Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Chúa nhật 3 mùa vọng

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG
 
 

Tin mừng : Mt 11, 2-11.

“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ ba mùa vọng, cũng được gọi là chúa nhật vui mừng. Vui mừng vì ngày cứu độ sắp đến, vui mừng vì nhân loại đang đi trong bóng đêm sắp được nhìn thấy ánh sáng của Đấng Cứu Độ, đó chính là Đức Chúa Giê-su. Chúng ta càng vui mừng hơn vì chúng ta tin rằng Đấng Cứu Độ đã đến trần gian và đang hiện diện với Giáo Hội mọi ngày trong bí tích Thánh Thể.

1.   Thầy có thật là Đấng phải đến không ?

Thánh Gioan Tiền Hô -một tù nhân của bạo chúa Hê-rô-đe- đang ngồi trong tù bị bốn bức tường sắt che mất với thế giới bên ngoài, nhưng vẫn cứ trông đợi Đấng mà thiên hạ đợi chờ như lời loan báo của các tiên tri, Đấng mà chính ngài đã làm phép rửa nơi song Gio-đan: Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Thầy có thật là Đấng phải đến không ? – Vâng Ngài đã đến rồi, đến cách đây hơn hai ngàn năm trong hang lừa máng cỏ nơi thành Bê-lem: nghèo nàn, bé nhỏ và tội nghiệp. Ngài đã đến nhưng người ta đã xua đuổi Ngài, không cho Ngài trú ngụ, và ba mươi ba năm sau họ lại đóng đinh Ngài vào thập giá, và coi Ngài như tên trộm cướp...

Thầy có thật là Đấng phải đến không ? – Vâng Ngài đã đến và đang ở giữa chúng ta, nơi những người nghèo như Ngài năm xưa, không phải nơi hang đá Bê-lem nhưng là nơi các viện mồ côi, nơi những trại phong cùi, những trại điều trị bệnh si da. Ngài đang cần đến những tâm hồn quảng đại của các mục-đồng-thời-đại chia sẻ với Ngài những lời nói động viên an ủi, những bó củi sưởi ấm những tâm hồn đang lạnh vì thiếu tình yêu đồng loại, tình yêu gia đình, bè bạn...

Thánh Gioan Tiền Hô ở trong ngục nhưng vẫn đợi chờ Đấng sẽ phải đến để ban ơn cứu độ cho nhân loại; chúng ta không ở trong ngục như thánh Gioan Tiền Hô, nhưng những vật chất danh vọng và xác thịt của thế gian là ngục tù nhốt chúng ta trong bể khổ của cuộc đời.

2.   Anh em xem gì trong hoang địa ?

Trong hoang địa thì có gì mà xem chứ, chỉ có thánh Gioan Tiền Hô mà thôi, nhưng ngài đang bị cầm tù và sắp bị chém đầu.

Anh em xem gì trong hoang địa ? – Có người vào hoang địa để cảm nghiệm cái tịch mịch của nó, có người vào hoang địa để tìm gặp Thiên Chúa, lại có người vào hoang địa để ngắm cảnh. Thời nay hoang địa đã có người ở, rừng sâu cũng có người ở, nhưng hoang địa mà người Ki-tô hữu biết chính là những nơi vắng bóng tình yêu Thiên Chúa. Đến mà xem cho biết để gieo tình yêu Phúc Âm cho họ.

Anh em xem gì trong hoang địa ? – Thời nay hoang địa thì không có nhiều, nhưng hoang địa nơi mỗi tâm hồn thì có nhiều, đó là những tâm hồn thiếu bóng dáng tình yêu của Thiên Chúa, đó là những tâm hồn thiếu tình người khi họ đang sống giữa xã hội chỉ có hưởng thụ và bất công.

Anh chị em thân mến,
Đừng để tâm hồn mình biến thành hoang địa thiếu vắng tình yêu đích thực của Thiên Chúa, đừng để tâm hồn mình trở nên khô cằn như hoang địa vì thiếu tình người, nhưng hãy làm cho tâm hồn mình ấm áp hơn bằng những phục vụ hy sinh cho người bất hạnh và khốn khó, đó là hoa đẹp trổ bông trong sa mạc của thời hiện nay...

Chủ nhật màu hồng là chủ nhật của vui mừng, màu hồng của tình yêu thương đang tô đẹp tâm hồn của người tín hữu, màu hồng là niềm vui chờ đợi ngày viên mãn của Con Thiên Chúa giáng trần với mỗi người trong chúng ta. Hãy dọn lòng cho trong trắng để chờ đón Ngài. Alleluia.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Em của quan lục sự Lô

EM CỦA QUAN LỤC SỰ LÔ
 
 

Ở huyện Quắc có một viên lục sự họ Lô.

Một lần, muốn lấy lòng Thích Sử, bèn nói :“Táo nhà tôi vừa mới chín, vài bữa nữa tôi đem biếu đại nhân vài quả ăn thử cho biết”. Thích Sử rất phấn khời.

Sau khi quan lục sự về nhà, liền sai đứa em đi lấy táo, đứa em bước vô nhà, nhưng rất lâu mà không thấy đi ra, lục sự bèn đi vào hỏi em, đứa em trả lời:“Lúc vừa mới bước vào thì táo đã bị ăn gần hết ạ !”

Quan lục sự nghĩ rằng táo đã bị người khác ăn mất tiêu, nên giận dữ nói:“Thằng ngốc, người ăn táo có nói gì với mày không ?”

“Nó bảo là em của quan lục sư Lô”.

Lại hỏi:

-“Đây là táo chưa chín, làm sao có thể ăn hết được chứ ?”

Đứa em trả lời:

“Ăn từng quả từng quả thì hết ngay ạ !”

Lại hỏi:

-“Người đàn ông này hình dáng như thế nào ?”

Đứa em nói:

-“Đến ăn táo, trong mình khát thì ăn sạch trơn !”
(Khải Nhan lục)

Suy tư:

Khi chúng ta thấy một gia đình có tiếng là đạo đức mấy đời, cha mẹ thật thà chất phác, có người làm linh mục làm bà Sơ, mà trong gia đình lại có những người sống hoang đàng, tội lỗi, thì chúng ta thường chê trách này nọ, nói: “Con dòng cháu giống chi mà lạ thế, hư thân mất nết...”

Cũng vậy, mọi người sẽ chê cười chúng ta khi chúng ta sống không đúng với đức tin của người Công Giáo, khi chúng ta mang danh là con cái của Thiên Chúa, mà sống như con cái của ma quỷ, nghĩa là vẫn nói hành nói xấu người khác, vẫn âm mưu hại người, vẫn tham lam và đắm mê sắc dục.v.v...người ta sẽ nói như thế này về chúng ta : “Người công giáo chi mà lạ thế, sống như lũ ăn cướp...”

Không ai nhìn thấy Thiên Chúa cả, bởi vì Ngài là Đấng vô hình, nhưng mọi người có thể thấy được việc làm của Thiên Chúa qua mọi hành động của chúng ta: bác ái và yêu thương. Và khi chúng ta vì yêu thương tha nhân mà làm công việc bác ái, thì chúng ta đã giới thiệu khuôn mặt hiền hậu và yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người rồi vậy.

Vậy thì, ai dám chê cười chúng ta là người Công Giáo mà sống như phường tội lỗi chứ ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Quay mặt là quên

QUAY MẶT LÀ QUÊN
 


Thời xưa, ở huyện Hộ có một người rất hay quên, anh ta tay cầm búa rìu vào trong ruộng chặt củi, vợ cũng đi theo anh ta.
Đến trong ruộng, anh ta vì muốn đi đại tiện gấp, nên bỏ cái búa rìu trên đất và đi đại tiện bên cạnh, xong việc thì đứng lên chợt thấy cái búa rìu trên đất, phấn khởi nói:
-“Ta nhặt được cái búa rìu !” và nhảy dựng lên, vừa vặn giẫm lên đống phân mà anh ta vừa đại tiện, anh ta suy đi nghĩ lại nói:
-“Nhất định là có người đi đại tiện ở đây và quên cái búa rìu”.
Vợ nói:
-“Ông vừa mới cầm búa đi chặt cây, bởi vì đi đại tiện, nên đem búa bỏ trên đất, sao mới chớp mắt mà đã quên rồi à !”
Ông ta cẩn thận nhìn kỷ khuôn mặt của vợ và hỏi:
-“Cô tên gì nhỉ, không biết là tôi đã gặp cô ở đâu rồi thì phải ?
(Khải Nhan lục)

Suy tư:

Không ai có thể vừa ngoảnh mặt là quên mất tiêu vợ của mình, và cũng không có ai quên mất công việc mình đang làm, chỉ có những người bị bệnh tâm thần và đãng trí rất nặng mới hay quên như thế.
Có hai cái “quên” rất là kỳ cục, đó là :
-Quên mất cái hay, cái ưu cái tốt của tha nhân.
-Quên rất nhanh các khuyết điểm của mình.

Và có hai cái “nhớ’ rất là đáng ghét, đó là :
-Nhớ rất dai những khuyết điểm của anh em.
-Nhớ rất kỷ những việc mình đã làm cho tha nhân.
Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta hãy tha thứ cho anh em, không những là bảy lần, nhưng là bảy mươi bảy lần bảy (Mt 18, 22), cũng có nghĩa là Ngài muốn chúng ta quên đi những khuyết điểm của anh em, quên đi những thiếu sót bất toàn của tha nhân, để tập tha thứ như Ngài đã tha thứ vô vàn tội lỗi của chúng ta. Đây là cái “quên” có ý nghĩa, hơn hẳn cái “nhớ” đáng ghét mà chúng ta thường vênh váo khi giúp đỡ cho ai một việc gì đó.
     Quên đi những khuyết điểm của anh em để tập cho mình có tâm hồn quãng đại, và nhớ mãi những khuyết điểm của mình để sám hối, ăn năn.
       Nhớ hoài những ưu điểm tốt lành của anh em để noi theo và khuyến khích mình, và quên đi những việc mình đã làm cho anh em, vì như thế sẽ không còn sinh ra tự mãn và kiêu căng.
       Quên để mà nhớ, nhớ để mà quên là ở đó vậy !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Hiếu tử "ba đậu"


HIẾU TỬ “BA ĐẬU”
 
 

Có một vị quan lớn, rất nổi tiếng là người con có hiếu.

Song thân của ông ta người trước kẻ sau đều trở thành người quá cố, trong thời gian để tang, sự đau đớn của ông hiện ra trên cả mặt mày, lễ tang vượt quá sự dự liệu, và vì việc ấy mà ông ta so với người khác thì càng có hiếu hơn.

Ông ta gối đầu trên đất, ngủ trên chiếu cỏ, và len lén lấy dầu ba đậu bôi trên mặt, cố ý làm ra bộ mặt đau khổ, để bày tỏ mình cũng khóc lóc đau khổ rất là bi ai.
(Nhan thị gia huấn)

Suy tư:

     Để bày tỏ tình cảm giả dối của mình với người yêu, anh có thể len lén bôi nước bọt lên mắt để phỉnh gạt tình yêu của họ; để được mau thăng quan tiến chức, bạn có thể nịnh hót cấp trên bằng những mánh lới “nhà nghề” của mình.v.v... Nhưng trong tình cảm của con cái đối với cha mẹ, thì anh không thể lừa dối lấy dầu bạc hà bác sĩ Tín bôi lên mắt, để cho mọi người thấy anh cũng khóc thương đấng sinh thành, bởi vì cha mẹ suốt đời yêu thương con cái không vụ lợi, không quản ngại gian nan vất vả để nuôi nấng cho anh nên người, do đó mà anh không thể đánh lừa cha mẹ cũng như đánh lừa...Thiên Chúa.

Người yêu thương cha mẹ cách giả dối, thì không thể yêu người khác cách thành thật, và càng không thể chia sẻ niềm vui nỗi buồn với người khác cách thành thật, vì nơi tâm hồn họ tràn đầy những ích kỷ và mưu lợi cho bản thân.

Yêu người cách thành thật là nét nổi bật của người Ki-tô hữu, vì chính họ đã học được nơi Đấng yêu người rất chân thật, và đã chết cho người mình yêu, đó chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô- Chúa chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Ân sủng rẽ tiền

ÂN SỦNG RẺ TIỀN
 
 

      Một thầy đại chủng sinh (thần học năm thứ hai) đi giúp xứ, hỏi cha sở:

-“Thưa cha, ông Bonhoeffer mục sư Tin Lành (người Đức) nói: ân sủng rẻ tiền là lời rao giảng ơn tha thứ mà không đòi hỏi hoán cải, chịu Phép Rửa mà không cần sống theo giáo huấn của Giáo Hội, rước lễ mà không cần xưng tội, nhận ơn xá giải mà không cần thống hối. Ân sủng rẻ tiền là thứ ân sủng không đòi hỏi phải sống đời sống người môn đệ, thứ ân sủng không có thập giá, thứ ân sủng không có Đức Giê-su Ki-tô, Đấng hằng sống và nhập thể làm người”, là như thế nào ?

Cha sở cười cười trả lời:

-“Một: Ân sủng là do Thiên Chúa ban cho con người nhờ công nghiệp (chết và sống lại) của Đức Chúa Giê-su, thì làm gì mà có loại rẻ tiền và đắc tiền. Cho nên, nếu ân sủng mà không có thập giá, không có Đức Giê-su Ki-tô thì đó không phải là ân sủng, mà là sự cám dỗ và lừa dối của ma quỷ.

-Hai: anh em Tin Lành quan niệm về ân sủng khác xa với Giáo Hội Công Giáo. Thầy thích trích dẫn lời của các ông mục sư hay thích trích dẫn lời của Đức Chúa Giê-su và giáo huấn của Giáo Hội ?"
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Ghi âm

GHI ÂM
 
Có người hỏi một giáo dân:

-“Sao mấy hôm nay không uống cà phê với cha sở ?”

Giáo dân nọ trả lời:

-“Tớ thấy bà thư ký của cha sở uống cà phê mà không nói gì cả, tớ nghi là lúc đó ổng đang ghi âm những lời nói của mình, nên tớ sợ không dám cùng uống cà phê nữa”.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Giỏi thần học

GIỎI THẦN HỌC
 


      Lễ trọng, cha sở giải thích tràng giang đại hải về mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi, giáo dân kẻ ngáp người gục đầu...

     Một giáo dân ngoái đầu lui nói với giáo dân ngồi phía sau:

-“Ông cha sở mình giỏi thần học quá, giảng cả tiếng đồng hồ rồi mà tui không hiểu gì cả."
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.