Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Chúa nhật 3 phục sinh

  

Chúa Nhật 3 PHỤC SINH
Tin mừng : Lc 24, 13-16.
“Họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh”.

    Anh chị em thân mến,
    Nội dung của bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đều biết rõ, và thường nghe nhắc nhở tới trong mùa phục sinh, đó là câu chuyện của hai môn đệ trên đường đi về làng Em-mau. Cả hai ông không nhận ra Đức Chúa Giê-su đang cùng đồng hành với mình, nhưng chỉ nhận ra Ngài khi Ngài lập lại một cử chỉ rất quen thuộc đó là bẻ bánh, rồi trao cho các ông ăn. Trong tâm tình “bẻ bánh” ấy, tôi xin chia sẻ tâm tình sau đây: 

1. Bẻ bánh là dấu hiệu của bác ái
    Cuộc sống của một con người có rất nhiều lần bẻ bánh, và những lần bẻ bánh ấy cũng có rất nhiều ý nghĩa: 
- Bẻ bánh để ăn, là để nuôi mình,
- Bẻ bánh để phân phát cho mọi người, là để nhân rộng thêm tình bác ái.
- Bẻ bánh để chia sẻ với người nghèo khó, là để chia sẻ với Đức Chúa Giê-su khổ đau trên con người của họ.
     Và cũng có lúc chúng ta bẻ bánh để quăng cho chó ăn hơn là cho người nghèo, đây là một hành vi bẻ bánh khinh thường Thiên Chúa và coi thường nhân phẩm của anh em chị em.
     Bẻ bánh cần phải đi đôi với một tâm tình yêu mến và phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm với các môn đệ, Ngài yêu thương các môn đệ đến cùng: rửa chân cho họ và ban Mình và Máu thánh của Ngài cho họ.

2. Bẻ bánh là dấu hiệu Hiệp Nhất
    Có những người vừa bẻ bánh vừa chỉ trích nhau trên bàn ăn, họ coi việc ăn uống là dịp để cãi cọ nhau; có người vừa bẻ bánh vừa làm áp phe buôn bán, họ coi việc bẻ bánh (ăn uống) là cơ hội để phát tài; lại có người coi việc bẻ bánh là chuyện riêng tư, nên không thấy họ cùng đồng bàn với người khác, đối với họ sự hiệp nhất chỉ là chuyện lý thuyết viễn vông.
     Chúng ta tham dự thánh lễ, tức là chúng ta cùng nhau tham dự việc “bẻ bánh” của Đức Chúa Giê-su, đó là dấu hiệu của tình thương hiệp nhất, mỗi lần chúng ta cùng nhau sắp hàng đi lên lãnh nhận tấm bánh đã được bẻ ra, nhưng nó vẫn nguyên vẹn tinh tuyền là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, là dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong mỗi một cộng đoàn của chúng ta.
      Bẻ bánh là dấu hiệu để mọi người nhận ra Đức Chúa Giêsu đang hiện diện giữa cộng đoàn và nơi mỗi một anh chị em mình, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã hứa: Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế.
     Anh chị em thân mến, 
     Hai môn đệ đi về làng Em-mau đã không nhận ra được Thầy mình là Đức Chúa Giê-su đang đồng hành và trò chuyện với mình, dù cho Ngài giải thích rất cặn kẻ về việc Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ và phải chết rồi sống lại, nhưng hai môn đệ chỉ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh mà thôi.
       Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tham dự thánh lễ, tức là tham dự vào việc “bẻ bánh” và ăn tấm bánh ấy, nhưng chúng ta có nhận ra Đức Chúa Giê-su đang thật sự ở với chúng ta không, lòng chúng ta có thật sự nóng lên khi nghe đọc và giải thích Lời Chúa không. 
       Đức Chúa Giê-su đã sống lại thật rồi, và Ngài vẫn còn đang hiện diện với Giáo Hội, với chúng ta trong bí tích Thánh Thể, đó là dấu chỉ của tình thương và hy sinh của một vị Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi....

Câu hỏi gợi ý: 
1. “Bẻ bánh” là tham dự tiệc Thánh Thể, bạn có nhận ra sự ích lợi cho phần hồn cũng như phần xác khi rước Đức Chúa Giê-su vào lòng không?
2. Bạn có thấy mình giống hai môn đệ đi đường Em-mau: nhiệt tâm sau khi thấy Đức Chúa Giê-su bẻ bánh không?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

                                             Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

------------
http://www.vietcatholicnews.net 
https://www.facebook.com/jmtaiby 
http://nhantai.info

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Chúa nhật 2 Phục Sinh



CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 20, 19-31
“Tám ngày sau, Đức Giê-su đến”.

Bạn thân mến,
Hôm nay chúa nhật tuần thứ hai sau phục sinh và cũng là chúa nhật của Lòng Thương Xót Chúa, trong niềm vui và với lòng tin tưởng sâu xa về tình yêu của Chúa, tôi xin chia sẻ với anh chi em hai điểm sau đây :

1. Lòng Thương Xót của Chúa ở khắp nơi.
Hôm qua có một thành viên Legio Mariae đã nói với tôi là họ đã khuyên bảo được một “con chiên lạc” trở về đi dự lễ Phục Sinh với chúng ta, tôi liền cảm tạ ơn Chúa vì lòng thương xót và tình yêu vô biên của Ngài đối với người giáo dân trở về với giáo xứ này, bởi vì thương xót và ân sủng vô biên của Thiên Chúa luôn tuôn đỗ trên chúng ta, chỉ cần chúng ta khiêm tốn đón nhận với tất cả lòng tri ân.

Mấy ngày trước lễ Phục Sinh có một vài anh chị em đã khóc khi xưng tội, vì có người hai mươi năm, có người ba mươi năm và có người hơn bốn mươi năm không đi xưng tội, không rước lễ, không đến nhà thờ, nay đã khóc vì vui mừng được nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa đối với họ trong ngày đại lễ Phục Sinh này, và có rất nhiều người chung quanh chúng ta đã chia sẻ những cảm nghiệm mà Chúa đã tỏ lòng thương xót họ qua cuộc sống có nhiều khổ đau hơn là sung sướng, nhiều lo âu hơn là hạnh phúc, thế nhưng họ đã được lòng thương xót của Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh đánh động, thôi thúc, làm cho tâm hồn của họ dấy lên sự hối hận và ăn năn, rồi trở về trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, qua sự khổ nạn và phục sinh của Đức Chúa Ki-tô đã trở nên rõ ràng hơn và ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta: một tai nạn, một sự gặp gỡ đầy thân ái với bạn bè, một lời nói vô tình của người thân, một hoàn cảnh rất thuận lợi, đã khiến chúng ta hồi tâm suy nghĩ đến Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và nhân loại đến chừng nào...

2. Lòng Thương Xót của Chúa nơi các Bí Tích.
Đức Đức Chúa Giê-su đã sống lại, sự sống lại này đã làm cho các bí tích tuôn đổ ơn thánh của Ngài trên trần gian, có hiệu lực và một bảo chứng vĩnh viễn cho Giáo Hội và cho tất cả những người tin vào Ngài.

Nơi các bí tích lòng thương xót của Thiên Chúa được thố lộ rất rõ ràng, đặc biệt là bí tích Giao Hòa và bí tích Thánh Thể:

Nơi bí tích Hoà Giải chúng ta được thấy rõ ràng lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta, bởi vì chúng ta đã chết, nay trong bí tích Hoà Giải này chúng ta đã được sống lại. Không một người nào và quyền năng nào ở trần gian làm được điều ấy, chỉ có Thiến Chúa là Đấng hay thương xót mới làm như vậy để không một con chiên nào được trao phó cho Đức Chúa Ki-tô phải mất đi , đón nhận bí tích Hoà Giải cách chân thành là đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa trên chúng ta.

Nơi bí tích Thánh Thể lòng thương yêu vô bờ bến của Thiên Chúa càng nổi bật hơn, bởi vì không những làm cho tội nhân được sống lại mà thôi, nhưng Thiên Chúa cũng đã nuôi dưỡng họ được sống đời đời bởi Máu Thịt của Con Một Ngài là Đức Đức Chúa Giê-su Ki-tô. Đón nhận Thánh Thể mỗi ngày là đón nhận cách công khai tình yêu của Thiên Chúa, đón nhận Thánh Thể mỗi ngày là trang bị cho mình một vũ khí siêu hạng để chống trả với những cơn cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn thân mến,
Nhận ra được lòng thương xót của Chúa là đón nhận sự bình an mà Ngài đã ban cho chúng ta sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, sự bình an này ở nơi bí tích Hoà Giải và bí tích Thánh Thể.

Thật vậy, không một người Ki-tô hữu nào cảm thấy mình thất vọng lo âu sau khi hoà giải với Thiên Chúa và tha nhân trong toà cáo giải, cũng không một người Ki-tô hữu nào cô đơn chán chường sau khi đón nhận Mình và máu Thánh Đức Đức Chúa Giê-su, nhưng họ sẽ trở nên người mới trong cuộc sống hôm nay, họ sẽ mạnh dạn hơn và vui sống hơn, vì họ đã nhận ra lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho họ.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.  
----------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info