hà Đông tập)

Suy tư:
     Các bạn trẻ thời nay thích hiếu động, thích cái gì mới, dù là cái mới ấy rất không phù hợp với họ, họ thích tuần này đi lễ do cha này làm, tuần sau đi lễ do cha nọ dâng, theo họ nói thì là để tìm nguồn hứng, là để so sanh cha này dâng lễ sốt sắng, cha nọ dâng thánh lễ như...bị nợ đòi.v.v...
     Các bạn trẻ rất năng động trong cách sống, càng nhạy bén hơn trong đời sống tín ngưỡng của họ, cho nên rất dễ bị “sốc” trước những gương xấu của một số mục tử, nhưng cái hay nhất của người trẻ là dễ tha thứ, dễ cảm thông và dễ hội nhập...
     Nhưng cái khuyết điểm nơi họ là dễ thay đổi, họ ước vọng quá nhiều, đòi hỏi quá cao mà không ai hướng dẫn, không ai chỉ đường cho họ đi, vì thế có những lúc họ đi lạc đường, có những lúc họ như đi trong tăm tối của hưởng thụ, của nổi loạn, và cuối cùng họ buông xuôi cho số phận...
     Người mục tử là người đi trước đàn chiên.
     Đi trước để mà lãnh đạo, đi trước để mà dẫn dắt, đi trước để mà mở đường, và đi trước để mà...lãnh đạn, cũng có nghĩa là đi trước để mà hy sinh và để chết cho đàn chiên được sống, như Đức Chúa Ki-tô đã làm.
     Người trẻ thích vị mục tử của mình cùng đi cùng làm cùng sống và cùng cầu nguyện với họ, như họ đã yêu mến những cử chỉ rất mục tử, rất cha già, và rất khiêm tốn của Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã làm trong những k đại hội giới trẻ thế giới. Họ không thích vị mục tử ngồi trong căn phòng có gắn máy lạnh chỉ tay năm ngón các anh phải làm như thế này, như thế nọ để được sống đời đời...
     Dù cho linh mục tài cao bá cháy, thông minh thông thạo các ngôn ngữ, giảng dạy lợi khẩu, nhưng nếu không có sự khiêm tốn của một tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa, không có tình thương chân thật của một vị mục tử đối với đàn chiên, thì cuối cùng, không những đàn chiên bị gấu vồ ăn, mà ngay cả vị mục tử giỏi giang như thế cũng bị sa tan vồ mất linh hồn.

Ôi ! Thật đáng sợ thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư