Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Chúa nhật 22 thường niên

 


CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 14, 1.7-14.

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

 

Anh chị em thân mến,

Con người ta ai cũng có sĩ diện, chức quyền càng cao thì sĩ diện càng lớn, sĩ diện càng lớn thì nhân cách lại nhỏ đi, cuối cùng trở thành một kẻ kiêu ngạo làm trò cười cho thiên hạ.

Đức Chúa Giê-su không những là Thiên Chúa làm người, là Cứu Chúa và là thầy của của nhân loại, mà Ngài còn là nhà tâm lý dạy cho chúng ta những bài học về cách đối xử với nhau trong cuộc sống hằng ngày, mà trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Ngài đã dạy cho chúng ta hãy sống khiêm tốn với nhau trong cuộc sống đời thường.

Khiêm tốn khi được làm khách danh dự tiệc

Ở đời, ai cũng có một lúc nào đó được mời đi dự tiệc, và ai cũng thích được người khác chú ý đến mình trong bữa tiệc, địa vị càng cao thì càng thích người khác biết đến, càng được nhiều người biết đến thì càng hãnh diện và cảm thấy mình là người quan trọng, đó chính là mầm móng của kiêu ngạo.

Đức Chúa Giê-su khuyên bảo chúng ta khi được người khác mời đi dự tiệc thì hãy chọn chỗ ngồi cuối trong bàn ăn, là để cho chúng ta thấy giá trị đích thực của khiêm tốn không phải là nơi dáng vẻ bên ngoài, nhưng là tâm tình bên trong của  một tâm hồn không coi địa vị như là một bàn đạp để hãnh tiến, nhưng coi địa vị như một công cụ để phục vụ tha nhân, chứ không phải là để ăn trên ngồi trước.

Địa vị tự nó không phải là một bức tường ngăn trở chúng ta đến với Thiên Chúa và với tha nhân, nhưng chính thái độ của chúng ta làm cho địa vị như là một hố sâu ngăn cách giữa mình với tha nhân, đó là thái độ kiêu ngạo kẻ cả của mình khi xuất hiện giữa đám đông, chẳng hạn như khi được mời tham dự các cuộc ăn uống hay những cuộc hội họp của những người khác.

Có những người tranh giành chỗ ngồi nhất trong bàn tiệc, những người dự tiệc khác cũng đã làm như thế, bởi vì ai cũng coi sĩ diện của mình lớn hơn nhân cách của người khác.

Khiêm tốn đích thực

Đức Chúa Giê-su tận mắt chứng kiến cảnh người ta đi dự tiệc tranh giành nhau để ngồi chỗ trên, Ngài không muốn các môn đệ của mình làm như thế khi được mời dự tiệc, nhưng Ngài muốn dạy các môn đệ và chúng ta sống có nhân bản hơn trong cuộc sống đời thường, cái nhân bản ấy chính là sống hài hòa với mọi người, cho dù mình có địa vị và chức vụ cao trong xã hội hay trong Giáo Hội.

Cái mà Đức Chúa Giê-su đề cập đến chính là “tự nhắc mình lên” của con người, bởi vì khi tự mình nhắc mình lên thì không những không có giá trị gì, mà lại còn trở thành kiêu căng lố bịch trước mặt mọi người, và như thế phẩm cách của họ cũng theo đó mà bị hạ xuống. Người có tâm hồn khiêm tốn đích thực thì dù được ngồi ở trên, hay ngồi ở cuối cùng thì vẫn là người khiêm tốn, bởi vì sự khiêm tốn không hệ tại nơi chỗ ngồi rốt cùng hay ngồi chỗ cao hết trong bữa tiệc, bởi vì có khi ngồi bàn cuối cùng nhưng tâm hồn thì khiêu ngạo phàn nàn oán trách chủ nhà không nể mình.

Có địa vị hay không có địa vị thì người khiêm tốn vẫn cứ là người khiêm tốn, ngồi trên bàn cao hay ngồi bàn dưới bàn thấp thì vẫn cứ là người khiêm tốn như thường, bởi vì sự khiêm tốn chính là học được bài học từ nơi Thập Giá của Đức Chúa Giê-su, tức là sự hy sinh bỏ mình, và cũng là học khiêm tốn từ nơi bàn tiệc Thánh Thể trên bàn thờ mỗi ngày khi dâng thánh lễ, đó là yêu thương và  khiêm tốn.

Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta cần có sự khiêm tốn khi được bạn hữu mời đi ăn tiệc, chính là Ngài nhắm đến bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày mà chúng ta tham dự, đó là thánh lễ Mi sa. Nơi bàn tiệc thánh này, cái cần phải có của chúng ta là sự khiêm tốn “chọn chỗ rốt hèn” như chính Đức Chúa Giê-su đã hết sức khiêm hạ trở nên tấm bánh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

Nơi bàn tiệc thánh này sự khiêm tốn càng nổi nét hơn, khi mỗi người trong chúng ta biết khiêm tốn phục vụ tha nhân sau khi tham dự bàn tiệc thánh trên bàn thờ.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

-----------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


3. BỐ MẸ CỦA ĂN MẶC

        Có một người vừa được thăng làm quan huyện, dân chúng cùng nhau kéo đến cáo trạng, quan huyện phấn khởi bỏ bút son xuống bàn án, đi xuống thính đường chấp tay vái vái những người đến cáo trạng, sai dịch sửng sốt hỏi:

-         “Họ chẳng qua là dân chúng dưới tay của ngài, có oan khuất mới đến cáo trạng và mong ngài đem lại sự công bằng cho họ, tại sao lão gia lại cung kính họ như vậy chứ ?”

        Quan huyện nói:

-         “Các ngươi không biết, người đến cáo trạng chính là bố mẹ sự ăn mặc của ta, sao lại không kính trọng họ chứ ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 3:

        Quan huyện cung kính vái chào dân chúng đến cáo trạng, vì ông ta biết rõ là cơm mình ăn áo mình mặc là của người dân cáo trạng đến hối lộ, cho nên coi họ như cha mẹ, đúng là một vị quan hiểu thấu tâm lý bá tánh.

        Giáo dân thời nay nhận xét có một vài linh mục mà trong cách sống của các ngài không có nhân bản, nhất là các linh mục trẻ, bởi vì các ngài chưa ý thức đủ mình làm linh mục cho ai, cho gia đình hay cho Giáo Hội, cho cá nhân hay cho giáo dân, cho nên các ngài “chưa dám” cúi mình để chào hỏi giáo dân trước khi họ chào mình, cho nên các ngài “chưa đủ” can đảm để xin lỗi khi mình sai lỗi. Nhà xứ các ngài ở, nhà thờ các ngài phục vụ, cơm các ngài ăn, áo quần các ngài mặc, xe các ngài đi.v.v... đều không phải bởi sự yêu thương của giáo dân hay sao ?

        Giáo dân thời nay ít câu nệ hình thức bên ngoài, và trong thâm tâm họ cũng không muốn các linh mục hạ mình với họ, nhưng cái họ muốn nơi các linh mục là sống khiêm tốn, hòa đồng vui vẻ nhưng nghiêm trang đứng đắn, phục vụ Chúa tận tình trong giáo xứ là đủ rồi.

        Đó cũng là ý muốn của Giáo Hội trong thế giới ngày nay vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


2.  QUAN SỨ THAM LAM GIỮ NHÀ XÍ

        Có một tên quan sứ tham lam, thấy gì cũng vơ, không ai là không bị hắn ta hại.

        Có một người bạn vừa đùa vừa giỡn nói với hắn ta:

-         “Tôi xem, chỉ có cách là để anh coi nhà xí, anh mới không có cớ để lấy đồ vật của người khác”.

        Tên quan sứ tham lam ấy bèn nói:

-         “Nếu để tôi đi coi nhà xí, người muốn đi nhà xí thì tôi không cho họ đi, người không muốn đi nhà xí thì tôi bèn bức bách họ đi, cứ như vậy mà làm thì lo gì mà không có người đưa tiền cho tôi chứ ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 2:

        Người có ý định ăn cắp thì chỗ nào cũng có thể ăn cắp được, người có ý định phạm tội thì nơi nào cũng có thể phạm tội được, bởi vì lòng dạ họ lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ăn cắp, phạm tội. Coi nhà xí là công việc bần cùng của một vị quan, nhưng không vì thế mà ông ta hồi tâm suy nghĩ, trái lại ông ta cũng có cách để lấy tiền của người ta.

        Cũng vậy, người có lòng ganh ghét đố kỵ anh em chị em, thì bất kỳ ở đâu, dù giữ chức vụ nào cũng đều bày tỏ tâm hồn ích kỷ của họ, những người này nếu có được quyền lực trong tay thì không làm gì để đem lại sự đoàn kết cho cộng đoàn, bởi vì chính tâm hồn họ luôn có những âm mưu tính toán để lợi mình hại người.

        Nếu người Ki-tô hữu luôn có tâm hồn ghen ghét thì họ không phản chiếu lại ánh sáng của tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống, và do đó họ rất dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho ma quỷ lợi dụng; nếu người luôn có lòng ghen ghét và tị hiềm anh em là một linh mục hay tu sĩ, thì ma quỷ sẽ ăn mừng lớn, bởi vì chúng nó đã có những vị tướng làm “nội công” đánh phá Giáo Hội và gây chia rẽ trong cộng đoàn dân Chúa...

        Nguy hiểm thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 6)

 


1.     ÔNG GIÓ NỒM

Có một ông chủ nhà giàu nhưng keo kiết lạ thường, khi con trai đã lớn thì muốn mời một thầy giáo đến dạy học cho con, nhưng điều kiện để được nhận làm thầy giáo là phải không ăn không uống.

Có người giới thiệu với ông ta:

-         “Có một người không ăn uống, chỉ thích ăn mùi vị của gió nồm.”

Ông chủ nhà giàu nghe được bèn gấp gấp bàn hỏi với vợ, bà vợ suy lui nghĩ tới rồi lắc đầu liên tục nói:

-         “Nếu một ngày nào đó có gió bấc thổi đến thì ông lấy thứ gì để cho ông ta ăn ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 1:

Người keo kiết lạ thường thì cách suy nghĩ cũng lạ thường không như những người khác, cái lạ thường của người keo kiết là không muốn người làm việc cho mình ăn uống gì cả, chỉ lo làm mà thôi...

Có những người dáng vẻ bên ngoài không “keo kiết lạ thường” nhưng tâm hồn của họ thì luôn tràn đầy sóng gió, nghĩa là không được bình an, vì họ luôn “đâm bên này, thọt bên kia” khi thấy anh em chị em làm được việc hơn họ, bởi vì con mắt của họ không nhìn vào tâm hồn của mình để coi tốt hay xấu, mà cứ nhìn soi mói những khuyết điểm của anh em chị em mà phê bình, mặc dù anh em chị em có rất nhiều ưu điểm hơn họ...

Người có tính “keo kiết lạ thường” là vì sợ hết của cải, xét cho cùng thì cũng không trầm trọng lắm cho bằng người “keo kiết lạ thường” trong đời sống tu đức, bởi vì những người này không phải họ không muốn người khác không ăn không uống, nhưng chính họ đã khước từ tình anh em chị em khi họ cứ bất bình và thù hận trước những ưu điểm của người khác trỗi vượt hơn mình.

Chúng ta rất dễ dàng nhận ra người keo kiệt lạ thường trong tâm hồn, đó là khi họ keo kiết với mọi người một nụ cười thân thiện, khi họ keo kiết nói một lời cám ơn, khi họ keo kiết một lời tán thưởng người khác.v.v...những keo kiết lạ thường ấy thường làm cho họ gần gủi với ma quỷ và những nịnh bợ của thế gian, hơn là gần gủi với tha nhân và ơn sủng của Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


101. SAU KHI GIÀU CÓ

Một người nọ sau khi giàu có thì trở thành kiêu ngạo. Một sáng nọ ông ta đi coi hoa, sau khi về nhà thì cổ họng nói không ra tiếng với vợ:

-      “Tôi bệnh rồi bà ạ”

Bà vợ hỏi bệnh gì, ông ta nói:

-         “Lúc coi hoa thì bị giọt nước trên hoa tường vi rơi trúng, lạnh chịu không nổi, mau đi mới bác sĩ”.

Vợ nói:

-         “Hồi mới đầu tôi và ông cùng nhau đi xin ăn ở chùa Khổ Trúc Lâm, mưa lớn ướt cả một đêm cũng không thể nghiêm trọng như thế này, ông đều quên rồi sao ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 101:

        Con người ta khi gia cảnh còn nghèo túng thì dù mưa to gió bão cũng không làm gì được họ, nhưng đến khi giàu có thì đầu trần ra nắng một chút cũng sợ bị cảm, gió hơi mát một chút cũng sợ nhức đầu sổ mũi...

        Có người khi nghèo túng thì từ cách nói năng đi đứng đều không có thói quen lịch sự, hoặc lễ giáo gia phong, nhưng khi có vài đồng lẻng kẻng trong túi thì phê bình người này không lịch sự với mình, người kia bê bối, người nọ mất dạy.v.v...

        Có người khi có tiền trong túi thì học làm sang chảnh chọe chê bai cơm dở nước hôi; có người thích trở thành tiểu thơ đài các cái chi cũng không muốn làm vì sợ nhan sắc đen đủi xấu xí, khác với khi còn nghèo nàn cái chi cũng không chừa, miễn có cơm ăn là được, bất kể nắng cháy khét tóc, nước mưa ăn mòn chân.

        Người được gọi là anh hùng là người không những không thay đổi theo hoàn cảnh mưa nắng, mà còn là người trung kiên trong cách sống của mình dù cho có tiền hay không có tiền, dù cho phú túc hay nghèo khó, vì tâm hồn họ đã có một thứ giàu có hạnh phúc, đó là tinh thần vui tươi của Phúc Âm.

        Không ai có thể quên được cảnh hàn vì xưa kia của mình, nhưng cũng có rất nhiều người quên đi cái quá khứ đói rách của mình để trở thành người kệch cợm với thói xa hoa phung phí chảnh chọe của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


100. HOÀ THƯỢNG ĐỔ TỘI CHO NGƯỜI

Nhà của phú hộ nọ ở sát bên chùa, có một hoà thượng nửa đêm mò qua nhà phú ông để trộm đồ, vừa đưa tay lấy trộm thì bị bắt quả tang.

Chủ nhà chạy ra đuổi theo, hoà thượng ấy sợ ông chủ lấy mạng mình nên lúc chạy thì bị té trong đống bùn nhão, cả thân toàn là bùn.

Hoà thường gấp gấp đứng dậy chạy và sợ chủ nhà nhận ra được cái đầu trọc của hoà thượng mà tố cáo, nên vội vàng lấy bùn trên tay bôi trên thân mình và vẽ ra hình dáng một đạo sĩ đang đội mũ, rồi tự nói với mình:

-     “Cứ vu khống cho đạo sĩ làm là xong !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 100:

        Cái dễ dàng đập vào mắt các tín hữu nhất là cái áo dòng hoặc cái áo chùng thâm đen của các linh mục và tu sĩ, cái làm cho người ta nhận ra đâu là một tu sĩ chân chính, chính là đời sống phục vụ trong khiêm tốn và trong yêu thương của họ.

        Và cứ dấu này mà người ta cũng rất dễ dàng nhận ra đâu là một tu sĩ và linh mục ít cầu nguyện, ít suy gẫm, đó là họ có cuộc sống hưởng thụ và đua đòi và vì thế họ ít khi thân thiện với người nghèo. Bởi vì một tu sĩ luôn cầu nguyện và suy ngắm thì không thể cam tâm sống hưởng thụ được, đối với họ có cũng như không, không cần thiết; bởi vì một linh mục nhiệt tâm và có thánh đức thì không học đòi hưởng thụ xa hoa như người đời, không thích đến nhà người nghèo nhưng ngày nào cũng đợi các đại gia đem xe đến mời đi ăn nhà hàng, không thích chào hỏi người nghèo chỉ thích a-lô với những người có máu mặt, không muốn người khác làm bận rộn mình nhưng lại thích bận rộn với người giàu có...

        Có một vài tu sĩ và linh mục sống xa hoa và hưởng thụ, họ chẳng khác chi tên hoà thượng lấy bùn trát lên mặt thành một người bận rộn, rồi đổ lỗi cho vì nhu cầu mục vụ...!!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)