Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Chúa nhật 15 thường niên

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN
 

 
Tin mừng : Lc 10, 25-37.
“Ai là người thân cận của tôi ?”
Bạn  thân mến,
Trong cuộc sống của chúng ta có nhiều câu hỏi được dặt ra cho mình: tôi phải làm gì để có tiền ? Tôi phải làm gì để học giỏi ? Tôi phải làm gì để người yêu tôi được vui vẻ, tôi phải làm gì để giành được địa vị giám đốc.v.v… và có rất nhiều câu hỏi mà bạn và tôi đã đặt ra cho mình cũng như cho người khác khi có những nhu cầu đòi hỏi…
Nhưng có lẽ chưa một ai trong chúng ta tự hỏi mình: “Ai là người thân cận của tôi” như người thanh niên thông luật đã đã hỏi Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay.
1. Người thân cận của tôi là ai ?
Người thân cận của tôi trước hết là “cái tôi” của mình, cái tôi này đã làm cho tôi có lúc như nổi loạn vì bất mãn với người khác, bất mãn với cuộc sống hiện tai, bất mãn với đời sống cộng đoàn.
Người thân cận của tôi tiếp theo là vợ chồng con cái của tôi, những người thân cận này vì yêu thương họ mà tôi phải làm việc mệt nhọc, phải thức khuya dậy sớm, và có khi vì yêu thương họ mà tôi phải phạm pháp, phải hối lộ, phải chửi nhau với người khác để kiếm tiền chăm sóc họ.
Người thân cận của tôi cũng chính là cha mẹ anh chị em ruột thịt của tôi, vì họ mà có lúc tôi bỏ đường danh vọng theo ý mình để nghe lời cha mẹ làm những việc khác mà tôi không thích, vì anh em thân cận mà có lúc tôi phải trở thành người xa lạ với những người đã nâng đỡ tôi trong cuộc sống…
Người thân cận của tôi cũng chính là bạn bè thân hữu, họ đã chơi rất thân với tôi, và vì nể bạn bè mà có khi tôi phải nhậu nhẹt với họ sau giờ làm việc, có khi thức suốt đêm để ăn chơi rượu chè quên mất đường về nhà…
Đó là những người thân cận của tôi ngày hôm nay, cũng như những người thân cận mà người Do Thái thời Đức Chúa Giê-su đã quan niệm.
Đức Chúa Giê-su không trả lời với người thanh niên thông luật rằng: người thân cận của anh là cha mẹ, là anh chi em, là vợ chồng của anh, là bạn hữu của anh. Bởi vì đó là mối “thân cận” thường tình của con người, mối thân cận này thường làm cho người ta dễ dàng đi đến thái độ thờ ơ, dửng dưng với người xa lạ không quen biết, mà Nước Trời thì không phải chỉ dành cho bà con bạn hữu hay của một nhóm người mà thôi.

2. Người thân cận của tôi là ai ?
Đó là người Sa-ma-ri-a nhân hậu mà Đức Chúa Giê-su đã nói trong bài dụ ngôn hôm nay, là người biết thương xót nỗi bất hạnh của người khác.
Người Sa-ma-ri-a nhân hậu ấy là người thân cận của tôi, họ là người ngày hôm qua chửi tôi trong cuộc họp cộng đoàn, họ là người ngày hôm qua phê bình tôi giữa đám dông dân chúng, họ là người mà thường ngày tôi ghét cay ghét đắng vì thái độ hách hách của họ, họ là người mà tôi quyết tâm sẽ trừng trị họ cho bỏ ghét trong xí nghiệp của tôi…
Những người Sa-ma-ri-a ấy là người thân cận của tôi, vì ích kỷ, vì kiêu ngạo, vì ghét ghen mà tôi biến họ thành kẻ thù của tôi, nhưng Đức Chúa Giê-su đã dạy cho tôi biết cách nhìn xa hơn và hướng thiện hơn: con người ta ai cũng có một tâm hồn biết thương xót. Người Sa-ma-ri-a là kẻ thù của người Do Thái nhưng họ vẫn sẵn sàng xuống ngựa và cúi xuống ôm lấy người Do Thái bị nạn đang nằm bên vệ đường, tấm lòng của họ tốt lành hơn các tư tế và các thầy Lê Vi của người Do Thái gấp trăm ngàn lần…
Đức Chúa Giê-su rất có lý khi đưa ra dụ ngôn tuyệt vời này, cái lý lớn nhất của Ngài là mọi người đều là anh em của nhau và con cùng một Cha trên trời, từ cái lý này mà sinh ra nhiều lý khác rất hợp với lời rao giảng của Ngài là yêu thương người như chính mình, yêu thương và làm ơn cho kẻ thù ghét mình…
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã trình bày rõ ràng cho chúng ta thấy người thân cận của bạn và của tôi là ai trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe rất rõ ràng, nhưng thực hành thì chúng ta vẫn chưa làm tốt, bởi vì chúng ta chưa thực sự là người muốn trở nên người thân cận của mọi người, khi mà chúng ta vẫn còn những phê bình ác ý, vẫn còn suy tính hơn thiệt khi giúp đỡ người khác…
Hy vọng –với ơn Chúa giúp- bạn và tôi sẽ nhìn thấy tất cả mọi người đều là người thân cận của mình, nhất là những người mà hằng ngày chúng ta tiếp xúc trò chuyện, những người mà chúng ta cho rằng “không đáng làm bạn với mình” sẽ trở nên những người thân cận của chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tiếng kêu kinh người

TIẾNG KÊU KINH NGƯỜI

 
Tề Uy vương thích dùng ẩn ngữ, lại thích uống rượu thâu đêm, say đắm trong tửu sắc dâm lạc mà bỏ bê việc triều chính, chính trị thối nát, các nước chư hầu đều đến xâm lược, nguy vong của quốc gia chỉ một sớm một chiều.

Thuần Vu Khôn thấy những người thân cận của Tề vương không dám can gián, bèn dùng ẩn ngữ nói với Tề vương:

- “Trong đô thành có một con chim lớn, hạ xuống trong hoàng cung, trong ba năm không bay mà cũng không kêu (hót). Xin hỏi đại vương đó là con chim gì ?”

Tề Uy vương nói:

- “Đó là con chim không bay mà thôi, khi bay thì bay vút trời cao, nó không kêu mà thôi, khi kêu thì kinh người !”

Thế là cho triệu tập bảy mươi hai vị huyện trưởng, cùng vào triều để tâu sự việc, khen thưởng một vị huyện trưởng làm việc tốt, giết đi một vị huyện trưởng làm việc không tốt. Xuất quân đánh phạt các nước xâm lược, các chư hầu đành phải trả đất đã cướp của Tề vương lại cho nước Tề.
(Sử ký)

Suy tư:

     Có những người thích dùng ẩn ngữ để sửa lỗi anh chị em, bè bạn, nhưng cũng có những người thích dùng những lời nói “bóng gió” để nói “móc họng” anh chị em và những người chung quanh.

Đời sống cộng đoàn cần phải có sự thông cảm và tha thứ lẫn nhau, nếu không, cộng đoàn sẽ trở thành bốn bức tường tù ngục nhốt tất cả những người trong cộng đoàn ở trong đó. Vì thế, giữa những thành viên trong cộng đoàn với nhau thì không cần phải úp úp mở mở như những người xa lạ, không đồng ý với nhau chuyện gì thì nên ngồi lại thẳng thắn với nhau, đừng dùng “ẩn ngữ” để “chơi” nhau, cũng đừng nói bóng gió để hại nhau. Bởi vì “ẩn ngữ” thì để cho các chính khách dùng để lật đổ nhau, lời nói “bóng gió” thì nên để cho con buôn ngoài chợ dùng để cãi vã, chửi rủa nhau là thích hợp…
Đời sống của một cộng đoàn tu hội thì càng không nên dùng lời bóng gió và ẩn dụ để đối xử với nhau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Dìm trẻ em xuống sông

DÌM TRẺ EM XUỐNG SỐNG
 
 
Có người từ bên kia sông đi qua, nhìn thấy một người đang ẵm một em bé đi về phía con sông, đứa nhỏ khóc thét lên.

Người bộ hành hỏi ông ta nguyên nhân, ông ta đáp: “Đừng lo, bố của nó bơi rất giỏi”

( Lữ thị xuân thu )

Suy tư:

Vì muốn con mình biết bơi lội, nên ông bố đem nó xuống sông cùng tắm với ông, dĩ nhiên là đứa bé rất sợ và khóc thét lên.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, vì muốn cho chúng ta trở nên tốt hơn, nên Thiên Chúa đã đem chúng ta “xuống sông”, tức là Ngài để cho chúng ta gặp nhiều thử thách, và trong thử thách này, chúng ta càng trưởng thành hơn. Có những lúc chúng ta sợ hãi, như em bé bị ẵm đi xuống sông tắm, chúng ta lo sợ vì thử thách quá nặng mà mình thì yếu đuối, nhưng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta, như lời Ngài đã nói với thánh Phao-lô: “Ơn ta đủ cho ngươi.”

Ơn của Chúa sẽ đủ cho chúng ta, nếu chúng ta biết luôn cầu nguyện, nếu chúng ta biết phó thác cuộc sống của mình trong sự quang phòng của Thiên Chúa.

Ơn của Chúa thì rất nhiều, nhưng tôi có đón nhận ơn ấy như đón nhận một thần lực làm cho tôi được sống đời đời không ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Nỗi lòng

NỖI LÒNG
 
 

Cha sở tâm sự:

“Giáo dân nói mình sống vô tư, không biết buồn, không lo lắng gì cả, nhưng họ đâu biết rằng mình lo nghĩ làm sao để giáo dân biết sống đoàn kết yêu thương; có những đêm mình không ngủ được vì thấy Chúa trao cho mình không phải một trăm giáo dân mà là cả ngàn giáo dân, vì nếu không chu toàn trách nhiệm thì phải trả lẻ trước mặt Chúa; mình đang tìm cách để các thanh niên trong giáo xứ bớt rượu chè cờ bạc; tìm cách để phụ huynh cho cho em mình tham gia các sinh hoạt của nhà thờ vì họ nghèo quá...”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Không hợp lệ

KHÔNG HỢP LỆ
 
 
Anh thanh niên đem giấy chứng nhận Rửa Tội, Thêm Sức và giấy chứng nhận độc thân.v.v…trình cho cha sở ở một họ đạo miền quê, để xin làm phép hôn phối. Cha sở đòi giấy chứng nhận đã học “giáo lý hôn nhân”, anh thanh niên hí hửng trình cha giấy chứng nhận mà anh đã học qua lớp “giáo lý hôn nhân” tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế - Sài Gòn, cha sở coi xong rồi phán:
 
“Không hợp lệ, tôi chỉ định cho ai dạy thì người ấy mới được dạy”.

Anh thanh niên hết lời để nói !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Đọc sách nhiều


ĐỌC SÁCH NHIỀU

 


 


      Trong lớp học tìm hiểu thêm về phụng vụ của giáo xứ nọ, cha sở thường khoe với giáo dân là mình ở nước ngoài từ nhỏ, đọc nhiều sách (thực ra ngài vượt biên khi khoảng 20, 21 tuổi, sau biến cố “bảy lăm”, chưa học đại học), dạy rằng:

- “Hàng giáo sĩ có hai loại: một là các giám mục, linh mục và phó tế; hai là tất cả những ai phục vụ bàn thờ như người đọc sách, người giúp lễ, người cắm hoa, người hát đáp ca, đều là hạng giáo sĩ.v.v... [1]

Giáo dân nghe mà kinh ngạc, vì từ trước đến nay chưa hề nghe giáo lý như thế bao giờ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 

[1] Chỉ có chức Tư tế mới có 2 loại: một là chức tư tế phổ quát, tức là tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội; hai là chức tư tế đặc biệt, tức là các linh mục và giám mục.

Xức dầu kẻ liệt

XỨC DẦU KẺ LIỆT
 
 
 

      Cha sở đang đọc sách ở phòng khách, giáo dân đến mời cha đi xức dầu kẻ liệt ở bệnh viện, ngài quăng quyển sách xuống bàn, nạt và đuổi giáo dân ấy về, nói: “Tôi bận, không đi”.

     Giáo dân ấy không hiểu cha sở tức giận cái gì.
     Trong toàn bộ bốn sách Phúc Âm, không có chỗ nào nói Chúa Giê-su nạt nộ và đuổi bệnh nhân ra về cả, trái lại Ngài an ủi và chữa lành cho họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Áo mão vủa Ưu Mạnh

ÁO MÃO CỦA ƯU MẠNH
 
 

Tướng quốc nước Sở là Tôn Thúc Ngao giúp cho Sở Trang vương lo việc quốc sự, rất có thành tích chính trị, Sở Trang vương rất đề cao ông ta. Nhưng sau khi Tôn Thúc Ngao tạ thế, Sở Trang vương lại quên mất công đức của ông ta, và đối với cuộc sống của con cháu ông ta thì không hề chăm sóc.

Ưu Mạnh mặc áo quan của Tôn Thúc Ngao, bắt chước thái độ của thần thánh, đi về phía Sở Trang vương chúc thọ. Trang vương rất kinh ngạc cho rằng Tôn Thúc Ngao sống lại, và yêu cầu ông ta ra làm tướng lại. Ưu Mạnh nói:

-         “Vua tôi của nước Sở có nhiều việc không làm được, giống như Tôn Thúc Ngao, tận sức kiệt lực vì nước Sở mà cống hiến sức lực, vì thế Sở vương mới được gọi là Bá, sau khi ông ta chết thì con của ông ta phải nhờ vào việc kiếm củi sống cho qua ngày…”.

Bây giờ Sở Trang vương mới phát giác ra ông ta không phải là Tôn Thúc Ngao.

Ưu Mạnh cởi bỏ áo mão của Tôn thúc Ngao hát lên một bài ca:

-         “Tham quan vô lại nhiều quang vinh, cháu con không phải lo nghèo đói, có người thì ăn xương tủy của dân; việc công mà quên việc tư thì hỏng bét, ngài coi ngày trước –quan nước Sở là Tôn Thúc Ngao, cả đời thống khổ, sau khi chết thì tiêu điều, con cháu nghèo khổ, không nơi nương tựa. Tôi xin khuyên ngài không cần làm một thanh quan, mà nên làm một tham quan ô lại thì tốt hơn !”

Sở Trang vương rất là cảm động, con cháu của Tôn Thúc Ngao từ đó được phong chức tước.
(Sử ký)

Suy tư:

     Được làm con cháu của các thánh tử đạo là một niềm vinh hạnh, nhưng cái vinh hạnh cao quý nhất chính là noi gương nhân đức “kính mến Thiên Chúa và yêu thương người” của các ngài. Bởi vì có nhiều người lợi dụng danh nghĩa con cháu của vị thánh tử đạo này, thánh tử đạo nọ để khoe khoang, để “lấy le” với mọi người với thái độ vênh vang tự đắc.

     Các tín hữu rất tôn kính và yêu mến các thánh tử đạo tiền nhân của mình, bời vì các ngài có một đời sống gương mẫu thánh thiện, dám hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô. Các ngài giờ đây không phải chỉ là gia sản của cháu con mà thôi, mà còn là gia sản quý báu của Giáo Hội, của những người Công Giáo Việt Nam và trên toàn thế giới.

Niềm tự hào của chúng ta về các ngài, không phải là giương cờ biểu ngữ, lạc quyên đóng góp xây dựng đền thờ to lớn để kính các ngài, nhưng chính là suy tư về cung cách giữ đạo và sống đạo của các ngài để bắt chước noi theo, như thế là chúng ta đã xây dựng trong tâm hồn mình một đền thờ các thánh tử đạo rất sinh động, không những một ngôi đền, mà là hàng triệu ngôi đền các thánh tử đạo trên khắp đất nước Việt Nam, và trên thế giới nơi đâu có bóng dáng người Công Giáo Việt Nam, thì ờ đó là có gương anh hùng của các thánh tử đạo Viêt Nam xuất hiện, đó không phải là đền thờ sống động sao ?

Ai hiểu thì hiểu.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư