Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Chúa nhật 2 Phục Sinh (Lòng Chúa Thương Xót)


CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 20, 19-31.
“Tám ngày sau, Đức Giê-su đến”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, đó là một tin vui cho mọi người, nhưng niềm vui sẽ được nhân lên nhiều nếu chúng ta đón nhận niềm vui ấy với tất cả sự bình an trong tâm hồn.

 Một hôm chuột túi hỏi Đấng tạo dựng:
-      “Xét cho cùng thì thiên đàng ở đâu?”
-      “Ở đây”.
-      “Ở đâu?”- Chuột túi nhìn chung quanh bốn phía, không hiểu hỏi: “Sao con không thấy?”
Đấng tạo dựng dịu dàng trả lời:
-    “Bé con, nếu như trong lòng con có thiên đàng, thì không có chỗ nào là không phải thiên đàng. Nếu như trong lòng con không có thiên đàng, thì dù cho con có ở trong thiên đàng thật, thì con nhìn cũng không thấy thiên đàng !”[1]

Thiên đàng chính là sự bình an thật, ở trong thiên đàng nhưng nhìn không thấy thiên đàng vì không có sự bình an thật trong tâm hồn, những người này họ có đầy đủ mọi thứ như tiền, danh vọng, chức vụ, nhưng tâm hồn lúc nào cũng thấp thỏm lo âu vì không có bình an trong tâm hồn, ở đâu có bình an thật thì ở đó chính là thiên đàng.

Có những người đón nhận niềm vui trong lo âu, đó là những cha mẹ nghèo lo âu khi nghe tin con mình thi đỗ đại học; có những người đón nhận niềm vui trong u sầu, đó là những người di dân đang ở thành phố vui mừng khi nghe chính sách nhập cư, nhưng u sầu vì điều kiện xem ra khó hơn trước; có những người đón nhận niềm vui trong sợ hãi, đó là những người được đề bạt lên chức vụ cao hơn vượt quá khả năng của mình; có những người đón nhận niềm vui trong thù hận, đó là những người khi nghe tin ông tham nhũng này bị hầu tòa, ông “trời con” kia bị ngồi tù vì hà hiếp dân lành.

Niềm vui và bình an của thế gian thì không trọn vẹn, niềm vui và bình an của người đời ban cho chỉ là tạm bợ theo cái vui cái thích của cơ chế ban cho, cũng như theo cái tính khí thất thường của con người, cho nên không một ai có được niềm vui và bình an lâu dài của người đời ban tặng.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, và việc đầu tiên Ngài ban cho các môn đệ chính là sự bình an -bình an của Nước Trời- sự bình an này như phương thuốc đắng (khổ nạn) khi uống, nhưng sẽ ngọt ngào sau khi uống xong (phục sinh) và sẽ được sự sống đời đời trong Nước Chúa.

Khi chúng ta đón mừng Tin Vui Phục Sinh của Đức Chúa Giê-su là lúc chúng ta đón nhận bình an thật của Ngài, bởi vì không ai tìm sự bình an trong sự lừa đảo dối gian, nhưng trong sự thật; không ai tìm sự bình an trong cái hư mất, nhưng trong cái vĩnh hằng; cũng không ai tìm sự bình an trong hỗn loạn, nhưng trong sự an bài theo thánh ý của Thiên Chúa, mà bình an của Thiên Chúa chính là phó thác mọi sự trong tay Ngài...

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã đem bình an của Ngài trao ban cho các môn đệ, để các ngài cũng đem bình an ấy trao lại cho những người nghe lời các ngài rao giảng và tin vào Đấng Phục Sinh. Chúng ta cũng sẽ đem bình an của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh trao cho những người chung quanh bằng thái độ khiêm tốn, lời nói hòa nhã và cuộc sống vui tươi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 



[1] Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Tượng đài


TƯỢNG ĐÀI
Thấy nhà thờ mình không có tượng đài Lòng Chúa Thương Xót, một giáo dân giàu có nói với cha sở:
-         “Thưa cha, con thấy hình như trong giáo phận nhà thờ nào cũng có tượng đài Lòng Chúa Thương Xót, tại sao giáo xứ mình không có ?” ngừng một chút, ông ta nói tiếp: “Nếu cha cần tiền thì con sẽ ủng hộ để cha xây tượng đài Lòng Chúa Thương Xót.”
Cha sở nói rất nghiêm túc:

-         “Tôi nghĩ rằng, giáo dân mình nên xây tượng đài Lòng Chúa Thương Xót trong lòng của mỗi người, nếu xây tượng đài Lòng Chúa Thương Xót cho to lớn đẹp đẽ ngay trong khuôn viên nhà thờ mà giáo dân cứ chửi nhau, cứ ghen ghét nhau, cứ nói xấu nhau, cứ thù hiềm nhau, thì xây dựng tượng đài chỉ làm tủi nhục Chúa thêm mà thôi...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thương tiếc


THƯƠNG TIẾC
Khi ngài đến nhận xứ khoảng vài tháng đầu, thì có rất ít giáo dân thích ngài, vì ngài rất thẳng thắn trong lập trường, trong sáng khi giảng dạy, nhiệt tình trong công việc, nghiêm khắc trong lễ nghi, vui vẻ hòa đồng khi sinh hoạt...

Mấy năm sau, ngài lại được bài sai đi nhận xứ khác, giáo dân kẻ buồn người khóc vì họ thấy giá trị tinh thần mục tử nơi con người của ngài...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Tự cho mình là đúng


TỰ CHO MÌNH LÀ ĐÚNG
Ngải Tử rất giỏi đi săn nên có nuôi một con chó să, mỗi lần đi săn thì thế nào cũng dẫn nó theo sau, sau khi săn thì trong bao tử của nó thế nào cũng có tim, gan cũa thỏ rừng đã bắt được.
Một hôm, thỏ rừng rất ít, cái bụng của chó săn đói sôi sùng sục, đột nhiên nó thấy hai con thỏ từ trong bụi cỏ nhảy ra, Ngải Tử liền thả chim ưng truy đuổi, con thỏ rất tinh khôn chạy lui chạy tới, chó săn nhảy vồ qua túm lấy, nhưng lại cắn nhầm con chim săn, chim chết thỏ chạy.
Ngải Tử vội vàng nhảy theo, lôi con chim từ trong miệng chó săn ra, vô cùng giận dữ, nhưng chó săn lại làm giống như mỗi lần đi săn, cho rằng bắt được vật, lắc lắc cái đuôi nhìn Ngải Tử đợi thưởng đồ ăn.
Ngải tử hằm hằm chửi dữ tợn:
-         ”Mày là con chó không biết gì cả, lại còn ở đây cho rằng mình có công à !”
                                     (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Con người hơn hẳn con vật là ở chỗ biết suy nghĩ, biết cân nhắc hơn thiệt khi hành động.
     Cho nên khi ai chửi mình là con bò, là con chó, thì nhất định sẽ có “màn giác đấu” tay đôi xảy ra, vì không một ai muốn mình trở thành loài vật, như thế cũng hiểu rằng, con người là một loài mà Thiên Chúa tạo dựng cách tuyệt vời, và tuyệt vời hơn nữa khi cứu chuộc họ...
     Nhưng có những tín hữu không nhìn thấy sự tuyệt vời của ơn cứu chuộc ấy, họ vẫn sống như trên đời này không có Chúa có Mẹ, họ sống trong sự đòi hỏi ăn uống thụ hưởng của thân xác, có ai đó nói đến việc xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh thì họ la to lên: “Xưng tội là dành cho người tội lỗi, tôi làm ăn đàng hoàng, không cho vay ăn lời nặng lãi, không lấy vợ của người khác, không có bồ nhí, không đi hát kara-ôkê cà phê ôm, thì tội đâu mà đi xưng chứ ?!”
Con chó săn của Ngải Tử cũng “kể công trạng” sau khi cắn chết con chim ưng săn yêu quý của chủ và đứng đợi để được thưởng công, nhưng không ai trách nó cả, vì nó là một con chó săn làm theo bản năng của con vật chuyên săn bắt, nó không biết phân biệt đâu là con chim yêu quý của chủ và đâu là con chim bị săn bắn. Cũng như người tín hữu kia không phân biệt được đâu là nguồn ơn cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa nơi các bí tích, và đâu là cạm bẩy của ma quỷ nơi sự hưởng thụ của cải vật chất.

Khi người luôn tự cho mình là đúng thì lúc ấy chính họ đã làm sai, bởi vì họ lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn phán đoán người khác...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Ngải Tử cầu thuốc


NGẢI TỬ CẦU THUỐC
Ngải tử theo hầu Tuyên vương.
Một hôm, lúc vào trào kiến nhà vua thì mặt mày âu sầu, Tuyên vương cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi Ngải tử tại sao ?
Ngải tử trả lời:
-         “Con trai tôi đột nhiên bị bệnh, nghĩ rằng muốn nói cho đại vương hay, nhưng nghĩ đây là chuyện nhỏ, cho nên mắc cở không muốn nói, bây giờ mặc dù người ở triều đình, nhưng lòng thì nhớ về đứa con nhỏ”.
Tuyên vương nó:
-         “Tại sao ông không nói sớm, ta có thuốc tốt, thật có thể nói là thuốc đến thì bệnh tiêu tan”.
Thế là sai người đi lấy thuốc đưa cho Ngải tử, Ngải tử bái tạ mà trở về để cho con uống thuốc, hai, ba giờ sau, đứa con chết mất tiêu.
Sáng ngày hôm sau, lúc Ngải tử vào triều thì rất là buồn thảm, Tuyên vương lại hỏi Ngải tử, tại sao mặt mày lại tiếp tục sầu khổ, và nói:
-         “Con ông chết thật thương tâm, ta quyết định ban tiền bạc để giúp ngươi tống táng”.
Ngải tử nói:
-         “ Con tôi chết không đáng để cho đại vương ban ơn, nhưng tôi có một vật cũng giống như xin đại vương giúp vậy”.
Tuyên vương hỏi vật gì, Ngải tử nói:
-         “Chỉ muốn lấy được thang thuốc mà hôm trước đại vương ban cho đứa con của tôi”.
                                     (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Nếu bác sĩ cho bệnh nhân uống nhầm thuốc mà chết, thì ông bác sĩ ấy có nước đi “ủ tờ” và giải nghệ gấp gấp, nhưng nếu nhà vua mà cho nhầm thuốc, thì biết kiện ai bây giờ, , cách hay nhất của Ngải tử là xin lại thang thuốc ấy, để nhà vua khỏi ban cho người khác, đúng là khôn ngoan[1].
     Thánh Mác-xi-mi-li Ma-ri-a Kôn-bê đã xin được chết thay cho người tử tội, ngài chết nhưng người tử tội và dòng họ con cháu của ông được tồn tại trên mặt đất, ngài không những chết thay cho một người mà cho nhiều người.
     Sống vì người khác là lý tưởng của người Công Giáo, lý tưởng này bắt nguồn từ thập giá của Đức Chúa Giê-su, Ngài đã chết thay cho nhân loại được sống. Và hơn hai ngàn năm qua, lý tưởng cao đẹp này đã có rất nhiều người noi theo vì tha nhân mà phục vụ.
Có một bài hát mà tôi rất tâm đắc, mỗi khi sinh hoạt với các hướng đạo sinh hay các đoàn thể trẻ khác tôi đều xướng lên: “Nào ta cất bước theo Chúa đi vào đời, hành trang ta mang trên vai phục vụ mọi nơi...Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ (màng)...” Một bài hát nói lên trọn tâm tình của người Công Giáo khi phục vụ tha nhân.
Phục vụ là đem gánh nặng của người khác bỏ lên vai mình, và đem tình yêu của Thiên Chúa đặt trong tim của tha nhân.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

[1] (Đọc báo thấy ở Việt Nam các bác sĩ kê nhầm thuốc, các y tá chích nhầm thuốc là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng pháp luật cũng chẳng làm gì họ.)

Cha ngu con đần


CHA NGU CON ĐẦN
Nước Tề có một người rất giàu có, nhưng con cái rất ngu, một hôm, Ngải tử nói với ông ta:
-         “Con của ông không thông thế sự, sau này làm sao có thể kế thừa gia sản của ông chứ ?”
Người giàu có không vui, nói:
-      “Con tôi rất thông minh !”
Ngải tử nói:
-         “Vậy thì ông hỏi chúng nó, gạo mà chúng nó ăn là ở đâu mà có ? Nếu trả lời đúng, tức là thông minh”.
Người giàu có kêu các con lại hỏi, con cái cười vui rôm rã nói:
-         “Cái đó mà không biết sao, mỗi lần như thế thì đều lấy từ trong bao bố ra ạ”.
Sắc mặt của phú ông trắng bạch, nói:
-         “Mày đúng là đứa quá ngu đần, gạo không phải từ trong ruộng lấy về sao ?”
Ngải tử cười ha ha nói:
-         “Trong ruộng tự nó lớn lên sao ? Coi, ông là cha mà còn như thế, sinh con ra không phải như thế sao”.
                                  (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Người ta thường nói cha nào con nấy, thầy nào trò nấy, Đức Chúa Giê-su cũng nói: xem quả thì biết cây .
     Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Người là Đấng tốt lành, chúng ta là con của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trở nên tốt lành như Thiên Chúa vậy, đó là “cha nào con nấy”.
     Đức Chúa Giê-su là thầy của chúng ta, Ngài đã vì yêu mà trở nên người tôi trung của Thiên Chúa, và Ngài đã chết để cứu chuộc nhân loại, chúng ta cũng học nơi Ngài tình yêu không vụ lợi và mau mắn ra đi phục vụ tha nhân, và cuối cùng vì yêu mà chết, mà chịu khổ hình, bị hiểu lầm, đó là “thầy nào trò nấy”.

     Chúng ta như cây nhãn lồng, cây đu đủ, hay cây cam, cây quýt, cây gì cũng được, được trồng trong vườn cây của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta được lớn lên bằng đức tin, được bón phân bằng các ân sủng của Chúa, chúng ta đơm bông kết trái, trái thì ngon, hương thì thơm, ai cũng thích ăn, ai cũng thích ngửi, đó là các việc lành mà chúng ta đã làm cho tha nhân, cho nên khi nhìn trái nhìn hoa (các việc lành) thì ai ai cũng nhìn thấy chúng ta chính là con cái của Thiên Chúa. Hạnh phúc thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư