Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Chúa nhật 4 Mùa Vọng

 


CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG


Tin mừng : Lc 1, 39-45
“Bởi đâu mà tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này ?”

Bạn thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ tư mùa vọng, chủ đề của Tin Mừng hôm nay là viếng thăm, chính là đức ái. Cuộc sống của người giữa người với nhau đều có những quan hệ để sống tồn, để yêu thương, để giúp đỡ, để chia vui và để chia buồn, bởi vì không ai là một hòn đảo.
Đức Mẹ Ma-ri-a đã đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét để trước hết là phục vụ, và sau nữa là loan báo tin vui Đấng Cứu Thế đã giáng trần, ơn cứu độ đã đến với nhân loại, một cuộc thăm viếng đơn sơ không kèn không trống đón chào nhưng niềm vui ngợp trời đất, không diễn văn khoa trương nhưng lột tả được tất cả những kỳ công của Thiên Chúa đã làm cho con người, đó là tình thương cứu độ.
Tình thương cứu độ này được đón nhận trước hết là thai nhi trong bụng của bà Ê-li-sa-bét –thánh Gioan Tiền Hô- ngài đã nhảy mừng lên khi còn trong bụng mẹ và đã được khỏi tội nguyên tổ, một cuộc viếng thăm tràn ngập niềm vui của Mẹ Ma-ri-a tại nhà người chị họ của mình.
Trong cuộc sống của bạn và tôi, cũng như bất cứ người nào cũng đều có những cuộc thăm viếng nhau trong cuộc sống, những cuộc thăm viếng này rất đa dạng :
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả niềm vui cho người được thăm viếng.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả giận hờn, làm cho người được thăm viếng buồn phiền và lo âu.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả hận thù, làm cho người được thăm viếng sợ hãi...
Tiếp xúc và thăm viếng nhau là cơ hội để đem lại cho nhau niềm vui và sự cảm thông, đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người trong chúng ta.
Bạn thân mến,
Chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm giáng sinh hơn những người khác, chúng ta càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa thăm viếng của Đức Mẹ Ma-ri-a với bà Ê-li-sa-bét, nghĩa là chúng ta sẽ đem tình yêu của Chúa đến cho tha nhân khi chúng ta đến viếng thăm hoặc là tiếp xúc với họ, chúng ta đóng vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a đem Chúa đến cho mọi người bằng cung cách phục vụ trong khiêm tốn của chúng ta.
Đức Mẹ Ma-ri-a đón mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa bằng cách phục vụ người chị họ như một “tôi tớ hèn mọn”, Mẹ cũng muốn chúng ta khi chuẩn bị đón mừng lễ giáng sinh con của Mẹ, thì đồng thời cũng giang tay tiếp đón những Giê-su nghèo khó bên vệ đường, những Ê-li-sa-bét lam lũ quần quật giữa cảnh đời không có tương lai...
Đó chính là lời mời gọi đức ái của Đức Mẹ Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


63.          CÙNG NHAU PHA TRÒ

Giữa năm Tống Thần Nguyên Phong, nước Cao Ly phái một tăng nhân đi cống.

Một ngày nọ, cùng với Dương Thứ Công ra câu đối trên bàn tiệc, lấy tên họ của hai người xưa tranh nhau một vật làm chủ đề. Tăng nhân nói:

-         “Người xưa có Trương Lương và Trịnh Vũ cùng tranh nhau một cái dù, Lương nói “dù của lương[1]”, Vũ nói “dù của vũ[2]”.

Dương Thứ Công nói:

-         “Người xưa có Hứa Do và Sào Thố tranh nhau một cái hồ lô. Do nói: “hồ lô của do[3]”, Thố nói: “hồ lô của thố[4]”.

(Chử Ký Thất)

 

Suy tư 63 :

        Con người ta từ thuở xa xưa đã tự cho mình có quyền sở hữu của tôi và của anh, của cá nhân và của tập thể, của gia đình và của xã hội, của bên này và của bên kia.v.v...vì thế cho nên thường xảy ra những bất hòa và bất đồng trong cuộc sống, rồi hậu quả là chiến tranh lớn nhỏ xảy ra, chiến tranh nhỏ thì trong phạm vi gia đình, hàng xóm, lớn thì trong phạm vi xã hội và giữa các quốc gia...

        Quyền sở hữu là quyền tự do cao nhất mà Thiên Chúa ban cho con người, để con người dùng cái sở hữu ấy mà thăng tiến mình và làm đẹp xã hội, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể, chứ không phải là để thống trị nhau.

        Người Ki-tô hữu cũng có quyền sở hữu như những người khác, bởi vì họ cũng làm lụng đổ mồ hôi mới có của cải vật chất, nhưng họ biết dùng quyền sở hữu những cái mà mình có ấy để thăng tiến đời mình và thay mặt Thiên Chúa giúp đỡ những người nghèo khác, đó là quyền sở hữu có ý nghĩa nhất.

        Có tranh chấp là vì lòng tham lam đã xâm nhập vào quyền sở hữu, nó làm cho con người ta trở thành nô lệ cho cái mình có hơn là làm chủ nhân của nó. Chỉ có những ai biết hằng ngày cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho mình lương thực hằng ngày mới không biết tranh chấp mà thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] đọc là “liang” nghĩa là lương thiện, cũng đọc là “liang” nghĩa là mát, là ngã lòng, đồng âm khác nghĩa.

[2] đọc là “yu” nghĩa là vũ, cũng đọc là “yu” nghĩa là vũ (mưa), đồng âm khác nghĩa.

[3] đọc là “you” nghĩa là do, cũng đọc là “you” nghĩa là du (dầu), đồng âm khác nghĩa.

[4] đọc là “cuo” nghĩa là thố, đọc là “cu” nghĩa cũng là thố (giấm).

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


62.          HƠI KHÓI KHÓ ĂN

Giữa năm Can Phù đời nhà Đường, có một thư sinh xuất thân từ gia đình hào phú, thừa hưởng công lão của tổ tiên mà được đãi ngộ chu đáo, mặc thì lụa là gấm vóc, ăn thì sơn hào hải vị.

Anh ta đã nói với Thánh Cang hòa thượng:

-         “Hể dùng than gỗ để nấu cơm, thì phải dùng lửa để cho than gỗ nung nóng lên sau đó mới nấu cơm, bằng không khói của lửa làm cho cơm không ngon”.

Về sau, nông dân bạo động công hãm địa phương ấy, mấy người anh em của anh ta cùng với hòa thượng Thánh Cang chạy nạn, núp trong cỏ tranh ở trên núi, ba ngày không có gì ăn.

Sau khi nông dân rút quân lui, họ đi bộ đến một tiệm nhỏ để mua gạo nấu cơm ăn, thì cảm thấy ăn ngon hơn cả cơm trắng thịt cá, hòa thượng Thánh Cang cười nói:

-         “Đây không phải dùng than củi để nấu, cho nên có hơi khói”.

Người thư sinh xấu hổ và cũng không thể cười.

(Chử Ký Thất)

 

Suy tư 62 :

        Có những người sung sướng từ nhỏ, khỏi phải lo ăn lo mặc như những con nhà giàu khác, nên khi ăn uống thì kén chọn thức ăn phải ngon, áo quần mặc phải đẹp, họ trở thành những con người vô cảm trước những nghèo khổ của người chung quanh mình.

        Có những người có thói quen hưởng thụ nên không thấy những nỗi vất vả của cha mẹ, không thấy sự khổ nhọc của lao động, nên mạnh tay tiêu tiền như đốt giấy vào những cái thích chơi ngông của mình.

        Có những người nghèo rách mồng tơi nhưng thích đua đòi và xài sang, họ không mở mắt ra để thấy gia đình con cái đang đói khổ và buồn phiền vì sự vô trách nhiệm của họ.

        Cái khó nuốt nhất khi ăn cơm không phải là cơm hôi mùi khói, cũng không phải là thức ăn dở, nhưng chính là tâm hồn của chúng ta không thấy được mồ hôi và nước mắt do công khó của người nấu ăn mà thôi, nếu chúng ta nhìn ra được điều ấy thì bữa cơm sẽ ngon hẳn lên dù thức ăn không ngon, bởi vì mâm cơm chính là hạnh phúc của gia đình vậy.

        Người Ki-tô hữu nào cũng nhận ra điều ấy, bởi vì mỗi lần gia đình dùng cơm chung với nhau, thì đó là mô hình bữa tiệc yêu thương của Đức Chúa Giê-su: yêu thương và phục vụ.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện


 

61. TIẾC CHO NHÂN PHẨM

Có một ông quan tư khấu giảng dạy giỏi, tiếng đồn vang xa.

Một hôm, ông ta nhận được một lá thư từ phương xa gởi đến, sau khi đọc xong thì bi thương chảy nước mắt.

Có một học sinh trẻ tuổi hỏi nguyên nhân, tư khấu trả lời:

- “Ông thầy giáo già nọ đã chết rồi, không phài ta đau buồn cho cái chức quan của ông ta, nhưng ta chỉ tiếc là nhân phẩm của ông ta rất tốt”.

Anh học sinh trẻ nói:

- “Không phải đâu, xưa nay hể làm quan lớn thì nhân phẩm tự nhiên là phải tốt thôi”.

Tư khấu câm miệng không đáp lại được.

(Hài sử)


Suy tư 61:

Ở đời không có gì quý cho bằng nhân phẩm, nhân phẩm tức là phẩm chất của một con người, mà phẩm chất chính là cái đạo đức nhân bản làm người của chúng ta vậy. Người sống có nhân phẩm dù có chết đi thì tiếng tốt vẫn còn lưu danh mãi, cho nên nhân phẩm chính là cái bất diệt của con người nếu chúng ta biết quý trọng nó.

Không tiếc cái chức vụ của người chết mà chỉ tiếc cái nhâm phẩm của họ là chuyện hiếm có của người đời, bởi vì rất ít người để ý đến nhân phẩm của người khác sau khi họ chết, mà chỉ nghĩ đến cái chức vụ, cái quyền uy rồi tiếc cho họ mà thôi.

Người Ki-tô hữu cũng như những người khác luôn coi trọng nhân phẩm của mình, nhưng nhân phẩm càng được quý giá hơn khi chúng ta đem ánh sáng Tin Mừng áp dụng vào trong cuộc sống của mình, bởi vì nhân phẩm vốn là những đức tính nhân bản phải có của con người, mà nếu không đem lời của Đức Chúa Giê-su áp dụng vào, thì nhân bản sẽ dần dần mai một hoặc chỉ là chuyện khách sáo bên ngoài cho đến khi không còn nhân phẩm nữa mà thôi.

Hổ chết để da, còn người Ki-tô hữu chết thì để lại đức hạnh và tiếc thương trong lòng mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện


 

60. CON NGU ĐỐI “RẤT TUYỆT”

Ở Hà Nam có một trí thức mời thầy đến dạy cho con mình là một đứa con rất ngu dốt.

Một lần nọ, thầy giáo thảo ra một câu đối và kêu học trò đối lại:

- “Trước cửa nước xanh sẽ chảy qua”.

Học trò đối lại:

- “Trong phòng núi xanh nhảy phóc ra”.

Người trí thức thấy tình cảnh ấy thì rất bực bội và cho rằng đứa con thật không thể thành tài.

Lại có một ngày, người trí thức đi theo thầy giáo đi đến chùa để thăm khách, đạo sĩ Bành Thanh Sơn (thanh sơn là núi xanh) là người bị thọt chân, nghe nói có người trí thức đến liền nhảy lò cò ra nghênh tiếp.

Thầy giáo nói với người trí thức:

- “Hôm qua công tử đối “trong phòng núi xanh nhảy phóc ra” rất đúng ạ, thật là đúng ạ !”

(Hài Sử)


Suy tư 60:

Trên thế gian này không phải hể người giỏi là nói không sai, cũng không thể nói tất cả những người ngu đều...dốt, bởi vì người ngu nói mười câu thì cũng đúng một câu, người giỏi nói mười câu thì cũng có một câu không đúng.

Có người giỏi về lý thuyết và có người giỏi về thực hành, có ngừơi giỏi về khoa học và có người giỏi về văn chương.v.v...cho nên khi chỉ trích người khác ngu dốt là điều phải xét lại, bởi vì nhân vô thập toàn.

Đức Chúa Giê-su hiểu rất rõ về sự giới hạn của con người nên Ngài đã dạy bảo chúng ta đừng nói anh em là ngu, cũng đừng chửi mắng anh em là khốn nạn, bởi vì tài năng và trí tuệ của con người đều bởi Thiên Chúa ban cho, cho nên khi chửi mắng và chê người khác là ngu là đần, thì chính chúng ta đã chửi Thiên Chúa ngu đần vậy.

Thiên Chúa không coi ai là ngu đần thì chúng ta cũng đừng chê người khác là ngu dốt; Thiên Chúa cũng không đòi hỏi con người ta làm gì vượt quá sức lực và trí óc của mình, thì chúng ta cũng đừng đòi hỏi người khác phải thập toàn hoàn hảo...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 59.          TIẾC CÁI ĐUÔI

Có con chim khổng tước, đuôi của nó nhấp nháy những đường văn kim tuyến vằn, đẹp cực kỳ, nhưng bản tính của nó thì hay ghen ghét, mặc dù đã thuần dưỡng rất lâu, nhưng chỉ cần nhìn thấy nam nữ và trẻ con mặc áo quần tơ lụa, thì nhất định phải đuổi đến để cắn mổ họ.

Một hôm nó đang đậu trong núi, và việc trước tiên là tìm ch để giấu cái đuôi của mình thì mới có thể an thân. Đột nhiên trời đổ mưa, có mấy thợ by chim đem lưới nhè nhẹ đi qua, nhưng vì nó sợ cái đuôi bị mưa ướt nên không dám dang cánh bay cao, cuối cùng bị thợ by chim bắt được nó.

(Quyền tử)

 

Suy tư 59:

        Người có tính hay ghen ghét là người chỉ thỏa mãn chính mình mà không thích sự thành tựu của người khác, cho nên họ thường hay cau có mặt mày và cảm thấy ăn không ngon ngủ không yên khi có người khác tri vựot hơn mình; người có tính hay ghen ghét là người ích kỷ chỉ biết đến những nhu cầu nho nhỏ của mình để đòi hỏi, mà không biết đến những nhu cầu cấp thiết của tha nhân, nên họ thường hay phàn nàn kêu ca người này trách móc người kia...

        Con chim khổng tước chỉ biết cái đuôi của mình đẹp mà không thấy cái nguy hiểm đang rình mò sau lưng nên đã bị bắt, cái đuôi dù cho có đẹp mấy chăng nữa thì cũng không quý bằng mạng sống, cái đuôi bị rụng lông thì có ngày sẽ mọc lại, nhưng sự sống mất đi thì chẳng còn gì là đẹp với xấu.

        Người Ki-tô hữu khác với những người khác ở ch là họ biết khuyến khích những người có tài năng mà không tính toán hơn thiệt, biết cộng tác với những người giỏi hơn mình mà không ghen ghét, đó là vì người Ki-tô hữu không nhìn thấy cái đuôi đẹp (tài năng) của mình để che giấu, nhưng nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện qua sự nổ lực làm việc của tha nhân, đó chính là họ đang dang cánh bay vút lên cao vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)